2024
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn Thiên triệu nhấn mạnh tình huynh đệ và niềm hy vọng
Hôm thứ Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn Thiên triệu lần thứ 61, suy ngẫm về cuộc lữ hành Kitô giáo như một hành trình hiệp hành khởi nguồn từ niềm hy vọng và hướng tới việc khám phá tình yêu của Thiên Chúa.
Chủ đề của Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn Thiên triệu năm nay: “Được kêu gọi Gieo Hạt giống Hy vọng và Xây dựng Hòa bình”, phản ánh lời mời gọi phổ quát của Kitô giáo để “đặt cuộc sống của chúng ta trên tảng đá của sự phục sinh của Chúa Kitô, nhận thức rằng mọi nỗ lực được thực hiện trong ơn gọi mà chúng ta đã ấp ủ và tìm cách thực hiện sẽ không bao giờ vô ích”, Đức Thánh Cha nói.
Năm nay Giáo hội cử hành Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn Thiên triệu vào ngày 21 tháng 4.
“Lời mời gọi nền tảng này là lời mời gọi mà chúng ta phải dự đoán hàng ngày”, Đức Thánh Cha nhận xét. “Thạm chí giờ đây, mối tương quan thân thương của chúng ta với Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta đang bắt đầu mang lại giấc mơ của Thiên Chúa về sự hiệp nhất, hòa bình và tình huynh đệ”.
Đức Thánh Cha lưu ý rằng quá trình phân định này mang “tính chất hiệp hành”, vì Giáo hội có “sự đa dạng của các đặc sủng và ơn gọi”.
“Giữa sự đa dạng của các đặc sủng của chúng ta, chúng ta được mời gọi lắng nghe nhau và cùng nhau thực hiện cuộc hành trình để thừa nhận chúng và để nhận ra Chúa Thánh Thần đang dẫn chúng ta đi đâu vì lợi ích của tất cả mọi người”, Đức Thánh Cha nhận xét.
Đức Thánh Cha Phanxicô củng cố nhận xét này bằng cách đề cập đến chủ đề của Năm Thánh 2025: “Những Lữ khách của Niềm hy vọng”.
“Chúng ta có thể trở thành những sứ giả và chứng nhân cho thế giới của chúng ta về giấc mơ của Chúa Giêsu về một gia đình nhân loại duy nhất, hiệp nhất trong tình yêu của Thiên Chúa và trong mối dây liên kết của bác ái, hợp tác và tình huynh đệ”, Đức Thánh Cha nói.
Đối với Đức Thánh Cha, một cuộc lữ hành là một cuộc hành trình có tác dụng tái tạo khi con người “chỉ mang theo những gì thiết yếu” trong khi “nỗ lực hàng ngày để gạt bỏ đi tất cả mọi sự mệt mỏi, sợ hãi, bất an và do dự” để “khám phá tình yêu của Thiên Chúa”.
“Là một lữ khách”, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục, “có nghĩa là lên đường mỗi ngày, bắt đầu lại, tái khám phá lòng nhiệt thành và sức mạnh cần thiết để theo đuổi các giai đoạn khác nhau của một cuộc hành trình, mà dù mệt mỏi và khó khăn đến đâu, vẫn luôn mở ra trước mắt chúng ta những chân trời mới và những khung cảnh trước đây chưa từng được biết tới”.
Nhưng Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng cuộc hành trình này là một quá trình tự khám phá bản thân, được “nuôi dưỡng bởi các mối tương quan của chúng ta với tha nhân”.
“Chúng ta là những lữ khách vì chúng ta được mời gọi yêu mến Thiên Chúa và yêu thương nhau”, Đức Thánh Cha nói.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng cuộc lưc hành hay tiến trình này “không phải là một cuộc hành trình vô nghĩa hay lang thang vất vưởng không mục đích” mà thay vào đó là một tiến trình mà con người có thể nỗ lực làm việc “hướng tới một thế giới mới, nơi mọi người có thể sống trong hòa bình, công lý và tình yêu”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng hướng lời kêu gọi này đến giới trẻ ngày nay – đặc biệt là những người cảm thấy xa lạ hoặc hoài nghi Giáo hội – và Đức Thánh Cha khuyến khích họ trình bày với Chúa Kitô “những câu hỏi quan trọng”.
“Hãy để Ngài khuyến khích các con bằng sự hiện diện của Ngài, điều luôn tạo ra trong chúng ta một sự khủng hoảng lành mạnh. Hơn ai hết, Chúa Giêsu tôn trọng sự tự do của chúng ta. Ngài không áp đặt mà đưa ra những đề xuất. Hãy dành chỗ cho Ngài và các con sẽ tìm được con đường hạnh phúc khi bước theo Ngài. Và nếu Ngài yêu cầu các con điều đó, bằng cách dâng hiến trọn vẹn cho Ngài”.
Minh Tuệ (theo CNA)
2024
Giáo hội tại Châu Á được kêu gọi Tin Mừng hóa thế giới kỹ thuật số
25 Giám mục Á Châu đang tham dự hội thảo về chủ đề “Thừa tác vụ Giám mục và Truyền thông trong một Giáo hội hiệp hành”, được tổ chức tại Thái Lan từ ngày 15 đến ngày 20/4/2024.
Ông Ruffini nói với các Giám mục Á Châu rằng: “Truyền thông kỹ thuật số giống như một nền văn hóa mà Tin Mừng của Chúa Kitô phải thấm nhập”. “Mọi thứ đều là kỹ thuật số”, do đó Giáo hội phải Tin Mừng hóa thế giới kỹ thuật số bằng “tình yêu, sự hiệp thông và công bằng xã hội”. Ông cũng lưu ý rằng văn hóa kỹ thuật số “luôn thay đổi”.
Theo Bộ trưởng Bộ Truyền thông của Tòa Thánh, tất cả người Công giáo đều là “những nhà truyền giáo kỹ thuật số”, những người “được mời gọi trở thành môn đệ trong môi trường của mình – giáo xứ, trường học và thậm chí cả phương tiện truyền thông xã hội”.
Tiến sĩ Ruffini cũng nhắc rằng tình yêu là nền tảng hạnh phúc của con người chứ không phải là thuật toán, thứ thúc đẩy công nghệ; việc loan báo Tin Mừng “không phụ thuộc vào phương tiện truyền thông” và bí quyết của truyền thông “không phải là kỹ thuật nhưng là tình yêu”.
Ông nói thêm: “Chúng ta cần những bài học từ Châu Á về sự hiệp thông phát triển nhờ truyền thông. Truyền thông được xây dựng trên sự hiệp thông và sự hiệp thông phát triển nhờ vào truyền thông”.
Bộ trưởng Bộ Truyền thông kêu gọi các Giám mục suy tư về các yếu tố nền tảng của truyền thông, bắt nguồn từ hai từ ngữ tiếng Latinh “mun”, có nghĩa là sự gắn kết với nhau, và “munus”, có nghĩa là quà tặng. Nhắc lại bản chất của cách truyền thông của Chúa Kitô, ông nhấn mạnh rằng sự truyền thông của chúng ta nên được đặc trưng bởi sự cống hiến bản thân hơn là sự tự mãn thường thấy trong kinh doanh và tiếp thị.
Hồng Thủy
Nguồn: vaticannews.va/vi
2024
Các giai đoạn chuẩn bị Năm Thánh 2025
Các giai đoạn chuẩn bị Năm Thánh 2025
Ngày 09 tháng Năm tới đây, đúng phụng vụ Lễ Chúa Lên Trời, Đức Thánh cha Phanxicô sẽ công bố Tông sắc ấn định Năm Thánh 2025 và nhân dịp đó, lịch trình cử hành Năm Thánh, với các buổi lễ phụng vụ và sinh hoạt dành cho các giới sẽ được công bố.
Đức Tổng giám mục Rino Fisichella, Quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin mừng, Phân bộ về các vấn đề cơ bản, thông báo như trên trong cuộc họp báo, hôm mùng 04 tháng Tư vừa qua, tại Vatican. Đức Tổng giám mục cũng là vị đặc trách việc tổ chức và điều hành guồng máy Năm Thánh. Số tín hữu hành hương có thể lên tới 30 triệu người.
Đức Tổng giám mục cho biết Tông sắc của Đức Thánh cha sẽ ấn định quy luật về việc lãnh nhận ơn toàn xá Năm Thánh giống như hồi Năm Thánh 2000, và cũng có những quy định cho những tín hữu không thể đến hành hương tại Roma.
Đức Tổng giám mục Fisichella dự kiến những công trình tu bổ đường xá ở Roma nhân dịp Năm Thánh sẽ được hoàn tất vào dịp Lễ Giáng sinh năm nay. Công trình lớn là việc biến cải khu vực từ Lâu Đài Thiên Thần thành khu dành cho người đi bộ.
Trong lãnh vực này, có sự cộng tác chặt chẽ với chính quyền thành Roma, đặc biệt là ông Thị trưởng Roberto Gualtieri. Ông thuộc đảng Dân chủ tả phái, và cũng là Ủy viên đặc nhiệm của chính phủ Ý về các biến cố lớn. Ông thường đích thân thị sát các công trường tu bổ và xây cất, liên quan đến Năm Thánh.
Trong cuộc họp báo, Đức Tổng giám mục Fisichella cho biết: các cuộc hành hương giáo phận và quốc gia đã bắt đầu đăng ký và lịch trình tổng quát của Năm Thánh dần dần được làm đầy, ngày qua ngày. Việc chuẩn bị cũng được nới rộng sang lãnh vực văn hóa, hướng về tất cả mọi người. Ban tổ chức từ phía Tòa Thánh cũng đã thành lập một Ủy ban văn hóa với ý hướng tìm ra những hình thức thích hợp nhất để giúp các tín hữu hành hương cũng trải qua cả những kinh nghiệm về văn hóa nhân dịp Năm Thánh.
Trong số các dự án này, có dự án “Con đường”, một cuộc hành hương tân thời giữa 14 Đan viện ở của Âu châu. Cuộc hành hương này khởi hành từ Đan viện Canterbury bên Anh quốc trong mùa hè năm 2023, qua bảy nước Âu châu để tới Roma, vào năm 2025. Mục đích của sáng kiến này là đề nghị một hành trình thực sự của tâm trí, liên kết đức tin và lý trí, khám phá và tôn trọng môi trường dưới hiệu kỳ hy vọng. Đức Tổng giám mục Fisichella nhấn mạnh rằng: “Chính trong bối cảnh đó, Bộ chúng tôi đã tổ chức một loạt các sáng kiến văn hóa để chuẩn bị cho Năm Thánh và đánh dấu một số giai đoạn trong việc cử hành. Dự án đã được sự ủng hộ của Ủy viên chính phủ Ý và cơ quan Năm Thánh 2025 để có thể trở thành một sáng kiến chung được giới thiệu cho thành Roma”. Cả Đại sứ quán Pháp và các Đại sứ quán khác cạnh Tòa Thánh cũng đang đề ra các dự án văn hóa. Các biến cố do Bộ Loan báo Tin mừng tổ chức cho Năm Thánh tới đây, được gộp lại dưới khẩu hiệu “Năm Thánh là Văn hóa” và miễn phí.
- Trần Đức Anh, O.P
vietnamese.rvasia
2024
Thánh tượng Đức Mẹ Fatima sẽ được rước tới năm quốc gia
Thánh tượng Đức Mẹ Fatima sẽ được rước tới năm quốc gia
Thánh tượng Đức Mẹ Fatima sẽ được rước tới năm quốc gia trên thế giới trong năm nay, bao gồm Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý, Colombia và Brazil.
Các hoạt động này là thành phần 17 cuộc thánh du của tượng Đức Mẹ dự kiến trong năm tới.
Theo ban Giám đốc Trung tâm Thánh Mẫu Fatima, một trong các cuộc thánh du vừa nói sẽ diễn ra tại chính giáo phận Leiria sở tại, từ ngày 10 đến ngày 19 tháng Năm năm nay, và trong lộ trình, tượng Đức Mẹ sẽ dừng lại ở một trong các trường Công giáo.
Cuộc thánh du thứ hai ở Bồ Đào Nha dự kiến sẽ diễn ra tại vùng thủ đô Lisboa. Và cuộc thánh du thứ ba, tượng Đức Mẹ sẽ được rước tới Carrixô ở mạn tây Bồ Đào Nha.
Có hai cuộc thánh du của tượng Đức Mẹ Fatima tại Tây Ban Nha trong năm nay, cụ thể là tại Giáo phận Plasencia ở miền Tây và Cartagena ở miền Đông.
Tại Ý, tượng Đức Mẹ sẽ được rước tới nhiều giáo phận trong đó có Milano. Ngoài Âu châu, năm nay tượng Đức Mẹ chỉ được rước tới Nam Mỹ, trong đó có nhiều giáo phận tại Colombia và Brazil.
Sáng kiến rước tượng Đức Mẹ Fatima thánh du các nước có từ năm 1945. Tượng này được thực hiện theo chỉ dẫn của chị Lucia người đã được Đức Mẹ hiện ra với hai mục đồng khác. Tượng được long trọng đội triều thiên do Đức Tổng giám mục Giáo phận Évora, ngày 13 tháng Năm năm 1947. Từ đó thánh tượng được rước đi nhiều lần trên thế giới.
Để đáp những lời thỉnh cầu từ các nơi muốn đón rước Đức Mẹ Fatima, tượng đã được sao ra thành 13 tượng để được rước đến các nước.
Tác giả: G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA