2020
Thủ tướng Iraq kêu gọi các Kitô hữu trở về quê hương
Thủ tướng Iraq kêu gọi các Kitô hữu trở về quê hương
Ông Mustafa Al-Kazemi, Thủ tướng Iraq lên tiếng kêu gọi các Kitô hữu mau chóng trở về nhà sau khi nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị đánh bại.
Hãng thông tấn quốc tế Assyrian (AINA) cho biết: Thủ tướng Iraq nói sẽ thực hiện nghiêm túc việc hỗ trợ các gia đình Kitô hữu và giải quyết các vấn đề của họ. Ông khẳng định: “Iraq là đất nước cho tất cả mọi người, và các Kitô hữu là những người con đầu tiên của đất nước”.
Thủ tướng bày tỏ: “Chúng tôi rất vui vì các Kitô hữu sẽ trở lại Iraq và đóng góp vào công cuộc tái thiết đất nước. Người Iraq thuộc tất cả các giáo phái đang khao khát một Iraq mới, tin tưởng vào hòa bình và từ chối bạo lực”.
Hôm Chúa nhật 9/8, ông Al-Kazemi đã gặp Đức Hồng y Louis Raphael I Sako, Thượng Phụ Giáo Chủ Công Giáo Canđê. Trong buổi nói chuyện này, Đức Hồng y bày tỏ hy vọng chính phủ Iraq sẽ tiếp tục đáp ứng những nguyện vọng của người dân và có thể giải quyết nhiều thách thức mà đất nước đang phải đối mặt. Đức Hồng y khẳng định nhiều Kitô hữu muốn trở lại Iraq.
Đức Hồng y nói: “Giáo hội ủng hộ các bước của ông Al-Kazemi nhằm đạt được tình trạng an ninh và ổn định trên toàn lãnh thổ Iraq. Các Kitô hữu tự hào mình là người Iraq và họ cảm thấy yên tâm hơn trước việc xử lý nghiêm túc của chính quyền Al-Kazemi với hồ sơ Kitô giáo”.
Theo Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ (ACN), một số Kitô hữu Iraq chạy trốn vào năm 2014 đã trở về Iraq nhưng họ phải đối mặt với nhiều khó khăn, kể cả tình trạng thiếu an ninh và bị đe dọa.
Ngọc Yến
2020
Paris được thánh hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria
Paris được thánh hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria
Thứ Bảy, lễ Đức Mẹ Lên Trời, từ Vương cung thánh đường Thánh Tâm Montmartre, Đức cha Michel Aupetit, Tổng Giám mục Paris thánh hiến thủ đô cho Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Đây là một phần của chương trình hành hương Thánh Mẫu với lộ trình hình chữ “M”. Trong 3 tháng các tín hữu tham gia hành hương đi qua các đền thánh Đức Mẹ ở Pháp.
Cuộc hành hương phó thác nước Pháp cho Đức Trinh Nữ được bắt đầu vào đầu tháng 6/2020, liên kết 5 địa điểm Đức Mẹ hiện ra ở Pháp, lộ trình tạo thành một chữ “M” lớn. Cuộc hành hương được chia thành hai nhóm, mỗi nhóm có một xe ngựa chở tượng Đức Mẹ. Một nhóm khởi hành từ Lộ Đức, nhóm thứ hai từ La Salette. Hai nhóm hành hương dự tính sẽ gặp nhau vào ngày 12/9, lễ Thánh Danh Đức Maria ở Pellevoisin. Quãng đường cả hai nhóm đi hơn 2000km và tổng cộng 104 ngày, mỗi ngày đi khoảng 15 km. Ở mỗi nơi đoàn hành hương đi qua, các tín hữu đều được mời gọi tham gia.
Tại Paris, vào ngày 12/8, nhóm khởi hành từ La Salette sẽ có điểm dừng chân đầu tiên tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Tại đây, cùng với tín hữu Paris, ngày 13/8, đoàn rước đến Nhà nguyện Ảnh Đức Mẹ Hay Làm Phép Lạ, và có đêm canh thức tại Nguyện đường các Cha dòng Lazaristes.
Vào đêm 14 và 15/8, đoàn hành hương tiếp tục canh thức cầu nguyện cho nước Pháp tại Vương cung thánh đường Notre-Dame des Victoire.
Sáng thứ Bảy, tượng Đức Mẹ được các tín hữu rước đến Vương cung thánh đường Thánh Tâm Montmartre. Tại đây, Đức Tổng Giám Mục Paris chủ sự Thánh lễ và sẽ đọc một lời cầu nguyện đặc biệt thánh hiến Paris cho Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria và cầu nguyện cho nước Pháp.
Sau lễ Đức Mẹ Lên Trời đến ngày 20/8, đoàn hành hương sẽ kính viếng và cầu nguyện tại các Nhà thờ trong khu vực Paris, trước khi tiếp tục bước theo dấu vết của đức tin và lòng sùng kính Đức Maria.
Theo ban tổ chức, mục đích của cuộc hành hương này là: “Trong khi bước đi cùng với Đức Maria và tái khám phá các sứ điệp mà Mẹ đã gửi đến tại 5 địa điểm hiện ra ở Pháp, chúng tôi muốn để Mẹ chạm đến tâm hồn những người chúng tôi gặp gỡ và chúng tôi muốn thánh hiến chính mình cho Mẹ”. Ơn xin đặc biệt mà những người khởi xướng sáng kiến khẩn xin Đức Mẹ là xin Mẹ giải thoát đất nước và nhân loại khỏi đại dịch.
Ngọc Yến
2020
Gửi thư đến hàng giáo phẩm và tín hữu Việt Nam – Tổng Giám mục Marek Zalewski
Tổng Giám mục Marek Zalewski
Đại diện Tòa Thánh
Gửi thư đến hàng giáo phẩm và tín hữu Việt Nam
Quý Đức Hồng y,
Quý Đức Tổng Giám mục, Giám mục,
Anh chị em thân mến,
Trong giai đoạn này khi đại dịch Covid-19 xảy ra ở Đông Nam Á, nhiều người đã kể với tôi về kinh nghiệm của sự bất ngờ và trạng thái đảo lộn. Qua đó, dù tôi không thể rời khỏi Singapore hoặc tiếp xúc trực tiếp với anh chị em, tôi biết được những trải nghiệm của anh chị em.
Lần cuối tôi rời Việt Nam vào ngày 5 tháng 1 vừa qua khi kết thúc chuyến thăm Tổng Giáo phận Huế nhân dịp khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 170 năm thành lập Tổng Giáo phận miền Trung lịch sử này. Kể từ đó, dường như chúng ta bị chia cách do tình trạng giãn cách xã hội và cách ly của cơn đại dịch toàn cầu. Tôi phải hủy bỏ các chương trình thăm mục vụ các giáo phận Hà Tĩnh, Qui Nhơn, và Thanh Hóa, cả chương trình tổ chức Thánh lễ và tiếp tân mừng Ngày Giáo hoàng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn lây nhiễm Covid-19: Đợt đầu từ Trung Quốc trong thời gian Tết Nguyên đán với 16 ca lây nhiễm; đợt hai từ ngày 7 tháng 3 bắt nguồn từ một du khách Việt Nam trở về từ châu Âu và lây nhiễm 124 người; sau ba tháng không có trường hợp nhiễm bệnh, dịch Covid-19 lại bất ngờ bùng phát trong cộng đồng vào ngày 25 tháng 7. Đột biến từ 400 ca nhiễm vào cuối tháng 7, nay đã xác định hơn 780 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 20 ca tử vong.
Tôi cũng được biết về nhiều chương trình bác ái của các giáo hội địa phương, vươn ra nâng đỡ những mảnh đời thất nghiệp vì giãn cách xã hội, nuôi dưỡng những người bán hàng rong bị thất thu từ ít đồng bạc lẻ kiếm sống mỗi ngày, mở lối cho nhiều lao động nhập cư bị sa thải. Tất cả những việc lành anh chị em đã thực hiện, cá nhân hay tập thể, cho những người nhỏ bé nhất đã được ghi dấu nơi Đức Kitô – Đấng cứu độ nhân loại.
Việc tạm dừng các đường bay từ Singapore đã giới hạn sự hiện diện hữu hình của tôi ở giữa anh chị em, nhưng không thể hoàn toàn ngăn trở sứ vụ của tôi. Tôi luôn trao đổi thông tin với anh chị em, lắng nghe những trăn trở của anh chị em và tiếp tục phục vụ các nhu cầu của Hội Thánh tại Việt Nam. Chúng ta cùng ở trong sự hiệp thông!
Thư này là một cách thế bày tỏ với tất cả mọi người tình huynh đệ của tôi và sự hiệp thông của Hội Thánh trong giai đoạn khó khăn và lo âu này. Do sự sáng suốt và lòng nhiệt thành tông đồ của anh chị em thúc đẩy, tôi viết thư này vì tôi muốn được ở gần anh em, các vị Lãnh đạo Hội Thánh tại Việt Nam, và cùng đồng hành với các tín hữu Công giáo cũng như dân tộc Việt Nam trên cùng một hành trình. Điều quan trọng là không để mất lòng nhiệt thành của đức tin và niềm hy vọng của Tin Mừng!
Như Đức Thánh cha Phanxicô đã nói trong cơn đại dịch Covid-19 này: “Niềm hy vọng cũng bởi nỗ lực của chúng ta, và chúng ta cần giúp nhau để giữ cho niềm hy vọng được sống động và hiệu nghiệm. Tôi muốn nói rằng một niềm hy vọng lan tỏa được nuôi dưỡng và xác tín trong sự gặp gỡ với người khác, và, như một món quà và bổn phận, được trao ban cho chúng ta để tạo nên một “trạng thái bình thường” mới mà chúng ta đang hết lòng mong đợi”.
Kính thưa quý Đức Hồng y, quý Đức Tổng Giám mục và Giám mục, anh chị em thân mến,
Tôi nhắc lại với từng cá nhân lời tri ân sâu sắc vì những gì anh chị em đã làm trong giai đoạn phức tạp này. Xin Chúa Giêsu chúc lành cho anh chị em và xin Đức Nữ Đồng Trinh, mà hôm nay chúng ta kính nhớ Đức Mẹ Lên Trời, canh giữ anh chị em luôn mãi.
Với phép lành Tông Toà,
Tổng Giám mục Marek Zalewski
Đại diện Tòa Thánh
Singapore, ngày 15 tháng 8 năm 2020
Lễ Đức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời.
Nguồn: https://hdgmvietnam.com
2020
17 nữ tu thuộc dòng Nữ tu Bác ái của Thánh Elizabeth đã chết tại New Jersey trong đợt bùng phát coronavirus
17 nữ tu thuộc dòng Nữ tu Bác ái của Thánh Elizabeth đã chết tại New Jersey trong đợt bùng phát coronavirus
Cái chết của nữ tu Margaret Ellen ở Cedar Grove hôm thứ Tư vừa qua là một dấu mốc quan trọng đối với các Nữ tu Bác ái của Thánh Elizabeth.
Chị là nữ tu thứ 17 của nhà dòng đã chết kể từ khi bùng phát dịch bệnh coronavirus ở New Jersey từ tháng 3.
14 nữ tu đã chết ở hai trung tâm chăm sóc dài hạn, là những cơ sở đã chứng kiến gần một nửa tổng số ca tử vong vì COVID-19 trong tiểu bang New Jersey. Ba nữ tu còn lại chết trong các bệnh viện khác.
Các nữ tu vừa thiệt mạng có độ tuổi từ 79 đến 103. Hầu hết các sơ là giáo viên dạy trẻ em trong các trường Công Giáo trên khắp miền Bắc Jersey. Đặc biệt có Sơ Francis Raftery, nguyên là hiệu trưởng Đại học St. Elizabeth.
Trong thông báo, nhà dòng cho biết:
“Chúng tôi cảm tạ Chúa vì những chị em này đã chạm vào cuộc sống của rất nhiều người, mỗi người theo cách riêng của mình và với những ân sủng đặc biệt của riêng mình, ”
Global Sisters Report, một dự án của National Catholic Reporter, đã báo cáo ít nhất 61 trường hợp tử vong của các nữ tu trên toàn thế giới, trong đó có 13 sơ từ một tu viện ở Livonia, Michigan, ngay ngoại ô Detroit. Một trong những nữ tu đó ban đầu đã hồi phục sau khi vượt qua được thứ virus quái ác này nhưng sau đó đã chết vì ảnh hưởng của nó vào ngày 27 tháng 6.
Đặng Tự Do