2020
Đức Phanxicô bỏ tước hiệu Đại diện Chúa Kitô
Theo Catholic World News, trong niên giám mới nhất của Tòa Thánh, tước hiệu “Đại diện Chúa Giêsu Kitô” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không còn nữa. Trái lại, trong trang dành cho ngài, chỉ vỏn vẹn còn tên Jorge Maria Bergoglio.
2019 Pontifical yearbook | 2020 Pontifical yearbook SOURCE: Marco Tosatti
Các ấn bản trước đây của Annuario Pontificio khi nói đến Đức Giáo Hoàng đều bắt đầu với tước hiệu “Đại diện Chúa Kitô” và tiếp theo bằng nhiều tước hiệu khác như “Kế vị Hoàng tử các Tông đồ, Giám Mục Tối Cao của Giáo Hội Hoàn vũ, Giáo Chủ Ý Đại Lợi, Tổng Giám Mục Giáo Tỉnh của giáo tỉnh Rôma, Lãnh đạo Tối cao Thị quốc Vatican”. Các tước hiệu này nay xuất hiện ở cuối trang dành cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, được nhận diện như là các tước hiệu “lịch sử”.
Sự thay đổi trên chắc chắn phải có sự chấp thuận của chính Đức Giáo Hoàng.
Năm 2006, Đức Bênêđíctô XVI đã bỏ một tước hiệu truyền thống khác đó là “Thượng phụ Phương Tây”. Tòa Thánh cho hay việc bãi bỏ này “có thể hữu ích đối với cuộc đối thoại đại kết”. Tòa Thánh cũng cho hay ý nghĩa của tước hiệu này “chưa bao giờ rõ ràng lắm, và trong lịch sử đã trở thành lỗi thời và thực tế không đáng sử dụng”.
Trái lại, tước hiệu “Đại diện Chúa Giêsu Kitô” có một ý nghĩa thần học rõ ràng và không lầm lẫn được. Đức Hồng Y Gerhard Müller, cựu bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, vì thế, nói rằng hạ giá tước hiệu này là “chủ nghĩa mọi rợ thần học” (theological barbarism).
Cho đến nay, Tòa Thánh chưa công bố lời giải thích nào cho việc thay đổi trên.
Tóm lại, các tước hiệu vẫn còn, nhưng được liệt kê ở phần chú thích như các tước hiệu “lịch sử”. Trong khi đó, tạp chí LIfeSiteNews cho rằng tước hiệu Đại diện Chúa Giêsu Kitô phát xuất từ Thánh Kinh, lúc Chúa Giêsu ban quyền chìa khóa cho Thánh Phêrô, không hẳn chỉ có tính “lịch sử” như các tước hiệu khác. Cho nên gọp chung để coi tất cả các tước hiệu là “lịch sử” là “hầm bà làng xí quách”. Đức Hồng Y Gerhard Müller vì thế cảm thấy “bối rối” khi Annuario Pontificio “hạ giá các yếu tố chủ yếu của giáo huấn Công Giáo về tính tối thượng [của Đức Giáo Hoàng] chỉ như một phụ chú lịch sử”.
Vũ Văn An
2020
Chứng tá trong đại dịch ở Panama
Trong những ngày vừa qua, các Kitô hữu và người Do Thái đã cùng nhau phát hành một sứ điệp video với nội dung kêu gọi mọi người hãy trở thành chứng tá trong đại dịch.
ĐC José Domingo Ulloa Mendieta trong dịp ĐHGT (CLP) |
Các vị lãnh đạo và các tín đồ của hai tôn giáo nhấn mạnh điều cần thiết là phải có nỗ lực chung để ngăn chặn đại dịch. “Chúng ta làm chứng cho sự lớn lao của chúng ta, hãy ở trong nhà”. Đây là lời cổ vũ của Đức cha José Domingo Ulloa Mendieta, Tổng Giám mục Panama; Đức cha José Agustín Ganuza, và của Rabbi Gustavo Kraselnik. Trong sứ điệp có đoạn viết: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn nhưng với đức tin và niềm hy vọng, chúng ta tiếp tục tiến bước. Vì thế chúng ta phải hiệp nhất, tất cả: người Do thái, Kitô hữu, người Công giáo, người tin hoặc không tin”.
Ngoài ra, lời kêu gọi chung còn hướng đến người dân Panama dùng thời gian cách ly bắt buộc để trách lây nhiễm như một cơ hội để suy tư và quý mến những người thân.
Đức cha Ulloa nhấn mạnh: “Chúng ta không phải là một dân tộc sợ hãi, nhưng là một dân đức tin. Lịch sử Panama được ghi dấu bằng những sự kiện tích cực và tiêu cực. Chúng ta luôn học được điều gì đó từ lịch sử này. Bây giờ, chúng ta đang ở trên cùng một chiếc thuyền, tất cả đều mong manh và mất định hướng, nhưng đồng thời tất cả đều quan trọng và cần thiết, bởi vì tất cả được kêu gọi để ở cùng nhau”.
Trong video, người ta có thể thấy hình ảnh các vị lãnh đạo tôn giáo cùng với các tín đồ đưa ra lời mời gọi mọi người sống tình liên đới và trách nhiệm, kêu gọi chăm sóc bản thân và người khác. Đặc biệt, khuyến khích người trẻ sử dụng các mạng xã hội và công nghệ để luôn kết nối, ngay cả khi xa cách về mặt thể lý. Tất cả với hy vọng mạnh mẽ sẽ thoát khỏi cuộc khủng hoảng và với quyết tâm xây dựng một xã hội tốt hơn. (CSR_2060_2020)
Ngọc Yến
2020
Cuộc lạc quyên cho Thánh Địa được dời đến tháng 9
Theo thông cáo của Bộ các Giáo hội Đông Phương được công bố hôm thứ Năm 02/04, cuộc lạc quyên cho Thánh Địa sẽ được dời vào tháng 9. Quyết định đã được Đức Thánh Cha chấp thuận.
Thông thường cuộc lạc quyên được thực hiện mỗi năm vào thứ Sáu Tuần Thánh, và nếu như vậy năm nay sẽ là ngày 10/4 tới đây. Nhưng theo thông cáo, do tình hình đại dịch liên can đến nhiều quốc gia và các biện pháp phòng ngừa phải được áp dụng, cho nên trong Tuần Thánh sẽ không có các cử hành phụng vụ có giáo dân tham dự, và như thế cũng không thể tổ chức lạc quyên.
Hiện nay, các cộng đoàn Kitô ở Thánh Địa cũng đang phải đối phó với đại dịch. Thường các cộng đoàn này đã phải sống trong một hoàn cảnh không dễ dàng. Vì thế, hàng năm các cộng đoàn ở Thánh Địa được các tín hữu trên thế giới trợ giúp qua cuộc lạc quyên, với mục đích để sự hiện diện Tin Mừng của các cộng đoàn có thể được tiếp tục. Ngoài việc duy trì các trường học và các cơ cấu, số tiền nhận được còn dành cho tất cả công dân trong việc giáo dục nhân bản, chung sống hòa bình và trên hết quan tâm đến người nghèo.
Vì lý do này, Đức Thánh Cha đã chấp thuận đề nghị cuộc lạc quyên cho Thánh Địa năm 2020 được dời vào ngày 13/9, một ngày trước lễ Suy tôn Thánh Giá.
Ở Phương Đông cũng như Phương Tây, ngày kỷ niệm thánh Helena phát hiện ra Thánh tích Thánh Giá cũng là ngày bắt đầu có việc thờ phượng chính thức ở Giêrusalem với việc xây dựng Đền thờ Thánh Mộ. Điều này sẽ làm cho cuộc lạc quyên mang đến một dấu hiệu hy vọng và cứu độ. Đó là một dấu chỉ của tình liên đới với những ai đang tiếp tục sống Tin Mừng Chúa Giêsu trong vùng đất nơi tất cả được bắt đầu.
Do đại dịch virus corona, vào cuối tháng Ba, Đền thờ Thánh Mộ đã phải đóng cửa và không biết khi nào mới được phép mở lại. Đây là lần đầu tiên sau gần 700 năm hai nơi thánh: Mộ Chúa và nơi Chúa chịu đóng đinh phải đóng cửa trong một thời gian dài. (CSR_2180_2020)
Ngọc Yến
2020
Chính phủ Pháp dự tính dỡ bỏ phong tỏa như thế nào
Được phỏng vấn tại Quốc hội ngày thứ tư 1 tháng 4 khi nào sẽ dỡ bỏ phong tỏa và các thủ tục của nó, Thủ tướng Edouard Philippe cho biết “có khả năng” việc dỡ bỏ phong tỏa ở Pháp sẽ không được thực hiện “cùng một lúc cho tất cả và ở khắp nơi”.
Việc phong tỏa ở Pháp được kéo dài ít nhất là đến ngày 15 tháng 4. Và vấn đề đã được nhiều người đặt ra, dỡ bỏ phong tỏa và thủ tục của nó sẽ như thế nào.
Một dự thảo chiến lược “trong những ngày, những tuần sắp tới”
Thủ tướng hy vọng có thể sẽ trình dự thảo “trong những ngày, những tuần sắp tới.” Ông cho biết: “Chúng tôi đã nhờ nhiều nhóm làm việc về vấn đề này, nghiên cứu lúc nào là thuận tiện, tính khả thi của việc dỡ bỏ phong tỏa sẽ được làm theo từng vùng, tuân theo chính sách thử nghiệm, có thể làm theo nhóm tuổi.”
Sau buổi họp của Hội đồng bộ trưởng sáng thứ tư, bà Sibeth Ndiaye, phát ngôn viên của chính phủ cũng đã được hỏi về vấn đề này, bà cho biết: “Bây giờ chúng tôi chưa biết lúc nào thì khủng hoảng sẽ chấm dứt và dĩ nhiên là có ngày nó sẽ chấm dứt. Chúng ta thấy điều này ở những nước có nạn dịch xảy ra trước chúng ta, chúng ta thấy nhiều câu hỏi được đặt ra (…) về cách chúng ta phải tổ chức không những dỡ bỏ phong tỏa (…) mà còn cả sau đó”.
Tiêu chuẩn đầu tiên để quan sát: nạn dịch thoái lui
Chính phủ đang nghiên cứu các kịch bản khác nhau để dỡ bỏ phong tỏa, bà nói tiếp: “Điều chắc chắn là chúng tôi vẫn còn gom lại các dữ liệu khoa học, đặc biệt là khả năng miễn dịch của người dân với Covid-19, cần làm sáng rõ đâu là chiến lược để dỡ bỏ phong tỏa và chúng tôi làm việc tích cực về vấn đề này.”
Tiêu chuẩn đầu tiên quyết định khi nào dỡ bỏ phong tỏa là khi nào căn bệnh thoái lui: “Chúng tôi quan sát số lần vào phòng cấp cứu hồi sức mỗi ngày”, các dữ liệu là “phản ánh công việc việc lây nhiễm đã xảy ra hai, ba tuần trước và như vậy chúng ta sẽ thấy tác động của việc phong tỏa.”
Bà nói tiếp: “Kế đó, các chiến lược dỡ bỏ phong tỏa dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, chúng ta phải xem xét mức độ miễn nhiễm trong đại đa số dân chúng, các phương tiện bảo vệ và tổ chức việc quay về với việc làm, như chúng ta có thể làm, chẳng hạn như quay trở về làm việc hàng loạt. Bà cho biết “cần phải xem cách làm của các nước ngoài và tiến trình bệnh dịch.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch