2020
ĐTC Phanxicô gửi thư cho các nam nữ tu sĩ Brazil
ĐTC Phanxicô gửi thư cho các nam nữ tu sĩ Brazil
Nhân dịp Tuần lễ Đời sống thánh hiến tại Brazil, từ 16-22/8, Đức Thánh Phanxicô đã gởi thư cho các nam nữ tu sĩ để khích lệ và đồng hành với những người sống đời thánh hiến trong sứ mạng của họ.
Trước hết, về bản chất của ơn gọi, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tu sĩ rằng hành trình ơn gọi luôn bắt nguồn từ kinh nghiệm nhận biết mình được Thiên Chúa yêu thương: chính sự sống cũng là kết quả của việc Thiên Chúa gọi. Ngài yêu chúng ta trước và theo một cách duy nhất; Ngài cùng bước đi với chúng ta, đôi khi trên con đường đầy vết bẩn; đặc biệt Chúa gọi chúng ta đến niềm vui, vốn chỉ có được khi mình trở thành món quà cho người khác.
Kế đến, về những thách đố trong xã hội ngày nay, Đức Thánh Cha lưu ý cám dỗ bởi cái nhìn thế tục, khiến chúng ta không nhìn thấy ân sủng của Thiên Chúa là nhân tố quan trọng nhất của cuộc sống; do đó, chúng ta tìm một điều gì khác để thay thế. Và thuốc giải độc tốt nhất để chống lại cám dỗ này là dành ưu tiên cho việc cầu nguyện giữa những bộn bề các hoạt động.
Cuối cùng Đức Thánh Cha gợi lại câu hỏi ngài đã đề xuất trong Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, 2014, để các tu sĩ có thể chất vấn chính mình: “Chúa Giêsu có thực sự là tình yêu thứ nhất và cuối cùng, như chúng ta đã khấn, khi chúng ta đọc các lời khấn không? Chỉ khi nào là như thế, chúng ta mới có thể và phải yêu trong chân lý và lòng thương xót mọi người mà chúng ta gặp trên hành trình của chúng ta, để chúng ta hiểu từ Ngài rằng tình yêu là gì và phải yêu như thế nào; chúng ta sẽ biết yêu thương bởi vì chúng ta sẽ có chính con tim của Ngài.” (CSR_5971_2020)
Văn Yên, SJ
Nguồn: vaticannews.va/vi
2020
Dòng Thánh Gia: Kỷ niệm 89 năm lập dòng và hồng ân Vĩnh khấn
Dòng Thánh Gia: Kỷ niệm 89 năm lập dòng và hồng ân Vĩnh khấn
“Với 89 năm hiện diện trong lòng Giáo hội, 50 năm trong giáo phận Long Xuyên, chắc chắn Dòng Thánh Gia là một kỳ công của Thiên Chúa”.
Đây là những chia sẻ của đức cha Giuse Trần Văn Toản – giám mục giáo phận Long Xuyên trong thánh lễ mừng kính trọng thể Đức Maria Hồn Xác Lên Trời được cử hành vào lúc 09g ngày 15.8.2020 tại nhà nguyện Dòng Thánh Gia. Dịp này, Dòng Thánh Gia cũng kỉ niệm 89 năm lập dòng (1931-2020), đồng thời có 04 Tu huynh tuyên khấn trọn đời.
Cùng đồng tế với ngài có cha Bề trên Tổng quyền Dòng Thánh Gia cùng khoảng 40 linh mục trong và ngoài giáo phận. Tham dự thánh lễ cũng có sự hiện diện đông đảo quý tu sĩ nam nữ, quý ông bà cố, thân nhân, ân nhân và quý khách của Hội dòng.
Thánh lễ được bắt đầu với đoàn rước gồm có: Thánh Giá đèn hầu, quý Tu huynh Vĩnh khấn, ông bà cố của các Tu huynh Vĩnh Khấn, quý cha đồng tế, Đức cha chủ tế.
Chia sẻ trong bài giảng lễ, Đức cha Giuse đã quảng diễn đoạn Tin Mừng Lc 1,39-56 nói về việc Đức Maria đến thăm chị họ mình là bà Elisabeth và bài ca Magnificat nổi tiếng mà Mẹ đã cất lên để ca khen và cảm tạ Chúa. Ngài chia sẻ: “Với đặc ân Lên Trời Cả Hồn Lẫn Xác mà chúng ta mừng kính hôm nay, cùng với 03 đặc ân khác mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ: Mẹ Thiên Chúa, Vô Nhiễm Nguyên Tội, Trọn Đời Đồng Trinh, chúng ta sẽ nhận ra ý định đời đời của Thiên Chúa nơi Đức Mẹ. Mẹ là công trình vĩ đại của Thiên Chúa được đặt để nơi thế gian này”. Liên hệ từ cuộc đời Đức Mẹ và nhìn vào những biến cố thăng trầm của Dòng Thánh Gia, đức cha nhận định: “Với 89 năm hiện diện trong lòng Giáo hội, 50 năm trong giáo phận Long Xuyên, chắc chắn Dòng Thánh Gia là một kỳ công của Thiên Chúa”.
Sau bài giảng là nghi thức Vĩnh khấn.
Mở đầu nghi thức, một Tu huynh trong Ban Phục Vụ xướng tên các ứng sinh cho nghi thức Vĩnh khấn và các Ứng sinh này sẽ bày tỏ ước nguyện của mình trước mặt Bề trên và cộng đoàn đang hiện diện. Các Ứng sinh Vĩnh khấn:
- Tu huynh Felix Ngô Thành Hưng, CSF
- Tu huynh Grégoire Phạm Hữu Sở, CSF
- Tu huynh Georges Đoàn Ngọc An, CSF
- Tu huynh Germain Lê Phát Nhu, CSF.
Sau phần thẩm vấn của Bề trên là Kinh Cầu Các Thánh. Các Ứng sinh nằm phủ phục trước bàn thờ trong khi ca đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh.
Tiếp đến, các Ứng sinh tiến lên trước mặt bề trên và 02 nhân chứng đọc công thức tuyên khấn trọn đời.
Sau khi đọc công thức tuyên khấn, Đức cha chủ tế đọc lời nguyện Thánh Hiến trên các Tân khấn sinh.
Kết thúc nghi thức khấn dòng là nghi thức ôm chúc bình an. Cha Bề trên sẽ ôm chúc bình an cho từng Tân khấn sinh.
Kết thúc nghi thức khấn dòng, thánh lễ được tiếp tục như thường lệ với phần Phụng Vụ Thánh Thể.
Trước khi nhận phép lành cuối lễ, cha Bề trên Tổng quyền Louis Gonzaga Phạm Thế Nhung, CSF thay mặt nhà dòng cảm ơn Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể cộng đoàn.
Thánh lễ kết thúc lúc 11g. Sau thánh lễ là bữa tiệc mừng tại khuôn viên Hội Dòng.
Joseph Hoàng Văn Thương, CSF
2020
“Tôi chỉ trích và phán xét rất nhiều… làm sao tôi thoát ra?
“Tôi chỉ trích và phán xét rất nhiều… làm sao tôi thoát ra?
Chuyên mục của nhà tâm lý và phân tâm Jacques Arènes trả lời độc giả trên tuần báo La Vie.
“Năm ngoái, tôi trải qua các tình huống khó khăn, một đồng nghiệp không khoan nhượng, một thực tập viên trẻ lấn át các bạn chỉ trích tôi… cụ thể là tôi bị nói xấu rất nhiều. Người ta thấy tôi chỉ trích và xét đoán quá nhiều, điều này hoàn toàn vô thức và tôi không nhận ra nó.
Tôi vừa đọc một bài báo giải thích, những người không được đánh giá cao thường có xu hướng đánh giá thấp người khác, đây có lẽ là điều đã xảy ra cho tôi…
Nhưng làm sao thoát ra khỏi tình trạng này? Đó là hình thức trả thù không phù hợp với tôi, tôi không thể tha thứ cho mình chuyện này. Và bây giờ tôi sợ tất cả các phản ứng của tôi, liệu chúng có được đón nhận không? Đồng thời, tôi không thể lúc nào cũng im lặng, nhưng nếu khi tôi diễn tả mà làm đau người khác thì đó là một chuyện rất nặng.”
Câu trả lời của nhà phân tâm học Jacques Arènes
“Tôi đã không nhận ra nó.” Thật ngạc nhiên, thế nào mà khi nào chúng ta cũng không thấy việc mình làm cho người khác, cả chuyện tốt cũng như chuyện xấu. Bạn nói với tôi về điểm mù này trong hành động của bạn, mà không phải lúc nào bạn cũng nhận thức được sức mạnh và tầm mức của nó. Chắc chắn bạn có thể nhận ra khi đưa ra một khẳng định như vậy về một người, nhưng đây là lúc bạn đang nói chuyện, và nó phải tương ứng, tại thời điểm được thốt ra bạn cảm nhận đó là điều cần thiết, thậm chí là sự thật. Câu hỏi bạn đặt ra rất đơn giản, nhưng là một câu hỏi không dò tìm được. Làm thế nào nói được những gì phải nói, và đôi khi nếu được, nói nhưng không “phán xét”.
“Phán xét” là đi xa hơn sự thật, theo như chúng ta có thể nắm được “sự thật” của các mối quan hệ.
Ví dụ, khi chúng ta có trách nhiệm trong công việc, đôi khi cần phải có phản hồi cho mọi người, như với nữ thực tập sinh này, về những gì chúng ta hiểu hành động của họ và đóng góp của họ cho tập thể. Đương nhiên không thể hoàn toàn “khách quan”. Và thực sự có cần thiết không? Thực chất, chính nhờ tính nhạy cảm mà chúng ta hiểu được hành động của người khác và sự tương tác của họ với chúng ta. Sự nhạy cảm này hệ tại không phải là xấu. Nó giúp chúng ta nhận thức, “cảm nhận” đúng người và đúng sự việc. Vì thế một số triết gia như bà Martha Nussbaum nghĩ, cảm xúc của chúng ta là một phần các công cụ để chúng ta đi tìm điều tốt, và để xác định hành động đạo đức của chúng ta. Chúng ta chỉ cần thận trọng sử dụng các “công cụ” này và sàng lọc độ nhạy của chúng ta để không đi quá độ, cố gắng biến đổi quan điểm, như thế có thể hỏi ý kiến người khác để có ý tưởng đúng hơn. Đây là điểm đầu tiên của tôi: chấp nhận sự biến đổi này với trọng tâm trọng lực của nó, tiếp thu các ý kiến khác, tiếp cận các nhạy cảm khác chứ không phải loại bỏ, nhưng tinh tế điều chỉnh lại khả năng nhạy cảm của chúng ta. Điều thật và đúng khi đó sẽ được hình thành, khi chúng ta có thể thay đổi góc nhìn. Đó là chiến lược tốt nhất khi chúng ta có thì giờ suy nghĩ về hành động của mình và điều chỉnh nó.
Tiếc thay thường thường chúng ta không có thì giờ. Đang lúc nói chuyện, các lời phán xét được đưa ra, các lời xác quyết bị gằn mạnh. Chúng ta chỉ ý thức sau khi đã nói. Và thiệt hại đã được làm xong. Vậy chúng ta sẽ làm gì sau các tác hại đã làm? Bạn nên dùng từ “tha thứ” cho mình trước. Đó là vấn đề. Không phải lúc nào cũng tha thứ, nhưng biết những gì mình phải làm với lỗi lầm hay tổn thương đã gây ra. Đó là tha thứ cho chính mình, tha thứ cho người khác, hoặc đơn giản là đặt mọi sự đúng chỗ của nó, giữa giòng sông mênh mông của tất cả những gì chúng ta làm cho nhau, các tổn thương gây ra hoặc phải bị nhận các tổn thương này.
Giữa làn sóng đau khổ và nhạy cảm này, dù chúng ta muốn hay không muốn – hay trong khả thể – tha thứ hay tha thứ cho chính mình, chúng ta phải học một hình thức thông minh để hành động, một kỹ năng tinh ranh mà người hy lạp gọi là mètis, giúp chúng ta có một độ lùi với sức mạnh của hành động. Chúng ta hãy khôn ngoan với sức mạnh của cảm xúc của mình, hãy đi một bước bên cạnh nó; phát hiện vết bong khi nó đưa chúng ta đi quá xa, thúc đẩy chúng ta phán xét mà không phân định. Tình cảm thường hướng dẫn chúng ta, cả trên con đường tốt cũng như trên con đường xấu, nhưng nó phải được biến đổi bởi trí thông minh uyển chuyển này, sự tinh tế tinh ranh này giúp chúng ta mềm dẽo hơn, sâu sắc hơn, sống động hơn so với sức mạnh của các chuyển động nội tâm của chúng ta.
Marta An Nguyễn dịch
2020
Được xây trên Đá: khảo sát việc sống đức tin trong thời Covid-19
Được xây trên Đá: khảo sát việc sống đức tin trong thời Covid-19
Thay đổi mạnh mẽ trong đời sống Giáo hội
Cha Elias Frank, Giám đốc IUS Missionale, tạp chí sẽ đăng kết quả khảo sát, đã khởi động cuộc khảo sát với một thư ngỏ, với lời mở đầu: “Người Công giáo chúng ta đã quá quen với việc tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, xưng tội và thực hành các nghi lễ khác, nhưng Covid-19 đã khiến đời sống đức tin thường nhật đó bị dừng lại ở nhiều quốc gia, mà chẳng báo trước”.
Sử dụng hình ảnh cơn bão tố Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập trong giờ cầu nguyện đặc biệt, cha Frank viết rằng “Giáo hội là ‘thân thể sống động của Chúa Kitô’”. Giáo hội đó, “được xây dựng trên tảng đá… sẽ vượt qua mọi bão tố.” Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, “các tín hữu… cảm nhận giông bão, giống như các tông đồ gặp bão tố (Mt 8, 25; Mc 4,38; Lc 8,24)”.
Khảo sát để phân tích những ảnh hưởng đến người Công giáo
Do các biện pháp thực thi để ngăn chặn sự lây lan của virus, các nhà thờ đã bị đóng cửa và các tín hữu đã bị tước đi các bí tích. Trước hoàn cảnh mới mà các tín hữu Công giáo khắp nơi trên thế giới đang sống, Đại học Giáo hoàng Urbaniana “hy vọng hiểu được cách mọi người sống đức tin và phản ứng trước việc các nhà thờ bị đóng cửa”.
Cuộc khảo sát được thực hiện tại Châu Phi, Châu Á và Châu Đại Dương, là các châu lục có các giáo phận, cùng với đại học Urbaniana, thuộc thẩm quyền của Bộ Loan báo Tin mừng cho các Dân tộc.
Cuộc khảo sát bao gồm cách giáo dân, các thừa tác viên chức thánh và các tu sĩ nam nữ đã sống và tiếp tục sống đức tin của họ trong những hoàn cảnh thay đổi như vậy. Trong đó, có nhiều câu hỏi liên quan đến những vấn đề cơ bản như các biện pháp hạn chế do chính phủ thực hiện, hệ quả của các biện pháp đó và thái độ chung trong việc hợp tác của mọi người với các biện pháp đó.
Phần tiếp theo của bản khảo sát tập trung vào phản ứng của Giáo hội và đời sống bí tích của các tín hữu trong thời gian phong toả. Một số câu hỏi dành riêng cho tín hữu giáo dân, một số câu hỏi khác dành cho các linh mục, và câu hỏi dành cho các tu sĩ nam và nữ.
Người tham gia khảo sát cũng được khuyến khích gởi hình ảnh hoặc video mô tả sự kiện hoặc công việc cụ thể được thực hiện liên quan đến đại dịch virus corona.
Kết quả khảo sát sẽ được công bố
Kết quả khảo sát sẽ được công bố trên tạp chí hàng năm IUS Missionale do Khoa Giáo luật của Đại học Giáo hoàng Urbaniana xuất bản. Danh tính của những người tham gia khảo sát sẽ không được tiết lộ. Cha Elias Frank, Giám đốc tạp chí, hy vọng rằng thông qua cuộc khảo sát này, “nghĩa của từ ‘là Nhà thờ/là Giáo hội’” sẽ nổi lên.
Bất kỳ ai sống ở Châu Phi, Châu Á hoặc Châu Đại Dương đều được mời tham gia cuộc khảo sát, tại link khảo sát.
Văn Yên, SJ – Vatican News