2020
Các nhà thờ ở Nam Hàn được mở cửa trở lại
Các nhà thờ ở Nam Hàn được mở cửa trở lại
Các trường hợp nhiễm coronavirus tiếp tục giảm ở Nam Hàn. Hôm thứ Hai 20 tháng Tư, chỉ có 13 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận, trong đó có 7 người nhiễm bệnh khi ra nước ngoài. Đây là ngày thứ ba liên tiếp con số nhiễm bệnh mới dưới 20 trường hợp; ngày Chúa Nhật 19 tháng Tư chỉ có 8 trường hợp. Hôm 29 tháng 2, được kể là ngày căng thẳng nhất, có 909 người nhiễm bệnh tại Nam Hàn.
Trong một tuyên bố được đưa ra vào chiều thứ Hai 20 tháng Tư, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh xác nhận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô, cùng với Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, đã quyết định hoãn lại một năm Đại Hội Gia Đình Thế Giới và Ngày Giới Trẻ Thế Giới.
Toàn văn tuyên bố như sau:
Do tình hình sức khỏe hiện tại và những hậu quả của nó đối với việc di chuyển và tập hợp những người trẻ và gia đình, Đức Thánh Cha, cùng với Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, đã quyết định hoãn các Hội nghị Thế giới tiếp theo lại một năm. Đại Hội Gia Đình Thế Giới, trước đây được dự trù tại Rôma vào tháng 6 năm 2021 và Ngày Giới Trẻ Thế Giới tiếp theo, trước đây được dự định diễn ra tại Lisbon vào tháng 8 năm 2022, sẽ dời vào tháng 6 năm 2022 và vào tháng 8 năm 2023.
Nói tóm lại, Đại Hội Gia Đình Thế Giới sẽ diễn ra tại Rôma vào tháng 6 năm 2022. Tương tự như vậy, Ngày Giới Trẻ Thế Giới tiếp theo sẽ được tổ chức tại Lisbon vào tháng 8 năm 2023.
Đặng Tự Do
2020
Đại dịch có thể chữa khỏi bệnh vô cảm?
Đại dịch có thể chữa khỏi bệnh vô cảm?
Đã từ lâu, ai cũng có thể nhận ra căn bệnh vô cảm[1] lan tràn tại Việt Nam. Gọi là bệnh vì nó có triệu chứng và đang bào mòn lòng nhân ái của người Việt. Nói không chỉ lan vào thế giới người trẻ, nhưng cũng ảnh hưởng để thế hệ người già và trẻ em cũng không miễn nhiễm. Khi lòng nhân ái và tình yêu thương con người trở nên xa xỉ, thì lòng vô cảm theo đó mà tăng lên.
Có quá nhiều ví dụ về căn bệnh vô cảm mà công cụ tìm kiếm Google cho 95 triệu kết quả liên quan. Hẳn nhiên từ hệ thống giáo dục, các tôn giáo và từ phía Giáo Hội Công Giáo cũng đang nỗ lực chữa trị căn bệnh nguy hiểm này.
Từ khi đại dịch Covid–19 xuất hiện, đã có nhiều phong trào kêu gọi mỗi người, mỗi gia đình, làng phố và các quốc gia cùng nhau phòng chống dịch. Đây hoàn toàn không phải là vấn đề của quốc gia, nhưng là đại dịch trên bình diện quốc tế. Ai cũng thấy những ảnh hưởng kinh hoàng của nó lên sức khỏe và nền kinh tế của mỗi quốc gia. Suy thoái, đại khủng hoảng là dự báo có thể xảy ra. Nhất là những nước đang phát triển, đặc biệt các nước nghèo, người ta đang chết không chỉ vì virus, nhưng còn vì đang thiếu nhu cầu căn bản để sống. Người nghèo đang kêu gào lòng thương hại của con người. Họ chờ mong lòng trắc ẩn của các nhà hảo tâm. Chính trong bối cảnh này, dường như đại dịch là cơ hội để chúng ta chữa bệnh vô cảm.
Là người ai cũng có cảm xúc, tình cảm. Thật không thể tưởng tượng được vô cảm tức là người ấy không có cảm xúc. Họ thờ ơ với ngoại cảnh, sống lạnh nhạt, vô tâm với cuộc sống, với những người ở xung quanh. Ngay cả những sự kiện hoặc ai đó đang tác động vào cảm xúc của họ, họ cũng lãnh đạm thờ ơ. Dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại, hành xử kiểu “mackeno” (mặc kệ nó), đang là những biểu hiện đáng lo của nhiều người. Thật dễ thấy người ta đang thờ ơ với người nghèo đói bên cạnh. Không ít người vui thích khi thấy con số nạn nhân Covid–19 của các nước tăng lên. Lắm người còn buông lời mặc kệ đáng đời. Bên cạnh đó, hệ thống báo chí truyền thông cũng có thể giúp cho bệnh vô cảm lan nhanh hơn. Họ hướng ống kính về nước khác để quên đi nỗi đau của nước mình.
Đây là lúc con người đoàn kết lại. Ai có thể làm điều gì tốt cho mình và người thân, cho Giáo Hội và xã hội, xin đừng ngần ngại. Cùng nhau tạo môi trường sống yêu thương, san sẻ là liều thuốc hiệu quả để căn bệnh vô cảm thuyên giảm. Từ vài tuần nay, chúng ta thấy có nhiều sáng kiến để giúp người nghèo. Đó là những cây ATM gạo, những tổ chức thiện nguyện, nhiều caritas của giáo xứ, biết bao phong trào người trẻ Công Giáo, các dòng tu, mỗi giáo phận đang đồng hành với người nghèo. Tất cả theo tiếng gọi của Thầy Giêsu: phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22,39).
Dĩ nhiên người nghèo lúc nào cũng có. Nhiều bạn thoái lui khi cho rằng từ thiện, bác ái thì cũng chẳng đi đến đâu. Hẳn là một người, vài nhóm người thì ngọn nến yêu thương ấy chưa lớn mạnh, nhưng mỗi người cùng thắp nên ngọn nến yêu thương, khi đó, bệnh vô cảm sẽ thuyên giảm nhanh hơn. Thử tượng tượng mỗi người gieo một chút suy nghĩ, việc làm tốt, chắc là cuộc sống của chúng ta dễ thương hơn nhiều. Khi đó người ta mới xứng đáng là con người văn minh và lịch sự. Là con Chúa, người Công Giáo càng được mời gọi để chu toàn hai chiều kích của tình yêu: Yêu Chúa và yêu người. Bằng cách nào?
Ai cũng có cái tốt để trao tặng cho nhau. Nói thì dễ, nhưng thực hiện lại thách đố vô cùng. Phần vì triệu chứng vô cảm thôi thúc người ta quy hướng về mình, phần vì nhiều người sợ cho đi là mất mát. Tình yêu thương khi được trao ban, nó sinh ích cả phía người cho lẫn người nhận. Thật tốt để lòng mình lắng đọng. Xem mình có điều gì có thể trao ban cho tha nhân trong lúc này. Đó không hẳn là vật chất tiền của, nhưng còn là thái độ sống dễ thương hơn, trao ban nụ cười, lời cầu nguyện, động viên hoặc chia sẻ những thông điệp hy vọng trong thời đại dịch này.
Khi viết đề tài này, tôi nhận được phác đồ điều trị từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Ngài đưa ra “kế hoạch hồi sinh”[2] sau đại dịch Covid–19. Chính điều này không chỉ giúp cho người ta vượt qua đại dịch, nhưng còn chữa lành những tâm hồn vô cảm.
– “Ở bên và đồng hành”. Con người cần nhau lúc này. Đành rằng ở bên thường sinh ra xung đột và khó chịu. Chẳng vì thế mà người ta cho rằng: “Ở gần mỏi miệng, ở xa mỏi chân”. Nhưng đó là vì lòng người chưa yêu thương đủ. Một khi người ta chấp nhận ở bên, đồng hành với nhau, khi đó, vô cảm tự động sẽ bị gạt ra bên lề. Lúc ấy người ta biết khóc với người khóc, vui với những ai vui mừng. Đó là môi trường sống lý tưởng mà con người đang khao khát dựng xây. Tiếc là sự đổ vỡ trong các tương quan từ nhiều thập niên qua, khiến ở bên và đồng hành gặp nhiều thách đố.
– Tinh thần đồng trách nhiệm. Đức Thánh Cha suy tư về điểm này, khi chiêm ngắm các chị em phụ nữ “đang mang dầu thơm”, và “mang sự xức dầu” ra mộ Chúa. Những người này cảm thấy mình có trách nhiệm chăm lo cho thi hài của Đức Giêsu. Cũng vậy, những tháng này nhiều người đang chăm sóc cho các bệnh nhân giữa đại dịch. Có biết bao người đang chung tay phòng chống dịch. Vô số đoàn thể nhận ra mình có trách nhiệm liên đới với nhau, với người nghèo. Nhờ thế, chúng ta có hy vọng nhiều hơn vào khả năng chống dịch và cũng thấy được lòng nhân ái của con người.
– Kháng thể liên đới. Nếu Covid–19 cần Vác–xin và thuốc để chữa trị, thì nó cũng cần phải được điều trị bằng kháng thể của tình liên đới. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh: “Mỗi hành động cá nhân không phải là một hành động đơn độc. Tốt hơn hay tệ hơn, tất cả các hành động của chúng ta đều ảnh hưởng đến người khác.” Điều này cũng đúng cho căn bệnh vô cảm. Khi không ý thức phòng chống vô cảm, người ta có nguy cơ mắc bệnh. Nhờ đại dịch, chúng ta thấy mối dây liên đới giữa các thành viên trong gia đình, làng xóm, quốc gia và thế giới gần nhau hơn. Đau khổ và khủng hoảng lần này không của riêng ai. Thật đáng trách những ai tự cho mình đứng ngoài biến cố này. Đáng mừng vì còn vô vàn tấm lòng nhân ái đang hướng về nhau, về những ai cần giúp đỡ. Hy vọng, làn sóng tình người giữa cơn đại dịch có thể đưa người ta xích lại gần nhau. Được như thế, bệnh vô cảm sẽ qua đi, người ta sẽ thành người hơn với những cảm xúc, tình cảm và tình yêu.
Tạm kết
Chắc chút chia sẻ trên đây không đủ để chữa khỏi căn bệnh trầm kha vô cảm. Chắc ai cũng thừa nhận rằng bệnh này cần người ta luyện tập, cần thực thi hơn là lời nói hoặc những phương pháp. Ước gì mỗi người cũng có cách thế riêng của mình để sống quảng đại và tốt lành hơn. Đừng quên ơn Chúa và Giáo Hội luôn là những liều thuốc bổ tuyệt vời cho tâm hồn mỗi người. Hãy học với Chúa, vì Chúa có lòng hiền hậu và khiêm nhường! Khi đó chắc là cuộc sống sẽ đáng sống hơn nhiều!
[2] ĐTC Phanxicô đưa ra “kế hoạch hồi sinh” sau đại dịch Covid-19
Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
2020
Đức Phanxicô: “Sự phục hồi từ coronavirus phải công bằng và đúng lý”
Đức Phanxicô gặp các nhà báo sau khi dâng thánh lễ không có giáo dân ở nhà thờ Chúa Thánh Thần ở khu vực Sassia, Rôma, Đền thánh Lòng Chúa Thương xót của giáo phận Rôma, 19-4-2020.
Ngày chúa nhật 19 tháng 4, Đức Phanxicô kêu gọi có một tầm nhìn bao quát toàn thế giới sau cuộc khủng hoảng Covid-19, ngài nói, tiếp tục mà không có sự đoàn kết toàn cầu hoặc loại trừ các thành phần của xã hội ra khỏi việc phục hồi thì sẽ dẫn đến “một vi-rút thậm chí còn tệ hơn.”
Đức Phanxicô lần đầu tiên rời Vatican từ hơn một tháng nay để dâng thánh lễ chúa nhật Lòng Chúa Thương xót ở một nhà thờ gần như trống rỗng, cách Vatican một vài dãy nhà.
Trong bài giảng và trong kinh Nữ Vương Thiên đàng truyền thống của ngày chúa nhật, Đức Phanxicô nói, sự phục hồi không thể loại bất cứ ai bên lề và đây là lúc để chữa lành bất công trên thế giới vì nó làm suy yếu sức khỏe của toàn gia đình nhân loại.
Ngài giảng: “Hiện nay khi chúng ta sốt ruột mong chờ sự phục hồi chậm chạp và khó khăn của đại dịch, chúng ta gặp nguy cơ quên những người chúng ta để mặc họ. Một nguy cơ chúng ta có thể bị tấn công bởi một loại vi-rút tệ hại, đó là vi-rút ích kỷ. Một vi-rút truyền bởi suy nghĩ đời sống sẽ tốt hơn nếu nó tốt hơn cho tôi, mọi sự sẽ ổn nếu điều đó tốt cho tôi.”
Trong bài giảng của ngài, Đức Phanxicô nhắc đại dịch “nhắc chúng ta nhớ không có khác biệt và biên giới giữa những người đau khổ.”
Sau đó trong kinh trưa Nữ Vương Thiên đàng, ngài kêu gọi một “sự chia sẻ giữa các quốc gia và các thể chế để đối diện với cuộc khủng hoảng hiện tại phải được đánh dấu bằng tình đoàn kết.”
Ngày 15 tháng 3 Đức Phanxicô đã đi trong thành phố Rôma hoang vắng để đến hai đền thánh cầu nguyện để đại dịch được chấm dứt. Ngài tuyên bố, việc phục hồi không nên hy sinh những người bị bỏ mặc trên “bàn thờ của chủ nghĩa tiến bộ”, đặc biệt là những người nghèo.
Hơn 23 000 người đã chết vì coronavirus chủng mới ở Ý. Từ sáu tuần nay Ý và Vatican đã đóng cửa nhà thờ buộc Đức Phanxicô dâng thánh lễ không có giáo dân.
2020
Sinh ra bởi Thánh Thần là bước nhảy Kitô hữu phải thực hiện
Sinh ra bởi Thánh Thần là bước nhảy Kitô hữu phải thực hiện
Sinh ra một lần nữa là để cho Chúa Thánh Thần bước vào và Ngài hướng dẫn cuộc sống của anh chị em. Và đây là lúc tự do của Thánh Thần hoạt động, anh chị em không biết mình sẽ đi đâu. Ðiều này đã xảy ra nơi các tông đồ; khi Thánh Thần đến, các ông ra đi rao giảng Tin Mừng, và không biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng Thánh Thần hướng dẫn các ông.
Sau Lễ Lòng Chúa Thương Xót tại Nhà thờ Chúa Thánh Thần, sáng thứ Hai 20 tháng 4 năm 2020, Ðức Thánh Cha Phanxicô trở lại dâng Thánh lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta. Trong phần nhập lễ, Ðức Thánh Cha mời gọi mọi người cầu nguyện cho giới chính trị: “Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho những ai có ơn gọi làm chính trị: Chính trị là một hình thức cao của bác ái. Chúng ta cầu nguyện cho các đảng chính trị trong các quốc gia. Trong thời điểm khủng hoảng này, xin cho họ biết cùng nhau tìm kiếm lợi ích của quốc gia chứ không phải lợi ích đảng phái của mình”.
Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha tập trung vào bài Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 3,1-8) nhằm giải thích về thái độ của ông Nicôđêmô, một người Pharisêu, một thủ lãnh của người Do Thái đến gặp Chúa Giêsu vào ban đêm. Và Chúa nói với ông rằng không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.
Ðức Thánh Cha nhận xét về người Pharisêu này như sau: “Ông Nicôđêmô là một người Pharisêu tốt, không phải tất cả người Pharisêu đều xấu. Ông cảm thấy có một điều gì đó không ổn trong ông, bởi vì ông đã đọc sách của các ngôn sứ và biết rằng những gì Chúa Giêsu thực hiện là những điều các ngôn sứ đã loan báo. Ông thao thức được gặp Chúa. Ông tuyên xưng niềm tin: ‘Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy'”. Vị thủ lãnh Do Thái dừng lại ở đây và không nói thêm gì nữa”.
Theo Ðức Thánh Cha lẽ ra ông Nicôđêmô phải nói tiếp, nhưng ông dừng lại trước hai từ “bởi vậy”. Và Chúa Giêsu trả lời gây bất ngờ cho ông “không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”.
“Ông Nicôđêmô không hiểu điều Chúa nói. Sinh ra bởi Thánh Thần là bước nhảy vọt mà lời tuyên xưng của Nicôđêmô phải thực hiện. Ông không biết phải làm thế nào, bởi vì con người không thể biết được điều Thánh Thần sẽ thực hiện. Chính Chúa Giêsu cũng đã mô tả điều này: Ai sinh ra bởi Thánh Thần thì tự do và ngoan ngùy trước Thánh Thần, Ðấng đưa chúng ta đi đâu tùy ý như gió muốn thổi đâu thì thổi”.
Tới đây, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh thêm việc để cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong đời sống như thế nào: “Tuân giữ các điều răn thôi thì chưa đủ, anh chị em phải để cho Chúa Thánh Thần đi vào trong cuộc sống của anh chị em và Ngài đưa anh chị em đi đâu là tùy ý Ngài. Ðôi khi chúng ta dừng lại như ông Nicôđêmô. Chúng ta không biết phải làm gì, hoặc chúng ta không tin tưởng vào Chúa để thực hiện một bước nhảy và để cho Thánh Thần đi vào cuộc sống. Sinh ra một lần nữa là để cho Chúa Thánh Thần bước vào và Ngài hướng dẫn cuộc sống của anh chị em. Và đây là lúc tự do của Thánh Thần hoạt động, anh chị em không biết mình sẽ đi đâu. Ðiều này đã xảy ra nơi các tông đồ; khi Thánh Thần đến, các ông ra đi rao giảng Tin Mừng, và không biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng Thánh Thần hướng dẫn các ông”.
Ðức Thánh Cha trích dẫn thêm một mẫu gương về việc để cho Chúa Thánh Thần hoạt động, đó là cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi được mô tả trong Bài đọc I. Sau khi nghe Thánh Phêrô và Gioan thuật lại mọi điều mà các thượng tế và kỳ mục đã nói với hai ông, các tín hữu đồng tâm cầu nguyện và Chúa Thánh Thần đã đến với với các tín hữu nói cho họ biết điều cần làm.
Ðức Thánh Cha kết luận: “Các tín hữu cầu nguyện trong một khoảnh khắc đen tối để mở tâm hồn ra cho Chúa Thánh Thần. Xin Chúa giúp chúng ta biết mở ra cho Chúa Thánh Thần, Ðấng sẽ đưa chúng ta tiến lên phía trước trong sự phục vụ Chúa .” Ngọc Yến