2020
Đức Tổng giám mục Québec phê bình chính quyền thiếu tôn trọng tôn giáo
Đức Tổng giám mục Québec phê bình chính quyền thiếu tôn trọng tôn giáo
Đức Hồng y Gérard Cyprien Lacroix, Tổng giám mục giáo phận Québec, Canada, phê bình chính quyền tại bang này thiếu tôn trọng đối với các cộng đoàn tôn giáo trong thời kỳ giới nghiêm vì đại dịch. Lập trường của Đức Hồng y đã được các cộng đồng tôn giáo khác hưởng ứng.
Trong thông cáo công bố hôm 28/7/2020 vừa qua, Đức Hồng y Lacroix viết: “Ngay từ đầu chúng tôi đã cộng tác với chính quyền để đóng cửa các nơi thờ phượng. Chúng tôi đã tìm cách để biết xem có thể mở lại các nơi thờ phượng như thế nào, nhưng không bao giờ chúng tôi được trao đổi với chính quyền. Chúng tôi có một điểm liên lạc, cố gắng hết sức trong vấn đề này, nhưng chúng tôi không hề được trả lời cho những câu hỏi chúng tôi gửi đến chính quyền. Ông Legault không hề cám ơn những hy sinh của các tín hữu trong dịp lễ Phục sinh, tháng chay tịnh Ramadan của Hồi giáo. Nếu chúng tôi muốn có những câu trả lời, chúng tôi phải xin các ký giả nêu câu hỏi. Các sòng bạc đã được mở lại trước các thánh đường!”
Đức Hồng y Lacroix than phiền rằng hiện thời các nơi thờ phượng chỉ được đón tiếp 50 người. Nhưng Chúa nhật vừa qua, tại Đền thánh Anne de Beaupré, Đức Hồng y đã đón tiếp 200 người. Mọi người đều mang khẩu trang và duy trì sự giãn cách, Mình Thánh Chúa được trao cho người rước lễ mà không có sự đụng chạm, người cho rước lễ đã được khử khuẩn trước đó. Các cuộc xưng tội và giải tội được thực hiện trong các phòng thay vì trong tòa giải tội, các buổi rước lễ lần đầu được hoãn đến mùa thu. Các nhóm khác được báo La Presse tiếp xúc, tất cả đều giữ giới hạn 50 người, trong khi chờ đợi tuần tới có thể lên tới 250 người tại nơi nào có thể.
Đức cha Christian Lépine, Tổng giám mục giáo phận Montréal cho biết, “tại nhà thờ chính tòa Đức Maria Nữ Vương Thế giới chẳng hạn, có khả năng chứa được 1.200 người, nhưng người ta tính toán để số người tham dự ở dưới mức 200 người, và không tới 250 người. Trái lại, tôi nghĩ có thể cho mở các thánh đường để cá nhân các tín hữu đến cầu nguyện, nếu có đợt dịch thứ hai. Thật là điều bất công vì các phòng an táng có thể cử hành lễ an táng trước các nhà thờ, là những nơi có thể đón nhận nhiều người hơn.”
Ông Salem Elmenyawi, thuộc Hội đồng Hồi giáo ở Montréal, cũng tỏ ra bị sốc vì sự thiếu tôn trọng của chính quyền. Ông nói: “Người ta đã mở lại các nơi thờ phượng vài ngày sau khi kết thúc tháng chay tịnh Ramadan, và sẽ lên tới 250 người vài ngày sau lễ hy tế, vào cuối tuần này là lễ quan trọng nhất trong lịch Hồi giáo. Thật là điều bất bình thường vì người ta có thể đi mua khoai tây, nhưng lại không được nuôi dưỡng về tinh thần”.
(La Presse 28-7-2020)
Trần Đức Anh, O.P.
2020
Dự luật gây tranh cãi của Hà Lan cho phép người trên 75 tuổi còn khỏe mạnh được trợ tử
Dự luật gây tranh cãi của Hà Lan cho phép người trên 75 tuổi còn khỏe mạnh được trợ tử
Một đề xuất ở Hà Lan cho phép áp dụng trợ tử cho những người trên 75 tuổi còn khỏe mạnh đã bị phê bình vì đưa ra chọn lựa chết thay vì hỗ trợ xã hội cho những người cô đơn và trầm cảm.
Bác sĩ Gordon Macdonald, người đứng đầu liên minh Care Not Killing – Chăm sóc chứ không giết chết – có trụ sở tại Anh quốc, đã gọi đề xuất này là gây rắc rối cách sâu sắc. Ông nói: “Con dốc trơn trượt là có thật và luật an tử của Hà Lan đã được mở rộng ồ ạt.”
Sự mở rộng của luật trợ tử tại Hà Lan
Luật trợ tử đã được hợp pháp ở Hà Lan vào năm 2002, được áp dụng đối với những người trưởng thành bị bệnh nan y vẫn còn khả năng tự quyết định. Kể từ đó, luật này đã được mở rộng, bao gồm những người mắc các bệnh mãn tính và khuyết tật không phải là bệnh nan y, cũng như các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trẻ em từ 12 tuổi và trẻ sơ sinh bị bệnh nặng cũng có thể được áp dụng “cái chết êm dịu”.
Vô trách nhiệm, vô đạo đức và nguy hiểm
Ông Macdonald lưu ý rằng hiện tại, số người chết do trợ tử tăng nhanh nhất ở Hà Lan là những người mắc bệnh tâm thần nhưng không bị suy yếu về thể chất. Và “bây giờ việc xem xét mở rộng luật trợ tử cho những người chỉ mệt mỏi với cuộc sống và có thể bị trầm cảm là vô cùng vô trách nhiệm, vô đạo đức và nguy hiểm.”
Theo hãng tin Hà Lan, hồi đầu tháng này, một nghị sĩ Hà Lan đã đệ trình một dự luật cho phép những người khỏe mạnh trên 75 tuổi yêu cầu trợ tử, nếu “ý muốn mạnh mẽ được chết của họ kéo dài ít nhất hai tháng.” Luật này phải được xem xét bởi ủy ban tư vấn tư pháp của Hội đồng Nhà nước trước khi có một cuộc tranh luận và bỏ phiếu vào năm tới.
Người già cần được hỗ trợ hơn là đề nghị tự tử
Những người phản đối luật này đã lập luận rằng nó nhắm vào những người già cô đơn và có thể bị trầm cảm, là những người cần sự hỗ trợ và các nguồn lực hơn là đề nghị tự tử.
Một dự luật tương tự đã được đưa ra vào năm 2016 và đã vấp phải các chống đối. Các luật trợ tử ở Hà Lan là một chủ đề gây tranh cãi, vì các nhà phê bình cho rằng các biện pháp bảo vệ nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương không phải lúc nào cũng được tuân theo. (CNA 28/07/2020)
Hồng Thủy
2020
Đức Thánh Cha khen ngợi sáng kiến liên đới ở Brazil
Đức Thánh Cha khen ngợi sáng kiến liên đới ở Brazil
Thông qua Đức Hồng y Michael Czerny, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một sứ điệp khen ngợi những nỗ lực của Phong trào Sem Terra trong cuộc chiến chống nghèo đói giữa đại dịch Covid-19 ở Brazil.
Khi thế giới tiếp tục chiến đấu với những thách thức do cuộc khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra, Phong trào Sem Terra – một phong trào của những người lao động không có đất ở Brazil – đang giúp những người dễ bị tổn thương chống lại nạn đói. Cho đến nay, phong trào đã phân phối 2.500 tấn thực phẩm.
Trong một sứ điệp được gửi vào ngày 25 tháng 7, Ngày Công nhân Nông thôn ở Brazil, Đức Hồng y Michael Czerny, dòng Tên, Phó Tổng Thư ký Phân bộ Người Di dân và Người tị nạn của Bộ Phục vụ và Phát triển Con người toàn diện, bày tỏ sự đánh giá cao của Đức Giáo hoàng đối với sáng kiến liên đới này.
Chia sẻ và liên đới là dấu hiệu của vương quốc Thiên Chúa
Đức Hồng y Czerny viết: “Nhân danh Đức Giáo hoàng Phanxicô, và cũng về phía tôi, chúng tôi muốn bày tỏ niềm vui của chúng tôi về cử chỉ tốt lành phân phối thực phẩm được các gia đình của Cải cách nông nghiệp ở Brazil thực hiện.” “Chia sẻ sản phẩm của đất đai để giúp đỡ các gia đình nghèo khó ở ngoại vi thành phố là dấu hiệu của vương quốc của Thiên Chúa, nơi mang lại sự liên đới và hiệp thông huynh đệ.”
Khuyến khích những nhóm khác làm điều tương tự
Đức Hồng Y Czerny nhắc lại rằng khi Chúa Giêsu nhìn thấy những đám đông đói khát, ngài đầy lòng trắc ẩn và đã làm cho những ổ bánh hóa ra nhiều để nuôi họ. Mọi người đã ăn no và thức ăn vẫn còn dư lại (Mc 6,34-44). Ngài nói: “Việc chia sẻ làm sinh ra sự sống, tạo ra sự gắn kết huynh đệ, biến đổi xã hội.” Ngài nói thêm: “Chúng tôi hy vọng rằng cử chỉ này của anh chị em sẽ nhân lên và khuyến khích các nhóm khác làm điều tương tự, bởi vì Thiên Chúa yêu một người cho đi cách vui vẻ” (2 Cr 9,7).
Phong trào những Công nhân không có đất được thành lập vào những năm 1980 để tạo cơ hội cho người lao động nghèo được có đất đai thông qua cải cách ruộng đất ở miền nam Brazil. Hiện nay Phong trào hiện diện tại 24 trong số 26 bang của Brazil và phục vụ cho khoảng 370.000 gia đình định cư và khoảng 100.000 gia đình di tản. Nó cũng tham gia vào 100 hợp tác xã, 96 xưởng công nghiệp và 1900 hiệp hội. (CSR_5513_2020)
Hồng Thủy
2020
ĐTC Phanxicô mời gọi hãy để mình được “nhiễm” tình yêu chứ không nhiễm virus
ĐTC Phanxicô mời gọi hãy để mình được “nhiễm” tình yêu chứ không nhiễm virus
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết lời tựa cho một cuốn sách mới có tựa đề “Hiệp thông và Hy vọng”, và khuyến khích mọi người tái khám phá tình liên đới giữa những tàn phá của đại dịch virus corona, hãy để mình được “nhiễm” tình yêu thương chứ không nhiễm virus.
Trong lời tựa cuốn sách được phát hành hôm 28/07 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về những bài học mà các Kitô hữu đã học được từ đại dịch Covid-19.
Cuốn sách “Hiệp thông và Hy vọng” được Đức Hồng Y Walter Kasper và cha George Augustin biên tập, chứa đựng những suy tư thần học từ nhiều tác giả khác nhau về “việc làm chứng cho đức tin trong thời gian đại dịch”.
Đức Thánh Cha viết: “Giống như một cơn bão bất ngờ, cơn khủng hoảng virus corona đã khiến tất cả chúng ta ngạc nhiên, khi đột ngột thay đổi, ở cấp độ toàn cầu, cuộc sống cá nhân, công cộng, gia đình và công việc của chúng ta.” Ngài đau buồn vì nhiều người đã mất người thân, cũng như công việc và sự ổn định tài chính của họ. Ở nhiều nơi, ngay cả lễ Phục sinh cũng được cử hành một cách khác thường và vắng lặng, và mọi người không thể tìm được sự an ủi nơi các Bí tích.
Tìm gốc rễ của hạnh phúc
Theo Đức Thánh Cha, tình cảnh bi thảm này cho thấy rõ bản tính dễ tổn thương của con người, bị giới hạn bởi thời gian và sự bất ngờ. Đại dịch buộc chúng ta đặt câu hỏi về gốc rễ của hạnh phúc và tái khám phá gia sản đức tin Ki-tô giáo của chúng ta. Ngài nói: “Nó nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đã quên hoặc đơn giản là trì hoãn tham gia một số vấn đề chính trong cuộc sống. Nó đang khiến chúng ta đánh giá những gì thực sự quan trọng và cần thiết, và những gì có tầm quan trọng thứ yếu hay chỉ là hời hợt”.
Cơ hội sống liên đới
Đức Thánh Cha suy tư rằng thời gian thử thách này cho chúng ta cơ hội để hướng cuộc sống chúng ta trở về với Thiên Chúa; nó mời gọi chúng ta dùng cuộc sống phục vụ tha nhân, ý thức những bất công và thức tỉnh trước tiếng kêu của người nghèo và trái đất bị đau bệnh.
“Truyền nhiễm” tình yêu từ trái tim này sang trái tim khác
Phục Sinh tỏ cho các tín hữu thấy rằng chúng ta không bị tê liệt bởi đại dịch. Phục Sinh mang hy vọng, tin tưởng và khuyến khích, củng cố ý thức liên đới. Mối nguy bị nhiễm virus sẽ dạy chúng ta cách “truyền nhiễm” tình yêu từ trái tim này sang trái tim khác. Cử hành Thánh Thể ban cho chúng ta sức mạnh để giải quyết những khó khăn và thử thách. Và cuối cùng, Đức Thánh Cha hy vọng cuốn sách giúp khám phá “một ý nghĩa mới của hy vọng và liên đới.” (CSR_5506_2020)
Hồng Thủy