Dấu Hỏi Cho Người Khác
28.9 Thứ Năm trong tuần thứ Hai Mươi-Năm Mùa Quanh Năm
Kg 1:1-8; Tv 149:1-2,3-4,5-6,9; Lc 9:7-9
Dấu Hỏi Cho Người Khác
Đọc lại khi khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu, khởi sự bằng việc Chúa nhận phép rửa Gioan trên sông Giođan. Gioan Tẩy Giả khi thấy Chúa đang tiến về phía mình, Gioan đã giới thiệu với dân chúng biết về Chúa Giêsu: “đây chiên Thiên Chúa đây Đấng xóa tội trần gian” (x Ga 1, 29). Lời giới thiệu của Gioan đã khẳng định sứ vụ và ơn cứu độ của Chúa sắp được tỏ hiện giữa trần gian.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi tiểu vương Hê-rô-đê nghe nhiều người bàn tán về Chúa Giê-su, một người nổi tiếng làm những việc lạ lùng, có kẻ nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại”, còn tiểu vương khẳng định: “Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế”. Tiểu vương không sao ngờ, việc Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng lại có đông dân chúng đi theo như thế, một thường dân không giàu có, chỉ xuất phát từ lòng thương xót mà Chúa làm nhiều dấu lạ: Người đã chữa bệnh tật như một lương y tài giỏi:“Dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-su-sa-lem, duyên hải Tia và Xi-đôn đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật” Lc 6,17. Và theo thánh sử Mác cô ghi nhận :”Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được” Mc 7,37. Không những thế, lời giảng dạy và giáo lý của Người thật cao thượng, khác lạ nhưng đậm nét nhân văn: “ Hãy yêu kẻ thù,…… và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” Lc 6, 27 hay : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” Mc 9,36.
Khi biết những điều ấy, tiểu vương sửng sốt và rất muốn được gặp mặt Chúa để giải tỏa nỗi thắc mắc và cũng muốn biết Người đã thu phục dân chúng như thế nào? Chúng ta có nhận ra Hê-rô-đê là người ngoại giáo mà còn kinh ngạc và mong muốn tìm cách gặp Chúa, còn chúng ta thì sao? Sự viêc này nhắc nhở chúng ta điều gì? Anh chị em có khao khát tìm kiếm Chúa Giê-su, mỗi ngày trong lời cầu nguyện, đọc Lời Chúa, suy ngẫm về Ngài hay chưa? Chúng ta có yêu mến Ngài như Ngài đã yêu thương, bài học cho chúng ta là hãy nhìn lại sinh hoạt hàng ngày của chính mỗi người về các hành động đã làm với người thân và tha nhân. Tình huống xảy ra trong buổi phân chia hàng thực phẩm cứu trợ, dù đã được nhận đủ phần của mình, nhưng vẫn có người cố ý lấy thêm phần của người khác. Thánh Catarina Gênes chia sẻ: “Muốn biết ai có lòng kính mến Chúa bao nhiêu, hãy xem kẻ ấy yêu thương người ta ngần nào”. Những điều chúng ta đã làm có xuất phát từ lòng yêu thương và mong muốn sự tốt đẹp cho mọi người không?
Tin mừng hôm nay ghi lại phản ứng của vua Hêrôđê khi nghe người ta đồn đoán về Đức Giêsu. Có người cho rằng: Đức Giêsu là ông Gioan sống lại. Kẻ khác thì lại nói: Ông Êlia, hay một vị ngôn sứ nào đó đã xuất hiện. Còn vua Hêrôđê thì không hề tin rằng Đức Giêsu là ông Gioan Tẩy Giả. Nhưng trước những lời đồn đoán về Đức Giêsu, ông cũng phải phân vân và tự hỏi: “Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?
Thật vậy, từ khi bắt đầu khai giảng nước Trời, danh tiếng của Đức Giêsu đã loan đi khắp cả vùng. Tất cả những lời dạy, việc làm, và nhất là cuộc sống của Ngài, đã không ngừng là một dấu hỏi cho người đương thời. Những lời rao giảng và những việc Ngài làm ngày càng lan rộng, điều đó hẳn đã đến tai của vua Hêrôđê. Ông phân vân, bối rối trước những điều mình nghe thấy nên mới tự hỏi: Ông này là ai vậy?
Hiển nhiên, câu hỏi “Đức Giêsu là ai?”, đối với vua Hêrôđê, chắc chắn tác động mạnh đến tâm trí ông, bởi vì ông đã chém đầu ông Gioan và nay người ta lại nói “Đức Giêsu là ông Gioan từ cõi chết trỗi dậy.” Ông đã làm điều dữ và điều dữ tất yếu sẽ chi phối tâm trí ông. Nên ông đã rất phân vân.
Qua sự việc mà vua Hêrôđê đang phải đối diện, chúng ta nhận ra điều tất yếu này: ông là một bằng chứng hết sức cụ thể cho chúng ta thấy, không ai có thể che dấu, hay xóa sạch được tội lỗi của mình bằng cách loại trừ, hay tiêu diệt những người đã lên án vì những việc xấu xa của mình đã làm; và dù người lên án đã bị loại trừ đi nữa, thì lương tâm là sự tố cáo từ trời cao vẫn không bao giờ câm nín đối với kẻ làm điều dữ.
Trong tình trạng tâm trí phân vân ấy, ông muốn tìm gặp Đức Giêsu. Từ ý muốn ấy mà sau này, Thiên Chúa ban cho ông có cơ hội được gặp Ngài, nhưng trong một tình cảnh rất đặc biệt, là trong cuộc thương khó.
Chắc rằng ông đã rất vui sướng khi gặp được Đức Giêsu, vì ước ao của ông đã được thỏa nguyện. Ông đã nghe nhiều về việc Ngài làm được những phép lạ lớn lao, nên ông ước mong được chứng kiến tận mắt một vài phép lạ. Nhưng vua Hêrôđê chẳng nhận được gì cả: Ngài đã không trả lời ông, cũng chẳng làm một phép lạ nào. Như Ngôn sứ Giêrêmia đã nói: “Ai tìm kiếm Chúa hết lòng thì sẽ gặp được Ngài” (Gr 29,13), Vua Hêrôđê không nhận được gì từ Đức Giêsu, vì ông chỉ muốn nhìn thấy phép lạ; nên Ngài chẳng tỏ cho ông biết điều gì. Khi thấy Đức Giêsu không chịu làm, ông nhạo báng Ngài (x. Lc 23, 7-11).
Như thế, nếu nhìn xuyên suốt cuộc đời của ông, chúng ta thấy rõ điều ông muốn tìm gặp Đức Giê-su: ông muốn thấy các phép lạ, chứ không phải là muốn tìm hiểu nguồn gốc của Đức Giê-su, không phải là ơn tha thứ, niềm vui, ý nghĩa cuộc đời, hay sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa.
“Ông này là ai ?”, vua Hêrôđê đã tìm thấy câu trả lời và khiến ông hụt hẫng: Giêsu chỉ là một anh khờ dại, chỉ đáng bị khinh bỉ và chế giễu. Cuộc tìm kiếm với nhiều tò mò của ông vua Hêrôđê kết thúc. Ông chẳng bao giờ biết được Đức Giêsu thật sự là ai.
Với vua Hêrôđê, Thiên Chúa đã đem đến cho ông hai cơ hội để ông sống theo sự thật, nhưng ông đã không đón nhận: cơ hội thứ nhất, qua lời tố cáo thẳng thắn của ông Gioan, ông đã không nghe và còn cho chém đầu ông Gioan; cơ hội thứ hai, ông muốn tìm cách gặp Chúa Giêsu, và Thiên Chúa ban cho ông có cơ hội ấy trong Cuộc Thương Khó. Nhưng ông cũng không nhận ra. Hai cơ hội để tìm ra sự thật qua đi, vua Hêrôđê vẫn chìm đắm trong sự mê muội của mình, chẳng bao giờ biết được Đức Giêsu thật sự là ai.
“Đức Giêsu là ai?”, câu hỏi này đã được đặt ra cho vua Hêrôđê, cho những người đương thời với Đức Giêsu. Sau này, chính Đức Giêsu cũng hỏi các môn đệ của Ngài như vậy: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” (Lc 9, 20).
Và hôm nay, câu hỏi mà Đức Giêsu hỏi các môn đệ năm xưa vẫn còn sống động trong lòng ta, vẫn còn đặt ra cho mỗi người chúng ta trong mọi lúc của cuộc sống. Chúng ta hãy để cho lòng mình sự “chất vấn” liên tục về câu hỏi quan trọng ấy. Và có lòng khát khao “tìm gặp” Ngài. Với lòng khát khao, yêu mến chân thành, khi đứng trước câu hỏi “Đức Giê-su là ai đối với tôi trong cuộc đời này?”, chúng ta dễ dàng tuyên xưng như thánh Phêrô xưa đã tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”