2024
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn Thiên triệu nhấn mạnh tình huynh đệ và niềm hy vọng
Hôm thứ Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn Thiên triệu lần thứ 61, suy ngẫm về cuộc lữ hành Kitô giáo như một hành trình hiệp hành khởi nguồn từ niềm hy vọng và hướng tới việc khám phá tình yêu của Thiên Chúa.
Chủ đề của Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn Thiên triệu năm nay: “Được kêu gọi Gieo Hạt giống Hy vọng và Xây dựng Hòa bình”, phản ánh lời mời gọi phổ quát của Kitô giáo để “đặt cuộc sống của chúng ta trên tảng đá của sự phục sinh của Chúa Kitô, nhận thức rằng mọi nỗ lực được thực hiện trong ơn gọi mà chúng ta đã ấp ủ và tìm cách thực hiện sẽ không bao giờ vô ích”, Đức Thánh Cha nói.
Năm nay Giáo hội cử hành Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn Thiên triệu vào ngày 21 tháng 4.
“Lời mời gọi nền tảng này là lời mời gọi mà chúng ta phải dự đoán hàng ngày”, Đức Thánh Cha nhận xét. “Thạm chí giờ đây, mối tương quan thân thương của chúng ta với Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta đang bắt đầu mang lại giấc mơ của Thiên Chúa về sự hiệp nhất, hòa bình và tình huynh đệ”.
Đức Thánh Cha lưu ý rằng quá trình phân định này mang “tính chất hiệp hành”, vì Giáo hội có “sự đa dạng của các đặc sủng và ơn gọi”.
“Giữa sự đa dạng của các đặc sủng của chúng ta, chúng ta được mời gọi lắng nghe nhau và cùng nhau thực hiện cuộc hành trình để thừa nhận chúng và để nhận ra Chúa Thánh Thần đang dẫn chúng ta đi đâu vì lợi ích của tất cả mọi người”, Đức Thánh Cha nhận xét.
Đức Thánh Cha Phanxicô củng cố nhận xét này bằng cách đề cập đến chủ đề của Năm Thánh 2025: “Những Lữ khách của Niềm hy vọng”.
“Chúng ta có thể trở thành những sứ giả và chứng nhân cho thế giới của chúng ta về giấc mơ của Chúa Giêsu về một gia đình nhân loại duy nhất, hiệp nhất trong tình yêu của Thiên Chúa và trong mối dây liên kết của bác ái, hợp tác và tình huynh đệ”, Đức Thánh Cha nói.
Đối với Đức Thánh Cha, một cuộc lữ hành là một cuộc hành trình có tác dụng tái tạo khi con người “chỉ mang theo những gì thiết yếu” trong khi “nỗ lực hàng ngày để gạt bỏ đi tất cả mọi sự mệt mỏi, sợ hãi, bất an và do dự” để “khám phá tình yêu của Thiên Chúa”.
“Là một lữ khách”, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục, “có nghĩa là lên đường mỗi ngày, bắt đầu lại, tái khám phá lòng nhiệt thành và sức mạnh cần thiết để theo đuổi các giai đoạn khác nhau của một cuộc hành trình, mà dù mệt mỏi và khó khăn đến đâu, vẫn luôn mở ra trước mắt chúng ta những chân trời mới và những khung cảnh trước đây chưa từng được biết tới”.
Nhưng Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng cuộc hành trình này là một quá trình tự khám phá bản thân, được “nuôi dưỡng bởi các mối tương quan của chúng ta với tha nhân”.
“Chúng ta là những lữ khách vì chúng ta được mời gọi yêu mến Thiên Chúa và yêu thương nhau”, Đức Thánh Cha nói.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng cuộc lưc hành hay tiến trình này “không phải là một cuộc hành trình vô nghĩa hay lang thang vất vưởng không mục đích” mà thay vào đó là một tiến trình mà con người có thể nỗ lực làm việc “hướng tới một thế giới mới, nơi mọi người có thể sống trong hòa bình, công lý và tình yêu”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng hướng lời kêu gọi này đến giới trẻ ngày nay – đặc biệt là những người cảm thấy xa lạ hoặc hoài nghi Giáo hội – và Đức Thánh Cha khuyến khích họ trình bày với Chúa Kitô “những câu hỏi quan trọng”.
“Hãy để Ngài khuyến khích các con bằng sự hiện diện của Ngài, điều luôn tạo ra trong chúng ta một sự khủng hoảng lành mạnh. Hơn ai hết, Chúa Giêsu tôn trọng sự tự do của chúng ta. Ngài không áp đặt mà đưa ra những đề xuất. Hãy dành chỗ cho Ngài và các con sẽ tìm được con đường hạnh phúc khi bước theo Ngài. Và nếu Ngài yêu cầu các con điều đó, bằng cách dâng hiến trọn vẹn cho Ngài”.
Minh Tuệ (theo CNA)
2024
Quy định về thủ tục hôn phối áp dụng cho toàn Giáo Hội tại Việt Nam
ÁP DỤNG CHO TOÀN GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM
Để giúp các mục tử và các đôi bạn chu toàn thủ tục hôn phối theo giáo luật và phù hợp với thực tế, trong Hội nghị kỳ 1/2024 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vĩnh Long, Hội đồng Giám mục Việt Nam ban hành quy định về thủ tục hôn phối áp dụng cho toàn Giáo Hội tại Việt Nam:
I. Năng quyền chứng hôn và ủy quyền chứng hôn
Điều 1
Đấng Bản quyền địa phương và cha sở, do chức vụ, có năng quyền chứng hôn thành sự trong giới hạn địa hạt của mình.
Muốn chứng hôn ngoài địa hạt của mình, cần phải được sự ủy quyền của cha sở nơi mà đôi bạn có ý định xin cử hành.
Điều 2
Việc uỷ nhiệm năng quyền chứng hôn, để hữu hiệu, phải được minh nhiên ban cho những người nhất định. Nếu là uỷ quyền riêng biệt, thì phải xác định rõ đôi hôn nhân nào; còn nếu là uỷ quyền tổng quát, thì phải ban bằng văn bản mới hiệu lực.
II. Quyền chứng hôn và nhiệm vụ chứng hôn của cha sở
Điều 3
Để cha sở chứng hôn hợp luật, phải có ít là một trong đôi bạn đã cư ngụ trong giáo xứ của mình được một tháng. Nếu không, cha sở phải xin phép Đấng Bản quyền riêng hoặc cha sở riêng của một trong đôi bạn. Trong trường hợp này, Đấng Bản quyền riêng hoặc cha sở riêng chỉ “cho phép” chứ không “ủy quyền”.
Điều 4
Khi một trong đôi bạn xin được kết hôn trong giáo xứ mà người ấy có cư sở hay thường trú, cha sở buộc phải chứng hôn cho họ, không được từ chối, vì chứng hôn là một trong những nhiệm vụ được ủy thác đặc biệt cho cha sở.
Khi một người xin kết hôn trong giáo xứ nơi họ không có cư sở, chỉ có bán cư sở hoặc chỉ mới cư ngụ được một tháng, cha sở nên chấp nhận chứng hôn cho họ.
Để chứng hôn cho người không có cư sở hay bán cư sở ở bất cứ nơi nào, cần phải có phép của Đấng Bản quyền địa phương nơi cử hành kết hôn.
Điều 5
Cư sở hay bán cư sở của giáo dân không tùy thuộc vào sự đăng ký – nhập vào một giáo xứ, nhưng tùy thuộc “ý định” hoặc “thời gian” cư ngụ của họ. Việc không đăng ký vào giáo xứ hoặc việc vắng mặt quá lâu khỏi giáo xứ không phải là lý do để cha sở phủ nhận việc thủ đắc cư sở hoặc từ chối nghĩa vụ chứng hôn.
III. Nhiệm vụ thiết lập hồ sơ, điều tra, rao báo
Điều 6
Cha sở nơi cử hành chứng hôn có nhiệm vụ thiết lập hồ sơ và điều tra hôn phối.
Trong trường hợp bất khả kháng, cha sở có thể nhờ một linh mục có khả năng thực hiện giúp, có thể là cha sở của bên nam hoặc bên nữ, hoặc nơi mà một trong đôi bạn đã cư ngụ được một tháng.
Điều 7
Khi cả đôi bạn đều có cư sở ở nước ngoài nhưng muốn kết hôn tại Việt Nam, cha sở tại Việt Nam có thể áp dụng như sau:
– Hoặc cha chấp nhận đảm nhận chứng hôn cho họ và chu toàn tất cả các quy định về thủ tục hôn phối.
– Hoặc cha yêu cầu họ xin một cha sở của một bên ở nước ngoài đảm nhận chu toàn các quy định về thủ tục hôn phối, và gửi lại cho cha giấy xác nhận là không có gì cản trở (nihil obstat) cho việc kết hôn thành sự và hợp luật.
IV. Giới thiệu kết hôn
Điều 8
Khi tín hữu thuộc giáo xứ mình cử hành kết hôn ở một giáo xứ khác, cha sở có nghĩa vụ cấp giấy giới thiệu, trong đó chỉ ra những nơi mà người đó đã cư ngụ, và cấp chứng thư Rửa tội và Thêm sức.
Nếu không thể tìm thấy trong sổ hoặc có được chứng thư Rửa tội hay Thêm sức, cha sở có thể chứng nhận dựa theo lời tuyên bố của một nhân chứng đáng tin cậy hay lời thề của chính người đã được rửa tội, nếu họ đã lãnh nhận bí tích Rửa tội ở tuổi thành niên.
Trong trường hợp cha sở không cấp giấy giới thiệu, cha sở nơi chứng hôn vẫn có quyền chứng hôn, miễn là chu toàn tất cả các quy định về thủ tục hôn phối.
V. “Điều tra sơ khởi” đối với người ngoài Công giáo
Điều 9
Trước khi đảm nhận việc chứng hôn cho một trong đôi bạn là người ngoài Công giáo, cha sở nơi chứng hôn sẽ xin cha sở nơi người ấy thường trú giúp “điều tra sơ khởi” về tình trạng thong dong của người sắp kết hôn.
Nếu thấy đôi bạn có thể tiến tới kết hôn thành sự và hợp luật, cha sở nơi chứng hôn thiết lập hồ sơ và gởi giấy rao tới cha sở giáo xứ nơi người ngoài Công giáo đó thường trú.
Điều 10
Cha sở xin giúp điều tra cần phải gởi bản “đơn xin cử hành hôn nhân” của đôi bạn với các thông tin cần thiết cho cha sở nơi người ngoài Công giáo thường trú.
Nếu không biết người ngoài Công giáo đó thường trú thuộc giáo xứ nào, thì liên hệ với Tòa Giám mục của giáo phận đó.
VI. Trường hợp kết hôn với người ngoại quốc
Điều 11
Để chấp nhận chứng hôn có yếu tố người nước ngoài, ngoài các yêu cầu về giáo luật, hồ sơ cần có những giấy pháp lý như sau:
1° Giấy do cơ quan chính quyền cấp chưa quá sáu tháng, xác nhận tình trạng chưa có kết hôn, hoặc đã kết hôn nhưng người phối ngẫu đã qua đời.
2° Giấy đăng ký kết hôn nơi cơ quan chính quyền, hoặc của Việt Nam hoặc của nước ngoài.
3° Trong trường hợp có hoài nghi, cha sở nơi chứng hôn yêu cầu đôi bạn xin giấy chứng nhận của linh mục đang làm việc mục vụ tại nơi họ ở.
VII. Rao hôn phối
Điều 12
§1. Việc điều tra hôn phối thông thường được thực hiện bằng cách rao hôn phối tại nhà thờ vào ba thánh lễ Chúa nhật liên tiếp. Cha sở có quyền chuẩn rao một Chúa nhật, cha quản hạt có quyền chuẩn rao hai Chúa nhật, và Bản quyền địa phương có quyền chuẩn rao ba Chúa nhật.
§2. Đối với trường hợp thành sự hóa hay hợp thức hóa hôn phối cho những đôi bạn đã và đang muốn tiếp tục chung sống vợ chồng chung thủy, cha sở có thể tùy nghi cho miễn rao.
Điều 13
§1. Cha sở nào có nhiệm vụ hoặc đảm nhận việc thiết lập hồ sơ, phải lập tờ rao và gởi đi các nơi liên quan để nhờ rao, kể cả cha sở của nơi người ngoài Công giáo cư trú, hoặc nơi một bên đã cư ngụ trong một thời gian khá lâu (trên 1 năm).
Việc rao có thể thực hiện sớm, trước khi đôi bạn hội đủ những điều kiện khác, như học giáo lý, đăng ký kết hôn dân sự…
§2. Khi nhận tờ xin rao hôn phối, cha sở có bổn phận phải rao và báo kết quả rao sớm hết sức, mặc dù không có ai trong đôi bạn thuộc quyền mình.
Điều 14
Trong trường hợp không nhận được kết quả rao vì một lý do nào đó, cha sở nơi chứng hôn vẫn có quyền cho cử hành kết hôn, miễn là đã điều tra và thấy chắc chắn không có ngăn trở.
Điều 15
Trong trường hợp không thể chứng minh tình trạng thong dong của một người bằng những giấy tờ pháp lý, hoặc có giấy tờ pháp lý mà còn có hồ nghi, cha sở có thể khôn ngoan điều tra riêng, qua thân nhân của người sắp kết hôn, hoặc hai nhân chứng đáng tin.
VIII. Giáo lý hôn nhân
Điều 16
§1. Trước khi kết hôn, đôi bạn buộc phải học giáo lý hôn nhân. Việc học giáo lý có thể thực hiện ở bất cứ giáo xứ nào, hoặc tại một cơ sở được Đấng Bản quyền chuẩn nhận.
§2. Chỉ có cha sở hoặc cơ sở được chuẩn nhận mới có quyền cấp chứng chỉ giáo lý hôn nhân.
§3. Các chứng chỉ giáo lý hôn nhân này được công nhận trong toàn Giáo Hội tại Việt Nam và có giá trị vô thời hạn.
Điều 17
Cha sở nơi dạy giáo lý hôn nhân hoặc giáo lý dự tòng, có thể đón nhận học viên, mặc dù không có giấy giới thiệu của cha sở nơi học viên có cư sở hoặc thường trú. Tuy nhiên, vì liên đới trách nhiệm, cha sở nơi dạy giáo lý nên yêu cầu học viên xin giấy giới thiệu của cha sở nơi người ấy thường trú.
Trong trường hợp bất khả kháng không thể xin giấy giới thiệu, cha sở nơi dạy giáo lý có bổn phận đón nhận học viên, sau đó gởi giấy cho cha sở riêng của đương sự để kính tường hoặc nhờ điều tra.
Điều 18
Thời gian khóa giáo lý hôn nhân kéo dài từ một đến ba tháng. Có thể rút ngắn nhưng vẫn bảo đảm những điều căn bản.
IX. Giáo lý dự tòng
Điều 19
Trong trường hợp học giáo lý dự tòng để kết hôn, thời gian dự tòng nên là sáu tháng, ít nhất là ba tháng.
Vì tôn trọng quyền tự do tôn giáo, chỉ nênkhuyên chứ không được ép buộc người ngoài Công giáo theo đạo như là điều kiện để kết hôn. Nếu đương sự muốn, nên chấp nhận cho kết hôn với chuẩn khác đạo.
X. Thẩm quyền miễn chuẩn – cấm kết hôn
Điều 20
Đấng Bản quyền địa phương có quyền miễn chuẩn, bất kể hôn nhân được cử hành trong giáo phận mình hay giáo phận khác, cho những người thuộc quyền mình đang ở bất cứ nơi nào, và mọi người, Công giáo hay không Công giáo, đang cư ngụ trong địa hạt mình.
Để thuận tiện, cha sở nơi cử hành hôn phối, khi thiết lập hồ sơ và điều tra, nên giúp đôi bạn xin Đấng Bản quyền của mình chuẩn các ngăn trở hôn phối mà Tông Toà không dành riêng cho mình.
Nếu việc kết hôn được cử hành ở một giáo xứ thứ ba nhưng việc thiết lập hồ sơ và điều tra lại được thực hiện bởi cha sở của một trong đôi bạn, thì nên xin Đấng Bản quyền của một trong đôi bạn chuẩn ngăn trở hôn phối.
Điều 21
Cha sở không có quyền cấm kết hôn, cũng không được phép đặt thêm quy định có giá trị như những luật cấm hay hạn chế việc kết hôn.
Việc không chu toàn các nghĩa vụ trong giáo xứ không được coi như những lý do để từ chối việc ban các bí tích cho những người xin lãnh nhận cách thích đáng.
XI. Theo đạo Công giáo sau kết hôn
Điều 22
§1. Giáo Hội công nhận giá trị của hôn nhân đã được cử hành bởi một thể thức “công” theo luật hay tục lệ của người ngoài Công giáo, cũng quen gọi là hôn nhân tự nhiên, nghĩa là công nhận hôn nhân đó thành sự.
§2. Một khi hôn nhân đã thành sự, đã trở nên vợ chồng thì không được cử hành hôn nhân lần thứ hai trong đạo Công giáo. Vì vậy, khi một hoặc cả hai người trong đôi bạn, đã kết hôn thành sự theo thể thức ngoài Công giáo, nay xin được thâu nhận vào thông công đầy đủ với Giáo Hội Công giáo hoặc xin được rửa tội, thì không được cử hành kết hôn lại.
§3. Nếu chỉ một người trong đôi bạn người lương ấy theo đạo, họ không phải xin chuẩn hôn nhân khác đạo. Nếu cả hai người trong hôn nhân đó được rửa tội, hôn nhân của họ tự động được nâng lên phẩm giá bí tích.
XII. Ghi sổ – Sổ sách
Điều 23
§1. Cha sở nơi cử hành hôn phối buộc phải gửi giấy chứng nhận hôn phối cho các cha sở của nơi mà đôi bạn đã được rửa tội, để các ngài ghi chú vào sổ rửa tội, cho dù họ không còn có cư sở ở đó nữa.
Cũng cần gởi cho cha sở nơi đôi bạn có cư sở những chứng thư hoặc chứng nhận cần thiết về bí tích, để ngài lập sổ Gia đình Công giáo.
§2. Các chứng nhận bí tích của Kitô hữu, cách riêng là bí tích Hôn phối, cho dù là sổ hay chứng nhận, luôn phải có chữ ký, ngày tháng và nơi lãnh nhận bí tích Rửa tội.
Điều 24
Việc cấp sổ Gia đình Công giáo thuộc nhiệm vụ và thẩm quyền của cha sở; không tùy thuộc vào việc đã nhập xứ hay đang tạm trú, hoặc có hay không đóng góp cho giáo xứ.
Điều 25
§1. Các hồ sơ hôn nhân: chứng thư, giấy giới thiệu, giấy rao, kết quả rao,… được phép gởi qua các phương tiện kỹ thuật số với các bản scan màu hoặc bản chụp ảnh, miễn là được làm một cách đúng đắn, rõ ràng.
§2. Phải được gửi trực tiếp từ văn phòng giáo xứ/giáo phận này đến văn phòng giáo xứ/giáo phận kia.
§3. Khi có hồ nghi về sự giả dối, liên lạc với những người có thẩm quyền của đương sự.
+ Đaminh Nguyễn Văn Mạnh
Giám mục Giáo phận Đà Lạt
Chủ tịch Uỷ ban Mục vụ Gia đình
(đã ấn ký)
Tổng Giám mục TGP Sài Gòn – Tp HCM
Chủ tịch HĐGM Việt Nam
2024
Giáo hội tại Châu Á được kêu gọi Tin Mừng hóa thế giới kỹ thuật số
25 Giám mục Á Châu đang tham dự hội thảo về chủ đề “Thừa tác vụ Giám mục và Truyền thông trong một Giáo hội hiệp hành”, được tổ chức tại Thái Lan từ ngày 15 đến ngày 20/4/2024.
Ông Ruffini nói với các Giám mục Á Châu rằng: “Truyền thông kỹ thuật số giống như một nền văn hóa mà Tin Mừng của Chúa Kitô phải thấm nhập”. “Mọi thứ đều là kỹ thuật số”, do đó Giáo hội phải Tin Mừng hóa thế giới kỹ thuật số bằng “tình yêu, sự hiệp thông và công bằng xã hội”. Ông cũng lưu ý rằng văn hóa kỹ thuật số “luôn thay đổi”.
Theo Bộ trưởng Bộ Truyền thông của Tòa Thánh, tất cả người Công giáo đều là “những nhà truyền giáo kỹ thuật số”, những người “được mời gọi trở thành môn đệ trong môi trường của mình – giáo xứ, trường học và thậm chí cả phương tiện truyền thông xã hội”.
Tiến sĩ Ruffini cũng nhắc rằng tình yêu là nền tảng hạnh phúc của con người chứ không phải là thuật toán, thứ thúc đẩy công nghệ; việc loan báo Tin Mừng “không phụ thuộc vào phương tiện truyền thông” và bí quyết của truyền thông “không phải là kỹ thuật nhưng là tình yêu”.
Ông nói thêm: “Chúng ta cần những bài học từ Châu Á về sự hiệp thông phát triển nhờ truyền thông. Truyền thông được xây dựng trên sự hiệp thông và sự hiệp thông phát triển nhờ vào truyền thông”.
Bộ trưởng Bộ Truyền thông kêu gọi các Giám mục suy tư về các yếu tố nền tảng của truyền thông, bắt nguồn từ hai từ ngữ tiếng Latinh “mun”, có nghĩa là sự gắn kết với nhau, và “munus”, có nghĩa là quà tặng. Nhắc lại bản chất của cách truyền thông của Chúa Kitô, ông nhấn mạnh rằng sự truyền thông của chúng ta nên được đặc trưng bởi sự cống hiến bản thân hơn là sự tự mãn thường thấy trong kinh doanh và tiếp thị.
Hồng Thủy
Nguồn: vaticannews.va/vi
2024
Các giai đoạn chuẩn bị Năm Thánh 2025
Các giai đoạn chuẩn bị Năm Thánh 2025
Ngày 09 tháng Năm tới đây, đúng phụng vụ Lễ Chúa Lên Trời, Đức Thánh cha Phanxicô sẽ công bố Tông sắc ấn định Năm Thánh 2025 và nhân dịp đó, lịch trình cử hành Năm Thánh, với các buổi lễ phụng vụ và sinh hoạt dành cho các giới sẽ được công bố.
Đức Tổng giám mục Rino Fisichella, Quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin mừng, Phân bộ về các vấn đề cơ bản, thông báo như trên trong cuộc họp báo, hôm mùng 04 tháng Tư vừa qua, tại Vatican. Đức Tổng giám mục cũng là vị đặc trách việc tổ chức và điều hành guồng máy Năm Thánh. Số tín hữu hành hương có thể lên tới 30 triệu người.
Đức Tổng giám mục cho biết Tông sắc của Đức Thánh cha sẽ ấn định quy luật về việc lãnh nhận ơn toàn xá Năm Thánh giống như hồi Năm Thánh 2000, và cũng có những quy định cho những tín hữu không thể đến hành hương tại Roma.
Đức Tổng giám mục Fisichella dự kiến những công trình tu bổ đường xá ở Roma nhân dịp Năm Thánh sẽ được hoàn tất vào dịp Lễ Giáng sinh năm nay. Công trình lớn là việc biến cải khu vực từ Lâu Đài Thiên Thần thành khu dành cho người đi bộ.
Trong lãnh vực này, có sự cộng tác chặt chẽ với chính quyền thành Roma, đặc biệt là ông Thị trưởng Roberto Gualtieri. Ông thuộc đảng Dân chủ tả phái, và cũng là Ủy viên đặc nhiệm của chính phủ Ý về các biến cố lớn. Ông thường đích thân thị sát các công trường tu bổ và xây cất, liên quan đến Năm Thánh.
Trong cuộc họp báo, Đức Tổng giám mục Fisichella cho biết: các cuộc hành hương giáo phận và quốc gia đã bắt đầu đăng ký và lịch trình tổng quát của Năm Thánh dần dần được làm đầy, ngày qua ngày. Việc chuẩn bị cũng được nới rộng sang lãnh vực văn hóa, hướng về tất cả mọi người. Ban tổ chức từ phía Tòa Thánh cũng đã thành lập một Ủy ban văn hóa với ý hướng tìm ra những hình thức thích hợp nhất để giúp các tín hữu hành hương cũng trải qua cả những kinh nghiệm về văn hóa nhân dịp Năm Thánh.
Trong số các dự án này, có dự án “Con đường”, một cuộc hành hương tân thời giữa 14 Đan viện ở của Âu châu. Cuộc hành hương này khởi hành từ Đan viện Canterbury bên Anh quốc trong mùa hè năm 2023, qua bảy nước Âu châu để tới Roma, vào năm 2025. Mục đích của sáng kiến này là đề nghị một hành trình thực sự của tâm trí, liên kết đức tin và lý trí, khám phá và tôn trọng môi trường dưới hiệu kỳ hy vọng. Đức Tổng giám mục Fisichella nhấn mạnh rằng: “Chính trong bối cảnh đó, Bộ chúng tôi đã tổ chức một loạt các sáng kiến văn hóa để chuẩn bị cho Năm Thánh và đánh dấu một số giai đoạn trong việc cử hành. Dự án đã được sự ủng hộ của Ủy viên chính phủ Ý và cơ quan Năm Thánh 2025 để có thể trở thành một sáng kiến chung được giới thiệu cho thành Roma”. Cả Đại sứ quán Pháp và các Đại sứ quán khác cạnh Tòa Thánh cũng đang đề ra các dự án văn hóa. Các biến cố do Bộ Loan báo Tin mừng tổ chức cho Năm Thánh tới đây, được gộp lại dưới khẩu hiệu “Năm Thánh là Văn hóa” và miễn phí.
- Trần Đức Anh, O.P
vietnamese.rvasia