2023
Truyền hình trực tiếp Sứ điệp Giáng Sinh 2023 và phép lành toàn xá Urbi et Orbi
SỨ ĐIỆP GIÁNG SINH 2023
VÀ PHÉP LÀNH TOÀN XÁ URBI ET ORBI
Vatican News Tiếng Việt truyền hình trực tiếp Sứ điệp Giáng Sinh 2023 và phép lành toàn xá Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha Phanxicô từ Ban công chính của Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày thứ Hai, 25.12.2023.
Múi giờ:
– Giờ Roma: 12:00
– Giờ Việt Nam: 18:00
2023
Bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski làm Đại diện Toà Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam
Bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski làm Đại diện Toà Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam
BỔ NHIỆM ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC MAREK ZALEWSKI
LÀM ĐẠI DIỆN TOÀ THÁNH VATICAN THƯỜNG TRÚ TẠI VIỆT NAM
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ
WHĐ (23.12.2023) – Hôm nay, thứ Bảy, ngày 23-12-2023, vào lúc 12g Vatican, tức 18g Việt Nam cùng ngày, Toà Thánh Vatican công bố: Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Tổng Giám Mục hiệu tòa Africa (nay là Tunisia), hiện đang là Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam, làm Đại diện Toà Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam.
Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski sinh ngày 2-2-1963 tại Augustów, thuộc giáo phận Łomża, Ba Lan. Học triết học tại Đại chủng viện Łomża (1983-1985) và Thần học tại Đại chủng viện Firenze, Italia (1985-1989). Ngày 27-05-1989 thụ phong linh mục tại Nhà thờ chính toà Tổng Lãnh Thiên Thần Micae ở Łomża.
Từ 1989-1991, cha Marek Zalewski là linh mục phụ tá giáo xứ Thánh Maria của Tổng giáo phận Firenze. Sau đó theo học tại Đại học Giáo Hoàng Gregoriana và tốt nghiệp Tiến sĩ giáo luật năm 1995; đồng thời cha còn tham dự các khoá học ngôn ngữ và chương trình của Trường Ngoại giao Toà thánh.
Tháng Bảy năm 1995, cha Marek Zalewski bắt đầu tham gia ngành ngoại giao của Toà Thánh và trải qua nhiều sứ vụ:
– Toà Sứ thần Toà thánh tại Cộng hoà Trung Phi (1995-98)
– Phái đoàn ngoại giao tại Liên hiệp quốc, New York (1998-2001)
– Toà Sứ thần Toà thánh tại Anh (2001-2004)
– Toà Sứ thần Toà thánh tại Đức (2004-2008)
– Toà Sứ thần Toà thánh tại Thái Lan (2008-2011)
– Toà Sứ thần Toà thánh tại Singapore (2011-2012)
– Toà Sứ thần Toà thánh tại Malaysia (2012-2014)
Ngày 25-03-2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục hiệu toà Africa (nay là Tunisia) và Sứ thần Toà Thánh tại Zimbabwe. Đức Tổng Giám Mục Zalewski đã chọn khẩu hiệu “Lumen vitae Christus” (Chúa Kitô, ánh sáng ban sự sống) làm châm ngôn cho sứ vụ giám mục.
Ngoài tiếng mẹ đẻ, Đức Tổng Giám Mục Zalewski còn thông thạo tiếng Ý và tiếng Anh. Ngoài ra ngài cũng sử dụng tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha.
Cùng ngày, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt nam, gửi thư đến Cộng đoàn Dân Chúa loan báo tin vui về Đức Tổng Giám Mục Đại diện Tòa Thánh thường trú tại Việt Nam.
* * *
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
Ngày 23 tháng 12 năm 2023
Kính gửi: Quí Đức Hồng Y, Quí Đức Cha và cộng đồng Dân Chúa Việt Nam
Ngay thềm Giáng Sinh, chúng ta đón nhận tin vui: hôm nay, ngày 23 tháng 12 năm 2023, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski làm Đại diện Toà Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam.
Như chúng ta đã biết, ngày 27 tháng 7 vừa qua, Toà Thánh Vatican và Việt Nam đã công nhận Thoả thuận về “Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam” nhân dịp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thăm Vatican và hội kiến với Đức Giáo hoàng Phanxicô. Đây là kết quả của quá trình gặp gỡ và trao đổi lâu dài, nhất là từ khi thành lập “Tổ công tác hỗn hợp Việt Nam – Vatican” năm 2008, với khoá họp đầu tiên ngày 16-17 tháng 2 năm 2009. Kết quả là Toà Thánh đã bổ nhiệm hai vị Đại diện không thường trú là Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli (2011-2017) và Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski (2018-2023). Sau 14 năm với 10 khoá họp chung, nay Toà Thánh đã có thể bổ nhiệm một vị Đại diện thường trú tại Việt Nam.
Như Đức Thánh Cha đã viết trong Thư gửi Cộng đoàn Công giáo Việt Nam ngày 8 tháng 9 năm 2023, kết quả tốt đẹp này “dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau được xây dựng từng bước trong nhiều năm qua” và “nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt”, với mục tiêu “cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội Thánh”.
Chúng ta tin tưởng rằng trong tư cách thường trú, Đức Tổng Giám Mục Đại diện Toà Thánh sẽ là dấu chỉ hữu hình rõ nét hơn của sự hiệp thông giữa Hội Thánh Việt Nam với Đức Giáo Hoàng, đồng thời ngài cũng sẽ trở thành cầu nối ngoại giao để Hội Thánh có thể phát triển các hoạt động đa dạng nhằm đáp ứng các nhu cầu trong cộng đồng xã hội.
Chúng ta tạ ơn Chúa và vui mừng chào đón Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski trở lại Việt Nam và ở lại với chúng ta trong sứ vụ mới.
Kính chúc quí Đức Hồng Y, quí Đức Cha và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa một Mùa Giáng Sinh đầy ân sủng và năm 2024 an lành, thánh đức.
(Đã ký)
+ Giuse Nguyễn Năng
Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Tp. Hồ Chí Minh
Chủ tịch
2023
Ông già Noel
Có nhiều truyền thuyết và giai thoại về ông già Noel, một nhân vật nổi tiếng, chuyên phát quà cho trẻ em trong mùa Giáng sinh.
Ở VN, “ông già Noel” là cách gọi duy nhất, có khả năng dịch đối chiếu từ hai ngôn ngữ: Père Noël (tiếng Pháp) và Thánh đản lão nhân /圣诞老人 (Trung Quốc) – cả hai cụm từ này đều có nghĩa là “Santa Claus” (Ông già Noel).
Xét về từ nguyên, thuật ngữ Santa Claus xuất hiện trong tiếng Anh khoảng năm 1773 với tên gọi ban đầu là St. A Claus trên báo New York Gazette. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ nhân vật Sinterklaas ở Hà Lan, tức “Saint Nicholas”, giám mục ở vùng Tiểu Á, người đã trở thành vị thánh bảo trợ trẻ em. Ở Hà Lan, ngoài từ Sinterklaas, người ta còn gọi ông già Noel là Kerstman.
Thuật ngữ Santa Claus được chứng thực từ những năm 1650. Trong tiếng Anh – Mỹ, bên cạnh từ Santa Claus, người ta còn gọi ông già Noel là Father Christmas, Saint Nicholas, Saint Nick, Kris Kringle hay đơn giản là Santa. Riêng thuật ngữ Father Christmas khởi thủy không liên quan đến ông già Noel mà chỉ là tên nhân cách hóa của lễ Giáng sinh trong văn hóa dân gian Anh, xuất hiện lần đầu giữa thế kỷ 17 sau cuộc nội chiến ở nước này, là biểu tượng của “tiệc tùng và niềm vui” dành cho người lớn. Đến thời Victoria, Father Christmas mới có nghĩa là ông già Noel chuyên phát quà cho trẻ em.
Ngoại hình ông già Noel khá đa dạng, tùy thuộc từng nền văn hóa. Đầu thế kỷ 20, ông xuất hiện trong trang phục xanh, nâu, vàng, thậm chí là đỏ. Người Pháp gọi ông là Père Noël, một nhân vật mặc trang phục đỏ – trắng đã từng truyền cảm hứng cho Công ty Coca-Cola vẽ quảng cáo hình ảnh ông già Noel lan truyền khắp thế giới trong những năm 1930. Người Đức gọi ông là Weihnachtsmann – một thuật ngữ xuất hiện lần đầu trên tuần báo Berlin Mannigfaltigkeiten (1770). Trong văn hóa dân gian Đức xưa, ông già Noel là một cặp song sinh, một người vận trang phục đỏ – trắng, phát quà cho trẻ ngoan; người kia mặc đồ đen – nâu, trừng phạt trẻ hư.
Ở Tây Ban Nha người ta gọi ông già Noel là Papá Noel; Chile gọi là Viejo Pascuero; còn Bồ Đào Nha có 2 cách gọi: Papai Noel (tiếng Bồ Đào Nha ở Brazil) và Pai Natal (tiếng Bồ Đào Nha ở châu Âu); trẻ em Trung Quốc gọi ông là Thánh đản lão công công (聖誕老公公); người Nhật gọi là Santakurōsu (サンタクロース). Trong tiếng Nga, ông già Noel là Ded Moros (Дед Мороз, còn gọi là Deduschka Moros), tức “Cha băng giá” hoặc “Ông băng giá”, người vận trang phục xanh và trắng, tượng trưng cho sương giá và sự lạnh lẽo. Bên cạnh ông luôn có cô cháu gái gọi là Snegurochka (Снегурочка, “bông tuyết”).
Hình tượng ông già Noel không chỉ là người da trắng mà còn là người da màu. Theo truyền thuyết Iceland, có tổng cộng 13 ông già Noel với các tính cách khác nhau: nghịch ngợm, hoạt bát hoặc tốt bụng, hiền lành.
Quê hương của ông già Noel gây nhiều tranh cãi. Có truyền thuyết cho rằng ông sống cùng bà vợ Claus ở Bắc cực; thuyết khác khẳng định ông cư trú ở Rovaniemi, Phần Lan. Riêng người Đan Mạch cho rằng Julemanden (ông già Noel) sống gần vùng Uummannaq ở Greenland…
Từ đầu thế kỷ 20, ông già Noel không chỉ đi xe tuần lộc, trên nhiều tấm bưu thiếp cho thấy ông còn ngồi trên xe trượt tuyết do yêu tinh kéo, hoặc đứng trong khinh khí cầu hay lái mô tô. Ngày nay, vào mùa Giáng sinh, trẻ em trên thế giới vẫn viết thư gửi ông già Noel, các nhân viên bưu cục thường phản hồi từng lá thư một. NORAD ( Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ) còn cung cấp cho trẻ em dịch vụ “Theo dõi ông già Noel”, cho phép trẻ em kiểm tra vị trí của ông già Noel, thời điểm ông phát quà tặng thông qua internet hoặc điện thoại mỗi dịp Giáng sinh.
Vương Trung Hiếu
2023
Nhìn lại một số sự kiện nổi bật của đời sống Giáo hội trong năm qua
Chỉ còn 10 ngày nữa là chúng ta sẽ kết thúc năm 2023 và bước sang Năm Mới 2024. Vatican News Tiếng Việt xin kính mời quý vị cùng nhìn lại một số sự kiện nổi bật trong đời sống Giáo hội trong một năm qua.
Đức cố Giáo hoàng Biển Đức XVI qua đời
Trước hết, cách nay gần một năm, vào ngày cuối cùng của năm 2022, Đức cố Giáo hoàng Biển Đức XVI đã được Chúa gọi về với Người, hưởng thọ 95 tuổi. Phòng Báo chí Toà Thánh thông báo ngài đã qua đời vào lúc 9:34 sáng giờ Roma tại đan viện Mater Ecclesiae, nơi ngài đã chọn làm nơi cư trú sau khi từ nhiệm vào năm 2013, sau 8 năm lãnh đạo Giáo hội trong sứ vụ chủ chăn của Giáo hội hoàn vũ.
Từ một vài ngày trước đó, tình trạng sức khỏe của Đức cố Giáo hoàng đã trở nên xấu đi rất nhiều do tuổi cao sức yếu. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn chia sẻ công khai tin tức về tình trạng sức khoẻ xấu đi của vị tiền nhiệm vào cuối buổi tiếp kiến chung cuối cùng của năm, hôm 28 tháng 12, khi mời gọi cầu nguyện cho Đức cố Giáo hoàng, để xin Chúa an ủi và nâng đỡ ngài “trong chứng tá tình yêu dành cho Giáo hội cho đến cùng”. Và ngay lập tức, tại tất cả các châu lục, nhiều chương trình cầu nguyện đã được nhân rộng với các sứ điệp liên đới và gần gũi, ngay cả từ những người ngoài Giáo hội.
Năm ngày sau khi Đức cố Giáo hoàng Biển Đức XVI qua đời, thế giới đã nói lời từ biệt với ngài vào ngày 5/1 trong Thánh lễ an táng đơn sơ nhưng long trọng tại quảng trường Thánh Phêrô với khoảng 50.000 tín hữu tham dự. Trong số rất nhiều khách quốc tế đến dự tang lễ có Tổng thống Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier, Chủ tịch liên bang của Đức Bärbel Bas và Thủ tướng Liên bang Đức Olaf Scholz.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi sự nhạy bén, khôn ngoan và dịu dàng của vị tiền nhiệm. Vào cuối bài giảng, ngài nói: “Thưa Đức Biển Đức, người bạn trung thành của Chàng Rể, ước gì niềm vui của ngài được trọn vẹn khi nghe tiếng của Chàng Rể, bây giờ và mãi mãi!”.
Như lời chào cuối cùng, Đức Thánh Cha đã đến quan tài của vị tiền nhiệm, chúc lành, đặt tay lên quan tài và cúi đầu một lúc.
Tông du đến CHDC Congo và Nam Sudan
Mở đầu cho những chuyến tông du nước ngoài của Đức Thánh Cha trong năm 2023 là chuyến viếng thăm CHDC Congo và Nam Sudan, từ ngày 31/1 đến 5/2. Tại hai nước đang có những cuộc nội chiến, Đức Thánh Cha cổ võ hòa bình và đối thoại.
Ngày 1/2, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh lễ tại sân bay N’dolo ở thủ đô Kinshasa của CHDC Congo với một triệu tín hữu. Trong bài giảng ngài kêu gọi họ hạ vũ khí, đón nhận lòng thương xót và trở thành những nhà truyền giáo của hòa bình.
Đức Thánh Cha nói với người dân Congo: “Chúa biết những vết thương của chúng ta, Người biết những vết thương của đất nước của anh chị em, của dân tộc anh chị em, của miền đất của anh chị em!…Chúa Giêsu đau khổ với anh chị em, Người nhìn thấy những vết thương anh chị em mang trong lòng và muốn an ủi và chữa lành cho anh chị em bằng cách trao cho anh chị em trái tim thương tích của Người. Cùng với nhau, chúng ta tin rằng Chúa Giêsu luôn ban cho chúng ta khả năng được tha thứ và bắt đầu lại, và cũng có sức mạnh để tha thứ cho chính mình, cho tha nhân và cho lịch sử!”
Đức Thánh Cha nói với người dân Congo rằng Chúa đang nói với họ: “Hãy hạ vũ khí xuống, hãy đón lấy lòng thương xót”, nói với tất cả những người bị thương và bị áp bức của dân tộc này: “Đừng sợ chôn cất các vết thương của anh chị em trong vết thương của Ta”.
Và ngài mời gọi các tín hữu Congo tháo Thánh giá khỏi cổ và lấy ra khỏi túi, cầm Thánh giá trên tay và đặt gần trái tim để chia sẻ những vết thương của họ với những vết thương của Chúa Giêsu. Ngài nói: “Chúng ta hãy nhận lãnh ơn tha thứ của Chúa và đến lượt chúng ta hãy tha thứ cho nhau!”
Ngày 4/2, trong buổi cầu nguyện đại kết tại Lăng “John Garang” ở Nam Sudan, Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu cầu nguyện và làm việc vì sự hiệp nhất huynh đệ giữa các Kitô hữu và hãy giúp nhau truyền bá thông điệp hòa bình trong xã hội, truyền bá phong cách bất bạo động của Chúa Giêsu, để nơi những người tự xưng là tín hữu không còn chỗ cho một nền văn hóa dựa trên tinh thần báo thù.
Trước hết Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu thuộc các hệ phái khác nhau hãy hiệp nhất với nhau, như một gia đình duy nhất, có trách nhiệm cầu nguyện cho mọi người; hãy chuyên cần và đồng tâm cầu nguyện (x.Cv 1, 14) để Nam Sudan, giống như dân Chúa trong Kinh Thánh, ‘có thể đến được miền đất hứa’”.
Tiếp đến ngài mời gọi làm việc là vì hoà bình, vì Chúa Giêsu muốn chúng ta trở thành “những người kiến tạo hòa bình” (Mt 5, 9). Đức Thánh Cha lưu ý rằng “những ai gọi mình là Kitô hữu đều phải biết chọn đứng về phía nào. Ai theo Chúa Kitô thì luôn chọn hoà bình; ai gây chiến tranh và bạo lực là phản bội Chúa và chối bỏ Tin Mừng của Người”.
Đại hội Giới trẻ Thế giới Lisbon 2023
Trong năm 2023 Đức Thánh Cha còn viếng thăm các nước Hungary, Bồ Đào Nha, Mông Cổ, thành phố Marseille, và lẽ ra cả Dubai vào đầu tháng 12 nhưng theo lời khuyên của bác sĩ, ngài đã hủy chuyến đi này vì lý do sức khỏe.
Vào đầu tháng 8, Đức Thánh Cha đã đến thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha nhân Đại hội Giới trẻ Thế giới 2023. Thánh lễ bế mạc Đại hội vào Chúa Nhật ngày 6/8 được xem là một trong những sự kiện giới trẻ đông người tham dự nhất khi có khoảng 1 triệu 500 ngàn bạn trẻ hiện diện.
Trong bài giảng, dựa trên đoạn Phúc Âm tường thuật sự kiện Chúa biến hình, Đức Thánh Cha chia sẻ về ba điều mà các bạn trẻ mang trở về cuộc sống đời thường sau Đại hội giới trẻ. Trước hết là tỏa sáng. Đức Thánh Cha khuyến khích: “Các bạn trẻ thân mến, hôm nay chúng ta cũng cần một vài tia sáng, tia hy vọng để đối diện với bao nhiêu bóng tối đang tấn công chúng ta trong cuộc sống, bao nhiêu thất bại hằng ngày, để đối diện với chúng bằng ánh sáng Phục Sinh của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, chúng ta không tỏa sáng dưới ánh gương phản chiếu, nó không làm chúng ta chiếu sáng. Chúng ta không trở nên chiếu sáng khi thể hiện mình với một hình ảnh hoàn hảo, trật tự, hoàn thiện, hay khi chúng ta cảm thấy mình mạnh mẽ và thành công. Không. Chúng ta trở nên tỏa sáng khi chào đón Chúa Giêsu, khi chúng ta học cách yêu như Người. Hãy trở thành ánh sáng trong việc thực hiện những hành động của tình yêu”.
Ngài cũng nhắc nhở các bạn trẻ rằng tất cả những gì chúng ta phải làm trong đời sống Kitô hữu chính là hãy lắng nghe Người. Hãy lắng nghe Chúa Giêsu. Có thể người trẻ nói: “Con không biết Chúa nói gì với con”. Đức Thánh Cha khuyên “Hãy cầm lấy Tin Mừng và đọc những gì Chúa Giêsu nói và lòng của con mách bảo”, vì Người có những lời ban sự sống đời đời cho chúng ta và mặc khải rằng Thiên Chúa là Cha. Hãy lắng nghe Người vì Người sẽ cho bạn biết thế nào là con đường tình yêu.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha khích lệ: đừng sợ. Ngài nói: “cha muốn nhìn vào mắt mỗi người trong các con và nói rằng: Đừng sợ! Đừng sợ! Nhưng cha nói với các con một điều tuyệt vời hơn nhiều: Không phải là cha, nhưng là Chính Chúa Giêsu đang nhìn các con, Người biết lòng mỗi người các con, Người biết cuộc đời của mỗi người, Người biết những niềm vui, Người biết những nỗi buồn, những thành công và thất bại, Người biết trái tim của các con. Và hôm nay Người nói với các con, tại Lisbon, vào Ngày Giới trẻ Thế giới này: đừng sợ, đừng sợ, hãy can đảm lên, đừng sợ”.
Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16
Một sự kiện đặc biệt và quan trọng của Giáo hội trong năm 2023 là Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16 về chủ đề: “Hướng tới một Giáo Hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”. Sau hai năm chuẩn bị, phiên họp thứ nhất của Đại hội Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 16 đã được khai mạc trọng thể sáng ngày 4/10, lễ thánh Phanxicô Assisi. Thánh lễ này trùng vào lễ tạ ơn của 21 Hồng Y mới với Đức Thánh Cha, nên số người tham dự càng đông đảo hơn: hơn 300 Hồng Y, Giám mục và linh mục tham dự Thượng Hội đồng Giám Mục này với tư cách là thành viên, hoặc chuyên gia, với hàng trăm linh mục khác, cùng với sự hiện diện của khoảng 20 ngàn tín hữu.
Trong bài giảng, nhắc đến bối cảnh bài Tin Mừng (Mt 11, 25-30) đọc trong Thánh lễ: Chúa Giêsu dâng lời cảm tạ Chúa Cha đã mặc khải Nước Trời cho những người bé mọn, thay vì những người khôn ngoan thông thái, và Chúa mời gọi những ai mệt mỏi và bị áp bức hãy đến cùng Người để được bổ dưỡng, Đức Thánh Cha khai triển hai cái nhìn của Chúa Giêsu: cái nhìn chúc lành và cái nhìn đón tiếp để áp dụng vào cho Giáo Hội nói chung và đặc biệt là Thượng Hội đồng Giám Mục này.
Ngài nói: “Anh chị em, Dân thánh của Chúa đang đứng trước những khó khăn và thách đố đang chờ đợi chúng ta, cái nhìn chúc lành và đón tiếp của Chúa Giêsu ngăn chúng ta đừng rơi vào những cám dỗ nguy hiểm, đó là một Giáo Hội cứng nhắc, võ trang chống lại thế giới và ngoái nhìn lại đằng sau: một Giáo Hội nguội lạnh, đầu hàng trước những thời trang của thế gian; một Giáo Hội mệt mỏi, co cụm vào mình”.
Do đó, ngài khích lệ: “Chúng ta hãy bước đi cùng nhau: khiêm tốn, nhiệt thành và vui tươi. Chúng ta tiến bước theo vết chân thánh Phanxicô Assisi, vị thánh của khó nghèo và an bình, ‘người điên’ của Thiên Chúa”.
Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng Thượng Hội đồng không phải là một nghị viện có những phe khác nhau, nhưng là một nơi ân phúc và hiệp thông. Và Chúa Thánh Linh thường phá tan những mong đợi của chúng ta để kiến tạo cái gì mới mẻ, vượt lên trên những tiên đoán và những thái độ tiêu cực của chúng ta. Chúng ta hãy cởi mở và khẩn cầu Chúa Thánh Linh, là vị giữ vai chính. Chúng ta hãy tiến bước với Chúa trong tín thác và vui tươi”.
Báo cáo Tổng hợp của Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành
Tối thứ Bảy 28/10/2023, Báo cáo Tổng hợp của Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành đã được công bố, trong đó phác thảo các đề xuất chính được thảo luận trong các cuộc đối thoại trong Đại hội kéo dài gần 4 tuần. Tài liệu dài 42 trang, được Vatican công bố bằng tiếng Ý, đã được các đại biểu của Thượng Hội đồng chấp thuận bằng cách bỏ phiếu, sẽ là nền tảng cho phiên họp thứ hai của Đại hội Thượng Hội đồng hiệp hành sẽ diễn ra vào tháng 10/2024.
Được soạn thảo bởi các “chuyên gia” được mời tham dự Thượng Hội đồng và được giám sát bởi một ủy ban gồm 13 đại biểu Thượng Hội đồng, tài liệu nhắm trở thành “một công cụ phục vụ cho việc phân định liên tục”. Tài liệu được chia thành ba phần chính về các yếu tố của một Giáo hội hiệp hành, sự tham gia vào sứ vụ và các tiến trình cho phép đối thoại với thế giới.
Tài liệu bao gồm 20 chủ đề, từ “phẩm giá của phụ nữ” đến “giám mục Roma trong Giám mục đoàn”. Đối với mỗi chủ đề, “sự hội tụ”, “các vấn đề cần xem xét” và “các đề xuất” được liệt kê.
Hơn 80 đề xuất đã được phê chuẩn trong cuộc bỏ phiếu của Thượng Hội đồng, bao gồm việc thiết lập một “thừa tác vụ mới, theo bí tích rửa tội, để lắng nghe và đồng hành”, khởi xướng các tiến trình phân định liên quan đến việc tản quyền của Giáo hội, và củng cố Hội đồng Hồng y thành một “hội đồng hiệp hành để phục vụ sứ vụ Phêrô”.
Các đề xuất khác bao gồm việc trao cho các thừa tác viên đọc sách thừa tác vụ giảng dạy “trong bối cảnh thích hợp”, thực hiện các cơ cấu và quy trình để tăng cường trách nhiệm giải trình của các giám mục trong các vấn đề quản lý kinh tế, hỗ trợ “các nhà truyền giáo kỹ thuật số” và thúc đẩy “các sáng kiến cho phép phân định chung về các vấn đề gây tranh cãi, giáo lý, mục vụ và các vấn đề đạo đức dưới ánh sáng Lời Chúa, giáo huấn của Giáo hội, suy tư thần học và đánh giá kinh nghiệm hiệp hành”.
Tài liệu cũng khuyến khích các giáo hội thử nghiệm phương pháp lắng nghe và suy tư mà các đại biểu Thượng Hội đồng đã sử dụng trong các cuộc thảo luận của họ và các hình thức phân định trong đời sống của Giáo hội; kêu gọi thực hiện “việc thực hiện tính hiệp hành ở cấp khu vực, quốc gia và lục địa”.
Trong báo cáo tóm tắt không có những kết luận dứt khoát về việc chúc lành cho các cặp đồng tính, việc truyền chức cho phụ nữ và một số chủ đề nóng khác đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông trong Đại hội năm nay.
Tài liệu liệt kê các lĩnh vực bất đồng giữa các tham dự viên Thượng Hội đồng như là “các vấn đề cần xem xét”. Trong số đó có việc phụ nữ có thể lãnh nhận thừa tác vụ phó tế, vấn đề độc thân linh mục, cho phép rước lễ đối với các cặp vợ chồng liên tôn, và giao việc xử lý các trường hợp lạm dụng cho một cơ quan khác thay vì các giám mục.
Báo cáo tổng hợp này là đỉnh điểm của phiên họp thứ nhất của Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục thứ 16 và đặt nền tảng cho phiên họp thứ hai của Đại hội sẽ diễn ra vào tháng 10/2024.
Kết thúc phiên họp thứ nhất Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành
Vào lúc 10 sáng Chúa Nhật ngày 29/10, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ Chúa Nhật thứ 30 thường niên, kết thúc phiên họp thứ nhất của Đại hội Thượng Hội đồng giám mục lần thứ 16.
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh cha nhấn mạnh hai động từ: thờ lạy và phục vụ:
Yêu mến là thờ lạy. Thờ lạy là lời đáp trả đầu tiên của chúng ta cho tình thương vô vị lợi và lạ lùng của Thiên Chúa. Thờ lạy có nghĩa là nhìn nhận trong đức tin rằng chỉ có Thiên Chúa là Chúa, và cuộc sống chúng ta, hành trình của Giáo hội và số phận của lịch sử tùy thuộc tình thương dịu dàng của Chúa… Đúng vậy, khi thờ lạy Chúa, chúng ta khám phá mình tự do. Vì thế, lòng kính mến Chúa trong Kinh thánh thường gắn liền với cuộc chiến đấu chống mọi điều thờ thần tượng.
Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng: “Chúng ta phải luôn chiến đấu chống lại sự tôn thờ thần tượng, tôn thờ thế tục. Nó thường xuất phát từ sự háo danh, ham mê thành công, thành đạt cho bản thân bằng mọi giá, tham lam tiền bạc, ham hố công danh sự nghiệp; và cả những thứ tôn thờ thần tượng được che đậy bằng tâm linh, như những ý tưởng tôn giáo của tôi, tài năng mục vụ của tôi. Vậy, chúng ta hãy cảnh giác để đừng rơi vào tình trạng đặt mình ở trung tâm thay vì Chúa”.
Sang đến động từ thứ hai là phục vụ. Yêu thương là phục vụ. Đức Thánh cha nói: “Trong giới răn cao trọng, Chúa Kitô gắn liền Thiên Chúa và tha nhân, vì hai điều ấy không bao giờ tách rời nhau. Không có kinh nghiệm tôn giáo chân chính nào mà lại giả điếc trước tiếng kêu của thế giới. Nếu có lòng mến Chúa mà lại không chăm sóc tha nhân, thì ta có nguy cơ trở thành biệt phái giả hình…
“Giáo hội mà chúng ta được kêu gọi mong ước trở thành là một Giáo hội nữ tỳ của tất cả mọi người, của những người rốt cùng. Một Giáo hội không bao giờ đòi hỏi bảng điểm hạnh kiểm tốt, nhưng đón tiếp, phục vụ, yêu thương. Một Giáo hội có những cánh cửa mở rộng trở thành cảng của lòng thương xót.
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: Anh chị em rất thân mến, Thượng Hội đồng chấm dứt. Trong “cuộc trò chuyện trong Thần Khí” này, chúng ta đã có thể cảm nghiệm sự hiện diện dịu dàng của Chúa và khám phá vẻ đẹp của tình huynh đệ. Chúng ta đã lắng nghe nhau và nhất là trong lịch sử phong phú, với những nhạy cảm khác nhau của chúng ta, chúng ta lắng nghe Thánh Linh. Ngày hôm nay, chúng ta không thấy thành quả đầy đủ của tiến trình này, nhưng với sự nhìn xa trông rộng, chúng ta có thể hướng về chân trời đang mở ra trước chúng ta; Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta và giúp chúng ta thành một Giáo hội đồng hành và thừa sai hơn, tôn thờ Thiên Chúa và phục vụ những người nam nữ thời đại chúng ta, đi ra ngoài để mang cho tất cả mọi người niềm vui an ủi của Tin mừng”.
Nguồn: vaticannews.va