2020
Thư Chung 2007 của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam về Giáo dục Kitô giáo: Giáo dục hôm nay, Xã hội và Giáo hội ngày mai
2020
Thư chung năm 2004 – Giáo hội sống mầu nhiệm Thánh Thể
THƯ CHUNG NĂM 2004
GIÁO HỘI SỐNG MẦU NHIỆM THÁNH THỂ
- Cử hành Mầu nhiệm hy tế thập giá Chúa Giêsu
- Cử hành Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa
- Cử hành Mầu nhiệm Hiệp Thông
PHẦN II : GIÁO HỘI SỐNG MẦU NHIỆM THÁNH THỂ
PHẦN III: TÔN SÙNG VÀ YÊU MẾN THÁNH THỂ
- Tôn thờ Chúa Giêsu Kitô trong bí tích Thánh Thể
- Thánh Thể với các thành phần dân Chúa
- Một vài đề nghị thực hành
Kính gửi: Các linh mục, Các tu sĩ, chủng sinh và anh chị em giáo dân
Anh chị em thân mến,
- Chúng tôi, hồng y, tổng giám mục, giám mục tham dự Đại Hội các giám mục thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam từ ngày 27-9 đến ngày 1-10-2004 tại Hà Nội, thân ái gửi đến anh chị em lời chào thăm và cầu chúc bình an trong “ân sủng Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần” (Nghi thức Thánh lễ).
Hội nghị năm nay là Đại hội các giám mục, nhằm bầu lại Ban Thường vụ và chủ tịch các Uỷ ban của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Trong năm nay, Năm Thánh Thể, có Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 48 tại Mexico từ ngày 10 đến 17-10-2004, và cũng là năm chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về Mầu nhiệm Thánh Thể vào tháng 10-2005, vì thế chúng tôi chọn chủ đề Thư chung của Đại Hội gửi cho toàn thể Dân Chúa là Giáo Hội sống Mầu nhiệm Thánh Thể.
- “Hãy nâng tâm hồn lên! Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta”. Những lời mở đầu của Kinh Tiền Tụng mời gọi mọi người chúng ta hướng tâm hồn đến mầu nhiệm Thánh Thể. Nâng tâm hồn lên để tạ ơn Thiên Chúa Cha “Đấng đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một” cho chúng ta (Ga 3,16), để tưởng niệm sự Chết và sự Sống Lại của Chúa Kitô. Nâng tâm hồn lên để hiểu biết, yêu mến và sống Mầu nhiệm Thánh Thể là chính Chúa Kitô mà chúng ta gặp gỡ bằng đức tin khi cử hành bí tích. Nâng tâm hồn lên để cùng với Giáo Hội và trong Giáo Hội dâng hy lễ của Chúa Kitô lên Chúa Cha, hy lễ giao ước mới và vĩnh cửu ký kết bằng máu của Chúa Kitô đổ ra cho mọi người được tha tội (x. Thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể [Ecclesia de Eucharistia], số 13).
- Cử hành Mầu nhiệm hy tế thập giá Chúa Giêsu
- Cả cuộc đời Chúa Giêsu làHy tế. Nơi Chúa Giêsu, mọi sự đều là của lễ, từ lời giảng dạy đến các phép lạ, từ những cử chỉ và lời nói thông thường cho đến sự hy sinh lớn lao nhất là hy sinh mạng sống. Mọi sự đều biểu lộ tình yêu dâng hiến trọn vẹn cho Chúa Cha. Sự dâng hiến của Chúa Giêsu được hoàn tất bằng cái chết và trong cái chết tự nguyện trên thập giá.
Giáo Hội luôn coi cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một hy tế. Hy tế ấy khác với hy tế Cựu Ước, vì hoàn toàn là hy tế tình yêu, là sự dâng hiến bản thân. Chúa Giêsu không dâng hiến cho Chúa Cha điều gì bên ngoài, mà là chính bản thân mình (x. Dt 9,11-14).
Trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể; Người đọc lời truyền phép, làm cho bánh và rượu trở nên Mình và Máu Người (x. 1Cr 11,23); Người trao ban cho Giáo Hội như bảo chứng tình yêu vô biên. Đó là hy tế Giao Ước mới và vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và Dân Người, được ký kết bằng máu Chiên Vượt Qua của chúng ta, là chính Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Thiết lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đồng thời thiết lập chức linh mục khi truyền cho nhóm 12 tông đồ: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19; 1 Cr 11,25). Nhờ các giám mục kế vị các tông đồ và các linh mục là những cộng sự viên của các ngài, Giáo Hội có thể cử hành Mầu nhiệm Thánh Thể mọi ngày cho đến tận thế.
- Cử hành Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa
- Cử hành Thánh lễ là cử hành Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô, là loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến (x. Nghi thức Thánh lễ). Chúa Giêsu Kitô vượt qua thế gian đi về cùng Chúa Cha (x. Ga 16,17), nhưng cũng vượt qua thế gian để đến với chúng ta : “Thầy ra đi và đến cùng anh em” (Ga 14,28). Vượt qua thế gian, như vậy, Người ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20). Chúa Giêsu đi về cùng Chúa Cha nhưng vẫn ở giữa chúng ta. Mỗi lần cử hành Thánh lễ, cùng với Giáo Hội và trong Giáo Hội, chúng ta đón Chúa đến. Vì Người đến, Người mới hiện diện ở giữa chúng ta, và do đó chúng ta sung sướng nhận ra Người, gặp gỡ và tiếp xúc với Người, rồi đi về cùng Chúa Cha với Người. Người hiện diện, nên chúng ta thờ lạy, chiêm ngắm, nhưng quan trọng hơn cả là đón tiếp Người và cùng vượt qua với Người.
Cử hành Thánh lễ là cử hành Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa trong hiện tại của ngày hôm nay. Trong Thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết: “Nền tảng và nguồn gốc của Giáo Hội, chính là tất cả Tam Nhật Vượt Qua” (Triduum Paschale), nhưng Tam Nhật này như được chứa đựng, được thực hiện trước và cô đọng lại mãi mãi trong hồng ân Thánh Thể. Trong hồng ân này, Chúa Giêsu đã trao cho Giáo Hội nhiệm vụ hiện tại hoá không ngừng Mầu nhiệm Vượt Qua (x. số 5).
- Cử hành Mầu nhiệm Hiệp Thông
- Bí tích Thánh Thể còn được gọi là Bàn Tiệc của Chúa, Bữa ăn tối của Chúa, Bánh bẻ ra, Bẻ Bánh…, tất cả những cách nói ấy diễn tả một khía cạnh quan trọng của Mầu nhiệm Thánh Thể là hiệp thông.
Hiệp thông là thông phần: “Chén chúc tụng ta cầm lên mà tạ ơn, lại không phải là thông phần Máu Đức Kitô sao? Bánh ta bẻ, lại không phải là thông phần Thân Mình Đức Kitô sao?” (1 Cr 10,16).
Giáo Hội được gọi là Thân Mình Chúa Kitô, vì thông phần cùng một Bánh. Các chi thể làm thành một Nhiệm Thể vì sống bằng cùng một sự sống là chính Chúa Kitô. Bánh Thánh Thể chứa đựng kho tàng quý giá nhất của Giáo Hội là Chúa Kitô. Chúa Kitô là sự sống và là lẽ sống; là niềm vui và là hạnh phúc; là tình yêu và là sức mạnh của Giáo Hội. Giáo Hội chỉ ước mong nên một với Chúa. Chính trong Bí tích Thánh Thể và nhờ Bí tích Thánh Thể, Giáo Hội nên một với Chúa.
Không có sự kết hiệp nào mật thiết cho bằng thông phần vào Mình Máu Thánh Chúa Kitô như lời Người dạy : « Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy» (Ga 6,56). Mỗi Kitô hữu đều mang Chúa Kitô trong mình, nhờ thông phần Mình và Máu Thánh Chúa. Sự sống của Chúa Kitô là sự sống lãnh nhận từ Chúa Cha (x. Ga 6,57) nên cũng là sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Trong cuộc lữ hành trần thế, Giáo Hội được kêu mời gìn giữ và phát triển mối hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và giữa các tín hữu với nhau. Hướng về mục đích đó, Giáo Hội luôn có sẵn Lời Chúa và các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, nhờ đó mà Giáo Hội luôn sống động và lớn mạnh, đồng thời nơi đó Giáo Hội tự diễn tả chính mình (x. Thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể, số 34).
PHẦN II : GIÁO HỘI SỐNG MẦU NHIỆM THÁNH THỂ
Anh chị em thân mến,
- Hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu và với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, lòng mong ước và mối bận tâm của chúng tôi trong Thư Chung này là làm thế nào để Mầu nhiệm Thánh Thể được toả sáng trong đời sống của Giáo Hội tại Việt Nam hôm nay. Chúng ta quyết tâm trở về cội nguồn của mọi sinh hoạt Giáo Hội, là Mầu nhiệm Thánh Thể, để kín múc sinh lực cho một sự dấn thân quảng đại, và để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng trong thiên niên kỷ mới. Nơi Thánh Thể, chính bản thân Chúa Kitô hiện diện đích thực cho Giáo Hội và cho thế giới. Vì thế, Giáo Hội luôn có Chúa Giêsu ở cùng, và luôn sống bằng sự sống của Chúa. Nhờ sống và kết hợp với Mình và Máu Thánh Chúa, Giáo Hội là Nhiệm Thể của Chúa, là dấu chỉ khả tín và hữu hiệu của ơn cứu độ.
- Giáo Hội sống hiệp thông
- Nhờ Bí tích Rửa Tội, chúng ta được tháp nhập vào Giáo Hội và thông phần Mầu nhiệm Vượt Qua mà chúng ta cử hành khi dâng thánh lễ. Những ai thông phần Mình và Máu Chúa Kitô sẽ trở thành chi thể của Thân Mình mầu nhiệm Chúa là Giáo Hội: “Và khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng, được đầy tràn Thánh Thần của Người, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô” (Kinh nguyện Thánh Thể III).
Hiệp thông Thánh Thể đưa đến xây dựng sự hợp nhất trong Giáo Hội như lời thư của Thánh Phaolô: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,17). Chúng ta là một và trở nên một trong Chúa Kitô. Đó là điều Người khẩn cầu cùng Chúa Cha: “Xin cho họ nên một như Chúng Ta là một” (Ga 17,22b). Trong một thế giới đầy chia rẽ, bạo lực, hận thù và loại trừ nhau, Giáo Hội phải là bảo chứng cho bình an và hạnh phúc vĩnh cửu mà Thiên Chúa muốn ban cho mọi người.
Sẽ không bao giờ tránh hết được những bất hoà lớn nhỏ ở mọi cấp bậc, nhưng nếp sống của Giáo Hội vẫn luôn phản ánh sự hiệp thông Ba Ngôi mà cả nhân loại được mời gọi thông phần, một sự hiệp thông đầy tình yêu và sự sống. Giáo Hội là gia đình Thiên Chúa tại trần gian. Gia đình ấy không những nề nếp, mà còn phải là mái nhà hiệp thông ấm cúng, giàu tình yêu thương, nơi đó mọi người đều được thăng tiến, vì được nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc. Những người con kém may mắn, vì bệnh tật, vì những giới hạn tinh thần và vật chất được quan tâm chăm sóc cách đặc biệt hơn. Để Giáo Hội đích thực là một cộng đồng hiệp thông, mọi người hãy cố gắng duy trì nguyên tắc “hợp nhất trong những điều thiết yếu, tự do trong những điều chưa chắc chắn, bác ái trong tất cả mọi sự” (x. Gioan XXIII, Tđ Ad Petri Cathedram, 29-6-1956; AAS 55 (1959), tr.513).
- Giáo Hội sống tình yêu tự hiến
- Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhiều lần nói đến nền văn minh tình thương và ao ước chúng ta góp phần xây dựng nền văn minh ấy. Nhân loại không thể tồn tại nếu không xây dựng được một nền văn minh tình thương. Trong thế giới hôm nay, người ta tranh đua về mọi mặt; sự tranh đua này làm cho thế giới tiến bộ không ngừng, đồng thời cũng chất chứa mối nguy cơ tan vỡ, nếu không kèm theo việc thi đua yêu mến.
Một xã hội muốn được lành mạnh, phải thi đua làm việc lành phúc đức để không ngừng vươn lên về mặt đạo đức. Nhưng thực tế cho thấy nhiều người đang chạy theo những mãnh lực sự chết, huỷ hoại sự sống vì những lợi ích riêng tư, hoặc vì trào lưu tự do luyến ái không lành mạnh. Do đó, Giáo Hội phải là trường học yêu thương, trường học của Chúa Thánh Thần, trong đó tình yêu và sự sống là những giá trị chính yếu.
Mầu nhiệm Thánh Thể làm nên một Giáo Hội biết yêu thương, vì đã học yêu thương, đã không ngừng cử hành mầu nhiệm tình yêu sâu thẳm nhất. Giáo Hội được Thiên Chúa yêu thương và sống nhờ tình yêu của Thiên Chúa. Khía cạnh mà Giáo Hội kinh nghiệm nhiều hơn cả là tình yêu tự hiến của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, vì Giáo Hội không ngừng đón nhận và sống bằng sự tự hiến ấy. Giáo Hội sống bằng Thân Mình bị nộp của Chúa Giêsu, bằng Máu của Chúa đổ ra cho mọi người được tha tội, bằng Thần Khí hằng hữu đã thúc đẩy Chúa Kitô tự hiến mình làm lễ hy sinh vô tì tích dâng lên Thiên Chúa (x. Dt 9,14).
Giống như tấm bánh bẻ ra để xây dựng một thế giới mới, Giáo Hội tự hiến trở nên lương thực bồi bổ cho cộng đồng nhân loại mỗi ngày càng thêm lớn mạnh. Dù bên ngoài, nhiều người còn dửng dưng với Giáo Hội, Giáo Hội vẫn không ngừng tự hiến như Chúa Giêsu đã hiến mình cho Giáo Hội.
Nếp sống tự hiến ấy của Giáo Hội thể hiện rõ nét nơi những người biết dâng hiến đời sống, biết quên mình phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
- Giáo Hội sống chia sẻ
- Một dấu chỉ sống động mà Giáo Hội không ngừng thực hành ngay từ buổi sơ khai và mãi cho tới khi Chúa trở lại, đó là nghi lễ Bẻ Bánh. Các môn đệ trên đường Emmaus đã nhận ra Chúa Phục Sinh khi Người bẻ bánh với họ. Mọi người trong bàn tiệc chia nhau cùng một tấm bánh; tấm bánh ấy là Thân Mình Đức Kitô được bẻ ra cho mọi người thông phần. Cử chỉ bẻ bánh nói lên nếp sống chia sẻ của Giáo Hội.
Những của cải tinh thần khi được chia sẻ, không bao giờ mất đi, giống như hũ bột không cạn, bình dầu không vơi của bà goá thành Sarepta (x. 1 V 17,14). Của cải vật chất, khi được chia sẻ, thì không còn nguyên vẹn, vì được phân ra nhiều phần để mỗi người đều được hưởng. Các Kitô hữu thời Giáo Hội sơ khai đã sống tinh thần chia sẻ đó cách triệt để: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu” (Cv 2,44-45).
Công đồng Vatican II nhấn mạnh nhiều đến nếp sống chia sẻ của Giáo Hội. Hình ảnh của sự hưởng thụ, ích kỷ là cách đối xử của nhà phú hộ với ông Lazarô nghèo khổ trong Tin mừng Luca (x. Lc 16,19-31). Còn hình ảnh của sự chia sẻ là năm chiếc bánh và hai con cá nuôi hơn năm ngàn người ăn (x. Ga 6,1-15); rõ ràng đây cũng là hình ảnh của Mầu nhiệm Thánh Thể.
Chúng ta hãy mặc lấy tinh thần đồng cảm và chia sẻ trong lòng Giáo Hội. Chia sẻ là một hành vi bác ái thể hiện tình huynh đệ Kitô giáo. Các giáo phận, các giáo xứ hãy chia sẻ với nhau và cho nhau; các gia đình trong giáo xứ và các cá nhân hãy quan tâm đến nhau. Trước hết, đừng ngại chia sẻ với nhau những của cải tinh thần. Giáo Hội Công giáo có một gia sản hai ngàn năm cần được khai thác và chia sẻ. Trong Giáo Hội, chúng ta cũng phải biết chia sẻ với nhau các công việc mục vụ tông đồ. Chúa Giêsu đã kêu gọi mọi người vào làm vườn nho cho Chúa, không loại trừ người đến vào giờ chót. Kế đến, đừng ngại chia sẻ của cải vật chất cho nhau để làm việc chung, để giúp đỡ những người hoạn nạn yếu đau, đặc biệt những người nghèo, để Giáo Hội thực sự trở thành Giáo Hội của người nghèo và cho người nghèo.
Sự chia sẻ của chúng ta không chỉ dừng lại nội bộ, nhưng còn hướng ra bên ngoài Giáo Hội. Ý thức sự đa dạng của các nền văn hoá và các tôn giáo, chúng ta sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm tôn giáo của mình, và nên có tinh thần cởi mở đối với các tôn giáo bạn, tích cực cộng tác với tín đồ các tôn giáo, với những người thiện chí trong công việc từ thiện và bác ái xã hội.
PHẦN III: TÔN SÙNG VÀ YÊU MẾN THÁNH THỂ
- Tôn thờ Chúa Giêsu Kitô trong bí tích Thánh Thể
- Trong Thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chia sẻ với chúng ta kinh nghiệm cá nhân của ngài về những lần trò truyện thân mật với Chúa Giêsu Thánh Thể, những lần tôn thờ trong thinh lặng đầy lòng yêu mến và những ân huệ ngài nhận được từ sự tôn sùng này: “Tôi đã múc lấy từ đó sức mạnh, an ủi và sự nâng đỡ” (x. số 25).
Lòng tôn sùng Thánh Thể giúp chúng ta nhận ra tình yêu cao cả của Đấng thí mạng sống mình vì bạn hữu, Đấng yêu mến mỗi người chúng ta đến cùng (x. Ga 13,1). Sự tôn thờ của chúng ta là lời đáp trả trọn nghĩa với Tình Yêu hy sinh cho đến chết và chết trên thập giá (x. Pl 2,8); là cách chúng ta diễn tả lòng tri ân và ngưỡng mộ Đấng đã yêu mến và thí mạng vì chúng ta (x. Gl 2,20).
Khi tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng tự nhận mình từ Chúa Cha mà đến và gắn bó với Chúa Cha bằng tất cả tâm hồn, thể xác và trái tim, chúng ta học cách sống để trở thành con cái Thiên Chúa nhờ Thần Khí nghĩa tử (x. Gl 4,6). Khi tôn thờ Chúa Giêsu, Đấng phó nộp mạng sống mình cho loài người và đã được Chúa Cha cho sống lại từ cõi chết, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, chúng ta nhận biết tình thương của Chúa Kitô là tình thương vượt quá sự hiểu biết (x. Ep 3,19).
Khi tôn thờ Chúa Giêsu hiện diện dưới hình bánh rượu, hoa quả của trái đất, chúng ta ý thức mình không phải là chủ và sở hữu vạn vật, để biết tôn trọng môi trường sống mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Tôn thờ Chúa Giêsu hiện diện dưới hình bánh rượu, thành quả công lao của con người, mỗi người chúng ta được mời gọi cộng tác vào công trình cứu thế và góp phần làm cho Nước Thiên Chúa mau đến.
- Thánh Thể với các thành phần dân Chúa
- Mọi thành phần Dân Chúa được mời gọi sống Mầu nhiệm Thánh Thể. Chức linh mục thừa tác phát xuất từ Thánh Thể và hướng về Thánh Thể. Là những người quản lý các mầu nhiệm Thánh, các linh mục phải nên chứng tá đặc biệt về đức tin, lòng sùng kính và yêu mến đối với Mầu nhiệm cực trọng này. Điều đó phải biểu lộ rõ nét khi các ngài cử hành Thánh lễ, cầu nguyện trước Thánh Thể và đem Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân. Việc tôn sùng Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch phong phú cho cuộc đời và sứ vụ linh mục. Các tu sĩ, những người bước theo Chúa Kitô trên con đường hoàn thiện, qua những lời khuyên Phúc Âm, sẽ khám phá rõ nét hơn ơn gọi của mình, là tận hiến cho Chúa và tha nhân bằng trái tim trọn vẹn khi gắn bó hiến lễ đời mình với hy lễ của Đức Kitô trong Mầu nhiệm Thánh Thể.
Anh chị em giáo dân, những người sống và làm việc trong mọi lĩnh vực trần thế, có sứ mạng thánh hoá trần gian, sẽ nhận được sức mạnh cần thiết khi tổ chức đời mình xoay quanh Mầu nhiệm Thánh Thể như tham dự trọn vẹn Thánh lễ Chúa nhật, đưa Thánh lễ vào đời sống, năng tìm đến Chúa Giêsu Thánh Thể qua việc viếng Thánh Thể và rước lễ thiêng liêng. Các gia đình đang phải vất vả vật lộn với cuộc sống sẽ tìm được niềm an ủi, sức mạnh nâng đỡ nơi Chúa Kitô Thánh Thể vì chính Người đã nói: “Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29). Các bạn trẻ sẽ gặp được nơi Mầu nhiệm Thánh Thể ánh sáng cho những lựa chọn dấn thân và niềm hy vọng cho bước đường tương lai. Thiếu nhi đến với Bí tích Thánh Thể sẽ được tình yêu Chúa Kitô ấp ủ để lớn lên trong hồng ân, góp phần xây dựng Giáo hội và xã hội. Đối với các anh chị em đang âm thầm hiệp thông những đau khổ đời mình vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Thánh Thể Chúa không những là khuôn mẫu tự hiến, mà còn là nguồn lực phong phú cho cuộc sống tông đồ. Riêng đối với các anh chị em vì hoàn cảnh sống xa quê nhà, Thánh Thể Chúa sẽ là mái ấm, là quê hương, là tình thương, là ánh sáng, giúp vượt qua những khó khăn đời viễn xứ.
- Một vài đề nghị thực hành
- Để Năm Thánh Thể sinh nhiều hoa trái trong lòng Giáo Hội tại Việt Nam và trong đời sống đạo của anh chị em, chúng tôi đề nghị một số việc làm cụ thể sau đây:
Mọi thành phần Dân Chúa hãy cố gắng học hỏi Thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.
Các cộng đoàn dòng tu, các chủng viện, cũng như mọi giáo xứ có dịp duyệt lại cách cử hành Phụng vụ của mình, và nỗ lực cử hành Thánh Lễ cho thật trang nghiêm, sốt sắng, đúng theo nghi thức phụng vụ, lưu tâm đến Văn kiện Bí tích Cứu chuộc (Redemptionis sacramentum) do Bộ Phượng Tự của Toà Thánh ban hành. Cũng nên chú trọng đến việc gìn giữ nơi thánh và vật dụng Thánh cho sạch đẹp, xứng đáng để tôn vinh Thiên Chúa.
Nhà thờ nào có điều kiện, nên dành một nơi riêng để chầu Mình Thánh, cho những ai muốn viếng Mình Thánh bất cứ lúc nào, hoặc muốn cầu nguyện riêng trong thinh lặng trước Mình Thánh. Làm được như vậy, chúng ta có thể biến nhà thờ giáo xứ thành nơi cầu nguyện thật sự như lòng Chúa mong ước: “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện” (Mt 21,13).
Riêng về ngày Lễ Mình Máu Thánh Chúa năm Thánh Thể này, các giáo phận, các giáo xứ, tuỳ điều kiện và hoàn cảnh, hãy tổ chức long trọng đặc biệt hơn mọi năm. Nên tổ chức kiệu Mình Thánh Chúa trọng thể, đặt Mình Thánh Chúa cho giáo dân chầu cả ngày. Ngoài những thánh lễ, nên tổ chức những phiên chầu được chuẩn bị thật kỹ lưỡng.
Cùng với Giáo Hội toàn cầu, Giáo hội Việt Nam sẽ khởi đầu Năm Thánh Thể ngày 10-10-2004, cũng là ngày khai mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 48; và sẽ kết thúc Năm Thánh Thể ngày 29-10-2005, cũng là ngày bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần XI về Mầu nhiệm Thánh Thể.
Trong dịp Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần này, mỗi nơi nên có những cử hành Thánh Thể đặc biệt để biểu lộ tinh thần hiệp thông với Giáo Hội.
Anh chị em thân mến,
- Ước mong mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo Hội tại Việt Nam đều tích cực thắp sáng lên niềm tin Thánh Thể, hâm nóng thêm lòng yêu mến Thánh Thể, khơi dậy niềm hy vọng hồng phúc nơi mọi người.
Ước chi mỗi Kitô hữu đều nỗ lực sống mầu nhiệm Thánh Thể là mầu nhiệm tình yêu và sự sống, là ánh sáng chiếu soi cho thế giới hôm nay còn nhiều bóng tối.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần nối kết chúng ta với Chúa Kitô Thánh Thể và cho chúng ta được nên một với nhau trong tình yêu và chân lý.
Nguyện xin Đức Mẹ La Vang dạy chúng ta biết chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể. Xin các Thánh Tử đạo Việt Nam cho chúng ta có được lòng yêu mến Thánh Thể như các ngài.
Xin cho lòng mến yêu Thánh Thể làm cho Giáo Hội tại Việt Nam được toả sáng, nhờ đó càng ngày càng có thêm nhiều người nhận ra khuôn mặt khả ái của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của toàn thể nhân loại.
Làm tại Hà Nội, ngày 1 tháng 10 năm 2004
Tổng Thư ký HĐGMVN Chủ tịch HĐGMVN
(đã ký) (đã ký)
+ Phêrô Nguyễn Soạn + Phêrô Nguyễn Văn Hòa
2020
Thư Chung năm 2001 của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam: Để họ được sống và sống dồi dào (Ga 10,10)
2020
Thư Chung năm 1999 của Hội đồng Giám mục Việt Nam
THƯ CHUNG NĂM 1999
Nhân dịp Năm Thánh 2000
HÃY VUI LÊN
Kính gởi: Các Linh mục, Tu sĩ, Chủng sinh
và toàn thể Anh Chị Em Giáo Dân
Anh chị em thân mến,
Năm 2000 đang mở ra trước mắt chúng ta viễn tượng về một thế giới mới đầy hy vọng và lo âu. Hy vọng vì những thành tựu khoa học mới đạt được, vì con người ngày càng được tôn trọng, vì những liên hệ quốc tế ngày càng phát triển… Lo âu vì tệ nạn xã hội lan tràn, vì những bùng nổ chiến tranh sắc tộc, tôn giáo, vì những căn bệnh nan trị đang đe dọa thế giới, vì sự xuống cấp của các chuẩn mực đạo đức…
Để ta có đủ hành trang thiêng liêng, an tâm bước vào thiên niên kỷ mới, Mẹ Hiền Giáo Hội đã chuẩn bị cho ta hưởng một năm tràn trề hồng ân Thiên Chúa. Trước thềm Năm Thánh 2000, chúng tôi, các Giám mục trong cả nước Việt Nam đang họp Hội nghị Thường niên 1999, xin gửi đến anh chị em lời chào chúc: HÃY VUI LÊN ! …
1. TRONG BA NGÔI THIÊN CHÚA
Hãy vui lên, vì nhìn lại 2000 năm qua, ta thấy lịch sử nhân loại là lịch sử của tình yêu và hồng ân. Vũ trụ ngập tràn ơn lành của Thiên Chúa. Đời sống được bao phủ trong tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa lớn lao đến nỗi “đã ban cho ta chính Con Một của Người để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Ơn Cứu độ đến nhờ Đức Giêsu Kitô chịu chết để đền tội cho ta: “Tình yêu cốt ở điều này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội chúng ta.” (1Ga 4,10).
Vì vâng phục và vì yêu thương, Đức Giêsu Kitô đã chấp nhận sống kiếp người phàm. Người đến mở ra một kỷ nguyên mới: Nhân loại được vinh dự đón tiếp Thiên Chúa, xác phàm được mang lấy Thần linh, con người tội lỗi được đón nhận ân sủng.
Đức Giêsu Kitô mang đến một sự sống mới dồi dào phong phú (x. Ga 10,10). Khi trả lại cho con người địa vị làm con Thiên Chúa, Người đã nâng cao phẩm giá con người. Khi ban Thánh Thần, Người cho con người được tham dự vào chính nguồn mạch sự sống, nguồn mạch hạnh phúc, nguồn mạch niềm vui của chính Thiên Chúa. Sự sống ấy luôn sung mãn. Hạnh phúc ấy luôn đầy tràn. Niềm vui ấy luôn tươi mới.
2. TRONG ĐỨC GIÊSU KITÔ
Hãy vui lên, vì hôm nay Đức Giêsu Kitô vẫn đang đến. Người hiện diện trong từng trang Kinh Thánh. Người đang ngỏ lời qua những biến cố lịch sử. Người đang nhắn nhủ qua những người anh em sống quanh ta. Người đang thì thầm trong sâu thẳm lòng ta.
Người đang đến qua Giáo Hội mà Người đã thiết lập. Qua Giáo Hội, Người tiếp tục hiện diện để cứu độ, chăm sóc, dạy dỗ và ban ơn cho ta.
Người hiện diện nơi những người bé nhỏ, nghèo hèn, cô đơn, bệnh tật, bị khinh miệt, bị loại trừ, sống ngoài lề xã hội (x Mt 25, 40).
Một cách đặc biệt, Người đang đến trong Bí tích Thánh Thể. Qua Bí tích Tình Yêu này, ta được tiếp xúc trực tiếp với Người, vì Người thực sự hiện diện để hiến mình cho ta, để tỏ bày với ta một tình yêu lớn lao, mãnh liệt đến hy sinh mạng sống vì ta. (Ep 5,12).
Trong Năm Thánh, Giáo Hội mời gọi ta hãy siêng năng đến với Bí tích Thánh Thể.
Đến để múc lấy sự sống thần linh trào ra từ trái tim yêu thương bị đâm thâu vì chúng ta. Sự sống ấy tuôn đổ vào tâm hồn ta một niềm vui thanh khiết và một niềm bình an sâu xa.
Đến để kết hiệp với Đức Giêsu Kitô một cách thân mật trọn vẹn: Ta ở trong Người và Người ở trong ta. Sự kết hiệp đem đến cho ta một niềm hạnh phúc vô biên nhưng đồng thời cũng mời gọi ta vào cuộc khổ nạn để cùng được vượt qua với Người.
Đến để hưởng nếm tình yêu của Người, một tình yêu tự hiến, yêu thương, phục vụ, hy sinh đến cùng. Nơi Bí tích Thánh Thể, ta múc lấy niềm vui tự hiến, để rồi đến lượt ta ra đi hiến mình cho tha nhân.
Hãy vui lên vì Người sẽ lại đến trong vinh quang. Người là tương lai của ta, một tương lai huy hoàng và vững chắc. Người là hy vọng, là cùng đích của ta. Ơn cứu độ của ta đạt đến đỉnh điểm nơi Người, khi Người quy tụ muôn loài dưới quyền thủ lãnh của Người. (x. Ep, 1, 3 – 10).
3. SÁM HỐI – GIAO HOÀ – CANH TÂN
Để tâm hồn đón nhận được đầy tràn ơn Chúa trong Năm Thánh, ta cần có một số chuẩn bị.
Việc đầu tiên phải làm là sám hối. Vì trong quá khứ ta đã sai phạm nhiều. Có những lầm lỗi của cá nhân các tín hữu, các tu sĩ , các linh mục, các giám mục. Có những lầm lỗi tập thể của cả Giáo Hội, của từng giáo phận, của mỗi giáo xứ. Có những lầm lỗi cố tình chống lại ơn Chúa, cản trở chương trình của Chúa. Có những lầm lỗi vô tình khiến ta trở thành vật cản ơn thánh, để lỡ cơ hội đón nhận ơn Chúa cho bản thân ta và cho mọi người.
Sám hối là trở về với Chúa nhưng cũng là trở về với anh em. Phải hòa giải với anh em vì chính ta đã góp phần gây ra bất công, chia rẽ, bất hòa, khiến anh em lìa xa Chúa và Giáo Hội. Phải hòa giải với anh em vì đó là điều kiện cần thiết để hòa giải với Chúa. (x. Mt 6,14-15). Phải hòa giải với anh em vì đó là ước nguyện của Đức Giêsu Kitô trước khi từ giã cõi trần (x. Ga 17,21)
Sám hối sẽ dẫn đến đổi mới con người, đổi mới cuộc sống. Sám hối càng sâu xa, đổi mới càng mãnh liệt. Với con người mới, ta hân hoan hưởng trọn niềm vui trong tình nghĩa với Thiên Chúa là Cha và với anh em con cùng một Cha trên trời. Với con người mới, ta trút bỏ được gánh nặng quá khứ, để thanh thản bước vào thiên niên kỷ mới. Với con người mới, ta hân hoan bước vào cuộc sống mới, cuộc sống không ngừng đổi mới với ơn thánh, với tình bác ái huynh đệ, với lòng khiêm tốn, với tinh thần dấn thân phục vụ.
4. DÂN CHÚA MỪNG NĂM THÁNH
Các linh mục, tu sĩ và chủng sinh hãy vui lên. Anh chị em được Thiên Chúa mời gọi cách đặc biệt để làm việc trong cánh đồng truyền giáo của thiên niên kỷ thứ III. Thiên Chúa muốn mở đầu thiên niên kỷ bằng một năm hồng ân. Anh chị em hãy tích cực cộng tác với Người bằng cách làm chứng về tình yêu của Người, một tình yêu vô vị lợi, dấn thân, phục vụ, quên mình. Hãy ra đi khắp các nẻo đường đem hồng ân Thiên Chúa đến cho mọi người. Hãy trở nên muối men chịu vùi sâu trong âm thầm, trong hy sinh để làm đẹp cuộc đời. Hãy biến thiên niên kỷ tới thành một thời gian của tình yêu thương, tình đoàn kết, tình bác ái huynh đệ.
Các cụ cao tuổi hãy vui lên, vì một lần nữa quý cụ được diễm phúc đón nhận dồi dào ơn Chúa ban qua Năm Thánh Cứu Độ này. Một lần nữa quý cụ được cảm nghiệm tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa. Thời gian qua mau nhưng Thiên Chúa luôn bền vững: “Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một” (Dt 13,8). Quý cụ hãy bước vào Năm Thánh hăng hái mạnh dạn, như những chứng nhân về tình yêu trung thành của Thiên Chúa.
Các người cha trong gia đình, hãy vui lên! Vì Thiên Chúa đã ban cho quý ông được vinh dự phản chiếu dung nhan Người trên trần gian. Thiên Chúa là Cha nhân lành, đã muốn ban cho con cái muôn vàn ơn phúc trong Năm Thánh 2000 này – quý ông hãy giúp con cái đón nhận ân phúc của Thiên Chúa, và kiên tâm hướng dẫn con cái bước vào thiên niên kỷ mới trong sự nhận biết và niềm tin yêu đối với Cha trên trời.
Các bà mẹ hãy vui lên, vì Thiên Chúa đã dùng quý bà như chứng tá về tình yêu chăm sóc của Người đối với nhân loại. Tấm lòng từ mẫu, trái tim dịu dàng và sự kiên nhẫn hiền hòa của quý bà đã giúp bao thế hệ trẻ nên người đức hạnh. Trong ân phúc của Năm Thánh 2000, quý bà hãy tích cực cộng tác với Thiên Chúa làm cho thế giới trong thiên niên kỷ tới trở thành một thế giới chan hòa yêu thương, chan hòa tình người và sự bao dung tha thứ.
Các bạn trẻ hãy vui lên và hãy tin tưởng bước vào thiên niên kỷ mới. Hồng ân của Năm Thánh sẽ làm đẹp tuổi trẻ của các bạn. Đức Kitô chính là tuổi thanh xuân của các bạn. Hãy đến gặp Người để Người đổi mới các bạn. Hãy mở rộng tâm hồn để lắng nghe lời Người. Hãy mở rộng trái tim để Người rót vào một tình yêu mãnh liệt đượm màu vị tha, phục vụ, quên mình. Với tình yêu tươi mới của Đức Kitô, các bạn hãy mạnh dạn bước vào Năm Thánh 2000, để xây dựng một mùa xuân mới cho thế giới, một mùa xuân luôn tươi trẻ vì luôn chan chứa tình yêu.
Các em thiếu nhi hãy vui lên, vì các em là những mầm non được trồng vào thiên niên kỷ mới. Hãy đến lãnh nhận tình yêu thương và ân phúc Thiên Chúa dành riêng cho các em trong Năm Thánh này. Hãy tắm gội trong ơn thánh. Hãy nép mình vào tình yêu Thiên Chúa. Hãy chăm lo học tập và rèn luyện đạo đức, để nên giống như Đức Giêsu bé thơ càng thêm tuổi “càng thêm khôn ngoan, và nhân đức trước mặt Thiên Chúa và loài người” (Lc 3,52). Như thế, các em sẽ có thể góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp trong ngàn năm đang tới.
Anh chị em đau yếu, khổ cực, buồn phiền, bị bỏ rơi hãy vui lên, vì anh chị em là hình ảnh của Đức Giêsu Kitô trong cuộc khổ nạn. Những đau khổ anh chị em đang phải gánh chịu là hiệp thông với những đau khổ của Đức Giêsu Kitô, đem lại ơn cứu độ cho toàn thế giới. Lời cầu nguyện của anh chị em có sức mạnh đặc biệt để kéo ơn Chúa xuống cho mọi người, và những hy sinh của anh chị em góp phần tích cực vào việc truyền giáo. Anh chị em chính là đối tượng của những ơn lành trong Năm Thánh như lời Kinh Thánh: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).
5. NGỢI KHEN CHÚC TỤNG
Với tâm tình tri ân, chúng ta hãy chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa vì biết bao kỳ công Người đã thực hiện cho chúng ta. Chúc tụng ngợi khen vì kỳ công vĩ đại là Người đã sai Đức Giêsu Kitô đến với nhân loại và đã phục sinh Đức Giêsu Kitô từ trong kẻ chết. Chúc tụng ngợi khen vì chúng ta là những kỳ công của Thiên Chúa, vì Người luôn đổi mới ta, đặc biệt bằng tuôn đổ trên ta hồng ân của Năm Thánh cứu độ này.
6. TRUYỀN GIÁO
Trong niềm hân hoan vì được yêu thương và được cứu độ, ta hãy hăng hái ra đi làm chứng về tình yêu thương của Thiên Chúa.
Hãy đem Tin Mừng đến cho những người nghèo khổ, đem niềm hy vọng đến cho những người thất vọng, đem niềm tin đến cho những người chưa tin, đem niềm vui đến cho những người sầu khổ, đem tình yêu đến cho những người bị loại trừ, đem sự hòa giải đến cho những người đang thù oán, đem sự giải thoát đến cho những người bị mặc cảm, đem sự kính trọng đến cho những người bị khinh khi, đem ơn cứu độ đến cho tất cả mọi người.
7. THỰC HÀNH
Thông thường, khi đề cập đến Năm Thánh, người ta thường nghĩ đến ơn toàn xá. Thực ra ơn toàn xá chỉ là một phần thực hành của Năm Thánh. Theo những quy định của Tòa Thánh, để được hưởng ơn toàn xá, cần phải sạch tội. Nhất là phải có thái độ dứt khoát với mọi quyến luyến tội lỗi. Vì thế, cần phải xưng tội riêng. Có thể xưng tội trước ngày lãnh ân xá một tháng, nhưng chính ngày lãnh ơn toàn xá, phải rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng, như bằng chứng của sự hiệp nhất với Giáo Hội.
Đó là những điều kiện thông thường để được hưởng ơn toàn xá. Tuy nhiên, thường phải làm một việc Hội Thánh chỉ định kèm theo.
Ngày 29/11/1998 Tòa Xá Giải đã công bố những việc làm có thể giúp hưởng ơn toàn xá trong năm thánh. Đó là:
1/ Hành hương: viếng một nhà thờ hay một nơi được chỉ định
Nếu tín hữu viếng nhà thờ Chánh tòa, một nhà thờ hay một nơi Đấng Bản Quyền chỉ định, ở đó họ sốt sắng tham dự thánh lễ hoặc một cử hành phụng vụ hay một việc đạo đức nào đó (như đi Đàng Thánh Giá, chầu Thánh Thể, lần hạt, cầu nguyện), và kết thúc bằng một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng hay một lời kêu cầu dâng lên Đức Mẹ, một kinh Tin Kính hay một công thức tuyên xưng đức tin hợp pháp nào khác.
Nếu có ngăn trở bất khả kháng không thể hành hương được, tín hữu có thể viếng nhà nguyện hoặc nhà thờ tại địa phương của mình.
2/ Việc bác ái tông đồ
Thăm viếng những người đang sống trong cảnh túng nghèo quẫn bách, bệnh tật, tù đày, già cả, cô đơn, khuyết tật… là hành hương về với Đức Kitô (x. Mt 25, 34-36). Việc này có thể thực hiện bất cứ lúc nào, và mỗi lần đều được ơn toàn xá. Nhưng nên nhớ mỗi ngày chỉ có thể lãnh được một ơn toàn xá. Nên nhường những ân xá cho các linh hồn nơi luyện ngục. Đó chính là một việc bác ái đẹp lòng Chúa.
3/ Việc sám hối, hy sinh
+ Những việc sám hối, hy sinh được coi như linh hồn của Năm Toàn Xá. Đó có thể là kiêng khem trọn ngày những gì không cần thiết, hoặc giữ chay theo luật Hội Thánh.
+ Cũng có thể hy sinh bằng cách dùng một số tiền để giúp người nghèo hay đóng góp vào những công trình tôn giáo, xã hội.
+ Dùng thời giờ rảnh rỗi làm những việc có ích lợi cho cộng đồng.
Tất cả những việc ấy đều có thể giúp ta nhận được ơn toàn xá.
8. NOI GƯƠNG ĐỨC MARIA
Hãy vui lên. Lời chào chúc ấy hướng lòng ta về Đức Maria như mẫu gương về việc biết đón nhận ơn Chúa. Hai ngàn năm trước, Đức Maria đã ngoan ngoãn tuân theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, khiêm tốn phục tùng thánh ý Chúa Cha, nên đã đón nhận được tràn đầy ơn phúc và đã được đón nhận chính Đức Giêsu Kitô nguồn mạch mọi ơn phúc. Bước vào Năm Thánh, chúng ta hãy biết noi gương Người, kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu, tìm vâng phục thánh ý Chúa Cha, theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, để xứng đáng lãnh nhận những ơn rất phong phú mà Chúa muốn ban cho ta.
Xin các Thánh Tử Đạo Việt Nam giúp chúng ta sống trọn vẹn Năm Thánh cứu độ trong tình yêu mến. Xin các Ngài dâng lời cầu nguyện và các việc lành của chúng ta lên Thiên Chúa.
Kính chúc anh chị em được hưởng trọn vẹn những ơn ích do Năm Thánh đem lại và biết dùng ơn Chúa ban để hăng hái phụng sự Chúa và phục vụ đồng loại.
Nha Trang, ngày 16 tháng 10 năm 1999
Tổng Thư ký HĐGMVN Chủ tịch HĐGMVN
(đã ký) (đã ký)
+ Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng