Dấu lạ tình yêu
13.2 Thứ Hai trong tuần thứ Sáu Mùa Quanh Năm
St 4:1-15,25; Tv 50:1,8,16-17,20-21; Mc 8:11-13
Dấu lạ tình yêu
Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều (8,1-10) lần thứ hai ở phía đông biển hồ Bétsaiđa, Chúa Giêsu cùng môn đệ xuống thuyền sang phía tây hồ. Nhưng vừa cập bến được ít lâu, một nhóm biệt phái, có cả nhóm Sađucêu nữa, kéo nhau đến rình mò, tranh luận và thử thách Ngài.
Trước đó Người cũng đã làm nhiều phép lạ, trong đó có những phép lạ lớn (Mc 4,35–5,43: dẹp yên bão táp, trục xuất quỷ ám ra khỏi người ta, chữa một bà loạn huyết, làm cho đứa con gái ông Giairô sống lại). Thế mà những người biệt phái vẫn chưa tin Người. Hôm nay họ lại thách thức Người làm một “dấu lạ từ trời” nghĩa là một phép lạ phát xuất từ chính Thiên Chúa.
“Người thở dài não nuột mà nói…”
Thực ra những phép lạ Người làm, nhất là những phép lạ lớn vừa kể trên, đã đủ minh chứng Người là Đấng có quyền phép “từ trời”. Sở dĩ họ không tin là chỉ vì họ ngoan cố. Bởi đó Chúa Giêsu nói sẽ chẳng cho họ một dấu lạ nào nữa.
Trong phần tiếp theo, Tin mừng Marcô vẫn tiếp tục cho thấy Chúa Giêsu làm thêm nhiều phép lạ khác. Tuy nhiên những phép lạ đó cũng chẳng phải làm cho những người biệt phái ấy. Nói cách khác, những phép lạ ấy chỉ có ý nghĩa và giá trị cho những người khác, chứ không cho những người biệt phái cứng lòng.
Sau những dấu lạ Chúa Giêsu đã làm, người Pha-ri-sêu còn xin một dấu lạ khác. Lời yêu cầu của họ, cho chúng ta thấy những đòi hỏi mù quáng thiếu đức tin như muốn thách thức Thiên Chúa, hay cố tình không chịu tin vào quyền năng của Người. Mặc dù họ rất thông minh, nhưng không hề khiêm nhường đơn sơ, nên đứng trước biết bao phép lạ Chúa đã làm, nhưng người biệt phái vẫn còn mơ hồ, nghi ngờ, đòi hỏi Người thêm một phép lạ từ Trời nữa, khiến Chúa Giêsu phải lắc đầu não nuột: “sao thế hệ này lại xin một dấu lạ”.
Mặc dù Thiên Chúa cố gắng thể hiện tình yêu của Người đến với họ, nhưng họ là những người yếu đuối, kém cỏi trong đức tin, nhưng vẫn tỏ ra mình là những người hiểu biết, nhìn xa trông rộng. Nhưng tình yêu Thiên Chúa luôn lan tỏa bằng sự tự nguyện, không phải là ép buộc. Dấu lạ của Người bằng lòng tin yêu, bằng chính tâm hồn hướng về Người. Thiên Chúa chỉ cần lòng tin, như lòng tin của người phụ nữ thật mạnh mẽ nhưng đơn sơ giản dị: “Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu”. ( Mt 9,22)
Chúa Giê-su chờ đợi chúng ta có một đức tin chân thành và vô vị lợi. Điều duy nhất phải quan tâm, đó là hành động vì đức tin. Biết rằng Chúa Giê-su nhìn chúng ta, Ngài nhận biết những việc làm của chúng ta, và với cái nhìn đầy yêu thương, Ngài đồng hành với chúng ta từng giây phút của cuộc sống. Nhận biết mình được an toàn trong tay Chúa là bằng chứng hùng hồn về đức tin của chúng ta.
Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta dấu lạ chắc chắn về sự hiện diện hằng ngày của Ngài trong đời sống chúng ta. Dấu thứ nhất là thập giá. Chỉ có đức tin mới mở cho chúng ta biết mầu nhiệm của Ngài và giúp chúng ta đương đầu với tội lỗi nhờ lòng thương xót. Tội là nguyên do của những gì nguy hại trong đời sống chúng ta. Thập giá của Đấng chịu đóng đinh là khí giới có thể chữa lành chúng ta. Đức tin cho phép chúng ta nhìn thấy tình yêu Chúa ở trung tâm vũ trụ và thế giới được lôi kéo về Ngài. Thánh Thể là một dấu lạ nữa mà Chúa để lại cho chúng ta. Đó là dấu lạ mạnh mẽ nhất vì nơi đó chứa đựng tác giả của chính dấu lạ. Chúa Giêsu đã hạ mình qua mọi phương thế để ở lại với chúng ta. Dưới hình bánh rượu, Ngài mạc khải cho chúng ta thấy Ngài muốn gắn bó với chúng ta. Xin cho những dấu lạ này luôn là bảo chứng tình yêu để chúng con nói với Chúa theo cách Ngài muốn được biết, được yêu và được tôn thờ.
Cuộc sống ngày nay biết bao mưu toan tính toán của con người, biết bao biến cố xảy ra hàng ngày, hàng giờ, hàng phút đến với chúng ta, với gia đình, xã hội, thế giới, đó cũng là dấu chỉ, có cảm nhận được dấu chỉ sẽ giúp chúng ta tỉnh thức, bình tâm lại, để có một niềm tin, trông cậy phó thác trong tình yêu bao la của Thiên Chúa.
Tin mừng hôm nay cho thấy phép lạ “không sinh ra đức tin” mà chỉ là “dấu chỉ dẫn người ta tới đức tin”. Bởi thế, sống đạo mà chỉ quan tâm tới phép lạ (như Lộ Đức, Fatima, La Vang…) thì chưa hẳn là sống đạo thật. Sống đạo thật là sống bằng đức tin. Ngược lại, người có đức tin thật thì nhìn thấy phép lạ trong tất cả mọi việc, kể cả việc nhỏ và tầm thường nhất.
Niềm tin thì chúng ta dễ có, và có thể tạo ra niềm tin, còn đức tin thì phải đến từ Thiên Chúa, đó là một hồng ân Thiên Chúa ban cho con người, chứ không phải con người tạo ra Đức tin. Trong hành vi đức tin, Thiên Chúa vừa cho có ánh sáng, vừa cho bóng tối. Đức tin, vì thế đòi hỏi phải có sự khó nhọc, chọn lựa, hy sinh và dấn thân. Một đức tin mà đòi hỏi một chứng cớ rõ ràng, thì không phải là đức tin nữa. Vả lại, Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của tình thương, mà trong tình yêu thì không có sự ép buộc hay cưỡng bức, nhưng là sự tự do, tự nguyện.
Chúng ta đi tìm dấu lạ khắp nơi. Chúng ta đặt ra giá trị cho tất cả những gì có thể cân đo, đong đếm. Không có những điều này, chúng ta coi nhẹ mọi sự. Đời sống thiêng liêng cũng không loại trừ khuynh hướng này. Những phép lạ, lời đáp trả mau lẹ cho những lời chúng ta cầu xin là bằng chứng cho rằng những lời cầu xin đó được lắng nghe, chúng là những dấu lạ mà chúng ta tìm kiếm để tin.