Con của một phụ nữ bị hãm hiếp trở thành linh mục
Con của một phụ nữ bị hãm hiếp trở thành linh mục
Cha Antonio Vélez Alfar, người gốc Colombia, hiện đang sống ở Argentina. Mẹ cha bị hãm hiếp vào năm 27 tuổi, nhưng bà đã quyết bảo vệ thai nhi. Câu chuyện nhiều đau thương nhưng đầy xác tín vào đức tin của một phụ nữ can đảm được chính cha Antonio làm chứng trong một thời điểm mà tại Argentina đang có những phản đối mạnh mẽ về luật cho phép phá thai.
“Đối với mẹ tôi, niềm tự hào lớn nhất là đã bảo vệ sự sống cho tôi”, khi nói những lời này cha Antonio rơm rớm nước mắt, bởi vì điều này làm cho cha quay trở lại tuổi thơ đầy đau thương của cha và mẹ cha. Thực tế, mẹ cha đã tiết lộ rằng bà đã có thai sau khi bị cưỡng hiếp.
Cha Antonio, linh mục chánh xứ của tỉnh Chubut của Argentina đã quyết định làm chứng sau một bản án của toà án tối cao của Argentina, tuyên bố phá thai không vi phạm luật trong những trường hợp bị cưỡng hiếp. Cha nói: “Mẹ tôi là một phụ nữ có đức tin mạnh mẽ, xác tín và thực hành. Bà nói mặc dù hoàn cảnh rất khủng khiếp, nhưng đã cưu mang điều kỳ diệu của sự sống mới, một sự sống mà Thiên Chúa đã trao ban cho bà. Chính vì xác tín điều này mà mẹ tôi đã không phá thai. Và nếu Chúa cho phép điều này xảy ra, thì sự kiện này phải có ý nghĩa”.
Mẹ cha Antonio bị hãm hiếp ở tuổi 27 bởi những người bạn đồng nghiệp. Tại một lễ hội, những người này đã chuốc thuốc mê cho thiếu nữ và lạm dụng cô. Trong nỗi đau khổ không biết cha của em bé là ai, thiếu nữ bị ép gả cho một người goá vợ. Người chồng này không những không yêu thương cô lại còn tiếp tục ngược đãi ngay sau khi kết hôn. Vì không thể ly thân, mẹ cha Antonia vẫn phải ở với chồng và có thêm con thứ hai, trong lúc Antonio được gửi về cho bà ngoại.
Cha Antonio tiếp tục câu chuyện: Một ngày nọ, bà tôi nói tôi gọi ông tôi bằng “bố”, tôi thắc mắc hỏi lại bà rằng tại sao cùng một người mà lại vừa là bố vừa là ông. Từ thắc mắc này, tôi đi hỏi mẹ tôi, và bà đã kể lại cho tôi nghe câu chuyện khủng khiếp mà bà đã phải trải qua. Bà giãi bày: Nhiều người muốn mẹ phá thai, những người khác muốn mẹ bán con đi và một số người muốn vứt bỏ con ra đường. Và cũng có những người quan tâm đến con.
Thực tế, tôi đã trải qua tuổi thơ rất khó khăn. Khi chỉ mới 10 tuổi tôi đã có những phản ứng dữ dội chống lại mẹ tôi.
Một ngày kia, tôi muốn trút cơn giận với Chúa. Tôi đến nhà thờ để phản đối Người. Trong khi tôi hét lên “Tại sao điều này lại xảy đến với con?” thì có một linh mục đến bên tôi và nói với tôi rằng tôi đã đưa ra câu hỏi sai. Cha nói không hỏi “tại sao”, nhưng hãy hỏi “cho ai”. Đó chính là hoàn cảnh của tôi, Thiên Chúa đang gọi tôi thực hiện những điều kỳ diệu.
Vị linh mục đó nói với tôi rằng Thiên Chúa viết thẳng trên những đường cong và tôi sẽ là khí cụ của Người. Sau đó vị linh mục đọc đoạn Thánh Kinh của ngôn sứ Giêrêmia về việc Chúa gọi ông và trấn an ông. “Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: ‘Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân’. Nhưng tôi thưa: ‘Ôi ! Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói !’ Đức Chúa phán với tôi : ‘Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi ; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi.’” (Gr 1,1-8)
Lời chứng của cha Antonio trước toà là một khẳng định trước đây của đa số người dân Argentina, đặc biệt các Kitô hữu. Thực tế, vào tháng 11/2020, các Kitô hữu thuộc nhiều hệ phái ở Argentina và những người thiện chí đã cùng nhau xuống đường để phản đối dự luật nhằm hợp pháp hóa việc phá thai đã được Tổng thống Alberto Fernandez trình lên Quốc hội. Theo các nhà tổ chức, các cuộc biểu tình đã diễn ra trên hơn 500 thành phố trong cả nước.
Luật này sẽ cho phép cả những thiếu nữ dưới 13 tuổi phá thai mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, việc phá thai theo yêu cầu được hợp pháp cho tới tuần thứ 14 của thai kỳ, và cho phép phá thai vào bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ nếu nó được xác định là gây nguy hiểm đến tính mạng, thể chất hoặc tâm lý của người mẹ hoặc nếu đó là kết quả của lạm dụng tình dục.
Cũng trong tháng 11/2020, 8 phụ nữ sống trong những khu ổ chuột lớn nhất trong Tổng Giáo phận Buenos Aires, giáo phận trước đây của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã viết thư cho ngài bày tỏ lo ngại rằng dự luật phá thai nhắm đến các phụ nữ nghèo và xin ngài giúp cho tiếng nói của họ được lắng nghe. Trong thư đề ngày 22/11/2020 gửi các phụ nữ Argentina, Đức Thánh Cha nói rằng vấn đề phá thai chủ yếu không phải là vấn đề tôn giáo mà là vấn đề đạo đức con người, là điều đi trước bất kỳ hệ phái tôn giáo nào. Đức Thánh Cha đặt ra hai câu hỏi: “Có công bằng không khi loại bỏ một mạng người để giải quyết một vấn đề? Có công bằng không nếu thuê một kẻ giết thuê để giải quyết một vấn đề?” Đây là lần đầu tiên ngài trực tiếp nói về chiến dịch ủng hộ phá thai tại quê nhà của ngài.
Đức Thánh Cha khen ngợi các phụ nữ chống phá thai “thật sự là những phụ nữ hiểu sự sống này là gì” và ngài ngưỡng mộ công việc và chứng tá của họ. Ngài cám ơn những gì họ làm. Ngài nói rằng quê nhà hãnh diện có những phụ nữ như họ.
Ngọc Yến