2021
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO NHÂN DỊP MỪNG XUÂN TÂN SỬU
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG XUÂN TÂN SỬU
Các con thân mến,
Năm Canh Tý đang dần khép lại bằng những ngày cuối tháng Chạp. Đông tàn Xuân lại đến. Trong bối cảnh nầy, tất cả mọi người Việt Nam, từ người trẻ đến người già đều chuẩn bị đón mừng năm mới Tân Sửu 2021. Tết đến, mọi công việc thường nhật sẽ tạm gác lại để đón chào năm mới. Các con cũng sẽ có những ngày nghỉ ngơi, để vui xuân với gia đình, đón Tết với dân tộc, cầu mong cho một năm mới nhiều điều tốt đẹp hơn. Trước thềm năm mới này, cha muốn nói với các con rằng: chúng ta đừng quên cám tạ ơn Chúa vì những ơn lành mà Người đã ban trong một năm qua, bởi vì, nói theo Thánh Phalô: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su” (1 Tx 5, 18). Hơn thế nữa, việc tạ ơn Chúa là một hồng ân cao cả, vì những lời ấy đem lại cho chúng ta ơn cứu độ muôn đời (x. Kinh Tiền Tụng Chung, IV).
- Lời tạ ơn cuối năm
Phía trên, cha đã trích lại lời thư Thánh Phaolô nói về tạ ơn, và để khuyến khích các con cùng với cha sống tâm tình tạ ơn Chúa mạnh hơn, nhiều hơn nữa trong những ngày đặc biệt này, chúng ta cùng theo dõi Thánh vịnh : “Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự” (Tv 139, 16). Như vậy, tạ ơn Chúa phải luôn luôn là một việc làm thường xuyên. Cha ước mong lời tạ ơn trong thời điểm cuối năm này được ý thức và lan tỏa nơi tâm hồn của mọi con dân Đất Việt: như một ân huệ đặc biệt, Thiên Chúa đã ban cho quê hương chúng ta bình an trước sự càn quét hãi hùng của đại dịch Covid – 19. Dù có những xáo trộn và tổn thất nhất định về nhiều lãnh vực, nhưng cho tới thời điểm này, sánh với những vùng miền khác trên thế giới, quê hương chúng ta có thể nói là yên ổn thanh bình. Biết rằng, trong những ngày qua, dịch bệnh bất ngờ bùng phát tại một số tỉnh thành, nhưng với nỗ lực của các nhà hữu trách và sự quan tâm phòng bệnh của mọi người, chúng ta hy vọng rằng: mọi sự sẽ được trở nên tốt đẹp hơn.
Khi chia sẻ với các con những điều này, cha liên tưởng nhiều đến câu chuyện của mười người phong hủi trong phúc âm. Sau khi được chữa lành, chỉ có duy nhất một người biết quay lại để tạ ơn Chúa (x. Lc 17, 11 – 19). Phải chăng những người còn lại nghĩ rằng: đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó, hoặc đương nhiên là Chúa phải chữa lành cho tôi, nên chẳng có lý do gì để tạ ơn Chúa. Câu hỏi biểu lộ sự ngạc nhiên của Chúa Giêsu lúc đó và ngữ cảnh của câu chuyện này cho cha xác tín rằng: trong ngày hôm ấy, nhờ ơn Chúa ban, tất cả đã được chữa lành. Câu chuyện đó nhắc nhở chúng ta: hãy tạ ơn Chúa mỗi ngày trong cuộc sống. Những ngày cuối năm này, chính là thời khắc đặc biệt để dâng lời tạ ơn, cầu xin một năm mới đang về với nhiều hồng ân mới.
- 2. Ước nguyện đầu xuân
Có lẽ mọi người đều đồng ý rằng: trên khắp mọi miền đất nước, chưa có một lễ hội hay sự kiện nào mang nhiều sắc thái và ý nghĩa như là Tết Nguyên Đán. Tất cả mọi lễ nghi, phong tục tập quán vùng miền trong những ngày này, đều hướng tới một ước nguyện cho năm mới nhiều điều tốt lành nhất. Với đức tin Kitô giáo, chúng ta hãy biến những ước nguyện ấy thành lời cầu xin dâng lên Chúa Xuân nhân lành. Trong thời khắc thiêng liêng của những ngày đầu năm, có thể các con sẽ thưa lên với Chúa nhiều điều, nhưng cùng với cha, các con hãy xin Người ban cho đất nước chúng ta được thái bình thịnh vượng, mọi người đều được hưởng niềm vui và những quyền lợi chính đáng trong cuộc sống. Đồng thời, trong bầu khí sum họp gia đình, các con hãy cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ, thân nhân và cả bạn bè của mình nữa, vì đó là chiếc nôi ấm cúng và an toàn nhất cho các con vào đời. Sau cùng, với tất cả ý nguyện trong lời kinh của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho đất nước và thế giới sớm thoát khỏi con đại dịch Covid – 19 này, để mọi người được trở về với công việc mưu sinh hàng ngày của mình. Đó cũng là các ý nguyện chính yếu của người Công giáo Việt Nam trong ba thánh lễ đầu năm: Mùng 01 – Cầu bình an năm mới; Mùng 02 – Kính nhớ ông bà tổ tiên; Mùng 03 – Thánh hóa công việc. Cha đoán rằng: khi đọc bức thư này, có thể các con đã lên kế hoạch cho những ngày Tết, điều đó là cần thiết. Tuy nhiên, ngay trong Thánh lễ đầu tiên của năm mới, Chúa đã nói với chúng ta rằng: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ ban cho sau” (Mt 6, 33). Vậy, các con hãy cố gắng tham dự đầy đủ các Thánh lễ đầu năm. Đó chính là lúc các con sống và thể hiện niềm tin vào Nước Trời là Mùa Xuân Vĩnh Cửu.
- Chúc mừng năm mới
Các con thân mến,
Mùa xuân là thời gian của những điều mới mẻ. Năm mới Tân Sửu đang về, mang theo nhiều hy vọng và mở ra những cánh cửa mới. Với hình ảnh thật đẹp của con trâu trong thơ văn Việt Nam và trong ký ức tuổi thơ, cha mến chúc các con một năm mới phúc đức, khỏe mạnh, an lành. Cha cũng ước mong mỗi ngày của năm Tân Sửu sẽ là một món quà đặc biệt của Chúa dành cho các con. Xin Chúa thương ban cho các con một năm mới siêng năng trong học tập, cần cù trong rèn luyện bản thân, đạt nhiều kết quả mỹ mãn trong học tập.
CHÚC MỪNG NĂM MỚI TÂN SỬU với muôn ơn lành của Thiên Chúa trên toàn thể gia quyến của các con.
Vĩnh Long, ngày 23 tháng Chạp năm 2020.
Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
2020
Thư gửi sinh viên, học sinh Công Giáo nhân dịp mừng Lễ Chúa Giáng Sinh 2020
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA GIÁNG SINH 2020
Các con thân mến,
Chúng ta đang sống trong những ngày của Mùa Vọng, một mùa phụng vụ rất quen thuộc với truyền thống đức tin Kitô giáo. Thế nhưng, màu tím của Mùa Vọng của năm nay, lại mang thêm một sắc thái u buồn của đại dịch Covid-19 và bàng hoàng của bão lũ miền Trung. Thật vậy, cùng với thế giới, chúng ta đã có những trải nghiệm đầy lo lắng trong lần giãn cách xã hội toàn quốc, để góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Chung tay với dân tộc, chúng ta cũng đã có những hoạt động thiết thực, để xoa dịu phần nào những tổn thất nặng nề do thiên tai để lại. Tất cả những thực tại ấy vẫn đang còn là những khó khăn trước mắt chúng ta: gầy dựng lại cuộc sống sau mưa lũ lần này, quả là một thử thách quá lớn; mong chờ thế giới qua cơn đại dịch hôm nay, luôn là một ước mong đầy khắc khoải và âu lo. Dù vậy, trong những ngày này, giữa những nỗi buồn và sợ hãi ấy, phụng vụ của Giáo hội lại hướng chúng ta về một niềm vui: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi” (1Tx 5, 16). Chúng ta chẳng biết lời kêu gọi ấy có xoa dịu và đong đầy những khát vọng trên đây không, nhưng chắc chắn rằng, sự xác tín của tác giả sách Thánh vịnh là một bảo đảm cho đời sống đức tin của chúng ta: “Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống. Trước thánh nhan Ngài, ôi vui sướng tràn trề. Ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi” (Tv 16, 11). Đây quả thật là một niềm vui lớn, một niềm vui có thể giúp ta vượt lên mọi nỗi buồn trong cuộc sống. Niềm vui này, hôm nay, cha muốn cùng với các con nhìn lại trong và với ánh sáng của mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh.
- Thiên Chúa yêu thương con người. Thật hợp lý khi gọi mầu nhiệm Giáng Sinh là mầu nhiệm của Lòng Chúa Thương Xót, vì sự kiện Chúa Giáng Sinh làm người là một minh chứng lớn nhất cho tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, như Thánh Gioan đã mô tả: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Nhờ tình yêu này, con người yếu hèn của chúng ta được cứu thoát. Qua Người Con ấy, chúng ta có niềm vui ơn cứu độ nơi sự sống vĩnh cửu đời sau. Như thế, lễ Chúa Giáng Sinh mà chúng ta sắp cử hành, để mừng kỷ niệm Con Thiên Chúa làm người, dù có phải bị xáo trộn bởi thiên tai dịch bệnh, vẫn luôn mãi là một sự kiện trọng đại, mang đến niềm vui thật lớn lao cho con người ở mọi nơi mọi thời. Lời của Sứ Thần Chúa vẫn nhẹ nhàng vang lên trên mọi bất ổn của cuộc sống: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 10 – 12). Lời loan báo cho kỷ nguyên mới này, vừa mang theo sự bình an sâu thẳm của Chúa, nhưng cũng vừa mạnh mẽ củng cố đức tin của chúng ta khi đứng trước máng cỏ Chúa Hài Đồng.
- Chúa Giáng Sinh mang lại niềm vui. Chúa Giáng Sinh làm người, một sự kiện lịch sử không bao giờ phai lạt trong cuộc sống nhân loại, đã dần dần trở thành một ngày lễ chan hòa niềm vui cho toàn thế giới. Thật vậy, trong dịp lễ này, chẳng phân biệt màu da sắc tộc, gác lại những hận thù của chiến tranh, người ta vui cười ca hát, trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp, gửi cho nhau những ước mơ thanh bình.
Với đức tin Kitô giáo, đặt trong dòng chảy của lịch sử cứu độ, niềm vui của ngày lễ này càng được nhân lên gấp bội. Ta có thể dùng một hình ảnh thật dễ hiểu để mô tả về niềm vui ấy rằng: Tội nguyên tổ là một cuộc bắt cóc kinh hoàng nhất của ma quỷ, mà con người chúng ta là nạn nhân. Nó cướp đi từ trái tim chúng ta một dự định đầy yêu thương của Thiên Chúa cho hạnh phúc con người khi tạo dựng vũ trụ. Trong đau khổ miên trường của bóng đêm tội lỗi và mùa đông của đợi chờ, một tin vui được loan báo đầy ngỡ ngàng và trọng đại, một món quà được trao tặng như lớn hơn sự mong đợi của nhân gian: “Hôm nay sự sáng chiếu giãi trên chúng ta, và Chúa đã giáng sinh cho chúng ta” (Đáp ca Thánh lễ Rạng Đông). Chúa đã giáng sinh làm người, để con người được trở nên chính mình, như trong ý định ban đầu của Thiên Chúa khi tạo dựng muôn loài muôn vật.
- Ước nguyện. Qua miệng các Sứ Thần Chúa, niềm vui ấy vang dội như bài ca bất hủ tôn vinh lòng thương xót của Thiên Chúa: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2, 14). Ước mong rằng trong những ngày đại lễ sắp tới, lễ của niềm vui, lễ của an bình, tất cả chúng ta sẽ trở thành những chứng nhân sống động cho tinh thần của ngày lễ nầy. Hỡi các bạn trẻ, cha sẽ cầu nguyện thật nhiều cho các con. Các con cũng hãy cầu nguyện cho cha nữa. Cùng với cha, các con hãy cầu nguyện cho những người nghèo, những người đau khổ vì thiên tai, những người bị gạt ra bên lề xã hội bởi không may mắn,…vì Chúa đã giáng sinh cho tất cả mọi người, chứ không cho một cá nhân hay một dân tộc riêng biệt nào cả. Các con cũng đừng quên cầu nguyện cho hơn một triệu rưỡi người, vì dịch bệnh Covid-19 này, đã vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng của đêm Chúa Giáng Sinh. Đứng trước máng cỏ, các con hãy phó dâng quê hương của mình trong bàn tay che chở của Chúa Hài Đồng. Xin Người ban bình an cho chúng ta và cho mọi người trên thế giới.
Các con thân mến, chỉ còn ít ngày nữa là chúng ta sẽ mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Lá thư này thay cho tấm thiệp, cha vui mừng cầu chúc các con một Mùa Giáng Sinh an lành, thánh đức, một Năm mới Dương lịch vui tươi và hạnh phúc. Chúc các con đạt được một kết quả tốt đẹp trong kỳ thi Học Kỳ I này.
Thân ái trong Chúa Kitô.
Vĩnh Long, ngày 18 tháng 12 năm 2020.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
2020
Thư gửi anh chị em giáo chức Công Giáo nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20.11.2020
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO
NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11.2020
Kính gửi Quý Thầy Cô giáo,
Mặc dù ngày “Nhà Giáo Việt Nam” đầu tiên được công bố và tổ chức trang trọng vào ngày 20.11.1982, nhưng từ bao đời trong lòng con dân Đất Việt đã khắc ghi và biểu lộ một cách sâu xa tâm tình “tôn sư trọng đạo”, để tôn vinh lòng tận tụy và kiên nhẫn của những người thầy trong cuộc sống. Chỉ còn ít ngày nữa thôi, ngày Tết Nhà Giáo sẽ đến, một cơ hội thật tốt để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy trong cuộc sống của mình, là cơ hội thật ý nghĩa, để toàn xã hội tri ân tới những người đã dấn thân cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước văn minh, quê hương thịnh vượng và hạnh phúc. Với lòng biết ơn và cảm phục, tôi xin kính chúc quý thầy cô luôn an vui, khỏe mạnh và hạnh phúc trong sứ mạng cao cả của mình. Sứ mạng ấy, nhìn qua lăng kính đức tin Kitô giáo, quý thầy cô được lãnh nhận từ Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và quan phòng hướng dẫn: “Này đây Ta răn dạy, chỉ cho con biết đường lối phải theo, để mắt nhìn con, Ta ban lời khuyên nhủ” (x. Tv 32, 8). Trong tâm tình ấy, tôi cũng muốn bày tỏ một ít tâm tư và nguyện vọng chân thành đến tất cả quý thầy cô.
- Sứ mạng của những “người đi trước”
Ở mọi nơi và mọi thời, trong tiếng gọi “Thầy – Cô”, chúng ta luôn được coi là những người đi trước trong việc thu thập và truyền đạt kiến thức. Ngoài kiến thức chuyên môn của mình, vì là điểm tựa tinh thần cho các môn sinh, chúng ta cũng phải trang bị thêm những kiến thức cơ bản về nhiều phương diện: văn hóa, tôn giáo, luân lý, xã hội,…Là một giáo chức Kitô hữu, để thực thi đầy đủ sứ mạng, giáo huấn của Chúa Giêsu phải luôn là một kho tàng kiến thức quý giá mà ta phải trang bị và cập nhật cho chính mình. Thật vậy, người đi trước không đơn thuần chỉ là người chuyển giao kiến thức, mà còn là người biết yêu mến, bảo vệ, che chở như một người mục tử nhân lành mà phúc âm Thánh Gioan diễn tả. Người mục tử này không phải chỉ có nhiệm vụ cho chiên ăn uống, kiểm soát số lượng đàn chiên, mà còn hiểu biết, hy sinh, thao thức và gắn bó cuộc sống mình với chiên (x. Ga 10, 1-15). Chính vì thế, là người đi trước, hiểu trên phương diện xã hội lẫn đức tin Kitô giáo, chúng ta hãy siêng năng và kiên trì học với Chúa Giêsu, vì Người có lòng hiền hậu và khiêm nhường (x. Mt 11, 29). Những nhân đức rạng ngời ấy luôn cần thiết để chu toàn sứ mạng của một nhà giáo đúng nghĩa như Giáo hội ước mong.
- Những khó khăn trong giáo dục
Cho đến hôm nay, chưa ai dám phủ nhận vai trò của giáo dục trong sự phát triển xã hội và thăng tiến con người về mọi mặt. Giáo dục đưa cuộc sống con người lên tầm cao, nhưng giáo dục cũng bị ảnh hưởng bởi những chuyển biến của cuộc sống xã hội, tạo nên những khó khăn nghiêm trọng. Trước nhất phải nói đến cái nghèo: nghèo vật chất, nghèo phương tiện, nghèo nhận thức, nghèo nhân sự, …Tất cả những cái nghèo ấy, như một thực tế trước mắt, đã dần dần thu hẹp cánh cửa giáo dục, tự bản chất là cần thiết cho sự văn minh của con người, để nhường chỗ cho cuộc sống mưu sinh. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của công nghệ Internet về nhiều phương diện, đã thổi một luồng gió mới vào cuộc sống xã hội, nhưng cũng để lại những mối đe dọa thật đáng lưu tâm cho cuộc sống con người khi nhìn từ góc độ giáo dục. Hy vọng rằng những khó khăn ấy không dập tắt ngọn lửa nhiệt tình trong giáo chức Việt Nam, mà ngược lại, thôi thúc chúng ta nghiên cứu, tìm tòi những phương cách hữu hiệu cho sứ mạng giáo dục của mình. Chúa Giêsu trong phúc âm đã khéo léo nhắc nhở các môn đệ đừng để cảm xúc của mình bị chi phối bởi những điều trước mặt, mà hãy vui mừng vì tên của các con đã được ghi trên trời (x. Lc 10, 20). Anh chị em cũng hãy luôn nhớ rằng: trong cái nhìn đức tin, công việc của mình là cộng tác với Chúa trong việc hoàn thiện công trình tạo dựng của Người.
- Một ước mong cho ngành giáo dục
Từ đáy lòng của một người đã và đang thực hiện sứ mạng giáo dục Kitô giáo, tôi ước mong cho mỗi quý thầy cô, trước nhất và trên hết, xây dựng cho mình một ước muốn giáo dục mang tính chất toàn diện. Bởi vì một nền giáo dục đúng nghĩa, theo tôi, không chỉ là để đào tạo các thế hệ trẻ thành các chuyên viên tài giỏi, mà còn phải đào luyện họ thành những con người trưởng thành và đạo đức. Một ước muốn giáo dục mà từ cái nhìn đức tin, tôi cảm nghiệm được rằng tác giả sách Gióp thao thức từ rất lâu trong thời Cựu ước: giúp họ tránh được thói kiêu căng, giữ linh hồn khỏi sa vào vực thẳm, cứu sinh mạng khỏi rơi xuống đường hầm (x. G 33, 17 – 18). Trong số 49 của Tông Huấn Chúa Kitô Đang Sống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến những vị thánh trẻ. Những chứng nhân sáng ngời này cho phép tôi liên tưởng và xác tín rằng: con đường nên thánh của các ngài vẫn in sâu dấu vết của một nền giáo dục toàn diện ấy. Hãy cùng nhau sống thánh để chúng ta dạy người khác sống thánh.
- Lời chào cuối thư
Quý Thầy Cô thân mến,
Thay mặt cho Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, một lần nữa, tôi gửi lời kính chúc đến quý thầy cô trên mọi miền đất nước một ngày Tết Nhà Giáo vui tươi, ý nghĩa, luôn ấp ủ trong mình một ước muốn giáo dục toàn diện cho các thế hệ mai sau. Tôi cũng không quên quý thầy cô đã hưu trí, quý thầy cô, vì bất cứ lý do gì, đã gác lại sứ mạng của mình. Tôi cám ơn và cầu chúc tất cả quý vị an bình và hạnh phúc.
Thân ái trong Chúa Kitô.
Vĩnh Long, ngày 15 tháng 11 năm 2020.
Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo
2020
Thư gửi Sinh Viên, Học Sinh Công Giáo nhân dịp khai giảng năm học 2020-2021
ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2020 – 2021.
Các con thân mến,
- Tâm tình của người đồng hành
Ngay từ những dòng chữ đầu tiên này, cha muốn hướng về một thành phần đặc biệt trong các con, hơn tám trăm ngàn sĩ tử trong cả nước, vừa hoàn thành xong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông Quốc gia, kết thúc một chặng đường vừa thật đẹp nhưng cũng vừa quan trọng trong cuộc đời học vấn của mình. Cùng với các con, cha tạ ơn Chúa vì Người đã ban cho các con thật nhiều điều tốt lành, những nén bạc quý giá trong những năm rèn luyện trau dồi kiến thức phổ thông. Cha chúc mừng các con, vì các con đã hoàn thành chặng đường của “tuổi học trò” đầy nỗ lực, với những thành quả đáng quý để bước vào đời, khởi sự cho những ước mơ tươi sáng của mình. Và sắp tới đây, chỉ còn ít ngày nữa thôi, tiếng trống khai trường sẽ đồng loạt vang lên trên toàn Đất Việt, báo hiệu một năm học mới bắt đầu. Ngày ấy, tất cả những học sinh, sinh viên Công giáo, sẽ cùng với hàng chục triệu bạn bè trang lứa của mình, bước vào một giai đoạn mới trong hành trình học tập, hoàn thiện bản thân cách toàn diện, để trở thành một con người có ích cho chính mình, cho gia đình, cho Giáo hội và cho xã hội. Suy tư về hành trình tìm kiếm sự khôn ngoan ấy, sách Châm Ngôn viết rằng: “Hạnh phúc thay người được trí khôn ngoan, cũng như kẻ được tài phán đoán. Vì được khôn ngoan thì hơn được bạc, được hưởng lợi ích của khôn ngoan thì hơn được vàng. Khôn ngoan quý hơn cả trân châu, không có bảo vật nào của con so sánh nỗi” (Cn 3, 13-15). Đó cũng là một ít tâm tình cha muốn chia sẻ với các con trong dịp khai giảng năm học mới này.
- Học là điều cần thiết để biết và để sống
Sách Châm Ngôn, được xếp vào tập sách giáo huấn trong kinh thánh Cựu Ước, đã cho thấy được giá trị của sự khôn ngoan, vốn là thành quả không thể phủ nhận của việc học tập trau dồi kiến thức. Trong thời đại công nghệ 4.0 này, thật dễ dàng để tra cứu một vấn đề nào đó. Cha tin rằng các con đã đọc thấy rất nhiều tư tưởng và bài viết về giá trị của việc học tập. Với cha, bằng ngôn ngữ thực tế và kinh nghiệm sống hàng ngày của mình, cha muốn nhấn mạnh với các con rằng: học là điều cần thiết để biết và để sống. Học tập để có được những kiến thức cần thiết quyết định sự tồn tại, hòa nhập và phát triển con người của mình trở thành người và hạnh phúc hơn trong xã hội. Việc học tập chắc chắn sẽ mở ra cho ta nhiều cánh cửa, nhiều cơ hội và nhiều con đường để đi tới thành công. Cha nghĩ rằng đó cũng là lý do mà từ xa xưa ông bà ta đã nói: “Bộ lông làm đẹp con công, học vấn làm đẹp con người”.
Thế nhưng, là một Kitô hữu trong xã hội hôm nay, việc học của các con không chỉ dừng lại ở việc trang bị những kiến thức hay kỹ năng, mà nó còn phải đạt được những mục tiêu cao hơn nữa. Đó là lòng đạo đức phục vụ, phục vụ Chúa và Giáo hội của Người, phục vụ anh chị em xung quanh tùy theo khả năng của mình, không phân biệt người đó là ai và như thế nào. Như vậy, để là một Kitô hữu tốt, song song với việc trau dồi kiến thức, các con phải học thêm nữa về lòng đạo đức phục vụ. Quyển sách nào chứa đựng kho tàng quý giá này? Chúa Giêsu và những lời dạy của Người trong Phúc âm, chính là điều cha muốn giới thiệu cho các con tiếp sau đây.
- Học nơi Chúa Giêsu
“Hãy học với tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhượng” (Mt 11, 29). Hôm nay, với một gợi ý thật nhỏ, cha muốn các con hãy học với Thầy Giêsu chí thánh về Đức Vâng Lời. Đó là một đức tính phải có trong cuộc sống làm người. Chúa Giêsu, theo suy tư của tác giả thư gửi tín hữu Do Thái, cho thấy rằng: trước hết và trên hết, Người vâng lời Chúa Cha trong mọi sự (x. Dt 10, 7). Khởi đi từ Mầu nhiệm Nhập Thể cho đến kết thúc Mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Giêsu không ngừng dùng chính đời sống mình để tỏ cho chúng ta biết điều quan trọng nhất đối với Người là thi hành ý muốn của Cha: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Cha Thầy” (Ga 4, 34). Đức vâng lời ấy được chiếu tỏa và cụ thể hóa cách gần gũi hơn trong đời sống hàng ngày của Người. Với gia đình: “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2, 51). Với những mối tương quan khác: Người càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta (x. Lc 2, 52).
Các con hãy biết cho rằng: tất cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Đức Chúa (x. Hc 1, 1). Vậy, trong lúc chăm chỉ học hành thu thập kiến thức, các con cũng phải siêng năng và kiên trì học lấy sự vâng lời của Chúa Giêsu. Sự vâng lời ấy phải được nhận thức và thể hiện cách phong phú trong các mối tương quan hàng ngày của các con. Với Chúa, hãy tuân giữ các giới răn của Người. Với cha mẹ, hãy sống là người con ngoan. Với thầy cô, hãy chứng tỏ mình là những học trò hiền. Với bạn bè, hãy là một Kitô hữu tốt lành. Cha tin rằng các con sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong cuộc đời các con.
- Thay lời kết
“Đức Maria là người Mẹ chăm sóc chúng ta là những người con của Mẹ”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tin tưởng nói với các con như thế trong Tông huấn Christus Vivit số 48. Trong niềm xác tín này, cha phó dâng tất cả các con cho sự che chở từ ái của Đức Maria khi bước vào năm học mới, một năm học được bắt đầu trong sự âu lo trước sự tái phát của đại dịch Covid -19. Cha thân ái cầu chúc các con một năm học mới an bình, vui tươi, tràn đầy hồng ân Chúa và đạt được nhiều thành quả tốt đẹp.
Thân ái trong Chúa Kitô.
Vĩnh Long, ngày 31 tháng 8 năm 2020.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo