2020
Nhờ bài hát của người bà, Arjan Dodaj, từ một người vô thần trở thành giám mục Albania
Năm 1993, anh Arjan Dodaj 16 tuổi từ Albania vượt biển đến Ý. Sau một thời gian sống và làm việc tại đây, Arjan đã khám phá ra đức tin mà từ bé người bà đã dạy cho anh qua các bài hát. Arjan trở thành linh mục. Cách đây ba năm trở lại cha Albania. Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm cha làm giám mục phục tá Tirana.
Cuộc điện thoại bất ngờ
Từ Tirana, thủ đô Albania, ngày 09 tháng 4 vừa qua một điều bất ngờ gây ngạc nhiên đã xảy đến với cha Arjan Dodaj: cha nhận được cuộc điện thoại báo tin Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm cha làm giám mục phụ tá giáo phận Tirana-Durazzo. Đây là câu chuyện của cha Arjan Dodaj, một trong nhiều câu chuyện nhỏ tuyệt vời mà cuộc sống hàng ngày của Giáo hội được dệt nên.
Ra đi
Vào năm 1993, sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Albania, lúc đó cha Arjan là một thanh niên 16 tuổi tìm cách rời bỏ đất nước. Cha kể lại: “Như các thanh niên khác, nhiều lần tôi đã tìm cách ra đi nhưng không thành công. Và tạ ơn Chúa lần cuối cùng con tàu đã đưa chúng tôi tới bến an toàn. Cuộc phiêu lưu thật khó diễn tả, nó như một cuộc xuất hành đầy hiểm nguy”.
“Đêm 15 tháng 9 năm 1993 chúng tôi khởi hành. Đêm đó biển rất yên bình, Chúa bảo vệ chúng tôi. Tôi vẫn còn nhớ rõ tâm trạng của tôi khi ra đi. Tất cả những gì liên quan đến sự hiện hữu của tôi trên cõi đời này: gia đình, quê hương, bạn bè; tôi cảm thấy mình bị tách rời trong đau đớn những tình cảm này. Nhưng vì tương lai, vì muốn giúp đỡ gia đình nghèo khổ tôi phải ra đi”.
Nhờ những người bạn di cư đến Ý trước, Arjan tìm được nơi trú ngụ ở khu vực Cuneo, Dronero. Tại đây, anh học nghề hàn, cụ thể là hàn các khung xe đạp. Sau đó, anh còn làm nhiều công việc khác, như xây dựng và làm vườn.
Ảnh hưởng từ những người bạn tốt
Đời sống đức tin của Arjan bắt đầu từ những cuộc gặp gỡ với các bạn tốt của giáo xứ gần đó. Arjan nói: “Tôi làm việc rất nhiều, thường là hơn mười tiếng một ngày và vì vậy vào buổi tối tôi rất mệt mỏi. Tôi không có nhiều bạn. Những người bạn nói với tôi rằng có một nhóm thanh niên tốt trong giáo xứ, do cha Massimo hướng dẫn. Mặc dù mệt nhưng rồi tôi cũng đã đến tham gia buổi gặp gỡ với cha Massimo. Cha nói với chúng tôi về Cộng đoàn Đức Maria, một hiệp hội gồm các gia đình và cá nhân sống linh đạo Đức Mẹ, nâng đỡ nhau trong mọi lãnh vực cuộc sống. Sau những lần sinh hoạt với Cộng đoàn, tôi thực sự rất thích hiệp hội này. Tôi đã tìm thấy tình gia đình, điều mà tôi cần trong giai đoạn rất tế nhị của tuổi trẻ”.
Lãnh bí tích Rửa tội, trở thành linh mục
Arjan đã được rửa tội, và vào năm 1997 anh bắt đầu tìm hiểu và xin học chủng viện. Cha mẹ ở quê nhà không chấp nhận quyết định trở thành linh mục của Arjan, nhưng anh đã cố gắng vượt qua khó khăn này. Mười năm sau đến Ý, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đặt tay phong chức linh mục cho Arjan.
Cha Arjan kể lại: “Năm 1993, năm tôi đến Ý, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm Albania. Đất nước vừa thoát khỏi chế độ độc tài, nó giống như một đường hào mở, nhiều khốn cùng và nghèo đói, nhưng đồng thời cũng là một khát khao lớn cho sự mới lạ. Tôi cũng vậy, giống như nhiều trẻ em và nhiều người khác, tôi nhớ đến hàng ngàn người đi theo chiếc xe của Giáo hoàng từ Tirana đến Shkoder. Hình ảnh Đức Giáo Hoàng luôn ở trong tôi. Và cũng trong thời gian đó, hình ảnh của Mẹ Têrêsa của chúng tôi cũng đã để lại nhiều dấu ấn nơi tôi. Khi chúng tôi thoát khỏi chế độ độc tài, Mẹ là người đã trao cho chúng tôi niềm an ủi, dịu dàng, tình yêu thương, lòng tốt và hy vọng”.
Trở về quê hương
Sau khi được chịu chức, cha Arjan làm việc tại một số giáo xứ và trở thành giáo sĩ của cộng đoàn Albania ở Roma. Vào năm 2017, Đức Tổng Giám mục của Tirana, Đức cha George Anthony Frendo đã xin cha Arjan nếu có thể trở về quê nhà phục vụ trong giáo phận. Bề trên của Cộng đoàn Đức Maria, cha Giacomo Martinelli, và ĐHY Angelo De Donatis, giám quản Roma đồng ý. Cha trở về Albania theo diện hồng ân đức tin (fidei donum).
Giám mục
Tân giám mục chia sẻ: “Tôi không bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ trở thành giám mục. Tôi rất hạnh phúc được sống và phục vụ tại quê hương, với giáo dân, những người được giao phó cho tôi. Tôi đón nhận việc bổ nhiệm này của Đức Thánh Cha Phanxicô với niềm tin vào Chúa, vào Đức Mẹ và với sự vâng phục Giáo hội”.
Biết Chúa qua những bài hát của bà
Đức cha tiếp tục nói về hành trình đến với đức tin của mình: “Tôi được sinh ra trong một bối cảnh ở một đất nước mà không may mọi dấu hiệu gợi lại đức tin đều bị cấm. Trong những năm đầu cuộc đời, tôi chưa bao giờ được nghe nói về sự hiện diện của Chúa. Cha mẹ tôi bị chủ nghĩa cộng sản ảnh hưởng nên không bao giờ nói về Chúa cho tôi. Nhưng tạ ơn Chúa, ông bà tôi thì ngược lại, tôi thấy họ cầu nguyện với Chúa. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với những điều thuộc về Thiên Chúa giống như một điệp khúc được lặp đi lặp lại trong tâm trí. Bất chấp những lời đe dọa, bà tôi vẫn tiếp tục sống kinh nghiệm cầu nguyện. Bà tôi không được học nhưng đã biết giáo lý và cầu nguyện qua các bài hát. Chỉ khi đến Ý, tôi mới khám phá ra nhiều điều. Tôi nhớ lại khi còn bé, trong khi dọn dẹp nhà cửa bà thường hát cầu nguyện thế là tôi cũng hát theo bà. Ví dụ kinh Kính Mừng, bà đọc phần thứ nhất và dạy tôi phần thứ hai. Tôi tin đây là cách Chúa gieo hạt giống đức tin trong tôi”.
Như thế, nhờ người bà, nhờ hạt giống đức tin bà gieo trong âm thầm, với năm tháng đã có cơ hội nảy mầm mà giờ đây từ một người vô thần chàng thanh niên Arjan đã trở thành Kitô hữu, linh mục và giám mục.
Ngọc Yến
2020
Mang thai và bị bệnh coronavirus, cô Angela sinh con trong tình trạng hôn mê nhân tạo
Cô Angela Primachenko sinh con lúc cô được đặt trong tình trạng hôn mê.
Cô Angela Primachenko 27 tuổi, mang thai 34 tuần, bị bệnh coronavirus, cô chấp nhận đặt trong tình trạng hôn mê nhân tạo và hoàn toàn không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho mình.
Tháng 3 vừa qua cô biết mình bị nhiễm coronavirus, được các bác sĩ khuyên cô nên sinh con trong tình trạng hôn mê nhân tạo, bây giờ con gái cô đã được 5 ngày.
Cô kể cho CNN: “Thật là một cảm giác không thể tưởng tượng được. Thật điên rồ để cố gắng hiểu những gì đã xảy ra cho tôi trong mưới ngày qua và sắp đặt mọi thứ lại trong đầu cho thứ tự!”
Cô Angela Primachenko sống ở Vancouver, Canada, cô là chuyên gia cảm giác vận động hô hấp, cô có triệu chứng ho và sốt tăng dần, cô vội vàng dùng mọi biện pháp để không bị bệnh. Cô Oksana, em gái sinh đôi của cô Angela kể: “Chị tôi hiểu mọi bất trắc. Chị tôi rất cẩn thận.” Khi biết kết quả dương tính, cô Angela đã đau nhiều, cô kể: “Tôi biết tôi không thể tiếp tục thở như thế này mà sống được.” Khi đó là ngày 26 tháng 3, cô vào bệnh viện chính nơi cô làm việc. Ba ngày sau cô được đặt trong tình trạng hôn mê nhân tạo.
“Tôi không biết mình đang ở đâu”
Trong khi cả nhà lo lắng, các bác sĩ quyết định để cô sinh con, phải làm cho phổi của cô còn chỗ để cô thở được hơn. Chồng của cô là David đồng ý và em bé gái Ava mạnh khỏe ra đời ngày 1 tháng 4. Còn với cô Angela thì rất yếu, ngày 5 tháng 4 cả gia đình còn nghĩ cô không qua khỏi. Cô Oksana kể: “Ngày hôm đó chúng tôi quá sợ.” Thật kỳ diệu, ngày hôm sau cô Angela đã có thể rút ống nội khí quản. Cô giải thích: “Tôi hoàn toàn lạc lối, tôi không biết mình ở đâu, tôi không còn thấy cái bụng tròn của tôi, tôi cũng không biết con gái tôi ở đâu.”
Khi cuối cùng được về nhà, cô đã có thể ôm chồng và đứa con gái 11 tháng trong tay. Còn em bé Ava vẫn còn ở bệnh viện, cô chưa thăm được khi thử nghiệm chưa âm tính: “Tôi muốn ôm con, thương con để bù cho những tuần đầu tiên tôi không hy vọng sống. Chúa đã làm phép lạ cho chúng tôi, cho mẹ con tôi được bình an. Còn về tên Ava của con gái, cô Angela Primachenko cho biết, tên này là “hơi thở của sự sống.”
Marta An Nguyễn dịch
2020
Ba Tây: Cựu chiến binh 99 tuổi được lành bệnh
Ba Tây: Cựu chiến binh 99 tuổi được lành bệnh
Sau tám ngày nhập viện, ông Ermando Piveta rời bệnh viện quân đội ở Brasilia bằng xe lăn, ông đội mũ bê-rê quân đội màu xanh ô liu giữa hàng danh dự của các nhân viên điều dưỡng và trong tiếng kèn trôm-pét.
Trong một thông báo Quân đội Trái đất cho biết: “Ông đã chiến thắng thêm một trận nữa, lần này là chống lại coronavirus, ông rời bệnh viện nhân ngày kỷ niệm năm thứ 75 Trận chiến Montese, chiến dịch chiến thắng của quân đội Ba Tây trong Thế chiến thứ hai.”
Thành viên của Trung đoàn Pháo binh số 4, ông Piveta tham gia diễn tập ở Dakar, Sénégal năm 1942, sau khi đi trên tàu Almirante Alexandrino.
Khi bắt đầu Thế chiến II, nước Ba Tây trung lập nhưng cuối cùng đã gia nhập quân Đồng minh để chống lại Đức Quốc xã và phát xít Ý. Hơn 25.000 binh sĩ đã được gửi đến Ý vào năm 1944.
Báo cáo mới nhất của Bộ Y tế cho biết có 25.262 trường hợp được xác nhận nhiễm coronavirus ở Bat, trong có có 1.532 trường hợp tử vong, với mức cao nhất dự kiến vào cuối tháng Tư.
Nguyễn Tùng Lâm dịch
2020
Quảng trường đầy và Quảng trường trống
Đức Phanxicô một mình ở Quảng trường Thánh Phêrô chiều thứ sáu 27 tháng 3 trong buổi ban phép lành Cho thành phố Rôma và cho Thế giới, Urbi et Orbi. (Vatican Media)
vaticannews.va, Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, Vatican, 2020-04-15
Nhật ký làm việc của linh mục Federico Lombardi trong thời kỳ khủng hoảng. Hàng tuần
Linh mục Federico Lombardi, cựu giám đốc Radio Vatican và Văn phòng báo chí Tòa Thánh cho chúng ta cái nhìn của ngài về thời kỳ chúng ta đang sống.
Hàng triệu và hàng triệu người ở Ý và trên khắp thế giới đã theo dõi giây phút Đức Phanxicô cầu nguyện qua đài truyền hình và qua các phương tiện truyền thông. Con số người nghe là ngoại thường. Không có gì đáng ngạc nhiên. Dĩ nhiên bối cảnh tự nó đã bù đắp cho sự vắng mặt của giáo dân và của xã hội qua hệ thống truyền thông.
Hơn nữa, và trên hết, bối cảnh này làm cho lời nói và hình ảnh của Đức Phanxicô đáp ứng với các mong chờ sâu đậm để được an ủi, để tìm ánh sáng trong thời điểm tối tăm, tìm nâng đỡ trong thời điểm không chắc chắn.
Khi Đức Phanxicô bắt đầu dâng thánh lễ buổi sáng ở Nhà nguyện Thánh Marta – một trong các sáng kiến đầu tiên và đặc nét sáng tạo riêng triều giáo hoàng của ngài – thì ngay lập tức kênh truyền hình Ý TV 2000 xin được trực tiếp truyền hình thánh lễ để nhiều người được tham dự giây phút cầu nguyện cảm động với Đức Giáo hoàng. Sau đó tôi nhớ đã có cuộc thảo luận với chính Đức Giáo hoàng và suy nghĩ xem chuyện này có nên làm hay không.
Kết luận lúc đó là không phát hình trực tiếp, vì ngược với các buổi lễ công cộng, thánh lễ buổi sáng có nét thân mật và riêng tư, đơn giản và tự phát để người dâng lễ cũng như người tham dự không cảm thấy mình đang ở trước mắt mọi người. Dĩ nhiên có một vài hình ảnh, một vài đoạn ngắn của bài giảng được phát ra nhưng không phải toàn bộ thánh lễ. Tất nhiên cũng không thiếu dịp các buổi lễ của Đức Phanxicô được đưa ra cho công chúng xem qua các phương tiện truyền thông.
Hôm nay tình hình đã thay đổi. Ở Nhà nguyện Thánh Marta dù rất nhỏ cũng không còn tín hữu và gần như Đức Phanxicô dâng thánh lễ một mình, thì thánh lễ lại được truyền hình trực tiếp và có rất nhiều người theo dõi, họ được nâng đỡ và an ủi, họ kết hiệp với ngài trong lời cầu nguyện và được ngài mời gọi “hiệp thông thiêng liêng” vì họ không thể đi lễ để được rước Mình Thánh Chúa. Mầu nhiệm thiêng liêng vẫn là một, nhưng cách tham dự đã khác. Khi giảng, Đức Phanxicô thích nhìn thẳng vào người đang có mặt và đối thoại với họ. Nhưng bây giờ ánh mắt và giọng nói của ngài đã được kỹ thuật làm truyền thông hóa, nhưng nội dung vẫn luôn chạm đến tâm hồn người nghe. Không còn đám đông hiện diện, nhưng đám đông ở đó và thật sự kết hiệp qua Thiên Chúa, Đấng chết đi và sống lại.
Thánh lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta
Và khoảnh khắc khi Đức Phanxicô nói và cầu nguyện ở Đền thờ thánh Phêrô hay ở Quảng trường Thánh Phêrô hoàn toàn trống vắng cũng tương tự vậy và còn sâu đậm hơn.
Đã bao nhiêu lần trong những năm qua, chúng tôi đã tổ chức những buổi càng ngày càng có các con số giáo dân tham dự ấn tượng: 50, 100, 200 000 người … tràn ngập quảng trường từ đường Via della Conciliazione đến dòng sông Tibre… Nơi tập trung không biết bao nhiêu cuộc họp đông đảo… Trong thế kỷ qua, chúng ta dần dần học thêm, để thêm vào sự hiện diện thể lý này sự hiện diện đông đảo của những người, nhờ đài truyền thanh rồi đến truyền hình, rồi thêm các phương tiện truyền thông mới đã mở rộng các cuộc tụ họp đông đảo này lan đến các nơi khác trên thế giới. Phép lành cho thành phố Rôma và cho thế giới Urbi et Orbi, đặc biệt dưới thời Đức Gioan-Phaolô II trong các lần chúc lễ Giáng Sinh và Phục Sinh đã được phát với hàng chục ngôn ngữ, làm cho chúng ta hiểu, sự tập họp ở quảng trường là trọng tâm, trọng tâm của một tập họp lớn hơn, trải rộng ra trên tất cả các châu lục, hiệp nhất với nhau trong mong muốn được nghe chỉ một thông điệp cứu rỗi qua tiếng nói của Giáo hoàng.
Bây giờ chúng ta thấy một quảng trường hoàn toàn trống vắng nhưng tập họp lại rất lớn, tập họp không còn là tập họp của thể lý nhưng tập họp thiêng liêng, và tập họp này có thể còn nhiều hơn, sâu đậm hơn bất cứ các tập họp nào khác. Đức Giáo hoàng có thể một mình ở Quảng trường Thánh Phêrô hay trong Nhà nguyện Thánh Marta, nhưng Giáo hội hoàn vũ, một tập họp giáo dân thật sự mạnh và hiệp nhất qua mối quan hệ sâu đậm được cắm rễ trong đức tin và trong quả tim con người.
Quảng trường trống vắng, nhưng ở đó chúng ta cảm nhận sự hiện diện rất dày đặc và các vòng ôm của các quan hệ thiêng liêng của tình yêu, của lòng lân tuất, của đau khổ, của khao khát, của hy vọng… đây là dấu chỉ mạnh sự hiện diện của Thần Khí, Đấng gắn kết trong “Nhiệm Thể” Chúa Kitô. Một thực tại thiêng liêng thể hiện khi có sự tập hợp hiệp nhất về mặt thể lý và hiện diện, nhưng một sự hiện diện khác, không ràng buộc vào thể lý, nhưng ngược thay ở thời buổi chúng ta, lại được trải nghiệm một cách mạnh hơn và hiển nhiên hơn.
Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô trong đêm tối: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch