2020
Giáo Phận Đà Nẵng: Đại Hội Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu 29-30/5/2020
Dịp kết thúc tháng Hoa tôn vinh Đức Mẹ hằng năm cũng là thời gian rộn ràng của cộng đoàn dân Chúa giáo phận Đà Nẵng và những người sùng mộ Đức Mẹ Trà Kiệu chuẩn bị cho một chuyến hành hương về linh địa Đức Mẹ Trà Kiệu. Đặc biệt năm nay, sau khi giáo phận hân hoan khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 135 năm Đức Mẹ hiện ra tại Trà Kiệu, con cái Mẹ từ khắp nơi khát mong đến kính viếng Mẹ Trà Kiệu qua các chương trình hành hương được sắp xếp cho các đoàn thể và cộng đồng dân Chúa tôn vinh Mẹ Trà Kiệu. Thế nhưng, đại nạn dịch bệnh Covid-19 không mời mà lại đến sớm, đình trệ mọi chương trình tôn vinh Mẹ tại Trung tâm Thánh mẫu Trà Kiệu và tưởng chừng như mọi sự phải bị hủy bỏ. Tuy vậy, với muôn lời cầu khẩn “Đức Bà Phù hộ các giáo hữu” từ muôn nơi đã chạm tới Thánh Tâm đầy lòng thương xót của Chúa Giê-su và trái tim vẹn sạch Đức Mẹ Maria để biện pháp “giãn cách xã hội ” dần được gỡ bỏ và thiết lập một tình trạng “bình thường mới” để các cử hành lễ nghi tôn giáo tập trung được tái lập trong niềm hân hoan cảm tạ Thiên Chúa và Mẹ Maria của cộng đoàn dân Chúa. Và như một hồng phúc, đại hội Thánh Mẫu của Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu năm nay được bản quyền giáo phận quyết định tổ chức như đã định, trước một ngày theo truyền thống, vào ngày 30/5/2020 (thay vì đúng ngày lễ Đức Mẹ đi viếng bà Thánh Isave, 31/5 theo truyền thống).
Đương nhiên, mọi chuẩn bị được tiến hành (dù gấp rút) trong niềm tin yêu cậy trông, cảm tạ của mọi con cái Mẹ khắp các giáo xứ trong giáo phận. Cơn mưa dông đầu mùa dường như tăng thêm oi bức giữa mùa nắng hạn của vùng Trung du vẫn không ngăn nổi bước chân đoàn con cái Mẹ từ khắp nơi, trong đó có những đoàn hành hương của cộng đoàn anh chị em giáo hữu dân tộc thiểu số của giáo phận Kon Tum, Ban Mê Thuột cùng tín hữu nhiều giáo phận trong cả nước qui tụ về đây tôn vinh Mẹ, sau những tháng ngày cách ly mòn mỏi vì dịch bệnh Covid 19.
Chương trình Đại Hội Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu được chính thức khai mạc với Thánh lễ đồng tế do cha TĐD/GP Bonaventura Mai Thái chủ sự cùng khoảng 10 cha cho cộng đoàn hành hương và dân Chúa Trà Kiệu vào lúc 17 giờ thứ Sáu, ngày 29/5/2020 tại linh đài Bửu Châu với mời gọi cộng đoàn tham dự dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Trà Kiệu và Chân Phước Anrê Phú Yên, đã nâng đỡ mỗi người qua cơn đại dịch.
Cha Tổng đồng thời cũng mời gọi cộng đoàn dâng tâm tình cám ơn Giáo Hội, đã thương yêu đùm bọc dẫn dắt mỗi người, bằng nhiều phương cách khác nhau nâng đỡ đời sống đức tin người tín hữu trong thời gian giãn cách xã hội vì cơn đại dịch covid-19. Ngài cũng mời gọi mỗi người noi gương Mẹ trực tiếp gặp gỡ nhau để có thể đem niềm an vui đến cho anh chị em trong môi trường mình đang sống và làm việc. Tiếp ngay sau thánh lễ, là chương trình tôn vinh Thánh Thể với giờ chầu chung tại quảng trường Mân côi và cuộc kiệu rước Thánh Thể long trọng cùng các giờ chầu (tới 24g00 tại linh đài đồi Bửu Châu – nhà thờ Núi) do các cha Dòng Thánh Thể phụ trách với sự tham dự nhiệt tình của dân Chúa để cùng khẩn xin Đức Bà Phù Hộ các giáo hữu năm xưa tiếp tục hiện diện với cộng đoàn dân Chúa từng ngày trong cuộc sống trần thế.
Ngày hành hương chính thức, thứ Bảy, 30/5/2020 khởi đầu với ánh mặt trời rực rỡ từ sáng sớm và dòng người hành hương đông đảo tuôn về Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu. Dường như mọi người đều háo hức vì đã phải kìm nén lòng mộ mến quá lâu trong Năm Thánh quý giá này. Tại Linh đài trên đồi Bửu Châu, từ sáng cho tới 12 giờ 00 trưa, các Giáo Hạt luân phiên Chầu Thánh Thể. Cùng thời gian này, tại hội trường nhà thờ Giáo xứ Trà Kiệu, Cha Phêrô Phan Tấn Khánh (Phó Giám đốc Đại Chủng Viện Huế) có buổi thuyết trình và đối thoại với Giới trẻ trong toàn giáo phận về đề tài trích dẫn (từ số 43) của Tông Huấn “Đức Ki-tô Hằng Sống“ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô gởi cho các bạn trẻ với chủ đề “Đức Maria, Người phụ nữ trẻ ở Na-da-rét”.
Người trẻ được mời gọi sống noi theo gương mẫu của Đức Maria, mang đậm dấu ấn đức tin, niềm vui để có thể mang Chúa đến với anh chị em trong tinh thần yêu thương phục vụ. Trước phần nói chuyện của Cha Phêrô là cuộc gặp gỡ, chia sẻ ngắn của vị Mục Tử giáo phận, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân. Cũng trong thời gian này, tại rất nhiều nơi trong khu vực hành hương, anh chị em giáo dân cũng đã tìm đến các tòa Hòa Giải, sau một thời gian dài (kể cả trong mùa Chay) đã không có cơ hội lãnh nhận bí tích Hòa Giải.
Vào lúc 14 giờ 00, chương trình kiệu rước truyền thống từ sân me (tiền đường nhà thờ giáo xứ) được khởi sự với lời tuyên bố khai mạc của Đức Giám Mục giáo phận, nghi thức xông hương, lời nguyện trước thánh tượng Đức Mẹ Trà Kiệu và đoàn dâng hoa của Giáo xứ Trà Kiệu đã dâng hoa muôn sắc, với những vũ điệu nhẹ nhàng thanh thoát, tung hô Danh Mẹ, ca khen muôn nhân đức Mẹ và lời cầu khẩn tha thiết cho đoàn con noi gương Mẹ, để “đến và sống với mọi người.” Khi đoàn rước về tới lễ đài quảng trường Mân Côi, tiếng chào mừng theo bài thánh ca Nữ Vương Hòa Bình do ca đoàn Cecilia giáo xứ Tam Tòa bắt nhịp hòa chung tiếng với cộng đoàn ca khen Mẹ.
Sau đó, Đoàn kiệu Thánh tượng Mẹ có các vị đại diện Giáo xứ và Giáo họ biệt lập trong Giáo phận, mỗi đơn vị có 5 nam và 5 nữ mặc quốc phục, có 1 lẵng hoa và lá cờ ghi tên của Giáo xứ. Các Linh mục, Tu sĩ và quý Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, giám mục giáo phận và Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, giám mục giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng tiến bước trước ngai kiệu Đức Mẹ. Tại Lễ đài Trung tâm hành hương, Thánh lễ đồng tế mừng kính Đức Mẹ đi viếng Bà Êlisabét do Đức Giám mục Giáo phận chủ sự, cùng đồng tế với Đức Cha Giuse – Giám mục Lạng Sơn Cao Bằng và hơn 60 linh mục trong ngoài Giáo phận.
Mở đầu Thánh lễ, Đức Cha Chủ tế giới thiệu sự hiện diện của Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, nguyên Giám mục Giáo phận Đà Nẵng cùng những tràng pháo tay thân ái chào mừng của cộng đoàn hành hương. Toàn thể cộng đoàn Dân Chúa tâm tình tạ ơn Chúa, tạ ơn Đức Mẹ và cám ơn nhau, vì tạm thời qua khỏi dịch bệnh cùng với niềm vui hội tụ về bên Mẹ chung hưởng ân phúc trong Năm Thánh. Trong bài giảng lễ, Đức Giám mục giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng nói đến tâm tình của những người con trở về với Mẹ và mời gọi cộng đoàn dâng lời cảm tạ tri ân Thiên Chúa và Đức Mẹ đã yêu thương nâng đỡ mỗi người qua cơn dịch bệnh. Trong ngày áp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Cha cũng mời gọi mỗi tín hữu noi gương Đức Mẹ “Lên Đường” để mỗi người có thể đem Chúa, đem yêu thương đến với tha nhân, không phân biệt ai vì “Mẹ là mẹ của tất cả mọi người”.
Sau Lời nguyện hiệp lễ, đoàn Dâng hoa thật đông bao gồm mọi thành phần dân Chúa của Giáo xứ Trà Kiệu, một lần nữa, với những vũ điệu nhịp nhàng tiến dâng những đóa hoa thay cho cộng đoàn hành hương sùng kính Đức Mẹ mến yêu. Kết thúc dâng hoa, Cha Tổng Đại diện Bonaventura Mai Thái thay mặt ban Năm Thánh và cộng đoàn hành hương dâng tâm tình tri ân Mẹ Giáo Hội, qua Đức Cha Giuse, Giám mục Giáo phận đã tận tình hướng dẫn, chăm lo mục vụ cách thiết thực trong thời gian dịch bệnh phải giãn cách xã hội. Lời cám ơn chân thành cũng được bày tỏ với Cha Quản xứ, Giám đốc TTTM, cha Phó xứ và các ban ngành đoàn thể của Giáo xứ Trà Kiệu, quý cộng đoàn nữ tu Dòng Phaolô và Mến Thánh Giá Qui Nhơn tại Trà Kiệu, Quý Cha và quý Thầy của Dòng Thánh Thể phụ trách những giờ tôn vinh Thánh Thể tối khai mạc đại hộ. Đội ngũ y tế gồm quý Cha và quý Thầy Dòng Gioan Thiên Chúa và các bác sĩ, y tá thiện nguyện đã chăm lo vấn đề y tế cho khách hành hương. Cha cũng không quên cám ơn Chính Quyền các cấp của Tỉnh Quảng Nam, huyện Duy Xuyên và các xã thôn liên hệ đã hỗ trợ an ninh và an toàn giao thông cho những ngày Đại Hội. Sau cùng là lời cám ơn được gửi đến các giáo xứ tham gia các phần việc phục vụ, ca đoàn giáo xứ Tam Tòa phụ trách hát lễ, Ban Truyền thông Giáo phận, các đoàn thể, các giới trong giáo phận cùng tất cả những người, bằng nhiều cách khác nhau đã cộng tác cho Đại Hội Hành Hương Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu được trang trọng, tốt đẹp.
Khi cha Tổng Đại Diện dứt cảm ơn và trước khi ban phép lành với ơn Toàn xá kết thúc ngày đại hội, Đức Cha Giuse, Giám mục Giáo phận cũng đã thổ lộ vài tâm tình, đặc biệt là niềm tin yêu phó thác và lời cầu nguyện liên lỉ, cầu xin Thiên Chúa và Mẹ Maria cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt và xin cho đại hội được diễn ra đúng ngày đã định theo niềm chờ mong của cộng đoàn dân Chúa; và rồi, chính điều kỳ diệu đó đã xảy ra là: nguy cơ dịch bệnh tại Việt Nam đã được kiểm soát và đại hội được diễn ra tốt lành như lòng mong ước, trong ân sủng và bình an .
Quý Đức Cha đã ban phép lành toàn xá trọng thể cho cộng đoàn trước khi cùng nhau dâng lên lời nguyện cầu với Đức Mẹ “Cho Giáo Hội Việt Nam, mãi trung trinh với tình Mẹ yêu” Ban MVTT/GP & Tôma Trương Văn Ân
Hình ảnh: Ph.X Minh Hoàng
2020
Quyết định của Tòa Thánh về cộng đoàn đan tu đại kết Bose
Quyết định của Tòa Thánh về cộng đoàn đan tu đại kết Bose
Hôm 27-5-2020, có một tin thu hút nhiều chú ý đối với những người quan tâm theo dõi phong trào đại kết Kitô và những cộng đoàn mới trong Giáo Hội, đó là quyết định của Tòa Thánh, cụ thể là của chính ĐTC, buộc Thầy Enzo Bianchi, 77 tuổi, vị sáng lập cộng đoàn đại kết Bose và 3 thành viên thân tín phải rời cộng đoàn này và ngưng mọi chức vụ.
Quyết định được đề ra trong sắc lệnh được ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ký ngày 13-5-2020 với sự phê chuẩn đặc biệt của ĐTC, nghĩa là không thể khiếu nại lên thẩm quyền nào khác trong Giáo Hội, và công bố ngày 27-5 vừa qua. Tin này có thể gây ngỡ ngàng cho dư luận, nhưng không gây ngạc nhiên lắm đối với những người am tường vấn đề.
Thầy Enzo Bianchi và cộng đoàn Bose
Thầy Enzo Bianchi không phải là một giáo sĩ, sinh năm 1943 tại tỉnh Asti. Năm 11 tuổi, cậu Enzo vào tiểu chủng viện, nhưng chỉ ở lại 5 ngày rồi về. Thầy tốt nghiệp ngành kế toán, sau đó theo học kinh tế tại Đại học Torino, bắc Italia.
Ngày 8-12 năm 1965, ngày bế mạc Công đồng chung Vatican 2, Enzo Bianchi, lúc ấy mới được 23 tuổi, quyết định đến sống 1 mình trong căn nhà thuê gần các nông trại ở Bose, một thôn hẻo lánh bị bỏ hoang thuộc làng Magnano, trong khu rừng núi Serra di Ivrea tỉnh Biella. 3 năm sau đó, có những người khác đến xin gia nhập cộng đoàn với thầy Enzo, trong đó cũng có một phụ nữ và một mục sư Tin lành.
Được giáo quyền phê chuẩn
Ngày 17-11 năm 1967, Đức Cha Carlo Rossi, GM giáo phận Biella sở tại cấm sự hiện diện của những người không Công Giáo không được trở nên thành viên cộng đoàn, vì có những buổi lễ chung, nhưng ĐHY Michele Pellegrino, TGM Torino, can thiệp và lệnh cấm đó được hủy bỏ vào năm sau. Và 6 năm sau, chính ĐHY phê chuẩn tu luật của cộng đoàn ngày 22-4 năm 1973 nhân dịp ngài đến chủ lễ tuyên khấn của 7 đan sĩ đầu tiên.
Đời sống cộng đoàn Bose
Trong cộng đoàn, mỗi đan sĩ nam nữ được mời gọi thức dậy lúc 4 giờ rưỡi sáng và dành ít là 1 giờ để đọc và nguyện gẫm Lời Chúa (lectio divina) về một bản văn Kinh Thánh được cộng đồng quyết định chung để nhấn mạnh việc lắng nghe Lời Chúa là nguồn mạch thực sự duy nhất của tình hiệp thông. 6 giờ bắt đầu kinh chung đầu tiên. Từ 6.45 đềm 7 giờ là công hội ngắn hằng ngày, và cũng là dịp sửa lỗi huynh đệ. Từ 7 đến 8 giờ có 1 giờ thinh lặng cầu nguyện đọc sách thiêng liêng.
Từ 8 đến 12 giờ làm việc chuyên môn. 12.30 kinh nguyện chung trong ngày. Ăn trưa trong thinh lặng. 14 giờ lại làm việc đến 5 giờ chiều, rồi 1 giờ ở trong phòng, đọc sách, cầu nguyện. 6 giờ rưỡi chiều, kinh chung. Sau đó là bữa ăn tối, được đối thoại, trao đổi với nhau. 8 giờ tối thinh lặng hoàn toàn.]
Hiện nay cộng đoàn có khoảng 80 thành viên, gồm Công Giáo và các hệ phái Kitô khác: Chính Thống và Tin Lành, nam cũng như nữ thuộc 5 quốc tịch. Trong số các thành viên có 5 LM và 1 mục sư. Cộng đoàn đại kết Bose có các huynh đoàn tại Jerusalem và 4 nơi khác ở Italia.
Xét về phương diện giáo luật, cộng đoàn đại kết Bose không thuộc Bộ các dòng tu, vì trong đó có cả nam nữ và các thành viên thuộc các Giáo Hội Kitô khác, nhưng là một Hiệp Hội giáo dân tư nhân được Giáo Hội phê chuẩn. Và với tư cách đó Tòa Thánh có thể can thiệp.
Các đan sĩ nam nữ ở Bose sống đời sống cộng đoàn theo giáo huấn của các thánh tu hành như thánh Pacomio, Basilio, Biển Đức, cầu nguyện và lao tác, sống bằng công việc của mình. Sứ mạng duy nhất của cộng đoàn là sống theo giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô.
Cộng đoàn canh tác, chế tạo các đồ thủ công, có xưởng mộc, nhà in và nhà xuất bản Qiquajon, nghiên cứu Kinh Thánh và giảng thuyết huấn giáo. Hơn 800 sách được xuất bản, được chia thành 15 bộ, kể cả về giáo phụ, kinh thánh, thần học, phụng vụ, các tác phẩm truyền thống Do thái giáo và linh đạo Chính Thống giáo.
Ngoài ra cộng đoàn đón tiếp các tín hữu hành hương và có 1 nhà nguyện đại kết.
Năm 2016, Cộng đoàn được giải thưởng Heufelder vì những dấn thân giúp các Giáo Hội Đông và Tây phương xích lại gần nhau.
ĐTC Phanxicô ca ngợi cộng đoàn Bose
Ngày 11-11 năm 2018, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập cộng đoàn Bose, ĐTC Phanxicô đã gửi thư cho thầy Enzo Bianchi để chúc mừng và ngài đánh giá cao sứ vụ đón tiếp, hiếu khách của cộng đoàn, không phân biện họ là tín hữu hay người không tin. ĐTC khích lệ cộng đoan Đan viện ngày càng trở thành những chứng nhân tình thương theo Tin Mừng giữa các thành viên, sống tình hiệp thông huynh đệ đích thực.
Hai cuộc thanh tra tông tòa
Thầy Enzo Bianchi cai quản cộng đoàn hơn 50 năm trời, nhưng cách thức hành xử quyền bính của thầy với thời gian đã gây vấn đề: có những người không đồng ý với thầy về vấn đề này, nên năm 2014, chính thầy đã xin Tòa Thánh cử hai vị do thày chọn đến thanh tra, đó là Cha Michel Van Parys và nữ tu Anne-Emmanuelle Devêche. Sau 5 tháng điều tra, hai vị khuyến khích thầy Enzo Bianchi tiếp tục nhiệm vụ bề trên cộng đoàn thêm 2 năm nữa, nhưng cũng nhấn mạnh rằng ”Việc thực thi các quyền bính khác nhau trong cộng đoàn đừng có tính cách độc đoán, nhưng minh bạch và có tính cách công nghị”.
Cuối năm 2016, thầy Enzo tuyên số sẽ từ nhiệm Bề trên vào ngày 25-1 năm sau đó 2017. Sau đó đến thầy Luciano Manicardi, năm nay 63 tuổi (1957) Phó Bề trên, đảm nhận nhiệm vụ Bề trên cộng đoàn. Tuy từ chức nhưng thầy Enzo Bianchi tiếp tục sống trong chiếc am của thầy và cầu nguyện với cộng đoàn, tuy rằng trong thời gian gần đây người ta ít thấy thầy hiện diện.
Cuộc thanh tra thứ hai
Gần đây, có nhiều than phiền và căng thẳng trong cộng đoàn đại kết Bose nhất là về sự xen mình của thầy Enzo Bianchi vào các hoạt động của thầy Bề trên Manicardi và ban lãnh đạo mới, nên ngày 6-12 năm 2019, ĐTC đã quyết định cử 3 vị đến thanh tra Đan viện Bose trong hai tháng, đó là Cha Arboleda Tamayo, người Tây Ban Nha, Viện Phụ Chủ tịch chi dòng Biển Đức Sublacense-Cassino, Cha Amedeo Cencini, dòng Nam Tử Bác ái thánh Canossa, quen gọi là dòng Canossiano (F.d.CC), Cố vấn của Bộ các dòng tu, và Mẹ Anne Emmanuelle Devêche, Viện Mẫu Đan viện Blauvac dòng Trappiste, người đã tham dự cuộc thanh tra năm 2014. 3 vị xác nhận có những vấn đề trầm trọng về cách hành xử quyền bính của vị sáng lập Enzo Bianchi và toàn bộ hồ sơ điều tra được gửi về Tòa Thánh. Và sau nhiều suy nghĩ cầu nguyện, Tòa Thánh đi đến kết luận truyền thầy Enzo Bianchi và 3 cộng sự viên thân tín phải ra khỏi cộng đoàn Bose. Tòa Thánh cũng bổ nhiệm Cha Amedeo Cencini, 72 tuổi, làm Đặc Ủy toàn quyền của Tòa Thánh về Đan Viện Bose. Cha được sự phụ giúp của Đức TGM José Rodriguez Carballo, Tổng thư ký Bộ các dòng tu và Đức Cha Marto Arnolfo, TGM giáo phận Vercelli, bắc Italia.
Kín đáo
Thông cáo của Tòa Thánh cho biết ”thông tin trên đây được diễn ra trong sự tôn trọng tối đa quyền được kín đáo của những người liên hệ, nhưng vài đối tượng ấy, khi được thông báo không đón nhận quyết định và sự từ khước ấy tạo thêm một tình trạng hỗn độn và khó khăn thêm”.
Thanh minh của Thầy Enzo Bianchi
Sau khi thông cáo của Tòa Thánh được công bố, thầy Enzo Bianchi công bố thông cáo biện minh và phản đối những lời trách cứ và quyết định của Tòa Thánh. Thầy viết:
”Tôi, tu sĩ Enzo Bianchi, người sáng lập, nữ tu Antonella Cariraghi, nguyên Tổng phụ trách, thầy Lino Breda, Tổng thư ký cộng đoàn, và thầy Goffredo Boselli, đặc trách phụng vụ, chúng tôi được mời tạm thời rời bỏ cộng đoàn và đi sống nơi khác”
”Chúng tôi đã yêu cầu người trao sắc lệnh cho biết những bằng chứng về những thiếu sót của chúng tôi, để có thể tự vệ chống lại những lời cáo gian, nhưng không được đáp ứng”
”Hai năm qua, trong đó tôi đã cố tình vắng mặt nhiều trong cộng đoàn, nhất là sống trong chiếc am của tôi, tôi đã đau khổ vì không thể góp phần hợp pháp như người sáng lập. Trong tư cách là người sáng lập, cách đây hơn 3 năm, tôi đã tự nguyện từ chức Bề trên, nhưng tôi hiểu rằng sự hiện diện của tôi có thể là một vấn đề. Dầu vậy không bao giờ tôi phản đối bằng lời nói hoặc bằng việc làm quyền bính hợp pháp của bề trên Luciano Manicardi, một cộng tác viên thân tín của tôi trong hơn 20 năm trời, với tư cách là giáo tập và phó bề trên cộng đoàn, thầy đã chia sẻ với tôi, trong sự hiệp thông hoàn toàn, về những quyết định và trách nhiệm”..
Câu hỏi lớn bây giờ là: cộng đoàn đại kết Bose sẽ ra sao? Người ta hy vọng Cha Cencini và 2 vị TGM trợ giúp sẽ giúp bảo tồn được đoàn sủng và ơn gọi đặc biệt của cộng đoàn này mà không có sự hiện diện ”cồng kềnh” của người sáng lập.
Trần Đức Anh OP
2020
ĐTC cử hành lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
ĐTC cử hành lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
Vào lúc 10 sáng Chúa nhật 31/5/2020, Đức Thánh Cha cử hành lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống tại nhà nguyện Thánh Thể bên trong đền thờ thánh Phêrô. Do đại dịch cho nên chỉ có khoảng 50 giáo dân tham dự Thánh lễ. Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha tập trung vào vai trò của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội: Chúa Thánh Thần là Đấng hiệp nhất sự khác biệt trong Giáo hội; trong việc rao giảng Tin Mừng, Chúa Thánh Thần không chuẩn bị trước một kế hoạch; Chúa Thánh Thần, ký ức sống động của Giáo Hội.
“Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” (1Cr 12, 4-6).
Giáo hội được sinh ra từ sự khác biệt
Đức Thánh Cha đã bắt đầu bài giảng với những lời dạy của Thánh Phaolô Tông đồ dành cho các tín hữu thành Côrintô và giải thích: “Khác nhau-chỉ có một, Thánh Phaolô đặt cạnh nhau hai cụm từ dường như trái ngược nhau. Ngài muốn nói với chúng ta rằng Chúa Thánh Thần chính là Đấng quy tụ sự khác biệt; và đây cũng chính là cách Giáo Hội được sinh ra: tất cả chúng ta đều khác nhau, nhưng Chúa Thánh Thần quy tụ chúng ta lại”.
Để chứng minh cho điều này, Đức Thánh Cha mời mọi người trở lại với Giáo hội tiên khởi trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Cộng đoàn Giáo hội tiên khởi gồm các Tông đồ. Trong số các ông có những người rất giản dị, lao động tay chân, như các ngư phủ; nhưng cũng có Matthêu, người học thức làm nghề thu thuế. Các Tông đồ xuất thân từ những hoàn cảnh xã hội khác nhau, mang tên Do Thái và Hy Lạp và tính cách cũng khác biệt: có người thì hiền lành nhưng cũng có người nóng nảy, quan điểm và tình cảm cũng không giống nhau.
Xức Dầu của Thánh Thần đưa đến hiệp nhất
Và trước sự khác biệt này Chúa Giêsu đã làm gì? Đức Thánh Cha trả lời: “Chúa Giêsu không thay đổi các Tông đồ theo một khuôn mẫu giống nhau. Chúa vẫn duy trì sự khác biệt của các Tông đồ nhưng hiệp nhất các ông bằng việc Xức Dầu của Thánh Thần. Xức Dầu đưa đến hiệp nhất. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, các tông đồ hiểu được sức mạnh hiệp nhất của Chúa Thánh Thần. Các ông đã chứng kiến tận mắt sức mạnh này, qua việc những người tuy nói các ngôn ngữ khác nhau đã hình thành một dân duy nhất: dân của Chúa, được tạo thành nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng dệt nên sự hiệp nhất từ đa dạng và mang lại sự hòa hợp vì Ngài chính là Đấng hòa hợp”.
Từ Giáo hội tiên khởi, Đức Thánh Cha dẫn vào Giáo hội thực tế của ngày hôm nay: Chúng ta có thể tự hỏi: “Điều gì liên kết chúng ta, sự hiệp nhất của chúng ta được đặt nền tảng trên điều gì?”. Chúng ta cũng có những điều khác nhau như: về ý kiến, sự lựa chọn, tình cảm. Chúng ta luôn bị cám dỗ mạnh mẽ trong việc bảo vệ ý kiến của mình, chúng ta tin rằng ý kiến của chúng ta tốt cho mọi người và chúng ta chỉ hòa hợp với ai có cùng ý kiến với chúng ta. Nhưng đó là đức tin được tạo nên từ những hình ảnh của chúng ta; không phải điều Chúa Thánh Thần muốn. Chúng ta có thể nghĩ rằng điều làm cho chúng ta hiệp nhất chính là những gì chúng ta tin và những gì chúng ta thực hành. Nhưng hơn thế nữa: yếu tố căn bản của sự hiệp nhất chính là Chúa Thánh Thần. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng trước tiên chúng ta là con yêu dấu của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần đến với chúng ta trong sự khác biệt và những khó khăn của chúng ta, để nói với chúng ta rằng chúng ta có một Thiên Chúa – Đức Giêsu – và một Cha, vì thế chúng ta là anh chị em! Bắt đầu từ đây, chúng ta hãy nhìn Giáo Hội với cái nhìn của Chúa Thánh Thần, không phải của thế gian. Thế gian chỉ nhìn thấy những khuynh hướng của chúng ta; Thánh Thần nhìn chúng ta là những người con của Chúa Cha và là anh chị em của Chúa Giêsu. Thế gian nhìn thấy những người bảo thủ và tiến bộ; Thánh Thần nhìn ra đó là con cái Thiên Chúa. Cái nhìn của thế gian chăm chú vào những cơ cấu mang lại hiệu quả; Cái nhìn thiêng liêng hướng vào những anh chị em nài xin lòng thương xót. Thánh Thần yêu thương chúng ta và biết chỗ đứng của mỗi người trong thế giới rộng lớn này. Đối với Thánh Thần, chúng ta không phải là những mẫu hoa giấy để gió cuốn đi, nhưng là những mảnh ghép không thể thay thế trong bức tranh khảm của Ngài”.
Trong việc rao giảng Tin Mừng, Chúa Thánh Thần không có kế hoạch
Đức Thánh Cha tiếp tục nói về vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc rao giảng Tin Mừng: “Nếu chúng ta trở lại với ngày Lễ Ngũ Tuần, chúng ta sẽ khám phá hoạt động đầu tiên của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng. Chúng ta cũng thấy các Tông Đồ không chuẩn bị một chiến lược, không có một kế hoạch mục vụ. Các ông chia mọi người thành những nhóm theo xuất xứ của họ, trước tiên rao giảng cho những người thân cận, rồi dần dần đi đến những người ở xa hơn. Các ông cũng có thể chờ đợi một thời gian trước khi ra đi rao giảng và trong lúc đó đào sâu những lời giảng dạy của Chúa Giêsu để tránh rủi ro… Không. Chúa Thánh Thần không muốn ký ức về Vị Thầy được trau dồi trong những nhóm nhỏ trên căn phòng khép kín. Chúa Thánh Thần mở cửa và thúc đẩy chúng ta vượt xa những gì đã nói và làm, vượt ra ngoài hàng rào của một đức tin rụt rè, luôn đề phòng. Trong thế giới, mọi việc sẽ bị phân tán trừ khi có kế hoạch cụ thể và chiến lược rõ ràng. Trong Giáo Hội, Chúa Thánh Thần bảo đảm sự hiệp nhất cho những ai rao giảng Tin Mừng. Các Tông Đồ ra đi: không chuẩn bị, họ hiến dâng cuộc đời cho sứ vụ. Có một điều khiến họ tiếp tục tiến bước là lòng khao khát chia sẻ những gì họ đã lãnh nhận”.
Chúa Thánh Thần, ký ức sống động của Giáo Hội
“Ở đây chúng ta hiểu được bí quyết của sự hiệp nhất, bí quyết đó chính là Chúa Thánh Thần. Đây là hồng ân. Bởi vì Chúa Thánh Thần chính là hồng ân, sống trao ban chính mình, và bằng cách này Thánh Thần liên kết chúng ta lại với nhau để chúng ta được chia sẻ cùng một hồng ân. Điều quan trọng là tin rằng Thiên Chúa là hồng ân, Ngài hành động không phải bằng cách chiếm hữu nhưng là trao ban. Tại sao điều này là quan trọng? Bởi vì cách sống của chúng ta sẽ tùy thuộc vào việc chúng ta hiểu thế nào về Thiên Chúa. Nếu trong tâm trí chúng ta, Thiên Chúa là Đấng chiếm hữu và áp đặt, chúng ta cũng sẽ muốn chiếm hữu và áp đặt: chiếm hữu nhiều nơi, đòi hỏi được thừa nhận, tìm kiếm quyền lực. Nhưng nếu chúng ta có trong tim mình Thiên Chúa là quà tặng, mọi sự sẽ thay đổi. Nếu chúng ta nhận ra rằng những gì chúng ta có là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa, không phải do công trạng của chúng ta, thì chúng ta cũng muốn làm cho cuộc đời mình trở thành hồng ân. Bằng một tình yêu khiêm tốn, phục vụ cách nhưng không trong vui tươi, chúng ta sẽ trao ban cho thế giới hình ảnh chân thật về Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần, ký ức sống động của Giáo Hội, nhắc chúng ta rằng Chúng ta được sinh ra từ hồng ân và lớn lên bởi trao ban: không phải bởi nắm giữ nhưng là trao ban chính mình”.
Ba kẻ thù của hồng ân
Tới đây, Đức Thánh Cha mời gọi mỗi người trở về với lòng mình để xét xem điều gì đang cản trở mỗi người trao ban chính mình. Đức Thánh Cha giải thích có ba kẻ thù của hồng ân, luôn ẩn nấp tại cánh cửa tâm hồn chúng ta:
Kẻ thù thứ nhất đó là thái độ chỉ yêu mình. Với thái độ này chúng ta thần tượng chính mình, chỉ quan tâm đến những gì có lợi cho mình. Những người này nghĩ rằng: “Cuộc sống tốt khi nó có lợi cho tôi”. Và họ kết thúc với câu: “Tại sao tôi phải hy sinh bản thân mình cho người khác?”. Trong thời điểm đại dịch này biết bao tổn hại do thái độ này gây ra. Khuynh hướng chỉ nghĩ đến những nhu cầu của mình, làm ngơ trước những nhu cầu của người khác, và không nhìn nhận những yếu đuối và sai lỗi của mình.
Kẻ thù thứ hai là thái độ duy nạn nhân. Đây là thái độ cũng nguy hiểm không kém. Người có lối sống này luôn luôn than phiền về người khác: “Không ai hiểu tôi, không ai giúp đỡ tôi, không ai yêu thương tôi!”. Những người này có trái tim khép kín, và hỏi: “Tại sao không ai quan tâm đến tôi?”. Trong giai đoạn khủng hoảng chúng ta đã trải nghiệm thái độ duy nạn nhân thật là tệ hại!.
Cuối cùng là thái độ bi quan. Những người này luôn luôn than phiền rằng: “không có gì tốt đẹp, Xã hội, chính trị, Giáo Hội . . .”. Người bi quan nổi giận với thế giới, nhưng thu mình lại và chẳng làm gì, họ suy nghĩ: “Chẳng có gì tốt, tất cả đều vô dụng”. Vào thời điểm hiện nay, trong lúc mọi người đang cố gắng để bắt đầu lại, thì người bi quan lại nhìn mọi việc dưới cái nhìn tiêu cực và luôn lặp lại rằng không gì có thể trở lại được như trước!
Đức Thánh Cha kết luận: “Những ai suy nghĩ và có thái độ sống như thế nơi họ không có niềm hy vọng. Chúng ta cảm nghiệm nổi khát khao niềm hy vọng và chúng ta cần phải biết trân trọng hồng ân sự sống, hồng ân là mỗi người trong chúng ta. Vì thế, chúng ta cần Chúa Thánh Thần, hồng ân của Thiên Chúa để chữa lành chúng ta khỏi những thái độ sống như trên”.
Đức Thánh Cha mời mọi người cầu nguyện: “Chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần, ký ức của Thiên Chúa, làm sống lại trong chúng ta ký ức về hồng ân đã lãnh nhận. Lạy Chúa Thánh Thần xin giải thoát chúng con khỏi chứng bại liệt của tính ích kỷ và thắp lên trong chúng ta ước muốn phục vụ, ước muốn làm điều tốt. Điều tệ hại hơn khủng hoảng hiện nay chính là thảm kịch con người tự đóng cửa tâm hồn mình. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến: Ngài là sự hòa hợp; xin cho chúng con trở thành những người xây dựng sự hiệp nhất. Ngài luôn trao ban chính mình; xin cho chúng con lòng can đảm đi ra khỏi chính mình để yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, nhờ đó chúng con sẽ trở nên anh chị em trong cùng một gia đình. Amen”.
Ngọc Yến
2020
ĐTC Phanxicô: Chúa Thánh Thần giúp chúng ta chấm dứt đại dịch nghèo đói
ĐTC Phanxicô: Chúa Thánh Thần giúp chúng ta chấm dứt đại dịch nghèo đói
Trong sứ điệp video gửi Ban điều hợp quốc tế của Phong trào canh tân trong Thánh Linh, gọi tắt là Charis, nhân dịp canh thức lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống được tổ chức trực tuyến vào thứ Bảy ngày 30 tháng 5 bởi Charis, Đức Thánh Cha nhắc đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống chứng tá của Kitô hữu, đặc biệt là trong thế giới hiện nay đang đau khổ vì đại dịch.
Ban điều hợp quốc tế của Phong trào canh tân trong Thánh Linh – “Charis” – được Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống thành lập năm 2018 để thúc đẩy sự hiệp nhất và thông tin liên lạc giữa các phong trào đặc sủng Công giáo khác nhau.
Trước hết Đức Thánh Cha nhắc lại biến cố ngày lễ Ngũ Tuần trong sách Công vụ Tông đồ, khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các môn đệ đang tụ họp với nhau. Chúa Thánh Thần cũng ngự xuống trên chúng ta. Ngài đến để canh tân, hoán cải, chữa lành mỗi người chúng ta. Ngài chữa lành những sợ hãi, bất an, các vết thương của chúng ta, cả những vết thương chúng ta gây ra cho nhau; ngài đến biến đổi chúng ta trở nên môn đệ, môn đệ truyền giáo, chứng tá, đầy can đảm, cần cho việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu.
Không ai được cứu độ một mình
Đức Thánh Cha nói rằng ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần Chúa Thánh Thần để thi hành sứ vụ làm chứng tá cho Chúa Giêsu, vì “ngày nay chúng ta sống trong một thế giới đầy thương tích, đang đau khổ, đặc biệt là những người nghèo khổ nhất bị vất bỏ, những sự an toàn của con người biến mất, thế giới cần chúng ta đem Chúa Giêsu cho họ. Thế giới cần chứng tá của chúng ta về Tin Mừng của Chúa Giêsu. Chúng ta chỉ có thể làm chứng tá nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.” Cụ thể, “chúng ta cần Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta đôi mắt mới, mở tâm trí chúng ta để đối phó với thời điểm hiện tại và tương lai bằng bài học đã học: chúng ta là một nhân loại duy nhất. Không ai được cứu độ một mình.” Chúng ta cảm nghiệm điều này trong đại dịch hiện nay.
Dấn thân xây dựng một xã hội công bằng hơn, bình đẳng hơn, có tinh thần Kitô giáo hơn
Từ đó, Đức Thánh Cha nhắc rằng sau đại dịch, chúng ta cần cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng hơn, bình đẳng hơn, có tinh thần Kitô giáo hơn, không chỉ trên danh nghĩa nhưng bằng hành động. “Nếu chúng ta không làm việc để kết thúc đại dịch nghèo khổ trên thế giới, đại dịch nghèo khổ tại mỗi quốc gia của chúng ta, trong thành phố nơi chúng ta sống, thời gian này sẽ là vô nghĩa.”
Chúa Thánh Thần giúp chúng ta trở nên tốt hơn sau đại dịch
Chúng ta muốn ra khỏi đại dịch này tốt hơn hay tệ hơn? Chúng ta cần mở lòng với Chúa Thánh Thần để chính Người thay đổi tâm hồn chúng ta và giúp chúng ta ra trở nên tốt hơn sau đại dịch. Và để chúng ta ra khỏi đại dịch tốt hơn, chúng ta cần xét mình theo lời Chúa Giêsu: “Khi Ta đói các con cho ăn, khi Ta ở tù các con thăm viếng và các con viếng thăm và đón tiếp khi Ta là khách lạ.” (Mt 25,35-36) (CSR_4062_2020)
Hồng Thủy