2020
Thiếu niên phò sự sống thắng vụ kiện CNN đã bôi lọ cậu trong vụ diễn hành phò sự sống đầu năm nay
Thiếu niên phò sự sống thắng vụ kiện CNN đã bôi lọ cậu trong vụ diễn hành phò sự sống đầu năm nay
Theo LifeNews, cậu thiếu niên Nicholas Sandmann thuộc Trung học Công Giáo Covington, người nổi tiếng đi diễn hành phò sự sống và sau đó bị CNN bóp méo sự thật vu vạ cáo gian, nay thắng cuộc kiện cơ quan truyền thông cánh tả phò phá thai này. Nguyên văn xin xem tại (https://www.lifenews.com/2020/01/07/pro-life-teen-nicholas-sandmann-wins-settlement-from-cnn-for-smearing-him/).
Theo nguồn tin trên, Nicholas Sandmann đã nhận được một vụ giàn xếp không được tiết lộ nội dung từ CNN sau khi cơ quan truyền thông phò phá thai này bôi lọ cậu và nhóm thiếu niên phò sự sống tham dự Cuộc Diễn Hành Phò Sự Sống.
Vụ bôi lọ các học sinh của Trung Học Công Giáo Covington bắt đầu sau khi một cuốn video bị chỉnh sửa nặng nề được phát tán cho thấy các học sinh này đụng đầu với nhà hoạt động cấp tiến Nathan Phillips sau Cuộc Diễn Hành Phò Sự Sống hồi tháng Giêng.
Cuốn phim dài hơn quay biến cố, sau đó, đã bác bỏ các bịa đặt chống các học sinh phò sự sống của tiểu bang Kentucky. Tuy nhiên, các học sinh và gia đình họ đã nhận được nhiều lời đe dọa đến sinh mạng họ và trường học của họ đã phải đóng cửa một thời gian vì lý do an ninh.
Nay, CNN đã dàn xếp vụ kiện chống lại họ. Số tiền của cuộc dàn xếp không được công bố tại phiên điều trần ở Covington, Kentucky, nhưng Sandmann đòi 75 triệu dollars vì danh tiếng cậu bị gây hại và 200 triệu dollars vì những thiệt hại để làm gương (punitive damages).
Đơn kiện viết “Các tố cáo của CNN hoàn toàn và nhất quyết sai lầm và đáng lẽ CNN biết rõ chúng không đúng nếu chịu khó kiểm chứng sự chính xác của chúng trước khi đăng tải các lời tố cáo sai lầm và đầy phỉ báng của họ”.
Năm ngoái, Lin Wood, một trong các luật sư của Sandmann, nói với Mark Levin của Fox News rằng “CNN có lẽ nham hiểm trong các tấn công trực tiếp của họ đối với Nicholas hơn Washington Post. Và CNN đi vào hàng triệu căn nhà cá nhân”.
Vụ kiện diễn ra sau khi một cuộc điều tra độc lập xác nhận rằng nhóm các thiếu niên Công Giáo Covington nói sự thật về cuộc đụng đầu nay nổi như cồn với một người Thổ Dân Mỹ hồi tháng Giêng ở Washington, D.C. Phúc trình của Greater Cincinnati Investigation, Inc. quả quyết rằng các thiếu niên phò sự sống không khởi diễn cuộc đụng đầu hay sử dụng bất cứ lời bêu xấu có tính kỳ thị chủng tộc nào chống lại Người Thổ Dân Mỹ Nathan Phillips hay nhóm Do Thái Da Đen Nói Tiếng Hebrew.
Phúc trình viết “Chúng tôi không thấy bằng chứng nào về những lời tuyên bố gây xúc phạm hay kỳ thị chủng tộc của các học sinh đối với Ông Phillips hay các thành viên của nhóm ông. Chúng tôi không thấy bằng chứng nào cho thấy các học sinh hô to khẩu hiệu ‘Hãy Xây Bức Tường’”.
Luật sư L. Lin Wood cho hay Phillips nói “dối và các lời tố cáo sai lầm” về Sandmann và các học sinh khác sau biến cố ngày 18 tháng Giêng”.
Phillips không tham gia cuộc điều tra độc lập này. Theo Townhall, ông ta nói dối về việc các học sinh hô to khẩu hiệu “Hãy Xây Bức Tường” và việc ông ta phục vụ tại Việt Nam.
Các nhà điều tra viết thêm “Chúng tôi đã cố gắng tiếp xúc với Ông Phillips bằng điện thoại và điện thư, thông báo cho ông rằng chúng tôi muốn được đích thân phỏng vấn ông và chúng tôi sẵn sàng gặp ông ở Michigan hay bất cứ nơi nào ông thích hơn. Chúng tôi cũng gửi cho con gái Ông Phillips một điện thư vì cả hai cha con xem ra có liên hệ với Liên Minh Tuổi Trẻ Thổ Dân và từng chia sẻ các địa chỉ điện thư sau biến cố trên để cám ơn mọi người đã tiếp xúc và hỗ trợ họ”.
Họ cho biết ông Phillips không bao giờ trả lời. Các nhà điều tra cho biết thêm “Các cuộc phỏng vấn công khai Ông Phillips chứa một số điều bất nhất, và chúng tôi không thể giải quyết các bất nhất này hay kiểm chứng các nhận định của ông do việc không tiếp xúc được với ông”.
Họ nói chính nhóm Do Thái Da Đen Nói Tiếng Hebrew đã thốt ra những lời bêu xấu có tính kỳ thị chủng tộc chống lại các thiếu niên cũng như những người Thổ Dân Mỹ. Các nhà điều tra cho rằng “Chúng tôi không thấy bằng chứng nào cho thấy các học sinh đáp trả bằng những ngôn từ gây xúc phạm hay kỳ thị chủng tộc. Một số học sinh khẳng định rằng một trong những vị trông chừng (chaperon) luôn nhắc nhở các học sinh rằng nếu các em đối đáp bằng lời với các người Do Thái Da Đen, các em sẽ bị giam khi trở về trường”.
Một số các nhà đấu tranh cho phá thai cũng tố cáo các học sinh đã có những nhận định gây xúc phạm về hiếp dâm, nhưng các nhà điều tra cho biết cá nhân đưa ra các nhận định này trong một cuốn video không phải là học sinh của Trung học Công Giáo Covington.
Các nhà điều tra cũng nhận xét rằng các tuyên bố công khai của Sandmann chính xác dựa vào các tìm tòi khác của họ.
Nhóm luật sư của các học sinh nói rằng họ đang trong diễn trình gửi thư yêu cầu các nhân vật rút lại các tuyên bố của họ chống lại các học sinh. Một danh sách gồm 52 nhân vật loại này đã được thiết lập.
Luật sư Todd McMurty, đồng luật sư của Sandmann, trước đây từng nói rằng “Có một sự vội vàng của giới truyền thông sẵn sàng tin điều họ muốn tin ngược với điều thực sự xẩy ra”.
Thí dụ, McMurty nói với cuộc điều tra Cincinnati rằng Sandmann bị tố cáo sáp gần vào mặt Phillips, nhưng trọn cuốn phim quay biến cố đã bác bỏ lời tố cáo này.
Mặc dầu có bằng chứng mới, nhà hoạt động cánh tả Kathy Griffin và nhiều người khác vẫn khăng khăng tiếp tục chỉ trích các học sinh và chỉ các học sinh mà thôi. Họ rất ít chỉ trích các người lớn Do Thái Da Đen Nói Tiếng Hebrew la hét những lời tục tĩu và kỳ thị chủng tộc chống các thiếu niên và Người Thổ dân Mỹ, hay người Thổ Dân Mỹ cho rằng các học sinh đã sáp gần lại mặt ông ta trong khi bằng chứng video cho thấy chính ông ta sáp lại gần các học sinh, theo tạp chí Reason (https://reason.com/2019/01/20/covington-catholic-nathan-phillips-video).
Trong một bản tuyên bố, Sandmann nói rằng cậu rối bờ về toàn bộ biến cố và cậu mỉm cười chỉ để các người biểu tình khác biết rằng cậu không hề bị mất tinh thần.
Cậu nói “tôi là một Kitô hữu tín trung và là người Công Giáo ngoan đạo, và tôi luôn cố gắng sống đúng các lý tưởng mà đức tin vốn dạy dỗ tôi: mãi mãi tôn trọng người khác, và không làm bất cứ hành động nào dẫn đến tranh chấp hay bạo lực”.
Vũ Văn An
2020
Giáo hội Đức chi 591,6 triệu euro giúp các dự án trên thế giới
Hôm 24/07 vừa qua, tại Bonn, Hội đồng giám mục Đức cho biết trong năm 2019, Giáo hội Công giáo ở Đức đã chi 591,6 triệu euro giúp cho các dự án trên khắp thế giới. Số tiền này đã được sử dụng để hỗ trợ các dự án ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và Đông Âu.
Số tiền này chủ yếu đến – ngoài các quỹ công cộng – từ quyên góp, dâng cúng và tiền từ ngân sách thông thường của Giáo hội. Số tiền được các giáo xứ, hiệp hội, cơ sở và trường Công giáo gửi trực tiếp cho các dự án không được đưa vào con số này. Do đó, tổng số tiền thực tế dành cho viện trợ từ các tổ chức Công giáo Đức cao hơn con số được báo cáo.
Công giáo Đức không đầu hàng trước nghèo đói và nhu cầu của thế giới
Đức tổng giám mục Ludwig Schick của Bamberg, Chủ tịch ủy ban giám mục về mối quan hệ với Giáo hội hoàn vũ, nói rằng các số liệu cho thấy người Công giáo Đức “không đầu hàng trước nghèo đói và nhu cầu của thế giới”. Họ giúp đỡ ở những nơi cần thiết nhất. Sự bền vững, toàn diện và định hướng đối với người nghèo là nguyên tắc của họ.
Sứ vụ kiến tòa hòa bình và hòa giải
Từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc cách đây 75 năm, Giáo hội Đức bắt đầu giúp các nước bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và bạo lực. Trong các hoạt động của Giáo hội trong năm vừa qua, các tổ chức và các giáo phận nhắm đến hòa bình và hòa giải. Trong báo cáo thường niên về viện trợ của Giáo hội Đức trên thế giới cũng nhắc đến mục đích này. Từ nhiều năm, Giáo hội Đức đã tập trung hỗ trợ các hoạt động hòa bình có sự tham gia của các tôn giáo khác.
Đại dịch Covid-19
Trước đại dịch virus corona, Đức Tổng Giám mục Schick cảnh báo rằng lợi ích chung toàn cầu phải được đặt ở trung tâm của hành động chính trị: “Liên đới, công bằng và hiệp nhất trên thế giới là điều kiện không thể thiếu cho một tương lai tự do và an ninh cho toàn nhân loại.” (CSR_5474_2020)
Hồng Thủy
2020
Người đốt nhà thờ chính tòa Nantes ở Pháp đã thừa nhận tội
Người đốt nhà thờ chính tòa Nantes ở Pháp đã thừa nhận tội
Một tình nguyện viên của nhà thờ chính tòa Nantes thừa nhận là đã gây nên vụ cháy tại nhà thờ. Hôm thứ Bảy 25/07 vừa qua, anh ta đã bị công tố viên buộc tội đốt phá và gây thiệt hại cho nhà thờ.
Vào khoảng 7:30 sáng ngày 18/07 vừa qua, lửa đã bùng phát tại ba vị trí trong nhà thờ chính tòa Nantes và hủy hoại hoàn toàn đàn organ, phá vỡ các cửa sổ và làm cho bên trong ngôi nhà thờ có từ thế kỷ XV bị ám khói đen.
Thủ phạm đốt nhà thờ
Chính quyền Pháp đã bắt giữ một tình nguyện viên của nhà thờ, là một người 39 tuổi, mang quốc tịch Rwanda, được giao nhiệm vụ đóng cửa nhà thờ. Theo công tố viên của Nantes, ngày 18/07, sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn, người này đã bị cảnh sát giam giữ nhưng sau đó được trả tự do. Tuy nhiên trong quá trình thẩm vấn điều tra vụ hỏa hoạn, anh ta đã thú nhận tội. Anh ta đã bị bắt lại và ngày 25/07 đã bị truy tố về “tội phá hoại và gây thiệt hại bằng hỏa hoạn”.
Công tố viên Pierre Sennes cho biết trong quá trình điều tra, tình nguyện viên này đã thú nhận với thẩm phán điều tra vào ngày 25/07 đã châm lửa ba vị trí trong nhà thờ. Trong khi đó, ông Quentin Chabert, luật sư của bị cáo nói với báo Presse-Océan: “Hôm nay, thân chủ của tôi đã cảm thấy hối hận và bàng hoàng trước mức độ nghiêm trọng của các sự kiện.”
Hiện tại vẫn chưa rõ động cơ hành động của tình nguyện viên này. Anh ta phải đối mặt với án tù 10 năm.
Tiềm kiếm tài trợ sửa chữa nhà thờ
Nhà thờ chính tòa Nantes đã được xây dựng hơn 450 năm, từ 1434 đến 1891, và đã bị tàn phá một phần bởi ngọn lửa vào ngày 28 tháng 1 năm 1972, do một công nhân tiến hành sửa chữa trên mái nhà đã vô tình gây nên trận hỏa hoạn. Nhà thờ Nantes được phục hồi sau hơn 13 năm làm việc.
Cha Francois Renaud, giám quản giáo phận Nantes, nói rằng phần lớn chi phí thiệt hại của nhà thờ sẽ do chính phủ Pháp, là người sở hữu nhà thờ, đảm nhận. Tuy nhiên, giáo phận sẽ chịu trách nhiệm thay thế các băng ghế bị hư hỏng và đang tìm kiếm tài trợ để thiết kế một đàn organ mới. (CNA 26/07/2020)
Hồng Thủy
2020
Đại dịch: Dịp trở về với điều thiết yếu để nắm bắt toàn bộ giá trị của cuộc sống
Đại dịch: Dịp trở về với điều thiết yếu để nắm bắt toàn bộ giá trị của cuộc sống
Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống tổng kết các biến động do đại dịch gây ra.
Trong một ghi chú được công bố vào ngày thứ tư 22 tháng 7 có tựa đề “Cộng đoàn nhân loại trong kỷ nguyên đại dịch: Suy tư ngược dòng về tái sinh cuộc sống”, Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống đưa ra một bài đọc tâm linh về các biến động do đại dịch Covid gây ra cho hầu hết các cộng đồng xã hội loài người.
“Covid-19 đã làm cho nhân loại đau buồn”, chủ đề của một hiện tượng đã giết hơn 600.000 sinh mạng, các phát triển trong tương lai vẫn còn vô định và lo lắng. “Phải làm gì với tất cả những chuyện này? Làm thế nào để ngăn chúng ta không rơi vào sự trơ ì của tự mãn, hay tệ hơn còn thông đồng với mặc kệ?”, các biên tập viên chất vấn và mời chúng ta “dừng lại để suy nghĩ”, dừng lại nhưng không đồng nghĩa với “không hành động”, là “có một suy nghĩ có thể biến thành lời cảm ơn cho cuộc sống đã được ban cho, và từ đó là lối đi để tới sự tái sinh cho cuộc sống”.
Trước hết là ghi nhận sự đau đớn liên quan đến ảnh hưởng của việc cách ly. Bài viết nhắc lại, hệ quả trực tiếp của toàn cầu hóa, “đại dịch cho chúng ta thấy đường xá trống vắng, thành phố ma, sự gần gũi của con người cũng như cách ly thể lý. Nó lấy đi khỏi chúng ta các vòng ôm chặt, các bắt tay dễ thương, các tình cảm của những nụ hôn và biến mối quan hệ thành tương tác đáng sợ giữa những người xa lạ, sự trao đổi trơ trơ của các cá nhân vô danh bị che dưới lớp y thiết bị bảo vệ. Các hạn chế tiếp xúc xã hội là đáng sợ; nó dẫn đến tình trạng cô lập, vô vọng, tức giận và lạm dụng. Với người lớn tuổi, người ở giai đoạn cuối cuộc đời, sự đau khổ còn rõ rệt hơn, vì đau khổ về thể xác đi đôi với chất lượng đời sống bị giảm, gia đình bạn bè không được đến thăm họ.
Biến ngôn ngữ chiến tranh thành tinh thần nhân ái
Trong một phần có tên “Cuộc sống bị lấy đi, cuộc sống được ban cho: Bài học về sự mong manh”, Hàn lâm viện cũng đặt câu hỏi về tính chất gây lo của ngôn ngữ chiến tranh được dùng để xử lý với các tin tức thời sự. “Các ẩn dụ nổi bật, lan tràn trong ngôn ngữ thông thường nhấn mạnh trên sự thù nghịch và trên cảm nhận có một xâm lấn đang đe dọa: các lời khuyến khích lặp đi lặp lại phải “chiến đấu” chống virus, các bản tin báo chí nghe như “bản tin chiến tranh”, các cập nhật hàng ngày về số lượng người nhiễm bệnh cho ấn tượng của một chiến trường.
Trong các bệnh viện cũng như trong các nhà tù, trại tị nạn và nhà hưu dưỡng, rất nhiều người chết đã làm cho nhân viên và thân nhân bất ngờ. “Chúng tôi đã chứng kiến khuôn mặt bi thảm nhất của cái chết: một số người đã phải cô đơn cả về mặt thể lý lẫn tâm linh, gia đình bất lực, không thể nói lời tạm biệt với họ, cũng không thể có một biểu lộ tôn giáo, một tang lễ phù hợp”.
Nhưng ngoài các tình huống bi thảm này, đại dịch là dịp đi trở về với điều thiết yếu để nắm bắt toàn bộ giá trị cuộc sống. “Bằng chứng đau đớn hiển nhiên về sự mong manh của cuộc sống cũng có thể làm mới nhận thức của chúng ta về bản chất của nó. Trở về với cuộc sống, sau khi đã nếm tác động ngẫu nhiên của nó có phải là khôn ngoan hơn không? Chúng ta sẽ biết ơn nhiều hơn và ít kiêu ngạo hơn chăng?”
Quả đất bất ổn và tâm linh bất ổn
Trong đường hướng Thông điệp Chúc tụng Chúa của Đức Phanxicô, Viện hàn lâm về Sự sống thấy đại dịch Covid liên quan nhiều đến sự hủy hoại trái đất và sự cướp bóc giá trị nội tại của nó. Đó là triệu chứng của một quả đất bất ổn và chúng ta thì không có khả năng quan tâm đến nó; thậm chí còn nặng hơn, đó là dấu hiệu cho sự bất ổn tâm linh của chính chúng ta”. Các suy tư được đưa ra rất cụ thể. “Chúng ta hãy xem các chuỗi liên kết trong các hiện tượng: nạn phá rừng gia tăng làm động vật hoang dã sống gần con người. Từ đó virus động vật truyền sang người, làm trầm trọng thêm thực tế của bệnh động vật truyền qua người (zoonose), một hiện tượng được các nhà khoa học xem là véc tơ của nhiều bệnh. Nhu cầu quá mức về thịt ở các nước phát triển nhất thế giới tạo ra các khu công nghiệp lớn về chăn nuôi và khai thác. Thật dễ dàng để thấy, cuối cùng các tương tác này làm virus tràn lan bằng vận chuyển quốc tế, bằng sự di chuyển hàng loạt của con người, đi du lịch, đi làm ăn.v.v.
Do đó, một nhận thức là rất cần thiết, và nó cần phải có hậu quả thực tế cũng như hậu quả tinh thần. Chúng ta “phải nhận ra rằng chúng ta sống trên trái đất này với tư cách là người bảo vệ chứ không phải là chủ nhân và lãnh chúa. Tất cả đã được trao cho chúng ta, nhưng chủ quyền chúng ta chỉ được cấp, chúng ta không có chủ quyền tuyệt đối. Ý thức về nguồn gốc của mình vừa mang gánh nặng của sự hữu hạn vừa mang dấu ấn của sự mong manh”.
Nhận ra sự mong manh nội tại của thân phận con người
Sự mong manh này cũng có thể làm đảo lộn mối quan hệ của chúng ta với những người khác theo nghĩa tích cực và nhân ái hơn. “Thân phận của chúng ta là một thân phận tự do bị tổn thương. Chúng ta có thể loại bỏ nó như một lời nguyền xấu, một tình huống tạm thời có thể sớm được khắc phục. Hoặc, chúng ta có thể học với một lòng kiên nhẫn khác hơn, có thể đồng thuận với tính hữu hạn, với một độ mềm được làm mới lại, với sự gần gũi kề cạnh và với tính khác biệt xa xôi” Viện hàn lâm nhấn mạnh và mời gọi chúng ta có tâm tình nhạy cảm bén nhạy hơn với đau khổ của các nước nghèo, nơi bệnh dịch cọng thêm vào các đau khổ khác mà các nước giàu thường quá thờ ơ.
Viện hàm lâm lên tiếng: “Đó là về việc mở rộng tầm nhìn về thực tế của con người sống trong các giới hạn bằng chính da thịt mình, có thể nói: trong thử thách hàng ngày để sống còn, để có được các điều kiện tối thiểu nhất để sống, nuôi con ăn, nuôi gia đình, để vượt lên bệnh tật dù các bệnh tật này đã có thuốc chữa hiệu nghiệm nhưng họ không thể có được. Chúng ta hãy nhìn về sự mất mạng sống vô cùng to lớn ở các nước miền Nam: sốt rét, ho lao, thiếu nước sạch, thiếu tài nguyên cơ bản làm cho hàng triệu người chết mỗi năm, một tình trạng chúng ta đã biết từ nhiều thập kỷ qua. Tất cả các khó khăn này có thể được khắc phục bằng các nỗ lực quốc tế và các chính sách dấn thân. Không biết bao nhiêu người sẽ có thể được cứu, bao nhiêu bệnh tật sẽ có thể được xóa bỏ và bao nhiêu đau khổ có thể tránh được!”
Y học phải là không gian hợp tác, chứ không phải là lãnh vực cạnh tranh
Trở lại với bối cảnh đại dịch, các biên tập viên nhấn mạnh các nỗ lực to lớn của các nhân viên y tế, lòng can đảm của họ đã cứu sống nhiều người, đó là bài học được lưu lại trong thời buổi được đánh dấu bởi sức mạnh ảo tưởng của kỹ thuật. Bản ghi nhận nhấn mạnh: “Đáng chú ý, các dịch vụ chăm sóc được tồn tại nhờ sự hy sinh vô bờ của các bác sĩ, y tá và các chuyên gia y tế khác, hơn cả các khoản đầu tư công nghệ”, các khoản đầu tư là trọng tâm các chính sách, không chỉ liên quan đến hệ thống bệnh viện, mà còn liên quan đến y học thành phố, đến các cơ sở y tế xã hội đủ loại và nhất là các nhà hưu dưỡng.
Hơn nữa, hợp tác quốc tế là điều cần thiết để tìm các biện pháp hiệu quả, vì nếu chỉ có các biện pháp địa phương thì không đủ. “Các cộng đồng đã chiến đấu một cách đáng vinh danh, bất chấp tất cả mọi thứ, đôi khi chống lại sự bất lực của giới lãnh đạo chính trị để đưa ra các mô thức đạo đức, tạo các hệ thống quy phạm, để tái tạo cuộc sống dựa trên tinh thần đoàn kết và quan tâm lẫn nhau”, nhưng các Quốc gia cũng phải đảm nhận phần trách nhiệm của họ. Viện hàm lâm lo ngại vì: “Đôi khi một số quốc gia chơi trò hoài nghi lẫn nhau. Sự thiếu liên kết tương tác này được thấy trong các cố gắng tìm thuốc chữa và tìm vắc-xin“, Viện không trực tiếp nêu tên nước Mỹ, nhưng tố cáo các quốc gia rời bỏ chủ nghĩa đa phương và lãnh vực cộng tác không thể thiếu của Tổ chức Y tế Thế giới.
Đối diện rủi ro với trách nhiệm và chủ nghĩa hiện thực
Nhân loại phải hiểu có một một loại “đạo đức rủi ro”. “Trước tiên chúng ta phải đánh giá cho được, có một thực tế rủi ro hiện hữu: chúng ta tất cả đều có thể bị bệnh tật, bị chiến tranh, tai ương giết chết. Trước vấn đề này, phải thấy các trách nhiệm chính trị và đạo đức có thể có đối với các tổn thương của các cá nhân có nguy cơ cao với sức khỏe, với tính mạng và nhân phẩm của họ”.
Đại dịch phải thúc đẩy chúng ta “tiếp cận và định hình lại các chiều kích cấu trúc của cộng đồng thế giới, áp bức và bất công, những người xem hiểu biết về đức tin là “cơ cấu của tội lỗi”. Một trong các phát triển cấp bách nhất là đưa nghiên cứu y tế phục vụ tất cả mọi người, đi ra khỏi lô-gích buôn bán và cạnh tranh. Viện hàm lâm khẳng định: “Lợi ích của xã hội và đòi hỏi cho lợi ích chung trong lĩnh vực sức khỏe phải đi trước các lo âu lợi nhuận. Và điều này là do các khía cạnh công cộng của việc nghiên cứu không thể bị hy sinh vì lợi ích cá nhân. Khi cuộc sống và hạnh phúc của tập thể bị đe dọa, lợi nhuận phải xuống hàng thứ nhì.”
Tất cả không nên dựa trên các Quốc gia
Mỗi người phải nhận phần trách nhiệm của mình trong nỗ lực đoàn kết, không mong chờ Quốc gia. Viện nhấn mạnh: “Để làm nhẹ bớt hệ quả của cuộc khủng hoảng, chúng ta phải bỏ quan niệm ‘giúp đỡ đến từ chính quyền’ như thử giúp đỡ này đến từ một ‘chúa máy móc’ để mọi công dân có trách nhiệm, ra khỏi phương trình, tránh việc theo đuổi lợi ích cá nhân của họ. Sự minh bạch của các quy tắc và chiến lược chính trị, cũng như sự liêm chính trong các quy trình dân chủ đòi hỏi một cách tiếp cận khác”.
Ngưỡng rủi ro được chấp nhận và sự đoàn kết trong rủi ro là những câu hỏi cần được làm rõ trong tổ chức xã hội, vì chúng ta biết zero rủi ro là chuyện không thể. Do đó, kết luận của tài liệu là lời kêu gọi trí thông minh và trách nhiệm của mỗi người, chống lại nguy cơ của một chế độ độc đoán làm ấu trĩ người dân: “Các giải pháp pháp lý cho các cuộc xung đột trong việc quy lỗi và lên án cho hành vi cố ý sai trái hoặc coi thường, đôi khi cần thiết phải xem đây như một công cụ của công lý. Tuy nhiên các giải pháp này không thể thay thế niềm tin là chất tương tác của con người. Chỉ có niềm tin mới đưa chúng ta vượt qua khủng hoảng, vì cuối cùng chỉ dựa trên niềm tin cộng đoàn nhân loại mới phát triển”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch