ĐỂ QUYỀN LỰC CHÚA THI THỐ TRÊN ĐỜI TA
24.1.2022 Thứ Hai
Thánh Phanxicô đệ Salê, Gmtsht
2 Sm 5:1-7,10; Tv 89:20,21-22,25-26; Mc 3:22-30
ĐỂ QUYỀN LỰC CHÚA THI THỐ TRÊN ĐỜI TA
Cha của Phanxicô dự định cho chàng là một luật sư để có thể thế chỗ ông trong nghị viện tỉnh Savoy nước Pháp. Vì lý do đó Phanxicô được gửi đến Padua để học luật. Sau khi đậu bằng tiến sĩ, chàng trở về nhà, và đúng lúc ấy, chàng ngỏ ý muốn đi tu làm linh mục. Dĩ nhiên, cha mẹ chàng chống đối kịch liệt, và phải mất một thời gian khá lâu sau khi Phanxicô kiên trì thuyết phục thì ông bà mới đồng ý. Sau khi được thụ phong linh mục, Cha Phanxicô được bầu làm giáo trưởng của Ðịa Phận Geneva, sau này nơi đó là trung tâm phát xuất tà thuyết Calvin. Ngài được sai đi để hoán cải những người theo tà thuyết này, nhất là ở quận lỵ Chablais. Qua lời giảng và qua việc phân phát những tài liệu nhỏ do ngài viết để giải thích giáo lý thật của Công Giáo, ngài rất thành công.
Khi 35 tuổi, ngài là Giám Mục của Geneva. Trong khi điều hành giáo phận, ngài tiếp tục rao giảng, nghe xưng tội và dạy giáo lý cho trẻ em. Sự nhân từ của ngài đã đưa được nhiều linh hồn về với Chúa. Ngài thực hành câu châm ngôn của chính ngài là, “Một muỗng mật ong thì thu hút nhiều ruồi hơn một thùng dấm.”
Ngoài hai tác phẩm nổi tiếng của ngài là “Khởi Ðầu Ðời Sống Ðạo Ðức” và “Luận Án về Tình Yêu Thiên Chúa”, ngài còn viết nhiều cuốn sách nhỏ và rất nhiều bài báo. Vì những văn bản này mà ngài được đặt làm quan thầy của báo giới Công Giáo. Văn bản của ngài, đầy dẫy những nét nhân hậu, nhắm đến người giáo dân. Ngài muốn họ hiểu là họ cũng được mời gọi để trở nên thánh. Như ngài viết trong cuốn “Khởi Ðầu Ðời Sống Ðạo Ðức”: “Ðó là điều sai lầm, hoặc đúng hơn là một tà thuyết, khi nói rằng việc đạo đức không thích hợp với đời sống của một binh sĩ, một thương gia, một thái tử hay một phụ nữ có chồng… Ðã có nhiều người mất sự trọn lành trong cái khô khan của thế gian.”
Mặc dù sự bận rộn và cuộc đời ngắn ngủi của ngài, Cha Phanxicô đã cộng tác với một vị thánh khác, Jane Frances de Chantal, trong việc thành lập tu hội Nữ Tu Dòng Thăm Viếng. Các nữ tu này thi hành nhân đức mà Ðức Maria đã làm gương khi đến thăm người chị họ là bà Êligiabét: khiêm tốn, đạo đức và giúp đỡ lẫn nhau. Lúc đầu các nữ tu tiếp tay một cách giới hạn trong công việc bác ái đối với người nghèo và bệnh nhân. Ngày nay, trong khi một số nữ tu điều hành các trường học, một số nữ tu khác dành trọn cuộc đời để chiêm niệm.
Vào thời Chúa Giêsu, Sa-tan vốn được coi là thế lực bất khả xâm phạm, con người phải lệ thuộc vào sự may rủi của Sa-tan. Sa-tan chiếu cố đến ai thì người ấy phải chịu, phải chấp nhận. Nên khi Đức Giêsu xuất hiện, Ngài là hiện thân của quyền lực Thiên Chúa, chữa lành người bị quỷ ám, điều này đã làm cho những người Kinh Sư ghen tức và vu khống rằng: “Người dựa thế lực của quỷ vương mà trừ quỷ”.
Nhân cơ hội này Chúa Giêsu đã dựa vào lý luận của họ để quật lại họ, Ngài nói: “Sa-tan làm sao trừ được Sa-tan? Nước nào tự chia rẽ nước ấy sẽ không thể bền”. Và đồng thời khẳng định cho họ biết quyền lực của Thiên Chúa tự nơi Ngài: “Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người ấy lại trước đã, rồi mới cướp sạnh nhà nó”. Trong Tin mừng Luca còn cho chúng ta thấy rõ: “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông”.
Samuen tường thuật lại câu truyện Thiên Chúa thi thố quyền lực của Ngài trên cuộc đời Đavít. Đavít đang trong thân phận của một kẻ chạy trốn khỏi sự sát hại của vua Saolô, cô thế cô thân, không quân đội, không võ khí. Trái lại vua Saolô có đầy đủ những gì cần thiết nhất cho một vị vua cần đầu một quốc gia. Thế nhưng người được Thiên Chúa tuyển chọn và yêu mến là Đavít, vì thế quyền lực của Thiên Chúa đã phủ xuóng trên cuộc đời Đavít. Đavít đã quy tụ được toàn thể chi tộc Israen, được các Kỳ mục xức dầu tấn phong làm vua Israen, khi đó mới ở độ tuổi ba mươi. Và như sách bài đọc một viết: “Vua Đavít ngày càng mạnh thế, và Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, ở với vua”.
Hoạt động của Chúa Giêsu ở Capharnaum, miền Bắc Galilê, đã có một tiếng vang đến Yêrusalem, là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Israel thời Chúa Giêsu. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và các luật sĩ từ Yêrusalem đến chẳng có gì là tốt đẹp, mà chỉ phơi bày sự ngoan cố của các kẻ thù của Chúa. Sự ngoan cố khước từ đó đạt tới cao điểm khi họ giải thích sai lạc việc Chúa Giêsu dùng quyền năng của mình xua trừ ma quỷ ra khỏi con người, mang lại sức khỏe cho con người.
Chúa Giêsu đã rao giảng một cách có uy tín trong vùng Galilê, quanh thành Capharnaum, cùng với những dấu chỉ kỳ diệu chứng tỏ lòng nhân từ của Chúa đối với con người, đồng thời chứng minh quyền năng thần linh của Ngài. Các luật sĩ từ Yêrusalem đến, lẽ ra hơn ai hết, họ phải hiểu được những dấu chỉ kỳ diệu này, vì họ là những con người tôn giáo chuyên môn về Lời Chúa. Nếu Chúa Giêsu chỉ nói suông mà thôi, thì sự ngoan cố của các kẻ chống đối Chúa có thể còn tha thứ được, nhưng đàng này, Ngài đã thực hiện những dấu lạ để chứng tỏ quyền năng thần linh của Ngài: Ngài đã chữa người bại liệt để chứng minh Ngài có quyền tha tội; Ngài đã ra lệnh cho quỷ dữ ra khỏi nhiều người và chúng đã vâng phục.
Trước những hành động kỳ diệu của quyền năng Thiên Chúa, những kẻ chống đối Ngài nói rằng Ngài đã bị quỷ Beelzebul ám và đã dùng quyền của quỷ vương để trừ quỷ. Thật không có sự ngoan cố nào nặng nề hơn: một vị Thiên Chúa mà lại bị các nhà thông luật gán cho tước hiệu đầu mục của quỷ. Ðó là một sự xúc phạm không thể tha thứ được, vì là tội phạm đến Thánh Thần. Thiên Chúa quyền năng có thể tha thứ mọi tội lỗi nhưng Ngài không thể cứu con người, nếu con người cứ đóng kín tâm hồn mình trước ân sủng và sự soi sáng của Thiên Chúa.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, hãy để quyền lực Thiên Chúa thi thố trên cuộc đời mỗi người, hãy sống đẹp lòng Thiên Chúa, để Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta vượt qua những chặng đường gian nan nguy hiểm. Hãy Tin vào quyền lực của Chúa Giêsu, Ngài vượt trên tất cả, thống trị tất cả những quyền lực của sự dữ, của ma quỷ và sa-tan, bước đi dưới sự che chở của Ngài là sự bình an cho cuộc sống và tâm hồn.