2020
Các Giám mục Hoa Kỳ hài lòng vì Quốc hội chấp thuận trợ giúp các nạn nhân virus corona
Qua Đức cha Paul S. Coakley, chủ tịch Ủy ban Giám mục về Công lý và Phát triển con người, các Giám mục Hoa Kỳ đã bày tỏ sự hài lòng khi biết tin Quốc hội Hoa Kỳ đã chấp thuận trợ giúp các nạn nhân virus corona.
Vào ngày 30/3/2020, Quốc hội Hoa Kỳ cùng với tổng thống Donald Trump đã phê duyệt và xác nhận các biện pháp liên quan đến việc trợ giúp trong đại dịch, bao gồm gói hỗ trợ khẩn cấp cho những ai đang phải chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. Gói trợ giúp lên tới 2,2 ngàn tỷ đô la.
Đức cha Paul S. Coakley nhận định: “Đây là một quyết định pháp lý tốn kém nhiều nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Gói trợ giúp của chính phủ có khả năng cung cấp viện trợ cho hàng triệu người Hoa Kỳ đang đau khổ”.
Trong một tuyên bố được đăng trên web của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Đức Cha Coakley nói: “Chúng ta đang sống trong giai đoạn có hai cuộc khủng hoảng: khủng hoảng toàn cầu về sức khỏe và khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu của niềm hy vọng, bởi vì chúng ta hợp nhất trong việc chăm sóc các bệnh nhân, tìm vắcxin và trợ giúp nhân loại”. Đức cha ca ngợi các nỗ lực không mệt mỏi của các nhân viên y tế, nhân viên siêu thị và của tất cả những ai đang làm việc để gìn giữ sức khỏe cho người dân.
Với gói viện trợ này, các công ty sẽ hỗ trợ người nghèo và những người dễ bị tổn thương. Nhiều quy định trong điều khoản này sẽ giúp người sử dụng lao động duy trì hợp đồng cho các nhân viên, cũng như đáp ứng nhu cầu của những người bị sa thải và cần thu nhập ngay lập tức. Đặc biệt các Giám mục ca ngợi các biện pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người có thu nhập thấp và trung bình, và các biện pháp kích thích kinh tế cho các bệnh viện và các tổ chức bác ái trong thời gian khủng hoảng này.
Bên cạnh những điểm tích cực trong quyết định của chính phủ, theo các Giám mục điều khoản viện trợ này cần phải được cải thiện, vì chưa xem xét đầy đủ đến mọi thành phần trong xã hội. Theo nội dung của điều khoản, những người không có giấy tờ cá nhân, những người vô gia cư không được trợ cấp, đây là một điều đáng lo ngại. (CSR_2063_2020).
Ngọc Yến
2020
Chúa nhắn tôi đừng chủ quan với Virus
Trong Mùa Chay này, Thiên Chúa còn mời gọi tôi hãy tỉnh thức để chờ ngày Chúa đến trong vinh quang. Đừng chủ quan với biết bao chuyện đời thế sự. Giáo Hội đang mời gọi mỗi người thay đổi lối sống…
Mấy ngày này, hàng loạt báo chí đưa tin thủ tướng Anh dương tính với Covid–19. Thực tế trên thế giới, nhiều quan chức và các nhân vật nổi tiếng đã lây nhiễm con virus này. Những bình luận có thể trái chiều dành cho họ. Có người cho rằng thủ tướng Boris Johnson đã chủ quan. Bản thân ông đã có những hành động không phù hợp với các khuyến cáo y tế. Ông đã có những “tiếp xúc không cần thiết”. Johnson nói trong cuộc họp báo ngày 3–3–2020 rằng: “Tôi đến bệnh viện tối hôm kia, nơi có một vài bệnh nhân Covid–19, tôi vẫn bắt tay tất cả mọi người![1] Nhiều người ngả mũ khen sự gần gũi và khả năng chống dịch quyết liệt của ông.
Chúng ta hướng về một ví dụ khác: nước Ý. Ai cũng biết điều gì đang diễn ra tại quốc gia này. Số người chết và nhiễm bệnh cao nhất nhì thế giới. Số là trước đó, chính quyền và người dân Ý có phần chủ quan. Họ không cách ly kịp thời, ngại đeo khẩu trang và tụ tập chốn đông người. Và nhiều lý do khác dẫn đến hiện trạng đau lòng này.
Với hai ví dụ trên đây, tôi muốn hướng về Thiên Chúa để tìm những chỉ dẫn. Ngài nhắn với tôi đừng chủ quan! Virus Covid–19 không thể thấy bằng mắt, sờ bằng tay. Sức lây lan của nó thực sự kinh hoàng. Hậu quả của nó ai cũng thấy, cũng sợ đến hoang mang. Trong bối cảnh này, nếu không cẩn trọng, người ta có thể nhiễm cho mình và lây cho người khác. Bởi đó, tổ chức y tế thế giới (WHO), các quốc gia và Giáo Hội đưa ra nhiều biện pháp kêu gọi mọi người cùng nhau phòng và chống lại đại dịch này.
Bài học trong Vườn Dầu
Vào đêm kinh hoàng trong Vườn Dầu năm xưa, Chúa Giêsu nhắn với môn đệ: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” (Mc 14,38). Khi thế gian đang thắng thế, sự dữ đang hoành hành, Chúa càng mời gọi các ông cộng tác. Số là các môn đệ mệt mỏi và buồn ngủ. Họ quên mất Thầy mình đang phải đối diện với cái chết. Giờ khủng khiếp ấy không chỉ đến cho Thầy Giêsu. Tất cả các môn đệ cũng sẽ bị đánh tan tác. Thực tế trong đêm hôm đó, các ông đã chạy mất dép.
Hai điều Chúa nhắn với tôi trong đại dịch này:
– Canh thức:
Đây không chỉ là hình thức cầu nguyện vào ban đêm, nhưng còn là đề phòng và thức tỉnh cả ban ngày. Tỉnh táo để thấy điều gì nên làm, cần làm và phải làm. Điều nào cần tránh, nên tránh và phải tránh. Giữa đại dịch, chắc chắn ai cũng biết cần làm gì từ những lời mời gọi của phía nhà nước, phía Giáo Hội. Hẳn là lúc này cần tạm gác lại vấn đề chính trị, đảng phái để cùng nhau bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Sẽ là rối loạn nếu người dân không theo những chỉ dẫn của nhà nước. May mắn cho người Công Giáo, vì chúng ta còn có Giáo Hội. Các người hữu trách của Hội Thánh liên tục đối thoại với nhà nước và với nhau. Từ đó, các ngài có những hướng dẫn cụ thể và kịp thời trong vấn đề mục vụ, đời sống thiêng liêng cho con cái mình.
Chỉ những ai thờ ơ mới không để tâm đến những hướng dẫn từ phía các ngài. Ước sao cha mẹ, ông bà và người lớn cũng biết chia sẻ những thực hành cần thiết cho con cháu. Dẫu còn đó những khó khăn, nhưng người canh thức luôn có nhiều niềm vui và sáng kiến để tạo những không gian tốt cho mình và người thân. Chắc Chúa không bảo người ta ngồi ở nhà chờ chết, hoặc muốn làm gì thì làm. Ngược lại, qua những hướng dẫn cụ thể, Chúa đang mời gọi con người cùng nhau cộng tác. Khi đó, dù giữa đêm tối của bệnh dịch, chúng ta không cô đơn cũng chẳng tuyệt vọng.
– Cầu nguyện:
Người ngủ mê là kẻ không thể cầu nguyện. Hậu quả là họ buông trôi cuộc sống. Có người cực đoan đến nỗi tuyên bố rằng: “Sắp chết đến nơi rồi mà còn cầu nguyện”. Hoặc, “ở nhà thờ có Chúa, virus làm sao có thể tấn công được!” Thái độ ấy dĩ nhiên là không phải cầu nguyện hoặc phó thác. Đúng hơn, họ đang thách thức Thiên Chúa, Giáo Hội và cả Nhà Nước. Cứ nhìn các môn đệ ngủ say trong đêm hôm đó nơi Vườn Dầu! Lúc quân lính đến, họ chạy toán loạn, ngay cả Phêrô cũng dùng bạo lực để chống chọi với quân thù (Ga 18,10). Trong tình cảnh nguy hiểm ấy, chỉ một mình Chúa Giêsu biết mình cần phải làm gì; bởi Ngài đã canh thức và cầu nguyện với Chúa Cha.
Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh: Cầu nguyện và phục vụ âm thầm là những khí giới chiến thắng của chúng ta. Khi đó người ta không thể chủ quan hoặc thờ ơ với những gì đang diễn ra. Ngược lại, họ cùng với Thiên Chúa làm những gì cần thiết cho mình và người thân. Cứ nhìn đến dòng người đang xả thân lo cho cuộc chiến phòng chống virus này. Đó là những đóng góp của các bác sĩ, y tá nam nữ, các nhân viên siêu thị, nhân viên vệ sinh, những người giúp việc gia đình, các nhân viên chuyên chở, các nhân viên công lực, những người thiện nguyện, các linh mục, nữ tu và bao nhiêu người khác.[2]
Thật tốt để đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu trong Vườn Dầu năm xưa: “Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!” (Lc 21,36). Khi lắng nghe và cộng tác với nhau, người ta thấy sáng lên những điều gì cần làm và nên tránh. Chủ quan sẽ giảm bớt nếu người ta đến gần với Thiên Chúa và liên kết với nhau hơn. Lúc đó, chúng ta vừa có vũ khí tự nhiên là những hướng dẫn chi tiết từ phía y tế; vừa có khí cụ thiêng liêng là sự đồng hành của Giáo Hội với mỗi người. Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta hòa quyện hai điều này để phòng chống dịch trong sáng suốt và bình an.
Hai ví dụ trên đây, và cả câu chuyện các môn đệ trong Vườn Dầu cho thấy: Nếu chúng ta lơ là và bỏ qua những điều cần thiết trong lúc này, số người nhiễm và chết vì Covid–19 luôn có nguy cơ bùng phát. Nếu người ta cứ liều lĩnh tập trung ăn chơi, lao mình vào chốn đông người hoặc thờ ơ vô cảm, khi ấy Thiên Chúa cũng chẳng có thể cứu được họ! Trong ý hướng này, có lần đức giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần cũng nhắn chúng ta rằng:
“Sự mù quáng, sự cứng lòng và sự tự đắc chủ quan đang là những mối đe dọa thực sự trong Hội Thánh chúng ta. Coi thường những mối đe dọa ấy, chính là một chước cám dỗ tai hại chúng ta cần phải đề phòng.”[3]
Trong Mùa Chay này, Thiên Chúa còn mời gọi tôi hãy tỉnh thức để chờ ngày Chúa đến trong vinh quang. Đừng chủ quan với biết bao chuyện đời thế sự. Giáo Hội đang mời gọi mỗi người thay đổi lối sống. Chẳng hạn, Ngày 28–03–2020, trên Twitter ĐGH Phanxicô viết: Trong Mùa Chay này, cha mời gọi các con dừng lại đôi chút để chiêm ngắm trước Tượng Chúa Chịu Nạn và lặp lại lời này: “Lạy Chúa Giêsu, Ngài yêu con, xin biến đổi con…” Được như thế, người con của Chúa phòng chống dịch Covid–19 hữu hiệu hơn nhiều.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] https://vnexpress.net/the-gioi/thu-tuong-anh-nem-trai-dang-ncov-4076002.html
[2] Bài giảng của Đức Giáo Hoàng trong giờ cầu nguyện và ban phép lành Urbi et Orbi (27-03-2020)
[3] Đọc thêm: Xin Chớ Để Chúng Con Sa Chước Cám Dỗ, Gm Bùi Tuần
2020
Hơn 100.000 tình nguyện viên Ba Lan phục vụ người nghèo giữa đại dịch
Hơn 100.000 tình nguyện viên Ba Lan phục vụ người nghèo giữa đại dịch
Hơn 100.000 tình nguyện viên từ 44 giáo phận Ba Lan đã tham gia vào việc trợ giúp các cộng đồng khi đại dịch virus corona đang lan tràn.
Cha Pawel Rytel-Andrianik, phát ngôn viên của Hội đồng giám mục Ba Lan, đã trình bày về các sáng kiến được các giám mục cổ võ trước đại dịch Covid-19. Cha chia sẻ: “Mùa Chay đối với chúng ta luôn là thời gian tăng cường các hoạt động vì người nghèo. Năm nay chúng tôi được kêu gọi nỗ lực hơn nữa và vì lý do này, tất cả các giáo phận đã hoạt động để đảm bảo sự giúp đỡ cần thiết, đặc biệt cho người già, người lẻ loi và người vô gia cư.”
Đáp lời Chúa Giêsu mời gọi yêu thương tha nhân
Đức tổng giám mục Stanisław Gądecki, Chủ tịch Hội đồng giám mục Ba Lan giải thích: “Các hoạt động được cổ võ là sự đáp lời của Giáo hội trước lời mời của Chúa Giêsu yêu thương tha nhân và chăm sóc cho người nghèo khổ. Trong thời điểm này, tình liên đới là điều khẩn thiết ở mọi nơi. Cần có những người giúp người cao niên, giúp mua sắm cho những người không đi lại được, điện thoại để họ không cảm thấy cô đơn.” Đức cha cho biết lời mời gọi đã được các tình nguyện viên đáp lời ngay lập tức. Trong những ngày này, họ phân phát các bữa ăn nóng và các gói thức ăn đến các nhà hưu dưỡng và cho những người bị cách ly.
Đồng hành, giúp khẩu trang, nhà ở, bữa ăn…
Trong hầu hết các giáo phận đều có đường dây điện thoại để những ai cần trợ giúp thiêng liêng hay đơn giản là cần đồng hành, có thể gọi đến để liên lạc. Ví dụ như giáo phận Poznan, người ta có thể nói chuyện với các linh mục mỗi ngày. Có những người tổ chức gây quỹ để mua thiết bị cho bệnh viện. Nhiều nữ tu không ngừng đóng gói các khẩu trang với các vật liệu chất lượng hàng đầu do các công ty tặng. Những người vô gia cư được tiếp đón vào chỗ ở và có cơ hội dùng bữa trong căn tin, nơi hàng ngàn bữa ăn nóng được phục vụ mỗi ngày.
Đồng hành với thiếu nhi; cung cấp dụng cụ y tế
Các giáo phận Sandomierz và Torun đã dùng các cơ sở của họ để tiếp đón những người bị cách ly. Các tình nguyện viên phục vụ trên đường phố phân phát chăn mền và thuốc khử trùng. Những người nhỏ bé nhất được quan tâm đặc biệt. Ở Radom, các tình nguyện viên theo dõi trẻ em trực tuyến và đồng hành cùng các em trong thời gian bị cô lập bắt buộc này. Cuối cùng, ngay từ đầu, tổ chức Caritas đã tích cực trong việc mua các dụng cụ y tế nhờ vào khoản phân bổ ban đầu là 12 triệu Zloty tương đương với khoảng 2,9 triệu Euro. (REI 30/03/2020)
Hồng Thủy
2020
ĐHY Tagle kêu gọi xóa nợ cho các nước nghèo để giúp họ đối phó với virus corona
Trong bối cảnh nhiều quốc gia phải cố gắng đối phó với đại dịch Covid-19, Đức Hồng y Luis Tagle, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, kêu gọi một năm đặc biệt, trong đó các nước giàu xóa nợ cho các nước nợ nần chồng chất.
Trong Thánh lễ Chúa Nhật thứ V Mùa Chay hôm 29/03, được phát trực tiếp từ Roma, Đức Hồng y Tagle mô tả năm tha nợ đặc biệt đó là tha các khoản nợ, đặc biệt là của các quốc gia nghèo và chuyển các chi tiêu quân sự cho các nhu cầu xã hội. Đức Hồng y nói: “Bây giờ chúng tôi nhận ra rằng chúng ta không có đủ khẩu trang nhưng có quá nhiều đạn. Chúng ta không có đủ nguồn cung cấp máy thở nhưng chúng ta có hàng triệu peso, đô la hoặc euro chi cho một chiếc máy bay có thể tấn công người.”
Tha nợ cho các nước nghèo
Đức Hồng y cảnh báo rằng việc thiếu các nguồn nguyên liệu này có thể là “mồ chôn” các nước nghèo và người dân của họ. Do đó Đức Hồng y kêu gọi các nước giàu trên thế giới “xóa” tiền lời mà họ thu từ các khoản vay của nước nghèo để những nước này có thể sử dụng các nguồn tài nguyên đang cạn kiệt của họ vào những nhu cầu khẩn thiết do đại dịch gây ra. Ngài nói: “Hãy tha các khoản nợ để những người đang ở trong ngôi mộ của nợ nần có thể tìm thấy sự sống.”
Chuyển các chi tiêu quân sự cho các nhu cầu xã hội
Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Đức Hồng y cũng kêu gọi các chính quyền chuyển các chi tiêu quân sự cho việc kiến tạo “an ninh thực sự” như giáo dục, nhà ở và thực phẩm. Ngài khẳng định rằng điều này sẽ bảo đảm an ninh thật sự và giúp họ ra khỏi nấm mồ. Ngài nói: “Làm ơn, chúng ta có thể dừng chiến tranh không? Chúng ta có thể ngừng sản xuất vũ khí không? Chúng ta có thể đi ra khỏi ngôi mộ và tiêu tiền cho an ninh thực sự không?”
Khủng hoảng virus corona là cơ hội để thực hiện việc xóa nợ cho các nước nghèo
Hơn hai mươi năm sau khi phát động chiến dịch toàn cầu nhân dịp Đại Năm Thánh 2000, với sự tham gia tích cực của Tòa thánh và toàn thể Giáo hội Công giáo cùng với nhiều tổ chức phi chính phủ, việc xóa nợ nước ngoài cho các quốc gia nhiều nợ vẫn là một chủ đề mở. Việc xóa nợ cho nhiều quốc gia được quyết định bởi các tổ chức quốc tế vào đầu những năm 2000 chắc chắn đã làm giảm bớt tình trạng nợ của một số quốc gia nghèo; họ có thể đầu tư nhiều nguồn lực vào các dịch vụ như giáo dục và y tế cộng đồng, nhưng không phải tất cả đều được hưởng lợi và biện pháp này không phải lúc nào cũng mang tính quyết định ngay cả ở các quốc gia được hưởng lợi từ nó, nhiều nước trong số đó vẫn ở trong tình trạng thậm chí còn tồi tệ hơn so với năm 2000. Cuộc khủng hoảng virus corona là cơ hội tái đề xuất vấn đề một cách cấp bách hơn. (REI 30/03/2020)
Hồng Thủy – Vatican