Đặt trọn niềm tin vào Chúa Giêsu
28.3 Thứ Ba Thứ Ba trong tuần thứ Năm Mùa Chay
Ds 21:4-9; Tv 102:2-3,16-18,19-21; Ga 8:21-30
Đặt trọn niềm tin vào Chúa Giêsu
Tin Mừng trên đây là đoạn tiếp nối cuộc tranh luận về lời chứng của Chúa Giêsu đối với bản thân Người. Trong đoạn đầu của cuộc tranh luận này, Chúa Giêsu đã nhắc đến Cha mình, nhưng những người pharisiêu không hiểu là Người nói đến Thiên Chúa Cha. Trong đoạn chúng ta nghe đọc hôm nay, Chúa Giêsu lại nói về nguồn gốc thượng giới của Người và lại nhắc đến Cha Người. Chúa Giêsu đứng trên quan điểm của Ðấng Mêssia để rao giảng sứ điệp cứu thế, trong đó Người nói lên nguồn gốc thần linh của mình và giới thiệu chương trình cứu độ mà Chúa Cha đã trao phó cho Người thực hiện ở trần gian.
Kể từ khi công khai ra đi rao giảng, tất cả những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu đều tập trung vào việc phổ biến ý định cứu thế của Thiên Chúa Cha. Từ việc kêu gọi mọi người ăn năn sám hối đến việc thi ân giáng phúc cho những người thành tâm thiện chí và cảnh cáo phê bình những kẻ lầm lạc cố chấp, Chúa Giêsu cho thấy Người luôn luôn làm theo thánh ý Chúa Cha. Những người Pharisiêu thì đứng trên quan điểm phe nhóm họ. Họ cũng nói về vai trò của Ðấng Mêssia, nhưng là một Ðấng Mêssia phù hợp với lối nghĩ lối sống đã bị tục hóa của họ. Bị chi phối mạnh mẽ bởi cách nhìn này, họ đọc nhưng không hiểu được những lời Kinh Thánh tiên báo về sự xuất hiện của Ðấng Kitô. Trong cách hiểu của họ, Ðấng Kitô có lai lịch và diện mạo khác hẳn với con người và tự xưng là Cứu Chúa này. Bởi thế, càng nghe những lời Chúa Giêsu giảng, càng thấy các việc Chúa Giêsu làm, họ càng tìm cách chống đối quyết liệt. Họ muốn chứng minh cho dân chúng thấy rằng Chúa Cha và Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng chỉ là một trò bịp bợm mà thôi.
Khi tự xưng mình là Ðấng Hằng Hữu, Chúa Giêsu có ý nhắc cho họ nhớ lại lời Giavê Thiên Chúa đã tỏ danh tánh Ngài ra cho ông Môisen trước khi giao cho ông sứ mạng giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ của người Ai Cập. Kể từ đó, danh xưng Giavê Thiên Chúa là Ðấng Hiện Hữu trở thành một danh xưng tối thượng đối với người Do Thái. Nhắc đến danh xưng này là nhắc đến chính Ðấng Tối Cao. Trong lịch sử Israel chưa hề có một ngôn sứ nào dám dùng danh xưng này để nói về chính bản thân mình, vậy mà Chúa Giêsu dùng đến danh xưng tối thượng ấy, ắt hẳn Người phải có một lý do cực kỳ trọng đại. Những người pharisiêu không hiểu và cũng chẳng muốn hiểu lời Chúa Giêsu nói. Lắm lúc chúng ta cũng sống theo cách nghĩ của những người pharisiêu trên đây.
Trong lúc Chúa Giêsu phục sinh đang nỗ lực tác động trên mọi lãnh vực của thế giới hôm nay để kéo con người lên cùng Thiên Chúa, Người tác động qua Giáo Hội, qua Lời Chúa, qua các bí tích, các công việc phục vụ của người Kitô. Người cũng tác động các tập thể thành tâm thiện chí của nhân loại, các hệ thống tư tưởng quảng bá chân thiện mỹ, các mối quan hệ xây dựng hòa bình và hạnh phúc cho con người, các công cuộc giúp thăng tiến đời sống đích thực và toàn diện của con người. Trong khi Chúa Giêsu làm như vậy, thì chúng ta, chúng ta lại làm theo hướng ngược lại, chúng ta dần dần phàm tục hóa đời sống của chính mình và của những người chung quanh bằng những suy nghĩ và hành động chỉ dựa trên những loài thú vật mà thôi. Con người và vũ trụ có nguồn gốc từ Thiên Chúa Hằng Hữu và sẽ trở về với cội nguồn Hằng Hữu ấy. Nhưng đôi khi chúng ta cứ muốn giữ tất cả nằm lại trong thế giới thụ tạo hữu hạn này mà thôi.
Đức Ki-tô nói : “Nếu các ông không tin, các ông sẽ chết trong tội của các ông”. HoÏ không tin. Họ không tin Đấng không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy Người điều gì Người nói như vậy, vì Người là Thiên Chúa như Chúa Cha.
“Nếu các ông không tin …”. Vậy chỉ cần tin vào Thiên Chúa này thì được cứu độ, dù có vẻ nghịch lý đối với các ông. Hoàn toàn là thế. Chỉ cần chúng ta biết tiếp nhận một chút ánh sáng, thì sẽ được Người soi sáng cho ta thấy tỏ tường về Người. Chỉ cần chúng ta biết tiếp nhận Người, dù không thể giải nghĩa và thực hiện được theo nhãn quan con người. Chỉ cần chúng ta đừng bỏ qua những lời yêu sách của sứ điệp phúc âm, dù có trái nghịch với bản chất con người chúng ta. Chỉ cần chúng ta bắt lý trí con người hồi phục chân lý đức tin. Chỉ cần chúng ta biết cảm nghiệm sâu xa mầu nhiệm Đức Ki-tô bằng con tim trong đau khổ thập giá cũng như’vinh quang phục sinh.
Thật ra thì những người Do thái này đã không nhận ra mình là ai trước Thiên Chúa. Đã không nhận ra mình thì làm sao nhận ra người khác. Cho nên Chúa Giêsu đã nói: “Khi nào các ngươi đem Con Người lên cao, bấy giờ các ngươi sẽ biết Con Người là ai” (c.27). Tức là sau khi Chúa chịu treo trên thánh giá và đã phục sinh và khi đạo Chúa lan tràn khắp nơi… và khi chính những người Do thái đang hỏi ấy đã chết thì sẽ nhận ra Ngài là ai. Nhưng lúc ấy nhận ra Chúa thì quá muộn rồi. Lúc ấy mới nhận ra Chúa là Đấng phán xét và nhận ra án phạt cho mình đời đời mà thôi.
Chúa Giêsu mạc khải Ngài là Đấng “Ta là”, đồng thời mạc khải mầu nhiệm Tử nạn của Ngài để lôi kéo mọi người lên cùng Thiên Chúa. Mạc khải chính mình cho con người, Chúa Giêsu cũng mạc khải mối tương quan giữa Ngài và Thiên Chúa Cha. Tin nhận Chúa Giêsu, thì cũng phải tin nhận Thiên Chúa, Đấng đã sai Con một Ngài xuống trần, để cứu rỗi chúng ta. Đây là mầu nhiệm mà chúng ta cần phải chiêm ngắm và dâng lời cảm tạ để nhờ đó đời sống chúng ta được canh tân đổi mới.
Nói khác đi, nếu chúng ta không tin Người, thì cũng không còn tin vào Thiên Chúa. Người trở nên một hữu thể vô danh vô tích sự mà thế giới ngày nay cho rằng Thiên Chúa của Đức Giêsu Ki-tô đã chết rồi.