2023
Thiên Chúa yêu chúng ta vô điều kiện
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng Phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta một dụ ngôn đáng ngạc nhiên: người chủ vườn nho đi ra từ sáng sớm đến chiều muộn để gọi một số người đi làm công cho ông, nhưng cuối cùng, ông trả lương cho mọi người như nhau, kể cả những người mới chỉ làm việc được một giờ (x. Mt 20.1-16). Có vẻ như một sự bất công, nhưng không nên đọc câu chuyện dụ ngôn qua tiêu chí tiền lương; đúng hơn, Chúa muốn chúng ta nhìn thấy những tiêu chuẩn của Thiên Chúa, Đấng không tính toán công trạng của chúng ta, nhưng yêu thương chúng ta như những người con.
Hãy nhìn vào hai hành động của Thiên Chúa trong câu chuyện. Đầu tiên, Thiên Chúa luôn đến để kêu gọi chúng ta; thứ hai, Người trả cho tất cả mọi người với cùng một “quan tiền”.
Trước hết, Thiên Chúa là Đấng luôn đến để kêu gọi chúng ta. Dụ ngôn kể rằng người chủ “vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình” (câu 1), nhưng sau đó tiếp tục đi ra vào nhiều giờ khác nhau trong ngày cho đến khi mặt trời lặn để tìm những người chưa có ai thuê làm việc. Do đó, chúng ta hiểu rằng trong dụ ngôn, những người làm công không chỉ là con người, mà trước hết là Thiên Chúa, Đấng luôn đi ra suốt ngày không mệt mỏi. Thiên Chúa là như vậy: Người không chờ đợi những cố gắng của chúng ta để đến với chúng ta, Người không làm cuộc khảo sát để đánh giá công trạng của chúng ta trước khi tìm kiếm chúng ta, Người không bỏ cuộc nếu chúng ta chậm đáp lại; thay vào đó, chính Người đã chủ động và trong Chúa Giêsu, Người “đi ra” hướng về phía chúng ta, để biểu lộ cho chúng ta thấy tình yêu của Người. Và như Thánh Grêgôriô Cả nói, Người tìm chúng ta vào mọi thời điểm trong ngày, vào các giai đoạn và mùa khác nhau của cuộc đời chúng ta cho đến tuổi già (x. Bài giảng Tin Mừng, 19). Đối với tình yêu của Người thì không bao giờ là quá muộn, Người tìm kiếm chúng ta và luôn chờ đợi chúng ta. Đừng quên điều này: Chúa tìm kiếm chúng ta và Người luôn đợi chúng ta, luôn luôn!
Chính vì tình yêu lớn như thế mà Chúa – với hành động thứ hai – trả cho tất cả mọi người với cùng một “quan tiền”, đó là tình yêu của Người. Đây là ý nghĩa sâu xa nhất của dụ ngôn: những người làm công vào giờ chót được trả lương như những người đầu tiên, vì trên thực tế, sự công bằng của Thiên Chúa thì cao hơn, xa hơn. Sự công bằng của con người nói rằng “hãy trả cho mỗi người những gì họ xứng đáng”, trong khi công bằng của Thiên Chúa không đo lường tình yêu dựa trên bậc thang hiệu quả của chúng ta, thành tích hay thất bại của chúng ta: Thiên Chúa yêu chúng ta và chỉ có thế, Người yêu chúng ta vì chúng ta là những người con, và Người làm điều đó với tình yêu vô điều kiện và vô vị lợi.
Anh chị em thân mến, đôi khi chúng ta có nguy cơ tương quan với Thiên Chúa kiểu “mua bán”, chú ý đến sự tài giỏi của chúng ta hơn là vào lòng quảng đại của ân sủng Người. Đôi khi, ngay cả với tư cách là Giáo hội, thay vì đi ra vào mọi giờ trong ngày và mở rộng vòng tay với mọi người, chúng ta có thể thấy mình đứng đầu lớp, xét đoán những người ở xa, mà không nghĩ rằng Thiên Chúa cũng yêu thương họ bằng tình yêu như Người yêu chúng ta. Và ngay cả trong các mối tương quan, vốn có trong các cơ cấu xã hội, công bằng mà chúng ta thực hành đôi khi không thể thoát ra khỏi cái lồng tính toán và chúng ta giới hạn việc cho đi theo những gì chúng ta nhận được, không dám đi xa hơn, không dám đặt cược hiệu quả dựa trên sự tốt lành vô vị lợi và tình yêu được trao ban với tấm lòng rộng mở. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự hỏi: với tư cách là một Kitô hữu, tôi có biết cách đến với người khác không? Tôi có quảng đại với mọi người không, tôi có biết cách cho đi “nhiều hơn” về sự hiểu biết và tha thứ, như Chúa Giêsu làm cho tôi và làm tất cả mọi ngày cho tôi không?
Xin Đức Mẹ giúp chúng ta hoán cải theo thước đo của Thiên Chúa, bằng một tình yêu không thước đo.
2023
Phỏng vấn Đức Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng về việc hướng tới một Giáo hội hiêp hành
1. Hướng tới một Giáo Hội Hiêp Hành: Hiệp Thông – Tham gia và Sứ vụ
2. Chương trình và những nét chính tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục tháng 10/ 2023
3. Những nét mới và quy chế tuyển chọn người tham dự Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới tháng 10/ 2023
2023
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh lễ kính Đức Mẹ Canh giữ ở Marseille
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh lễ kính Đức Mẹ Canh giữ ở Marseille
TRONG THÁNH LỄ KÍNH ĐỨC MẸ CANH GIỮ Ở MARSEILLE
Kinh Thánh kể rằng Vua David, sau khi thành lập vương quốc, đã quyết định vận chuyển Hòm bia Giao ước đến Giêrusalem. Sau khi triệu tập dân chúng, ông đứng lên và đi đón Hòm bia; và trong suốt cuộc hành trình, chính ông đã cùng với dân chúng nhảy múa trước Hòm bia, hân hoan vui mừng vì sự hiện diện của Chúa (xem 2 Sm 6,1-15). Đối lập với bối cảnh của cảnh này, thánh sử Luca kể cho chúng ta về cuộc viếng thăm người chị họ Êlisabét của Đức Maria: thực ra, Đức Maria cũng đứng lên và đi đến miền Giêrusalem, và khi Mẹ vào nhà bà Êlisabét, hài nhi mà bà đang mang trong bụng, đã nhảy mừng khi nhận ra sự xuất hiện của Đấng Mêsia, và bắt đầu nhảy múa giống như vua Đavít đã làm trước Hòm bia Giao Ước (xem Lc 1,39-45).Do đó, Đức Maria được giới thiệu như Hòm bia Giao Ước thật khi giới thiệu Chúa nhập thể vào thế giới. Mẹ là Trinh Nữ trẻ tuổi đi gặp cụ già không còn khả năng sinh con và khi mang Chúa Giêsu, Mẹ trở thành dấu chỉ cuộc viếng thăm của Thiên Chúa, Đấng vượt qua mọi tình trạng vô sinh. Mẹ đi lên miền núi Giuđa, nói với chúng ta rằng Thiên Chúa tiến về phía chúng ta, tìm kiếm chúng ta bằng tình yêu của Người và làm cho chúng ta vui mừng hân hoan.
Nơi hai người phụ nữ này, Đức Maria và bà Êlisabét, cuộc viếng thăm của Thiên Chúa đến với nhân loại được mặc khải: một người còn trẻ và người kia đã già, một trinh nữ và một người vô sinh, tuy nhiên cả hai đều thụ thai theo cách “không thể được”. Đây là công việc của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta; Người biến những điều dường như không thể thành có thể, Người tạo ra sự sống ngay cả trong tình trạng vô sinh.
Thưa anh chị em, với tấm lòng chân thành, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có tin rằng Thiên Chúa đang hoạt động trong cuộc đời chúng ta không? Chúng ta có tin rằng Chúa, một cách kín đáo và thường không thể đoán trước, hành động trong lịch sử, thực hiện những điều kỳ diệu và cũng đang hoạt động trong các xã hội của chúng ta vốn bị đánh dấu bởi chủ nghĩa thế tục của thế gian và một sự thờ ơ tôn giáo nào đó không?
Có một cách để nhận biết liệu chúng ta có lòng tin cậy nơi Chúa hay không. Tin Mừng kể rằng “khi bà Êlisabét vừa nghe lời chào của Đức Maria thì hài nhi đã nhảy mừng trong lòng bà” (c. 41). Đây là dấu hiệu: nhảy mừng. Bất cứ ai tin, ai cầu nguyện, ai chào đón Chúa đều nhảy múa trong Thần Khí, và cảm thấy có điều gì đó đang chuyển động trong lòng, và vui mừng “nhảy múa”. Và tôi muốn tập trung vào điều này: sự nhảy mừng của đức tin.
Kinh nghiệm đức tin trước hết tạo ra sự nhảy mừng trước sự sống. Nhảy mừng có nghĩa là được “chạm vào nội tâm”, có cảm giác hồi hộp bên trong, cảm thấy có điều gì đó đang chuyển động trong lòng mình. Nó trái ngược với một trái tim phẳng lì, lạnh lùng, sống một cuộc sống lặng lẽ, khép mình trong sự thờ ơ và trở nên không thể rung động, trở nên cứng rắn, vô cảm với mọi thứ và mọi người, thậm chí trước sự vất bỏ bi thảm sự sống con người, sự sống mà ngày nay bị từ chối nơi rất nhiều người di cư, cũng như nơi nhiều trẻ em chưa chào đời và nơi nhiều người già bị bỏ rơi. Một trái tim lạnh lùng và phẳng lặng kéo cuộc sống trôi đi một cách máy móc, không có đam mê, không có động lực, không có mong muốn. Và chúng ta có thể phát bịnh với tất cả những điều này trong xã hội châu Âu của chúng ta: sự hoài nghi, sự chán nản, sự cam chịu, sự không chắc chắn, một cảm giác buồn bã chung chung. Có người gọi đó là “những đam mê buồn”: đó là cuộc sống không có những sự nhảy mừng.
Tuy nhiên, những người được sinh ra trong đức tin đều nhận ra sự hiện diện của Chúa, như hài nhi trong bụng bà Êlidabét. Họ nhận ra hoạt động của Người khi mỗi ngày mới bắt đầu và nhận được đôi mắt mới để nhìn vào thực tế; ngay cả giữa những mệt mỏi, những vấn đề và đau khổ, họ vẫn thấy Chúa viếng thăm mỗi ngày và cảm thấy được Người đồng hành và nâng đỡ. Đối mặt với mầu nhiệm của đời sống cá nhân và những thách đố của xã hội, những người có đức tin đều có một bước nhảy vọt, một đam mê, một ước mơ để vun đắp, một mối quan tâm thúc đẩy họ dấn thân một cách cá nhân. Họ biết rằng Chúa hiện diện trong mọi sự, đang kêu gọi và mời gọi họ làm chứng cho Tin Mừng bằng sự hiền lành, để xây dựng một thế giới mới khi sử dụng những hồng ân và đặc sủng đã nhận được.
Kinh nghiệm đức tin, ngoài sự nhảy mừng trước sự sống, còn tạo ra sự nhảy mừng hướng đến tha nhân. Thật vậy, trong mầu nhiệm Thăm Viếng, chúng ta thấy rằng cuộc viếng thăm của Thiên Chúa không diễn ra qua những biến cố ngoại thường trên trời, mà qua sự đơn sơ của một cuộc gặp gỡ. Thiên Chúa đến trước cửa một gia đình, trong cái ôm dịu dàng giữa hai người phụ nữ, trong sự gặp gỡ của hai người đang mang thai đầy kinh ngạc và hy vọng. Và trong cuộc gặp gỡ này có sự quan tâm của Đức Maria, sự ngạc nhiên của bà Êlidabét, niềm vui chia sẻ.
Chúng ta hãy luôn nhớ điều này, ngay cả trong Giáo hội: Thiên Chúa có tính tương quan và thường xuyên đến thăm chúng ta qua những cuộc gặp gỡ giữa con người với nhau, khi chúng ta biết cách mở lòng ra với người khác, khi có sự rung động đối với sự sống của những người đi ngang qua cạnh chúng ta mỗi ngày và khi trái tim chúng ta vẫn dửng dưng và vô cảm trước những vết thương của những người mỏng manh yếu đuối hơn. Các thành phố đô thị của chúng ta và nhiều quốc gia Châu Âu như Pháp, trong đó các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau cùng tồn tại, theo nghĩa này, là một thách thức lớn chống lại sự thái quá của chủ nghĩa cá nhân, chống lại sự ích kỷ và khép kín tạo ra sự cô đơn và đau khổ. Chúng ta hãy học nơi Chúa Giêsu để có sự cảm động trước những người sống bên cạnh chúng ta, chúng ta hãy học nơi Người là Đấng, khi đối diện với đám đông mệt mỏi và kiệt sức, cảm thương và động lòng (x. Mc 6:34), đã trào dâng lòng thương xót trước thân xác bị thương tích của những người Chúa gặp. Như một trong những vị thánh vĩ đại của anh chị em, Thánh Vinh Sơn Phaolô, đã nói, “chúng ta phải cố gắng làm trái tim mình trở nên hiền dịu và khiến chúng nhạy cảm với những nỗi đau và sự khốn khổ của người khác. Chúng ta cần cầu nguyện xin Thiên Chúa ban cho chúng ta tinh thần thương xót thực sự, đó chính là Thần Khí của Người” để có thể nhận ra rằng người nghèo là “chúa và chủ của chúng ta” (Correspondance, entretiens, documents, Paris 1920-25, 341; 392-393).
Thưa anh chị em, tôi nghĩ đến biết bao “sự nhảy mừng” của nước Pháp, nghĩ đến một lịch sử phong phú về sự thánh thiện, văn hóa, các nghệ sĩ và các nhà tư tưởng, đã làm say mê nhiều thế hệ. Ngay cả ngày nay, cuộc sống của chúng ta, cuộc sống của Giáo hội, nước Pháp, châu Âu cũng cần điều này: cần ơn nhảy mừng, một bước nhảy vọt mới của đức tin, lòng bác ái và hy vọng. Chúng ta cần khám phá lại niềm đam mê và nhiệt huyết, khám phá lại sở thích dấn thân cho tình huynh đệ. Chúng ta cần một lần nữa dám mạo hiểm yêu thương gia đình của chúng ta và dám yêu những người yếu đuối nhất, và lại tìm thấy trong Tin Mừng một ân sủng biến đổi và làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp.
Chúng ta hãy chiêm ngắm Đức Maria, người đã chấp nhận vất vả khi bắt đầu một cuộc hành trình và dạy chúng ta rằng đây là cách thế của Thiên Chúa: Thiên Chúa làm phiền chúng ta, khiến chúng ta phải chuyển động, khiến chúng ta “nhảy mừng”, như đã xảy ra với bà Elidabét. Và chúng ta muốn trở thành những Kitô hữu gặp gỡ Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện và gặp gỡ anh em của chúng ta bằng tình yêu; những Kitô hữu nhảy mừng, rung động, đón nhận ngọn lửa Thánh Thần và rồi để mình bị đốt cháy bởi những vấn nạn ngày nay, bởi những thách đố của Địa Trung Hải, bởi tiếng kêu của người nghèo, bởi “những điều không tưởng thánh thiện” của tình huynh đệ và hòa bình đang chờ được thực hiện.
Cùng với anh chị em, tôi cầu nguyện với Đức Mẹ, Notre Dame de la Garde, để Mẹ gìn giữ cuộc sống của anh chị em, để Mẹ bảo vệ nước Pháp và toàn bộ Châu Âu và để Mẹ làm cho chúng ta nhảy mừng trong Thánh Thần. Tôi muốn cầu nguyện bằng những lời của Paul Claudel: “Con thấy nhà thờ, mở cửa… Con không có gì để dâng Mẹ và không có gì để cầu xin. Mẹ ơi, con chỉ đến để nhìn ngắm Mẹ. Nhìn ngắm Mẹ, khóc vì hạnh phúc khi biết rằng con là con của Mẹ và Mẹ đang ở đó. Mẹ Maria, ở bên Mẹ, ở nơi này, nơi có Mẹ… Bởi vì Mẹ luôn ở đó… Đơn giản bởi vì Mẹ là Đức Maria… Đơn giản vì Mẹ hiện hữu… Mẹ của Chúa Giêsu Kitô, xin tạ ơn Mẹ!” (“La Vierge à midi”, Poëmes de Guerre 1914-1916, Paris, 1922).
Nguồn tin: vaticannews.va/vi
2023
Phát hiện mới bên trong nhà thờ Mộ Thánh
Phát hiện mới bên trong nhà thờ Mộ Thánh
Trong vỏn vẹn 60 giờ, các nhà nghiên cứu được trao cơ hội ngàn năm có một để giám định phía trong nhà thờ Mộ Thánh Chúa, một trong những nơi thiêng liêng nhất của Kitô giáo. Và sau đây là những gì họ phát hiện.
Nhiều thế kỷ qua, nhà thờ Mộ Thánh Chúa (nhà thờ Mộ Thánh) trải qua vô số thách thức, từ những vụ tấn công đầy bạo lực, hỏa hoạn đến động đất. Nhà thờ bị phá hủy hoàn toàn vào năm 1009, và sau đó được xây dựng lại. Sự thay đổi về cấu trúc theo dòng lịch sử khiến giới học giả thời nay đặt nghi vấn nơi này có đúng là điểm chôn cất Chúa Giêsu vốn được một phái đoàn Rome tìm ra cách đây 17 thế kỷ hay không.
Kết quả giám định được thực hiện từ các biện pháp khoa học cho thấy hang động đá vôi nằm bên trong nhà thờ đích thực là tàn tích của ngôi mộ do những người La Mã cổ đại phát hiện khi xưa. Mẫu vôi vữa lấy từ bề mặt đá vôi và phiến đá cẩm thạch đặt bên trên lối vào phần mộ có niên đại khoảng năm 345. Theo các tài liệu lịch sử, Mộ Chúa được những người La Mã tìm ra và bảo tồn vào năm 326, thời của Constantine, hoàng đế La Mã đầu tiên cải đạo sang Kitô giáo.
Cơ hội vô giá nghiên cứu bên trong Mộ Thánh
Tháng 10.2016, Mộ Chúa được mở ra lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ. Lúc đó Edicule, nhà nguyện nhỏ bao quanh ngôi mộ, trải qua đợt trùng tu lớn do đội ngũ liên ngành đông đảo của Đại học Bách khoa Quốc gia Athens (Hy Lạp) thực hiện. Trong quá trình này, một vài mẫu vữa được thu thập tại nhiều vị trí khác nhau bên trong Edicule để tiến hình giám định niên đại. Kết quả gần đây đã được Trưởng giám sát khoa học Antonia Moropoulou, người dẫn đầu dự án trùng tu Edicule, chia sẻ cho Tạp chí National Geographic uy tín.
Thế kỷ thứ 4, hoàng đế Constantine cử đoàn sứ giả đến Giêrusalem để tìm tung tích Mộ Thánh. Năm 325, phái đoàn đến Giêrusalem và họ tìm thấy tàn tích của một đền thờ La Mã được xây dựng trước đó khoảng 200 năm. Vào thời điểm đoàn đến nơi, đền thờ đã bị san bằng. Nỗ lực khai quật bên dưới đền thờ cho phép tìm ra một ngôi mộ được đẽo vào một hang động bằng đá vôi. Phần bên trên của hang động bị lấy đi, để lộ ngôi mộ bên trong. Phái đoàn của hoàng đế Constantine quyết định xây dựng Edicule bao quanh ngôi mộ đó.
Ngôi mộ có hình dạng như một cái kệ bằng đá thuôn dài, hay còn gọi là “giường chôn cất”, được cho là nơi đặt thi thể của Chúa Giêsu sau khi Người chịu hình trên thập tự giá. Những dạng kệ dài và hốc được đẽo từ các hang động đá vôi là đặc điểm thường thấy bên trong mộ phần của giới Do Thái giàu có ở Giêrusalem vào thế kỷ thứ nhất. Phiến đá cẩm thạch dùng để che đậy ngôi mộ nhiều khả năng được đặt vào chỗ từ giữa thập niên 1300 hoặc trễ nhất là vào năm 1555, theo các ghi chép của khách hành hương.
Phát hiện nằm ngoài dự đoán
Khi ngôi mộ được mở ra vào đêm 26.10.2016, các nhà khoa học vô cùng ngạc nhiên về điều mà họ tìm thấy bên dưới phiến đá cẩm thạch: một phiến đá cẩm thạch khác, cũ hơn, nhưng bị vỡ, bên trên khắc dấu thánh giá.
Một số nhà nghiên cứu ban đầu cho rằng phiến đá cũ hơn có lẽ được đặt vào vị trí trong giai đoạn Thập Tự Chinh (1095-1291). Tuy nhiên, những chuyên gia khác lại cho rằng có thể phiến đá đã nằm đó lâu hơn thế, và nó đã bị vỡ khi nhà thờ sụp đổ năm 1009. Thế nhưng, chẳng ai nghĩ rằng đó lại là chứng cứ đầu tiên cho thấy từng có một đền thờ La Mã được xây dựng ở nơi này.
Các kết quả giám định mới nhất tiết lộ nhiều khả năng phiến đá xuất hiện vào giữa thế kỷ thứ tư, theo sắc lệnh của hoàng đế Constantine. Đây quả là phát hiện bất ngờ và nhận được sự hoan nghênh của những người nghiên cứu lịch sử nhà thờ Mộ Thánh. “Rõ ràng niên đại của phiến đá phản ánh điều mà Hoàng đế Constantine đã làm khi xưa”, theo nhà khảo cổ học Martin Biddle, người từng công bố nghiên cứu chuyên đề về lịch sử Mộ Thánh năm 1999. “Quả là phát hiện vô cùng ấn tượng”, ông nhận định.
Trong quá trình trùng tu Edicule, vốn kéo dài đến 1 năm, các nhà khoa học cũng có thể xác định được niên đại của nhiều tàn tích bên trong các bức tường của nhà nguyện nhỏ. Những mẫu vữa lấy từ phần còn lại của bức tường phía nam hang động có niên đại từ năm 335 đến 1570, cung cấp thêm chứng cứ về công trình xây dựng trong giai đoạn La Mã, cũng như cuộc trùng tu được ghi chép vào thế kỷ 16. Mẫu vữa lấy từ cửa vào ngôi mộ có niên đại từ thế kỷ 11, tương đồng với khung thời gian Edicule được xây dựng lại sau khi bị phá hủy năm 1009.
“Thật sự thú vị khi các mẫu vữa không những cung cấp chứng cứ về đền thờ đầu tiên ở Mộ Thánh, mà còn xác nhận trình tự xây dựng trong lịch sử của Edicule”, Trưởng giám sát công trình Moropoulou nhận xét.
Các kết quả báo cáo đã được công bố trên chuyên san về khảo cổ học Journal of Archaeological Science: Reports.
LING LANG