2020
Cha Eusebio Kino – nhà truyền giáo trên lưng ngựa
Cha Eusebio Kino – nhà truyền giáo trên lưng ngựa
Cha Eusebio Kino, dòng Tên, là một nhà thám hiểm và truyền giáo, đã tham gia vào nhiều cuộc thám hiểm xuyên suốt miền Tây Nam nước Mỹ và được xem là một tông đồ của dân bản địa Arizona, và người bảo vệ quyền lợi của họ. Ngày 16/07/2020, Đức Thánh Cha đã nhìn nhận các nhân đức anh hùng của cha.
Cha Kino sinh năm 1645 tại vùng Tyrol, miền bắc nước Ý và chịu chức linh mục năm 1677. Cha được gửi đến Mexico năm 1681. Cha đã thực hiện nhiều chuyến đi qua vùng ngày nay là Sonora của Mexico và các bang Arizona và California của Hoa Kỳ.
Tham gia hơn 50 cuộc thám hiểm từ miền bắc Mexico đến Tây Nam Hoa Kỳ, cha Kino đã rửa tội cho hơn 4.000 người, và đi ngựa qua hơn 50.000 dặm vuông khi loan báo Tin Mừng và lập bản đồ vùng lãnh thổ Pimería Alta của bang Arizona hiện đại.
Mở các con đường truyền giáo
Là một người có khả năng vẽ bản đồ, chính cha Kino đã vẽ bản đồ một khu vực dài 200 dặm và 250 dặm rộng, và mở đường cho một mạng lưới các cơ sở truyền giáo và các con đường nối các miền trước đây không thể tiếp cận của khu vực. Một trong những con đường chính ở Tuscon được đặt tên là Kino Parkway để vinh danh cha và một pho tượng của cha được đặt ở đây, nhìn ra đường. Một pho tượng của cha Kino cũng được đặt trong Hội trường Tượng đài Quốc gia tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở thủ đô Washington.
Hướng dẫn, bảo vệ và cải thiện đời sống của người bản địa
Cha Kino cũng được cho là đã giảng dạy các kỹ thuật nông nghiệp và trang trại tiên tiến cho người dân địa phương, cung cấp các loại cây trồng mới và cải thiện chất lượng cuộc sống. Cha Kino thành lập 19 làng chăn nuôi để cung cấp thực phẩm cho khu vực và các trường học giáo dục cho trẻ em địa phương. Cha cũng là một người bảo vệ quyền và phẩm giá của người bản địa, phản đối mạnh mẽ việc người Tây Ban Nha bắt buộc người bản địa Sonora làm việc trong các mỏ bạc.
Cha Kino qua đời năm 1711, ở tuổi 65, sau khi ngã bệnh đang khi dâng Thánh lễ thánh hiến nhà thờ thánh Phanxicô Xavier, ngày nay là nhà thờ thánh Magdalena de Kino, ở Sonora, Mexico, nơi đền thánh kính cha là một di tích quốc gia.
Hình mẫu của việc loan báo Tin Mừng mới
Đức cha James Wall của giáo phận Gallup, bang Mexico, đã vui mừng đón nhận tin Đức Thánh Cha nhìn nhận các nhân đức anh hùng của cha Kino. Đức cha nói: “Lớn lên ở Arizona, lần đầu tiên tôi biết đến cha Kino khi đang học tiểu học. Gương mẫu về cuộc đời của ‘ông cha trên lưng ngựa’, đã đóng một vai trò lớn trong việc củng cố đức tin Công giáo của chính tôi – đặc biệt là tình yêu, sự chăm sóc và sự nhạy cảm của cha đối với người dân bản địa ở Arizona.”
Đức cha Wall nói: “Cha Kino là một người con thực sự của Giáo hội, và là hình mẫu của việc loan báo Tin Mừng mới cho thời hiện đại của chúng ta. Tôi rất biết ơn Đức Thánh Cha vì đã nhận ra nhân đức anh hùng của con người vĩ đại này.”
Việc Vatican nhìn nhận đời sống của cha Kino như là một trong những nhân đức anh hùng sau khi xảy ra vụ phá hủy một số tượng của một trung tâm truyền giáo khác trong khu vực. Trong những tuần gần đây, những người biểu tình đã tấn công các bức tượng của thánh Junipero Serra, người đã thành lập một chuỗi các cơ sở truyền giáo trên khắp bang California và được biết đến như một người mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi của người bản địa. Hồng Thủy
2020
Nhà thờ chính tòa Nantes ở Pháp bị cháy
Nhà thờ chính tòa Nantes ở Pháp bị cháy
Hơn một năm sau vụ cháy nhà thờ Đức Bà, thảm kịch tương tự đã diễn ra tại nhà thờ chính tòa Nantes vào sáng thứ Bảy 18/07. Theo các hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội, các nhân viên cứu hỏa của vùng Litva-Atlantique đã đến chữa cháy tại nhà thờ hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô, nơi một đám cháy bùng phát, tỏa khói đen dày đặc.
Lính cứu hỏa nhận được báo động vào lúc 7:44 sáng và 60 người đã được điều đến hiện trường.Đến 8:30 thì tình hình được kiểm soát và chỉ còn đám khói đen dày đặc. Nhiều cư dân đã theo dõi và sửng sốt bởi sự việc. Đàn organ có thể đã bị cháy hoàn toàn và các cửa kiếng cũng bị hư hại nặng
Theo các nhân chứng, đám cháy bắt đầu vào khoảng 7:30 sáng. Một số bức ảnh do báo Le Parisien chụp cho thấy ngọn lửa lớn bùng phát từ trung tâm tòa nhà.
Liên đoàn cứu hỏa quốc gia của Pháp đăng trên Twitter: “Các nhân viên cứu hỏa Cơ quan cứu hỏa và cứu cấp địa phương đã can đảm tham gia chữa cháy tại nhà thờ chính tòa thánh Phê-rô và Phao-lô của Nantes.”
Nhà thờ chính tòa Nantes
Nhà thờ chính tòa hai thánh Phê-rô và Phao-lô của Nantes nổi tiếng bởi kiến trúc gô-tích của nó. Được xây dựng hơn 450 năm, từ năm 1431-1891, nhà thờ được xếp vào hạng di tích lịch sử. Nhà thờ đã bị tàn phá một phần bởi ngọn lửa vào ngày 28/01/1972. Một công nhân lợp mái đang tiến hành sửa chữa trên mái nhà đã vô tình đốt cháy tòa nhà bằng một ngọn đuốc. Các cử hành phụng vụ trong nhà thờ phải đình chỉ cho đến tháng 05/1985, sau hơn 13 năm sửa chữa.
Đại biểu quốc hội của vùng Litva-Atlantique và cựu bộ trưởng François de Rugy, đã bình luận trên Twitter: “Thật buồn khi thấy lịch sử lặp lại ngày hôm nay! Tôi dành tất cả sự ủng hộ cho giáo phận và Cơ quan cứu hỏa và cứu cấp địa phương, những người đang chiến đấu chống lại ngọn lửa để hạn chế thiệt hại.”
Vào năm 2015, cũng ở Nantes, đền thờ Saint-Donatien-et-Saint-Rogatien, một cơ sở tôn giáo có từ thế kỷ 19 đã bị hỏa hoạn phá hủy 3/4 mái nhà. (LeParisien 18/07/2020)
Hồng Thủy
2020
Cộng đoàn Công giáo đón những người di dân đầu tiên đến Roma sau thời gian phong tỏa
Cộng đoàn Công giáo đón những người di dân đầu tiên đến Roma sau thời gian phong tỏa
Nhờ hành lang nhân đạo được Cộng đoàn thánh Egidio tổ chức, với sự hỗ trợ của Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha, 4 gia đình di dân tị nạn với 10 thành viên từ đảo Lesbo đã đến Roma hôm 16/07.
10 người tị nạn này từ Afghanistan, trên đường di cư được đưa đến trại tị nạn Moria trên đảo Lesbo. Trại này được xây dựng cho 3.000 người tị nạn nhưng hiện nay đã có hơn 19.000 người.
Razieh Gholani, một người tị nạn, nói với các phóng viên khi đến Roma: “Trại Moria được biết như địa ngục của châu Âu. Những người tị nạn sống trong điều kiện khó khăn, đáng sợ, nơi các quyền cơ bản bị đè bẹp và họ không có cách nào để trở về hoặc đi tiếp.” Đối với Gholami, sự giúp đỡ mà cô nhận được từ Giáo hội Công giáo để cô có thể đến Ý là một ơn từ trời.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã ủng hộ việc đưa những người tị nạn này vào Ý thông qua một hành lang nhân đạo được tổ chức theo yêu cầu của ngài nhờ sự hợp tác của Văn phòng Sở từ thiện của Đức Thánh Cha và chính quyền Ý và Hy Lạp để giúp đỡ những người trẻ và gia đình xin tị nạn ở Ý.
Những người tị nạn Afghanistan này là những người cuối cùng của một nhóm 67 người di cư được đưa đến Ý kể từ năm 2016 nhờ những nỗ lực nhân đạo của Tòa Thánh và Cộng đồng Công giáo thánh Egidio; cộng đoàn này cũng cung cấp hỗ trợ cho người tị nạn hòa nhập vào xã hội Ý.
Theo Cộng đoàn thánh Egidio, đã có hơn 3.000 người tị nạn từ Trung Đông và châu Phi đã đến châu Âu thông qua hành lang nhân đạo do chính quyền Hy Lạp và Ý thực hiện.
Hồng Thủy