Đến mà xem
4.1Thánh Elizabeth Ann Seton
1 Ga 3:7-10; Tv 98:1,7-8,9; Ga 1:35-42
Đến mà xem
Mẹ Xêtông là một trong những rường cột của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ. Ngài sáng lập tu hội đầu tiên dành cho phụ nữ Hoa Kỳ, Dòng Nữ Tu Bác Ái, mở trường học đầu tiên trong giáo xứ Hoa Kỳ và thiết lập cô nhi viện đầu tiên ở Hoa Kỳ. Tất cả những điều trên ngài thực hiện trong vòng 46 năm đồng thời vừa nuôi dưỡng năm người con.
Êlidabét An Bêlê Xêtông quả thực là người của thế hệ Cách Mạng Hoa Kỳ, ngài sinh ngày 28 tháng Tám 1774, chỉ hai năm trước khi có bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Bởi dòng dõi và hôn nhân, ngài có liên hệ đến các thế hệ đầu tiên sống ở Nữu Ước và vui hưởng kết quả của một xã hội tiến bộ. Được nuôi nấng trong một gia đình nề nếp Anh Giáo, ngài biết được giá trị của sự cầu nguyện, Kinh Thánh và sự kiểm điểm lương tâm hàng đêm trước khi đi ngủ. Cha của ngài, Bác Sĩ Risa Bêlê, không đóng góp nhiều cho nhà thờ nhưng ông là người rất nhân đạo, đã dạy được cho cô con gái bài học yêu thương và phục vụ tha nhân.
Sự chết sớm của người mẹ năm 1777 và của bà vú nuôi năm 1778 đã đem lại cho ngài 1 cảm nhận về sự tạm bợ của trần gian và thúc giục ngài hướng về vĩnh cửu. Thay vì ủ rũ chán chường, ngài đối diện với các biến cố mà ngài coi là sự “hủy hoại khủng khiếp” với một hy vọng đầy phấn khởi.
Vào năm 19 tuổi, Êlidabét là hoa khôi của Nữu Ước và kết hôn với một thương gia đẹp trai, giầu có là ông Viliam Magi Xêtông. Họ được năm người con trước khi doanh nghiệp lụn bại và ông chết vì bệnh lao. Vào năm 30 tuổi, bà Elidabét đã là một góa phụ, không một đồng xu và phải nuôi nấng năm đứa con.
Trong khi sống ở Ý, bà được chứng kiến phong trào Tông Đồ Giáo Dân qua gia đình của những người bạn. Ba điểm căn bản sau đã đưa bà trở về đạo Công Giáo: tin tưởng sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, sùng kính Đức Mẹ và tin rằng Giáo Hội Công Giáo là một giáo hội tông truyền do Đức Kitô thành lập. Nhiều người trong chính gia đình bà cũng như bạn hữu bà đã tẩy chay bà khi bà trở lại Công Giáo vào tháng Ba 1805.
Để nuôi con, bà mở trường học ở Bantimo. Ngay từ ban đầu, nhóm giáo chức của bà đã theo khuôn khổ của một tu hội, mà sau đó được chính thức thành lập vào năm 1809.
Hàng ngàn lá thư của Mẹ Xêtông để lại cho thấy sự phát triển đời sống tâm linh của ngài, từ những việc tốt lành bình thường cho đến sự thánh thiện cách anh hùng. Ngài chịu đau khổ vì những thử thách như đau ốm, hiểu lầm, cái chết của những người thân yêu (chồng và hai con gái), cũng như sự lo lắng đến đứa con trai hoang đàng. Ngài từ trần ngày 4 tháng Giêng 1821, và vào ngày 17-3-1963, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã tuyên xưng ngài là vị chân phước đầu tiên người Hoa Kỳ. Ngài được phong thánh ngày 24-9-1975.
Tin Mừng ghi lại câu chuyện Chúa Giêsu thâu nhận những môn đệ đầu tiên, được ghi lại trong Phúc âm theo thánh Gioan, thì mọi sự dường như đã bắt đầu từ các môn đệ. Các ông đến với Chúa trong những trường hợp khác nhau. Có người đang là môn đệ của Gioan tiền hô. Có người được anh rủ tới. Có người đến với Chúa sau lời giới thiệu: Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Cũng có người đến vơi Ngài sau lời xác quyết Ngài là Đấng Messia, Đấng Cứu Thế. Tin Mừng còn nói là họ đã đến với Ngài và sau khi đã xem chổ Ngài ở, họ đã ở lại với Ngài.
Chỗ Ngài ở, hiển nhiên không phải là đền đài nguy nga lộng lẫy, bởi vì chính Ngài đã từng tuyên bố: Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu. Họ đến với Ngài chỉ vì Ngài và chỉ vì được Ngài lôi cuốn. Chúa Giêsu đã lôi cuốn họ và sự lôi cuốn này có sức biến đổi hẳn con người của ho.
Chúa Giêsu không muón thực hiện sứ mạng của Ngài một cách đơn độc và lẻ loi, trái lại Ngài luôn mong muốn sứ mạng ấy phải được thực hiện bởi chính Ngài và được tiếp nối bởi những người đã từng chứng kiến những việc Ngài đã làm. Sứ mạng ấy là rao giảng Tin Mừng cứu độ cho mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc.
Chúng ta cũng đã đến với Chúa qua Bí tích Rửa tội và Thánh Thể. Chúng ta cũng đã trở thành Kitô hữu bằng nhiều cách khác nhau: qua sự giới thiệu của một người bạn hay của một người thân, sau một biến cố đáng ghi nhớ trong đời hay sau khi đọc xong một cuốn sách. Và thông thường nhất đó là chúng ta được diễm phúc sinh ra trong một gia đình Kitô hữu. Vấn để thiết yếu của mỗi người chúng ta, đó là đi theo Chúa và ở lại với Ngài. Nghĩa là trở thành môn đệ của Ngài, trở thành người được Ngài mời gọi và sai đi, trở thành người loan báo Tin Mừng về tình thương cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người.
Sự gắn bó với Chúa cũng như với lời Ngài, sự lắng nghe để nhận ra ý nghĩa chương trình cứu độ của Chúa trong từng sự kiện, trong gừng biến cố của cuộc sống thường ngay phải là thái độ người môn đệ trung tín của Chúa Giêsu cần phải có.
Nếu Anrê không giới thiệu Phêrô với Đức Giêsu thì có lẽ chẳng bao giờ có tông đồ Pherô đá tảng của Hội thánh.
Nếu Anrê không giới thiệu cậu bé có “năm chiếc bánh và hai con cá”, thì có lẽ chẳng có phép lạ đầy ngoạn mục hứng khởi nhất trong Thánh Kinh.
Vậy bài học của Anrê là hãy giới thiệu cho mọi người đến với Đức Giêsu. Đó là con đường rao giảng từ người này đến người kia, từng người một. Đức Giêsu rất cần những người giàu tình bạn chân thành, những bước chân mang dấu vết của thân thiện, những lời nói luôn chứa đầy nhiệt huyết, những chứng nhân ra đi kể câu chuyện: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mesia”.