2020
Thánh lễ với hình của 5.000 nạn nhân của Covdi-19
Đức tổng giám mục của Lima
cử hành Thánh lễ
với hình của 5.000 nạn nhân của Covdi-19
Các tấm hình được gắn đầy trên các băng ghế của nhà thờ và trên cả các tường nhà thờ, và là các tham dự viên duy nhất trong Thánh lễ được truyền chiếu trực tiếp qua đài truyền hình quốc gia và trên các mạng lưới xã hội.
Qua khẩu hiệu “Lạy Chúa Kitô, với Mình Ngài, xin chạm đến và hồi sinh những người đã qua đời vì đại dịch của chúng con”, thông cáo báo chí của tổng giáo phận Lima viết: “chúng ta hiệp nhất trong một tiếng nói để chào từ biệt những người thân yêu của chúng ta, tôn vinh ký ức về họ và cảm ơn về những điều họ đã để lại trong cuộc sống của chúng ta”.
Đức cha Castillo phê bình hệ thống y tế ích kỷ, vì lợi nhuận
Peru đã trở thành một trong những tâm dịch toàn cầu của đại dịch. Trong bài giảng, Đức tổng giám mục Castillo đã phê bình một hệ thống y tế “dựa trên sự ích kỷ và lợi nhuận chứ không dựa trên tình huynh đệ và liên đới.” Ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho Mình Ngài chạm vào và hồi sinh những thi thể bị đau đớn của chúng con, kết quả của đại dịch này, và trên hết, để thay đổi sự ích kỷ của chúng con, là loại virus khủng khiếp mà chỉ có thể giải độc được nhờ Mình Thánh Chúa. Xin Chúa chúc lành cho dân tộc của chúng con và giúp chúng con bước đi với sự kiên định, khiêm nhường và sâu sắc, vì Chúa sống ở Peru.” (cath 15/06/2020)
2020
Lần đầu tiên ĐTC bổ nhiệm một giáo dân làm Tổng thư ký cho Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh
Lần đầu tiên ĐTC bổ nhiệm một giáo dân làm Tổng thư ký cho Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh
Theo thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh hôm thứ Hai 15/6, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm tiến sĩ Fabio Gasperini làm Tổng thư ký cho Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh, gọi tắt là Apsa (Amministrazione del Patrimonio della Sede Apostolica)
Tiến sĩ Fabio Gasperini năm nay 58 tuổi, đã tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Thương mại. Ông đã có kinh nghiệm hơn 25 năm trong các dịch vụ tư vấn và kiếm toán tại các tổ chức tài chính như ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty môi giới và công ty tài chính. Ông đã từng làm tư vấn cho Apsa, là chủ tịch của Công ty kiểm toán Tài chính Ernst & Young, đồng thời là thành viên của Ủy ban Hiệp hội Kiểm toán nội bộ Ý.
Công việc cụ thể của ông Fabio Gasperini là tập trung vào các lĩnh vực chuyển đổi tài chính, xem xét tổ chức và hệ thống, hiệu quả công nghệ, kinh doanh thông minh, đánh giá rủi ro kinh doanh, kế hoạch kinh doanh chiến lược, phân tích lợi nhuận và chiến lược đa kênh.
Ông Fabio Gasperini là người thế chỗ Đức ông Mauro Rivella vừa hoàn thành nhiệm vụ 5 năm. Theo Tông hiến mới của Đức Thánh Cha “Anh em hãy rao giảng Tin Mừng – Praedicate Evangelium” thì tất cả các nhiệm vụ ở Vatican sẽ kéo dài trong 5 năm, và chỉ có thể tái nhiệm một lần. Trong tinh thần cải tổ, rõ ràng Đức Thánh Cha đã quyết định có những thay đổi để phù hợp với tiến trình cải tổ Giáo triều mà ngài đang thực hiện.
Trong lĩnh vực tài chính, Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh được coi như một ngân hàng trung ương, và là cơ quan giữ vai trò như là nhà đầu tư của Phủ Quốc gia Thành Vatican và hoạt động độc quyền vì lợi ích các tổ chức Tòa Thánh và Quốc gia Thánh Vatican.
Hiện người đứng đầu Cơ quan này là Đức cha Nunzio Galantino, được Đức Thánh Cha bổ nhiệm năm 2018 (Acistampa 15/6/2020)
Ngọc Yến
2020
Tòa Thánh cảnh giác nạn tham nhũng và kêu gọi các nước hành động minh bạch và trung thực
Tòa Thánh cảnh giác nạn tham nhũng và kêu gọi các nước hành động minh bạch và trung thực
Tại Hội nghị trực tuyến chuẩn bị cho Diễn đàn kinh tế và môi trường lần thứ 28 của tổ chức Osce, Tòa Thánh đã đưa ra lời cảnh giác về nạn tham nhũng. Tòa Thánh kêu gọi các nước hành động minh bạch, trung thực và tạo niềm tin giữa người dân và các tổ chức như là những cách thế chống tham nhũng.
Phái đoàn Tòa Thánh do Đức ông Janusz Urbańczyk, Đại diện Tòa Thánh tại một số tổ chức quốc tế có trụ sở ở Vienna, nước Áo, đã tham dự Hội nghị video của Tổ chức an ninh và cộng tác ở châu Âu, gọi tắt là Osce, về chủ đề “Thăng tiến an ninh, ổn định và phát triển kinh tế, ngăn ngừa và chống lại tham nhũng qua các sáng kiến, gia tăng sự minh bạch và số hóa.”
Tham nhũng tạo nên bất ổn và ảnh hưởng đến các chiều kích kinh tế và nhân văn
Phái đoàn của Tòa Thánh phát biểu rằng “do đại dịch Covid-19, chúng ta đã thấy những thay đổi xã hội, kinh tế và môi trường rõ ràng”, và kêu gọi “chú ý hơn đến cuộc chiến chống tham nhũng ở mức độ cá nhân, quốc gia và quốc tế”. Tham nhũng là mối đe dọa to lớn bởi vì nó “tạo nên sự bất ổn và bao phủ nhiều khía cạnh của chiều kích kinh tế và nhân văn.”
Tham nhũng làm mất sự tin cậy vào hệ thống pháp luật
Bài tham luận của phái đoàn Tòa Thánh khẳng định tiếp: “Không thể phủ nhận rằng tham nhũng, một trong những vết thương nặng nề nhất trong kết cấu xã hội, tạo ra thiệt hại nghiêm trọng, cả từ quan điểm đạo đức và kinh tế. Trên thực tế, nó mang lại ảo tưởng về thu nhập nhanh chóng và dễ dàng, nhưng thực tế nó gây thiệt hại cho tất cả mọi người, làm suy yếu niềm tin lẫn nhau, làm mờ đi tính minh bạch và dẫn đến nghi ngờ về độ tin cậy của toàn bộ hệ thống pháp luật và xã hội”.
Tham nhũng làm suy giảm phẩm giá của cá nhân và phá vỡ mọi lý tưởng tốt đẹp
Bài tham luận nhắc lại những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói vào ngày 18/03/2019, trong buổi tiếp các quan chức của Tòa án Kiểm toán tại Vatican: “Tham nhũng làm suy giảm phẩm giá của cá nhân và phá vỡ mọi lý tưởng tốt đẹp. Toàn xã hội được kêu gọi dấn thân cách cụ thể để giải quyết bệnh ung thư tham nhũng dưới nhiều hình thức khác nhau”.
Minh bạch và trung thực, tạo niềm tin: cách thế chống tham nhũng
Tòa Thánh nhắc nhở các vị lãnh đạo các nước về “nhiệm vụ quan trọng là phải hoạt động với sự minh bạch và trung thực, và như thế sẽ thúc đẩy mối quan hệ tin tưởng giữa các công dân và các tổ chức.” Tòa Thánh cũng cảnh giác về cơ hội tham nhũng trong thời gian đại dịch.
Cuối cùng Tòa Thánh nhận định rằng tình trạng khẩn cấp toàn cầu do Covid-19 cũng là cơ hội để cộng đồng quốc tế tìm những giải pháp mới và sáng tạo chống lại nạn tham nhũng. Tòa Thánh hy vọng “những giải pháp này không chia rẽ, phân cực hay thiên tư, nhưng tìm kiếm ích lợi chung và sự phát triển con người toàn diện cho tất cả.” (CSR_4619_2020)
Hồng Thủy
2020
Vatican bổ nhiệm các thành viên mới cho Ủy ban Giáo hoàng về các hoạt động y tế
Với sự ủy quyền của Đức Thánh Cha, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã bổ nhiệm các thành viên mới cho “Ủy ban Giáo hoàng về các hoạt động y tế của các pháp nhân công của Giáo hội” trong giai đoạn ba năm từ 6/2020-6/2023.
Ủy ban được Đức Thánh Cha thành lập vào năm 2015, có nhiệm vụ thực hiện các nghiên cứu chung để xác định tính bền vững của hệ thống chăm sóc sức khỏe các pháp nhân của Giáo hội, và để chuẩn bị các chiến lược hoạt động bền vững lâu dài phù hợp với Học thuyết xã hội của Giáo hội.
Thành viên mới
Đức ông Luigi Mistò, chủ tịch Quỹ chăm sóc sức khỏe (FAS) của Tòa thánh, được xác nhận là Chủ tịch của Ủy ban Giáo hoàng.
Các thành viên mới bao gồm: Đức ông Segundo Tejado Munoz, Phó Tổng thư ký Bộ Phát triển nhân bản toàn diện; giáo sư Renato Balduzzi, giảng viên Luật Hiến pháp của Đại học Công giáo Thánh Tâm Milano; luật sư Giovanni Barbara, giáo sư Luật Thương mại; Fabrizio Celani, chủ tịch quốc gia của Hiệp hội Công nhân Y tế Công giáo và một số các vị khác. Sơ Annunziata Remossi, đang phục vụ tại Bộ Tu sĩ sẽ là Thư ký của Ủy ban.
Phòng Báo chí Tòa Thánh lưu ý rằng “Ủy ban có thể sử dụng những lời khuyên từ các kỹ thuật viên và quản lý trong lĩnh vực này, phát triển kinh nghiệm đã thực hiện; ủy thác một phần chức năng cho một hoặc nhiều thành viên; và thiết lập các Tiểu ban”.
Chúc mừng đến Ủy ban
Đức Hồng y Pietro Parolin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thành viên của Ủy ban sắp mãn nhiệm vì sự phục vụ được thực hiện với năng lực và lòng quảng đại. Quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng phác thảo các chỉ dẫn và đề xuất để bắt đầu một giai đoạn hoạt động mới của Ủy ban Giáo hoàng, để nó ngày càng có thẩm quyền và hiệu quả hơn trong việc phục vụ của thế giới Y tế Công giáo, chăm sóc sức khỏe và thực hiện những nhiệm vụ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã ủy thác. Đức Hồng y nhấn mạnh rằng trong trường hợp khẩn cấp về chăm sóc sức khỏe hiện nay, đây là những nhiệm vụ không mất đi sự liên quan và cấp bách của chúng.
Ngọc Yến