Dân ngoại trong Kinh Thánh là ai?
Theo Kinh Thánh, các dân ngoại ban đầu là những người không có liên hệ với người Do Thái.
Khi đọc Kinh Thánh, đặc biệt là Tân Ước, bạn sẽ thường bắt gặp từ Dân ngoại (Gentile).
Từ này có nghĩa là gì?
Bách khoa Toàn thư Công giáo giải thích từ ngữ Kinh Thánh này theo cách sau.
Đây là một từ có nguồn gốc Latinh và thường được sử dụng ở số nhiều. Trong các ấn bản tiếng Anh của cả Cựu Ước và Tân Ước, từ này dùng để gọi chung cho các dân tộc khác với dân tộc Do Thái.
Lý do chính tại sao dân ngoại được đề cập trong Kinh Thánh là vì “người Do Thái trong tư cách là con cháu của tổ phụ Abraham tự coi mình, và đúng thật là như thế, là dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn trước khi Đức Kitô đến. Vì các dân tộc không phải là người Do Thái không thờ phượng Thiên Chúa thật và thường sa đà vào những thực hành vô luân, nên thuật ngữ Gôyîm “Dân ngoại” thường có nghĩa miệt thị trong Kinh Thánh, trong bộ Talmud,…”.
Ban đầu, có nhiều cuộc tranh luận giữa các tông đồ về việc có nên rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô cho dân ngoại hay không.
Điều đáng mừng là Thánh Phaolô đã trở thành “Tông đồ của các dân ngoại”, và tự mình đảm nhận sứ mạng truyền giáo cho tất cả mọi người, cả người Do Thái và dân ngoại, nhằm chắc chắn rằng mọi người đều biết về công trình cứu độ của Chúa Giêsu Kitô.
Tác giả: Philip Kosloski
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Nguồn: Aleteia (19/8/2023)