2020
Các Giám mục châu Âu hoan nghênh Quỹ phục hồi Covid-19
Các Giám mục châu Âu hoan nghênh Quỹ phục hồi Covid-19
Trước thỏa thuận lịch sử mà các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu đã đạt được hôm thứ Ba 21/07 về Quỹ phục hồi Covid-19 trị giá 750 tỷ euro và ngân sách dài hạn cho thời gian từ năm 2021-2027, Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich cho biết ngài rất biết ơn về một giải pháp thể hiện sự liên đới trong Liên minh châu Âu.
Tổng ngân sách của Liên minh châu Âu trong giai đoạn 2021-27 sẽ lên tới 1,82 nghìn tỷ euro. Nó bao gồm công cụ phục hồi trị giá 750 tỷ euro để giúp khởi động lại nền kinh tế châu Âu sau cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng như ngân sách thông thường của khối.
Phát biểu với Vatican News chỉ vài giờ sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh bốn ngày tại Brussels, Đức Hồng y Hollerich, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Liên minh châu Âu (COMECE), cho biết ngài rất biết ơn về thỏa thuận này vì châu Âu không có thể được cảm nhận mà không có sự liên đới.
Đức Tổng Giám mục của Luxembourg cũng bày tỏ hy vọng rằng quỹ phục hồi này sẽ giúp các nền kinh tế yếu nhất, những nền kinh tế bị ảnh hưởng nhất bởi đại dịch, phát triển và dành cho mọi người, cho những người thực sự tạo thành Liên minh châu Âu, để thế hệ tiếp theo có thể sống trong hòa bình và thịnh vượng nhất định.
Vào cuối tháng 5, các giám mục châu Âu đã hoan nghênh đề xuất của liên minh châu Âu về một quỹ phục hồi để đối phó với sự sụp đổ kinh tế vì đại dịch Covid-19. Trong dịp đó, các ngài đã kêu gọi công bằng cho những người dễ bị tổn thương nhất và cho môi trường; đồng thời yêu cầu các nhà lãnh đạo đặt sự liên đới ở trung tâm của các cuộc thảo luận.
Hồng Thủy
2020
Hơn 2.000 Kitô hữu và hơn 500 gia đình tại Pakistan được hỗ trợ
Hơn 2.000 Kitô hữu và hơn 500 gia đình tại Pakistan được hỗ trợ
Tại Pakistan, sau khi được biết một số tổ chức phi chính phủ địa phương đã từ chối cung cấp viện trợ lương thực cho những người không theo đạo Hồi, Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ đã quyết định phân phối hơn 70% viện trợ cho các Kitô hữu, những người thường được giao cho những công việc với mức lương thấp và phần hỗ trợ còn lại cho các nhóm dễ bị tổn thương khác, đặc biệt là những người lao động kiếm sống hằng ngày, do mất việc, không thể xoay sở cuộc sống.
Hơn 2.000 Kitô hữu và hơn 500 gia đình tại Pakistan được Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ hỗ trợ. Ông Aneel Mushtaq, thư ký điều hành Caritas giáo phận Faisalabad của Pakistan, cho biết: “Sự hỗ trợ này đã giúp nhiều người khỏi đói. Nhiều người trong số họ không có gì đặt lên bàn để nuôi sống gia đình và họ đã ở trong một tình trạng rất đáng sợ”.
Ngoài ra, Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ cũng tham gia vào một chương trình học bổng, vì lợi ích của những trẻ em nghèo nhất tại 20 trường Công giáo của giáo phận Faisalabad. Đồng thời, thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thức về Covid-19, qua đài phát thanh địa phương, các áp phích và tờ rơi cho những người không thể truy cập Internet và các phương tiện truyền thông xã hội.
Tuy nhiên, ông Mushtaq ghi nhận rằng: “thật không may, đại dịch ở Pakistan vẫn còn nặng và hiện đang bị phong tỏa một phần. Trong đó, các Kitô hữu nằm trong số những người phải gánh chịu nhiều nhất do khủng hoảng kinh tế của đất nước.” (CSR_5387_2020).
Văn Yên, SJ
2020
Các Giáo hội Công giáo và Chính Thống Hoa Kỳ cử hành Ngày than khóc đền thờ Hagia Sophia
Các Giáo hội Công giáo và Chính Thống Hoa Kỳ cử hành Ngày than khóc đền thờ Hagia Sophia
Ngày 21/07 vừa qua Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ cho biết rằng ngày 24 tháng này là “Ngày để tang” cho đền thờ Hagia Sophia – Sự Khôn ngoan của Thiên Chúa, khi nó được khánh thành như một đền thờ Hồi giáo.
Đền thờ Hagia Sophia nguyên là nhà thờ chính tòa của Giáo hội Công giáo và sau đó là Chính Thống, rồi được sử dụng như viện bảo tàng ở Istanbul. Ngày 10/07 vừa qua, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ đã ký sắc lệnh biến nó thành đền thờ Hồi giáo.
Như một đền thờ Hồi giáo, các tranh khảm đá kiểu mosaic cũng như các hình thiên thần trên mái vòm sẽ bị che phủ trong các buổi cầu nguyện của Hồi giáo.
Công giáo Hoa Kỳ tham gia cầu nguyện cùng Chính Thống
Trong một tweet ngày 21/07, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ nói rằng họ hiệp với Tổng giáo phận Chính thống Hy Lạp ở Hoa Kỳ “trong việc dâng những lời cầu nguyện cho sự phục hồi đền thờ Hagia Sophia như một nơi cầu nguyện và suy tư cho tất cả các dân tộc.”
Ngày 19/07, các thành viên của Hội đồng giáo phận của Tổng giáo phận Chính Thống Hy Lạp tại Hoa Kỳ viết rằng việc khánh thành đền thờ Hagia Sophia thành đền thờ Hồi giáo, là “chương trình chiếm đoạt văn hóa và tinh thần và sự vi phạm tất cả các tiêu chuẩn của sự hòa hợp tôn giáo và tôn trọng lẫn nhau. Chúng tôi kêu gọi tất cả các tín hữu yêu quý của Tổng giáo phận của chúng tôi xem ngày này như một ngày để tang và bày tỏ sự đau buồn.”
Tổng giáo phận Chính Thống Hy Lạp ở Hoa Kỳ mời gọi các tín hữu vào ngày 24/07 kéo chuông như sự than khóc, treo cờ rũ, hát thánh thi Akathist, là bài hát kính một vị thánh hay sự kiện thánh; tên bài hát xuất phát từ việc bài hát được đứng hát. (CNA 21/07/2020)
Đức Thánh Cha là một trong những khách mời
Bên lề sự kiện ngày Hồi giáo sẽ lại cầu nguyện tại đền thờ Hagia Sophia, hôm Chúa Nhật 19/07, ông Ibrahim Kalin, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô là một trong những vị khách được mời tham dự sự kiện tái lập đền thờ Hagia Sophia như đền thờ Hồi giáo.
Ông Kalin nói với hãng tin CNN rằng Thổ Nhĩ Kỳ mời mọi người, bao gồm Đức Giáo hoàng Phanxicô, đến lễ khai mạc đền thờ như nhà cầu nguyện của Hồi giáo vào thứ Sáu này.
Trong khi đó các công nhân đang chuẩn bị cho sự kiện, đặt những tấm thảm màu xanh lá cây đậm, một màu được Erdogan chọn, trên mặt đất. Các biểu tượng và hình ảnh Kitô giáo trang trí trên các bức tường của cấu trúc được che phủ bằng một hệ thống rèm theo yêu cầu Hồi giáo rằng không có hình ảnh của các sinh vật ở khu vực cầu nguyện. (Ahval 20/07/2020).
Hồng Thủy
2020
Ít nhất 9 giám mục qua đời vì Covid-19
Ít nhất 9 giám mục qua đời vì Covid-19
Đến ngày 20/7, ít nhất trên thế giới có chín giám mục Công giáo đã qua đời vì virus corona từ khi đại dịch bắt đầu và hiện đang không ngừng lây lan, đặc biệt tại châu Mỹ.
Đức cha Henrique Soares da Costa của Brazil là vị giám mục mới nhất và là vị giám mục thứ 3 của Brazil qua đời vì Covid-19. Ngài qua đời hôm 18/7 ở tuổi 57 sau khi nhập viện trong hơn hai tuần điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt. Ngoài ra, hiện có 5 giám mục Brazil được tin là đã nhiễm virus corona.
Tại Bolivia, Đức cha Eugenio Scarpellini qua đời hôm 15/7 ở tuổi 66. Ngài là người gốc Ý và đã phục vụ tại giáo phận Bolivian trong 10 năm.
Tại Hoa Kỳ, Đức cha phụ tá Boston Emilio Allue và Đức cha Vincent Malone, phụ tá tổng giáo phận Liverpool của Anh đã qua đời do hậu quả của Covid-19. Hai Đức cha Emilio và Vincent qua đời ở tuổi 85 và 88.
Tại châu Phi, ít nhất hai giám mục đã qua đời vì coronavirus. Đức cha Gérard Mulumba của cộng hoà dân chủ Congo qua đời ở tuổi 82 và Đức cha Silas Silvius của Kenya qua đời ở tuổi 91.
Vị giám mục đầu tiên qua đời bởi đại dịch coronavirus là Đức cha Angelo Moreschi, một giám mục người Ý thuộc hạt truyền giáo đại diện Tông toà Gambella của Ethiopia. Đức cha Moreschi qua đời ở tuổi 67 tại Brescia, một thành phố thuộc vùng Bologna của Ý.
Ngoài ra, hai vị giám mục khác đã qua đời sau khi đã phục hồi từ Covid-19. Vị thứ nhất là Đức cha Giuse Chu Bảo Ngọc (Zhu Baoyu), 98 tuổi, thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ngài được cho là người già nhất sống sót sau căn bệnh này vào thời điểm 14/2, theo UCAN News. Ngài qua đời vào ngày 7/5 vừa qua. Vị thứ hai là Đức cha Moses Costa, 69 tuổi, TGM Chittagong của Bangladesh. Ngài đã phục hồi sau khi nhiễm Covid-19 và hai tuần sau, hôm 13/7, ngài đã qua đời tại bệnh viện sau một loạt các cơn đột quỵ, được cho là hậu quả của Covid-19.
Tính đến ngày 21 tháng 7, theo thống kê của đại học Johns Hopkins, đã có gần 15 triệu trường hợp được ghi nhận nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới. Và hơn 600 ngàn người đã chết vì đại dịch. (CNA 20/7/2020)
Văn Yên, SJ