Đến và tin
2/5 Thứ Hai Thánh Anathasiô, Gmtsht
Cv 6:8-15; Tv 119:23-24,26-27,29-30; Ga 6:22-29
Đến và tin
Thánh Athanius bảo vệ Tin Mừng chống lại bất đồng ý kiến và dị giáo, và diễn giải tình yêu của Chúa Kitô – Đấng đã cứu độ chúng ta, không vì bất cứ điều gì chúng ta đã làm, nhưng vì lòng xót thương của Người.
Thánh Athanasiô được chào đời ở Alexandria, Ai Cập, khoảng đầu thế kỷ thứ ba và lớn lên trong một thời đại khi giáo hội (ở đó) bị đe dọa nghiêm trọng bởi những rối loạn về chính trị và luận chiến về tôn giáo. Giữa những tranh chấp học thuyết gay cấn giữa các giám mục, và sự kình địch cũng như mưu đồ giữa các cận thần, Athanasiô đã đứng độc lập như một người có đức tin sâu sắc và dấn thân say mê cho Chúa Kitô.
Tin Mừng chúng ta vừa nghe kết thúc Chương 6 của Phúc Âm Gioan, đó cũng là phần kết diễn từ của Chúa Giêsu về Bánh trường sinh. Sau lời khẳng định của Chúa Giêsu về Bánh hằng sống, rằng: chính Người là Bánh từ trời ban xuống, và phải ăn thịt và uống máu Người thì mới được sống đời đời; thì hôm nay, Gioan sẽ tường thuật phản ứng của các môn đệ (nhóm Bảy Mươi Hai) và phản ứng của các tông đồ (nhóm Mười Hai) mà Phêrô là người đại diện, đó là những đồ đệ thân tín của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy xem họ phản ứng thế nào trước mặc khải của Chúa Giêsu về Bánh trường sinh, và xem chúng ta đứng ở vị trí nào?
Trước hết, chúng ta hãy xem phản ứng của các môn đệ. Tác giả Gioan mở đầu đoạn Tin Mừng rằng, khi nghe Chúa Giêsu nói Người là Bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời, thì chẳng những người Do thái nghe không lọt tai, mà bấy giờ các môn đệ cũng không thể chấp nhận được, liền phản ứng: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi!”. Họ đã hiểu điều Người nói theo nghĩa mặt chữ, nghĩa vật chất phàm tục, mà không chịu hiểu theo nghĩa tâm linh được Thần Khí soi dẫn.
Thế là “nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa”. Chúng ta thấy, Chúa Giêsu đã chấp nhận để cho các môn đệ bỏ đi mà không có bất kỳ sự níu kéo nào, hay sự năn nỉ nào. Quả đúng với lời Chúa Giêsu đã nói trước đó: “không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho”. Rõ ràng, ơn đức tin là một ơn ban chứ không phải do nỗ lực từ phía con người mà có được.
Tiếp đến là phản ứng của các tông đồ (nhóm Mười Hai). Sau khi một số môn đệ rút lui, Chúa Giêsu hỏi nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”. Ông Simon Phêrô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Như vậy, các môn đệ rút lui vì họ không thể theo một người nói những lời không theo lề lối suy nghĩ của con người. Họ bỏ lỡ cơ hội học hỏi suy nghĩ cao siêu của Thiên Chúa. Trong khi đó, chưa chắc Phêrô và các tông đồ đã hiểu được mầu nhiệm Thánh Thể là lấy thịt Chúa cho nhân loại ăn, nhưng ít nhất Phêrô tin vào uy tín của Thầy không thể nói điều sai lạc vì Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Đồng thời, lời tuyên xưng của Phêrô và sự trung thành của các tông đồ là điểm sáng về niềm tin và lòng trung tín cho chúng ta, nhất là ngày hôm nay không thiếu những người đã lìa bỏ Giáo Hội.
Khi Chúa làm dấu lạ hóa bánh ra nhiều cho người ta được ăn no nê, dân chúng hả hê đi theo Chúa nườm nượp. Nhưng hôm nay, Chúa bày tỏ tình thương xót của Người khi hứa ban của ăn thần thiêng là chính mình Người đem lại sự sống vĩnh cửu cho nhân loại, thì nhiều người trong đám đông bắt đầu tìm cách rút lui; trong số đó, có cả một số môn đệ của Chúa. Họ không mấy quan tâm đến sự sống vĩnh cửu xa xăm nào đó, mà họ chỉ muốn biết đến đời sống vật chất ở đời này. Đối với họ, thế là đủ rồi!
Nếu chúng ta có mặt hôm đó, thì phản ứng của chúng ta sẽ thế nào? Đây là câu hỏi mà chúng ta phải chân thành trả lời trước mặt Chúa. Bởi vì, nhiều khi ta đến với Chúa cốt chỉ để xin những sự dưới đất mà chẳng mặn mà với những thực tại trên trời cao. Rồi khi xin mãi những sự dưới đất như tiền tài, danh vọng, địa vị, chức tước và những sự giàu sang phú quý mà chẳng thấy Chúa ban, ta đâm ra chán nản, chẳng thiết tha đến với Chúa nữa. Thậm chí, vì xin mãi những sự dưới đất không được, ta liền nghi ngờ không biết Chúa có thật hay không và cuối cùng ta nghe theo lời người khác cúng vái tứ phương, thờ hết thần này đến thần nọ để mong có được sự an ủi về đời sống gắn liền với tiền tài, vật chất thế gian này. Chẳng lẽ đời sống đức tin của ta, giống như đám đông dân chúng xưa kia, chỉ gói gọn trong mấy chuyện vật chất thế gian hay sao? Chẳng lẽ chỉ vì không được an ủi về đàng vật chất mà ta nghi ngờ tình thương của Chúa và quyết tâm bỏ Chúa hay sao?
Diễn từ của Chúa Giêsu về Bánh trường sinh cuối cùng lại đi đến một kết thúc buồn, đó là đám đông dân chúng và nhiều môn đệ rút lui vì không thể tiếp nhận mặc khải của Người. Nhưng điểm sáng mà Tin Mừng hôm nay nhắm tới là Phêrô đã đại diện cho nhóm Mười Hai trả lời rằng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”.
“Chẳng lẽ anh em cũng muốn bỏ đi sao?” Đức Giêsu buồn rầu hỏi nhóm Mười Hai như thế. Simon đại diện anh em đã xin được tiếp tục ở với Thầy, đi với Thầy. “Bỏ Thầy chúng con biết đi với ai ?” Lời của Thầy tuy khó nghe, nhưng con tin đó là lời ban sự sống đời đời (c. 68). Lời của Thầy tuy chướng tai, nhưng lại là thần khí và là sự sống (c. 63). Simon tin Thầy Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa (c. 69). Đấng Thánh là Đấng từ trời xuốngvà cũng là Đấng sẽ lên trời nơi đã ở trước kia (c. 62).
Có thể điều làm con người hôm nay bỏ đạo, bỏ Chúa Giêsu, lại không phải là những lời khó nghe của Ngài, mà là đời sống của các Kitô hữu, những người không dám sống các lời ấy. Nhiều người thấy chướng khi nhìn vào cuộc sống của họ. Xin Chúa Cha ban cho chúng ta ơn đến với Giêsu, và kiên trì ở lại với Ngài.
Còn chúng ta hôm nay, liệu chúng ta có dám ở lại với Chúa khi những người chung quanh không còn tin Chúa? Chúng ta có dám gắn bó với Chúa khi phần đông nhân loại đang chạy theo sức hút của tiền bạc, vật chất? Chúng ta cùng thinh lặng giây lát, nhìn nhận con người yếu đuối đã bao phen chúng ta rút lui trước lời mời gọi yêu thương của Chúa.