Cuối cùng người phụ nữ Samaria cũng tìm thấy người đàn ông của đời mình
Cuối cùng người phụ nữ Samaria cũng tìm thấy người đàn ông của đời mình
Phụng vụ của Chúa nhật thứ ba Mùa Chay này cho chúng ta suy niệm về một trong những khung cảnh đặc biệt nhất của Tin Mừng, nơi Thánh Gioan mặc khải cho chúng ta toàn bộ mầu nhiệm hồng ân Thiên Chúa. Mầu nhiệm này nằm dưới biểu tượng của nước tưới tắm cho trái đất và mang lại sự sống cho trần thế.
Chúa Giêsu hiện diện tại giếng Giacóp như một người đang khát, một người cần được giúp đỡ, người đang mệt mỏi vì cuộc hành trình. Giữa trưa nắng nóng gay gắt, Ngài ngồi xuống bên miệng giếng. Ngài không thống trị, không áp đặt ý mình, Ngài tìm kiếm sự tiếp xúc. Việc Ngài xin nước uống khiến người phụ nữ Samaria ngạc nhiên. Vì sự thù hận tồn tại giữa người Do Thái và người Samari, người Do Thái sẽ phạm phải một sự ô uế xét theo lề luật nếu họ chấp nhận từ người Samari dù chỉ một ly nước. Do đó người phụ nữ Samaria liền hỏi khi Chúa Giêsu xin bà: “Chị cho tôi xin chút nước uống!”: “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samaria, cho ông nước uống sao?” (Gioan 4: 7-9).
Vì có sáu người chồng, nên người vợ thành Sykar đã chọn thời điểm đi đến giếng sao cho không bị những người phụ nữ khác chế giễu. Với quá khứ dày vò của mình, người phụ nữ Samaria thực sự cho thấy mình là một người xấu nết. Cô ấy là một kẻ thân tàn ma dại, một người phụ nữ hư hỏng, bầm dập. Cô ấy là món đồ chơi phục vụ nửa tá đàn ông. Tuy nhiên, chính cho cô ấy mà Chúa Giêsu sẽ tiết lộ bí mật của mình. Cô được chọn để đón nhận tâm tư riêng của Chúa Giêsu về chính mình và trở thành nhân chứng ưu tiên về căn tính của ngài.
Kẻ lạ mặt đang mệt mỏi, người đàn ông Do Thái bị khinh ghét đó đã đoán được vết thương lòng của cô. Ông dò xét trái tim nữ tính của cô một cách tế nhị, mà không làm cô khó chịu. Ông đã đoán được nỗi khát khao hạnh phúc của cô mà những cuộc tình đã qua không thể làm cô nguôi ngoai? Người bạn không quen biết này dường như muốn tiếp cận cô để bộc lộ cho cô thấy rằng, mặc dù trải qua những đau đớn, có lẽ cuộc sống của cô không phải là một thất bại?
Chúa Kitô biết cô là ai, nhưng Ngài không chỉ tay vào cô, không giơ tấm gương buộc tội cô và nói: Hãy nhìn xem, cô thật tội nghiệp làm sao. Ngài không ném thẳng vào mặt cô mọi thứ không vận hành êm xuôi trong cuộc sống tình yêu của cô. Ngài không cố làm bẽ mặt cô. Ngược lại, Ngài tâm sự với cô.
Khi Ngài hỏi cô có chồng chưa, cô trả lời rằng cô không có chồng. Chúa Giêsu nhắc nhở cô rằng cô đã có năm người và người đàn ông bây giờ cô đang sống chung với không phải là chồng của cô. Chúa Giêsu bộc lộ hoàn cảnh của cô nhưng không thái quá sa vào sự phán xét. Cảm thấy cuộc đối thoại trở nên quá riêng tư, người phụ nữ Samaria cố gắng trốn thoát bằng cách hỏi một câu hỏi mang tính thần học về ngọn núi miền Samaria và núi Giêrusalem. Chúa Kitô không thúc giục cô ấy. Cuộc đối thoại diễn ra với sự thẳng thắn nhưng cũng đầy tôn trọng và dịu dàng.
Để khôi phục niềm hy vọng cho người phụ nữ Samaria bên giếng Giacóp, Chúa Giêsu đã vi phạm mọi điều cấm kỵ: điều cấm kỵ về chủng tộc, điều cấm kỵ về tình dục và điều cấm kỵ về tôn giáo. Chúa Giêsu là một người tự do. Ngài không tin vào sự bế tắc dứt khoát, vào nhãn mác gây tổn thương, vào sự thù hận của tổ tiên cha ông. Như mọi khi, Ngài biết cách khôi phục hy vọng cho những người đang bị đánh gục bởi những khó khăn của cuộc sống: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28)
Đối với Chúa Giêsu, vấn đề là làm phát sinh ra con người mới trong người phụ nữ này, như Ngài sẽ làm cho Nicôđêmô, Giakêu và Maria Mđalêna. Chúa Giêsu khơi nguồn một cái giếng trong tạo vật mới này, một cái giếng trở thành nguồn nước sự sống và sinh hoa kết trái. Ngài bôc lộ với cô ấy rằng cô đáng giá hơn nhiều so với tổng số tất cả những thất bại của cô ấy.
Chính lúc đó, Chúa Giêsu đã tiết lộ cho cô hai điều tuyệt vời: điều thứ nhất về bản chất thật của Thiên Chúa: “Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Ngài như thế” (Gioan 4: 2); và câu thứ hai về căn tính của chính Ngài: “Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Chúa Kitô, sẽ đến. Khi Ngài đến, Ngài sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” Chúa Giêsu nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây” (Gioan 4: 25-26).
Trái tim của người phụ nữ này đã được cứu. Trong cuộc sống hời hợt, khô héo bởi một sự sinh tồn quá thấp lè tè trên mặt đất, một nguồn nước sự sống đã nảy nở. Cuối cùng cô cũng tìm được người đàn ông mà cô đang tìm kiếm. Cô không còn liên quan gì đến cái giếng này và cái bình của nó nữa. Cô chạy đi để truyền đạt những gì cô vừa khám phá được.
Buổi trưa mặt trời trên cao, cái nóng, sự mệt mỏi trên đường đi, trong văn bản tuyệt vời này của thánh Gioan thể hiện cuộc sống khó khăn và đơn điệu mỗi ngày của chúng ta. Ai là người khát trong câu chuyện này? Tất nhiên là Chúa Giêsu Trong biểu tượng của thánh Gioan, chúng ta có thể hiểu ở đây là sự khao khát của Thiên Chúa đối với con người, sự tìm kiếm của Ngài từ muôn thuở: “Ađam, ngươi đang ở đâu?” (Sáng thế ký 3: 9.) “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Máccô 2, 17).
Người phụ nữ Samaria này, là người đã tìm kiếm hạnh phúc cho mình, sự thật của cô ấy nằm trong tình yêu thoáng qua và chỉ biết đến thất bại, lại bị tiêu hao bởi một cơn khát khác mà chỉ Chúa Kitô sẽ cho phép cô ấy dập tắt. Cô ấy sẽ không bao giờ “khát” nữa vì nguồn nước sự sống này là trong cô ấy và cô ấy được Chúa yêu thương.
Còn chúng ta, chúng ta đang ở đâu trong cuộc đời? Chúng ta tìm kiếm hạnh phúc của mình ở đâu? Chúng ta có những khát khao nào?
Đối với người phụ nữ Samaria, Chúa có thể làm cho một suối nước ngọt ngào chảy ra, một nguồn mạch sự sống mới: “Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Gioan 4, 14).
Phêrô Phạm Văn Trung, theo cursillos.ca