Cuộc điều tra lịch sử làm sáng tỏ chính xác vụ hai anh em linh mục Philippe lạm dụng thiêng liêng
Làm thế nào hai linh mục Đa Minh Marie-Dominique và Thomas Philippe trong nhiều thập kỷ lại có thể thiết lập một hệ thống lạm dụng thiêng liêng và bạo lực tình dục, đó là điều nhà sử học Tangi Cavalin mổ xẻ trong quyển sách Vụ việc. Các tu sĩ Dòng Đa Minh đối diện với vụ tai tiếng của anh em linh mục Phillipe (L’Affaire. Les dominicains face au scandale des frères Philippe. nxb. Cerf) mà báo La Vie đã có thể tham khảo.
“Vụ việc” là một tác phẩm đặc biệt sẽ được nhà xuất bản Cerf phát hành ngày 1 tháng 2. Các tu sĩ Dòng Đa Minh phải đối diện với các vụ tai tiếng của hai anh em linh mục Philippe. Nếu hầu hết các sự kiện liên quan đến vụ này đã được biết đến, nhưng nguyên bản của cuộc điều tra phi thường dài 730 trang được thực hiện theo yêu cầu của Dòng Đa Minh, để đánh giá trách nhiệm của họ nằm ở chỗ nhà sử học mổ xẻ cơ chế đã cho phép hai anh em đã bị Rôma kết án năm 1956 và 1957, lại tiếp tục lạm dụng thiêng liêng và tình dục trong hơn nửa thế kỷ, đồng thời tạo ra một tà phái mờ ám gồm những “người khai tâm” mà bi thảm nhất là trường hợp của ông Jean Vanier.
“Vụ Philippe” là câu chuyện đặc biệt phức tạp. Nhân vật chính là hai anh em Thomas Philippe và Marie-Dominique Philippe (tên nhà dòng) nhưng có sự góp phần của các nhân vật khác, như ông Jean Vanier, tất cả đều phạm tội lạm dụng tình dục phụ nữ trưởng thành. Tự cho mình là người “khai tâm” các nạn nhân, họ là những phụ nữ trưởng thành đi tìm một đời sống thiêng liêng, một bí mật thần bí, và những người này tấn công tình dục các phụ nữ dưới chiêu đề thần bí khiêu dâm. Đáng tiếc, loại “mê sảng” này đã làm cho công việc của họ thành đồi trụy. Linh mục Marie-Dominique thành lập Cộng đoàn Thánh Gioan (hiện có khoảng 500 sư huynh và 300 nữ tu khắp năm châu), ông dùng các cộng đoàn này làm địa bàn săn lùng và “lưu truyền” của ông. Còn với Thomas Philippe, ông chỉ có một đệ tử thực sự, đó là ông Jean Vanier, một nhân vật được quốc tế công nhận vì đã thành lập Cộng đoàn L’Arche (một tổ chức quốc tế với 10.000 thành viên) tiếp nhận người khuyết tật và khi còn sống, ông đã được mọi người cho là thánh sống.
Linh mục Thomas sinh năm 1905 và Marie-Dominique sinh năm 1912 tại miền Bắc nước Pháp, trong gia đình có 12 người con, 8 người đi tu, hai anh em vào Dòng Đa Minh lúc hai mươi tuổi, đặc biệt được người cậu là Thomas Dehau đã vào Dòng Đa Minh hướng dẫn. Nhiều năm trước đó, ông bà của họ rời Lille để định cư ở Bouvines, nơi ông nội là thị trưởng thành phố, với dự án không tưởng là thành lập một xã hội công giáo theo thời trung cổ. Tác giả Tangi Cavalin cho thấy, tất cả bắt đầu với tuần trăng mật ở Rôma, khi các Quốc gia Giáo hoàng sụp đổ. Bị che phủ bởi cảm giác tận thế vào thời điểm đó, hai ông bà lập một giao ước: họ kết hiệp với nhau để chống lại nghịch cảnh của thời hiện đại. Một xác tín không tưởng, đến lượt mình, hai anh em Philippe phát minh lại nó.
Được khơi mở bằng một “thần bí”
Năm 1936, Thomas Philippe đã có tiếng tốt, ông được gởi đến Rôma để dạy ở Giáo hoàng Học viện Đa Minh, Angelicum. Sau đó, ông kể ông đã trải nghiệm một hôn nhân thần bí với Đức Trinh Nữ khi nhìn bức tranh của Trinité-des-Monts (Mater admirabilis), một trải nghiệm mà ông mô tả là nền tảng trong quá trình xây dựng sự khiêu dâm thần bí lầm lạc của mình. Trên thực tế, có vẻ như đó là nguồn gốc kỳ lạ của thuyết trực tri có từ thời sự ngộ đạo mà cậu Thomas Dehau của ông đã trải qua với “nhà thần bí” Hélène Claeys, để đến lượt người cậu truyền cho cháu là Thomas. Tác giả Tangi Cavalin đã viết những trang làm sáng tỏ mối quan hệ tay ba này, và thời điểm hình thành: “Vào cuối những năm 1930, một cấu hình quan hệ đã được thiết lập giữa một số cá nhân – cấu hình bí mật ở dạng của nó và thần bí trong mục đích của nó – bị thuyết phục về việc phải hành động cho sự xuất hiện một “công việc” thần thánh trong Giáo hội. Trong bối cảnh này, Thomas Dehau chỉ định và hợp pháp hóa cháu của mình như người con thiêng liêng của ông, để học nghề mà người ta cho đây là khiêu dâm thần bí và có thể là tình dục thần bí. (…) Mục tiêu của những người này đưa ra không những chỉ duy trì quan hệ bí mật giữa họ mà họ được hưởng một mình, nhưng còn ảnh hưởng đến vận mệnh của Dòng Đa Minh và thông qua đó là của Giáo hội.”
Dựa vào uy tín vững chắc về tri thức và tính chính thống, năm 1942 Thomas Philippe đã được Thánh bộ Đức tin (bây giờ là bộ Giáo lý Đức tin) cử đến tiếp quản Saulchoir (nơi học tập của tỉnh dòng Đa Minh ở Pháp), sau khi giám đốc Marie-Dominique Chenu bị cho vào sổ đen vì bị cho là tiến bộ. Giai đoạn này được gọi là “cuộc khủng hoảng Saulchoir”. Một thời gian ngắn sau, năm 1945, Thomas Philippe thành lập cộng đoàn Nước Hằng Sống (L’Eau vive), một trung tâm đào tạo và hướng dẫn linh đạo với ơn gọi quốc tế, gần Saulchoir, ông có đường hướng chính thống hơn. Thêm nữa, rất nhanh chóng, trung tâm tự cho mình là nơi hấp dẫn và năng động, với sự hỗ trợ của các nhân vật như triết gia Jacques Maritain.
Chính lúc này là lúc Jean Vanier đến năm 1950, một thanh niên đang đi tìm một thầy tâm linh, và ông đã tìm được nơi Thomas Philippe. Vào thời điểm đó, Thomas Philippe đã lợi dụng những chuyến thăm các dòng nữ, nơi ông đến giảng và tháp tùng thiêng liêng để bắt đầu thực hành điều ông gọi là thần bí của mình, làm những“hành động tội phạm” với các nữ tu, tác giả Cavalin giải thích: “Ông đảm bảo với họ, chính Mẹ Maria nói với ông, các nữ tu là những người nhận được ơn đặc biệt. Bài diễn văn thần bí của ông chạm đến họ bất chấp mọi lý lẽ. Không một chút bạo lực, ông đưa họ vào trạng thái sững sờ, làm cho họ không biết phải phản ứng như thế nào và để mặc cho mình bị chạm vào.”
Lên án đầu tiên
Đơn tố cáo đầu tiên là năm 1952. Một trong các nữ nạn nhân báo cáo cho bề trên tỉnh dòng, người đã thông báo sự việc cho Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh, và chính ông báo cho Thánh bộ Đức tin. Nữ tu cố gắng xin lời khuyên của Marie-Dominique Philippe, nhưng ông giảm thiểu tình hình và khuyên nữ tu nên hiểu nhu cầu tình cảm của anh mình…
Một tiến trình giáo luật mở ra để chống lại Thomas Philippe nhưng tiến trình vẫn chờ giải quyết. Dù vậy, ông phải rời cộng đoàn Nước Hằng Sống. Ông Jean Vanier thay thế vào ban điều hành, khi đó ông đặt trong vòng bí mật các thực hành của thầy mình với một trong những người ông này “khai tâm”. Nhưng bốn năm sau, phiên tòa xét xử Thomas Philippe cuối cùng đã diễn ra nhờ sự can thiệp của hồng y Paul Philippe, Thánh bộ Đức tin, người cũng thuộc Dòng Đa Minh và bạn của bị cáo, nhưng không liên hệ gia đình dù mang tên họ chung. Hồng y hiểu trường hợp này không cá biệt nhưng họ dựa trên hệ thống khai tâm của tà phái.
Tác giả Tangi Cavalin viết: “Hồ sơ do ủy viên biên soạn kết thúc bằng một ghi chú tóm tắt khoảng 20 trang đề ngày 16 tháng 4 năm 1956, tóm tắt các yếu tố đã thu thập được và báo cáo về một số điểm quan trọng mà Thomas Philippe đã khăng khăng phủ nhận: quan hệ ‘vợ chồng’ với một phụ nữ dẫn đến phá thai; dụ dỗ gạ gẫm khi xưng tội; tha thứ cho phụ nữ mà ông có quan hệ tình dục khi họ xưng tội, một tội ác mà ông bác bỏ đến mức ông trấn an họ, những hành vi đã thực hiện là đạo đức và đẹp lòng Chúa. Về ba điểm này, những lời phủ nhận của ông ngược với lời khai của những người tố cáo ông.”
Việc tha tội cho đồng phạm không được đề cập trong cáo trạng, nhưng việc gạ gẫm và phá thai vẫn còn trong cáo trạng. Thần bí giả tạo của ông bị ghim lại. Bản án rơi xuống: ông mất tất cả các quyền hạn liên quan đến sứ vụ. Ông không còn giải tội, tháp tùng, dâng thánh lễ, giảng dạy và tiếp xúc với các thành viên của cộng đoàn Nước Hằng Sống. Ảnh hưởng của người cậu Dehau được xác nhận, và nữ tu Cécile de Jésus, em gái của Thomas Philippe, bề trên của một dòng Đa Minh, bị phế truất.
Tangi Cavalin viết: “Hồng y Paul Philippe cũng ra lệnh khởi kiện Marie-Dominique Philippe để lên án sự hướng dẫn thiêng liêng bị cho là quá thiên về Đức Mẹ và tình cảm trong nhiều tu viện”. Năm 1957, ông bị kết án vì lý do này, bị cấm giảng dạy và giải tội.
Hỗ trợ và phục hồi chức vụ
Tuy nhiên, bề trên Dòng hỗ trợ và dàn xếp để vô hình hóa kết quả vụ án bằng cách nhờ ông làm cố vấn đặc biệt, như thế giúp ông nhanh chóng phục hồi chức vụ, giảng dạy trở lại ở Saulchoir và Fribourg từ năm 1962. Ở Thụy Sĩ , ông thật sự tạo một hiện tượng với các sinh viên của ông, họ xin ông thành lập một học viện tôn giáo. Marthe Robin, “nhà thần bí Drôme”, người thân thiết với ông đã khuyến khích ông đi theo hướng này và như thế ông đã thành lập cộng đồng Thánh Gioan vào giữa những năm 1970.
Rất nhanh chóng, công việc của ông thành công rực rỡ, khơi dậy ơn gọi và lập các chi nhánh mới. Marie-Dominique Philippe rạng rỡ không ai so sánh được, được vinh danh là nhà sáng lập, người hướng dẫn thiêng liêng, là bề trên. Ông truyền bá quan điểm của ông về “tình yêu cho tình bạn”, tác giả Cavalin viết: “Quan điểm này cảm nghiệm theo Thánh Tôma được xem như một tình yêu thiêng liêng, là điều cần thiết để thiết lập các mối quan hệ với người khác.” Chính quan điểm này, theo như Marie-Dominique Philippe, mà một số anh em trong dòng áp dụng và ủng hộ “tình bạn” này thật mạnh, như một yếu tố thần bí cho phép họ thực hiện nhiều vụ lạm dụng tình dục như ngày nay chúng ta có thể chứng thực. Những việc của nhà sáng lập chỉ mới được bề trên cộng đoàn Thánh Gioan công khai tiết lộ lần đầu tiên năm 2013 dựa trên lời khai của các nạn nhân. Tuy nhiên, ngay từ những năm 1980 và 1990, các gia đình và cựu thành viên đã báo động về sự thiếu phân định trong cộng đoàn, và vào cuối những năm 1990 là việc sùng bái cá nhân người sáng lập và những lệch lạc tà phái.
Với quá trình của Thomas Philippe, việc phục hồi chậm hơn, vì hình phạt của ông nặng hơn và ít bí mật hơn.
Nhưng năm 1957, một tháng sau khi ông gởi đơn thỉnh cầu lên giáo hoàng Piô XII, ông được phép dâng thánh lễ lại trong một năm, phép tắc sẽ được liên tục gia hạn. Năm 1963, bề trên Dòng gửi ông về Pháp dưới sự giám sát của bề trên tỉnh dòng. Lúc đó là lúc dự án L’Arche thành hình với ông Jean Vanier để tiếp nhận người khuyết tật.
Khi cộng đoàn L’Arche thành lập năm 1964, Thomas Philippe đến đây làm tuyên úy với sự đồng ý của bề trên giám tỉnh và giám mục giáo phận Beauvais, một cách nhanh chóng và trong bí mật hoàn toàn, cộng đồng “các môn đệ” của cộng đoàn Nước Hằng Sống âm thầm tái tạo. Thomas Philippe, người tự cho mình là người nhỏ bé giữa những người nhỏ bé dần dần lấy lại được tin tưởng và quý trọng của Tỉnh dòng Pháp và của Dòng đến mức hồng y Paul Philippe của Thánh bộ Đức tin cảm thấy mình bị cô lập (ngài đã phạt ông năm 1956) khi một lần nữa ngài gióng lên tiếng chuông báo động và công bố một báo cáo nặng nề về mối quan hệ giữa anh em linh mục Philippe và những lệch lạc của họ. Năm 1968, Thomas Philippe được phép giải tội lại cho các ông. Năm 1970, giám mục Beauvais, khi phát hiện ra bản án năm 1956 cho rằng từ nay trở đi, việc cấm Thomas Philippe giải tội cho phụ nữ sẽ thành tai tiếng vì Dòng Đa Minh đã thành công khi khôi phục lại hoàn toàn hình ảnh của ông. Nên một lần nữa, ông được giải tội cho phụ nữ trong giáo phận Beauvais.
Cho đến khi ông qua đời năm 1993, ông không bao giờ có được sự khôi phục hoàn toàn và dứt khoát, nhưng dưới mắt đa số, ông ra đi trong sự thánh thiện. Cũng như người em của ông là Marie-Dominique, tang lễ được hồng y Philippe Barbarin, tổng giám mục giáo phận Lyon, cử hành ngày 2 tháng 9 năm 2006 tại nhà thờ chính tòa Thánh Gioan, Lyon với sự hiện diện của ông Pascal Clément, bộ trưởng bộ Tư pháp, hồng y Quốc vụ khanh Angelo Sodano và sứ thần Tòa Thánh tại Pháp Fortunato Baldelli.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch