Cuộc Cách mạng Phanxicô: Hơn 10 năm qua, giáo hoàng đã phục hồi quyền lực thực sự của Giáo hội
Đức Phanxicô gặp các hồng y từ khắp nơi trên thế giới ngày 30 tháng 8 năm 2022 tại Vatican để suy tư về tông huấn Anh em hãy rao giảng Tin Mừng, Praedicate evangelium nhằm cải cách Giáo triều Rôma. (Ảnh CNS/Vatican Media)
Con đường đã vạch sẵn từ lúc đầu, nhưng sau 10 năm nhìn lại, chúng ta thấy rõ hơn: Đức Phanxicô đã đi tìm một sự biến đổi đời sống và văn hóa nội bộ cho Giáo hội công giáo, mà trọng tâm trong đó là sự chuyển hoán quyền lực.
Trong bài giảng ngày nhậm chức 17 tháng 3 năm 2013, ngài xin chúng ta đừng bao giờ quên sức mạnh thực sự là phục vụ. Lúc đó, ngài đang nói đến thẩm quyền được giao cho ngài với tư cách là giáo hoàng: được truyền cảm hứng từ “sự phục vụ khiêm nhường, cụ thể và trung thành” của Thánh Giuse, để bảo vệ người nghèo và chăm sóc tạo vật. Và ngài đã dành cả mười năm qua để giảng dạy và tạo điều kiện, tất cả thẩm quyền thực sự trong Giáo hội là sự tham dự vào cùng một thẩm quyền thiêng liêng này. Từ Rôma, qua giám mục đoàn, và mở rộng qua các thượng hội đồng, đến toàn Giáo hội, việc phục hồi thẩm quyền lực này là dấu hiệu cải cách của ngài. Và hoa quả của nó đã thấy được.
Cách đây không lâu Vatican nổi tiếng về cung cách kẻ cả với chủ nghĩa tập trung và độc đoán thì giờ đây đã có bầu khí phục vụ và tự do. Giờ đã không còn kiểu đường hướng chỉ thị liên tục được ban hành mà không có sự tham gia của các bên; một vài chỉ thị Vatican ban hành trong những ngày này tuân theo tinh thần tham vấn sâu đậm và kiên nhẫn. Rôma không còn dùng những lời tố cáo ẩn danh (“delations”) để kỷ luật các giám mục, và cũng khó để nhớ lại có trường hợp nào trong mười năm qua mà quan điểm chính thống của một thần học gia bị đưa ra xét xử.
Cách đây không lâu Vatican nổi tiếng về cung cách kẻ cả với chủ nghĩa tập trung và độc đoán thì giờ đây đã có bầu khí phục vụ và tự do.
Các giám mục của các Giáo hội địa phương trong các chuyến đi ad limina của họ bây giờ ngạc nhiên thấy mình không còn bị đối xử như cấp dưới nữa. Các giám chức nhìn thẳng vào mắt các giám mục đến thăm, lắng nghe và giúp đỡ họ. Chương 1 trong tông huấn Anh em hãy rao giảng Tin Mừng, Praedicate evangelium được ban hành năm ngoái, nói rõ, Giáo triều “không đặt mình giữa giáo hoàng và các giám mục, nhưng phục vụ cho cả hai,” tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi các ơn giữa các Giáo hội địa phương.
Giáo triều la-mã không còn đóng vai trò ngăn chặn và kiểm soát việc đến gần giáo hoàng, và nạn tham nhũng đi kèm với vai trò gác cổng này đã vào quá khứ. Các thư ký đầy quyền lực của giáo hoàng cũng đã ra đi. Dưới thời Đức Gioan Phaolô II, các cơ quan Rôma đại diện cho một triệu nam nữ tu sĩ trên thế giới bị Vatican nghi ngờ, đã bị từ chối gặp giáo hoàng trong hơn 10 năm. Bây giờ, các cuộc gặp gỡ của Đức Phanxicô với hai tổ chức quốc tế đại diện cho các nữ tu và nam tu (tương ứng là U.S.G và U.I.S.G.) diễn ra thường xuyên nên họ cũng chẳng buồn đưa ra bình luận nào.
Guồng máy quản trị của giáo hoàng bây giờ không còn điều khiển từ xa và phi nhân hóa mà là “đồng nghị” – nghĩa là hợp tác với giám mục đoàn bằng các phương tiện tham vấn thường xuyên và trao đổi tự do. Thượng hội đồng giám mục không còn được quản lý bởi Giáo triều để ngăn chặn thảo luận cởi mở và kiểm duyệt chất vấn nhưng đã trở thành một cơ chế phân định đích thực. Năm 1999 khi hồng y Carlo Maria Martini kêu gọi “một công cụ phổ quát và có thẩm quyền hơn” để giải quyết các vấn đề học thuyết và mục vụ gai góc, “trong việc thực thi đầy đủ tính đồng nghị trong hàng giám mục,” giờ đây rõ ràng được tái sinh ở các thượng hội đồng trong thập kỷ qua, Đức Phanxicô thành lập cũng chỉ để thực hiện điều này.
Các cấu trúc và quản trị của Giáo hội hoàn vũ bây giờ phản ánh tốt hơn điều mà Đức Phanxicô gọi là “phong cách của Thiên Chúa”: ân cần, tử tế và gần gũi. Như ngài đã nói trong thánh lễ nhậm chức: “chăm sóc, bảo vệ, điều này đòi hỏi lòng tốt; chúng đòi hỏi một sự dịu dàng nào đó.” Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng của những người chỉ trích ngài khi xem loại quyền lực dễ bị tổn thương này là yếu đuối hoặc mất can đảm. Đó là dấu hiệu cho thấy sức mạnh thực sự của Giáo hội không dựa vào quyền lực, potestas nhưng dựa vào thừa tác vụ của quyền năng thiêng liêng.
Các cấu trúc và quản trị của Giáo hội hoàn vũ bây giờ phản ánh tốt hơn điều mà Đức Phanxicô gọi là “phong cách của Thiên Chúa”: ân cần, tử tế và gần gũi.
Những thay đổi này và nhiều thay đổi khác không chỉ báo hiệu một cuộc cải cách quản trị mà còn là một thay đổi trong cơ quan: từ niềm tin nửa vời vào sức mạnh của luật pháp kiểu lạc giáo pêlagiô nửa vời, không tin vào ơn Chúa sang niềm tin mới vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Sự hiệp nhất không còn bị áp đặt qua sự ép buộc phải đồng nhất, nhưng là ơn xuất phát từ sự hiệp thông, được làm sống động bởi văn hóa hỗ tương và lắng nghe lẫn nhau. (Khi các hành vi pháp lý là cần thiết – quy định của Đức Phanxicô năm 2020 về Thánh lễ Latinh Truyền thống xuất hiện trong tâm trí – thì đó là đặt ra các ranh giới bảo vệ nền văn hóa đó.) Đức Phanxicô trong tông huấn “Praedicate Evangelium” đã nói rõ rằng cuộc cải cách là để phục hồi “kinh nghiệm về sự hiệp thông truyền giáo được các Tông đồ trải nghiệm với Chúa khi Ngài khi còn ở thế gian, và sau Lễ Hiện Xuống, trong cộng đoàn đầu tiên của Giêrusalem dưới tác động của Chúa Thánh Thần.”
Một hiến pháp mới cho Giáo phận Rôma – mà giáo hoàng trong cương vị giám mục là người trực tiếp cai quản – cho thấy một cái nhìn thoáng qua về ý nghĩa cụ thể của điều này trong giáo hội địa phương. Trong “Giáo hội Hiệp thông” – Ecclesiarium Communione – được công bố vào đầu tháng 1, nói về cuộc hoán cải truyền giáo theo phong cách người Samaritanô nhân hậu để giúp Giáo hội thực hiện tốt hơn lòng thương xót và bác ái của Thiên Chúa, đòi hỏi một cuộc hoán cải đồng nghị liên quan đến sự tham gia tích cực của tất cả các người đã được rửa tội. Đổi lại, điều này đòi hỏi một loạt các cơ quan tham vấn ở tất cả các cấp, mỗi giáo xứ có một hội đồng mục vụ, và càng có nhiều giáo dân tham gia vào các quá trình đưa ra quyết định liên quan đến các quá trình phân định càng tốt.
Sự hiệp nhất không còn bị áp đặt qua sự ép buộc phải đồng nhất, nhưng là ơn xuất phát từ sự hiệp thông, được làm sống động bởi văn hóa hỗ tương và lắng nghe lẫn nhau.
Chính để giúp Giáo hội sống ngày càng mạnh dưới tác động của Thần Khí nên tháng 10 năm 2021 Đức Phanxicô đã triệu tập Thượng hội đồng hiệp hành toàn cầu kéo dài ba năm. Ngay cả bây giờ, ở nửa chặng đường, rõ ràng là trải nghiệm lắng nghe lẫn nhau sâu sắc đã biến đổi nhiều người tham gia, đánh thức ước muốn nơi các tín hữu về trách nhiệm và tham gia nhiều hơn vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội. Việc phi giáo quyền hóa quyền lực, theo cách mà tinh thần lãnh đạo và thừa tác vụ trong Giáo hội có thể bắt nguồn tốt hơn từ các đặc sủng, đã được tiến hành ở Vatican, nơi giáo dân, cũng như các nữ tu, đang nắm giữ các vai trò điều hành quan trọng.
Bằng cách bắt nguồn từ thẩm quyền trong việc chăm chú lắng nghe Thần Khí được tỏ lộ trong đức tin sống động của những người bình thường, thượng hội đồng đang thể hiện điều mà Thánh John Henry Newman gọi là “sự cùng thở của các tín hữu và các mục tử,” một điều cho phép Thần Khí thực sự hướng dẫn Giáo hội. Một ý nghĩ nổi bật là, bất cứ khi nào mật nghị tiếp theo diễn ra, các hồng y sẽ bầu chọn giáo hoàng tiếp theo, biết rằng, qua cuộc họp dân Chúa chưa từng có này, Thánh Linh đã nói với Giáo hội trong thời đại chúng ta.
Một trong những dấu hiệu cho thấy quá trình chuyển đổi đang diễn ra là sự phản kháng ngày càng gay gắt tạo ra. Sự phản đối đối Đức Phanxicô trong suốt triều giáo hoàng của ngài đã trở nên gay gắt và dữ dội nhất, chính xác là trong cuộc cải cách quyền lực và quản trị của ngài, và đặc biệt là trong và xung quanh các thượng hội đồng. Có một ý chí mới trong Giáo hội công giáo theo mô hình bởi Đức Phanxicô, để giải quyết những bất đồng trong căng thẳng đã có kết quả, để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn những con đường mới vượt qua những chia rẽ. Cách tiến hành này làm cho những người đang tìm kiếm sự chắc chắn đích thực của một quá khứ tưởng tượng tức giận và sợ hãi. Họ phải được lắng nghe một cách tôn trọng và đánh giá cao nỗi sợ hãi của họ. Nhưng như Đức Phanxicô hiểu, Giáo hội chỉ có thể truyền giáo cho thế giới ngày nay bằng cách sử dụng “phong cách của Chúa” nếu phương tiện này không làm suy yếu thông điệp. Thẩm quyền thực sự của Giáo hội nằm ở chỗ được chia sẻ quyền năng của Chúa, quyền năng này luôn được thể hiện qua phục vụ khiêm tốn. Đó là một trong những thành tựu lớn nhất của Đức Phanxicô mà sau 10 năm, chúng ta không chỉ có thể hiểu được điều này mà còn có thể nhìn thấy nó trong hành động.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch