2020
Nhật ký về cuộc khủng hoảng: sự hoán cải
Bài viết thứ tư trong «Nhật ký về cuộc khủng hoảng» của cha Federico Lombardi: Đại dịch cũng được coi như một lời gọi mời hoán cải nội tâm, cho các Kitô hữu, mà cũng cho tất cả mọi người.
Nhiều người trong chúng ta đã vài lần trải qua kinh nghiệm đau bệnh nặng, hoặc chỉ là cảm thấy nỗi sợ hãi khi phải đối diện với nó. Nếu không để mình bị hoảng sợ trong hoàn cảnh đó, thì chúng ta trải nghiệm được một thời kỳ ảnh hưởng lớn đến chúng ta về mặt tinh thần, thường là trải nghiệm tích cực. Chúng ta hiểu rằng nhiều công việc và dự phóng vốn có vẻ rất quan trọng đối với chúng ta, cuối cùng chỉ là thoáng qua và tương đối. Rằng có những thứ qua đi và ngược lại có những thứ còn ở lại. Trên hết, chúng ta trở nên ý thức hơn về sự mỏng dòn của mình. Chúng ta cảm thấy nhỏ bé trước thế giới và trước mầu nhiệm lớn lao của Thiên Chúa. Chúng ta nhận ra số mệnh của chúng ta chỉ là một phần trong tay chúng ta, ngay cả khi y học và khoa học đem lại biết bao điều tuyệt vời. Nói theo kiểu trước kia, chúng ta trở nên khiêm tốn hơn. Chúng ta đã cầu nguyện nhiều hơn, chúng ta trở nên nhạy bén và chú ý hơn trong các tương quan với người khác, chúng ta quý mến họ trong sự quan tâm và gần gũi cách nhân bản và tinh thần hơn.
Nhưng rồi, khi sức lực của chúng ta từng bước trở lại và rủi ro đã được khắc phục, những thái độ này dần dần bị giảm bớt và chúng ta lại quay về ít nhiều với thái độ như trước đây: an toàn về chúng ta, quan tâm trước hết các kế hoạch của chúng ta và những đáp ứng ngay lập tức, ít chú ý đến sự tế nhị nơi các tương quan… và lời cầu nguyện lại trở về vị trí bên lề cuộc sống của chúng ta. Trong một cách nào đó, chúng ta phải nhận ra rằng trong sự yếu đau, chúng ta đã trở nên tốt hơn và trong lúc khỏe mạnh, chúng ta lại sớm quên đi Thiên Chúa.
Đại dịch là một căn bệnh lan tràn và chung chia. Đó là một kinh nghiệm phổ biến của những điều rất đỗi mong manh và ngoài mong đợi. Nó đặt câu hỏi nghiêm túc về nhiều khía cạnh nơi cuộc sống và thế giới của chúng ta, thứ mà chúng ta vốn coi là chắc chắn. Điều này trả giá với bao đau khổ và những xáo trộn. Nhưng nó chỉ là sự dữ hay nó còn là một cơ hội?
Trong cả lời rao giảng của Thánh Gioan Tẩy Giả và của Chúa Giêsu, có một từ lập lại với nhịp độ cao và mạnh mẽ: “Anh em hãy hoán cải”. Nó không phải là một từ mà chúng ta yêu thích. Nó chất vấn chúng ta và làm chúng ta sợ hãi, bởi vì chúng ta cảm thấy nó không phải là vô hại. Trong suốt thời gian của Mùa Chay – ngay từ đầu đã đi kèm với biến cố đại dịch, một sự trùng hợp ngoại thường trong đời sống Kitô giáo của chúng ta! – chúng ta đã nghe và cảm nhận lại lời mời gọi hoán cải, chúng ta đã nghe lại những lời cầu nguyện sám hối tận căn trong Cựu Ước (Ette, Azaria…) và những lời nhắc nhở mang tính tiên tri vốn cho thấy những bất hạnh và đau khổ của dân như một lời kêu gọi mạnh mẽ cho sự hoán cải, trở về với Thiên Chúa… Chúng ta không được nhìn những bất hạnh của thế giới, trong đó có rất nhiều người vô tội bị liên lụy, giống như một hình phạt mà Thiên Chúa báo thù; nhưng chúng ta cũng không được ngây thơ và hời hợt đến mức chúng ta không nhận ra trách nhiệm của con người đan xen trong những gì đang xảy ra và chúng ta đừng quên rằng lịch sử của nhân loại ngay từ đầu đã bị thấm đẫm bởi những hậu quả của tội lỗi. Nếu không, Chúa Giêsu cần gì chết để dẫn đưa chúng ta và tạo hóa trở về với Thiên Chúa?
Trước sau gì đại dịch này cũng sẽ qua. Với một cái giá rất đắt nhưng nó sẽ qua. Giờ đây, tất cả chúng ta cầu mong đại dịch qua đi thật nhanh và chúng ta ước muốn điều đó cách mãnh liệt. Chúng ta muốn bắt đầu lại, lấy lại cuộc hành trình. Đúng thôi: Sự liên đới buộc chúng ta phải hy vọng rằng những người đau yếu sẽ tránh được các đau khổ hơn. Niềm hy vọng đòi hỏi chúng ta nhìn về phía trước và lòng bác ái phải được thực thi. Nhưng chúng ta sẽ biến đổi, ít là một chút, hay chúng ta sẽ ngay lập tức bắt đầu đi lại trên chính những con đường cũ trước đây?
Một chìa khóa để đọc Thông điệp Laudato sì trong tinh thần hoàn toàn theo Kitô giáo là để trả lời cho những câu hỏi lớn về tương lai của nhân loại, chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta là thụ tạo, rằng thế giới không phải là của chúng ta mà là được trao cho chúng ta; chúng ta không thể nghĩ đến việc thống trị nó và khai thác nó như chúng ta muốn, nếu không chúng ta phá hủy nó và tiêu diệt cả chúng ta nữa. Chỉ trên nền tảng của một sự khiêm tốn thật sự trước Thiên Chúa thì lẽ phải và khoa học mới có thể xây dựng và không phá hủy. Chúng ta muốn bắt đầu lại cách nhanh chóng. Chúng ta nói nhiều điều sẽ thay đổi. Có lẽ chúng ta nghĩ mình đã học được nhiều bài học – có thể như thế – về hệ thống y tế và trường học, về kỹ thuật số và những khả năng của nó… ngay cả y khoa cũng sẽ đạt được những bước tiến… Nhưng với những điều đó, chúng ta đang nghĩ nhiều về câu trả lời chủ yếu trong những thuật ngữ kỹ thuật, trong tính hữu hiệu và tổ chức hợp lý hơn.
Tốt thôi, nhưng đại dịch cũng là một lời mời gọi cho sự hoán cải nội tâm, sâu sắc hơn. Một lời mời gọi không chỉ cho các tín hữu Kitô giáo, mà cho tất cả mọi người, con người vẫn là thụ tạo của Thiên Chúa ngay cả khi họ không ý thức về điều này. Một cuộc sống tốt đẹp hơn trong ngôi nhà chung của chúng ta, trong hòa bình với các thụ tạo, với những người khác, và với Thiên Chúa; một cuộc sống đầy ý nghĩa, đòi hỏi phải hoán cải./.
Federico Lombardi, S.J.
Lm. Phaolô Nguyễn Thanh Tuấn dịch từ vaticannews.va
2020
Kinh cầu Đức Mẹ trong cơn đại dịch do ĐTC Phanxicô soạn
“Lạy Đức Mẹ Chúa Trời, chúng con tìm nương ẩn dưới sự che chở của Mẹ.
Lạy Đức Mẹ Chúa Trời và là Mẹ chúng con, trong tình cảnh bi thương hiện tại, khi đau khổ và lo lắng đang xiết chặt thế giới, chúng con chạy đến bên Mẹ, tìm nương ẩn dưới sự che chở của Mẹ.
Lạy Đức Trinh Nữ Maria, xin thương xót ghé mắt đoái nhìn chúng con đang trong đại dịch virus corona và an ủi những người lạc hướng và đang than khóc người thân đã qua đời của họ, đôi khi được an táng cách đau lòng. Xin nâng đỡ những người đang lo lắng cho các bệnh nhân, những người mà họ không thể ở gần bên để tránh lây nhiễm. Xin ban sự tin tưởng tín thác cho những ai đang lo lắng vì tương lai không chắc chắn và vì các hậu quả kinh tế và việc làm.
Lạy Đức Mẹ Chúa Trời và là Mẹ chúng con, xin cầu cùng Thiên Chúa là Cha thương xót cho chúng con, để thử thách này sẽ chấm dứt, đồng thời bình minh hy vọng và bình an sẽ lại đến. Như tại Cana, xin Mẹ cầu khẩn với Chúa Con, xin Người an ủi gia đình của các bệnh nhân và nạn nhân và mở lòng họ để họ tín thác.
Xin bảo vệ các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, tình nguyện viên, những người đang ở tuyến đầu trong tình trạng khẩn cấp này và đang liều mạng sống của mình để cứu những sự sống khác. Xin đồng hành với nỗ lực anh hùng của họ và ban cho họ sức mạnh, lòng quảng đại và sức khoẻ.
Xin ở gần bên những người ngày đêm trợ giúp các bệnh nhân và ở cạnh các linh mục, những người với sự quan tâm mục vụ và dấn thân Tin Mừng, đang tìm cách giúp đỡ và hỗ trợ tất cả mọi người.
Lạy Đức Trinh Nữ thánh thiện, xin soi sáng tâm trí của các nhà khoa học, giúp họ tìm ra giải pháp hiệu quả để chiến thắng virus này.
Xin trợ giúp các nhà lãnh đạo các quốc gia, để với sự khôn ngoan, quan tâm và quảng đại, họ có thể hành động để giúp đỡ những người thiếu các nhu cầu thiết yếu để sống, có thể đưa ra các giải pháp xã hội và kinh tế có tầm nhìn xa và tinh thần liên đới.
Lạy Mẹ Maria rất thánh, xin đánh động các lương tâm để thay vì những số tiền khổng lồ được đầu tư để tăng cường và dự trữ các vũ khí, chúng được dùng để thúc đẩy các nghiên cứu hiệu quả để ngăn chặn thảm họa tương tự trong tương lai.
Lạy Mẹ rất yêu dấu, xin giúp cho mọi người trên thế giới được gia tăng cảm thức mình cùng thuộc về một đại gia đình duy nhất, ý thức về mối liên hệ nối kết tất cả mọi người, để với tinh thần huynh đệ và liên đới, chúng con trợ giúp bao nhiều người đang sống trong nghèo đói và lầm than. Xin khuyến khích sự kiên cường trong đức tin, bền chí trong phục vụ và liên lỉ trong cầu nguyện.
Lạy Mẹ Maria, Đấng an ủi những người đau khổ, xin ôm lấy các con cái của Mẹ đang gặp hoạn nạn và xin Chúa dùng bàn tay quyền năng của Người để can thiệp, giải thoát chúng con khỏi đại dịch khủng khiếp này, để đời sống bình thường có thể trở lại trong thanh bình.
Chúng con phó thác cho Mẹ, Đấng chiếu sáng trên hành trình của chúng con như dấu chỉ của ơn cứu độ và hy vọng, ôi khoan thay, ôi nhân thay, ôi Đức Trinh Nữ Maria dịu hiền. Amen.”
Kinh thứ nhất
Hôm 11/03, Đức Thánh Cha đã đọc một kinh cầu nguyện cùng Đức Mẹ trong Thánh lễ do Đức Hồng y Giám quản Roma cử hành tại Đền thánh Đức Mẹ Tình yêu Chúa. Đây là lời kinh thứ nhất:
“Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn toả sáng trên hành trình của chúng con như dấu chỉ của ơn cứu độ và niềm hy vọng.
Chúng con tín thác nơi Mẹ, là sức khoẻ của những người đau bệnh; cạnh bên Thánh giá, Mẹ đã hiệp thông với đau khổ của Chúa Giêsu và giữ vững đức tin.
Lạy Mẹ, Phần Rỗi của dân thành Roma, Mẹ biết điều chúng con cần và chúng con chắc chắn rằng Mẹ sẽ ban cho chúng con, để giống như ở Cana miền Galilê, sau thời gian thử thách này, niềm vui và lễ hội sẽ có thể trở lại.
Lạy Mẹ của Tình yêu Chúa, xin giúp đỡ chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa Cha và làm điều mà Chúa Giêsu sẽ nói với chúng con rằng Người đã mang lấy trên mình Người các nỗi đau của chúng con và Người gánh lấy những đau thương của chúng con để qua Thánh giá, đưa chúng con đến niềm vui Phục Sinh.
Lạy Đức Mẹ Chúa Trời, dưới sự che chở của Mẹ, chúng con tìm nương ẩn. Xin đừng chê bỏ lời khấn xin của chúng con đang trong cơn thử thách, và lạy Đức Trinh Nữ vinh hiển và được chúc phúc, xin giải thoát chúng con khỏi mọi nguy hiểm. Amen.”
2020
ĐTC mời gọi đọc Kinh Mân Côi trong tháng 5, lời kinh giúp vượt qua đại dịch
Trong thư gửi các tín hữu nhân dịp tháng 5, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu đọc Kinh Mân Côi chung tại gia đình, hoặc đọc riêng, để được hiệp nhất và vượt qua đại dịch. Đức Thánh Cha cũng gửi đến các tín hữu hai lời kinh cầu nguyện với Đức Mẹ để đọc vào cuối buổi đọc Kinh Mân Côi.Đức Thánh Cha viết:
Anh chị em thân mến,
Tháng 5 đã gần đến, tháng mà dân Chúa bày tỏ tình yêu và lòng sùng kính đặc biệt của mình đối với Đức Trinh Nữ Maria. Đọc Kinh Mân Côi tại nhà, tại gia đình, là truyền thống trong tháng này. Đây là một chiều kích gia đình mà những hạn chế vì đại dịch đã “buộc” chúng ta đề cao giá trị của nó, kể cả về phương diện thiêng liêng. Vì vậy, tôi đã nghĩ đến việc đề nghị tất cả mọi người khám phá lại vẻ đẹp của việc đọc Kinh Mân Côi tại nhà vào tháng 5. Chúng ta có thể đọc kinh chung với nhau, hoặc đọc riêng; anh chị em hãy chọn tùy theo hoàn cảnh, đề cao cả hai hình thức ấy. Nhưng trong mọi trường hợp, có một bí quyết để thực hiện: sự đơn giản; và rất dễ tìm, ngay cả trên Internet, các mẫu cầu nguyện tốt để làm theo.
Thêm vào đó, tôi đề nghị với anh chị em hai kinh nguyện với Đức Mẹ mà anh chị em có thể đọc vào cuối buổi đọc kinh Mân Côi, và chính tôi sẽ đọc trong tháng 5, hiệp nhất cách thiêng liêng với anh chị em. Tôi gửi kèm cùng với thư này, như thế mọi người có thể dùng hai kinh này.
Anh chị em thân mến, việc cùng nhau chiêm ngắm và suy niệm gương mặt của Chúa Kitô cùng với trái tim Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta, sẽ làm cho chúng ta hiệp nhất hơn như một gia đình thiêng liêng và sẽ giúp chúng ta vượt qua thử thách này. Tôi cầu nguyện cho anh chị em, đặc biệt cho những người đau khổ nhất, và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Tôi chân thành cám ơn anh chị em và chúc lành cho anh chị em.
Roma, đền thờ thánh Gioan Laterano, ngày 25/04/2020
Lễ Thánh Marco, Thánh sử
2020
Lời thú tội của một linh mục tuyên úy quân đội đối diện với tử thần
Tuyên úy quân đội, đã quen với hiện trường, an ủi các tang gia, linh mục Christian Venard là người đã quen với tử thần. Vậy mà…
Tôi đã chết ngày thứ tư 7 tháng 9 năm 2011.
Đã có một vài lần tôi cảm thấy lưỡi hái tử thần rất gần với tôi. Khi sáng sớm đến hiện trường, ở những nơi chiến tranh. Hấp dẫn và tàn nhẫn, hái đi tất cả trên đường đi của nó; trên máy bay trực thăng cửa mở; giữa tàn tích tro rụi ở Kosovo; nguy hiểm và thu mình trong các cánh đồng ở Afghanistan bí ẩn; trong tiếng động ồn ào và thơm ngát ở châu Phi xa xuôi hay vùng sa mạc cận Sahara… Theo tiếng gọi tận hiến đời mình, tự nguyện dâng lên Chúa, nếu có thể sẽ thoát được và lớn lên cao hơn! Và vẫn còn giữ được đức tin, đức cậy, đức ái. Tâm hồn hiến dâng của một người được rửa tội, hơn nữa của một linh mục. Lạy Chúa, con xin dâng Chúa đời con cho đến hy sinh cuối cùng, với niềm vui bởi vì sẽ là ân sủng khi sống trong nghịch lý này của tình yêu: hiến mạng sống mình cho người mình yêu!
Trong ngây thơ của một linh mục tuyên úy quân đội trẻ, đã một lần ở trong lửa, tôi nghĩ tôi đã thuần với tử thần, cái chết đã trở thành quen thuộc với tôi. Nhưng ngòi chích đau đớn của nó tôi cảm nhận không phải ở các vùng đất xa lạ, xa xuôi đẫm máu vì các cuộc xung đột, nhưng tại đây, tại nước Pháp của tôi. Lần đầu tiên, đáng sợ hơn nữa khi người bạn thơ ấu của tôi qua đời, tôi đã chủ tế hôn lễ của anh, thiếu tá Thibaut Miloche, anh đã chết anh hùng ở Afghanistan. Cha chúng tôi học cùng lớp ở trường quân đội Saint-Cyr: Đất Phi châu! Tại đó, trước quan tài mở của anh, cầm tay hai con của anh ở nhà quàn Batignoles, mà sau này tôi biết là nhờ anh, nơi đã quàn người em ruột đi lính của tôi, các cháu mà tôi tháp tùng. Ở đó, tử thần, cái chết đã cho tôi thấy các mong manh riêng của tôi, vạch ra cho tôi thấy sự tàn phá nó có thể gây ra. Ở đó, tử thần gạt đi các xác quyết của tôi, đột nhập vào tâm hồn tôi để lại một lỗ hỗng không thể tưởng tượng được. Sau đó tôi đã thấy người chết… Tôi đã tháp tùng người thân, trẻ em, người vợ, người anh, người chị, người cha, người mẹ… Lòng tôi vẫn thường khóc khi các gương mặt này, các đau đớn này ùa về dù tôi muốn quên đi.
Cái chết đã đánh gục tôi một sáng tháng 9 năm 2011. Cầm tay lái mà theo lẽ là chồng của Sandra, vợ của Valéry Tholy lái, anh vừa chết vài giờ trước đây trong cuộc chiến ở Afghanistan, tôi đến trường ba đứa con của anh: chín, bảy và năm… Tôi chết trân trước cảnh tượng không thể chịu nổi, Sandra ngã gục xuống đất ở ngôi trường Montauban, ba đứa con nằm úp trên người mẹ. Tôi muốn chết thay cho Valéry. Tôi muốn cho Chúa tất cả để Ngài đem anh về đây, bây giờ – và xin Chúa nhận tôi thay cho anh. Một bất lực khủng khiếp đã không được chết thay cho Valéry. Tử thần đã thắng và nếu thể xác tôi còn sống, thì trong tâm trí tôi, cái chết đã có chỗ. Bây giờ tôi đã có một trước và một sau biến cố này. Sau mặc cảm tội lỗi, sau sự ngây thơ ban đầu đã vỡ, từng chút một thất vọng lấn chiếm tâm hồn tôi.
Cũng ở Montauban, cầm tay các đồng đội của tôi đang trút hơi thở cuối cùng, Abel Chennouf và Mohamed Legouad bị tên sát nhân khủng bố Merah sát hại. Tử thần ở đó, người bạn trung thành, phát sinh từ sự điên rồ ác ý của người có tâm trí xáo trộn theo một tôn giáo không được hấp thụ đúng, là tác giả âm thầm trên đất Pháp này… Tôi đã chết: trong vô thức tôi nghĩ tôi đã chế ngự được nó! Một phán đoán sai lầm. Từ đó, với sự kiên trì của nó, tử thần tiếp tục làm công việc hủy hoại nội tâm tôi. Chỉ có ân sủng của đức tin thừa hưởng của tổ tiên, của rất nhiều tình thương bạn bè, ý thức trách nhiệm sâu sắc phải thực hiện, một tiếng tăm truyền thông khiêm tốn giúp tôi đứng vững không bị ngã gục, để làm chứng cho sự hy sinh của các bạn chiến đấu.
Trong các tháng gần đây, ban tuyên úy công giáo quân đội dủ lòng tội nghiệp tôi, buộc tôi phải đi bác sĩ tâm thần trong quân đội. Từ đó tôi được chữa trị, bắt buộc nghỉ ngơi, bắt phải rút lui để “ổn định tinh thần”… Nhưng tâm hồn tôi vẫn đau khổ khát khao muốn gặp những người tôi đã gặp. Lời bài hát “Nó không dự trù trước, nó đến” (Ça ne prévient pas, ça arrive) của nữ danh ca Barbara thống thiết vang vọng trong tai tôi:
Nó đến từ xa
Nó đi từ bờ này qua bờ kia
Tiếng nói nơi khóe miệng
Rồi một sáng, khi thức dậy
Gần như chẳng còn gì
Nhưng nó ở đó, nó làm mình thiu thiu ngủ
Ruột thắt quặn
Cái ác của sự sống
Cái ác của sự sống
Phải sống với nó…”
Dù muốn dù không, sống để chết với nó. Trong quyển sách danh tiếng Con đường mấy ai đi của nhà tâm lý học Mỹ Scott Peck, ông đã viết Đời là khó khăn. Mỗi ngày phải lặp đi lặp lại nhiệm vụ gay go, phải sống với chân trời duy nhất là chân trời Đức tin: rồi thì Ngài sẽ đến tìm tôi, để tôi được Bình an. An nghỉ Bình an! Ôi, xin Chúa Giêsu hãy đến!
Viết để tưởng niệm những ai tôi đã tháp tùng trong cái chết và để làm chứng, cái chết tâm lý không phải là một vết thương vô hình của những người chiến đấu! Nhưng nhất là, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 khủng khiếp này để vinh danh những người chiến đấu với cái chết và đối diện với nó mỗi ngày, các nhân viên làm việc ở bệnh viện, các bác sĩ, y tá, các lực lượng an ninh, những người làm việc trong bóng tối, những người làm việc cho anh em mình và cho Tổ quốc.
Marta An Nguyễn dịch