2020
Bác sĩ Thomas Huggett chọn sống với những người vô gia cư nhằm bảo vệ họ không bị virus corona tấn công
Bác sĩ Thomas Huggett chọn sống với những người vô gia cư nhằm bảo vệ họ không bị virus corona tấn công
Câu chuyện của bác sĩ Thomas Huggett và nhóm cộng tác được truyền cảm hứng từ cuộc đời của Mẹ Têrêsa, dấn thâm chăm sóc người vô gia cư trong thời điểm khủng hoảng sức khỏe.
Khi đại dịch Covid-19 khởi phát ở Chicago, Hoa Kỳ, tình trạng của người vô gia cư trở nên khốn khổ hơn, họ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Bác sĩ Thomas Huggett, một người Công giáo đang làm việc ở Chicago ý thức rằng, mình phải làm một điều gì đó để bảo vệ những người dễ bị tổn thương này.
Tình yêu đối với người vô gia cư nảy sinh sáng kiến
Sau khi suy nghĩ và cầu nguyện bác sĩ đã tìm ra hướng giải quyết: Ông làm việc với chính quyền thành phố Chicago hỏi mượn hàng trăm phòng của hai khách sạn ở trung tâm thành phố làm chỗ ở tạm thời cho người vô gia cư.
Theo ông, trong thời điểm cách ly này, để tìm sự an toàn cho chính mình và gia đình, mọi người tìm cách ở nhà. Nhưng những người vô gia cư vẫn phải sống tập trung ở một chỗ đông người, vì thế họ có nguy cơ nhiễm virus rất cao. Đa số tuổi trên 60 và có bệnh nền. Để có thể giúp người vô gia cư tận tình, bác sĩ Huggett đã chuyển đến ở trong khách sạn cùng với họ. Bác sĩ cho biết ông chỉ về nhà mỗi tuần một lần, còn những ngày trong tuần ông ở lại khách sạn. Bằng cách này, ông có thể gần gũi với người vô gia cư và phát hiện kịp thời những trường hợp nhiễm bệnh.
Một công việc bình thường
Nhiều người nói công việc bác ái của ông là đặc biệt, nhưng trái lại, bác sĩ cho rằng điều này chẳng mới mẻ gì, vì đây chỉ là sự tiếp nối của nhiều thập kỷ qua của Trung tâm Y tế Công giáo Lawndale được thiết lập từ năm 1980 mà ông là thành viên.
Sứ vụ của Trung tâm Y tế Công giáo Lawndale là thể hiện và chia sẻ tình yêu của Chúa Giêsu bằng cách thúc đẩy việc chăm sóc sức khỏe và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, giá cả phải chăng cho Lawndale và các cộng đồng lân cận. Vì thế không lạ gì khi Trung tâm Y tế này chuyển sang chăm sóc sức khỏe cho người vô gia cư trong thời điểm đại dịch.
Ngoài bác sĩ Huggett, hàng ngày còn có khoảng 35 nhân viên của Trung tâm ở lại khách sạn để giúp đỡ người vô gia cư. Công việc của họ là chuẩn bị các bữa ăn, giúp mọi người lên xuống thang máy, và cung cấp dịch vụ y tế cho họ. Tại khách sạn, mỗi vị khách không phải trả tiền này có phòng riêng và mỗi ngày họ nhận ba bữa ăn được mang tới ngay tại phòng và gặp nhân viên y tế một lần.
Cho tới nay, hai khách sạn được tạm chuyển đổi chức năng đã đón tiếp 240 khách đặc biệt. Mỗi ngày bác sĩ Huggett và các đồng nghiệp vẫn tiếp tục đi đến các nơi tạm trú của người vô gia cư để đưa họ về khách sạn.
Tất cả công việc này phù hợp với sứ vụ của Trung tâm chăm sóc sức khỏe Lawndale. Chăm sóc người bệnh với tình yêu của Đức Kitô. Đối với bác sĩ Huggett, chính đức tin Công giáo đã truyền cảm hứng và khuyến khích ông trong khi thi hành sứ vụ.
Đời sống các thánh truyền cảm hứng
Ông nói: “Chúng ta có thể được truyền cảm hứng từ Mẹ Têrêsa và những người đã mở rộng tâm hồn làm việc cho người nghèo. Chúng ta có thể nhìn vào các thánh làm mẫu gương cho chúng ta”.
Đôi lúc ông Huggett cảm thấy lo lắng và bất an, nhưng rồi ông đã tìm được sự khích lệ khi đọc các tác phẩm của cha Walter Ciszek, một linh mục đã trải qua nhiều năm bị tù và lao động khổ sai ở Liên Xô từ năm 1939 đến 1963, và một số tác phẩm khác. Ông chia sẻ: “Tất cả mọi người đều khác nhau, và chúng ta không thể là Mẹ Têrêsa hoặc cha Walter Ciszek, nhưng chúng ta có thể đáp trả lời mời gọi của Chúa”.
Đối với bác sĩ Huggett, lời mời gọi đó là sự dấn thân hy sinh giúp đỡ những người bé nhỏ như Lời Chúa nói trong Tin Mừng Matthêu (Mt 25,40). Việc khách sạn được biến thành nơi trú ẩn chỉ là tạm thời trong đại dịch, nhưng ông và nhóm của ông đang nỗ lực tìm cho những người vô gia cư một nơi ở ổn định như ông nói: “Chúng tôi không chỉ cố gắng bảo vệ sức khỏe cho họ không bị lây nhiễm đại dịch, nhưng chúng tôi còn hướng tới việc tìm chỗ ở cho họ định cư. Chúng tôi không muốn họ rời khỏi khách sạn và trở về nơi ở trước đây của họ, như thế rất nguy hiểm. Vì vậy cần phải có một cơ sở ổn định cho họ, và đây là lúc chúng tôi có thể làm việc để biến điều đó thành hiện thực.
Cần có cái nhìn đúng về người vô gia cư
Ông nói: “Có nhiều người có quan niệm sai về những người vô gia cư. Có người hỏi tôi là liệu người vô gia cư có làm hư khách sạn không? Câu trả lời của tôi là không, hoàn toàn không. Họ không chỉ giữ phòng gọn gàng sạch sẽ, mà một số người còn xin tôi dụng cụ để dọn dẹp vệ sinh”.
Theo ông, những người vô gia cư là những người bình thường. Họ cố gắng làm điều lương thiện và họ được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Ông mời gọi mọi người nếu có thể đến đây để lắng nghe những câu chuyện của họ và sẽ hiểu tại sao họ phải sống tình trạng này.
Ông Huggett và Trung tâm Y tế Kitô giáo Lawndale hy vọng, hoạt động trong đại dịch này sẽ là bàn đạp cho các hoạt động bác ái dành cho người vô gia cư, không chỉ trong thời điểm khủng hoảng sức khỏe mà còn cho cả giai đoạn tiếp theo.
Ngọc Yến
2020
ĐTC Phanxicô gửi sứ điệp đến sự kiện Xin cho Nước Cha trị đến
ĐTC Phanxicô gửi sứ điệp đến sự kiện Xin cho Nước Cha trị đến
Trong sứ điệp video gửi đến sự kiện “Thy Kingdom Come” – Xin cho Nước Cha trị đến – Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện cho các Kitô hữu “hiệp nhất sâu sắc hơn như các chứng nhân của lòng thương xót dành cho gia đình nhân loại” và cùng nhau đối phó với đại dịch nghèo khổ, chiến tranh, coi thường sự sống và dửng dưng với tha nhân.
Đức Thánh Cha và Đức tổng giám mục Justin Welby của Anh giáo (Vatican Media)
Xin cho Nước Cha trị đến là sáng kiến cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, được bắt đầu vào năm 2016. Từ đó nó đã phát triển thành phong trào cầu nguyện đại kết toàn cầu. Năm 2019, các Kitô hữu ở 172 quốc gia đã tham gia cầu nguyện để con người có thể tin vào Chúa Giêsu Kitô.
Đây là lần thứ hai Đức Thánh Cha gửi sứ điệp video cho phong trào Xin cho Nước Cha trị đến. Năm ngoái, Đức Thánh Cha đã ghi lại một sứ điệp video đầy ngẫu hứng, theo lời mời của Đức tổng giám mục Anh giáo Justin Welby của giáo phận Canterbury, trong khóa tĩnh tâm dành cho các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo của Nam Sudan, được tổ chức tại Vatican.
Trong sứ điệp năm nay, Đức Thánh Cha đưa ra sự tương phản giữa việc Thiên Chúa “truyền” sự sống cho thế giới vào lễ Hiện xuống với sự “lây nhiễm” tàn phá thế giới trong đại dịch virus corona. Mọi người phải cầu xin Chúa Thánh Thần đến biến đổi trái tim mình và trở nên tốt hơn.
Hiệp nhất để đối phó với các loại đại dịch
Để đối phó với virus cũng như các đại dịch khác nhau đang hoành hành trên thế giới, đại dịch nghèo đói, chiến tranh, khinh rẻ sự sống, các Kitô hữu phải hiệp nhất. Bởi vì chỉ khi đi cùng nhau, chúng ta mới có thể “đi xa”. Nhân loại không thể hiệp nhất nếu Kitô hữu không hiệp nhất. Do đó Đức Thánh Cha mời gọi “chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau”.
Chứng tá của lòng thương xót
Thế giới chúng ta đang đói khát hy vọng trầm trọng. Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu trở thành những sứ giả an ủi của Chúa Thánh Thần, là chứng tá của lòng thương xót cho gia đình nhân loại đang bị thử thách nặng nề.
Theo Đức Thánh Cha, mọi người phải theo trường học của Đấng An ủi là Chúa Thánh Thần. Cần đầu tư cho sức khỏe y tế, công việc, và cam kết xóa bỏ bất bình đẳng và nghèo đói. Cần bắt đầu lại, bước về Thiên Chúa và đến với tha nhân: đừng để mình bị phân cách hay bị tê liệt trước tiếng khóc của người nghèo và trước hành tinh đầy thương tích của chúng ta. (CSR_4082_2020)
Hồng Thủy
2020
Bà Antonia Willemsen: Một cuộc đời cho Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”
Bà Antonia Willemsen: Một cuộc đời cho Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”
Trong nhiều năm, bà Antonia Willemsen là tổng thư ký của Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” (ACN). Và năm nay, ở tuổi 80 bà tóm tắt về sự dấn thân trong tổ chức này như sau: “Điều không có trong kế hoạch, không dự tính, đã xảy ra với tôi”.
Bà Antonia sinh ngày 11 tháng 5 năm 1940 tại Eindhoven, một ngày sau khi lực lượng chiến đấu (Wehrmacht) của Đức xâm chiếm Hà Lan. Thực tế này là một điềm báo mạnh mẽ cho sứ vụ sau này của bà: dấn thân cho các hoạt động hòa giải với những kẻ thù của quá khứ.
Ơn gọi vì các tín hữu bị bách hại
Cha Werenfried van Straaten, người sáng lập Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” là người họ hàng với bà Antonia. Chính cha Werenfried là người đồng hành và truyền cảm hứng dấn thân phục vụ cho bà. Bà là cách tay phải của cha, là người tri kỷ và “bạn đồng hành” trong gần nửa thế kỷ. Thật vậy, từ bé, bà Antonia không chỉ được đánh động từ những chuyến viếng thăm đến gia đình của các vị tu sĩ cao lớn mặc áo dòng trắng, mà còn từ năng lực của người họ hàng này.
Năm 1960, bà Antonia bắt đầu tham gia hoạt động bác ái cho Tổ chức “Trợ giúp các linh mục phương Đông”, tên của tổ chức nhân đạo vào thời điểm đó. Sau khi được chuyển đến Roma, Tổ chức bắt đầu mở rộng sự hỗ trợ cho các Kitô hữu từ các nơi khác trên thế giới. Nam Mỹ trở thành một trong những nơi làm việc đầu tiên của bà Antonia, và sớm biến thành niềm đam mê cho cả cuộc đời bà.
Sau mười năm, bà Antonia trở về quê nhà, lòng nhiệt thành đối với hoạt động bác ái ngày càng kiên vững. Lúc này tình yêu dành cho Tổ chức “Trợ giúp cho Giáo hội đau khổ” trở nên mạnh mẽ hơn. Vào năm 1972, bà trở thành thư ký của Tổ chức.
Trong 30 năm phục vụ cho Tổ chức “Trợ giúp cho Giáo hội Đau khổ” trong vai trò tổng thư ký, bà Antonia đã thiết lập các mối tương quan trợ giúp cho các Giáo hội bị kết án im lặng, và mở ra các cơ hội giúp đỡ cho các Giáo hội ở những nơi mà chế độ độc tài và chiến tranh đã bằng mọi cách ngăn chặn.
Dấn thân trong lãnh vực truyền thông Công giáo
Trong hoạt động nhân đạo, bà Antonia còn quan tâm đến một lãnh vực khác cũng rất quan trọng đó là truyền thông Công giáo. Dưới sự lãnh đạo của bà Antonia, Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ” đã phát triển một nỗ lực truyền thông sống động. Trong một thời gian, bà là chủ tịch của “Mạng lưới phát thanh và truyền hình Công giáo” (CRTN), ngày nay vẫn truyền bá những lời chứng về các cuộc bách hại các Kitô hữu và cung cấp hỗ trợ cho đời sống tâm linh trên toàn thế giới.
Sau những thay đổi ở Đông Âu, Tổ chức do bà Antonia lãnh đạo trợ giúp âm thầm cho những công trình tái thiết rất vất vả nhưng đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Chính điều này đã đem lại sự hòa giải với Giáo hội Chính thống Nga, điều mà Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II rất mong muốn do những chống đối không những bên ngoài và cả bên trong. Bà Antonia đã giúp giải quyết vấn đề này với lòng can đảm và quyết tâm.
Trong chủng viện Hy Lạp-Công giáo mới được xây dựng ở Ucraina, đại diện cho một trong những dự án lớn của Tổ chức “Trợ giúp cho Giáo hội Đau khổ”, có một phòng trưng bày dành cho “Bà Antonia Willemsen”, thu thập những bức ảnh trong các chuyến thăm, khai trương hoặc khánh thành. Đó là lòng biết ơn của các đối tác dự án, của các giám mục, linh mục và tu sĩ dành cho bà Antonia, mặc dù bà không muốn điều này được thực hiện.
Mục vụ trợ giúp như một nhiệm vụ suốt đời
Năm 2005, hai năm sau cái chết của cha Werenfried, nhiệm kỳ tổng thư ký của Antonia Willemsen kết thúc, nhưng điều này không có nghĩa là việc dấn thân cho các Giáo hội đang gặp thử thách của bà chấm dứt. Từ năm 2006 đến 2014, bà là chủ tịch tự nguyện của bộ phận Đức “Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ”. Ở vị trí nay bà giúp xây dựng một phòng thu truyền hình cho hoạt động truyền giáo, cũng như tổ chức cuộc gặp lịch sử giữa Đức Hồng Y Kurt Koch và Đức Tổng giám mục Hilarion Alfeyev của Chính thống Nga tại hội nghị “Meeting Place World Church”, năm 2011.
Trong ngày sinh nhật lần thứ 80, khi được yêu cầu chia sẻ cảm nghĩ về Giáo hội, bà Antonia Willemsen nói: “Giáo hội không được trở thành một hòn đảo. Giáo hội phải tỏa sáng”. Và đúng như lời xác quyết và ý thức là thành phần của Giáo hội, mặc dù tuổi đã cao bà vẫn tiếp tục hoạt động để mong muốn qua đóng góp của bà, Giáo hội được tỏa sáng.
2020
Mừng bổn mạng câu lạc bộ Lửa Hồng : Thánh Ca không phải là biểu diễn mà là lời loan báo Tin Mừng
MỪNG BỔN MẠNG CÂU LẠC BỘ LỬA HỒNG : THÁNH CA KHÔNG PHẢI LÀ BIỂU DIỄN MÀ LÀ LỜI LOAN BÁO TIN MỪNG
“Thánh Ca không phải là biểu diễn mà trở thành lời loan báo Tin Mừng. Lời loan báo Tin Mừng làm rúng động con tim và trí óc của con người và họ nghe Tin Mừng Chúa Phục Sinh, họ tin nhận và hiệp thông với chúng ta để được để sống …” Đây chính là tâm tình hết sức tâm tình mà Đức Cha Luy ngỏ với cộng đoàn, cách riêng các thành viên trong câu lạc bộ Lửa Hồng.
Hôm nay, 1 tháng 6, khai mạc tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, câu lạc bộ Lửa Hồng không chỉ hiệp cùng tâm tình của Giáo Hội mừng kính Thánh Tâm mà còn mừng bổn mạng. Với ơn Chúa Thánh Thần, nhờ ơn Chúa Thánh Thần và trong ơn Chúa Thánh Thần để rồi Lửa Hồng đã sinh ra và lớn lên trong 20 năm. Và hôm nay, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống như dấu ấn của 20 năm Chúa Thánh Thần hiện diện và đồng hành với Lửa Hồng.
Với tất cả tâm tình, trên hết vẫn là Thánh Lễ. Chính vì vậy. lúc 19 g 00 tối nay tại Hội Trường của Giáo Xứ Tân Định, câu lạc bộ Lửa Hồng cùng những người thân quen quy tụ với nhau trong Thánh Lễ mừng Chúa Thánh Thần – bổn mạng của câu lạc bộ.
Chủ tế Thánh Lễ mừng bổn mạng Lửa Hồng là Đức Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn. Cùng hiệp thông với Đức Cha Luy có Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền – Giám Đốc Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn, Cha Giám Đốc Caritas Việt Nam, Cha Giuse Tiến Lộc- DCCT, Cha Bảo Lộc – trưởng ban liên lôn Giáo Phận Sài Gòn, Cha G.B. – đặc trách giới trẻ dòng Phanxicô Việt Nam, Cha Phêrô đến từ Tây Ban Nha …
Trong bài giảng, Đức Cha Luy nêu rõ cũng như nhấn mạnh sự hiện diện và quyền năng của Chúa Thánh Thần ;
“… Các con hãy nhận lấy Thánh Thần rồi Ngài truyền lại sứ mạng mà Cha trao cho Ngài, trao cho các tông đồ. Sứ mạng ấy phải có Thánh Thần. Ngài phải ra đi thì Thần Khí của Đức Kitô ở lại với các tông đồ. Thánh Thần ấy sẽ là Đấng làm cho các ông can đảm, tưởng như những kẻ đã chết nhưng ra đi loan tin mừng Đức Kitô Phục Sinh …
Cuộc hiện ra hay tuôn tràn Thần Khí trong ngày Lễ Ngũ Tuần trở thành Lễ Hiện Xuống cho chúng ta hôm nay. Phêrô từ kẻ nhát đảm thành can đảm rao giảng cho đám đông chừng 120 người. Họ nghe và họ ngỡ ngàn vì thấy người Galilê có thể nói các ngôn ngữ địa phương khác nhau. Thánh Thần làm cho khác biệt đa dạng thành một. Thánh Thần hiệp nhất cũng là tình yêu. Tình yêu ban sự sống, Tình yêu làm cho khác thành một.
Như vậy, Hội Thánh chính là sự hiệp thông, hiệp nhất. Hôm nay Hội Thánh cũng cũng có Thánh Thần như thế tỏ hiện trong đa dạng để hiệp thông hiệp nhất. Không có Thánh Thần thì Phúc Âm thành – Kinh Thánh là những dòng chữ chết, truyền giáo chỉ là tuyên truyền, phụng vụ chỉ làthứ sùng bái ma quỷ quái, mê tín. Có Thánh Thần thì tất cả trở thành được nâng cao lên, tạo thành được nâng cao lên. Sách Thánh – Kinh Thánh thành lời Chúa sống động. Truyền giáo hiệp thông. Quyền bính trong Giáo Hội không phải cơ câu tổ chức hành chánh, không phải là thống trị là phục vụ. Thần Khí Tình Yêu vẫn tiếp tục làm cho chúng ta trở thành một thân thể hiệp nhất trong đa dạng. Mỗi người được ban cho một đặc sủng để hiệp lòng hiệp nhất loan báo Tin Mừng Thiên Chúa yêu thương loài người qua việc con của Thiên Chúa xuống trần giản…”
Đức Cha dừng lại một chút để nói như gửi gắm tâm tình với Lửa Hồng : “Lửa Hồng và các nghệ sĩ là đặc sủng trong vô vàn đặc sủng … được kết lại nhờ Thần Khí. Chỉ có Thần Khí mới làm cho anh em. Thánh Ca không phải là biểu diễn mà trở thành lời loan báo Tin Mừng. Lời loan báo Tin Mừng làm rúng động con tim và trí óc của con người và họ nghe Tin Mừng Chúa Phục Sinh, họ tin nhận và hiệp thông với chúng ta để được để sống … “.
Sau phần giảng Lễ, 4 anh chị em cam kết dấn thân của các thành viên Câu Lạc Bộ Lửa Hồng. Kèm theo lời tuyên hứa, Câu Lạc Bộ Lửa Hồng cùng hát với nhau trong tâm tình : “Này bạn hỡi hãy thắp sáng lên …”.
Trước khi nhận phép lành cuối Lễ, anh Giuse Lê Đức Hùng – đại diện cho câu lạc bộ Lửa Hồng – ngỏ lời cảm ơn Đức Cha, quý Cha và cộng đoàn. Hết sức chân tình, không hoa mỹ cũng như sáo ngữ : “Chặng đường đó chúng con có nhiều cảm nghiệm về niềm tin, yêu đuối … bất hòa, hạnh phúc … có những nỗi buồn của thất bại. Tất cả chúng con có niềm tin chắc là Chúa muốn thì Chúa cho chúng con tồn tại và phát triển. Chúng con cần lời cầu nguyện của Đức Cha, quý Cha và cộng đoàn …”
Sau Thánh Lễ mừng bổn mạng, chương trình Thánh Ca được tiếp nối để mừng ngày vui hôm nay.
Và Thánh Lễ cũng như chương trình Thánh Ca mừng bổn mạng của câu lạc bộ Lửa Hồng cũng khép lại. Chặng đường mới sau 20 năm gian lao vất vả sẽ bắt đầu với những ước nguyện dâng hiến lời ca tiếng hát của mình và gần nhất đó chính là cuộc thi Tiếng Hát Giáo Đường 2020 sẽ khai mạc. Như tâm tình của nhạc sĩ Lê Đức Hùng, câu lạc bộ Lửa Hồng vẫn cần và rất cần lời cầu nguyện cũng như sự ủng hộ của cộng đoàn để Lửa Hồng ngày một phát triển như lòng Chúa mong muốn và nhất là loan báo Tin Mừng bằng dòng nhạc của mỗi thành viên.