2020
ĐTC Phanxicô cầu nguyện cho những người hoảng sợ đại dịch
Sáng thứ Hai 30/3, tại Nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha dâng Thánh lễ cầu nguyện cho những người không thể phản ứng, không thể làm gì và sợ hãi trước đại dịch. Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cầu nguyện xin Chúa giúp họ đứng lên, hành động vì lợi ích của toàn xã hội, của cả cộng đồng. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha diễn giải cả hai bài đọc theo ngày, được trích từ Sách Tiên tri Daniel (Đn 13, 1-9. 15-17. 19-30. 33-62) và từ Tin Mừng Gioan (Ga 8, 1-11), nói về hai phụ nữ mà một số ông muốn kết án tử hình: bà Susanna vô tội và một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình.
Mở đầu bài giảng Đức Thánh Cha nói: “Trong bài thánh vịnh đáp ca chúng ta đã cầu nguyện: ‘Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm”.
Hai phụ nữ
“Đây là kinh nghiệm mà hai phụ nữ trong hai bài đọc đã trải qua. Một người vô tội bị vu khống và một người tội lỗi. Cả hai đều bị kết án tử hình. Một số Giáo phụ trong Giáo hội đã nhìn thấy nơi hai người phụ nữ này một hình ảnh của Giáo hội: thánh thiện, nhưng với những người con tội lỗi”.
Hai nhóm đàn ông
Đức Thánh Cha giải thích “Cả hai người phụ nữ đều tuyệt vọng, nỗi tuyệt vọng của nhân loại. Nhưng bà Susanna tin cậy Chúa. Cũng có hai nhóm đàn ông, đều là những người phục vụ Giáo hội: các thẩm phán và các vị thầy của Lề Luật. Họ phục vụ tại tòa án và giảng dạy Lề Luật. Hai nhóm này khác nhau. Nhóm đầu tiên, những người buộc tội bà Susanna, là những kẻ bất chính, đồi bại, những vị thẩm phán tham nhũng, khuôn mặt điển hình trong lịch sử. Trong Tin Mừng cũng vậy, Chúa Giêsu lấy lại dụ ngôn quan toà bất chính và bà goá quấy rầy, quan tòa bất chính không tin vào Chúa và không quan tâm đến những người khác. Các tiến sĩ luật không bất chính, không đồi bại, nhưng là những kẻ đạo đức giả. Và những người phụ nữ này, một người rơi vào tay những kẻ đạo đức giả và người kia rơi vào tay những kẻ bất chính: không có lối thoát”.
Phản ứng của hai phụ nữ
“Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Cả hai phụ nữ đều gặp phải một thung lũng tối: dẫn đến cái chết. Người đầu tiên tin tưởng Chúa và Chúa can thiệp. Người thứ hai, thật tội nghiệp, biết mình có tội, xấu hổ trước mọi người. Tại sao trong cả hai trường hợp đều có sự hiện diện của dân chúng, Tin Mừng không nói, nhưng một điều chắc chắn là người phụ nữ tội lỗi này đã âm thầm cầu nguyện, cầu xin sự giúp đỡ”.
Thiên Chúa can thiệp
Đức Thánh Cha tiếp tục nói về cách Thiên Chúa hành động như thế nào trong cả hai trường hợp bị kết án: “Chúa đã hành xử như thế nào trước dân chúng? Đối với người phụ nữ vô tội, Chúa đã cứu bà, trao công lý lại cho bà. Đối với người phụ nữ tội lỗi, Chúa tha thứ cho bà. Đối với các thẩm phán bất chính, Chúa kết án họ; Đối với những kẻ đạo đức giả, Chúa giúp họ hoán cải, và đối với dân chúng Chúa nói: ‘Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi’, và họ bỏ đi hết kẻ trước người sau. Ở đây, Thánh tông đồ Gioan nói mỉa mai ‘Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi’.
“Chúa cho họ thời gian để ăn năn; đối với người bất chính Chúa không tha thứ, đơn giản vì kẻ bất chính không có khả năng xin tha thứ, họ đã đi quá xa. Họ đã mệt… Không! Kẻ bất chính không mệt: họ không có khả năng. Sự bất chính cũng đã lấy đi khả năng mà tất cả chúng ta cần phải có đó là xấu hổ, cầu xin sự tha thứ. Sự bất chính tiếp tục hủy hoại, khai thác bóc lột dân chúng trong mọi lãnh vực, như trong trường hợp người phụ nữ này. Kẻ bất chính đặt mình vào vị trí của Chúa”.
Thiên Chúa đã hành động cho hai phụ nữ này: Đối với bà Susanna, Thiên Chúa giải thoát bà khỏi tay những kẻ đồi bại, và người kia, Chúa nói: ‘Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!’ Chúa để cho bà ra đi. Và đối với dân chúng, trong trường hợp đầu tiên, dân chúng ca tụng Chúa; trong trường hợp thứ hai, dân chúng học biết được lòng thương xót Chúa.
Ai cũng có tội
Đức Thánh Cha áp dụng Lời Chúa cho các tín hữu: “Mỗi người chúng ta đều có những câu chuyện của riêng mình. Mỗi chúng ta đều có tội riêng. Và nếu anh chị em không nhớ tội nào, hãy suy nghĩ một chút: anh chị em sẽ tìm thấy chúng. Anh chị em hãy tạ ơn Chúa nếu anh chị em nhận ra tội lỗi của mình, bởi vì nếu anh chị em không nhận ra tội mình, anh chị em là những kẻ bất chính. Mỗi chúng ta đều có tội cá nhân. Chúng ta hãy hướng về Chúa, Đấng xét xử theo công lý nhưng lại rất nhân từ. Chúng ta không phải xấu hổ vì chúng ta ở trong Giáo hội, chúng ta chỉ xấu hổ vì chúng ta tội lỗi. Giáo hội là mẹ của tất cả. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa nếu chúng ta không bất chính, không phạm tội. Và mỗi người hãy nhìn cách Chúa Giêsu hành động như thế nào trong những trường hợp này, hãy tin tưởng vào lòng thương xót Thiên Chúa. Và hãy cầu nguyện, với niềm tín thác vào lòng thương xót Thiên Chúa, cầu xin ơn tha thứ. Vì Chúa dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm”.
Ngọc Yến
2020
Phòng Báo Chí Tòa Thánh xác nhận Đức Thánh Cha đã trải qua xét nghiệm coronavirus và cho kết quả âm tính
Phòng Báo Chí Tòa Thánh xác nhận Đức Thánh Cha đã trải qua xét nghiệm coronavirus và cho kết quả âm tính
Lần đầu tiên Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã chính thức xác nhận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô không nhiễm coronavirus và việc thử nghiệm gần đây của 170 nhân viên Tòa Thánh cho thấy chỉ có một trường hợp mới nhiễm bệnh.
Điều này đưa tổng số trường hợp coronavirus liên quan đến quốc gia Thành Vatican lên tới sáu trường hợp.
“Tôi có thể xác nhận rằng cả Đức Thánh Cha và các cộng tác viên gần nhất của ngài đều cho kết quả âm tính trong các xét nghiệm”, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh tuyên bố.
Sáu trường hợp dương tính bao gồm một linh mục sống trong cùng nhà trọ Santa Martha với Đức Thánh Cha Phanxicô. “Vị linh mục này làm việc tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã bị cách ly ngay khi ngài trình bày các triệu chứng của coronavirus,” ông Bruni nói.
Vị linh mục mà ông Bruni đề cập đến là Đức Ông Gianluca Pezzoli, 58 tuổi.
Cuộc sống của Đức Giáo Hoàng hiện nay bị giới hạn trong một vài không gian: vào buổi sáng, ngài cử hành thánh lễ một mình trong nhà nguyện với ba thư ký và ăn trưa một mình trong phòng. Ngài vẫn tiếp khách nhưng rất hạn chế và tham dự các cuộc họp trong Dinh Tông Tòa, chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật và trình bày bài giáo lý cho buổi tiếp kiến chung hàng tuần giờ đây được truyền hình từ thư viện của Dinh Tông Tòa.
Đặng Tự Do
2020
Những người vô gia cư ở Madrid viết thư động viên các bệnh nhân nhiễm virus corona
Những người vô gia cư ở Madrid – hiện trú ngụ trong ngôi nhà do Caritas giáo phận điều hành – đã viết thư động viên các bệnh nhân nhiễm virus corona tại 6 bệnh viện trong khu vực.
Một trong những lá thư đó viết: “Cuộc sống đặt chúng ta vào những tình huống khó khăn. Nhưng bạn chỉ cần giữ bình tĩnh và đừng mất niềm tin, luôn luôn cuối đường hầm tối tăm sẽ xuất hiện ánh sáng rực rỡ, và mặc dù có vẻ như chúng ta đang chưa thể tìm thấy một lối ra, nhưng vẫn luôn có một giải pháp. Chúa có thể làm được mọi sự.”
Theo ban Caritas giáo phận Madrid, những người vô gia cư đã thể hiện sự đồng cảm với nỗi cô đơn và sợ hãi của các bệnh nhân, họ gửi những lời an ủi đến cho những hoàn cảnh khó khăn mà nhiều người trong số họ cũng đã từng trải qua.
Qua những lá thư của họ, những người vô gia cư khuyến khích các bệnh nhân “trao mọi thứ vào trong tay Chúa,” “Ngài sẽ nâng đỡ và cứu giúp. Hãy cứ tin tưởng nơi Ngài.” Họ cũng đoan hứa sẽ hỗ trợ: “Tôi biết rằng tất cả chúng ta sẽ cùng nhau chấm dứt tình trạng này và mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn,” “Đừng gục ngã, hãy mạnh mẽ giữ vững phẩm giá trong trận chiến.”
Những người vô gia cư tạm trú tại Cedia 24 Horas cũng đang bị cách ly vì virus corona “như mọi gia đình khác”, và chỗ ở này “đã thành mái ấm cho những người vô gia cư vào lúc này khi người ta yêu cầu chúng tôi phải ở trong nhà,” Caritas giáo phận đã nói như vậy trên trang web của mình.
Susana Hernández, người phụ trách các dự án của Caritas giáo phận Madrid để giúp đỡ những người bên lề xã hội, nói rằng “có lẽ biện pháp cực đoan nhất đã được thực hiện là duy trì khoảng cách giữa mọi người, tại một trung tâm luôn biết chào đón nồng hậu, nhưng chúng tôi còn cố gắng chào đón như thế với dư tràn những nụ cười và những cử chỉ khích lệ.”
Susana giải thích: “Khi bắt đầu tình trạng này, chúng tôi đã có một cuộc họp với tất cả những người đang ở trong trung tâm và giải thích cho họ tất cả các biện pháp phải được thực hiện với chính mình và với người khác, cùng với các biện pháp mà trung tâm cũng sẽ áp dụng để bảo vệ tất cả mọi người. Và mỗi ngày đều nhắc nhở những gì nên làm và không nên làm.”
Giống như bất kỳ nhân viên nào khác tiếp xúc với mọi người, những người làm việc tại Cedia 24 Horas cũng có nguy cơ bị nhiễm bệnh và Hernandez nhấn mạnh rằng, nếu họ đã thường xuyên thực hiện vệ sinh tại trung tâm, thì tại thời điểm này, họ thậm chí còn cần phải chú tâm vào điều đó nhiều hơn nữa.
Tình trạng khẩn cấp và các biện pháp đi kèm khiến trung tâm phải hủy bỏ các hoạt động nhóm và thể thao, cũng như các buổi đi chơi giải trí thường có ở trung tâm, điều đó lại giúp mọi người có thời gian thư giãn và quan tâm đến nhau.
Drake Hernandez nói: “Chúng tôi duy trì các việc phục vụ cơ bản, nhưng cơ bản nhất đó là chúng tôi cố gắng duy trì bầu không khí ân cần ấm áp. Đôi khi thật khó khi không thể cùng nhau thực hiện một số hoạt động chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, làm những việc tốt và những việc mình thích, nhưng để bù lại, chúng tôi thường hỏi thăm nhau: ‘Bạn khỏe chứ? Tôi có thể làm gì cho bạn? Bạn có cần gì không?’ Vượt lên trên tất cả, chúng tôi cố gắng để covid-19 không tách rời chúng tôi, mặc cho có khoảng cách hai mét giữa chúng tôi.” Phêrô Quốc Vũ chuyển ngữ từ CNA
2020
“Chúa ơi, xin Chúa thức dậy!”: Tiếng kêu của Đức Phanxicô tại Quảng trường Thánh Phêrô
“Chúa ơi, xin Chúa thức dậy!”: Tiếng kêu của Đức Phanxicô tại Quảng trường Thánh Phêrô
Trong bài suy niệm về phép lạ xin hạ cơn giông bão của Đức Phanxicô trong buổi cầu nguyện chiều thứ sáu 27 tháng 3, ngài nói: “Trong cơn giông bão của đại dịch coronavirus, Chúa mong chúng ta “thức tỉnh và khơi dậy đức tin phục sinh của chúng ta.”
Một mình trên Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Phanxicô khen ngợi lòng dũng cảm của “những người bình thường” trong giai đoạn khủng hoảng này: “Có biết bao nhiêu người cầu nguyện, dâng hiến, xin cầu bàu để cho tất cả mọi người được bình an!”
Được mái hiên che mưa, một mình ở sân trước của Đền thờ Thánh Phêrô và trước một quảng trường không bóng dáng tín hữu, Đức Phanxicô cử hành buổi cầu nguyện dài một giờ. Trong dịp ngoại thường cầu nguyện cho đại dịch, tượng Đức Mẹ Phần rỗi của thành phố Rôma ở Đền thờ Đức Bà Cả và cây Thánh giá Nhiệm mầu ở nhà thờ San Marcello được đem về để cầu nguyện bên cạnh các hàng đuốc thắp sáng dưới cơn mưa ở quảng trường rộng mênh mông.
Thắp lên hy vọng và đoàn kết
Đức Phanxicô nói: “Giữa cơn giông bão, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta, mời chúng ta tỉnh thức và khơi dậy tình đoàn kết và hy vọng để mang lại ổn định, nâng đỡ trong lúc này, khi mọi sự tưởng như bị sụp đổ.” Trong khi chúng ta đang ở trong vùng biển sóng gió, sợ hãi và lạc lối, Chúa thức dậy “để thức tỉnh và khơi dậy đức tin phục sinh của chúng ta.”
“Các ông kinh ngạc vì một cơn bão bất ngờ và dữ dội ập tới”
“Các ông kinh ngạc vì một cơn bão bất ngờ và dữ dội ập tới.” Đức Phanxicô suy niệm: “Chúng ta tiếp tục con đường của mình, không bị xáo trộn, nghĩ rằng mình lành mạnh trong một thế giới bệnh hoạn. Bây giờ chúng ta ở trong biển động, chúng ta kêu nài: “Lạy Chúa, xin Chúa thức dậy!”. Cơn bão vạch trần sự bấp bênh của con người và cho thấy các an toàn giả tạo và phù phiếm mà mỗi người chúng ta xây các dự án và thói quen của mình.
Đức Phanxicô cầu nguyện trước tượng Đức Bà Cứu rỗi
Đức Phanxicô giải thích, “nhờ cơn bão này, các tô điểm của các khuôn mẫu bị rơi xuống, nó cho thấy không ai có thể tự đủ cho mình. Tín hữu kitô cần Chúa, vì một mình, họ đắm tàu. Với Chúa, chúng ta có neo: nhờ thập giá của Ngài, chúng ta được cứu rỗi. Chúng ta có guồng lái: nhờ thập giá của Ngài, chúng ta được cứu chuộc. Chúng ta có một hy vọng: nhờ thập giá của Ngài, chúng ta được sửa mình, được ôm ấp để không có gì, không có ai tách chúng ta ra khỏi tình yêu cứu chuộc của Ngài.”
Các diễn viên vô hình viết lịch sử
Trong giây phút cầu nguyện ngoại thường này, Đức Phanxicô ca ngợi “những người bình thường”, những người thường bị lãng quên nhưng lại nâng đỡ cuộc sống hàng ngày của cộng đoàn: “Bác sĩ, y tá, nhân viên bán hàng, nhân viên bảo vệ, người chăm sóc tại gia, người vận chuyển, lực lượng an ninh, tình nguyện viên, linh mục, nữ tu và rất nhiều người khác.”
Ngài nhấn mạnh, các diễn viên vô hình này không ở trang Nhất các báo, cũng không xuất hiện trong các màn trình diễn thời trang mới nhất. Vậy mà, “ngày hôm nay họ đang viết các sự kiện quyết định cho lịch sử chúng ta.” Theo Đức Phanxicô, họ hiểu “không ai có thể tự mình cứu mình.”
“Xin phép lành Chúa tuôn xuống trên chúng con như một vòng ôm an ủi.”
Đức Phanxicô khen ngợi: “Có bao nhiêu người cha, người mẹ, người ông, người bà, các cô thầy giáo, bằng những cử chỉ đơn giản hàng ngày, đã biết đối diện, vượt qua cơn khủng hoảng, thích ứng với thói quen làm thế nào để đối phó và vượt qua khủng hoảng bằng cách điều chỉnh thói quen, ngước mắt nhìn lên và khuyến khích cầu nguyện. Có biết bao nhiêu người cầu nguyện, dâng hiến để cho tất cả mọi người được bình an!”
“Đức tin của chúng con yếu đuối và chúng con sợ hãi”
Đức Phanxicô kết thúc: “Từ nơi nói lên đức tin vững chắc như đá tảng này của Thánh Phêrô, chiều nay tôi muốn phó dâng tất cả anh chị em cho Chúa, qua lời cầu bàu của Đức Mẹ, phần rỗi của dân Mẹ, là sao biển trong cơn bão, xin các Đấng che chở Rôma và toàn thế giới, xin tuôn xuống trên chúng con như vòng ôm an ủi, như phép lành của Chúa”.
Đức Phanxicô cầu nguyện trước tượng Thánh giá Nhiệm mầu
Đức Phanxicô nài xin Chúa: “Lạy Chúa, xin ban phép lành cho thế giới, ban sức khỏe cho cơ thể và an ủi tâm hồn. Chúa xin chúng con đừng sợ. Nhưng đức tin chúng con yếu đuối và chúng con sợ hãi. Nhưng xin Chúa đừng để chúng con bị cơn bão cuốn đi. Xin Chúa tiếp tục nói: ‘Các con đừng sợ’. Và chúng con cùng với Thánh Phêrô, chúng con dâng lên Chúa nỗi lo âu của chúng con, vì Chúa chăm sóc chúng con.”
Ban phép lành urbi et orbi
Sau bài suy niệm này, Đức Phanxicô lần lượt đến tượng Đức Mẹ và thánh giá cầu nguyện. Sau đó ngài cầu nguyện trước Thánh Thể ở trong Đền thờ Thánh Phêrô, ngài đọc kinh cầu bằng tiếng la-tinh để cầu nguyện cho thế giới bị nạn dịch hoành hành.
Tiếp theo ngài ban phép lành urbi et orbi bằng mặt nhật Thánh Thể trên thềm Đền thờ Thánh Phêrô trong tiếng chuông vang ngần. Buổi cầu nguyện kết thúc với bài hát laudato si trong khi một linh mục đem Thánh Thể về nhà tạm đi qua Đền thờ Thánh Phêrô gần như trống, khi chiều rơi xuống thành phố Rôma.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Các hình ảnh buổi cầu nguyện chiều thứ sáu 27-3 tại Quảng trường Thánh Phêrô.