2020
50 tấn thiết bị y tế được gửi tới Amazon
Theo thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh: Ngày 25/6/2020 một chiếc máy bay chở 50 tấn dụng cụ y tế đến vùng Amazon để trợ giúp cho người nghèo. Đây là sáng kiến cộng tác giữa Bộ Giáo dục Công giáo và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Quỹ Giáo dục Công giáo (Quỹ Gravissimum Educationis), hoạt động cạnh Bộ Giáo dục Công giáo trực tiếp thực hiện sáng kiến này. Quỹ Giáo dục Công giáo được Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập ngày 28/10/2015. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Quỹ quan tâm đến các hoàn cảnh khó khăn nhất. Quỹ hỗ trợ các dự án mới và mang lại ảnh hưởng, đầu tư vào chất lượng, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và hợp tác giữa các tổ chức giáo dục.
Như vậy, một tình liên đới được kết nối từ Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đến Lima của Peru. Máy bay chở 50 tấn viện trợ nhân đạo sẽ được đưa đến Nam Mỹ, sau đó bằng đường bộ, hàng cứu trợ sẽ tiếp tục vận chuyển đến các nơi đang cần được hỗ trợ, cụ thể là Iquitos.
Ở thành phố Iquitos có khoảng 400 ngàn dân đang sinh sống ở dọc sông Amazon, trong khu rừng rậm nhiệt đới Amazon. Chuyến bay vận chuyển các đồ dùng cần thiết giúp ngăn chặn đại dịch lây lan. Đây hiện là tâm dịch mới toàn cầu.
Khẩu trang, bao tay, oxy y tế và thực phẩm sẽ được Giáo hội địa phương sắp xếp: một phần sẽ được dành cho các cơ sở y tế và giáo dục; phần còn lại phân phối cho các gia đình trong khu vực.
Thái tử Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan của Abu Dhabi, đã đáp lại lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc giúp đỡ các dân tộc nghèo trên thế giới bằng cách quyên góp trang thiết bị y tế. Sự hợp tác này là một phần của Tài liệu về tình huynh đệ con người vì hòa bình và chung sống đã được ký tại Abu Dhabi.
Đức ông Guy-Réal Thivierge, Tổng thư ký của Quỹ Giáo dục Công giáo cho biết: “Các dân tộc ở đây hiện không chỉ phải đối phó với đại dịch, nhưng còn cả nghèo đói. Trong hoàn cảnh này, điều ưu tiên là sự sống còn của họ. Vì thế trước tiên chúng tôi phải đáp ứng các nhu cầu cơ bản, sau đó là giáo dục. Đây là cách tiếp cận mở ra con đường giáo dục toàn diện”. (CSR_4824_2020)
Ngọc Yến
2020
ĐTC cầu nguyện cho các nạn nhân động đất ở bang Oaxaca, Mexico
ĐTC cầu nguyện cho các nạn nhân động đất ở bang Oaxaca, Mexico
Đức Thánh Cha Phanxicô nghĩ đến các anh chị em nạn nhân của trận động đất 7,4 độ ở bang Oaxaca, miền nam Mexico, hôm thứ Ba 23/06 vừa qua, và cầu nguyện cho họ.
Một trận động đất mạnh 7,4 độ xảy ra ở phía nam Mexico hôm thứ Ba, làm ít nhất 5 người thiệt mạng, làm hư hại nhiều tòa nhà và khiến hàng ngàn người chạy ra khỏi nhà.
Dịch vụ địa chấn Mexico cho biết trận động đất xảy ra ở bang miền nam Oaxaca lúc 10:29 sáng giờ địa phương. Các dư chấn được cảm thấy cách xa hơn 400 dặm ở Mexico City, thủ đô của đất nước. Tâm chấn của động đất ở ngay phía đông Huatulco, một trong những điểm du lịch hàng đầu của Mexico. Một số báo cáo cho biết đã có hơn một trăm dư chấn, hầu hết là nhỏ.
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), trận động đất hôm thứ Ba đã đưa ra cảnh báo sóng thần trên bờ biển Thái Bình Dương của Mexico và Trung Mỹ.
Đức Thánh Cha gần gũi và cầu nguyện cho các nạn nhân
Trong lời chào các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha vào cuối buổi tiếp kiến chung 24/06, Đức Thánh Cha nghĩ đến những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Ngài nói: “Hôm qua một trận động đất dữ dội đã tấn công miền nam Mexico, khiến cho một số người thiệt mạng, bị thương và thiệt hại rất lớn. Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả họ. Xin cho họ họ tìm thấy sức mạnh và nâng đỡ trong sự trợ giúp của Chúa và anh chị em của mình.” Và ngài an ủi họ: “Anh chị em, tôi rất gần gũi với anh chị em.”
Kể từ năm 1985, các trận động đất ở Mexico làm cho hơn 10.000 người chết. Trận động đất nghiêm trọng cuối cùng xảy ra vào ngày 13/09/2017, gây thiệt hại lớn, ngay cả ở thủ đô Mexico. Tổng cộng có 360 người chết và 6.000 người bị thương, hơn 10.000 tòa nhà bị hư hại, trong đó khoảng 1.500 tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn. (CSR_4695_2020)
2020
Cuộc đời của tu sĩ trẻ Simplício, 28 tuổi qua đời vì nhiễm virus corona trong khi dấn thân phục vụ người nghèo
Cuộc đời của tu sĩ trẻ Simplício, 28 tuổi qua đời vì nhiễm virus corona trong khi dấn thân phục vụ người nghèo
Khi tuyên khấn trong dòng Phanxicô vào năm 2016, thanh niên Rodolfo đã lấy tên dòng là Simplício, theo tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là đơn giản, một cái tên nói lên tất cả ước nguyện sống bình dị của một cuộc đời thánh hiến. Sau khi tuyên khấn, thầy Simplício được sai đến phục vụ tại cộng đoàn Toca de Assis, Brazil, một cộng đoàn huynh đệ với đặc sủng chầu Thánh Thể và chăm sóc những nghèo, đặc biệt những người nghèo trên đường phố. Với sự dấn thân quên mình cho người nghèo, đặc biệt trong thời điểm đại dịch, thầy Simplício đã về Nhà Cha 29/5/2020, nguyên nhân do bị nhiễm Covid-19.
Ước mơ được thực hiện
Các anh em trong dòng kể lại, trong ngày tuyên khấn, thầy Simplício nói về hai ước mơ từ khi còn nhỏ: trở thành ca viên và được rước lễ lần đầu. Vào năm 8 tuổi, cả hai ước mơ đã được thực hiện, và Rodolfo ngày càng dấn thân phục vụ Giáo hội và người vô gia cư nhiều hơn. Thầy kể lại trải nghiệm: “Chúa đã gọi tôi trong môi trường giáo xứ để chỉ cho những người trẻ khác thấy cử hành phụng vụ của chúng ta đẹp như thế nào. Giáo hội luôn có một sức cuốn hút đối với tôi. Tôi đã nghĩ đến việc trở thành một linh mục, nhưng khi biết đến đời sống thánh hiến, lập tức tôi say mê và muốn theo ơn gọi này. Tôi tìm hiểu và biết cộng đoàn huynh đệ Toca de Assis. Thế là khi tròn 18 tuổi, tôi đã xin gia nhập cộng đoàn”.
“Chúa yêu cầu tôi dâng hiến một điều gì đó nhiều hơn và một điều gì đó mà tôi có thể dâng trọn cuộc đời mình. Tôi cần sống với Chúa Giêsu một cách đặc biệt, không chỉ đơn giản đến nhà thờ. Cộng đoàn huynh đệ Toca và đời sống thánh hiến là một hồng ân lớn đã giúp tôi thực hiện ước mơ đời mình. Sống với Chúa, thờ lạy Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và chăm sóc người nghèo trên đường phố là ước muốn ban đầu của tôi và đây là mong muốn theo tôi suốt cuộc đời. Sứ vụ của cộng đoàn Toca de Assis là thờ lạy Chúa Giêsu và chạm đến con tim của người nghèo, cả hai như nhau”.
Cầu nguyện và bác ái
Với câu lời Chúa như kim chỉ nam cho cuộc đời dâng hiến vì Chúa và người nghèo: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã hiến mình vì bạn hữu” (Ga 15,13), sau những giờ cầu nguyện, thầy Simplício thi hành sứ vụ ở Fortaleza, một khu vực ở bờ biển phía đông Brazil. Công việc hàng ngày của thầy là đến với người nghèo đang sống trên đường phố. Thầy không chỉ mang đến cho người nghèo những trợ giúp về mặt vật chất, mà trên hết là những lời an ủi động viên.
Chết vì người nghèo là một đặc ân
Khi cuộc khủng hoảng sức khỏe đến khu vực thầy phục vụ, thầy vẫn trung thành mỗi ngày đến với người nghèo, và có lẽ thầy nghĩ rằng mình còn trẻ, virus corona sẽ không làm hại đến mình. Vả lại, theo thầy, trong thời điểm đại dịch số người nghèo sống trên đường phố gia tăng. Vì thế, thầy không thể bỏ mặc họ, phải tìm mọi cách để trợ giúp họ. Và rồi với sự dấn thân quảng đại liên tục vì người nghèo, thầy Simplício đã bị nhiễm virus corona. Cũng như mọi người khác khi bị virus tấn công, mặc dù còn trẻ nhưng thầy Simplício cũng đã phải chiến đấu hết sức trước khi trở về Nhà Cha.
Trước khi đi vào hôn mê, thầy Simplício đã gửi tin nhắn audio cho một số người bạn bằng việc trích những lời của Thánh Vinh Sơn: “Được chết vì người nghèo là một đặc ân, bởi vì chính người nghèo sẽ mở cửa Thiên đàng cho chúng ta”.
Khi nghe tin thầy Simplício qua đời, Đức cha Orani Tempesta, Tổng Giám mục Rio de Janeiro đã gửi thư chia buồn đến cộng đoàn của vị tu sĩ trẻ, trong thư Đức cha viết: “Khi biết rõ về cuộc đời của thầy Simplício, tôi tạ ơn Chúa vì những mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta ngày hôm nay. Tôi ước muốn ngày càng có nhiều dấu chỉ như thế xuất hiện trong xã hội và Giáo hội. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì những người nam và những người nữ dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa và cho những người nghèo khổ”.
“Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng nếu virus có thể chạm đến tất cả mọi người bất kể người đó thuộc về tôn giáo nào, quốc gia hay xã hội nào. Nhưng trên tất cả người nghèo phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Thầy Simplício đã bị nhiễm Covid-19 sau khi đến các ngã đường phố giúp đỡ người nghèo. Thầy đã dâng hiến cả cuộc đời cho Đức Kitô. Nụ cười của thầy Simplício đã nói rất nhiều về ánh sáng hiện diện trong tâm hồn thầy. Thầy đã muốn phục vụ người nghèo cho đến mức trao ban sự sống vì họ. Xin chia buồn và chúc mừng cộng đoàn vì đã có một người anh em gương mẫu thánh thiện như thế”.
Ngọc Yến
2020
ĐTC Phanxicô: Chúng ta không bao giờ đơn độc khi cầu nguyện với Chúa về cuộc sống của mình
ĐTC Phanxicô: Chúng ta không bao giờ đơn độc khi cầu nguyện với Chúa về cuộc sống của mình
Sáng thứ Tư 24/06, trong buổi tiếp kiến chung được truyền chiếu trực tiếp từ Thư viện Dinh Tông Tòa, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý về đề tài cầu nguyện với “Lời cầu nguyện của vua Đa-vít”. Ngài mời gọi cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh, như vua Đa-vít, khi thánh thiện cũng như khi là tội nhân.
Khi còn là cậu bé, Đa-vít hàng ngày ra đồng chăm sóc đàn chiên của cha mình. Cậu bé Đa-vít cũng là người yêu thích âm nhạc và thi ca; chính điều này giúp cậu nhận ra sự nhiệm mầu của thiên nhiên và từ đó phát sinh việc cầu nguyện.
Là mục tử và là vua, Đa-vít là hình ảnh báo trước của Chúa Giê-su Mục tử tốt lành và Vua hoàn vũ; mối quan hệ cầu nguyện với Cha trên trời đã nâng đỡ toàn cuộc sống của Chúa Giê-su.
Đa-vít vừa là thánh nhân vừa là tội nhân, cuộc đời ông đầy những mâu thuẫn; tuy nhiên trong ơn gọi lãnh đạo dân Chúa, ông luôn kiên trì cầu nguyện trò chuyện với Chúa.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng cuộc đời của chúng ta cũng ghi dấu bởi những điều mâu thuẫn và những động lực bất nhất. Ngài mời gọi các tín hữu noi gương vua Đa-vít, hãy luôn hiện diện trước Chúa, tín thác nói với Chúa niềm vui và nỗi buồn, khiếm khuyết và đau khổ, tạ ơn về mỗi ơn lành chúng ta nhận được. Khi cảm nhận được Chúa luôn đồng hành với chúng ta trong mọi hoàn cảnh sống, chúng ta có thể chia sẻ niềm vui này với người khác.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý với việc giải thích về nhân vật Đa-vít: Được Thiên Chúa yêu quý từ khi còn là một cậu bé, Đa-vít được chọn để thi hành một sứ vụ duy nhất; ông sẽ đảm nhận vai trò trung tâm trong lịch sử của dân Chúa và đức tin của chúng ta. Trong Tin mừng, Chúa Giêsu được gọi nhiều lần là “con vua Đa-vít”; thật ra, giống như ông, Chúa được sinh ra tại Bê-lem. Theo lời hứa, Đấng Mê-si-a sẽ xuất phát từ dòng dõi của Đa-vít: một vị Vua hoàn toàn theo ý muốn của Thiên Chúa, trong sự vâng phục Chúa Cha hoàn toàn, ông trung thành thực hiện kế hoạch cứu độ của Chúa (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2579).
Đa-vít: một mục tử
Câu chuyện của Đa-vít bắt đầu trên những ngọn đồi xung quanh Bê-lem, nơi ông chăm sóc đàn chiên của cha, ông Giê-sê. Đa-vít vẫn là một cậu bé, người em út của nhiều anh em. Đến nỗi khi tiên tri Samuel, theo lệnh của Thiên Chúa, lên đường tìm kiếm vị vua mới, cha của Đa-vít dường như đã quên mất đứa con trai út đó (x. 1 Sm 16,1-13). Cậu làm việc ngoài đồng: chúng ta nghĩ anh ấy là một người bạn của gió, của các âm thanh của thiên nhiên, của những tia nắng mặt trời. Cậu chỉ có một người bạn để an ủi tâm hồn mình, đó là cây đàn, và trong những ngày dài đơn độc, cậu ta thích chơi đàn và ca hát ngợi khen Chúa. Cậu cũng thích chơi với cái ná.
Do đó, Đa-vít trước hết là một mục tử: một người chăm sóc các thú vật, người bảo vệ chúng khi gặp nguy hiểm, người cung cấp thức ăn nuôi dưỡng chúng. Khi theo ý muốn của Thiên Chúa, Đa-vít sẽ phải chăm sóc cho dân Chúa, việc ông làm sẽ không khác lắm với những điều này. Đó là lý do tại sao hình ảnh người mục tử thường xuất hiện trong Kinh Thánh. Chính Chúa Giêsu cũng định nghĩa mình là “mục tử tốt lành”, người hành động khác với những người chăn thuê; Chúa hiến mạng sống mình vì chiên, Người hướng dẫn họ, biết tên của từng con chiên (x. Ga 10,11-18).
Đa-vít đã học được rất nhiều từ công việc trước đây của mình. Vì vậy, khi ngôn sứ Na-tan quở trách ông vì tội lỗi rất nặng nề của ông (x. 2 Sm 12,1-15), Đa-vít hiểu ngay rằng ông là một mục tử xấu, rằng ông đã cướp lấy con chiên duy nhất, yêu quý của một người khác, rằng ông không còn là một tôi tớ khiêm nhường, mà là một người điên cuồng vì quyền lực, một kẻ săn trộm giết người và cướp bóc.
Đa-vít với tâm hồn thi sĩ
Một đặc điểm thứ hai cũng có trong ơn gọi của Đa-vít là tâm hồn thi sĩ của ông. Từ sự quan sát đơn sơ này, chúng ta có thể suy luận rằng Đa-vít không phải là một người đàn ông thô tục, như thường xảy ra với những người bị buộc phải sống cô lập với xã hội trong thời gian dài. Ngược lại, ông là một người nhạy cảm, yêu âm nhạc và ca hát. Chiếc đàn hạc của ông luôn ở bên ông: đôi khi để dâng lên Chúa một bài thánh thi vui mừng với (x. 2 Sm 6,16), những lần khác để bày tỏ một lời than thở, hoặc thú nhận tội lỗi của chính mình (x. Tv 51,3).
Chiêm niệm mầu nhiệm cuộc sống
Thế giới xuất hiện trước mắt ông Đa-vít không phải là một khung cảnh câm lặng: khi mọi thứ được bày tỏ trước mắt ông, ông nhận thấy một mầu nhiệm lớn hơn. Đó chính là nơi cầu nguyện phát sinh: từ xác tín rằng cuộc sống không phải là thứ bất ngờ xảy đến với chúng ta, mà là một mầu nhiệm đáng kinh ngạc truyền cảm hứng cho thơ ca, âm nhạc, lòng biết ơn, lời khen ngợi, thậm chí là than thở và cầu xin trong chúng ta. Khi một người thiếu chiều kích thi ca thì tâm hồn người đó bị khập khễnh. Do đó, theo truyền thống, Đa-vít là nghệ sĩ vĩ đại trong việc sáng tác các Thánh vịnh. Nhiều Thánh vịnh, ngay từ đầu đã đề cập rõ ràng đến vị vua của Israel và đến một số sự kiện ít nhiều nổi bật trong cuộc đời ông.
Do đó, vua Đa-vít có một giấc mơ: giấc mơ của một mục tử tốt. Đôi khi ông có thể thực hiện tốt nhiệm vụ đó, đôi khi ít thành công hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là trong bối cảnh của lịch sử cứu độ, chính ông là một lời tiên tri về một vị Vua khác, người mà ông chỉ loan báo và là hình bóng.
Cầu nguyện: trò chuyện với Chúa về mọi điều trong cuộc sống
Chúng ta hãy nhìn ngắm vua Đa-vít, hãy suy nghĩ về ông. Thánh thiện và tội lỗi, bị bắt bớ và là người bắt bớ, nạn nhân và kẻ giết người. Đa-vít là tất cả những điều này. Và trong cuộc sống của mình, chúng ta cũng đã ghi lại những sự kiện thường trái ngược nhau; trong cuộc sống, tất cả mọi người thường phạm tội vì sự không nhất quán. Có một sợi chỉ đỏ duy nhất chạy suốt cuộc đời vua Đa-vít, liên kết mọi thứ xảy ra: đó là lời cầu nguyện của ông. Đó là tiếng nói không bao giờ bị dập tắt. Đa-vít thánh thiện, cầu nguyện; Đa-vít tội lỗi, cầu nguyện; Đa-vít người bách hại, cầu nguyện; Đa-vít nạn nhân, cầu nguyện. Ngay cả Đa-vít bạo chúa, cầu nguyện. Đây là sợi chỉ đỏ trong cuộc sống của ông. Một con người cầu nguyện. Đó là tiếng nói không bao giờ tắt: nó là những giai điệu tưng bừng hay than thở, nó luôn luôn là lời cầu nguyện, chỉ có giai điệu thay đổi. Khi làm như vậy, vua Đa-vít dạy chúng ta hãy đưa mọi sự vào cuộc đối thoại với Chúa: niềm vui cũng như cảm giác tội lỗi, tình yêu cũng như đau khổ, tình bạn cũng như bệnh tật. Tất cả mọi thứ có thể trở thành một lời thốt ra với “Ngài”, Đấng luôn lắng nghe chúng ta.
Cầu nguyện đặt chúng ta trong bàn tay Chúa
Vua Đa-vít, người đã biết về sự đơn độc, trong thực tế lại không bao giờ cô đơn! Cuối cùng, đây là sức mạnh của lời cầu nguyện nơi tất cả những người biết dành chỗ cho cầu nguyện trong cuộc sống của họ. Cầu nguyện làm cho bạn trở nên cao thượng, và Đa-vít cao thượng bởi vì ông cầu nguyện. Nhưng ông là một đao phủ, ông cầu nguyện, ăn năn và ông trở lại cao quý nhờ lời cầu nguyện. Cầu nguyện cho chúng ta sự cao quý: nó có khả năng đảm bảo mối quan hệ của họ với Thiên Chúa, là Người Đồng hành thực sự trên hành trình của mỗi người, giữa muôn ngàn nghịch cảnh của cuộc sống, tốt lành hay xấu xa: nhưng luôn luôn cầu nguyện. Con cảm ơn Chúa. Con sợ Chúa. Lạy Chúa xin hãy giúp con. Lạy Chúa, xin tha thứ cho con. Đa-vít rất tín thác đến nỗi khi bị bắt bớ và phải chạy trốn, ông đã không để ai bảo vệ mình: “Nếu Chúa của tôi làm nhục tôi như thế này, Người biết”, bởi vì sự cao quý của cầu nguyện để chúng ta trong tay Chúa. Đôi tay chịu thương tích của tình yêu, và đôi tay an toàn duy nhất mà chúng ta có.
Hồng Thủy