2020
ĐTC cầu nguyện và kêu gọi chấm dứt bạo lực ở khu vực Tigray của Ethiopia
ĐTC cầu nguyện và kêu gọi chấm dứt bạo lực ở khu vực Tigray của Ethiopia
Trong một tuyên bố được đưa ra vào chiều thứ Sáu, ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha bày tỏ quan ngại về tình hình ở vùng Tigray của Ethiopia và khu vực xung quanh.
Ông Matteo Bruni cho biết: Trong thời gian qua, Đức Thánh Cha luôn quan tâm theo dõi, cầu nguyện và hôm nay đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ hướng đến các bên xung đột, để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu, nhằm đạt được hòa bình ở khu vực miền bắc Ethiopia.
Từ đầu tháng nay, quân đội và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray, đảng cầm quyền trong khu vực luôn ở trong thế đối đầu. Toàn bộ khu vực Sừng châu Phi đang bị đe dọa và đã có hàng trăm nạn nhân và hơn 40.000 người phải di dời đến nước láng giềng Sudan.
Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh khẳng định: “Đức Thánh Cha đang theo dõi tin tức đến từ Ethiopia, nơi một cuộc đụng độ quân sự đang diễn ra trong những tuần qua, làm ảnh hưởng đến khu vực Tigray và các khu vực lân cận. Vì bạo lực, hàng trăm dân thường đã chết và hàng chục ngàn người buộc phải rời bỏ nhà cửa để tới Sudan”.
Ông Matteo Bruni nhắc lại: “Vào trưa Chúa nhật 08/11, tại buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu, khi đề cập đến cuộc xung đột đang diễn ra ở Ethiopia, Đức Thánh Cha đã kêu gọi các bên phải biết từ chối cám dỗ của một cuộc đối đầu vũ trang, và mời mọi người cầu nguyện và tôn trọng tình huynh đệ, sẵn sàng đối thoại. Khi mời gọi mọi người cầu nguyện cho đất nước này, Đức Thánh Cha kêu gọi các bên trong cuộc xung đột chấm dứt bạo lực, bảo vệ cuộc sống, đặc biệt của thường dân, và dân chúng có thể tìm lại được hòa bình”.
Hy vọng và lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha đến vào thời điểm nguy kịch của khu vực: Không có khả năng đối thoại với các nhà lãnh đạo của khu vực Tigray, đó là điều mà Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã nhắc lại trong thời gian gần đây, tại một cuộc họp với các đặc phái viên của Liên minh châu Phi, đến Ethiopia để làm trung gian hòa giải và tìm giải pháp cho cuộc xung đột.
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, trong ba tuần xung đột đã có hàng trăm người chết và khoảng 40.000 người phải di tản đến Sudan, nơi không có nguồn lực đáp ứng.
Ngọc Yến
2020
ĐTC viết cho các Giám mục Ucraina: “Thế giới tìm kiếm sự gần gũi của Thiên Chúa”
ĐTC viết cho các Giám mục Ucraina: “Thế giới tìm kiếm sự gần gũi của Thiên Chúa”
Đức Thánh Cha đã gửi một sứ điệp đến các Giám mục Công giáo Latinh và Giáo hội Công giáo nghi lễ Đông phương của Ucraina, nhân đợt tĩnh tâm từ ngày 23-26/11. Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Thế giới đang tìm kiếm sự gần gũi của Thiên Chúa, ngay cả khi họ không ý thức điều này”.
ĐTC gặp gỡ các Giám mục Ucraina trong năm 2019 (Vatican Media)
Qua Tòa sứ thần Tòa Thánh, vào ngày 20/11 Đức Thánh Cha gửi sứ điệp cho các Giám mục, và sứ điệp được công bố ngày 27/11 bằng một thông cáo từ Giáo hội Công giáo nghi lễ Đông phương. Cuộc tĩnh tâm dành cho tất cả các Giám mục của Ucraina, bao gồm Giáo hội Công giáo Latinh và Giáo hội Công giáo nghi lễ Đông phương, và đây được coi là thời gian cụ thể của sự hiệp nhất quốc gia.
Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha muốn bày tỏ sự gần gũi đặc biệt với các Giám mục Ucraina “trong bối cảnh có nhiều khó khăn mà đất nước thân yêu của anh em đang phải trải qua” và nhắc nhở các Giám mục rằng “sự gần gũi với Thiên Chúa phải có trước và là động lực cho mọi hành động của anh em. Từ sự gần gũi với Thiên Chúa cũng nảy sinh sự gần gũi với dân chúng đã được giao phó cho anh em coi sóc”.
Đức Thánh Cha viết: “Chúa Giêsu thích đến gần anh chị em của Ngài qua chúng ta, qua bàn tay, lời nói và trái tim của chúng ta”. Vì điều này, “ngay cả trong hoàn cảnh nghèo khó của chúng ta, chúng ta phải đảm bảo rằng không ai cảm thấy Thiên Chúa xa vời, không ai lấy Thiên Chúa làm cớ để xây tường, phá cầu và gieo hận thù”.
Cuối sứ điệp, Đức Thánh Cha viết: “Nhiệm vụ của chúng ta bao gồm trong việc loan báo bằng cuộc sống với một tình yêu không giới hạn, không nhìn vào lợi ích của chính mình, nhưng vào chân trời vô biên của lòng thương xót của Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha luôn thể hiện sự gần gũi với mọi thành phần của Giáo hội Công giáo ở Ucraina: Sau lời kêu gọi một cuộc quyên góp đặc biệt dành cho Ucraina năm 2017, vào tháng 7/2019, Đức Thánh Cha đã triệu tập buổi gặp gỡ tại Vatican với Hội đồng thường trực và các vị Tổng Giám mục đứng đầu các giáo tỉnh của Giáo hội Công giáo nghi lễ Đông phương Ucraina, và tiếp theo là cử Đức Hồng y Konrad Krajewski, Chánh Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha, thăm các cơ sở bác ái của Giáo hội Công giáo Latinh. (Acistampa 27/11/2020)
Ngọc Yến
2020
Đôi vợ chồng Công giáo tặng hàng trăm con gà tây cho người nghèo ở New York
Đôi vợ chồng Công giáo tặng hàng trăm con gà tây cho người nghèo ở New York
Đối với ông Alphonse Cataneses, một doanh nhân Công giáo ở New York City, Thanksgiving – Lễ Tạ ơn – từ lâu đã là thời gian hy sinh và quảng đại. Từ 4 năm qua, vào dịp lễ Tạ ơn, ông và bà Maria vợ ông lại tặng hàng trăm con gà tây cho những gia đình nghèo ở trong thành phố.
Bữa ăn Thanksgiving được các tình nguyện viên phân phát cho người nghèo
Năm nay, trong bối cảnh đại dịch virus corona gây ra nhiều thiệt hại, gia đình ông bà Alphonse đã đóng góp nhiều hơn để đảm bảo rằng những người nghèo ở Brooklyn và Queens vẫn có được bữa tối Lễ Tạ ơn đầy đủ. Ông Alphonse nói: “Nhờ ơn Chúa giúp, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc này.”
Khi ông Alphonse còn là một cậu bé, vào tháng 11 hàng năm, cha của ông chất hàng trăm con gà tây vào một chiếc xe tải, đến trường học đón Alphonse và anh trai của ông và họ cùng nhau lái xe đến các xưởng gạch và các bãi cung cấp hàng xung quanh Brooklyn. Họ đến thăm tất cả những người làm việc chung với cha của ông trong suốt cả năm, tặng họ một con gà tây vào lúc 12 trưa ngày thứ Tư trước Lễ Tạ ơn. Sau đó, cha của ông Alphonse sẽ cho tất cả nhân viên của mình nghỉ việc sớm để họ chuẩn bị mừng lễ Tạ ơn vào ngày hôm sau.
Ông Alphonse nhớ lại: “Tôi đã không thể hiểu được tại sao chúng tôi lại làm điều này. Một ngày nọ, cuối cùng chúng tôi hỏi cha tôi và ông trả lời: ‘Con phải hiểu. Thật là tuyệt vời khi giúp đỡ mọi người và Lễ Tạ ơn là thời điểm đặc biệt trong năm.’”
Cha của ông Alphonse qua đời năm 2006. Ông Alphonse và anh trai kế thừa công việc kinh doanh của gia đình. Kể từ khi nghỉ hưu, ông làm công việc quản lý và phát triển bất động sản và điều hành một công ty chuyên nâng cấp và cải tạo căn hộ.
Ông kể rằng một ngày kia, vợ chồng ông đang ngồi nói chuyện với nhau và họ nhớ lại điều thường làm vào thời điểm lễ Tạ Ơn. Họ nhớ lại họ đã hăng hái chất những con gà tây lên xe tải, đi ra ngoài và chăm sóc mọi người.” Vợ ông đề nghị tiếp tục lại truyền thống này, vì thế ông đã đến gặp Tổ chức bác ái ở Brooklyn và Queens để xem mình có thể làm gì.
Từ hơn 10 năm nay, Tổ chức bác ái ở Brooklyn và Queens đã tổ chức chương trình tặng gà tây và thực phẩm cho lễ Tạ ơn. Mỗi người sẽ nhận được một phiếu gồm một con gà tây và một giỏ gồm các món cho bữa ăn trong Lễ Tạ ơn. Năm nay tổ chức đã phân phát gần 1.600 con gà tây và 1.200 gói thực phẩm cho các gia đình thiếu thốn.
Năm 2016, ông Alphonse và bà Maria vợ ông đã trở thành nhà tài trợ chính của chương trình tặng quà, quyên góp khoảng 700 con gà tây. Từ đó họ tiếp tục công việc đóng góp đó vào dịp lễ Tạ ơn hàng năm. Ông Alphonse chia sẻ: “Bất kỳ ai cũng có thể viết chi phiếu hoặc gửi một khoản đóng góp. Nhưng tôi phải nói với bạn, đó thực sự là một cảm giác tuyệt vời khi bạn đưa cho một người một con gà tây, người đó sẽ quay lại và nhìn bạn và họ nói “cảm ơn”. Và bạn biết đó là một lời cảm ơn chân thành.”
Năm nay, bất chấp những thách thức do đại dịch virus corona gây ra, gia đình ông bà Alphonse đã gia tăng quyên góp. Ngoài 700 con gà tây được gửi cho Tổ chức bác ái Công giáo như thường lệ, họ cũng tặng 200 con cho một nhà thờ địa phương.
Năm nay gia đình ông Alphonse phải mua những con gà tây lớn hơn bình thường, với giá cao hơn, bởi vì những con gà tây nhỏ hơn được mua nhiều hơn và do đó khó tìm hơn. Theo ông, năm nay nhiều người chọn ở nhà và tổ chức Lễ Tạ ơn nhỏ hơn. Điều này thực sự có nghĩa là sẽ có nhiều khả năng Lễ Tạ ơn diễn ra trên toàn quốc trong năm nay. Mọi người đang mua những con gà tây nhỏ hơn cho những cuộc tụ họp nhỏ hơn này, vì thế chỉ còn lại những con gà lớn.
Ông Alphonse cho biết doanh thu của công ty của ông đã bị ảnh hưởng trong thời kỳ đại dịch, do nhiều dự án xây dựng ngừng hoạt động trong thời gian đóng cửa. Nhưng ông không thay đổi cam kết tặng gà tây hàng năm. Ông nói: “Có rất nhiều người gặp khó khăn hơn chúng tôi.” Ông biết rằng chắc chắn có nhiều người thực sự cần giúp đỡ … Năm nay vợ chồng ông sẽ giúp 900 người. Đó là một con số nhỏ so với hàng triệu người nghèo, nhưng họ đang làm nhiều bao nhiêu có thể.
Ông Alphonse cảm thấy biết ơn vì ông đủ may mắn để có thể giúp đỡ được rất nhiều người, và ông đã khuyến khích những người khác giúp đỡ người nghèo nhiều nhất có thể. Ông nói: “Chúng ta coi rất nhiều thứ là điều hiển nhiên, ví dụ như thức ăn trên bàn của chúng ta. Nhưng khi bạn đến những nơi ở các khu phố khác nhau và thấy những người đi ra mang theo một giỏ đồ trợ giúp… bạn thực sự thấy rằng họ thiếu thốn và họ thực sự đánh giá cao điều này.” (CNA 22/11/2020)
Hồng Thủy
2020
Làm thế nào để thúc đẩy sự tự lập của con bạn?
Làm thế nào để thúc đẩy sự tự lập của con bạn?
Nhanh hơn và sớm hơn không phải là mục tiêu khi nuôi dạy một đứa trẻ tháo vát, có năng lực.
“Con trai tôi rất độc lập, nó chọn phim hoặc sách và tự đi ngủ vào buổi tối!” Adele, mẹ của Gaspard 4 tuổi, tự hào thông báo. Còn bạn thì nghĩ về đứa con 7 tuổi của mình, đang vật lộn để buộc dây giày sau giờ học thể dục…
Trong hơn 40 năm, diễn ngôn về giáo dục đã coi sự tự lập là một mục tiêu giáo dục chính yếu và các bậc cha mẹ phải phấn đấu để con cái họ được tự lập. Không thể có chuyện mọi thứ sẽ sớm thay đổi, vì vậy chúng ta có thể mong đợi sự tự lập sẽ được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự vì hàng triệu trẻ em hiện đại của chúng ta. Chỉ cần nhìn lướt qua các tạp chí giáo dục người ta thấy rằng không có lòng thương xót dành cho những kẻ không biết tự lập! Hơn nữa, ý tưởng này có vẻ hoàn toàn tự nhiên đối với các bậc cha mẹ: “Con cái chúng tôi phải đối mặt với một thế giới phức tạp, chúng cần phải tự mình vượt qua càng nhanh càng tốt”, một bà mẹ thú nhận. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu sự tự lập bị lý tưởng hóa như thế lại trở thành vỏ bọc cho chủ nghĩa cá nhân?
Đứa trẻ tự lập là một đứa trẻ được tin cậy
Cũng giống như xã hội quá náo động của chúng ta đang lo sợ về sự lệ thuộc của các người lớn tuổi, những người nhỏ tuổi cũng được cảnh báo không nên ở trong tình trạng lệ thuộc này quá lâu. Thế mà chính trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau này mà mối tương quan mẹ con được bồi đắp. Chính sự gần gũi thân thiết này đã đánh dấu tình mẹ, khiến những năm tháng đầu tiên ấy trở thành thời kỳ an toàn. Sự an toàn của ngày mai phát triển được là nhờ vào sự phụ thuộc của ngày nay – đứa trẻ chỉ có thể phát triển từ từ theo từng giai đoạn nhờ sự phụ thuộc đó. Nếu chúng ta vượt qua nó quá nhanh, chúng ta có nguy cơ khiến những đứa con trở nên bi quan và buồn bã.
Tại sao không xem xét sự tự lập trong điều kiện thực tế của gia đình, điều chỉnh nó theo nhịp sống, nhu cầu và khả năng của con cái? Ngay cả khi điều này có nghĩa là hạ thấp một số tiêu chuẩn và xa rời các hướng dẫn “chính thức”: buộc dây giày của con lúc 7 giờ, mua bánh mì ở cửa hàng trên phố lúc 8 giờ… Nếu con bạn không phù hợp với khuôn phép, hãy xem xét tất cả những gì chúng có thể làm được mà không cần bất cứ quyển sách hướng dẫn nào của trường lớp. Con trai bạn có đọc truyện cho em gái nghe trước khi đi ngủ không? Con gái bạn có khiếu hài hước không giống ai phải không? Con bạn có chơi trò đố chữ không? Nó có an ủi bạn bè của nó không?
Cảm xúc trí tuệ, ý thức về mối quan hệ, khả năng tham gia vào cuộc sống gia đình: có nhiều dấu hiệu cho thấy con cái chúng ta đang lớn lên theo nhịp độ riêng của chúng trong gia đình. Chúng là dấu hiệu của hơi thở mà Thiên Chúa đã thổi vào chúng, tự thể hiện qua tính độc đáo của chúng. Cuối cùng, điều quan trọng là phải xây dựng mối tương quan tin cậy và hiểu biết qua lại với con cái, nguồn duy nhất của sự tự lập đích thực. Dây giày có thể đợi!
Tác giả: Anne Gavini
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung