2020
HĐGM Ý và Unicef hợp tác bảo vệ trẻ em trong đại dịch
HĐGM Ý và Unicef hợp tác bảo vệ trẻ em trong đại dịch
Hôm 02/7, Đức cha Stefano Russo, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Ý và ông Francesco Samengo, chủ tịch Unicef Ý đã ký một thỏa thuận trong ba năm, về việc trợ giúp trẻ em trong tình trạng khẩn cấp về sức khỏe trong thời gian đại dịch và cho đến khi hết đại dịch.
Thông qua bản ký kết này, HĐGM và Unicef muốn xác định, thúc đẩy và thực hiện các sáng kiến hỗ trợ chung, nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo đói, tình trạng bất công trong xã hội, nguy cơ nghỉ học sớm hoặc không được giáo dục, thiếu thốn y tế, bạo lực; đặc biệt chú ý đến quyền và điều kiện sống của trẻ em và thanh thiếu niên.
Đức cha Russo nói: “Nhiều lần Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng, để giáo dục một đứa trẻ phải cần cả một ngôi làng, và Giáo hội như là một cộng đoàn, phải có trách nhiệm đối với các thế hệ trẻ và quan tâm đến tương lai của chúng. Một đường lối phát triển đích thực không thể bỏ rơi trẻ em trong tình trạng nghèo đói, thiếu thốn và bệnh tật”.
Tổng thư ký khẳng định: “Tất cả trẻ em đều có quyền được chăm sóc để phát triển với tất cả sự hỗ trợ có thể, nhất là sau tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Vì thế thỏa thuận được ký kết với Unicef nhằm xây dựng một tương lai có khả năng chăm sóc và đem lại an toàn cho trẻ em”.
Cũng theo Đức cha Rosso, tất cả trẻ em đều có quyền sống, được phát triển và biết nhận ra tiềm năng của mình để xây dựng một thế giới thích hợp với các em hơn. Đức cha tin rằng qua bản ký kết này, cả hai bên có thể thực hiện được những việc làm cụ thể để đối phó với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe, và đặc biệt ngăn chặn các tác động nghiêm trọng tiếp theo của nó đối với điều kiện sống của nhiều trẻ em và thanh thiếu niên. (CSR_5006_2020)
Ngọc Yến
2020
Tòa Thánh lập lại lời ĐTC kêu gọi xóa nợ cho các nước đang phát triển
Tòa Thánh lập lại lời ĐTC kêu gọi xóa nợ cho các nước đang phát triển
Ngày 02/07/2020, trong Phiên họp thứ 67 của Hội đồng Thương mại và Phát triển của Liên Hiệp quốc, Đức Tổng giám mục Ivan Jurkovic, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại trụ sở Liên Hiệp quốc, đã lập lại lời Đức Thánh Cha kêu gọi xóa nợ cho các nước đang phát triển.
Đức Tổng giám mục Jurkovic lưu ý rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện tại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến cuộc sống và sinh kế của những người ở các nước đang phát triển. “Một thách thức trước mắt là đảm bảo rằng các nhà hoạch định chính sách có cơ hội và nguồn lực để đối phó với cú sốc y tế và giảm thiểu thiệt hại kinh tế đi kèm. Việc này có xảy ra hay không và xảy ra thế nào sẽ có hậu quả trực tiếp trong việc tạo ra sự phục hồi công bằng hơn, toàn diện hơn và kiên cường hơn.”
Đại diện của Tòa Thánh lưu ý rằng một con đường có thể làm giảm bớt tác động tàn phá, đó là “khắc phục gánh nặng nợ nước ngoài, ở cả cấp độ công lẫn tư của các nước đang phát triển trong những năm gần đây.”
Các nước nghèo nợ các tổ chức tài chính quốc tế và các quốc gia giàu có hàng tỷ đô la. Vào tháng 4, các nước G-20 đã đồng ý đình chỉ việc thanh toán nợ cho các nước nghèo nhất thế giới cho đến cuối năm 2020. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) không nằm trong đề nghị này.
Hồi tháng 6, Ngân hàng Thế giới đã công bố dữ liệu về thống kê nợ của 72 quốc gia có thu nhập thấp. Dữ liệu này tiết lộ rằng Trung Quốc đã vượt qua Ngân hàng Thế giới với tư cách là chủ nợ lớn nhất đối với các nước thu nhập thấp ở vùng hạ Sahara Châu Phi. Phân tích của ‘Sáng kiến nghiên cứu châu Phi’ của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đã cho vay 64 tỷ đô la ở châu Phi vào năm 2018.
Đức Tổng giám mục Jurkovic đã trích dẫn Thông điệp Urbi et Orbi, trong đó Đức Thánh Cha kêu gọi tất cả quốc gia “đáp ứng nhu cầu lớn nhất của thời điểm này thông qua việc giảm bớt, nếu không phải là tha bỏ, khoản nợ đang đè nặng lên bảng cân đối của các quốc gia nghèo nhất.” (CSR_5022_2020)
Hồng Thủy
2020
Báo cáo của Cơ quan Thông tin Tài chính Vatican trong năm 2019
Báo cáo của Cơ quan Thông tin Tài chính Vatican trong năm 2019
Trong năm 2019, Cơ quan Thông tin Tài chính (AIF), một tổ chức của Tòa Thánh-Quốc gia Thành Vatican với chức năng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đã nhận được 64 vụ trình báo, hơn 370 đối tượng bị tình nghi và bị điều tra; đã ban hành 4 biện pháp phòng ngừa và chặn 1 tài khoản ngân hàng.
Trên đây là nội dung của Báo cáo về hoạt động của Cơ quan Thông tin Tài chính, được công bố hôm thứ Sáu 03/7/2020.
Cộng tác với Văn phòng Tổng kiểm sát của Vatican
Bản báo cáo cho biết, trong năm qua AIF đã thực hiện 4 biện pháp phòng ngừa, kể cả ngăn chặn 1 tài khoản ngân hàng, với tổng số tiền tương ứng là 240.000 Euro, và một tài khoản khác gần 179.000 Euro. Cơ quan cũng đã gửi 15 báo cáo đến Văn phòng của Tổng Kiểm sát Vatican để việc kiểm tra giám sát được đảm bảo.
Hoạt động trao đổi thông tin với nước ngoài
Đối với hoạt động quốc tế, báo cáo cho biết có hơn 370 đối tượng bị tình nghi và bị điều tra. Cơ quan AIF đã trao đổi với các cơ quan ngoài Vatican, để có thêm thông tin trong tiến trình điều tra. Sự hợp tác quốc tế cũng cho phép phân tích các chương trình tài chính phức tạp với các kết nối với các khu vực pháp lý khác nhau, dẫn đến các báo cáo về các vi phạm tiềm ẩn và hành vi bất hợp pháp.
Chống tài trợ khủng bố
Liên quan đến cuộc chiến chống tài trợ khủng bố, báo cáo cho biết trong năm 2019 chỉ có một báo cáo có liên quan đến vấn đề này. Ngoài ra, trong năm 2019, có ba bản cập nhật đã được thực hiện, theo đó thêm vào danh sách các quốc gia có rủi ro cao. Nhìn chung, Ủy ban An ninh Tài chính (Cosifi) xác nhận mức độ rủi ro thấp trong bối cảnh chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Vấn đề trốn thuế
Năm 2019, làn sóng chuyển tiền xuyên biên giới giảm đáng kể. Báo cáo nhấn mạnh rằng việc phân tích các tuyên bố do AIF đưa ra không ghi nhận các bất thường hoặc chỉ số rủi ro đáng kể. Như thế, Tòa Thánh đã cam kết mạnh mẽ đảm bảo sự hợp tác và trao đổi thông tin quốc tế nhằm ngăn chặn trốn thuế và tạo điều kiện thực hiện nghĩa vụ thuế của công dân nước ngoài và các pháp nhân.
Ngân hàng Vatican
Liên quan đến Ngân hàng Vatican (IOR), trong năm 2019, AIF đã thực hiện hai cuộc thanh tra. Lần thứ nhất vào tháng Sáu, mục đích để xem có phù hợp với khuôn khổ luật pháp và qui luật về các dịch vụ trả tiền, cũng như để xem Ngân hàng có đầy đủ các điều kiện để gia nhập hệ thống trả tiền của các nước Âu châu, gọi tắt là SEPA hay không, và thực tế Ngân hàng Vatican đã hội đủ điều kiện để tham gia hệ thống SEPA. Thanh tra có kết quả tốt. và lần thứ hai vào tháng Tám, mục đích để xem Ngân hàng Vatican có phù hợp với các qui luật phòng ngừa và chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố hay không, và biện pháp được đề ra có tiến hành tốt hay không. Cả trong lãnh vực này, ngân hàng Vatican được nhìn nhận là hoạt động tốt, hợp qui luật.
Ngọc Yến
2020
ĐTC Phanxicô trợ giúp cho Chương trình Lương thực Thế giới
ĐTC Phanxicô trợ giúp cho Chương trình Lương thực Thế giới
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục hỗ trợ nỗ lực chống Covid 19 bằng việc gửi một khoản trợ giúp 25.000 euro cho chương trình Lương thực Thế giới (WFP) khi tổ chức này đang hoạt động để nuôi sống 270 triệu người trong năm nay giữa lúc nạn đói gia tăng do đại dịch virus corona.
Theo tổ chức Chương trình Lương thực Thế giới, mức độ lây nhiễm virus corona đang gia tăng ở châu Mỹ Latinh và châu Phi vào thời điểm này, khi dự trữ lương thực ở một số nơi trên thế giới đã xuống thấp, khiến nhiều người dễ bị rơi vào tình trạng thiếu an ninh về lương thực hơn.
Đức Thánh Cha gần gũi với những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch
Ngày 03/07/2020, Vatican thông báo rằng thông qua Bộ Phục vụ và Phát triển con người toàn diện và với sự cộng tác của Đại diện Thường trực của Tòa Thánh tại Tổ chức Lương nông (FAO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) và Chương trình Lương thực Thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định gửi một khoản quyên góp tượng trưng 25.000 euro cho Chương trình Lương thực Thế giới, như “một biểu hiện của sự gần gũi của ngài với những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch và với những người tham gia vào các dịch vụ thiết yếu cho người nghèo, những người yếu nhất và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội chúng ta.”
Đức Thánh Cha khích lệ các nỗ lực nhân đạo
Với cử chỉ biểu tượng này, Đức Thánh Cha mong muốn bày tỏ “sự khích lệ của tình hiền phụ đối với nỗ lực nhân đạo của Tổ chức và các quốc gia khác sẵn sàng tuân thủ các hình thức hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện và sức khỏe cộng đồng trong thời điểm khủng hoảng này, và để chiến đấu chống lại sự bất ổn xã hội, thiếu an toàn thực phẩm, thất nghiệp ngày càng tăng và sự sụp đổ của hệ thống kinh tế của các quốc gia dễ bị tổn thương nhất.
Chương trình lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc đã đưa ra lời kêu gọi gây quỹ 4,9 tỷ đô la để hỗ trợ lương thực cho những nơi các chính phủ đang yêu cầu hỗ trợ nhiều hơn.
Ngày 02/07 vừa qua, bà Marg Margot van der Velden, giám đốc các hoạt động khẩn cấp cho Chương trình Lương thực thế giới, cho biết “tác động của Covid-19 trên người dân đang đòi chúng tôi gia tăng nỗ lực để đảm bảo cho nhiều người đang gặp nguy cơ thiếu thực phẩm nhận được hỗ trợ.” (CSR_5043_2020)
Hồng Thủy