2020
Các Giám mục Uruguay: Trợ tử không thể chấp nhận được về mặt đạo đức luân lý
Các Giám mục Uruguay: Trợ tử không thể chấp nhận được về mặt đạo đức luân lý
“Không thể chấp nhận được về mặt đạo đức khi gây ra cái chết của bệnh nhân, thậm chí để tránh đau đớn và đau khổ, ngay cả khi bệnh nhân yêu cầu rõ ràng về điều đó”.
Hội đồng Giám mục Uraguay đã viết như trên trong một tuyên bố được phổ biến trong những ngày vừa qua, sau khi kết thúc Hội nghị Thường niên.
Tài liệu được công bố vào thời điểm ở trong nước đang có thảo luận về một dự luật dành riêng cho trợ tử và cái chết êm dịu. Vì thế mục đích của các Giám mục là “đóng góp cho các cuộc tranh luận công khai và cần thiết về một chủ đề liên quan đến phẩm giá con người”.
Tuyên bố có đoạn: “Không phải bệnh nhân, cũng không phải nhân viên chăm sóc sức khỏe, hoặc gia đình có quyền quyết định hoặc gây ra cái chết của một người. Một hành động như vậy cấu thành một hình thức giết người được thực hiện trong bối cảnh lâm sàng”.
Đồng thời, Hội đồng Giám mục nói rõ: “Ngay cả điều trị kiên trì cũng không được chấp nhận về mặt đạo đức, nghĩa là muốn kéo dài cuộc sống của bệnh nhân bằng mọi giá, mặc dù biết không thể mang lại lợi ích gì cho người bệnh. Việc áp dụng trình tự chẩn đoán và điều trị không cân xứng chỉ để kéo dài sự đau đớn không cần thiết”.
Hội đồng Giám mục đánh giá cao việc chăm sóc giảm nhẹ và mong muốn mọi người đều được hưởng việc chăm sóc này: “Thuốc giảm đau là một chỉ định y khoa chính xác về mặt khoa học và đạo đức luân lý, được sử dụng khi bệnh nhân không thể chịu đựng được cơn đau. Cần phải được theo dõi lâm sàng liên tục, có sự đồng ý rõ ràng hoặc mặc nhiên của bệnh nhân, hoặc trong trường hợp người bệnh không có khả năng biểu hiện ý muốn thì gia đình bệnh nhân được ủy quyền làm điều này”.
Hơn nữa, các Giám mục khẳng định sử dụng thuật ngữ chung “đau khổ không chịu nổi” hoặc những khái niệm mơ hồ như “cuộc sống không xứng đáng được sống” hay “cái chết xứng đáng” để hợp pháp hóa cái chết êm dịu và trợ tử là sai lầm và mở đường cho sự kế thừa các hành vi vi phạm phẩm giá con người. Các Giám mục giải thích: “Thực tế, trong các thuật ngữ này không có thuật ngữ nào có một giải thích rõ ràng và có ý nghĩa. Và kinh nghiệm của các quốc gia khác cho thấy, cuối cùng họ đã phát sinh nhiều hành vi lạm dụng khác”.
Các Giám mục Uruguay nhắc lại tầm quan trọng của việc trợ giúp tôn giáo đối với những người bị bệnh nặng và sắp chết: “Giáo hội, phục vụ nhân loại, muốn trao ban ánh sáng sự sống đời đời khởi nguồn từ Đức Kitô đã chết và sống lại, khả năng lấp đầy những tình huống phức tạp và thường đau đớn nhất của con người bằng tình yêu, lòng thương xót và hy vọng. Điều này cho phép người bệnh được phó thác cho Thiên Chúa Cha trong bình an và xứng nhân phẩm”. (CSR_4930_2020)
Ngọc Yến
2020
ĐTC Phanxicô điện đàm với Thái tử của các Tiểu Vương quốc Ả rập
ĐTC Phanxicô điện đàm với Thái tử của các Tiểu Vương quốc Ả rập
Trong cuộc trò chuyện mới đây với Thái tử của các Tiểu Vương quốc Ả rập, Đức Thánh Cha Phanxicô cám ơn các Tiểu Vương quốc Ả rập về các viện trợ vật tư y tế và thực phẩm cho các nước nghèo đang đối phó với đại dịch Covid-19.
ĐTC Phanxicô và Thái tử Mohammed Bin Zayed bin Sultan Al-Nahyancủa Abu Dhabi
Theo hãng tin Emirates, Đức Thánh Cha Phanxicô đã điện thoại cho ông Mohammed bin Zayed Al Nahyan, Thái tử của Abu Dhabi và cũng là Chỉ huy phó của quân đội.
Quan hệ giữa Vatican và các Tiểu Vương quốc Ả rập
Đức Thánh Cha và vị lãnh đạo chính trị của quốc gia Hồi giáo đã thảo luận về các mối liên hệ chặt chẽ giữa các Tiểu Vương quốc Ả rập và Vatican, và các cách thế củng cố các mối quan hệ này để có thể đạt được các mục đích chung của cả hai bên. Trong cuộc trò chuyện, hai vị lãnh đạo cũng đề cập đến sự lan rộng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu và những nỗ lực để chống lại đại dịch này.
Đức Thánh Cha và Thái tử của Abu Dhabi đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của tình liên đới nhân loại qua các việc làm và dự án trong năm qua, đóng góp vào việc cải thiện các hoạt động của thế giới cả ở lĩnh vực nhân văn, kinh tế, y tế và các loại khác.
Đức Thánh Cha đã cám ơn các Tiểu Vương quốc Ả rập
Về phần mình, Đức Thánh Cha đã cám ơn các Tiểu Vương quốc Ả rập đã cộng tác với Vatican trong việc cung cấp các vật tư y tế và thực phẩm cho những người bị ảnh hưởng bởi virus corona, đặc biệt là cho người dân miền Amazon của Cộng hòa Peru. Các Tiểu Vương quốc Ả rập đã thiết lập một đường bay để chuyển chở 50 tấn dụng cụ y tế và thực phẩm cho những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Một phần khoản viện trợ được gửi đến cho người nghèo ở Iquitos, một thành phố có 400.000 dân ở trong vùng rừng rậm Amazon.
Từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, các Tiểu Vương quốc Ả rập đã cung cấp khoảng một ngàn tấn hàng cho các trợ giúp y tế và nhân đạo, giúp cho khoảng 963.000 nhân viên y tế tại 68 quốc gia trên toàn thế giới nhắm hỗ trợ nỗ lực của các quốc gia đối phó với đại dịch. (Sismografo 29/06/2020)
Hồng Thủy
2020
Đức Giám Mục Madison lên án việc phá hủy các bức tượng tôn giáo
Đức Giám Mục Madison lên án việc phá hủy các bức tượng tôn giáo
Khi những kẻ bạo loạn trên khắp Hoa Kỳ nhắm vào các bức tượng mô tả các nhân vật lịch sử, Đức Cha Donald Hying, Giám mục giáo phận Madison, Wisconsin đã lên tiếng tố cáo những sự phá hủy đó, đặc biệt là lời kêu gọi phá hủy các pho tượng và tranh ảnh mô tả về Chúa Giêsu Kitô và Đức Trinh Nữ Maria.
“Một số bức tượng nên được đặt trong các viện bảo tàng hoặc các nơi lưu trữ an toàn? Có thể là như thế. Nhưng liệu chúng ta có nên để một nhóm những kẻ phá hoại đưa ra những quyết định như thế cho chúng ta hay không? Chắc chắn là không, ” Đức Cha Hying nói trong một lá thư đề ngày 23 tháng Sáu.
“Nếu chúng ta cho phép các hình ảnh lịch sử và kỷ niệm của quốc gia chúng ta bị phá hủy bởi các nhóm ngẫu nhiên trong thời điểm tức giận hiện tại, chúng ta sẽ học được gì từ lịch sử đó? Liệu việc lật đổ và phá hoại một bức tượng của George Washington, vì ông ta sở hữu các nô lệ, có thực sự phục vụ đất nước và ký ức tập thể của chúng ta không? ”
Một ngày trước đó, một nhà hoạt động cho quyền của người da đen trong phong trào “Black Lives Matter” nghĩa là “Mạng Sống Người Da Đen Đáng Giá” đã lớn tiếng đòi giật sập tất cả các tượng Chúa, Đức Mẹ và các thánh trên đất Mỹ.
Shaun King, 40 tuổi, nói:
“Tôi nghĩ rằng những bức tượng của người Âu châu da trắng mà họ tuyên bố là Chúa Giêsu cũng phải bị giật xuống. Họ là một hình thức của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Luôn luôn là như thế.” Shaun King đã hô hào như trên giữa lúc phong trào đòi giật đổ các tượng đài đang trở thành một cao trào tại Mỹ.
King mở rộng yêu cầu của mình bao gồm tất cả các bức tranh trên tường và cửa sổ kính màu vẽ Chúa Giêsu với nước da trắng, và Mẹ người, và các thánh theo hình ảnh của người Âu Châu.
“Những ảnh tượng này là một dạng thức thô bạo của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Chúng được tạo ra như là công cụ của áp bức và tuyên truyền phân biệt chủng tộc. Tất cả những ảnh tượng đó phải bị giật xuống.”
Đáp lại, Đức Cha Hying lưu ý rằng “Mọi nền văn hóa, quốc gia, dân tộc và chủng tộc đã đồng hóa Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria như những gì là của riêng họ. Họ miêu tả các ngài với màu da, văn hóa và các trang phục văn hóa của họ.”
“Giáo lý Công Giáo nêu trong đoạn 1149 rằng ‘Phụng vụ của Hội Thánh thừa nhận, tiếp thu và thánh hoá các yếu tố trong thiên nhiên và trong nền văn hóa nhân loại, đồng thời làm cho chúng trở nên những dấu chỉ của ân sủng, của thụ tạo mới trong Đức Kitô.’”
“Chẳng hạn, Đức Mẹ Guadalupe đã xuất hiện như một người thuộc chủng tộc mestiza, hay người lai Tây Ban Nha và da đỏ. Nghệ thuật châu Phi mô tả Chúa Giêsu là người da đen, và Đức Maria trong trang phục văn hóa châu Phi; và có rất nhiều hình ảnh mang nét Á châu của Đức Maria rất đẹp.”
Tại một số thời điểm trong lịch sử của Giáo hội, một số người đã nhầm lẫn giữa sự viên mãn của Công Giáo với văn hóa còn nhiều khiếm khuyết của Âu châu. Người Công Giáo nên cố gắng hướng đến sự hiệp nhất, là điều thiết yếu, trong sự đa dạng làm phong phú cho sự hiệp nhất thiết yếu ấy.
“Trong bối cảnh này, các hình ảnh mô tả Chúa Kitô và Mẹ của Ngài như người Âu Châu phải chăng là dấu chỉ của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng? Tôi không nghĩ như thế. Bởi vì Con Thiên Chúa đã nhập thể mặc lấy xác loài người của chúng ta, nên tất cả nhân loại – mọi chủng tộc, bộ lạc và mọi miệng lưỡi – đều có khả năng tâm linh để mô tả Ngài qua lăng kính đặc biệt từ nền văn hóa của họ.”
“Những miêu tả về Chúa Giêsu là thánh thiêng đối với các Kitô hữu. Đó là những biểu hiện thể chất của tình yêu Chúa và nhắc nhở chúng ta về sự gần gũi thân mật của Thiên Chúa”.
“Các biểu hiện duy thế tục trong thời điểm hiện tại sẽ không mang lại sự hòa giải, hòa bình và chữa lành. Bạo lực như vậy sẽ chỉ duy trì định kiến và hận thù mà nó dường như tìm cách chấm dứt… Chỉ có tình yêu của Chúa Kitô mới có thể chữa lành một trái tim bị thương, chứ không phải là một mảnh kim loại bị phá hoại, ” Đức Cha kết luận.
Tại Madison hôm thứ ba, những kẻ bạo loạn đã kéo xuống một bức tượng của Hans Christian Heg, một người theo trào lưu bãi bỏ nô lệ, người nổi tiếng đã chiến đấu chống lại các tiểu bang muốn duy trì tình trạng nô lệ, và ném bức tượng xuống hồ Monona của Madison. Mặc dù bức tượng Heg đã được vớt lên, nó đã bị hư hại nghiêm trọng và bị mất đầu và một chân. Việc kéo đổ bức tượng của Hans Christian Heg được nhiều người cho rằng nó cho thấy sự ngu xuẩn của đám đông.
Đặng Tự Do