2020
Sứ vụ mục tử của linh mục trong thời gian đại dịch: gần gũi tín hữu trong “cơn đói” Thánh Thể
Đức Hồng y Stella tin rằng trong hoàn cảnh đại dịch, từ sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần và từ tiếng nói nội tâm, mỗi linh mục đều có những sáng kiến để gần gũi với tín hữu đang “đói” Thánh Thể. Đức Hồng y hy vọng rằng khi đại dịch qua đi, các linh mục cũng được nhớ đến với sự cảm kích như đối với các y bác sĩ, những người hy sinh chăm sóc cho bệnh nhân giữa đại dịch.
Mỗi năm, nhân dịp thứ Năm Tuần Thánh, ngày kỷ niệm Chúa Giê-su thiết lập chức linh mục, Đức Hồng y Beniamino Stella, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, thường trả lời một cuộc phỏng vấn về đề tài liên quan đến các linh mục. Năm nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thứ Năm Tuần Thánh năm nay khác với những năm trước. Cụ thể, hôm 09/04, Đức Thánh Cha không cử hành Thánh lễ truyền Dầu vào ban sáng, ban chiều ngài cử hành lễ Tiệc Ly tại bàn thờ Ngai tòa của đền thờ thánh Phê-rô, nhưng không có nghi thức rửa chân, cũng không có dâng lễ vật, không có đặt Mình Thánh chầu Thánh Thể.
Giống như ngài, tất cả các linh mục, đặc biệt là vào những ngày trong Tam nhật thánh, đang trải nghiệm những cách thức mới để ở gần với Dân Chúa khi sử dụng truyền thông xã hội. Họ tìm cách sống sứ vụ mục tử cách viên mãn, không quên lịch sử Kinh Thánh dạy rằng ngay cả trong những thời điểm đen tối và bi thảm, Chúa đề nghị những không gian thay thế để ngợi khen và phục vụ Người. Trả lời phỏng vấn của báo Quan sát viên Roma, Đức Hồng y Stella đã nói về điều này và hy vọng rằng khi đại dịch chấm dứt, dân chúng sẽ nhìn vào các linh mục với lòng biết ơn tương tự như đối với sự dấn thân anh hùng của các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế và những người gìn giữ trật tự. Sau đây là nội dung bài phỏng vấn Đức Hồng y Stella.
** Năm nay, do đại dịch, Thánh lễ truyền Dầu vào thứ Năm Tuần Thánh không được cử hành tại nhiều giáo phận nhưng được dời vào thời gian khác. Thưa Đức Hồng y, làm sao các linh mục lập lại lời thề hứa linh mục trong bối cảnh khẩn cấp bi kịch này?
– Lịch sử Kinh Thánh nhiều lần thuật lại với chúng ta những tình huống khủng hoảng nặng nề và bi kịch đối với người dân, trong đó ngay cả Đền thờ cũng bị phá hủy và không thể thực hành việc thờ phượng. Những lời của ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã diễn tả tình cảnh tuyệt vọng này: “Ngay cả ngôn sứ và tư tế cũng đang lang thang khắp xứ và không biết phải làm gì” (14:18). Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh dường như vô vọng này, Thiên Chúa đề nghị những không gian khác để ca ngợi và phục vụ Người; bằng cách này, Người cũng thanh tẩy chúng ta khỏi một số kế hoạch mục vụ bị cáo buộc của chúng ta và một số hình thức quá bên ngoài, đôi khi có thể che khuất vẻ đẹp của Tin Mừng và sự tươi mới của nghi thức phụng vụ.
Được biết, trong Thánh lễ truyền Dầu, được gọi như thế là vì trong Thánh lễ này, Đức giám mục thánh hóa các loại dầu dùng cho các bí tích rửa tội, thêm sức, truyền chức thánh và xức dầu bệnh nhân, nghi thức có việc lập lại lời thề hứa của linh mục; những lời hứa này diễn tả rõ ràng các các cam kết liên quan đến đời sống và sứ vụ mà các linh mục thề hứa vào ngày thụ phong linh mục. Giờ đây, nếu những lời hứa này nhắm thể hiện căn tính sâu sắc của linh mục, nghĩa là ngài không được thụ phong để thỏa mãn chính mình, nhưng là một dấu hiệu sống động của Chúa Kitô Mục tử tốt lành, Đấng hiến mạng sống cho anh em của mình, vào Thứ Năm Thánh chúng ta có cơ hội canh tân những lời thề hứa này không chỉ bằng môi miệng và trong lời cầu nguyện của Thánh lễ truyền Dầu, nhưng lần này, bằng cách mang trên vai mình sự đau khổ vô cùng của dân tộc Kitô giáo và của nhân loại, bằng cách trở thành những người chuyển cầu cạnh bên lòng Chúa.
Trong khi tôn trọng những khoảng cách phòng ngừa mà chúng ta được yêu cầu, chúng ta có nhiều cơ hội để thể hiện sự gần gũi cách con người và thiêng liêng và làm chứng theo cách thức thích hợp việc dâng hiến cuộc sống của chúng ta cho đàn chiên. Trong sự thinh lặng của tâm hồn, đó là một lời cầu nguyện đích thực đẹp lòng Chúa Cha và như một thứ dầu thơm đổ xuống trên Dân Chúa xoa dịu nỗi cô đơn, sợ hãi và sự dữ. Tôi chắc chắn rằng vào sáng Thứ Năm Thánh, khi đau khổ trong tâm hồn vì không thể cử hành phụng vụ, không linh mục nào quên đặt mình trước Chúa để lập lại cách khiêm nhường và sâu sắc những lời thề hứa linh mục.
** Thưa Đức Hồng y, trong thời gian này các linh mục có thể thi hành sứ vụ của mình bằng cách nào?
– Tôi tin chắc rằng thời gian này đối với các linh mục, khi tự vấn trước Chúa và Dân Chúa, là một dịp thuận lợi để dừng lại, phân định và đánh giá bi kịch mà chúng ta đang sống, trong bối cảnh trách nhiệm sứ vụ của mình. Tôi thấy rằng trong những tuần gần đây, một mong muốn mới về truyền giáo và chăm sóc mục vụ cho dân Chúa thức tỉnh trong các linh mục và do đó, có một sự sáng tạo đang xuất hiện khiến chúng ta gần gũi với người dân, những người cảm thấy, với sự ngạc nhiên biết ơn của chúng ta, “cơn đói” bí tích Thánh Thể.
Có lẽ chưa bao giờ như hiện nay các cộng đồng nhận thức được trong lòng họ một nỗi nhớ thực sự nhà thờ của chính họ, những cuộc gặp gỡ huynh đệ ở đó và trên hết là cử hành Thánh Lễ. Các linh mục, đặc biệt là nhờ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và nhiều công cụ truyền thông kỹ thuật số được kích hoạt trong một loạt các sáng kiến trên web, cố gắng đưa ra nhiều thông điệp, lời cầu nguyện, bài giảng và suy niệm Lời Chúa, và nhiều hơn nữa. Đó là những cách mà qua đó các linh mục có thể thực thi sứ vụ thực sự ngay cả trong thời điểm xảy ra đại dịch, vẫn gần gũi, ngay cả khi ở xa.
** Thưa Đức Hồng y, Đức Hồng y đã tìm được những cách thế thú vị cho việc mục vụ?
– Để đối phó với tình trạng mệt mỏi và đau khổ tột cùng đã làm tê liệt năng lượng của chúng ta và buộc mọi người phải cô lập, các sáng kiến mục vụ khác để cho thấy sự hiện diện của chúng ta đã được thực hiện, không chỉ hiện diện ảo, nhưng bằng các cử chỉ và lời nói đi vào trái tim của các tín hữu. Ngay cả trong những mới mẻ sáng tạo này, Chúa Thánh Thần hoạt động và hỗ trợ hành trình của các tín hữu, trong giờ vượt qua sa mạc.
Tuy nhiên, có một khía cạnh không nên bỏ qua, một điều mời gọi các linh mục chú ý đặc biệt đến mục vụ, đó là: thời điểm khó khăn này có thể giúp mọi người khám phá lại chiều kích của Giáo hội tại gia, vẻ đẹp của lời cầu nguyện gia đình, tầm quan trọng của việc đọc Tin Mừng trong nhà riêng của họ.
Để giúp Dân Chúa tìm thấy chiều sâu trong mối quan hệ của họ với Thiên Chúa, tôi thấy rõ ràng rằng nhiều cha xứ, ví dụ, đang chuẩn bị cho các tờ rơi cho các gia đình tương tự như trong các Thánh lễ, trong đó cùng với các bài đọc Chúa nhật và một bài suy tư ngắn gọn, có một dấu hiệu nhắc nhở đặt tờ giấy ở giữa bàn; một cử chỉ Kitô giáo cần được chia sẻ; đọc kinh Lạy Cha hoặc một lời cầu nguyện kính Đức Mẹ. Chúng tôi cũng thấy những cành ô liu nhỏ và những bức vẽ Kinh Thánh của những đứa trẻ được trưng bày bên ngoài những ngôi nhà, như những biểu hiện sống động về đức tin của gia đình.
** Thưa Đức Hồng y, cách thế nào giúp các linh mục tránh cám dỗ, như Đức Giáo hoàng cảnh giác trong những ngày qua, trở thành cha Abbondio? – Đây là một nhân vật linh mục hèn nhát trong một tiểu thuyết.
– Trước hết, đối với mỗi linh mục, phải xác tín trong tâm lòng là: việc đình chỉ phụng vụ và khoảng cách an toàn không bao giờ trở thành lý do để cô lập bản thân hoặc nghỉ ngơi. Tôi chắc chắn rằng các linh mục đã cảm động trước sự hy sinh của nhiều anh em linh mục chết vì bị nhiễm virus; trong đau khổ của họ và trong sự cách ly của các khoa bệnh, khi hướn về cõi vĩnh hằng, những linh mục này sẽ cầu nguyện và hiến mạng sống cho cộng đồng của họ, mang đến trước Chúa các đau khổ bệnh tật, những nhu cầu vật chất và thiêng liêng của người dân.
Với trái tim, họ sẽ nhìn thấy khuôn mặt của những người trẻ tuổi đang gặp khủng hoảng về đức tin và nhiều bà mẹ gặp khó khăn và đau khổ để hỗ trợ sự mệt mỏi và nỗ lực của các gia đình. Khi nói chuyện với một số linh mục, tôi đã rất cảm động khi nghe trên điện thoại, giọng nói nghẹn ngào nức nở thực sự vì sự bất lực của con người trong việc giúp đỡ các tín hữu trong bi kịch hiện tại. Do đó, tôi nhận thấy giá trị của lời cầu nguyện, cầu khẩn cho dân Chúa, đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh rất nhiều lần, như khi ngài yêu cầu các linh mục “chiến đấu với Chúa” vì các tín hữu của họ. Tôi cũng nhận thấy sự mệt mỏi của các linh mục, kiệt sức vì trò chuyện với mọi người trên điện thoại di động của họ, những người cảm thấy tầm quan trọng của sự hỗ trợ tinh thần này trong sự tuyệt vọng của nhiều trái tim. Trái ngược với “Don Abbondio” đóng mình trong nhà xứ mà Đức Giáo hoàng đã nói đến, tôi cũng thấy vị linh mục trên băng ghế của nhà thờ, chờ đợi các tín hữu, sẵn sàng chúc lành và nói một lời hy vọng và an ủi.
Như Đức Thánh Cha đã khuyên chúng ta khi bắt đầu thảm kịch đau đớn này, tôi tưởng tượng rằng trong một số trường hợp, các mục tử cũng có thể xức dầu cho người bệnh hoặc mang Mình Thánh Chúa đến nhà của một người đang hấp hối. Tôi bị ấn tượng sâu sắc bởi tấm gương của các giáo dân – bác sĩ hoặc y tá – những người có thể bày tỏ đức tin của họ vào Chúa Giêsu Phục sinh, khi vẽ dấu thánh giá trên trán của người sắp chết. Chúng ta không bao giờ có thể quên cử chỉ của các linh mục đi qua trước quan tài của các tín hữu của họ và ban phép lành của Giáo hội, phó thác người quá cố đã đi đến cuộc sống vĩnh hằng cho trái tim nhân hậu của Chúa Cha.
Mỗi linh mục tốt lành sẽ có thể khám phá ra công thức của riêng mình, cử chỉ của chính mình, từ sự thúc đẩy nội tâm của người mục tử và sự thúc đẩy của tiếng nói của Chúa Thánh Thần, những điều buộc ngài phải hoạt động và tỉnh thức giữa dân tộc của mình, theo phong tục văn hóa và phụng vụ từ mỗi quốc gia. Tôi thực sự mong muốn một ngày nào đó khi chúng ta thoát khỏi đại dịch vô tận này, chúng ta có thể nghĩ đến các linh mục với lòng biết ơn và tình cảm tương tự như những người mà ngày nay rất nhiều người nói về bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, nhân viên thực thi pháp luật hiện diện trên chiến trường cho đến độ anh hùng .
Hồng Thủy – Vatican
2020
Các nhà báo Công giáo: “Lính bộ binh” của Giáo hội
Trong thời điểm đại dịch, đối với Giáo hội, vai trò của các nhà báo rất quan trọng, chính vì thế Giáo hội Tây Ban Nha và Malawi đã gửi sứ điệp và tổ chức những buổi huấn luyện để giúp các nhà báo Công giáo ý thức được vai trò của họ đặc biệt trong thời gian này. Các nhà báo Công giáo được xem như “lính bộ binh” của Giáo hội.
Tại Tây Ban Nha: Các Giám mục của Ủy ban Giám mục về Truyền thông Xã hội đã gửi một sứ điệp với tựa đề “Các nhà truyền thông đảm bảo hy vọng trước đại dịch Covid-19”. Với sứ điệp này các Giám mục nhìn nhận và ủng hộ công việc của các nhà báo, trong trường hợp khẩn cấp về sức khỏe.
Các Giám mục viết: “Chúng tôi muốn nhấn mạnh vai trò của các hãng truyền thông và công tác xã hội mà anh chị em, các nhà báo, phóng viên và các nhà truyền thông đang thực hiện trong thời điểm dịch bệnh này. Công việc của anh chị em giúp rút ngắn khoảng cách đại lý và xã hội; anh chị em đang mở cách cửa cho hy vọng và tương lai; anh chị em đang làm cho mọi người biết các sáng kiến của tình liên đới và anh chị em đang cung cấp cho những người đang phải cách ly tại nhà nhiều khả năng kết nối với thế giới và phát triển phẩm cách”.
Các Giám mục viết tiếp: “Trong thời điểm khó khăn này, các phương tiện truyền thông cho phép chúng ta biết những gì đang diễn ra với tất cả sắc thái và tính phức tạp của nó. Phương tiện truyền thông phổ biến các chỉ dẫn của các cơ quan có thẩm quyền và góp phần phủ nhận những tin giả và những trò lừa bịp có thể dẫn đến sự lo lắng, tuyệt vọng hoặc rối loạn. Đây là một dịch vụ cần thiết cho một xã hội yêu tự do và sự thật. Đồng thời, truyền thông cũng cho phép chúng ta thoát khỏi thói quen hạn hẹp hàng ngày, nhờ các chương trình giải trí, phim ảnh và âm nhạc, cũng như nhờ những điều tốt đẹp nhất của nhân loại, nghệ thuật và văn hóa. Nếu không có những điều này thì sự cách ly này sẽ còn tồi tệ hơn”.
Các Giám mục mời gọi những ai đang hoạt động trong lãnh vực truyền thông đừng mệt mỏi trong hoàn cảnh đen tối này, nhưng tiếp tục là những người đem lại sự thật và hy vọng trong tất cả những gì họ đang thực hiện và thông truyền để tin tức và các chương trình chạm đến tâm hồn của những ai đang đau khổ, giúp họ nhận thức được thực tế rằng khi “niềm hy vọng của các dân tộc chết thì các nền văn hóa biến mất”. (CSR_2644_2020)
Cũng liên quan đến vai trò của các nhà truyền thông trong thời điểm đại dịch, hôm 11/4, tại một buổi huấn luyện về Covis-19 ở Lilongwe, dành cho các nhà báo Công giáo, các Giám mục Malawi đã nói các nhà báo như là “lính bộ binh” của Giáo hội, nghĩa là những người dấn thân trong sứ vụ loan truyền những tin tức đúng, cụ thể, đáng tin cậy; tránh đưa ra những tin tức làm cho mọi người hốt hoảng không cần thiết.
Buổi huấn luyện do Hiệp hội các nhà báo Công giáo địa phương tổ chức và được sự hỗ trợ của Hội đồng Giám mục Ailen (CSR_2636_2020) Ngọc Yến – Vatican
2020
Hoãn lại Công đồng Công giáo toàn quốc Australia
Vì đại dịch Covid-19, Công đồng toàn quốc của Công giáo Australia, dự tính nhóm khóa họp đầu tiên từ ngày 04 đến 11/10 năm nay, được hoãn đến năm tới, 2021.
Đây là công đồng toàn quốc đầu tiên của Công giáo Australia, kể từ 83 năm nay, tức là từ năm 1937. Tham dự công đồng lần này, có các đại biểu của 34 giáo phận toàn quốc và danh tánh của họ mới được phê chuẩn.
Hãng tin Fides của Bộ truyền giáo, truyền đi hôm 15/4/2020 vừa qua, cho biết Đức cha Timothy Costelloe, dòng Don Bosco, Tổng giám mục giáo phận Perth và cũng là Chủ tịch của Công đồng toàn quốc Australia, đã gửi thư thông báo cho các đại biểu và lấy làm việc vì việc hoãn lại như thế, nhưng đồng thời ngài cũng bày tỏ quyết tâm tiến hành công nghị quan trọng này của toàn Giáo hội tại Australia. Đức Tổng giám mục xin các tín hữu Công giáo toàn quốc tiếp tục cầu nguyện cho công nghị, và đặc biệt cho các đại biểu để họ chu toàn công tác đã được ủy thác.
Trong số các đại biểu tham dự công đồng, có những người đương nhiên tham dự theo giáo luật, như các giám mục, các vị tổng đại diện giáo phận và đại diện giám mục, các giám đốc đại chủng viện và học viện thần học, các bề trên dòng tu. Ngoài ra, có các đại biểu được bổ nhiệm gồm các giáo dân và đại diện các tổ chức của Giáo hội thuộc nhiều loại khác nhau, như các tổ chức giáo dục và xã hội.
Đức Tổng giám mục Costelloe cho biết, các giám mục toàn quốc đã làm việc nhiều với các thành phần lãnh đạo trong giáo phận thuộc quyền, đồng thời xác định rằng các đại diện giáo sĩ phải được tham dự do vai trò quan trọng của họ, nhưng cũng cần dành ưu tiên cho giáo dân, đặc biệt các phụ nữ và người trẻ.
(Fides 15-4-2020) G. Trần Đức Anh, O.P.
2020
Công giáo Ba Lan ủng hộ dự luật chống phá thai
Giáo hội Công giáo Ba Lan tái ủng hộ dự luật hầu như hoàn toàn cấm phá thai được quốc hội nước này cứu xét.
Dự luật vừa nói có từ năm 2017 và đã được 800.000 người Ba Lan ký tên ủng hộ, và nay sắp được Quốc hội thảo luận.
Hôm 15/4/2020 vừa qua, Hội đồng Giám mục Ba Lan tuyên bố ủng hộ sáng kiến dân ý nhắm “bảo vệ sự sống con người từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên”. Linh mục Pawel Rytel-Andrianik, người phát ngôn của các giám mục Ba Lan, khích lệ các tín hữu cầu nguyện để chấm dứt những vụ phá thai gọi là để “chọn giống tốt”, tức là phá những bào thai có khuyết tật hoặc có dấu hiệu sẽ bị bệnh nặng.
Hôm 14/4, có những đoàn phụ nữ biểu tình tại thủ đô Varsava và các thành phố lớn chống lại sáng kiến của dân chúng chống phá thai. Họ lái xe qua các trung tâm thành phố và trương các biểu ngữ. Các phụ nữ chọn hình thức biểu tình này vì không được biểu tình theo thể thức thông thường trong thời kỳ đại dịch hiện nay.
Tại Ba Lan, theo thống kê mới nhất, mỗi năm có khoảng 1.000 vụ phá thai, phần lớn sau khi các bác sĩ cho biết bào thai có nguy cơ dị hình hoặc bị bệnh. Những vụ còn lại là phá thai để bảo vệ sinh mạng người mẹ hoặc có thai vì bị hãm hiếp.
Ba Lan hiện có luật nghiêm ngặt nhất Âu châu về vấn đề phá thai: luật chỉ cho phép trường hợp sức khỏe người mẹ bị đe dọa, có thai vì bị hiếp hoặc bào thai dị hình. Sáng kiến dân ý “chấm dứt phá thai” được đệ trình hạ viện Ba Lan hồi năm 2017, yêu cầu cấm phá thai vì bào thai có nguy cơ khuyết tật hoặc bị bệnh.
Đảng hữu phái đang cầm quyền tại Ba Lan đã rút lại dự luật trước sự phản đối của làn sóng phụ nữ, và hồi tháng Giêng năm 2019 đã chuyển dự luật này cho ủy ban quốc hội và từ chối cứu xét. Hồi mùa thu năm ngoái 2019, quốc hội mới của Ba Lan lại quyết định cứu xét dự luật này.
Tin mới nhất cho biết, trong phiên họp ngày 16/4 vừa qua, Quốc hội Ba Lan đã quyết định dời ngày cứu xét dự luật mới cho đến một thời điểm chưa được xác định. Có người cho rằng Quốc hội Ba Lan đã chiều theo sức ép mạnh mẽ của các nhóm quốc tế như tổ chức ân xá quốc tế, và của Liên Hiệp Quốc tế làm cha làm mẹ có kế hoạch (International Planned Parenthood Federation).
(KNA 15, Bussola 16-4-2020) G. Trần Đức Anh, O.P.