CON ĐƯỜNG GIÊSU
30.4 Thứ Sáu Tuần IV Phục Sinh
– Thánh Pi-ô V, Giáo Hoàng.
– Các bài đọc Lời Chúa: Cv 13,26-33; Ga 14,1-6.
CON ĐƯỜNG GIÊSU
Antonio Ghislieri sinh hạ trong một gia đình nghèo ở Lombardie (Ý). Nhờ sự giúp đỡ của một người giàu có, Antonio được học vào dòng Đa Minh lúc lên 15 tuổi. Sau khi lãnh chức linh mục, Ngài làm việc một thời gian trong toà án thẩm tra, làm Giám Mục Sutri, Hồng Y và năm 1566, được bầu lên ngôi Giáo Hoàng với tước hiệu Piô V.
Triều đại của Ngài vắn vỏi 6 năm, nhưng đem lại cho Giáo Hội nhiều kết quả lớn, là thực thi những quyết nghị của công đồng Triđentinô (1545-1563).
Ngài sống đơn sơ khó nghèo, không theo lối một số hàng giáo sĩ, dọn đường cho một thế hệ Giám Mục mới. Ngài cho ra cuốn Giáo Lý Lamã, phiên dịch ra tiếng bình dân phổ thông, sửa đổi sách Nhật Tụng và sách Lễ, thiếp lập Bộ Kiểm Duyệt sách xấu, cho tái bản bộ sách Thánh Tôma mà Người tôn phong Tiến Sĩ.
Ngài kêu gọi các vua Công Giáo liên minh chống lại Thổ Nhĩ Kỳ đang mang tâm dẫn đại quân vịnh Lepante. Hình như Ngài, trong thị kiến, đã nhìn thấy diễn tiến của trận hải chiến. Quân Hồi thảm bại. Giáo dân đã cầu nguyện nhiều với Đức Mẹ Mân Côi và chính Đức Thánh Cha như biết trước đó là diễn tiến cuối cùng của đời Ngài. Mấy tháng sau, Ngài qua đời ngày 01 tháng năm 1572.
Nhờ dựa vào cuộc thẩm tra, Đức Piô V cũng đấu tranh chống sức bành trướng của đạo Tin lành tại Ý và Tây Ban Nha. Về phần nước Anh, ngài ủng hộ Marie Stuart mà phạt vạ tuyệt thông cùng chủ trương hạ bệ nữ hoàng Élisabeth (1570). Song việc này chỉ khiến cho tình cảnh của những người Công giáo trong vương quốc này càng thêm éo le hơn.
Vì lo âu trước tai họa người Thổ Nhĩ Kỳ đang gieo rắc cho Ki-tô-giáo ở Tây Phương, nên Đức Piô V – trong một Châu Âu bị phân hóa – đã cũng với Venise và Tây Ban Nha, thành lập một Liên minh Kitô-giáo. Từ đó, dưới sự chỉ huy của Don Juan d’Autriche, hạm đội liên quân đã thắng trận Lépante (ngày 7 tháng 10 năm 1571), khiến hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ của Ali Pacha thoát chạy tán loạn. Nhân chiến công hiển hách đó đã làm nức lòng giới Kitô giáo đồng thời chấm dứt huyền thoại về đế quốc Ottoman bất bại, Đức PiôV thành lập ngày lễ Đức Bà Toàn Thắng (hay Đức Bà mân Côi).
Vì thế, vị Giáo Hoàng của công cuộc Canh Tân Hội thánh Công giáo cũng là vị thánh của chuỗi Mân Côi. Đặc biệt ngài cũng là người cổ vũ việc lần hạt qua sắc chỉ Consueverunt (1569). Sắc chỉ này giải thích và phần nào xác định hình thức truyền thống của chuỗi Mân Côi (xem thông điệp Marialis cultus, số 42).
Hôm trước ngày người qua đời, Đức Piô V nói với các Hồng y qui tụ quanh mình: “Ta gửi gắm cho chư vị Hội thánh mà ta rất yêu mến. Xin chư vị hãy bầu cho Ta một người kế vị nhiệt thành; vị đó chỉ lo tôn vinh Thiên Chúa và không mưu cầu điều gì khác dưới trần thế này ngoài vinh dự của Tòa thánh và lợi ích cho các nước theo Kitô giáo”.
Ngài được tôn phong Hiển Thánh năm 1712 do Đức Clemente XI.
Trên hành trình dốc tâm theo Thầy Giêsu, các môn đệ luôn xác tín rằng, để có một ngày mai tươi sáng huy hoàng, không ai dại gì để đi vào chỗ chết. Cả chúng ta ngày hôm nay cũng vậy, không ai dại gì đánh đổi cuộc sống mình để chết và đau khổ. Đây là nỗi thao thức chung của chúng ta hôm nay cũng như của các môn đệ năm xưa. Vậy mà bỗng dưng Thầy Giêsu loan báo: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta, và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại.” (Mc 9,30).
Chúa Giêsu một lần nữa tỏ cho chúng ta sứ mạng Ngài. Sứ mạng của Ngài là đến trần gian để dẫn đưa nhân loại về cùng Cha, đến sự sống đời đời. Chính Chúa Giêsu là con đường duy nhất, mà ai muốn đến cùng Cha, muốn có sự sống đích thực thì phải qua con đường đó. Nếu chúng ta từ chối Chúa Giêsu, không bao giờ chúng ta có thể đạt được hạnh phúc viên mãn.
Nhưng thế nào là đi vào con đường của Chúa Giêsu là đón nhận Chúa Giêsu? Lời Chúa nhắc nhở cho chúng ta: Yêu mến là chu toàn giới luật. Luật yêu thương mà Chúa đã sống và truyền lại cho chúng ta. Nếu chúng ta biết sống yêu là một dấu chứng chúng ta đang đi trong con đường tình yêu của Chúa Giêsu. Ðể cùng với Chúa Giêsu chúng ta đi về cùng Cha hưởng nguồn hạnh phúc vĩnh cửu.
Chúa Giêsu ra đi không phải đi tìm hạnh phúc cho riêng mình, nhưng cho các tông đồ và cho cả nhân loại. Ngài ra đi để chúng ta được cứu rỗi, Ngài đi trước để dọn chỗ cho chúng ta được sống đời đời hạnh phúc bên Chúa Cha. Chính qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, Ngài đã trở thành con đường duy nhất dẫn chúng ta đến với Chúa Cha. Khi suy nghĩ về mục đích của cuộc đời hiện tại và về cuộc sống mai sau, chúng ta hãy biết sống tỉnh thức bằng việc giữ tâm hồn trong sạch, luôn tín thác vào Chúa, Ngài sẽ giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc muôn đời nơi Nhà Cha của Ngài là Thiên Đàng vinh phúc đã được dọn sẵn cho chúng ta.
Và ta thấy Tin mừng kể, “điều này làm cho các tông đồ khó hiểu”. Rồi trang Tin mừng hôm nay, Thầy Giêsu lại loan báo một sự ra đi, bỏ lại các ông, lại làm cho các ông bối rối lo lắng hơn, xem ra những mục đích và dự tính của các ông đang bị vỡ mộng. Chính trong tâm trạng đó, Thầy Giêsu đã trấn an các ông. Như có lần Ngài trấn an bằng việc đưa ba môn đệ lên núi Tabore để cho các ông thấy vinh quang của Ngài.
Như lần Ngài đã hỏi các ông: “Anh em không nhớ sao, khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh. . . .khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh”(Mc 8, 17-20). Chính vì thế hôm nay Thầy Giêsu trấn an các ông. “Lòng anh em đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”.
Vâng tin là không cần điều kiện, không cần thế chấp, mà là tín thác và hy vọng, là dấn thân và trông cậy. Đây chính là điều Thầy Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ của Ngài. Hãy tin vào Ngài. Con đường bước theo Thầy Giêsu, dẫu có bước vào sự chết, đau khổ, dẫu có bị bỏ rơi, hay sỉ nhục cũng không phải là điên dại hay hủy diệt, mà là sự sống và hạnh phúc.
Tin vào Thầy Giêsu chúng ta đi vào sự sống. Tin vào Thiên Chúa chúng ta đi vào sự khôn ngoan. Đây chính là luận cứ của thánh Phaolô trong bài đọc một.
Tại hội trường Antiôkia, thánh Phaolô muốn chứng minh cho người Do thái thấy, Thiên Chúa Cha đã sắp xếp mọi sự, để cho Chúa Giêsu đến trần gian, chịu đau khổ và sự chết, nhưng ngày thứ ba Ngài đã sống lại. Thiên Chúa đã dùng chính Chúa Giêsu để hoàn tất lịch sử Do thái, để đi vào lịch sử nhân loại. Thánh Phaolô nhắc. “Điều Thiên Chúa đã hứa với cho ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Chúa Giêsu sống lại”.
Tin vào Thiên Chúa là bước đi trong sự khôn ngoan, nhận ra chương trình Thiên Chúa là tin Đức Giêsu đến để hoàn tất những gì Kinh thánh đã loan báo. Một khi đã tin vào Thiên Chúa, thì phải đón nhận Đức Giêsu, chấp nhận đi theo con đường của Ngài. Ngài về cùng Chúa Cha để dọn chỗ cho chúng ta, và như Ngài khẳng định: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.
Thế giới có biết bao nhiêu con đường để đi về quê trời: những con đường ấy đã làm cho biết bao nhiêu người lầm lạc, và cả ta nữa. Con đường Đạo: Đạo Phật, Đạo Lão, Đạo Cơ Đốc, Đạo Hồi, Đạo Tin Lành, Chính Thống, Anh Giáo, và Đạo Công Giáo của chúng ta. Cũng thờ Chúa Giêsu, cũng tin Chúa Giêsu nhưng không đi trên con Đường Sự Thật của Chúa. Nên đã lạc lối. Làm sao biết đường Chúa đi.
Con người sống giữa trần gian với biết bao lạc thú, biết bao cám dỗ, biết bao đam mê, biết bao dục vọng mà bản thân ta cứ buông xuôi theo dòng đời. Kẻ thì chạy theo danh vọng, người thì đi kiếm tiền tài, kẻ lại tìm những thú vui trần thế…Có những kẻ tàn ác đi tìm kiếm uy quyền để giết hại đồng loại; có những người bệnh hoạn đắm chìm trong dâm tục hoang dã. Họ là những người lạc lối đức tin. Họ không biết đường Chúa đi, vì họ không đi trong sự thật. “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống.” (Ga 14, 6)