2020
Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức đóng cửa nhưng các cử hành đạo đức vẫn tiếp tục
“Chúng tôi cầu nguyện cho tất cả mọi người”. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo La Stampa, Đức ông Olivier Ribadeau Dumas, giám đốc đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức ở Pháp đã khẳng định như trên.
Hai ngàn ý chỉ cầu nguyện mỗi ngày
Đức ông Olivier cho biết, đền thánh đóng cửa nhưng đời sống cầu nguyện vẫn tiếp tục dành cho tất cả mọi người. Cụ thể: Bắt đầu từ ngày 17/3, ngày đền thánh phải đóng cửa, tại hang Massabielle, mỗi ngày vào lúc 7 giờ sáng đến 8 giờ 30 tối luôn có các giờ cầu nguyện, Thánh lễ, lần chuỗi Mân côi với nhiều ngôn ngữ. Mọi người có thể tham dự trực tiếp trên trang web của đền thánh (www.lourdes-france.org). “Các tín hữu muốn hành hương nhưng không thể đến được, thì chúng tôi các linh mục, phó tế, tu sĩ đến với mọi người và lắng nghe những lời cầu xin của họ. Sứ vụ của chúng tôi là cầu nguyện cho tất cả. Trong thời điểm đại dịch, sợ hãi và đau khổ, đền thánh muốn trở thành lá phổi cầu nguyện của thế giới và có thể tập hợp tất các lời khẩn cầu lên Mẹ Maria và Chúa. Mỗi ngày, trung bình chúng tôi nhận được hai ngàn ý chỉ cầu nguyện từ khắp nơi trên thế giới gửi về”.
Đức ông Olivier cho biết thêm, từ sau ngày 17/3, đền thánh cũng đã quyết định dành một tòa nhà cho những người sống trên đường phố cư ngụ trong thời điểm đại dịch. Đây là tòa nhà trước khi có đại dịch vẫn dành cho người bệnh đến đây hành hương.
Tâm hồn được chữa lành
Trong những tuần này các ý chỉ cầu nguyện thường xuyên được gửi đến phần nhiều liên quan đến đại dịch. Bên cạnh đó cũng có các lời nguyện đơn sơ thực tế của cuộc sống thường nhật, như xin chúc lành cho một em bé mới sinh, xin ơn bình an. Đây là những lời cầu nguyện rất đẹp, những lời cầu nguyện của dân Chúa, của những người bé nhỏ đơn giản phó thác nơi Mẹ Maria. Ở Lộ Đức, các tín hữu có thể mang đến tất cả gánh nặng cuộc sống và tìm được sự chữa lành, có thể không phải nơi thân xác nhưng chắc chắn tâm hồn được chữa lành.
Tình huynh đệ được thể hiện
Khi hành hương đến đây mọi người sẽ có thể tìm được câu trả lời cho những vấn đề quan trọng mà họ đang mang trong tâm hồn. Hơn thế nữa, mọi người sẽ có thể trải nghiệm nét đẹp và sức mạnh của tình huynh đệ gắn kết các bệnh nhân với những người chăm sóc họ; một tình huynh đệ nảy sinh từ cuộc gặp gỡ các thế hệ và giữa những người có văn hóa khác nhau. (La stampa 26/4/2020) Ngọc Yến – Vatican
2020
ĐTC Phanxicô: đời thay đổi khi gặp Chúa Giêsu
Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng vào Chúa Nhật 26.03.2020, ĐTC Phanxicô đã dùng những hình ảnh đối lập để nói về hành trình biến đổi của các môn đệ sau khi gặp Chúa Giêsu Phục Sinh. Ngài mời gọi các tín hữu xin Đức Mẹ giúp chúng ta biết mở con tim và đôi mắt để có thể nhận ra con đường cuộc đời.
Tin Mừng hôm nay tường thuật lại cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu Phục Sinh với hai môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24, 13-35). Đây là một câu chuyện khởi đầu và kết thúc với cuộc hành trình “trên đường”.
Hai hành trình
Trong hành trình dài khoảng 11km rời khỏi Giêrusalem để trở về nhà, trở về Emmaus, hai môn đệ buồn rầu vì phần kết câu chuyện của thầy Giêsu. Đó là một hành trình diễn ra vào ban ngày, một đoạn đường dễ đi với những con dốc đi xuống. Còn trong hành trình trở lại Giêrusalem, một đoạn đường 11km khác, lại diễn ra vào lúc trời tối, với những đoạn dốc đi lên. Hai chuyến hành trình: một hành trình với đoạn đường dễ và diễn ra vào ban ngày, và một hành trình với đoạn đường khó, lại diễn ra vào ban đêm. Tuy nhiên, ở đoạn đường thứ nhất, họ bước đi trong buồn bã; ở đoạn đường thứ hai, họ bước đi trong niềm vui. Ở đoạn đường thứ nhất, Chúa đi bên cạnh họ, nhưng họ không nhận ra Người. Còn ở đoạn đường thứ hai, họ không còn nhìn thấy Người, nhưng họ cảm thấy Người ở thật gần bên. Ở đoạn đường đầu tiên, họ chán nản và thất vọng; còn ở lần thứ hai, họ vội vã trở về loan báo Tin Mừng về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục Sinh cho những người khác.
Bước ngoặt của hai hành trình
Hai hành trình của những môn đệ đầu tiên cũng nói với chúng ta, những môn đệ của Chúa Giêsu ngày nay, rằng: trong cuộc sống của mình, chúng ta cũng có hai hướng đi đối lập. Đó là hành trình của những ai giống như hai môn đệ lúc ra đi, họ để mình bị những thất vọng của cuộc sống làm cho tê liệt và bước đi với sự buồn bã; Trái lại, đó cũng có thể là con đường của những ai không đặt chính mình và những vấn đề của mình lên hàng đầu, nhưng là Chúa Giêsu, Đấng đến viếng thăm chúng ta, và những anh chị em đang chờ chúng ta đến thăm viếng. Bước ngoặt ở đây là: đừng chỉ quanh quẩn nơi chính mình, với những thất vọng của quá khứ, với những lý tưởng và ước mơ chưa thành hiện thực, nhưng tiến bước và nhìn vào thực tại lớn lao hơn và chân thực hơn của cuộc sống: Chúa Giêsu vẫn sống và yêu tôi.
Từ “nếu” đến “vâng”
Việc đảo ngược của cuộc hành trình chính là: chuyển từ việc suy nghĩ về cái tôi của mình sang những thực tại về Thiên Chúa của mình; từ chuyển (tiếng Ý là passare) – một cách chơi chữ – có nghĩa là từ “nếu” đến “vâng”. Từ chữ nếu: “nếu Người là Đấng giải thoát chúng ta, nếu Thiên Chúa nghe tiếng tôi kêu cầu, nếu cuộc sống diễn ra như tôi muốn, nếu điều này, nếu điều kia…” Đây chính là những cái nếu của chúng ta, giống như những cái nếu của hai môn đệ năm xưa. Nhưng rồi, những cái nếu ấy được chuyển thành những tiếng vâng: “vâng, Người vẫn sống, và bước đi cùng chúng tôi. Vâng, bây giờ, chứ không phải ngày mai, chúng ta quay lại để loan báo về Người.”
Ba bước của cuộc biến đổi
Nhưng làm thế nào để có thể có bước chuyển từ tôi đến Chúa, từ nếu đến vâng? Đó là nhờ gặp Chúa Giêsu. Trước hết, hai môn đệ Emmaus đã mở lòng mình ra với Người, và họ nghe Người giải thích về Kinh Thánh, rồi họ mời Người vào nhà. Đó chính là ba bước mà chính chúng ta cũng có thể thực hiện trong ngôi nhà của mình. Trước hết, mở lòng với Chúa Giêsu, trao phó nơi Người những gánh nặng, những mệt nhọc, những thất vọng của cuộc sống. Thứ hai, lắng nghe Chúa Giêsu, cầm lấy cuốn Tin Mừng và đọc đoạn Tin Mừng hôm nay. Thứ ba, cầu nguyện với Chúa Giêsu, bằng chính những lời mà các môn đệ đã nói: “Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con” (c.29), ở lại với tất cả chúng con, vì chúng con cần Chúa để tìm ra con đường.
Trước khi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu xin Mẹ của những cuộc hành trình giúp chúng ta bước theo Chúa:
“Cuộc sống là một cuộc hành trình và chúng ta trở thành điều mà chúng ta hướng tới. Chúng ta chọn con đường của Thiên Chúa, chứ không phải của chúng ta, con đường của tiếng “vâng”, chứ không phải là “nếu”. Chúng ta khám phá ra rằng không có biến cố nào, không có dốc đèo nào, không có đêm tối nào mà chúng ta không thể gặp gỡ Thiên Chúa. Xin Mẹ Maria, Mẹ của những hành trình, Đấng đã đón nhận Ngôi Lời, Đấng đã làm cho cả cuộc đời mình trở thành một tiếng “vâng” với Chúa, chỉ đường dẫn lối cho chúng ta.” Trần Đỉnh, SJ
2020
Vatican phát hành sách cầu nguyện trực tuyến miễn phí giữa đại dịch
Bộ Truyền thông của Tòa Thánh đã phát hành một cuốn sách cầu nguyện trực tuyến miễn phí để giúp tín hữu Công giáo tìm kiếm sự trợ giúp thiêng liêng trong cuộc khủng hoảng do virus corona.
Theo ông Andrea Tornielli, Tổng Biên tập Vatican News, cuốn sách là “một sự trợ giúp nho nhỏ dành cho tất cả mọi người, để biết cách phân định và trải nghiệm sự gần gũi và dịu dàng của Thiên Chúa trong khi đau đớn, khổ sầu, cô độc và sợ hãi.”
Cuốn sách có tựa đề “Kiên vững trước hoạn nạn: Giáo hội hiệp thông – một hỗ trợ chắc chắn trong thời gian thử thách”, dày 192 trang, có thể tải xuống từ trang web của nhà xuất bản Vatican dưới dạng PDF, bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ý. Bản tiếng Bồ Đào Nha sắp sửa được phát hành trong thời gian ngắn.
3 phần: phụng vụ, hướng dẫn, giáo huấn của Đức Thánh Cha
Cuốn sách được chia thành 3 phần: phần thứ nhất gồm các lời kinh, nghi lễ và lời cầu xin trong những thời điểm khó khăn, được truyền cảm hứng từ truyền thống Kitô giáo. Phần thứ hai là các hướng dẫn của Giáo hội về cách tiếp tục sống đời sống bí tích ngay cả khi vì các biện pháp phòng ngừa, tín hữu không thể tham dự cách thể lý. Phần thứ ba gồm lời của Đức Thánh Cha nói với cộng đoàn Giáo hội trong thời gian thử thách; cụ thể là các bài giảng trong Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta, các bài huấn dụ trong các buổi đọc kinh Truyền Tin vào Chúa Nhật, bắt đầu từ ngày 09/03.
Có thể download sách tại địa chỉ: https://www.vaticannews.va/content/dam/lev/forti-nella-tribolazione/pdf/eng/strong-in-tribulation.-20042020.pdf (REI 21/04/2020)
Hồng Thủy – Vatican
2020
Covid-19: Vatican chia sẻ thiệt hại tài chính với các thương nhân
Ngày 20 tháng 4 năm 2020, Nhật báo Ý “Il Fatto Quotidiano” đưa tin: Vatican đã quyết định giảm một nửa giá thuê cho các chủ cửa hàng có hợp đồng với Vatican. Theo các thỏa thuận với chính phủ Ý trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus corona, từ tháng Ba các thương nhân đang thuê các cơ sở thuộc sở hữu của Tòa Thánh đã phải gián đoạn hoạt động. Tình trạng này khiến họ thiệt hại đáng kể về tài chính.
Mặc dù khủng hoảng Covid-19 làm cho các khoản thu nhập của Giáo hội bị giảm sút và điều này dẫn đến những hậu quả đối với các tổ chức của Giáo hội. Tuy nhiên, Vatican vẫn quyết định chia sẻ với những khó khăn của các thương nhân.
Cụ thể, Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh (APSA) do Đức cha Nunzio Galantino làm Chủ tịch đã chọn chia tiền thuê mặt bằng thành bốn hạn ngạch cho các tháng Ba và tháng Tư. Chỉ một phần tư tiền thuê sẽ được trả trong mỗi tháng. Một phần tư thứ hai sẽ được giải quyết trong vòng một năm, trong khi hai phần còn lại đã được chính APSA và Đức Thánh Cha giải quyết. Quyết định này có thể được kéo dài đến tháng 5 nếu chính phủ không cho phép nối lại các hoạt động thương mại.
Để giảm tác động tổn thất tài chính của Tòa Thánh, các Giám mục, Hồng y và các Giám chức của Giáo triều Rôma cũng đã gửi cho Đức Thánh Cha số tiền tương đương một tháng lương để đóng góp cho các hoạt động bác ái của Đức Thánh Cha.
Trước lễ Phục sinh, ngày 8/4, Đức Hồng Y Konrad Krajewski, Chánh Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha đã đề xuất sáng kiến đóng góp này trong một bức thư gửi cho các hồng y. Đức Hồng y người Ba Lan nói: “Khi làm như vậy, chúng ta có thể được hợp nhất mật thiết và theo cách đặc biệt với Đức Thánh Cha, Giám mục Rôma, người chủ trì hiệp thông bác ái toàn cầu”.
Cũng theo nhật báo Ý, việc xem xét lại chi tiêu của Vatican tiếp tục nhằm ngăn chặn điều mà theo các vị lãnh đạo Vatican xác định như một suy thoái kinh tế không thể tránh khỏi.
Việc mở lại Bảo tàng Vatican, đã phải đóng cửa từ ngày 09 tháng 3, cũng đang được xem xét. Các vị điều hành Bảo tàng đang xem xét về các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách khi viếng thăm. Nguồn thu từ Bảo tàng là phần thu nhập quan trọng cho ngân sách của Tòa Thánh. (Cath.ch 21/4/2020)
Ngọc Yến – Vatican