2020
ĐTC Phanxicô: trong cuộc khủng hoảng đại dịch phải đặt con người trên hết
Hôm 28/3, Đức Thánh Cha đã viết thư cho ông Roberto Andrés Gallardo, chủ tịch Ủy ban các thẩm phán châu Mỹ về các quyền xã hội. Trong thư, Đức Thánh Cha đánh giá cao sự chọn lựa sức khỏe là trên hết của các chính phủ trong khủng hoảng đại dịch Covid -19. Vì nếu không, theo Đức Thánh Cha, sẽ là chọn lựa cái chết.
Đức Thánh Cha viết: “Tương lai là ngay lúc này, trong sự đói khát của những người không có công việc ổn định, trong bạo lực, trong sự xuất hiện của những kẻ cho vay nặng lãi, những tội phạm vô nhân đạo, tất cả những điều này sẽ là tai họa cho tương lai xã hội”.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha bày tỏ nỗi bận tâm lo lắng trước sự tiến triển của đại dịch và cảm phục các nghĩa cử của nhiều người, các bác sĩ, y tá, tình nguyện viên, tu sĩ, linh mục; những người không ngại hiểm nguy, dấn thân chăm sóc và bảo vệ những người khỏe mạnh khỏi lây nhiễm.
Đức Thánh Cha nhận xét: một số chính phủ đã có những biện pháp mẫu mực và có các ưu tiên được xác định rõ ràng nhằm bảo vệ người dân. Mặc dù một số biện pháp này làm cho một số người khó chịu, nhưng cần phải áp dụng vì công ích.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha đề cập đến một cuộc họp với Bộ Phục vụ Phát triển con người toàn diện hôm thứ Sáu vừa qua, nội dung suy tư về đại dịch cùng với những ảnh hưởng cho hiện tại và tương lai. Đức Thánh Cha nhấn mạnh việc chuẩn bị cho những điều sau này là rất quan trọng.
Đức Thánh Cha kết thúc bức thư bằng cách đề cập đến ý kiến của nhà kinh tế học Mariana Mazzucato. Theo bà Mariana, chúng ta cần phải suy nghĩ lại về giá trị. Bà giải thích việc coi trọng giá trị hơn giá cả sẽ giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Đức Thánh Cha nói: “Tôi nghĩ tư tưởng này giúp ích cho việc suy nghĩ về tương lai”. (CSR_2062_2020)
Ngọc Yến – Vatican
2020
Công bố văn kiện của Tòa Thánh về nước
Hôm 30/3/2020 vừa qua, Bộ Phát triển nhân bản toàn diện đã công bố một văn kiện mới về nước, nhân dịp kết thúc tháng Ba trong đó có cử hành “Ngày Thế giới về Nước năm 2020”.
Văn kiện bằng tiếng Anh, dài 45 trang, chia làm 109 đoạn, được phổ biến trên trang mạng của Bộ Phát triển và có tựa đề: “Nước, nguồn mạch sự sống. Những hướng dẫn về nước: biểu tượng tiếng khóc của người nghèo và tiếng khóc của Trái đất” (Aqua fons vitae: Orientation on water: symbol of the cry of the poor and the cry of the Earth).
Ý tưởng nòng cốt của văn kiện là: con người, thiên nhiên và sự phát triển gắn liền chặt chẽ với nước, nhưng vẫn còn có quá nhiều người và nơi chốn không được nước. Văn kiện, – dựa trên Giáo huấn xã hội của các vị Giáo hoàng và hoạt động của Giáo hội tại các quốc gia, – đề cập tới các khía cạnh khác nhau và những thách đố gắn liền với đề tài nước, và văn kiện được Bộ coi như nằm trong khuôn khổ “cuộc chiến đấu cho sự sống”.
Ba khía cạnh liên quan tới nước
Văn kiện mới của Tòa Thánh phân biệt ba khía cạnh, hay ba chiều kích liên quan đến nước, đó là:
- Nước để con người sử dụng;
- Nước như tài nguyên được dùng trong nhiều hoạt động của con người, đặc biệt là nông nghiệp và công nghệ;
- Sau cùng là: Nước như diện tích, nghĩa là các sông ngòi, các mạch nước dưới đất, các hồ và nhất là các đại dương và biển.
Mỗi khía cạnh trên đây được văn kiện đề cập đến với những thách đố và những đề nghị hành động liên hệ, để gia tăng ý thức về vấn đề và khích lệ sự dấn thân hoạt động ở các địa phương.
Phần sau cùng của văn kiện trình bày một suy tư về vấn đề giáo dục và đặc tính toàn diện.
Chuẩn bị kế hoạch cho các cơ cấu y tế Công giáo
Ngoài ra, Bộ Phát triển nhân bản toàn diện cho biết đang xác định một chiến lược để đương đầu với tình trạng liên hệ tới nước, các dịch vụ và các cơ cấu vệ sinh, theo nghĩa rộng trong các cơ cấu y tế thuộc Giáo hội Công giáo. Quá nhiều cơ sở y tế tại các nước nghèo và các nước đang trên đường phát triển, không có đủ nước để đáp ứng những nhu cầu căn bản nhất về mặt tẩy rửa và vệ sinh. Nếu không có nước sạch, thuốc tẩy, xà bông, các nhà vệ sinh và các quy trình vệ sinh, thì hàng tỉ bệnh nhân, nhân viên chăm sóc và các gia đình sẽ bị nguy cơ, vì thiếu những nền tảng và hạ tầng cơ sơ để chăm sóc, chữa trị một cách xứng đáng, an toàn và có chất lượng. Các cuộc giải phẫu, sự nhiễm trùng và dịch tễ sẽ không được xử lý một cách chắc chắn, an toàn, nếu thiếu nước, và tình thế đặc biệt nguy hiểm trong những ngày nay với đại dịch Covid-19.
Liên minh giữa các tổ chức
Các nhà lãnh đạo trên bình diện thế giới, kể cả Liên Hiệp Quốc, ngày càng ý thức về vấn đề này. Đang có những liên minh giữa các tổ chức chính phủ, và các tổ chức tư nhân và từ thiện, để phát triển các kế hoạch hành động hầu đương đầu với vấn đề này một cách hết sức mau lẹ và hữu hiệu.
Hoạt động của các tổ chức của Giáo hội Công giáo
Văn kiện của Bộ Phát triển nhân bản toàn diện cũng nhắc đến truyền thống của Giáo hội, thường đi tiên phong và rất dấn thân trong lãnh vực sức khỏe, trợ giúp y tế tại các đại lục. Bộ Phát triển, sau khi tham khảo ý kiến của các dòng tu, các hội đồng giám mục, các cơ quan phát triển Công giáo và các chuyên gia, muốn khuyến khích và hỗ trợ những người đang tích cực tham gia cuộc chiến bảo vệ sự sống con người. Nhiều hệ thống từ thiện y tế Công giáo đã khởi sự những cuộc điều tra để xác định tầm mức rộng lớn và phức tạp của vấn đề, cứu xét một kiểu mẫu các cơ cấu y tế Công giáo. Bộ Phát triển, – cộng tác với một số cơ quan đối tác như, Cơ quan cứu trợ Công giáo Hoa Kỳ và tổ chức Nước Hoàn cầu 2020 (Global Water 2020)- đã quyết định khích lệ cố gắng này và góp phần bằng cách cổ võ các cuộc điều tra thêm tại một số nước. Kết quả các cuộc nghiên cứu ấy, cũng như kết quả các cuộc điều nghiên khác do các tổ chức Công giáo thực hiện gần đây, sẽ được sử dụng như điểm khởi hành để đề ra những kế hoạch hành động và gây quỹ hầu hỗ trợ các kế hoạch hành động. (Sala Stampa 30-3-2020)
2020
Hồng y thứ hai nhiễm virus corona – ĐHY Ouédraogo của Burkina Faso
Hồng y thứ hai nhiễm virus corona – ĐHY Ouédraogo của Burkina Faso
Đức Hồng y Philippe Ouédraogo, tổng giám mục của giáo phận Ouagadougou đã nhiễm virus corona. Ngài là Hồng y thứ hai, sau Đức Hồng y giám quản Roma De Donatis, bị nhiễm virus corona.
Trong thông cáo gửi đến các cha xứ và các vị lãnh đạo các tổ chức trong giáo phận Ouagadougou hôm 30/03 vừa qua, cha Alfred Ouédraogo, tổng đại diện của giáo phận, thông báo rằng Đức Hồng y Philippe Ouédraogo, tổng giám mục của giáo phận, đã có kết quả dương tính với Covid-19.
Cha tổng đại diện của giáo phận viết: “Đức Hồng y xin quý cha và quý vị thông báo tin này cho cộng đoàn Dân Chúa. Ngài mời gọi anh chị em tiếp tục hiệp thông cầu nguyện cho ngài và cho tất cả các bệnh nhân và cho tất cả những người chăm sóc họ.” Đức Hồng y hiện đang được chữa trị tại bệnh viện Les Genêts.
Đức Hồng y Ouédraog năm nay 75 tuổi, là Chủ tịch của Diễn đàn các Hội đồng giám mục châu Phi và Madagascar. Ngài đã thử virus corona hồi cuối tuần trước khi cảm thấy không khỏe và cũng đã cách ly trong lúc chờ đợi kết quả.
Trước đó, Đức cha Laurent Birfuore Dabire, Chủ tịch Hội đồng giám mục Burkina-Niger, đã thông báo rằng hôm 19/03, Đức cha Séraphin François Rouamba, 78 tuổi, tổng giám mục hưu trí của Koupela, đã được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện Princess Sarah ở Ouaga. Đức cha Dabire mời các tín hữu kiên trì cầu nguyện và phó thác cho Thiên Chúa, cách đặc biệt, tất cả các bệnh nhân và nhân viên y tế.
Cho đến ngày 31/03, tại Burkina Faso đã có 246 trường hợp nhiễm virus corona, 31 người được bình phục và 12 người qua đời. (REI 31/03/2020) Hồng Thủy – Vatican
2020
ĐHY De Donatis, Giám quản Roma, là Hồng y đầu tiên nhiễm virus corona
ĐHY De Donatis, Giám quản Roma, là Hồng y đầu tiên nhiễm virus corona
ĐHY Angelo De Donatis, giám quản Roma, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona. Ngài là Hồng y đầu tiên nhiễm virus corona.
Trong vài ngày qua, Đức Hồng y De Donatis bị sốt, một trong những triệu chứng chính của Covid-19. Do sốt không giảm và theo đề nghị của các cộng sự viên, Đức Hồng y đã đến bệnh viện Gemelli ở Roma để làm xét nghiệm. Ngày 30/03 Đức Hồng y đã nhận kết quả xác nhận ngài dương tính với virus corona.
Giáo phận Roma đã đưa ra thông cáo về tin này và cho biết Đức Hồng y hiện đang được điều trị tại bệnh viện Gemelli. Ngài vẫn còn sốt nhưng tình hình chung của ngài ổn định và ngài bắt đầu được điều trị.
Để phòng ngừa, các cộng sự viên thân tín của Đức Hồng y đang tự cách ly. Ngoài những người này, trong những ngày vừa qua Đức Hồng y gặp rất ít người ở Tòa giám mục Roma. Ngài không tham dự cuộc họp nào trừ việc cử hành Thánh lễ tại đền thánh Đức Mẹ Tình yêu Chúa nhưng ngài luôn giữ khoảng cách an toàn, tránh tiếp xúc với số ít người hiện diện ở đó.
Cơ hội chia sẻ đau khổ với nhiều anh chị em
Tuy là người không thích xuất hiện trước truyền thông, Đức Hồng y De Donatis muốn chia sẻ tâm trạng của ngài trong thời khắc thử thách này. Ngài tuyên bố: “Tôi thanh thản và tín thác! Tôi phó thác cho Chúa và cho sự hỗ trợ bằng lời cầu nguyện của tất cả anh chị em, các giáo dân yêu quý của giáo phận Roma! Tôi sống thời khắc này như một cơ hội mà Đấng Quan phòng ban cho tôi để chia sẻ đau khổ với nhiều anh chị em. Tôi dâng lời cầu nguyện cho họ, cho cộng đoàn giáo phận và cho các cư dân của thành Roma!”.
Con người của đức tin
Trong vòng ít phút sau khi tin tức được loan đi, Đức Hồng y đã nhận được rất nhiều tin nhắn ủng hộ từ các nhân viên và đặc biệt từ các linh mục của Roma, những người luôn gắn bó với ngài. Đối với họ, ngài là Giám quản và là người cha thiêng liêng. Ngài là con người của đức tin và không lo lắng khi biết kết quả kiểm tra.
Đức Hồng y De Donatis năm nay 66 tuổi. Năm 2014, khi đang còn là linh mục, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn làm giảng tĩnh tâm cho giáo triều roma. Năm 2015 ngài được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá của giáo phận Roma và trở thành Giám quản của Roma năm 2017. Năm 2018 ngài được Đức Thánh Cha thăng làm Hồng y. Trong khi Đức Thánh Cha là Giám mục của Roma, nhưng việc lãnh đạo giáo phận được trao cho vị Giám quản và hiện nay vị này chính là Đức Hồng y De Donatis. (Vatican Insiders 30/03/2020)
Hồng Thủy