2020
Những con người trân quý sự im lặng
Tiếng ồn là một loại ô nhiễm được xếp ngang hàng với những loại ô nhiễm khác như: ánh sáng, nước, không khí, rác thải,… Từ tiếng đóng cọc đinh tai nhức óc của những công trình xây dựng, đến vô số âm thanh trên đường phố; từ những bài hát karaoke “bắt buộc phải nghe” đến tiếng động của vô số các loại máy móc đang hoạt động, khiến con người ngày càng giảm mức độ tập trung.
Và có những thứ tiếng ồn khác còn ô nhiễm hơn thế nữa. Đó chính là tiếng ồn ào trong nội tâm mỗi người. Thật vậy, biết bao nhiêu âm thanh, hình ảnh, tin tức, sự kiện đập vào mắt, lọt vào tai chúng ta hằng ngày hằng giờ qua laptop, tivi, điện thoại một cách chủ động hay vô thức, khiến chúng ta không thể rời mắt được. Để rồi nội tâm mỗi người ngày càng khó “bình yên” hơn, cuộc sống ngày càng hối hả, tất bật hơn… Sự ô nhiễm ấy đã dần dần làm cho “đôi tai tâm hồn” điếc đi từ từ, từ từ… Rồi ngày qua ngày, chúng ta quên mất Chúa.
Trong bức tranh u ám ấy, vẫn có những con người quyết tâm đi tìm sự im lặng. Đối với họ, “im lặng là vàng bốn số chín” bởi im lặng giúp họ sống thân tình với Chúa. Những con người ấy là các đan sĩ, mà một trong những dòng tiêu biểu chính là dòng Xitô.
Đời sống đan sĩ dòng Xitô
Dòng Xitô là một dòng đan tu có từ thế kỷ 11 (1098) với đấng sáng lập là Thánh Benedicto (?-547), vị thánh người Ý mà chính sự vĩ đại của Ngài đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI chọn làm bổn mạng của toàn Châu Âu. Cuộc sống đan tu Xitô là một đời tận hiến chiêm niệm, thể hiện sự thông phần mầu nhiệm Thánh giá, tuyên xưng sức mạnh và hoan lạc của ơn Phục sinh. Vì chuyên về chiêm niệm, các đan sĩ Xitô không hoạt động ở bên ngoài. Sinh hoạt hàng ngày chỉ trong khuôn viên đan viện hay còn gọi là trong nội vi đan viện. Khi có lý do đặc biệt mới được phép ra khỏi đan viện.
Cũng chính vì thế, cuộc sống của các đan sĩ phải giữ luật thinh lặng nghiêm nhặt, không được nói chuyện, trừ khi cần. Đan sĩ suốt ngày sống trong thanh vắng và giữ thinh lặng, đặc biệt từ giờ kinh tối đến sau kinh sáng, khi thật cần thiết mới nên nói đôi lời. Việc giữ thinh lặng giúp cho các đan sĩ dễ dàng kết hợp với Chúa, cầu nguyện cho Giáo hội, đặc biệc cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa. Để cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa, ngoài việc hy sinh thường ngày của các đan sĩ, mỗi ngày có một đan sĩ đại diện cho cộng đoàn chầu Thánh Thể một giờ, lần hạt một chuỗi, đi đàng Thánh giá một lần và dâng các việc hy sinh trong ngày cầu nguyện cho họ.
Giá trị của sự im lặng
Nhìn bên ngoài, đời sống đan sĩ có vẻ nhàm chán, cô đơn và lỗi thời. Nhưng thực tế, đời sống chiêm niệm này lại có một sức hút mãnh liệt đến kỳ lạ. Sự phát triển của dòng Xitô Thánh Gia tại Việt Nam là một ví dụ tiêu biểu cho sức hút này. Dòng Xito Thánh Gia Việt Nam được thành lập tại Việt Nam hơn 100 năm trước (1918) bởi một linh mục thuộc hội thừa Sai Paris: cha Henri Denis Benoit (1880 – 1933 ) – hay tên gọi thân thương là cha Henri Denis Biển Đức Thuận. Khởi đầu đơn sơ với một vài anh em quyết sống đời khổ tu, chiêm niệm. Sau hơn 100, dòng Xito Thánh Gia Việt Nam đã có 12 đan viện trải dài từ bắc chí nam, hơn 1200 thành viên sống quây quần bên nhau, cùng nhau chuyên chăm cầu nguyện và lao động theo (Ora et Labora) theo linh đạo của thánh Benedicto và Cha lập dòng.
Sự im lặng không chỉ dành cho các đan sĩ, các đan viện ngày nay đã trở thành điểm đến thường xuyên cho các hoạt động linh thao, tĩnh tâm hàng năm của nhiều thành phần muốn tìm đến với Chúa. Chính những hoạt động giá trị ấy đã giúp biết bao bạn trẻ tìm gặp được Chúa, biết bao tâm hồn được làm sạch, để từ đó bay cao, vươn xa tới được Thiên Chúa.
Lời mời gọi đến các bạn trẻ hiện nay
Con người ngày nay quay cuồng với những âm thanh rộn ràng. Tiếng gọi giảm bớt ô nhiễm tiếng ồn bên ngoài và tiếng ồn bên trong đang là một thách thức của thời đại. Các bạn trẻ, người trẻ, khi đã hiểu được giá trị của sự thinh lặng, đặc biệt là thinh lặng nội tâm, nghĩa là chúng ta được mời gọi gìn giữ và phát triển những giá trị ấy. Và nếu chúng ta còn muốn đi xa hơn nữa, muốn ước ao có được một cộng đoàn sống suy niệm, im lặng, dòng Dòng Xito Thánh Gia Việt Nam luôn chào đón các bạn. Chúc các bạn giữa những ồn ào của cuộc sống vẫn nghe được tiếng Chúa gọi và đáp lại như lời Samuel khi nghe Chúa gọi trong đêm: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”.
— Nguồn ảnh: Pierre Nguyen —Thiết kế ảnh: Oteam
2020
Giáo phận Hưng Hóa có Linh mục Tổng Đại diện và Linh mục Quản lý mới
Giáo phận Hưng Hóa có Linh mục Tổng Đại diện và Linh mục Quản lý mới
Ngày 13-05-2020, Văn phòng Tòa giám mục Hưng Hóa thông báo quyết định bổ nhiệm Linh mục Tổng Đại diện và Linh mục Quản lý mới cho Giáo phận. Sau đây là thông báo bổ nhiệm: Văn phòng Tòa Giám mục Hưng Hóa
2020
Giáo hội đồng hành với người trẻ
- Đạo bất viễn nhân
Câu nói này của người xưa nay được áp dụng thật đúng cho tâm tình và thái độ của Giáo hội Chúa Kitô trong thế giới hôm nay. Như chúng ta đều biết lịch sử là một tiến trình đi tới: Đi tới sự viên mãn, sự thành toàn… Và trong tiến trình này, Giáo hội Công giáo như là thành viên, như một người bạn đường đồng hành với nhân loại, đồng thời Giáo hội cũng hiện diện như một người hướng dẫn để dẫn đưa nhân loại đến bến đến bờ trong ngày chung cuộc của đất trời.
Trong hành trình này, Giáo hội Công giáo cùng chia sẻ, cùng thao thức cũng như góp phần bàn thảo và có những đề xuất, hướng dẫn để mang lại hạnh phúc và làm thăng tiến cuộc sống con người hôm nay. Bên cạnh đó – bằng nhiều hình thức – Giáo hội cũng lên tiếng để góp phần ngăn chặn, phòng ngừa những nguy cơ, những tác động phương hại đến cuộc sống an mạnh và hạnh phúc của nhân loại hôm nay.
Khái niệm “đạo bất viễn nhân” – một lần nữa – lại được làm sáng tỏ nơi Giáo hội Công giáo trong những năm gần đây với những hoạt động, những văn kiện hướng dẫn về cuộc sống dân sinh cho nhân loại; đặc biệt trong đời sống hôn nhân và gia đình cũng như sự gần gũi và đồng hành của Giáo hội với các bạn trẻ trong thời đại hôm nay.
Cách riêng tại Giáo hội Việt Nam, chúng ta vừa trải qua 3 năm MỤC VỤ VỀ GIA ĐÌNH trong đó, Giáo hội bày tỏ sự quan tâm tha thiết của mình với các gia đình, với những người sắp bước vào đời sống gia đình; những người đang sống trong gia đình và với những người đang phải đối diện với những cảnh huống khó khăn trong từng gia đình để có thể hướng dẫn, đồng hành, chia sẻ và góp phần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn hầu giúp cho mọi người được an vui và hạnh phúc trong chính gia đình của mình.
Và cũng vào thời điểm này, về phía Giáo hội hoàn vũ, chúng ta thấy “Các kitô hữu trẻ luôn là mối quan tâm đặc biệt của toàn thể Giáo hội.” Để thể hiện mối quan tâm này, Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XV họp tại Rôma vào tháng 10 năm 2018 đã bàn về chủ đề “Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi”. Từ những kinh nghiệm, suy tư và đề nghị trong Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” (Christus vivit)[1].
Trong tâm tình liên đới và hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ, các Giám mục Việt Nam trong Hội nghị thường niên vừa qua vào tháng 10/2019 tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận Hải Phòng cũng đã chọn người trẻ làm mục tiêu cho chương trình mục vụ của mình. Cách cụ thể là theo Thư Chung 2019, các Giám mục Việt nam đã viết: “Chúng tôi đề nghị Chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm (2020 – 2022) với các chủ đề sau:
– 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.
– 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình.
– 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội”[2].
Với những quan tâm, những chương trình, những hành động cụ thể đã được triển khai trong nhiều năm liền… Chúng ta thấy Giáo hội hoàn vũ nói chung và cách riêng là Giáo hội Việt Nam đã gắn liền với cuộc sống, đã chia sẻ những bận tâm và cùng chung chia một niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng cùng với mọi người. Đạo không phải chỉ là con đường để đi lên trời, nhưng Đạo còn là cuộc sống, là sự đồng hành, là sự chung chia vui buồn của kiếp nhân sinh để con người nhờ Đạo mà tìm được hạnh phúc cho cuộc đời mình và nhờ Đạo mà biết lên đường tiến về cuộc sống mai hậu trong Nước Chúa.
- Giáo hội đồng hành với người trẻ
Đây là tiêu đề của bài viết này và cũng là ý tưởng chủ đạo để người viết cùng chia sẻ một vài suy nghĩ và cảm nghiệm với bạn đọc khi chúng ta cùng đọc lại Thư Chung Hội đồng Giám mục Việt Nam 2019 viết cho người trẻ dưới sự soi sáng của Tông Huấn “Chúa Kitô đang sống” (Christus vivit).
- Giới trẻ: niềm hy vọng cho gia đình, cho Giáo hội và xã hội
Mặc dầu cũng còn nhiều khiếm khuyết, một vài vết xám đen nơi bức tranh mà những người trẻ đang họa lại trong thế giới và trong xã hội hôm nay mà báo chí có một đôi lần đã phản ánh đưa tin, nhưng Giáo hội hôm nay – mà các Giám mục (thế giới và Việt Nam) – đã có một cái nhìn rất tích cực và lạc quan về người trẻ. Giáo hội vẫn xác định: “Tuổi trẻ còn là một phúc lành cho Giáo hội và thế giới”[3]; “người trẻ không chỉ là đối tượng phục vụ của Giáo hội, mà còn là chủ thể phản ảnh Đức Giêsu Kitô giữa lòng nhân thế; không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại của thế giới, họ đã và đang góp phần làm phong phú thế giới”[4].
Giáo hội khẳng định rằng nhiều người trẻ hôm nay đang ướp hương thơm để chữa lành nhiều vết thương cho thế giới bằng sự thánh thiện của mình, các bạn đang bày tỏ sự thánh thiện qua đời sống yêu thương bác ái mỗi ngày trong đời sống gia đình và xã hội. Các bạn bảo vệ môi trường, các bạn có nhiều hình thức dấn thân cách cụ thể để Phúc âm hóa xã hội và thế giới[5].
Để có được điều này nơi những người trẻ thì gia đình là yếu tố quan trọng để giáo dục và đào tạo nên những người trẻ tích cực và hữu ích cho xã hội và Giáo hội như các Giám mục đã nhận định “gia đình là trường học đầu tiên”[6] của mỗi người.
Nói về gia đình, và đặc biệt là các gia đình Công giáo truyền thống có một đời sống đạo chuẩn mực trong cách sống và có sự quan tâm sâu sát trong việc giáo dục con cái của mình về đời sống đức tin và xã hội mà trong phần đầu của Thư Chung 1019, các Giám mục Việt Nam cũng bày tỏ sự hài lòng nơi các gia đình Công giáo Việt Nam. Tuy nhiên, phải chân nhận rằng mô hình gia đình truyền thống của Việt Nam chúng ta hôm nay đang bị lung lay và dần dần thay đổi do làm ăn kinh tế, do sự phát triển các đô thị, do hòa nhập với thế giới đại đồng… Thế nhưng trong đại bộ phận của người Việt Nam nhất là các bạn trẻ vẫn đang “cố gắng chống chọi” với những điều thay đổi vừa nêu để gìn giữ được giềng mối với đại gia đình của mỗi người: Lễ Tết, giỗ chạp, họp mặt đồng hương, ngày truyền thống gia đình, gia tộc. Chính nhờ giềng mối này mà chúng ta vẫn có những thế hệ trẻ vừa biết sáng tạo, biết cởi mở vươn ra với thế giới; nhưng đồng thời cũng là những con người biết nặng tình với quê hương, thiết tha với dòng tộc gia đình và luôn biết sống đức tin tôn giáo cách tích cực trong thời đại hôm nay[7].
Chúng ta vẫn biết, người trẻ là tương lai của xã hội và của Giáo hội. Và (nếu thật) các người trẻ hôm nay đang tích cực sống đúng với những điều mà chúng ta vừa nhận định ở phần trên thì quả thật – nói theo kiểu của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” – đây là một phúc lành cho Giáo hội và cho xã hội chúng ta. Như thế chúng ta có quyền tin tưởng, tự hào và đặt nhiều niềm hy vọng vào những người trẻ hôm nay.
- Giới trẻ hôm nay đang sống
Chúng ta vẫn biết là trong điều kiện bình thường thì mọi vật – mọi người đều phát triển hài hòa, ổn định và ngày càng vươn cao. Thế nhưng khi có thay đổi, biến động thì mọi chuyện sẽ bị xáo trộn và mất đi sự ổn định hài hòa… Và những người trẻ của chúng ta hôm nay cũng đang sống trong bầu khí thay đổi và có nhiều biến động.
Khởi đi từ sự phát triển công nghệ, cũng như sự hòa nhập vào làng toàn cầu, rồi đến việc giao thoa văn hóa giữa các nước và các dân tộc, vấn đề phát triển kinh tế… Tất cả những yếu tố này, và còn nhiều điều khác nữa đang diễn ra trong cuộc sống đã gây nên sự xáo trộn và mất ổn định cho xã hội, cho các gia đình và từng cá nhân trong thời đại hôm nay. Và đối tượng trực tiếp chịu tác động của những yếu tố này là các người trẻ.
Để có thể tồn tại và vươn lên trong hoàn cảnh sống mới của xã hội, các người trẻ hôm nay phải biết tự đổi mới: Đổi mới cách nghĩ, đổi mới cuộc sống, đổi mới tương quan… Và hệ quả chúng ta thấy là làn sóng di dân của các bạn trẻ “bỏ quê lên tỉnh” đi đến các thành phố lớn để làm việc; mô hình đại gia đình tam tứ đại đồng đường xưa kia được thay thế bằng các gia đình hạt nhân. Bầu khí thân thương, êm đềm, ổn định của lũy tre làng nơi vùng quê nay được thay thế bằng sự xô bồ, chụp giựt, hụt hẫng, chơi vơi nơi phố thị…
Các thành phố lớn thì chen chúc khi đi, chật chội khi ở; trong khi đó ở làng quê thì thưa thớt và vắng bóng thanh niên.
Những nhận xét vừa nêu ở phần trên cũng trùng khớp với những nhận định của các nhà xã hội học đương đại khi nói về giới trẻ hôm nay: “…Điều đó bắt buộc con người trong xã hội hôm nay, nhất là các thanh niên những người chịu tác động nhiều nhất, phải tự động điều chỉnh bản thân và không ngừng tìm tòi, thay đổi để tìm ra một căn tính cho chính bản thân mình”[8]
Và trong hoàn cảnh mới này, không ít bạn trẻ lay hoay tìm kiếm một lối sống mới để thích nghi với tình huống và hoàn cảnh đang diễn ra trước mặt. Và chắc chắn là đâu phải mọi người trẻ đều thành công và sớm được ổn định trên vùng đất mới của họ. (Ngay cả những bạn trẻ hiện đang ở phố thị cũng chịu ảnh hưởng của những yếu tố này, và cũng kéo theo những hệ quả tiêu cực trong lối sống). Thêm vào đó là hoàn cảnh sống, sự cô đơn, thiếu sự chăm sóc của người thân và cộng đồng đã làm cho nhiều bạn trẻ ‘thất bại” trong cuộc sống mới mà theo ghi nhận của Thư Chung thì các Giám mục có viết: “Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm. Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, buôn bán ma túy, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai. Bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng”[9].
Điều này cũng phù hợp với nhận định của giới nghiên cứu về xã hội đã tỏ ra lo lắng khi cho rằng: “Một bộ phận không nhỏ (người trẻ) không có động lực phấn đấu và thiếu cảm hứng sống. Họ thiếu niềm tin bền vững và thiếu nơi gởi gắm niềm tin. Họ thiếu sự tự tin và thiếu tư thế đĩnh đạc. Họ thiếu một phông văn hóa và nền xã hội”[10]
Đó là hoàn cảnh sống của phần lớn giới trẻ (Việt Nam) đang sống hôm nay.
- Huấn quyền của Giáo hội và vai trò các chủ chăn cho những vấn đề của người trẻ
Đọc lại Thư Chung 2019 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, chúng ta thấy đây đúng là một lá thư mục vụ với những chỉ dẫn cụ thể cho từng giai đoạn mục vụ cho người trẻ; đồng thời, lá thư gởi đến từng đối tượng từ các vị chủ chăn cho đến các gia đình và cá nhân của mỗi bạn trẻ… Việc còn lại là chúng ta cứ thế mà triển khai và thi hành.
Trong Thư Chung 2019, các Giám mục có đề nghị những việc làm rất thiết thực và cụ thể để chúng ta có thể đồng hành với người trẻ hôm nay như là việc lắng nghe người trẻ rồi phân định, có những đổi mới cụ thể và hiệu quả trong cách tiếp cận giới trẻ, tạo sân chơi cho bạn trẻ, nắm bắt tình hình những người trẻ di dân để có những sự trợ giúp thích hợp tại giáo xứ nơi đi cũng như ở giáo xứ nơi đến; phát động chương trình học hỏi giáo lý giới trẻ bằng nhiều hình thức sinh hoạt, vui chơi…[11]
Đọc những lời hướng dẫn của Thư Chung trên đây chúng ta thấy vai trò của cha xứ nơi mỗi giáo xứ thật quan trọng. Bởi lẽ các cha xứ là những người có bổn phận chăm sóc và nuôi dưỡng con chiên của mình. Các cha phải là những người mục tử tốt trong việc chăn dắt đàn chiên, phải vận dụng trí hiểu, trí khôn của mình để tìm đồng cỏ xanh, tìm suối nước mát cho chiên; tìm cách phòng ngừa và bảo vệ cho chiên được an toàn và tìm ra các phương thế thích hợp để chữa lành những căn bệnh, những tật nguyền mà con chiên đang mang vác. Thiết nghĩ khi cố gắng thực hiện hết sức có thể những hướng dẫn của Thư Chung 2019 là chúng ta – các linh mục – đã thể hiện được vai trò của người mục tử tốt với đoàn chiên của mình rồi.
Có thể chăng một vài nơi nào đó chúng ta đang “bỏ ngỏ” vấn đề giới trẻ; thì hôm nay, qua sự gởi gắm và hướng dẫn được nêu lên trong Thư Chung, các Giám mục nhắc nhở chúng ta là những mục tử đang trực tiếp chăm sóc đàn chiên phải lưu ý đến thành phần giáo dân quan trọng – là những người trẻ – trong đàn chiên của mình.
Đối tượng kế tiếp mà chúng ta cần nhắc đến lúc này, đó là các cha tuyên úy, cha đặc trách, các tu sĩ nam nữ phụ trách giới trẻ. Trong vai trò của người đặc trách, thiết nghĩ các cha và quý tu sĩ cũng đã thấu hiểu phần nào nhu cầu của các bạn trẻ hôm nay: Nhu cầu kinh tế, nhu cầu an sinh, nhu cầu tâm linh, nhu cầu được dấn thân, cống hiến nơi các bạn… Thì thiết nghĩ Thư Chung này là bản hướng dẫn rất tốt cho chúng ta thực hiện trong vai trò và sứ vụ của mình.
Những lời nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô được Thư Chung trích dẫn sau đây như là một lời nhắc nhở, một lời chỉ giáo mà Đức Thánh Cha đã viết ra để lưu ý và cũng là lời gởi gắm riêng cho những người đang phụ trách phần việc này: “Người trẻ cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống. Những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân lý không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo các giá trị ấy, họ cũng không học được cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững giữa nhịp sống vội vã của xã hội”[12] . Biết được hoàn cảnh sống của con chiên là các bạn trẻ, người mục tử cũng như những người có trách nhiệm hôm nay phải cố gắng sao cho khoảng cách giữa học và hành, giữa lý thuyết và thực tế, giữa giáo lý và đời thường ngày một gần nhau hơn. Dẫu biết rằng đây là một việc làm khó khăn và nhiêu khê, nhưng vì đây là lẽ sống còn của cả một thế hệ em cháu nên điều này không cho phép chúng ta ngồi yên để phó mặc cho tình thế đẩy đưa rồi ta xuôi chiều.
- Tạm kết:
“Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới hôm nay” là tên gọi khác của Hiến chế Gaudium et Spes được dịch sang tiếng Việt là Hiến chế “Vui Mừng và Hy vọng” đã viết câu đầu tiên trong bản Hiến chế rằng: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là những người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà không gieo âm hưởng trong lòng họ”[13]
Với lời mở đầu của Hiến chế – và ngay cả tên gọi của Hiến chế này – chúng ta nhận ra được định hướng mà Giáo hội muốn nhắm đến: Đồng hành với con người và cùng với con người đi hết chặng đường lịch sử để về đến quê trời thành toàn trong ngày sau hết.
Với mục tiêu cụ thể đề ra trong từng năm một của mỗi chu kỳ ba năm, Giáo hội Việt Nam đã đồng hành với các gia đình trong thời gian qua. Trong ba năm tới này, chúng ta đồng hành với các bạn trẻ trong những hoàn cảnh sống của các bạn để giúp các bạn được an vui trong cuộc sống, nồng nàn trong đức tin, và biết dấn thân xây đắp cho xã hội được thăng tiến mỗi ngày.
Để có thể đạt được mục tiêu mà Giáo hội muốn nhắm tới trong việc chăm lo cho người trẻ, mọi thành phần trong Giáo hội hôm nay (cách riêng tại Việt Nam) từ các chủ chăn, các bậc phụ huynh, các xứ đạo và chính bản thân mỗi người trẻ phải có thao thức, phải biết dấn thân và can đảm hành động để thăng tiến bản thân và nâng đỡ cho những người cùng thế hệ. Có như thế thì lời khẳng định “Giới trẻ là tương lai của Giáo hội và của xã hội” mà ai đó vẫn nói, sẽ là điều đương nhiên đúng; bởi lẽ, câu nói này là niềm tự hào, là sự hy vọng của mọi tín hữu Việt Nam hôm nay.
WHĐ, 12-05-2020
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN số 116 (Tháng 1 & 2, năm 2020)
[1] Thư chung HĐGM VN 2019 số 2.
[2] Thư chung HĐGM VN 2019 số 6.
[3] Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 134
[4] x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 64.
[5] x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 50.
[6] Thư chung HĐGM VN 2019 số 3.
[7] Xem thêm: Nguyễn Thị Nga, Mạng lưới đồng hương, đồng đạo. Một phân tích chiến lược ứng xử và tái kiến tạo bản sắc về không gian sống đạo ở đô thị của công nhân công giáo. Đời sống xã hội Việt Nam đương đại (tập 3) NXB Văn Hóa Văn Nghệ 2018. Đây là một khảo sát xã hội mà đối tượng là anh chị em công nhân công giáo di dân đang làm việc ở các khu công nghiệp Sóng Thần, Thủ Đức, Bình Dương. Qua bài viết này, tác giả cho thấy rằng, những anh chị em công nhân có đạo khi sống xa quê cho dù phải đối diện với bao thách thức khó khăn của cuộc sống mới nơi đất khách quê người, vẫn giữ được nếp sống đạo và tình làng nghĩa xóm của mình nhờ hai yếu tố đức tin và tình đồng hương.
[8] Nguyễn Đức Lộc, Nguyễn Quang Huy, Người trẻ trong xã hội hiện đại (tập 3), NXB Văn Hóa Văn nghệ 2018 trg 20.
[9] Thư chung HĐGM VN 2019 số 3.
[10] Ts. Nguyễn Minh Hòa, Đời sống xã hội Việt Nam đương đại (tập 3), NXB Văn Hóa Văn Nghệ 2018 Trg 9.
[11] X. Thư chung HĐGM VN 2019 số 5-6.
[12] Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 221.
[13] GS số 1
2020
Hàng Giáo Phẩm Việt Nam và những chuyển biến lớn trong tương lai gần
Đã hai năm trôi qua kể từ khi vị Giám mục người Việt cuối cùng được bổ nhiệm, ngày 25 tháng 4 năm 2018, linh mục Giuse Nguyễn Đức Cường, mục vụ tại Giáo phận Đà Lạt được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa Giáo phận Thanh Hóa.
Đây là lần đầu tiên sau hơn 30 năm, trong khoảng thời gian trọn hai năm, không có tân giám mục người Việt được bổ nhiệm, kể khoảng thời gian giữa bổ nhiệm Đức Cha Louis Hà Kim Danh (năm 1982) và Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến (năm 1988).
Dựa vào giới hạn tuổi tác, một số thông tin đã được công bố, cùng nhận định các biến chuyển lớn trong hàng ngũ các giám mục tại Việt Nam:
- Bổ nhiệm Giám mục chính tòa Giáo phận Hải Phòng
Giáo phận Hải Phòng trống tòa kể từ tháng 11 năm 2018 khi Giám mục chính tòa Giuse Vũ Văn Thiên được thăng Tổng giám mục Hà Nội kiêm Giám quản Tông Tòa giáo phận Hải Phòng. Đã hơn 2 năm 6 tháng, giáo phận này vẫn đang trong tình cảnh thiếu vắng chủ chăn.
Đây là giáo phận hiện trống tòa lâu nhất, sau khi giáo phận Phan Thiết có giám mục chính tòa mới là Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng vào đầu tháng 12 năm 2019, chấm dứt khoảng thời gian trống tòa kể từ tháng 3 năm 2017, sau cái chết đột ngột của giám mục Giuse Vũ Duy Thống.
Hiện trên không gian mạng, đã có nhiều đồn đoán về vị tân giám mục chính tòa Hải Phòng, và các thông tin này đều chưa kiểm chứng.
- Bổ nhiệm Giám mục chính tòa Giáo phận Phát Diệm
Giáo phận Phát Diệm trống tòa kể từ tháng 10 năm 2019, khi Giám mục chính tòa Giuse Nguyễn Năng được thăng Tổng giám mục Sài Gòn. Với vỏn vẹn thời gian trống tòa chỉ mới 6 tháng, nếu xét đến thời gian trống tòa của các giáo phận trong những năm gần đây thì giáo phận Phát Diệm có lẽ sẽ còn phải chờ một khoảng thời gian khá dài để có một vị giám mục chính tòa.
(Tổng giáo phận Sài Gòn: 2 năm 7 tháng: tháng 3 năm 2018 đến tháng 10 năm 2020;
Giáo phận Phan Thiết: 3 năm 9 tháng: tháng 3 năm 2017 đến tháng 12 năm 2010;
Giáo phận Thanh Hóa: 1 năm 10 tháng: tháng 7 năm 2016 đến tháng 4 năm 2018;
Ggiáo phận Vĩnh Long: 2 năm 2 tháng: tháng 8 năm 2013 đến tháng 10 năm 2015)
- Chia tách giáo phận Hưng Hóa và bổ nhiệm Giám mục chính tòa Giáo phận Hưng Hóa.
Có nguồn tin của một tác giả viết, nêu trên BBC Tiếng Việt (https://www.bbc.com/vietnamese/forum-46672630) cho biết đề nghị chia tách giáo phận Hưng Hóa về phía Tòa Thánh đã hoàn thành xong, chỉ chờ chính quyền Việt Nam chấp thuận. Cả hai hồ sơ chia tách giáo phận Hưng Hóa và Vinh đều đã chuyển đến chính quyền Việt Nam và giáo phận Vinh đã được đồng thuận chia tách trước.
Với độ tuổi là 76 tuổi (sinh năm 1944), Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất đã vượt quá độ tuổi hồi hưu của Giáo luật là 75 tuổi. Với những thông tin trên, cùng độ tuổi của Đức Cha Gioan Maria, có thể tin tưởng được việc chia tách giáo phận đã cận kề. Riêng giáo phận Hưng Hóa, nếu chưa chia tách tân giáo phận, độ tuổi của Đức Cha Gioan Maria cho thấy Tòa Thánh sẽ chọn một vị tân giám mục chính tòa cho giáo phận.
- Bổ nhiệm Giám mục chính tòa Giáo phận Nha Trang.
Cùng độ tuổi với Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất là Đức Cha Giuse Võ Đức Minh của giáo phận Nha Trang. Đức Cha Giuse năm nay 76 tuổi, vượt quá độ tuổi hồi hưu của Giáo luật là 75 tuổi, đã đảm nhận vai trò giám mục chính tòa Giáo phận Nha Trang từ năm 2009.
Nhiều đồn đoán chưa kiểm chứng gần đây loan tin Tòa Thánh sẽ bổ nhiệm một giám mục phó với quyền kế vị cho Giáo phận Nha Trang.
- Bổ nhiệm Giám mục chính tòa Giáo phận Hà Tĩnh.
Sinh năm 1945, năm 2020, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đạt độ tuổi đệ nộp đơn xin hồi hưu là 75 tuổi. Vì vậy, trong tương lai gần, nhân sự điều hành giáo phận cũng sẽ có sự thay đổi. Hiện đã có những thông tin chưa kiểm chứng về Tòa Thánh sẽ bổ nhiệm một tân giám mục phó cho giáo phận.
- Bổ nhiệm Giám mục chính tòa Giáo phận Xuân Lộc
Sinh năm 1945, Giám mục chính tòa của Giáo phận Xuân Lộc là Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo năm 2020 đạt độ tuổi hồi hưu theo giáo luật. Cũng giống như các giáo phận Hưng Hóa, Nha Trang và Hà Tĩnh, giáo phận này cũng sẽ thay đổi vị giám mục chính tòa giáo phận trong tương lai gần.
- Bổ nhiệm Giám mục chính tòa Giáo phận Thái Bình
Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ đạt đến tuổi 75 vào tháng 1 năm 2021. Trong tương lai gần, Tòa Thánh cũng cần bổ nhiệm một giám mục chính tòa cho Giáo phận này.
- Bổ nhiệm Giám Mục Phụ Tá Tổng giáo phận Hà Nội
Tổng giáo phận Hà Nội vốn khuyết vị trí Giám Mục Phụ Tá, một vị trí vốn có lịch sử lâu dài tại Tổng giáo phận này, kể từ năm 1981 khi linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá, Tổng giáo phận đã lần lượt có các Giám Mục Phụ Tá sau:
+ Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang (1981 – 1990)
+ Đức Cha Phaolô Lê Đắc Trọng (1994 – 2006)
+ Đức Cha Lôrensô Chu Văn Minh (2008 – 2019).
Tính theo lịch sử, khi một Tân Tổng giám mục chính thức cai quản giáo phận, vị Giám Mục Phụ Tá thường được bổ nhiệm cho Ngài trong vòng hai đến bốn năm:
+ Đức Tổng Giám Mục Giuse Maria Trịnh Văn Căn (Tổng giám mục chính tòa: 1979) có Đức Cha phụ tá Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang (1981)
+ Đức Tổng Giám Mục Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng (Tổng giám mục chính tòa: 1994) có Đức Cha phú tá Phaolô Lê Đắc Trọng (1994).
+ Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt (Tổng giám mục chính tòa: 2005) có Đức Cha phụ tá Lôrensô Chu Văn Minh (2008).
- Một số giáo phận có thể có giám mục phó, phụ tá khác
+ Giám mục phó Giáo phận Bắc Ninh.
+ Giám Mục Phụ Tá Tổng giáo phận Sài Gòn.
+ Giám Mục Phụ Tá Tổng giáo phận Huế.
- Tước vị Hồng Y
Theo truyền thống, Việt Nam chưa bao giờ thiếu vắng quá lâu một vị Hồng Y Cử tri (Hồng Y dưới 80 tuổi, có quyền tham dự Mật nghị Hồng Y để bầu chọn tân giáo hoàng). Thời gian Giáo hội Việt Nam không có Hồng Y cử tri lâu nhất là bốn năm, giai đoạn 1990 – 1994, còn lại từ khoảng thời gian 1976 đến nay, khoảng thời gian Giáo hội Việt Nam không có Hồng Y cử tri chỉ từ 1 đến 2 năm.
Hiện nay, hai Đức Hồng Y người Việt Nam còn sống là Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn của Tổng giáo phận Hà Nội (sinh năm 1938; 82 tuổi) và Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn của Tổng giáo phận Sài Gòn (sinh năm 1934; 86 tuổi) đều không còn quyền tham dự Mật nghị.
Cùng điểm qua các vị Hồng Y và số Hồng Y cử tri của Việt Nam qua từng giai đoạn:
+ Hồng Y Tiên khởi Giuse Maria Trịnh Như Khuê (Tổng giáo phận Hà Nội), sinh năm 1898, thăng Hồng Y năm 1976, tức 78 tuổi. Đức Hồng Y Khuê đã tham dự hai mật nghị bầu chọn các tân giáo hoàng là Gioan Phaolô I và Gioan Phaolô II (cùng trong năm 1978). Đức Hồng Y Khuê qua đời tháng 11 năm 1978, Giáo hội Việt Nam không còn Hồng Cử tri. Đức Cố Hồng Y là Hồng Y Cử tri giai đoạn 1976 – 1978.
+ Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn (Tổng giáo phận Hà Nội), sinh năm 1921, thăng Hồng Y năm 1979, tức 58 tuổi. Đức Hồng Y qua đời năm 1990, thọ 69 tuổi. Sau cái chết của Đức Hồng Y, Giáo hội Việt Nam không còn Hồng Y Cử tri. Đức Cố Hồng Y là Hồng Y Cử tri giai đoạn 1979 – 1990.
+ Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng (Tổng giáo phận Hà Nội), sinh năm 1919, thăng Hồng Y năm 1994, tức năm 75 tuổi. Đức Hồng Y qua đời năm 2009, thọ 90 tuổi. Đức Cố Hồng Y là Hồng Y Cử tri giai đoạn 1994 – 1999.
+ Đấng Đáng Kính, Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (Giáo triều Rôma), sinh năm 1928, thăng Hồng Y năm 2001, tức năm 73 tuổi. Đức Hồng Y qua đời năm 2002, thọ 74 tuổi. Đức Cố Hồng Y là Hồng Y Cử tri giai đoạn 2001 – 2002.
+ Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (Tổng giáo phận Sài Gòn), sinh năm 1934, thăng Hồng Y năm 2003, tức năm 69 tuổi. Đức Hồng Y là Hồng Y Cử tri giai đoạn 2003 – 2014.
+ Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn (Tổng giáo phận Hà Nội), sinh năm 1938, thăng Hồng Y năm 2015, tức năm 77 tuổi. Đức Hồng Y là Hồng Y Cử tri giai đoạn 2015 – 2018.
Các ứng viên sáng giá cho tước vị Hồng Y của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam:
– Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên (tổng giáo phận Hà Nội), sinh năm 1960. Ngài từng đảm nhận vai trò Giám mục chính tòa Hải Phòng và hiện là vị giám mục có thâm niên nhất trong số các vị đang đương nhiệm tại Giáo tỉnh Hà Nội. Tòa Tổng giáo phận Hà Nội là tòa Hồng Y của Việt Nam, khi 4 trên 5 vị tiền nhiệm đều được vinh thăng Hồng Y.
– Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng (tổng giáo phận Sài Gòn), sinh năm 1953. Ngài từng đảm nhận vai trò Giám mục chính tòa Giáo phận Phát Diệm. Tòa Tổng giáo phận Sài Gòn trong suốt lịch sử chỉ có một vị Hồng Y, đó là Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn.
– Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh (tổng giáo phận Huế), sinh năm 1949. Ngài từng đảm nhận vai trò Giám mục chính tòa Giáo phận Thanh Hóa. Tòa Tổng giáo phận Huế chưa từng có một vị Hồng Y cai quản trong suốt lịch sử. Tuy vậy, với cương vị Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh cũng là một trong các ứng viên sáng giá cho tước vị Hồng Y của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.
Lê Minh Huy