Để lại bình an là món quà từ giã của chúng ta cho người thân
Có một cái chết lành, chết tinh tuyền, một cái chết dù buồn nhưng để lại cảm giác bình yên. Tôi đã chứng kiến nhiều lần. Đôi khi điều này được nhận ra một cách rõ ràng khi ai đó chết, nhưng cũng có khi chỉ nhận ra trong vô thức. Nó được biết đến qua hoa quả của nó.
Tôi nhớ tôi ngồi với một với một người đàn ông hấp hối vì ung thư vào độ tuổi ngoài năm mươi, anh bỏ lại một gia đình trẻ, anh nói với tôi: “Tôi nghĩ tôi không có kẻ thù nào trên thế gian này, ít nhất là tôi không biết nếu tôi có thù gì hay không. Tôi không có việc gì dang dở.” Tôi cũng nghe một lời nói tương tự ở một phụ nữ trẻ chết vì ung thư, để lại gia đình trẻ. Bà nói: “Tôi nghĩ tôi đã khóc hết nước mắt, nhưng hôm qua khi nhìn đứa con gái út của tôi, tôi thấy tôi còn nhiều nước mắt để khóc. Nhưng tôi được bình an. Rất khó, nhưng tôi không còn gì mà tôi chưa cho.” Và tôi cũng đã có lúc ở bên cạnh giường chết mà không có gì trong các lời nói trên được nói lên lời, nhưng tất cả đều được diễn tả rõ trong vụng về, trong thinh lặng mà bạn thường chứng kiến chung quanh giường chết. Có một cách chết để lại bình yên.
Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu đã nói lời từ giã dài trong Bữa Tiệc Ly vào đêm trước khi Ngài chết. Dĩ nhiên các môn đệ bị lung lay, sợ hãi và không chuẩn bị để chấp nhận thực tế tàn bạo của cái chết sắp đến. Chúa Giêsu cố gắng trấn an họ, cho họ những điều để họ bám lấy, và Ngài kết thúc như sau: Thầy đi, nhưng Thầy để lại món quà cuối cùng cho anh em, Thầy để lại bình an của Thầy cho anh em.
Tôi ngờ rằng, tất cả những ai đọc câu này đều muốn sống thời gian tang chế người thân của mình, cha mẹ, người phối ngẫu, con cái hay bạn thân của mình như vậy, ít nhất là sau một thời gian, sau nỗi buồn là cảm giác bình yên ấm áp mỗi khi nhớ lại người thân hoặc khi có ai nhắc đến. Tôi đã mất cả cha lẫn mẹ khi tôi còn ở tuổi hai mươi và dù buồn như lời chia tay, nhưng mỗi kỷ niệm đều gợi lên một tâm trạng ấm áp. Món quà từ giã của cha mẹ tôi là món quà bình yên.
Khi cố gắng hiểu điều này, điều quan trọng là phải phân biệt giữa muốn và cần. Khi tôi mất cha mẹ khi tuổi còn nhỏ, tôi vẫn rất muốn họ (và tin rằng tôi vẫn cần họ), nhưng tôi nhận ra trong sự bình an cuối cùng gia đình tôi đã có được sau khi cha mẹ qua đời, rằng nỗi đau của chúng tôi vẫn luôn còn muốn họ, nhưng chúng tôi không còn cần đến họ nữa. Trong cuộc sống và cái chết của cha mẹ tôi, cha mẹ đã cho chúng tôi những gì chúng tôi cần. Không có gì khác mà chúng tôi cần đến họ. Bây giờ chúng tôi chỉ nhớ họ và, dù còn buồn về sự ra đi của họ, mối quan hệ của chúng tôi đã hoàn tất. Chúng tôi đã bình yên.
Dĩ nhiên, thách thức của chúng ta bây giờ là ở phía bên kia phương trình, cụ thể là sống theo cách mà bình an sẽ là món quà từ giã cuối cùng của chúng ta cho gia đình, cho người thân, cho cộng đồng tôn giáo và cho thế giới của chúng ta. Làm thế nào để làm? Làm thế nào chúng ta để lại món quà bình an?
Như chúng ta biết, bình an không phải chỉ là không có chiến tranh và xung đột. Bình an được cấu thành bởi hai điều: hài hòa và trọn vẹn.
Để được bình an phải có một cái gì đó nhất quán bên trong tâm hồn chúng ta để mọi chuyển động hài hòa với nhau và phải hoàn chỉnh để nó không bị đau vì có một cái gì đó còn thiếu. Bình an là trái ngược với bất an nội tâm hay mong muốn một cái gì đó còn thiếu. Khi chúng ta không được yên ổn, đó là do chúng ta đang trải qua sự hỗn loạn hay cảm nhận một số công việc còn dang dở trong lòng. Như thế một cách tích cực, cái gì tạo nên bình an? Khi Chúa Giêsu hứa ban bình an là món quà vĩnh biệt của Ngài, Ngài đồng hóa bình an này với Chúa Thánh Thần; và như chúng ta biết, đó là tinh thần bác ái, niềm vui, hòa bình, kiên nhẫn, tốt lành, nhịn nhục, trung thành, ôn hòa, và khiết tịnh.
Làm thế nào để chúng ta để lại những điều này khi chúng ta rời cõi thế? Như thế, chết không khác gì sống. Khi một số người rời bỏ bất cứ cái gì, công việc, hôn nhân, gia đình hay cộng đoàn, họ để lại sự hỗn loạn đàng sau, một di sản của bất hòa, của việc làm dang dở, giận dữ, cay đắng, ghen tị và chia rẽ. Ký ức của họ luôn cảm nhận như một nỗi đau lạnh. Họ không nhớ dù ký ức của họ ám ảnh. Mặt khác, một số người để lại một di sản của sự hài hòa và đầy đủ, một tinh thần hiểu biết, trắc ẩn, khẳng định và thống nhất. Chúng ta nhớ những người này nhưng nỗi đau là điều ấm áp, nuôi dưỡng, của một kỷ niệm hạnh phúc.
Ra đi trong cái chết chính xác có cùng năng động này. Qua cách chúng ta sống và chết, chúng ta sẽ để lại đằng sau mình một tinh thần còn giữ mãi trong tâm trí người thân một cảm giác ấm áp mỗi khi họ nhớ chúng ta.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch