2020
ĐTC Phanxicô viết thư chia buồn với gia đình cậu bé Vincenzo vừa qua đời
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tự tay viết những dòng thư ngắn để chia buồn và an ủi gia đình của cậu bé Vincenzo, 15 tuổi, mới qua đời vì ung thư.
“Tôi muốn gửi những tình cảm chia buồn và sự gần gũi của tôi đến với cha mẹ của cậu bé. Tôi cầu nguyện cho gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Mẹ gìn giữ anh chị em.”
Đó là những lời thể hiện cử chỉ đơn giản nhưng thật đẹp, tràn đầy cảm xúc, mà Đức Thánh Cha đã tự tay viết để an ủi một gia đình vừa mất đứa con 15 tuổi.
Đức Thánh Cha gặp Vincenzo lần đầu tiên khi ngài đến viếng đền thánh cha Pio ở San Giovanni Rotondo và sau đó thăm bệnh viện nhi. Khi đó Vincenzo mới được mổ cắt khối u trong não.
Từ cuộc gặp gỡ đó, Vincenzo mong muốn, khi lành bệnh, gặp Đức Thánh Cha ở Roma để cám ơn ngài viếng thăm cậu ở bệnh viện. Ngày 22/01 vừa qua, Vincenzo đã được ba mẹ đưa đến chào Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha nhận ra cậu bé và cám ơn cậu dù bệnh nặng vẫn đến gặp ngài.
Và ngày 30/03 vừa qua, Vincenzo đã về trời. Ngày 07/04, gia đình Vincenzo đã nhận được lá thư viết tay với lời chia buồn của Đức Thánh Cha, khi ngài có thời gian và cảm thấy cần viết những lời an ủi. (Avvenire 16/04/2020)
18 tháng tư 2020, 12:22
Hồng Thủy – Vatican
2020
ĐTC Phanxicô đưa ra “kế hoạch hồi sinh” sau đại dịch Covid-19
ĐTC Phanxicô đưa ra “kế hoạch hồi sinh” sau đại dịch Covid-19
Trên tạp chí tiếng Tây Ban Nha “Vida Nueva”, Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra “Kế hoạch hồi sinh” sau Covid-19, loại virus gây ra nỗi đau lớn nhưng cũng giúp chúng ta tái khám phá gia đình hiệp nhất. Đại dịch cần được điều trị bằng “kháng thể liên đới”. Chúng ta không thể viết lại lịch sử bằng cách “quay lưng lại với nỗi khổ của người khác”.
Đức Thánh Cha đã suy tư về “kế hoạch hồi sinh” sau đại dịch Covid-19 trong bài viết đăng trên tuần báo tiếng Tây Ban Nha “Vida Nueva”. Trong bài suy tư, Đức Thánh Cha rút ra những so sánh giữa kinh nghiệm của con người ngày nay trong đại dịch và sự phục sinh của Chúa Giêsu.
Đức Thánh Cha bắt đầu với lời chào “hãy vui lên”, lời đầu tiên của Chúa Phục sinh chào bà Maria Madalena và một bà Maria khác khi họ phát hiện ra ngôi mộ trống rỗng. Với lời chào này, Chúa Phục sinh muốn nâng những người phụ nữ này, và cùng với họ, toàn thể nhân loại, lên đến một cuộc sống mới.
“Ai sẽ lăn tảng đá ra?”
Đức Thánh Cha suy tư: “Kinh nghiệm của chúng ta ngày hôm nay rất giống với các môn đệ đầu tiên. Chúng ta, cũng như họ, sống trong bầu khí đau thương và bất an…”, và đang tự hỏi “ai sẽ lăn tảng đá ra?” (Mc 16,3). Đức Thánh Cha mô tả tảng đá lấp cửa mộ giống như điều “đe dọa chôn vùi tất cả hy vọng”, và ngài liệt kê những hậu quả mà nhiều người đang sống: những người già bị cô lập hoàn toàn, những gia đình không còn có thể đặt thức ăn lên bàn, những người ở tuyến đầu chống dịch đã kiệt sức và công việc quá tải. Nó là một sự nặng nề dường như có tiếng nói cuối cùng.
Thiên tài nữ tính: “ở bên và đồng hành”
Chính các phụ nữ không để cho các biến cố khổ nạn của Chúa Kitô làm họ tê liệt. Từ tình yêu dành cho Thầy, và với thiên tài nữ tính được chúc phúc, không thể thay thế và đặc nét của họ, họ đã có thể đối đầu với cuộc sống khi nó đến. Họ đã tìm mọi cách để vượt qua mọi chướng ngại vật trên con đường của họ. Họ đã làm điều đó bằng cách đơn giản là “ở bên và đồng hành”.
Tinh thần đồng trách nhiệm
Trong bài suy tư, Đức Thánh Cha cũng khen ngợi các nỗ lực của nhiều người khi chăm sóc các bệnh nhân giữa đại dịch. Ngài nói rằng nhiều người ngày nay “đang mang dầu thơm”, và “mang sự xức dầu” của “việc đồng trách nhiệm”. Họ đang phục vụ chăm sóc Chúa trong anh chị em của họ. Một số làm điều này bằng cách không gây nguy hiểm cho người khác, và những người khác thì bất chấp nguy hiểm đến sự sống của mình. Tất cả đã đặt câu hỏi tương tự “ai sẽ lăn tảng đá ra?” Tuy nhiên, điều này không ngăn được họ làm những gì họ cảm thấy họ có thể và có nghĩa vụ phải thực hiện.
Kháng thể liên đới
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đại dịch này cần phải được điều trị bằng kháng thể của tình liên đới. Ngài nhấn mạnh: “Mỗi hành động cá nhân không phải là một hành động đơn độc”. Tốt hơn hay tệ hơn, tất cả các hành động của chúng ta đều ảnh hưởng đến người khác. Mỗi người là một nhân vật chính của lịch sử và có thể phản ứng với những tệ nạn ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Ngài nói: “Nó không cho phép chúng ta viết lịch sử hiện tại và tương lai bằng cách quay lưng lại với đau khổ của rất nhiều người.” (CSR_2701_2020)
18 tháng tư 2020, 11:04
Hồng Thủy – Vatican
2020
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Tây Ban Nha tổ chức hỗ trợ các dòng tu chiêm niệm
Một nhóm các doanh nhân ở Tây Ban Nha đã cùng nhau đưa ra sáng kiến “TuClausuraMiClausura” để giúp đỡ và hỗ trợ cho các cộng đoàn dòng chiêm niệm không thể tự chu cấp cho cuộc sống vì đại dịch Covid-19.
Sáng kiến có chủ đề: “lá phổi của linh hồn chúng ta cần sự hỗ trợ của bạn hôm nay.”
Bình thường, nhiều cộng đoàn dòng tu chiêm niệm tự hỗ trợ cuộc sống của mình bằng việc làm và bán các sản phẩm hay sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, bên cạnh các đóng góp và đầu tư. Nhưng khi toàn quốc gia đang ở trong tình trạng cách ly xã hội do sự đe dọa lây lan của virus corona, các cộng đoàn đan tu này không có các khách hàng mua sản phẩm.
Nhóm doanh nhân giải thích: “1/3 số nữ tu chiêm niệm sống ở Tây Ban Nha và hoàn cảnh hiện tại đang ảnh hưởng nặng nề do việc bán trực tiếp các sản phẩm thủ công của họ bị suy giảm; trong hầu hết các trường hợp, đây là nguồn thu nhập chính của các tu viện và đan viện.”
Nhận được lời cầu nguyện cách nhưng không, nên giúp đỡ cách nhưng không
Ông Santos Blancos, một trong những người cổ võ sáng kiến nói: “Rất khó để biết rõ về nhu cầu của các cộng đồng chiêm niệm kiên cường, khiêm hạ và khắc khổ, không bao giờ kêu than và luôn hy sinh cho người khác.” Ông Ivan Jacques, cũng là một trong những người cổ võ sáng kiến, nói thêm: “Chúng tôi quyết định liên kết và thực hiện những gì mỗi chúng tôi biết làm. Nếu chúng tôi nhận được lời cầu nguyện của họ cách nhưng không, chúng tôi muốn giúp họ cách nhưng không để họ tiếp tục cầu nguyện cho chúng tôi.”
Mục tiêu của chiến dịch là nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, gia đình, cơ sở và giáo xứ có thể giúp đỡ bằng cách đóng góp thời gian và công việc của họ, hoặc đóng góp tài chính cho lối sống trong nhiều trường hợp mà thế giới chưa biết đến.
Chiến dịch sẽ chuyển tất cả các khoản đóng góp thông qua Quỹ Declausura, là tổ chức đã giúp đỡ và thúc đẩy đời sống đan tu từ 14 năm nay. Chiến dịch cho biết 100% tất cả các khoản quyên góp sẽ được chuyển đến các tu viện và đan viện thiếu thốn. (CNA 16/04/2020)
Hồng Thủy – Vatican
2020
Giá trị cao quý của ngành y, đừng đánh mất lần nữa!
Giá trị cao quý của ngành y, đừng đánh mất lần nữa!
Cùng nhìn lại một chút, thái độ này trong xã hội Việt Nam trước lúc xảy ra đại dịch ra sao? Đã từng có người vác dao đòi chém một bác sĩ của Bệnh Viện Huyết Học Tp. HCM, vì ông này đòi hàng chục triệu đồng mỗi bệnh nhân, chỉ để hứa sẽ xét nghiệm và chích thuốc giảm đau cho họ. Hàng loạt thân nhân tố cáo một phó giám đốc một bệnh viện quận, người gặp riêng họ để thu tiền mổ dịch vụ, không có một tờ hoá đơn. Đài truyền hình VTV đưa phóng sự chuyện bệnh viện Xanh-pôn Hà Hội cắt đôi que thử HIV và viêm gan B, gian lận tiền y cụ bất chấp thiệt hại vô vàn người khám bệnh… Nếu có nói về các bác sĩ, không ít người Việt Nam đã từng nghĩ ngay rằng đó là một tầng lớp giàu có, kiếm tiền dễ như trở bàn tay, trên đau khổ của người nghèo, qua việc vẽ ra vài toa thuốc, vài loại xét nghiệm, bán y cụ… mà căn bệnh thật vốn chẳng cần đến thế. Người nhập viện thường kể cho nhau nghe kinh nghiệm phải để ý thái độ của nhân viên y tế. Nếu họ không vui, phải làm cho họ vui bằng quà cáp, phong bì kín đáo, gồng mình chi tiền, mong được đối xử tử tế qua những ngày đau đớn…
Vẫn biết rằng còn đó những bác sĩ phục vụ rất tận tâm, nhưng dường như con số này không vực dậy nổi thành kiến của dân chúng, vốn đã ít nhiều bị tổn thương khi chẳng may phải vài lần nhập viện hay đi khám.
Covid-19 buộc chúng ta thay đổi suy nghĩ
Nay, cơn đại dịch đang đánh thức mọi người, từ y đức của bác sĩ đến định kiến của dân chúng. Nó gần như buộc mỗi người nhìn nhận lại giá trị của người làm ngành y. Không còn thời gian cho những nhũng nhiễu và toan tính phi đạo đức, dù đó là toan tính của nhân viên y tế hay của phía bệnh nhân. Trước mắt chỉ có sự sống và cái chết, sống cùng nhau hoặc sẽ chết cùng nhau. Bệnh tật và bình an của bệnh nhân gắn liền với đau khổ và an vui của bác sĩ. Những bác sĩ hàng tháng không được về gia đình, họ mòn mỏi mong ngóng bệnh nhân lành bệnh, đau đáu ước mong đại dịch qua đi, vì giờ đây hai niềm hạnh phúc đã gắn liền, hạnh phúc của bệnh nhân và cộng đồng gắn liền với hạnh phúc đoàn tụ và nghỉ ngơi của người bác sĩ. Chỉ còn ước ao đau khổ sớm chấm dứt trên khuôn mặt mỗi người, nhân viên y tế như được trở lại với giá trị “thiên thần” vốn có của ngành nghề cao quý này. Người bệnh và cộng đồng như lập tức biết gạt qua định kiến, đặt lại niềm tin và sự tôn trọng đối với giới bác sĩ.
Năm 1964, Louis Lasagna, Hiệu trưởng của Trường Y khoa tại Đại học Tufts, đã thêm vào lời thề y đức đầy trang trọng (truyền thống gọi là lời thề Hippocrates) mà mỗi sinh viên y khoa phải tuyên đọc trước khi ra trường điều này: “Tôi sẽ luôn nhớ rằng nghệ thuật của việc chữa bệnh hay của khoa học, cần sự ấm áp, cảm thông, và sự hiểu biết, điều đó có thể lớn hơn con dao của bác sĩ phẫu thuật hoặc thuốc của người dược sĩ.” Nếu điều này và nhiều điều khoản khác trong lời thề về y đức có phải làm người bác sĩ trả giá bằng nhiều hy sinh và vất vả, thì lúc này chính là thời điểm mà người thầy thuốc chống dịch nếm cảm rõ nhất cái giá đắt đỏ ấy.
Tâm thức nhân bản đã trở lại
Việc cộng đồng xã hội nhanh chóng thay đổi thái độ từ bất mãn sang trân trọng, yêu mến và biết ơn giới y khoa cho thấy lâu nay dân chúng (ít là một bộ phận lớn) vốn không hề đánh mất tâm thức về tương quan nhân văn với giới y khoa. Những định kiến và bất mãn nảy sinh lâu nay vốn chỉ là kết quả của những tổn thương, mà xu thế thương mại hoá ngành y khoa đã trót gây ra cho dân chúng. Truyền thống đạo đức vẫn còn đó trong thâm sâu mỗi người. Thái độ tôn trọng được lấy lại hiện nay cho thấy người dân luôn chân nhận mối tương quan với giới thầy thuốc như một mối tương quan cao đẹp của tình người, nhìn nhận họ như những chiến sĩ với sứ mệnh cao cả trên sự sống thể lý và tâm lý của những cá nhân khác, chứ không đơn thuần là một ngành nghề kiếm tiền. Khi người bác sĩ không còn biểu hiện của việc nhũng nhiễu, cảm thức nhân bản của cộng đồng dành cho họ được hồi sinh.
Cái nhìn Ki-tô giáo về người thầy thuốc
Dưới góc độ của Ki-tô giáo, hành vi chữa lành của Chúa Giê-su cho chúng ta một cái nhìn sâu xa hơn ý nghĩa của việc chăm sóc y tế. Thông qua bệnh tật và đau khổ thể lý, Chúa Giê-su chọn đi vào tương quan yêu thương và cứu vớt toàn bộ con người bệnh nhân, đi vào tình bạn tâm hồn và giải thoát họ bằng tin vui rằng họ thực sự là công trình của Thiên Chúa, xứng đáng được yêu thương, giữ gìn và cứu chuộc (x. Ga 9, 1-5). Vì vậy, việc Chúa Giê-su chữa lành bệnh tật của một người luôn gắn liền với sự cứu vớt nhân phẩm và giá trị toàn diện của họ, nên phải đồng thời với việc dẫn vào ơn tha thứ (x. Mc 2, 9; Lc 5, 20; Mt 9, 5) và giúp họ “đừng phạm tội nữa” (Ga 5, 14); nó đi đôi với mối quan tâm lau khô nước mắt người thân: “bà đừng khóc nữa” (Lc 7, 13); nó không thể tách rời với trách nhiệm đưa người bệnh về lại với vòng tay yêu thương của gia đình và cộng đồng (x. Lc 5, 24; Mt 8, 4; Mc 1, 44); và còn hướng dẫn người được chữa lành bước vào đời sống mới trong đức tin (x. Ga 9, 35-29).
Sự tận tuỵ của Chúa Giê-su thể hiện qua việc sẻ chia đau khổ với bệnh nhân tới độ bị xua đuổi và cô đơn thay cho bệnh nhân. Khi người phong hủi đã được chữa lành và về lại với bầu khí nồng ấm của gia đình và cộng đồng, thì Chúa Giê-su lãnh lấy nỗi cô đơn bị xua đuổi vào nơi hoang mạc thay cho anh (x. Mc 1, 45). Sự sẻ chia đau khổ tận căn nhất cuối cùng được Ngài thể hiện trên Thập Giá. Như thế, việc chữa lành của Chúa Giê-su trở thành dấu chỉ của tình yêu cá vị mà Thiên Chúa dành cho con người, công trình tuyệt diệu mà Ngài sẵn sàng cứu chuộc ngay cả khi phải trả bằng giá máu của Người Con Một (x. Ga 9, 1-5).
Người thầy thuốc Công Giáo trở thành người mang sứ mệnh bước theo Chúa Giê-su, thông qua cửa ngõ bệnh tật thể lý của người bệnh, để biểu lộ hình ảnh sống động về sự ân cần chữa lành của Đức Ki-tô đầy thương xót dành cho mỗi một bệnh nhân, là công trình quý báu do chính Thiên Chúa đã tạo dựng và cứu chuộc. Đó là một ơn gọi, một sứ mệnh thiêng liêng, vượt xa hơn hẳn một ngành nghề.
Kết luận
Không phải ngẫu nhiên mà truyền thống các trường y khoa phương tây, từ thời Hippocrates cổ đại cho đến hôm nay, luôn bắt các tân bác sĩ tuyên đọc lời thề y đức trước khi ra trường. Rất nhiều trường y trên thế giới còn trang trọng mời gọi mỗi người hãy thề trước Sách Thánh và Đấng mình tôn thờ bằng đức tin. Với người Ki-tô giáo, điều đó lại càng đẹp và đúng nghĩa hơn.
Virus Corona đã buộc chúng ta dừng lại và chân nhận giá trị đích thực mà người thầy thuốc phải xây dựng, cũng như thái độ tương xứng mà cộng đồng cần có đối với họ. Xã hội, chính sách, pháp luật… cần có sự tôn trọng và nâng đỡ xứng đáng cho những hy sinh cao quý về tâm, về kiến thức và cả đời sống cá nhân của người làm ngành y. Thiếu sót ý thức của một bên nào, dù của người trong ngành hay của chính sách xã hội, cũng đều có thể huỷ hoại giá trị của một thành phần rất quan trọng, mà truyền thống Việt Nam vốn có lý do để gọi họ cách trân trọng là “thầy”.
Cám ơn đại dịch Covid-19 vì một hồi chuông thức tỉnh. Một mai đại dịch qua rồi, liệu chúng ta có vụng về đánh mất giá trị ấy một lần nữa không? Lm. Trần Thái, SDB – CTV Vatican News
Tình trạng Việt Nam trước đại dịch