2020
Hơn 100.000 tình nguyện viên Ba Lan phục vụ người nghèo giữa đại dịch
Hơn 100.000 tình nguyện viên từ 44 giáo phận Ba Lan đã tham gia vào việc trợ giúp các cộng đồng khi đại dịch virus corona đang lan tràn.
Cha Pawel Rytel-Andrianik, phát ngôn viên của Hội đồng giám mục Ba Lan, đã trình bày về các sáng kiến được các giám mục cổ võ trước đại dịch Covid-19. Cha chia sẻ: “Mùa Chay đối với chúng ta luôn là thời gian tăng cường các hoạt động vì người nghèo. Năm nay chúng tôi được kêu gọi nỗ lực hơn nữa và vì lý do này, tất cả các giáo phận đã hoạt động để đảm bảo sự giúp đỡ cần thiết, đặc biệt cho người già, người lẻ loi và người vô gia cư.”
Đáp lời Chúa Giêsu mời gọi yêu thương tha nhân
Đức tổng giám mục Stanisław Gądecki, Chủ tịch Hội đồng giám mục Ba Lan giải thích: “Các hoạt động được cổ võ là sự đáp lời của Giáo hội trước lời mời của Chúa Giêsu yêu thương tha nhân và chăm sóc cho người nghèo khổ. Trong thời điểm này, tình liên đới là điều khẩn thiết ở mọi nơi. Cần có những người giúp người cao niên, giúp mua sắm cho những người không đi lại được, điện thoại để họ không cảm thấy cô đơn.” Đức cha cho biết lời mời gọi đã được các tình nguyện viên đáp lời ngay lập tức. Trong những ngày này, họ phân phát các bữa ăn nóng và các gói thức ăn đến các nhà hưu dưỡng và cho những người bị cách ly.
Đồng hành, giúp khẩu trang, nhà ở, bữa ăn…
Trong hầu hết các giáo phận đều có đường dây điện thoại để những ai cần trợ giúp thiêng liêng hay đơn giản là cần đồng hành, có thể gọi đến để liên lạc. Ví dụ như giáo phận Poznan, người ta có thể nói chuyện với các linh mục mỗi ngày. Có những người tổ chức gây quỹ để mua thiết bị cho bệnh viện. Nhiều nữ tu không ngừng đóng gói các khẩu trang với các vật liệu chất lượng hàng đầu do các công ty tặng. Những người vô gia cư được tiếp đón vào chỗ ở và có cơ hội dùng bữa trong căn tin, nơi hàng ngàn bữa ăn nóng được phục vụ mỗi ngày.
Đồng hành với thiếu nhi; cung cấp dụng cụ y tế
Các giáo phận Sandomierz và Torun đã dùng các cơ sở của họ để tiếp đón những người bị cách ly. Các tình nguyện viên phục vụ trên đường phố phân phát chăn mền và thuốc khử trùng. Những người nhỏ bé nhất được quan tâm đặc biệt. Ở Radom, các tình nguyện viên theo dõi trẻ em trực tuyến và đồng hành cùng các em trong thời gian bị cô lập bắt buộc này. Cuối cùng, ngay từ đầu, tổ chức Caritas đã tích cực trong việc mua các dụng cụ y tế nhờ vào khoản phân bổ ban đầu là 12 triệu Zloty tương đương với khoảng 2,9 triệu Euro. (REI 30/03/2020)
Hồng Thủy – Vatican
2020
Người Công giáo và Tin lành kêu gọi một cái chết xứng nhân phẩm trong đại dịch
“Không ai đáng phải chết cô đơn, ngay cả trong hoàn cảnh như hiện nay”. Đây là lời kêu gọi của một nhóm giáo dân, linh mục và mục sư Tin lành gửi cho các công dân và một cách đặc biệt gửi cho các cơ quan có thẩm quyền.
Trong một bức thư ngỏ, những người ký tên yêu cầu “cố gắng tạo ra một hình thức lễ tang làm sao để có thể vừa đảm bảo sức khỏe cho người thân nhưng không làm mất đi tình cảm dành cho người đã ra đi”.
“Cái chết đã vào ngôi nhà chúng ta. Con số người chết mỗi ngày làm cho chúng ta xuống tinh thần. Nó đã trở thành một bản tin chiến tranh hàng ngày. Đằng sau những con số người chết là những khuôn mặt với tên, tuổi, những câu chuyện, những người đã giao thoa cuộc sống với chúng ta: cha mẹ, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và người thân quen. Nhiều người trong số họ phải trải qua bi kịch: chết một mình, không có tình cảm của người thân”.
Những người ký tên trong lá thư viết tiếp: “Virus tấn công không rõ ràng. Điều này cũng có thể xảy ra với chúng ta: ở trong bệnh viện cô đơn, không có sự hiện diện của người thân. Người ta nghĩ đến cái chết của chính mình với nỗi sợ hãi, nhưng bây giờ ý tưởng phải đối mặt với sự cô đơn dường như còn khủng khiếp hơn”.
Do đó, những người Công giáo và Tin lành yêu cầu “hãy cố gắng thiết lập một nghi thức làm sao vừa bảo đảm sức khỏe vừa thể hiện tình cảm đối với người chết, nghĩa là tối thiểu có sự hiện diện của người thân. Và mặc dù trong tình trạng khẩn cấp những hồ sơ của các nạn nhân đại dịch phải được ghi chú rõ ràng.” (La stampa 27/3/2020)
Ngọc Yến – Vatican
2020
ĐTC Phanxicô: trong cuộc khủng hoảng đại dịch phải đặt con người trên hết
Hôm 28/3, Đức Thánh Cha đã viết thư cho ông Roberto Andrés Gallardo, chủ tịch Ủy ban các thẩm phán châu Mỹ về các quyền xã hội. Trong thư, Đức Thánh Cha đánh giá cao sự chọn lựa sức khỏe là trên hết của các chính phủ trong khủng hoảng đại dịch Covid -19. Vì nếu không, theo Đức Thánh Cha, sẽ là chọn lựa cái chết.
Đức Thánh Cha viết: “Tương lai là ngay lúc này, trong sự đói khát của những người không có công việc ổn định, trong bạo lực, trong sự xuất hiện của những kẻ cho vay nặng lãi, những tội phạm vô nhân đạo, tất cả những điều này sẽ là tai họa cho tương lai xã hội”.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha bày tỏ nỗi bận tâm lo lắng trước sự tiến triển của đại dịch và cảm phục các nghĩa cử của nhiều người, các bác sĩ, y tá, tình nguyện viên, tu sĩ, linh mục; những người không ngại hiểm nguy, dấn thân chăm sóc và bảo vệ những người khỏe mạnh khỏi lây nhiễm.
Đức Thánh Cha nhận xét: một số chính phủ đã có những biện pháp mẫu mực và có các ưu tiên được xác định rõ ràng nhằm bảo vệ người dân. Mặc dù một số biện pháp này làm cho một số người khó chịu, nhưng cần phải áp dụng vì công ích.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha đề cập đến một cuộc họp với Bộ Phục vụ Phát triển con người toàn diện hôm thứ Sáu vừa qua, nội dung suy tư về đại dịch cùng với những ảnh hưởng cho hiện tại và tương lai. Đức Thánh Cha nhấn mạnh việc chuẩn bị cho những điều sau này là rất quan trọng.
Đức Thánh Cha kết thúc bức thư bằng cách đề cập đến ý kiến của nhà kinh tế học Mariana Mazzucato. Theo bà Mariana, chúng ta cần phải suy nghĩ lại về giá trị. Bà giải thích việc coi trọng giá trị hơn giá cả sẽ giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Đức Thánh Cha nói: “Tôi nghĩ tư tưởng này giúp ích cho việc suy nghĩ về tương lai”. (CSR_2062_2020)
Ngọc Yến – Vatican
2020
Công bố văn kiện của Tòa Thánh về nước
Hôm 30/3/2020 vừa qua, Bộ Phát triển nhân bản toàn diện đã công bố một văn kiện mới về nước, nhân dịp kết thúc tháng Ba trong đó có cử hành “Ngày Thế giới về Nước năm 2020”.
Văn kiện bằng tiếng Anh, dài 45 trang, chia làm 109 đoạn, được phổ biến trên trang mạng của Bộ Phát triển và có tựa đề: “Nước, nguồn mạch sự sống. Những hướng dẫn về nước: biểu tượng tiếng khóc của người nghèo và tiếng khóc của Trái đất” (Aqua fons vitae: Orientation on water: symbol of the cry of the poor and the cry of the Earth).
Ý tưởng nòng cốt của văn kiện là: con người, thiên nhiên và sự phát triển gắn liền chặt chẽ với nước, nhưng vẫn còn có quá nhiều người và nơi chốn không được nước. Văn kiện, – dựa trên Giáo huấn xã hội của các vị Giáo hoàng và hoạt động của Giáo hội tại các quốc gia, – đề cập tới các khía cạnh khác nhau và những thách đố gắn liền với đề tài nước, và văn kiện được Bộ coi như nằm trong khuôn khổ “cuộc chiến đấu cho sự sống”.
Ba khía cạnh liên quan tới nước
Văn kiện mới của Tòa Thánh phân biệt ba khía cạnh, hay ba chiều kích liên quan đến nước, đó là:
- Nước để con người sử dụng;
- Nước như tài nguyên được dùng trong nhiều hoạt động của con người, đặc biệt là nông nghiệp và công nghệ;
- Sau cùng là: Nước như diện tích, nghĩa là các sông ngòi, các mạch nước dưới đất, các hồ và nhất là các đại dương và biển.
Mỗi khía cạnh trên đây được văn kiện đề cập đến với những thách đố và những đề nghị hành động liên hệ, để gia tăng ý thức về vấn đề và khích lệ sự dấn thân hoạt động ở các địa phương.
Phần sau cùng của văn kiện trình bày một suy tư về vấn đề giáo dục và đặc tính toàn diện.
Chuẩn bị kế hoạch cho các cơ cấu y tế Công giáo
Ngoài ra, Bộ Phát triển nhân bản toàn diện cho biết đang xác định một chiến lược để đương đầu với tình trạng liên hệ tới nước, các dịch vụ và các cơ cấu vệ sinh, theo nghĩa rộng trong các cơ cấu y tế thuộc Giáo hội Công giáo. Quá nhiều cơ sở y tế tại các nước nghèo và các nước đang trên đường phát triển, không có đủ nước để đáp ứng những nhu cầu căn bản nhất về mặt tẩy rửa và vệ sinh. Nếu không có nước sạch, thuốc tẩy, xà bông, các nhà vệ sinh và các quy trình vệ sinh, thì hàng tỉ bệnh nhân, nhân viên chăm sóc và các gia đình sẽ bị nguy cơ, vì thiếu những nền tảng và hạ tầng cơ sơ để chăm sóc, chữa trị một cách xứng đáng, an toàn và có chất lượng. Các cuộc giải phẫu, sự nhiễm trùng và dịch tễ sẽ không được xử lý một cách chắc chắn, an toàn, nếu thiếu nước, và tình thế đặc biệt nguy hiểm trong những ngày nay với đại dịch Covid-19.
Liên minh giữa các tổ chức
Các nhà lãnh đạo trên bình diện thế giới, kể cả Liên Hiệp Quốc, ngày càng ý thức về vấn đề này. Đang có những liên minh giữa các tổ chức chính phủ, và các tổ chức tư nhân và từ thiện, để phát triển các kế hoạch hành động hầu đương đầu với vấn đề này một cách hết sức mau lẹ và hữu hiệu.
Hoạt động của các tổ chức của Giáo hội Công giáo
Văn kiện của Bộ Phát triển nhân bản toàn diện cũng nhắc đến truyền thống của Giáo hội, thường đi tiên phong và rất dấn thân trong lãnh vực sức khỏe, trợ giúp y tế tại các đại lục. Bộ Phát triển, sau khi tham khảo ý kiến của các dòng tu, các hội đồng giám mục, các cơ quan phát triển Công giáo và các chuyên gia, muốn khuyến khích và hỗ trợ những người đang tích cực tham gia cuộc chiến bảo vệ sự sống con người. Nhiều hệ thống từ thiện y tế Công giáo đã khởi sự những cuộc điều tra để xác định tầm mức rộng lớn và phức tạp của vấn đề, cứu xét một kiểu mẫu các cơ cấu y tế Công giáo. Bộ Phát triển, – cộng tác với một số cơ quan đối tác như, Cơ quan cứu trợ Công giáo Hoa Kỳ và tổ chức Nước Hoàn cầu 2020 (Global Water 2020)- đã quyết định khích lệ cố gắng này và góp phần bằng cách cổ võ các cuộc điều tra thêm tại một số nước. Kết quả các cuộc nghiên cứu ấy, cũng như kết quả các cuộc điều nghiên khác do các tổ chức Công giáo thực hiện gần đây, sẽ được sử dụng như điểm khởi hành để đề ra những kế hoạch hành động và gây quỹ hầu hỗ trợ các kế hoạch hành động. (Sala Stampa 30-3-2020)