2023
Sứ điệp Đức Thánh Cha gởi cộng đoàn Công giáo Việt Nam
Sứ điệp Đức Thánh Cha gởi cộng đoàn Công giáo Việt Nam
Gửi cộng đoàn Công giáo Việt Nam nhân dịp công nhận
Thoả thuận về Qui chế cho Đại diện thường trú của Toà Thánh
và Văn phòng Đại diện thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam
Quý Giám mục, Linh mục, anh chị em Tu sĩ và cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam thân mến,
Nguyện xin ân sủng và bình an của Chúa ở cùng anh chị em. Chúng ta hãy vui mừng tạ ơn Chúa, vì tình yêu của Chúa vĩnh cửu và luôn mãi tín trung.[1]
Tôi ao ước gửi thư này đến anh chị em, nhân dịp công nhận Thoả thuận giữa Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Toà Thánh về Qui chế cho Đại diện thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam. Đức tin của Hội Thánh Công giáo trên quê hương của anh chị em được sinh ra và lớn mạnh qua bao thế hệ, đã đặt nền tảng trên giới răn: “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22, 37-38). Quả vậy, đức ái là thước đo của đức tin, và đức tin là linh hồn của đức ái, và chớ quên rằng lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân là hai mặt của cùng một đồng tiền.[2]
Theo chiều hướng của các tương quan tốt đẹp được ghi nhận trong những năm vừa qua, cùng với niềm hy vọng vị Đại diện Toà Thánh sẽ là cầu nối để phát triển quan hệ song phương, tôi đã vui mừng chào đón ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhân dịp chuyến thăm chính thức đến Vatican ngày 27 tháng 7 vừa qua. Cuộc gặp này có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình tăng cường mối quan hệ giữa Toà Thánh và Việt Nam. Về dân tộc Việt Nam, thánh Gioan Phaolô II đã nói rằng ai cũng biết và đánh giá cao chứng từ về lòng can đảm trong công việc, về sự kiên trì trong hoàn cảnh khó khăn, về cảm thức gia đình cũng như các đức tính tự nhiên khác.[3]
Dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau được xây dựng từng bước trong nhiều năm qua, và được củng cố bằng các chuyến thăm thường niên của phái đoàn Toà Thánh cũng như các cuộc họp của Nhóm làm việc chung giữa Việt Nam và Toà Thánh, cả hai bên đã có thể cùng nhau tiến tới và sẽ còn tiến nữa, nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt. Hơn thế nữa, hai bên đã có thể đồng hành, lắng nghe nhau và hiểu nhau. Dù mỗi bên có sự khác biệt về lịch sử và kinh nghiệm sống, điều đó không thể ngăn cản cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội Thánh.
Theo giáo huấn trong Thư gửi Diognetus, một bản văn từ thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, các Kitô hữu ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, nên dấu ấn cuộc sống của họ là ưu tiên thực thi bác ái, bằng cách sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc và đồng hành với dân tộc qua nỗ lực phát triển quân bình về xã hội và kinh tế. Như vậy, các tín hữu Công giáo, hoặc qua việc xây dựng Hội Thánh bằng cách cộng tác vào sinh hoạt mục vụ với tinh thần đồng trách nhiệm, hoặc một cách đặc biệt, đem tinh thần Phúc Âm vào các thực tại trần thế, họ sẽ thể hiện căn tính của mình là người Kitô hữu tốt và là công dân tốt. Trong viễn cảnh này, khi thực hiện được những điều kiện thuận lợi cho việc thực hành tôn giáo cách tự do, các tín hữu Công giáo sẽ có thể tăng cường đối thoại và mang lại niềm hy vọng cho đất nước.
Anh chị em là con cái của Hội Thánh và đồng thời là công dân Việt Nam, như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI năm 2009 đã nhắc lại cho các Giám mục Việt Nam: “Hội Thánh kêu gọi các tín hữu hãy chân thành dấn thân xây dựng một xã hội chính trực, liên đới và công bằng. Hội Thánh tuyệt đối không có ý định thay thế các vị lãnh đạo chính quyền, nhưng chỉ ước mong có thể tham gia cách chính đáng vào đời sống của đất nước, để phục vụ dân tộc, trong tinh thần đối thoại và cộng tác với sự tôn trọng”.[4]
Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần thực thi bác ái một cách cụ thể, nghĩa là phải có một quyết định hành động cụ thể cho con người, như đã được thực hiện trong mầu nhiệm Vượt qua và được Hội Thánh không ngừng thể hiện trong suốt dòng lịch sử, vì “trong mọi nơi và ở bất kỳ hoàn cảnh nào, các Kitô hữu … được mời gọi lắng nghe tiếng than khóc của người nghèo khổ”.[5] Chính tinh thần này đã không ngừng thúc đẩy cộng đoàn Công giáo của anh chị em có những đóng góp tích cực và ý nghĩa để phục vụ dân tộc, đặc biệt trong đại dịch Covid-19. Quả vậy, nhờ sự khuyến khích của từng Giám mục và Hội đồng Giám mục, Hội Thánh tại Việt Nam đã chứng tỏ mình là men trong xã hội, bằng cách đồng hành với sự phát triển của xã hội và đóng góp vào sự phát triển ấy với tư cách là những tín hữu có trách nhiệm và đáng tin.
Trong Thư Mục vụ năm nay, các Giám mục của anh chị em đã nhắc nhở và thúc đẩy anh chị em tham gia vào đời sống cộng đoàn qua việc yêu thương nhau, chân thành lắng nghe và thực thi đức ái, ngay cả với những anh chị em không cùng niềm tin, bằng cách quan tâm chăm sóc những người yếu kém và những người cùng khổ nhất.
Anh chị em tại Việt Nam thân mến, các tín hữu Công giáo vốn luôn sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu thường ngày của tha nhân một cách hiệu quả và tham gia đóng góp cho thiện ích chung trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trên đất nước mình; anh chị em được mời gọi thực thi giáo huấn của Chúa Giêsu là trở thành “ánh sáng của thế gian và muối của đất” để “ánh sáng của các con chiếu tỏa trước mặt thiên hạ để họ thấy những việc làm tốt lành của các con và tôn vinh Cha các con trên trời” (Mt 5, 16).
Sáu mươi năm trước, trong thông điệp gửi toàn thế giới để kêu gọi mọi người chung sức xây dựng hoà bình, thánh Gioan XXIII đã viết: “Chúng ta hi vọng rằng, khi gặp gỡ và đàm phán với nhau, người ta sẽ nhận thức rõ hơn mối dây liên kết họ với nhau phát xuất từ chỗ cùng mang chung một bản tính nhân loại, và họ cũng khám phá ra rằng một trong những đòi hỏi sâu xa nhất của bản tính nhân loại chung là giữa họ với nhau và giữa các dân tộc, chính tình yêu phải ngự trị, chứ không phải nỗi sợ hãi, và tình yêu ấy biểu lộ qua sự cộng tác chân thành, đa dạng, đem lại nhiều thiện ích”.[6]
Tôi nài xin Thiên Chúa soi sáng và hướng dẫn anh chị em, để trong cuộc sống và trong các tương quan với chính quyền dân sự và với tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc hay văn hoá, anh chị em biết cách làm chứng cho tình yêu và lòng bác ái của Chúa Giêsu, để tôn vinh Thiên Chúa.
Để kết thúc bức Thư thân tình này, tôi hi vọng rằng anh chị em, quý Giám mục, Linh mục, Tu sĩ và toàn thể Dân Chúa, sẽ trở nên can đảm theo gương Chúa Giêsu. Xin Đức Mẹ La Vang đồng hành cùng anh chị em, và nhờ lời chuyển cầu đầy tình mẫu tử của Đức Mẹ, xin Chúa là Cha giàu lòng thương xót chúc lành và ban muôn ân sủng cho toàn thể Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam, cũng như cho đất nước và dân tộc Việt Nam yêu dấu.
Franciscus
Vatican, ngày 8 tháng 9 năm 2023
Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ
[1] cfr. Angelus, 10 novembre 2013.
[2] cfr. Angelus, 26 ottobre 2014.
[3] cfr. Giovanni Paolo II, Radiomessaggio al popolo del Viet Nam, 10 maggio 1984.
[4] Benedetto XVI, Discorso ai Vescovi della Conferenza Episcopale del Viet Nam in visita ad limina apostolomm, 27 giugno 2009.
[5] Evangelii gaudium, n. 191.
[6] Giovanni XXIII, Pacem in terris, n. 67.
2023
Trước ngưỡng cửa Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16
Sau 2 năm chuẩn bị, Thượng Hội đồng Giám mục thế giới kỳ thứ 16 với chủ đề: “Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”, đang tiến vào giai đoạn cuối trước khi khai mạc, với buổi canh thức cầu nguyện đại kết chiều ngày 30/9/2023 và 3 ngày tĩnh tâm của các tham dự viên. Trong những ngày này, bao nhiêu mong đợi, lo âu, hân hoan và dè dặt đã được bày tỏ qua báo chí.
Những mong đợi
Thực vậy, trong số những người đặt nhiều hy vọng nơi Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới, mong ước kế hoạch cải tổ Giáo hội, theo chiều hướng “cấp tiến”, người ta phải kể đến đa số các thành viên Hội Đồng Giám mục Đức và nhiều thành phần dân Chúa tại nước này.
Trong chiều hướng đó, Đức Cha Georg Baetzing, Giám mục giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Đức, hy vọng Thượng Hội đồng Giám mục này sẽ mau lẹ bỏ phiếu ủng hộ các đề nghị cải tổ là truyền chức thánh cho phụ nữ, giải tỏa luật độc thân linh mục, cải tiến luân lý tính dục và những cải tổ khác đang được thảo luận trong Giáo hội Công giáo.
Đức Cha Baetzing, là thành viên của Thượng Hội đồng Giám mục sắp khai diễn. Ngài bày tỏ hy vọng trên đây trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần “Die Zeit”, Thời Báo, ở Đức số ra ngày 14/9 vừa qua. Đức Cha nói: “Dân chúng trong Giáo hội chúng tôi không còn kiên nhẫn nữa”.
Đức Cha xác quyết rằng không có đụng độ giữa Roma và các Giám mục Đức. Những văn kiện nghị quyết của Con đường Công nghị của Công giáo Đức đang cải tổ cuộc đối thoại của Giáo hội Công giáo ở Đức, đó là những đề nghị hoạt động, cần được phối hợp với Giáo hội hoàn vũ. Vấn đề ở đây không phải là các bản văn, nhưng là những hành động thay đổi. Điều này đòi phải có những lý lẽ và thỏa hiệp. Đó là điều chúng tôi vẫn quen thực hiện trong nền văn hóa dân chủ của chúng tôi, và trong Giáo triều Roma người ta không hiểu”.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức bênh vực Đức Thánh Cha Phanxicô chống lại những lời cáo cuộc cho rằng ngài muốn trì hoãn việc cải tổ, ví dụ cấm thành lập Hội đồng Công nghị tại Đức, trong đó các Giám mục cùng với giáo dân, với quyền hạn ngang nhau, thảo luận và quyết định với nhau. Roma chỉ khẳng định rằng cần được chuẩn bị. Ngoài ra, theo Đức cha Baetzing, thủ lãnh Giáo hội không thể quyết định điều mà các Giám mục Đức mong muốn, nhưng phải liên kết với Giáo hội hoàn vũ. Đức Cha cho biết là ngài ủng hộ Đức Thánh Cha Phanxicô 100% và nói thêm rằng: “Tôi đã nói với Đức Thánh Cha rằng các tín hữu Công giáo Đức lo lắng về vấn đề: không biết Giáo hội Đức có sống còn hay không. Chúng tôi đã nói với Đức Thánh Cha về điều đó là không chút sợ hãi” (KNA 14-9-2023)
Những tuyên bố trên đây của Đức cha Baetzing dường như không trấn an được phe “cực cấp tiến” trong Giáo hội tại nước này. Vài ngày trước khi các Giám mục Đức bắt đầu khóa họp mùa thu từ 25 đến 29/9 này, một số nhóm áp lực đã lên tiếng kêu gọi Hội đồng Giám mục mau lẹ tiến hành việc cải tổ trong Giáo hội tại nước này và tại Thượng Hội đồng Giám mục thế giới sắp tới tại Roma, các Giám mục Đức cần “can đảm” trình bày những kết quả của công trình cải tổ được thông qua tại Đức và hoạt động để có sự thay đổi não trạng trên mọi bình diện” (KNA 22-9-2023)
Lo âu trước Thượng Hội đồng Giám mục
Đối nghịch với những “hy vọng” trên đây, không thiếu những tín hữu bày tỏ lo âu trước công nghị các Giám mục thế giới sắp tới.
Mới đây một nhóm các tín hữu Công giáo Ý đã nhóm họp tại Assisi. Họ gửi thư ngỏ cho Đức Thánh Cha trong đó có đoạn viết:
“Chúng con lo âu và kinh sợ trước Thượng Hội đồng Giám mục khóa thường kỳ được triệu tập tại Roma vào tháng 10 tới đây về sự “hiệp hành”. Như những người con của Giáo hội và là công dân của đại quốc này, chúng con ngỏ lời với Đức Thánh Cha Phanxicô, xin ngài có nhiều can đảm, như các vị tiền nhiệm đáng kính của ngài, đừng để cho Thượng Hội đồng Giám mục này xa lìa đạo lý Công giáo trong vấn đề nào cả, tái khẳng định chân lý Tin Mừng, có khả năng biểu lộ và trả lại cho con người và các dân tộc, ơn gọi nguyên thủy và rất cao cả của họ”.
Thượng Hội đồng Giám mục đừng dám làm thương tổn bản chất của Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền. Những lo âu này không nảy sinh từ một ý thức hệ nào, nhưng từ những tiến trình mà Đức Thánh Cha đã khởi xướng và khuyến khích, như đã tâm sự với một Giám mục Ý, trong một Thượng Hội đồng Giám mục trước đây”.
Đạo lý không là gì khác hơn là giáo huấn Công giáo, mà thánh Phaolô gọi là “sức mạnh của Tin Mừng”. Đạo lý không thu hẹp vào kinh Tin Kính, nhưng cũng nới rộng tới Sách Giáo Lý, đây không phải là nước lọc, nhưng là cô đọng sự sống và sự thánh thiện của Giáo hội.”
Như Đức Hồng Y Caffara (cố Tổng Giám mục Bologna) đã nói: một Giáo hội không đạo lý chỉ là một Giáo hội dốt nát….
Ngày nay, trong Giáo hội đang có toan tính thuyết phục chúng con chấp nhận rằng lạc giáo và vô luân không phải là tội, nhưng đúng hơn đó là lời đáp lại tiếng Chúa Thánh Linh, Đấng nói qua những người cảm thấy bị gạt ra ngoài lề.
Kính thưa Đức Thánh Cha, Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới không phải là một tổng hợp đức tin Công giáo và cũng không phải là giáo huấn của Tân Ước. Nó hoàn toàn trái ngược, mơ hồ và thù nghịch, bằng nhiều cách, đối với truyền thống tông đồ ngàn đời. Trong đó người ta không hề nhìn nhận Tân Ước như Lời Chúa, quy luật cho mọi giáo huấn về đức tin và luân lý… (blog.messainlatino.it 16-9-2023)
Những dè dặt khác
Cũng có những vị chủ chăn khác, lên tiếng cảnh giác về một số vấn đề được nói tới trong Tài liệu làm việc, như Đức Hồng Y Anders Arborelius, Giám mục giáo phận Stockholm, Thụy Điển, tuyên bố rằng vấn đề truyền chức thánh cho phụ nữ không được trở thành tâm điểm tại Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới đây, vì thế cuộc trao đổi không thể bị sa lầy vào vấn đề Giáo hội có thể truyền chức cho phụ nữ hay không.
Đức Hồng Y Arborerelius, dòng Camêlô Nhặt phép, tuyên bố như trên như một phản ứng về lời một số Giám mục Đức mong muốn Thượng Hội đồng Giám mục mau lẹ bỏ phiếu thuận về vấn đề này.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí trực tuyến “National Catholic Reporter”, Phóng viên Công giáo quốc gia, truyền đi hôm 13/9 vừa qua từ Mỹ, Đức Hồng Y Giám mục giáo phận Stockholm nói rằng: “Thật là điều gây thất vọng nếu cuộc thảo luận tại Thượng Hội đồng Giám mục không thể dẫn đi xa hơn, vì thừa tác vụ linh mục vốn dành cho người nam theo đạo lý Công giáo và Chính Thống giáo”.
Tuy ban đặc trách tổ chức Công nghị này vẫn nhấn mạnh rằng Thượng Hội đồng Giám mục tới đây không phải là để thay đổi đạo lý, nhưng tài liệu làm việc của Công nghị có đoạn đặt hỏi rõ ràng: có thể cứu xét việc truyền chức phó tế cho phụ nữ hay không? Một số tham dự viên như Đức Hồng Y Robert McElroy, Giám mục giáo phận San Diego, bên Mỹ, tích cực cổ võ làm sao để vấn đề truyền chức cho phụ nữ trở thành tâm điểm của Thượng Hội đồng Giám mục, giống như Con đường Công nghị ở Đức. (CNA 14-9-2023)
Đừng quá mong đợi
Về phần Đức Hồng Y Jean Claude Hollerich, Tổng Giám mục Luxemburg, Tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới, ngài cảnh giác các tín hữu đừng đặt quá nhiều mong đợi nơi khóa họp sắp tới, vì đây chỉ là khóa đầu, sẽ được tiếp nối với khóa thứ hai vào tháng 10 năm tới, 2024.
Đức Hồng Y nói: vấn đề truyền chức cho phụ nữ và chăm sóc mục vụ cho những người đồng tính luyến ái là những đề tài chủ yếu trong Con đường Công nghị của Công giáo Đức, nhưng tại các nước khác, người ta không muốn các điều đó bao nhiêu. “Giáo hội cần tìm ra những câu trả lời cho các vấn đề đó. Nhưng không phải mọi sự đều diễn ra trong khóa họp này của Thượng Hội đồng Giám mục. Không thể chồng chất trên khóa họp những mong đợi, nếu không chúng ta sẽ bị thất vọng”.
Theo Đức Hồng Y Hollerich, khóa họp tháng 10 này chỉ là chuẩn bị một lộ trình những vấn đề cần được giải quyết trong khóa họp vào tháng 10 năm tới. Ngoài ra, ngài cũng kêu gọi mọi tham dự viên Thượng Hội đồng Giám mục hãy cởi mở và sẵn sàng thống hối bản thân: “Nếu tôi đến với một quan điểm đã sẵn sàng, đã biết hết mọi sự, thì tôi sẽ không lắng nghe, và như thế tôi sẽ không thực hiện một sự phân định thiêng liêng… Từ sự cộng tác có thể nảy sinh sự hòa hợp, đó là điều quan trọng hơn là vấn đề đa số qua tiến trình quyết định chung kết trong Giáo hội” (ekai.pl 22-9-2023)
Theo Giuse Trần Đức Anh, O.P.
2023
Đức Thánh Cha thúc giục bảo vệ trẻ vị thành niên trong Giáo hội
Trong buổi gặp các thành viên của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Bảo vệ Trẻ vị thành niên Châu Mỹ Latinh vào sáng thứ Hai 25/9, Đức Thánh Cha lặp lại lời trong dụ ngôn của Chúa Giêsu: “Thật Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40), để nói về nhiệm vụ và sứ mạng bảo vệ trẻ vị thành niên.
Đức Thánh Cha ghi nhận những nỗ lực của các thành viên, làm việc và áp dụng những phương pháp ngày càng thích hợp để xóa bỏ tai họa lạm dụng, cả trong Giáo hội lẫn trên thế giới. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh: những hành vi lạm dụng trong Giáo hội chỉ phản ánh một phần về một thực tế đáng buồn bao trùm toàn thể nhân loại, và chưa được chú ý một cách thích đáng. Do đó, những nỗ lực và thành công của tổ chức thực hiện trong Giáo hội cần được phát huy để có thể trở thành động lực cho các tổ chức khác cổ võ nền văn hóa chăm sóc và bảo vệ trẻ vị thành niên.
Đức Thánh Cha cũng đề nghị với các thành viên của tổ chức một thực hành, dựa trên hình ảnh đồng hoá mỗi người bé nhỏ với chính Chúa Kitô, là việc phó thác họ cho Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện. Và với lòng khiêm nhường và sự thật, mỗi người nhận ra mình giữa những “kẻ bé mọn” đó. Và đặt mình trước Đấng Cứu Chuộc, “mỗi người cũng chiêm ngắm, trên khuôn mặt bị xúc phạm của Chúa, nỗi đau khổ mà chúng ta đã đón nhận và gây ra, để không cảm thấy xa cách với những người mà chúng ta chào đón, nhưng nhìn họ là anh chị em”.
Với tinh thần yêu thương mà Chúa Giêsu dạy, “chúng ta ý thức được những vết thương, sự nhỏ bé của chúng ta, nhu cầu cần được tha thứ và an ủi. Và chúng ta cũng cầu xin, với sự tin tưởng mà Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu chỉ cho chúng ta, trong những ngày trước lễ của ngài, cầu nguyện cho những tội nhân bất hạnh và tuyệt vọng nhất, cầu nguyện cho hoán cải của họ, để họ có thể nhìn thấy nơi người khác ánh mắt của Chúa Giêsu đang chất vấn họ: “Tại sao con lại bách hại ta?”
2023
Về Án phong Chân phước và phong Thánh cấp giáo phận của Đức cha François Pallu
VỀ ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC VÀ PHONG THÁNH CẤP GIÁO PHẬN CỦA ĐỨC CHA FRANÇOIS PALLU