Còn Thầy, Thầy bảo anh em…
13.6 Thánh Antôn đệ Padua, Lmts
1 V 21:1-16; Tv 5:2-3,5-6,7; Mt 5:38-42
Còn Thầy, Thầy bảo anh em…
Có câu, một trăm cái lý không bằng một tí cái tình. Cái lý cái tình cân nặng bao nhiêu mà so sánh, nó đều thuộc về cách đối xử với nhau, cha mẹ con cái trong gia đình, hàng xóm khu phố trong quan hệ… Tất cả đều đối xử với nhau bằng cả tình và cả lý, vậy nặng nhẹ chẳng phải là được mất đó sao. Cái sự được mất của lòng người, nó được mất cả sự sống và sự chết, cho nên nó so sánh gấp trăm cũng còn chưa đủ.
Đối xử với nhau bằng lý là cưa đứt đục suốt, của cha là của cha, của con là của con, của anh không phải của tôi và của tôi không phải của anh… tất cả phân chia rạch ròi, không lấn cấn tình cảm. Cưa đứt đục suốt đem áp dụng vào tình cảm thì nó là cuộc chia ly. Anh em cưa đứt đục suốt thì xa cách nhau, tình bạn cưa đứt đục suốt thì mất bạn thân, tình yêu cưa đứt đục suốt thì trở thành buôn tình, vợ chồng cưa đứt đục suốt thì ly dị.
Cưa đứt đục suốt với nhau tức là sòng phẳng, sòng phẳng thì anh bằng tôi, tôi bằng anh, cha con sòng phẳng với nhau, anh em sòng phẳng với nhau, bạn bè sòng phẳng với nhau, tình yêu sòng phẳng với tình yêu… Sòng phẳng thì được gì, nếu tôi bằng anh thì tôi còn anh và anh còn tôi, nếu tôi hơn anh tức thì tôi mất anh.
Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe chỉ vỏn vẹn bốn câu vắn vỏi. Bốn câu này nằm trong bối cảnh sau khi các môn đệ thắc mắc với Chúa Giêsu về luật Môsê. Đây là bản chỉ nam, kiện toàn luật Môsê mà Chúa muốn dạy các môn đệ của Ngài.
Trước tiên, Chúa Giêsu khởi sự nhắc các môn đệ về luật báo thù, “Anh em đã nghe Luật dạy : Mắt đền mắt, răng đền răng…”, luật báo thù này của người xưa căn cứ trên việc ăn miếng trả miếng, nghĩa là nếu có ai đó đã làm thiệt hại bạn, thì hãy làm hại lại người ta như vậy, hoặc bắt họ đền bù sao cho tương xứng với sự thiệt hại mình đã chịu. Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài có lối hành xử tốt hơn : “Còn Thầy, Thầy bảo anh em : đừng chống cự người ác”. Chúa Giêsu đã xóa bỏ nguyên tắc của luật báo thù, vì dù có hạn chế và được kiểm soát kỹ đến đâu đi nữa, thì việc báo thù cũng không khi nào có chỗ đứng trong đời sống Kitô giáo.
Chúa Giêsu nhắc thêm :“Nếu bị ai tát má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa”. Bị tát là bị sỉ nhục về mặt danh dự. Chúa Giêsu dạy các môn đệ hãy có cách hành xử cao hơn. Ngài không những chỉ khuyên quên đi việc bị thiệt hại vật chất không đòi đền bù, mà còn rộng lòng quên đi việc bị hạ nhục, bị thiệt hại danh dự.
Và Chúa lại bảo :“Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài”. Áo của một người là quyền lợi cơ bản nhất mà người ấy được hưởng. Chúa Giêsu muốn đòi buộc chúng ta đi vào một tiến trình sâu hơn của luật yêu thương. Ngài đòi hỏi người Kitô hữu không nghĩ đến quyền lợi riêng của mình, nhưng nghĩ đến bổn phận phải giúp đỡ và trao ban cho người khác cả phần dư mà lẽ ra chính họ phải được hưởng.
Không chỉ nghĩ đến đồng loại với những quyền lợi. Chúa Giêsu còn muốn người môn đệ thể hiện trọn vẹn hơn nữa các điều luật. Phải nghĩ đến đồng loại để tìm phục vụ hơn là để được phục vụ : “Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm”. Chúa Giêsu khơi lên một tiến trình hoàn thiện hơn. Xa hơn và hoàn trọn hơn trong phục vụ là đi bước trước, đến và tìm ra nhu cầu của người đang cần đến chúng ta.
Và mức cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy cho những ai làm môn đệ của Ngài đó là : phải nhạy bén, phải sáng tạo hơn trong yêu thương, phải tìm ra cách thế trao tặng xinh đẹp và ưu ái nhất : “Ai xin, thì anh hãy cho, ai muốn vay mượn, thì anh đừng ngoảnh mặt đi”. Yêu thương là luôn biết cho đi, không được từ chối, luôn tìm tạo thuận lợi để trao ban. Và trong mọi tình huống hãy tôn trọng những ai đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Không được ngoảnh mặt làm ngơ hoặc coi thường. Cho đi là đặc ân và cũng là một sứ vụ mà người môn đệ phải đảm nhận. Hãy sử dụng châm ngôn của cổ nhân xưa : “Thà cho một người ăn mày giả dối, để khỏi phải từ chối lầm một người khiêm tốn nài xin”. Người biết yêu thương, biết trao tặng là người làm tất cả các nghĩa cử yêu thương mà không sợ lãng phí, không sợ người khác không nhận ra. Người biết yêu thương thì luôn biết sáng tạo trong cách thế trao tặng.
Hôm nay, Chúa Giêsu thiết định nét mới rất quan trọng để mở rộng luật Môsê : Nguời môn đệ Chúa Giêsu không bao giờ thù hận, không được tìm cách báo thù cho dù đó là một sỉ nhục có tính toán và độc ác. Người môn đệ Chúa Giêsu không bao giờ bám vào quyền lợi, cả quyền lợi pháp lý lẫn quyền lợi đương nhiên được hưởng ; không bao giờ nghĩ đến việc làm theo ý mình, nhưng nghĩ đến việc mở rộng lòng yêu thương, nâng đỡ. Người môn đệ Chúa Giêsu thì luôn nghĩ ra được cách sáng tạo trong sự phục vụ trao ban.
Như vậy, cách đối xử vay phải trả nợ phải đền chính là sự ngăn cách giữa người với người, giữa sự giàu sang với nghèo hèn, giữa sự chia rẽ và yêu thương, tức là lấy lý lẽ mà đối xử với nhau. Người có cách đối xử luôn bằng tình thì khác hẳn, họ sẽ chín bỏ làm mười, nếu lệch chỗ nào thì tìm cách kê cho bằng, tấm lòng rộng lượng vị tha, sẵn sàng cho tất cả những gì mình có. Đêm về nằm xuống là chìm sâu vào giấc ngủ, tinh mơ tình thức thì uống trà ngắm bình minh, gặp người thì nụ cười tươi rói trên môi, tâm rất bình an, xác rất an lạc, không biết giận hờn oán ghét, đó là những người lấy chút tình mà đối xử với người.
Cuộc đời của mỗi người cần nên nhớ: “Cho đến cuối cùng bạn vẫn nên tha thứ cho họ. Không phải bởi vì họ đáng được tha thứ mà bạn đáng được bình yên”. Chúa Giêsu đã dạy: “Thầy truyền cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13, 34). Chính vì anh em yêu thương nhau mà thiên hạ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy. (Ga 13, 35).