2020
Noi gương Thánh Giuse
18 05 Tm Thứ Sáu tuần 3 MV.
Gr 23,5-8; Mt 1,18-25
NOI GƯƠNG THÁNH GIUSE
Bước vào tuần lễ cuối cùng này, lời Chúa giới thiệu cho chúng ta một mẫu gương tuyệt vời của một gia đình, đã chuẩn bị và đã đón nhận Đấng Cứu Thế, đó là gia đình của Đức Maria và Thánh Giuse. Các bài đọc hôm nay cho thấy gia đình có một vai trò đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Khi cho Con của Ngài xuống trần gian, Thiên Chúa đã không chọn bất cứ một hình thức nào khác, nhưng lại chọn cho Con của mình được sinh ra trong một gia đình. Vì gia đình là nơi an toàn nhất cho con trẻ, và cha mẹ là những người bào vệ tin tưởng nhất để Thiên Chúa gửi gắm “mầm sống” của Ngài. Giuse và Maria chính là những người được tuyển chọn cho chương trình lớn lao này, và họ đã sẵn sàng, hết mình đón nhận Đấng Cứu Thế.
Trang Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho chúng ta hình ảnh của một người chồng là Giuse vừa mới đính hôn với Maria. Thế nhưng vấn đề là: mặc dù chưa hề chung sống, nhưng Maria đã có thai. Đấy quả là một vấn đề khó xử. Nhận một bào thai không phải của mình về làm con, với tính tự ái và thể diện của một người đàn ông Á Châu, thì không dễ gì chấp nhận.
Nhưng nếu thực hiện theo pháp luật để kết án người yêu thì không đành lòng, vì Giuse chưa hiểu điều gì đã xảy ra. Thánh kinh khi giới thiệu về Giuse đã cho thấy Giuse là người công chính, tức là một người đạo đức, và ngay thẳng chính trực trong cuộc sống, ông không thể hành động thiếu suy nghĩ. Vì thế, ông đã chọn giải pháp âm thầm rút lui để cho Thiên Chúa hành động.
Thế nhưng Thiên Chúa đã muốn Giuse đi vào con đường của Chúa, quảng đại hơn nữa để đón nhận và bảo vệ mầm sống mới này và bảo vệ cả người vợ sắp cưới nữa. Chỉ bằng một điềm báo trong gấc mơ: Đừng ngại đón Maria thai nhi về nhà, thì Giuse đã không còn băn khoăn gì nữa và ông đã sẵn sàng để đón nhận Maria làm vợ và ông trở thành người cha của trẻ Giêsu, ông được vinh dự đặt tên cho đứa bé theo tên mà Sứ thần đã báo. Không chỉ được đặt tên cho trẻ Giêsu, mà Giuse còn trao tặng cho Đấng Cứu thế cả dòng dõi gia phả của mình, ông đã giữ trọn và chu toàn thật tốt nhiệm vụ làm cha làm chồng trong gia đình.
Ta thấy trình thuật truyền tin cho Thánh Giuse mở đầu bằng ý định lìa bỏ, hay đúng hơn « lui lại phía sau » (c. 18-19) và kết thúc với quyết định đón nhận (c. 24-25) ; và như thế trung tâm của trình thuật là Lời Thiên Chúa, Lời Thiên Chúa được chuyển đạt ngang qua trung gian sứ thần (c. 20-22) và Lời Thiên Chúa đến từ Kinh Thánh (c. 22-23).
Giuse tìm cách âm thầm rút lui. Ngài chứng tỏ ngài có một cảm thức sắc bén về Thiên Chúa, một lòng tôn trọng thẳm sâu đối với mầu nhiệm của Thiên Chúa và mầu nhiệm thánh ý Ngài. Người Kitô hữu được mời gọi học nơi Giuse bài học này: tôn trọng đối với các dự phóng của Thiên Chúa nơi mình và nơi kẻ khác, nhạy bén đối với sự cao cả thẳm sâu và sự hiện diện gần gũi của Ngài trong những biến cố lớn nhỏ thuộc cuộc sống hằng ngày.
Bắt đầu, ta thấy Thánh Giuse có ý định lìa bỏ (c. 18-19). Kế đến là Lời Thiên Chúa (c. 20-23). Và sau cùng đi đến quyết định đón nhận (24-25).
Mùa vọng này chính là dịp để mỗi người biết nhìn lại và điểu chỉnh nếp sống gia đình mình, hãy trả lại cho gia đình những thứ mà chính cha mẹ đã cướp đi, đó là hơi ấm, tình yêu thương, sự phục vụ, đó là sự chia sẻ lắng nghe và cảm thông. Hãy cố gắng làm cho bầu khí gia đình thêm nồng ấm bằng các giờ kinh sớm tối, qua những bữa ăn cơm chung với nhau mọi người cùng tạ ơn Chúa, cùng ăn cơm với nhau trong vui tươi hân hoan. Hãy noi gương Maria và Giuse sẵn sàng để cho Chúa đi vào tâm hồn và gia đình mình, sãn sàng quảng đại cộng tác với Chúa để phục vụ sự sống và phục vụ gia đình, đừng ngăn cản cũng đừng từ chối Ngài.
Thánh Giuse được Giáo hội ca ngợi là người trung tín và khôn ngoan. Cuộc sống của ngài là cả một cuộc đời âm thầm, khiêm nhượng. Ngài đã hoàn toàn tín thác và tin tưởng vào ý định của Chúa là cho ngài kết bạn với Đức Maria: để mẹ Maria luôn bảo vệ được sự trinh khiết, cho Ngôi Lời sinh hạ làm người dưới mái nhà Thánh gia. Ngài đã tận tình gìn giữ gia đình Nagiarét mà Chúa trao phó cho ngài coi sóc, trông nom. Ngài đã hoàn thành sứ mạng Chúa trao với tất cả lòng tin, sự hiền lành và khiêm nhượng.
Hình ảnh Giuse, dẫn dắt Maria bồng Chúa Giêsu ngồi trên lưng lừa, Giuse dắt lừa. Cả người, cả lừa xuyên qua màn đêm đen đến vầng đông sáng ngời, tuy chân có mỏi và lòng có xao xuyến, chen lẫn sợ hãi nhưng Giuse vẫn bước đi. Tuy thử thách còn nặng nề nhưng thánh Giuse vẫn chiến đấu và đi trong thánh ý của Thiên Chúa.
Noi gương thánh Giuse, chúng ta sống lòng tin, trung tín, khiêm tốn, sự hiền lành chu toàn bổn phận trong âm thầm như những hạt giống được gieo sẽ nảy mầm…
2020
Thứ Năm sau Chúa Nhật III Mùa Vọng Ngày 17 tháng Mười Hai
Thứ Năm sau Chúa Nhật III Mùa Vọng
Ngày 17 tháng Mười Hai
Ca nhập lễ
Is 49,13
Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng,
vì Chúa chúng ta sẽ ngự đến
và xót thương dân nghèo khó của Người.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa là Ðấng tạo thành và cứu chuộc nhân loại, Chúa đã muốn Ngôi Lời mặc lấy xác phàm trong lòng Ðức Trinh Nữ Maria. Giờ đây, xin nhận lời chúng con cầu khẩn; ước gì Con Một Chúa đã làm người như chúng con, cũng cho chúng con được làm con Chúa như Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài đọc 1
St 49,2.8-10
Vương trượng sẽ không rời khỏi Giu-đa.
Bài trích sách Sáng thế.
2 Hồi đó, ông Gia-cóp gọi các con trai lại và nói :
“Hỡi các con của Gia-cóp,
hãy tụ tập lại mà nghe,
hãy nghe Ít-ra-en, cha các con.
8Giu-đa, con sẽ được anh em con ca tụng,
tay con sẽ đặt trên ót các địch thù,
anh em cùng cha với con sẽ sụp xuống lạy con.
9Giu-đa là sư tử con. Con ơi, săn mồi xong con lại trở về.
Nó quỳ xuống, nằm phục như sư tử
và như sư tử cái : ai sẽ làm cho nó đứng dậy ?
10Vương trượng sẽ không rời khỏi Giu-đa,
gậy chỉ huy sẽ không lìa đầu gối nó,
cho tới khi người làm chủ vương trượng đến,
người mà muôn dân phải vâng phục.”
Đáp ca
Tv 71,1-2.3-4ab.7-8.17 (Đ. x. c.7)
Đ.Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị đến muôn đời.
1Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,
2để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.
Đ.Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị đến muôn đời.
3Núi đem lại cảnh hoà bình trăm họ,
đồi rước về nền công lý vạn dân.
4abNgười sẽ bảo toàn quyền lợi dân cùng khổ,
ra tay cứu độ kẻ khó nghèo.
Đ.Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị đến muôn đời.
7Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị
tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.
8Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.
Đ.Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị đến muôn đời.
17Danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ,
nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời.
Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành,
và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc.
Đ.Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị đến muôn đời.
Tung hô Tin Mừng
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Ngôi Lời khôn ngoan của Đấng Tối Cao, Ngài an bài mọi sự, mạnh mẽ nhưng dịu dàng. Xin đến mà chỉ dạy đường khôn ngoan cho chúng con. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Mt 1,1-17
Gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít.
Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu ông Áp-ra-ham :
2 Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác ; I-xa-ác sinh Gia-cóp ; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này ; 3 Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác ; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron ; Khét-xơ-ron sinh A-ram ; 4 A-ram sinh Am-mi-na-đáp ; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son ; Nác-son sinh Xan-môn ; 5 Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át ; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết ; Ô-vết sinh Gie-sê ; 6 Gie-sê sinh Đa-vít.
Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn ; 7 Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am ; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia ; A-vi-gia sinh A-xa ; 8 A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát ; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram ; Giô-ram sinh Út-di-gia ; 9 Út-di-gia sinh Gio-tham ; Gio-tham sinh A-khát ; A-khát sinh Khít-ki-gia ; 10 Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se ; Mơ-na-se sinh A-môn ; A-môn sinh Giô-si-gia ; 11 Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này ; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.
12 Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên ; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven ; 13 Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút ; A-vi-hút sinh En-gia-kim ; En-gia-kim sinh A-do ; 14 A-do sinh Xa-đốc ; Xa-đốc sinh A-khin ; A-khin sinh Ê-li-hút ; 15 Ê-li-hút sinh E-la-da ; E-la-da sinh Mát-than ; Mát-than sinh Gia-cóp ; 16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.
17 Như thế, tính chung lại thì : từ ông Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời ; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời ; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, đây là lễ vật của cộng đoàn chúng con: nguyện xin Chúa thánh hoá và khi chúng con cử hành thánh lễ này xin cho chúng con được bánh bởi trời bồi dưỡng. Chúng con cầu xin …
Lời Tiền Tụng Mùa Vọng II
Ðọc trong các thánh lễ mùa vọng từ ngày 17-24/12
X: Chúa ở cùng anh chị em.
Ð: Và ở cùng Cha.
X: Hãy nâng tâm hồn lên.
Ð: Chúng con đang hướng về Chúa.
X: Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta.
Ð: Thật là chính đáng.
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Người là Ðấng các tiên tri loan báo, Ðức Mẹ đồng trinh đã cưu mang với tình yêu khôn tả, thánh Gio-an đã loan tin sắp đến/ và chỉ cho thấy khi Người xuất hiện. Người là Ðấng làm cho chúng con hân hoan đón nhận mầu nhiệm Giáng Sinh; để khi Người đến sẽ thấy chúng con đang tỉnh thức và hân hoan ca tụng Người.
Vì thế cùng với các Thiên thần và tổng lãnh thiên thần, các Bệ thần và Quản thần, cùng toàn thể đạo binh thiên quốc, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con vừa được no đầy hồng ân Thánh Thể, xin cho lòng chúng con hằng khát mong được cháy lửa yêu mến của Thánh Thần, để chúng con rực sáng như ngọn đèn chói lọi và đón mừng Ðức Kitô Con Một Chúa quang lâm. Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Ca hiệp lễ
- Kg 2,8
Này Đấng muôn dân trông đợi sẽ đến
và Nhà Chúa sẽ tràn ngập vinh quang.
2020
Đồng thân đồng phận
17 04 Tm Thứ Năm tuần 3 MV.
St 49,2.8-10; Mt 1,1-17
ĐỒNG THÂN ĐỒNG PHẬN
Ðể ứng nghiệm Lời Chúa hứa ban ơn cứu chuộc sau khi Adam và Eva tổ tiên con người phạm tội, Kinh Thánh đã có câu: „Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta“.
Thánh Mátthêu đã sắp xếp gia phả của Chúa Giêsu cho chúng ta tìm thấy ý nghĩa của con số bảy. Mỗi một chuỗi tên đầu toàn hảo, hoàn toàn: Chuỗi của Áp-ra-ham, chuỗi các thẩm phán, chuỗi các vua. Đức Giêsu đứng đầu chuỗi thứ bảy là chuỗi hoàn hảo trọn vẹn, Người đến làm hoàn hảo lịch sử tôn giáo của dân tộc được tuyển chọn, Người đến khởi đầu một thời đại mới đầy hứa hẹn tốt hơn, hoàn toàn hoàn hảo.
Thánh Matthêu đã kể lại gia phả của Chúa Giêsu để gợi lên cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa đã chuẩn bị chương trình cứu rỗi của Ngài trải qua dòng thời gian rất lâu dài, chu đáo và kỹ lưỡng. Thiên Chúa đã chọn tổ phụ Abraham là mẫu gương cho những ai tin Ngài và Abraham được gọi là cha các kẻ tin.
Khi nghe gia phả Đức Giêsu, chúng ta thấy khi chọn con số 14 để chia gia phả làm ba giai đoạn bằng nhau, Matthêu gợi lên sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Số 3 và số 7 là hai con số đạo đức được coi là biểu tượng của sự hoàn chỉnh; 14 là hai lần 7; ba chuổi 14 diễn tả sự đều đặn kỳ diệu trong lịch sử Apraham đến Chúa Giêsu. Sau những hàng chữ khô khan của bản kê khai ấy, ta thấy được cả một lịch sử yêu thương của Thiên Chúa đối với dân người và đối với tất cả nhân loại.
Hơn nữa, Chúa Giêsu tuy sinh ra sau cùng nhưng Ngài lại đứng đầu. Điều này chứng tỏ Ngài là cùng đích của lịch sử, và như thế ơn cứu chuộc của Thiên Chúa chảy ra trên mọi dân tộc chứ không dành riêng cho một hạng người nào. Đây cũng là đặc điểm của Giáo hội Công giáo. Chúng ta hãy trung thành theo Chúa để hưởng ơn cứu chuộc của Chúa ban cho từng người chúng ta qua dòng lịch sử.
Tin mừng hôm nay đề cập đến ba danh hiệu trọng đại: Abraham, Davít, Giêsu. Abraham là người đã lãnh nhận lời hứa và đức tin để trở thành cha của những kẻ tin. Davít là người đã nhân danh Chúa các đạo binh chiến đấu cho Đấng Tối cao và biến Yêrusalem nên thành trì Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Đấng đã đích thân thực hiện mọi lời hứa, hình thành một dân tộc ưu tú gồm những kẻ tin vào Ngài, chiến thắng quân thù thiêng liêng của Thiên Chúa, xây đắp Yêrusalem mới và vương quốc thiêng liêng.
Qua việc Ngôi Lời Nhập thể làm người, Thiên Chúa đã hạ mình xuống giữa nhân loại, mang lấy giòng lịch sử và quá khứ của nhân loại cũng như thừa kế gia tài qua các thế hệ. Đó là bản lý lịch chính thức.
Xét theo máu mủ, Ngài sinh ra từ dòng dõi Davít, thuộc về một dân tộc, trong đó không thiếu những bậc tổ tiên là người tội lỗi và người ngoại giáo, như Davít, Salomon, Tamar, Rahab, Bethsabê, Ruth. Đó là những yếu tố rất tầm thường, nhưng đã được Thiên Chúa dùng để thực hiện chương trình của Ngài, vì Thiên Chúa đã hứa và trung thành hoàn tất lời hứa.
Trong cuộc đời của bốn người phụ nữ, bạn đồng hội đồng thuyền của Đức Maria, có một điều gì đó bất thường. Bốn bà là dân ngoại tộc, các bà đã sinh con của mình bên ngoài các quy luật bình thường và không tương ứng với những Quy Luật của đức khiết tịnh vào thời của Chúa Giêsu.
Bà Tamar, người Canaan, một góa phụ, bà giả dạng thành một cô gái mãi dâm để bắt buộc Tổ Phụ nhà Giuđa phải trung thành với Lề Luật, phải làm nhiệm vụ của mình và cho bà ta một người con trai (St 28:1-30).
Bà Raháb, một người phụ nữ Canaan từ thành Giêricô, là một cô gái điếm, người đã giúp cho dân Do Thái bước vào Miền Đất Hứa (Ys 2:1-21).
Bà Rút, một người phụ nữ Môáp, bá góa nghèo, đã chọn đi theo bà Naomi và tuân theo các lề luật của Dân Chúa (Rt 1:16-18). Bà đã chủ động bắt chước bà Tamar và đi nghỉ đêm bên cạnh đống lúa, cùng với ông Bôát, bắt buộc ông tuân giữ Lề Luật và cho bà một đứa con. Từ mối quan hệ giữa hai người, ông Ôbéd đã được sinh ra, là tổ phụ của vua Đavít (Rt 3:1-15; 4:13-17).
Bà Bátshêba, người Hêtít, vợ của ông Uria, đã bị du dỗ, bị cưỡng bức và bà đã mang thai với vua Đavít, nhà vua lại còn ra lệnh cho chồng của người phụ nữ này phải chết (2Sm 11:1-27). Phương cách hành xử của bốn người phụ nữ này không phù hợp với quy tắc truyền thống.
Trong khi đó, đây là những sáng kiến, thực sự bất thường, đã làm liên tục dòng dõi của Chúa Giêsu và dẫn đưa tất cả mọi người đến ơn cứu rỗi của Thiên Chúa. Tất cả điều này khiến cho chúng ta suy nghĩ và thách đố chúng ta khi chúng ta đặt quá nhiều giá trị vào sự cứng nhắc của các quy luật.
Bài tính về ba lần của mười bốn thế hệ (Mt 1, 17) có một ý nghĩa tượng trưng. Số ba là con số của Thiên Chúa. Số mười bốn là số bảy nhân đôi. Số bảy là số hoàn hảo. Bằng biểu tượng này, thánh Mátthêu thể hiện niềm tin của các Kitô hữu tiên khởi vào Chúa Giêsu, Đấng xuất hiện theo tiến trình thời gian thành lập bởi Thiên Chúa. Với lịch sử sắp đến của Ngài tiến tới sự phong phú và viên mãn của nó.
Bên trong bản gia phả khô khan, đã hàm ngụ một Tin mừng “Thiên Chúa đã nhập thể trong Đức Kitô” bất chấp những khiếm khuyết và tội lỗi của nhân loại. Bài mở đầu Tin mừng Mathêu còn gây cho ta một xác tín: Thiên Chúa có thể nhìn đến và sử dụng chúng ta, không gì có thể cưỡng lại được ý định của Ngài, dù đó là quá khứ đen tối hay sự bất toàn của chúng ta.
Bởi vì trong Đức Kitô, Đấng được xức dầu của Thiên Chúa, những gì hèn hạ đã trở nên cao trọng, những gì xấu xa được thanh tẩy, những gì vô nghĩa mặc một giá trị, và những gì trần tục sẽ được thần linh hoá.
Gia phả của Chúa Giêsu hướng chúng ta trở về nguồn gốc của Kitô giáo, đó là: chúng ta là dòng dõi của Đức Kitô, chúng ta chuẩn bị thời đại cuối cùng, thời đại biểu lộ toàn vẹn, chúng ta sửa soạn một lễ Noel cuối cùng: Đấng sẽ là tất cả trong mọi sự, hiện diện ở mọi tạo vật.
2020
Đừng ganh tỵ
14 1/11 Tr Thứ Hai tuần 3 MV.
Thánh Gioan Thánh Giá, Lmtsht.
Lễ nhớ. Ds 24,2-7.15-17a; Mt 21,23-27
ĐỪNG GANH TỴ
Thánh Gioan Thánh Giá sinh tại nước Tây Ban Nha miền Fontibéros vào năm 1542 trong một gia đình nghèo. Chính vì thế, Ngài đã trải qua tuổi niên thiếu lao đao, vất vả vì thánh nhân phải làm lụng, lao động cực nhọc. Năm 1563, thánh nhân tận hiến cho Chúa trong dòng kín Carmêlô. Thiên Chúa đã dùng Ngài vào công việc mở mang, cải tổ dòng carmêlô. Vì thế trước ngày lãnh sứ vụ linh mục vào năm 1567, Chúa đã xếp đặt cho Ngài gặp gỡ thánh Têrêsa cả, một cuộc gặp gỡ thánh, cuộc gặp gỡ kỳ diệu, quyết định cả hướng đi cho cuộc đời mục vụ của Ngài sau này.
Thánh Gioan Thánh Giá đã cộng tác với thánh Têrêsa cả trong công cuộc cải cách dòng Carmêlô, đưa dòng về tuân giữ những qui chế đầu tiên của vị sáng lập dòng Carmêlô. Ngài đã cùng thánh nữ Têrêsa đưa dòng Carmêlô tới chỗ hoàn thiện mỗi ngày một hơn cho tới khi thánh nữ Têrêsa cả qua đời vào năm 1582.
Thánh Gioan Thánh Giá đã cùng hai người bạn cùng lý tưởng tìm đến và sống trong túp lều tồi tàn, không ra gì tại Duruelo nước Tây Ban Nha. Mọi người trong nhà dòng đều chống đối cuộc cải cách của các Ngài. Thánh nhân bị giam tại một căn phòng tại Tolède vào năm 1577, chỉ chín tháng sau đó, thánh nhân đã trốn thoát khỏi nơi Ngài bị giam cầm. Thời gian này với ơn Chúa, với sự tác động của Chúa Thánh Thần, thánh nhân đã sáng tác nhiều bài thơ thần bí rất có giá trị. Tuy nhiên, Chúa luôn có con đường của Ngài, ý của Ngài khác với sự suy nghĩ của con người.Cuộc cải cách của thánh nhân và các bạn được chấp thuận, thánh Gioan thánh giá được trao cho nhiều chức vụ quan trọng trong dòng.
Khi đã trở thành tu sĩ dòng kín Carmêlô, người môn đệ của Chúa tiếp tục đón nhận những thánh giá mới. Ngài sống rất khó khăn gian khổ, thực tế và cụ thể, trong việc cải cách dòng với biết bao nhiêu khó khăn chống đối, cũng như trong nhiệm vụ Bề trên tỉnh dòng, hay bị các tu sĩ khác giam tù, bị sỉ vả và hành hạ. Nhưng chính trong những lúc khổ đau khốn khó đó thánh nhân đã viết ra các tác phẩm đẹp nhất. Đó là những sách chỉ dẫn cách sống thân mật với Thiên Chúa. Những lúc như vậy, Thánh Gioan Thánh Giá nài xin Thiên Chúa vui nhận những đau khổ ngài chịu hàng ngày vì lòng yêu mến Đức Chúa Giêsu.
Quả thật, khi tin rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương và để cho Thiên Chúa yêu thương chúng ta trong Đức Kitô Giêsu thì ánh sáng đức tin ấy sẽ giúp chúng ta vác gánh nặng mỗi ngày.
Khi những cơn bão khó khăn qua đi, Đức Chúa Giêsu đã ân thưởng cho đầy tớ trung thành của Người. Đức Giáo Hoàng Clement X tôn phong Chân phước cho cha Gioan vào ngày 25 tháng 01 năm 1675, và Đức Giáo Hoàng Benedictus XIII đã nâng ngài lên bậc Hiển thánh ngày 27 tháng 12 năm 1726. Đức Giáo Hoàng Pius XI đã tuyên xưng cha Gioan Thánh Giá là Tiến sĩ Hội Thánh vào ngày 24 tháng 8 năm 1926.
Vào thời Chúa Giêsu, ta thấy thượng tế và kỳ mục Do thái khi thấy Chúa Giêsu làm được những việc phi thường, họ ghen tức tiến đến có ý để gài bẫy, họ hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” Chúa Giêsu không trả lời vào câu hỏi nhưng chất vấn ngược lại: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” Tất cả các thượng tế và kỳ mục đều né tránh và không dám trả lời. Họ biết rõ quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa nhưng vì kiêu căng và ích kỷ khiến con mắt họ mù quáng, con tim họ lạnh lùng khép kín.
Câu hỏi của Chúa Giêsu nhằm nhắc nhở những người cứng lòng tin biết khiêm tốn nhìn nhận quyền năng của Thiên Chúa. Trong lịch sử cứu độ, ông Gioan là nhân vật đầu tiên của Tân ước, là nhịp cầu nối giữa Giao ước cũ và Giao ước mới. Gioan có vai trò đặc biệt quan trọng, là vị tiền hô đến trước để dọn đường cho Chúa, ông chính là “phông nền” làm nổi bật chân dung của Đấng Mêsia. Ông Gioan có mối liên hệ sâu sắc trong sự mặc khải về căn tính của Chúa Giêsu trước hết qua bà Êlisabét và qua phép rửa nơi dòng sông Giođan.Ông đến trước chuẩn bị lòng dân sám hối, làm phép rửa bằng nước để họ đón nhận ơn cứu độ. Sau khi hoàn thành sứ mạng, ông Gioan liền lui vào bóng tối để choánh sáng Đức Giêsu xuất hiện.
Dân Do thái xưa đã trải qua hàng ngàn năm cơ cực sống kiếp lưu đày trên phần đất của dân ngoại. Mang thân phận nô lệ, họ phải cúi đầu gánh chịu những luật lệ hà khắc của đế quốc. Vì thế họ khát khao sớm được giải thoát và thiết tha khẩn cầu “Lạy Đức Chúa là Đấng Cứu Chuộc chúng con, xin Ngài mau trở lại. Xin Ngài xé trời mà ngự xuống cho núi non rung chuyển trước thánh nhan”. Thế nhưng khi Đấng Mêsia xuất hiện họ lại không nhận ra Người. Họ cầu mong một Đấng Mêsia theo nghĩa trần gian. Đấng ấy phải có đầy sức mạnh, đánh đông dẹp tây thu phục thiên hạ bá tánh. Vì thế khi đối diện với một Đức Giêsu nghèo hèn khiêm tốn, một con người quảng đại yêu thương người nghèo khổ thì họ không tin nhận.
Thái độ cứng tin của những thượng tế và kỳ mục Do thái vẫn tồn tại trong cuộc sống hôm nay. Biết bao lần chúng ta cũng cầu mong Chúa đến giải thoát khỏi gánh nặng của phận người yếu đuối tội lỗi. Đáng tiếc khi Chúa đến chúng ta cũng không nhận ra. Đó là vì chúng ta thiếu niềm tin và lòng yêu mến. Niềm tin là điều cần thiết giúp chúng ta nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa. Người sống không niềm tin chẳng khác nào con thuyền trôi lênh đênh trên biển lớn không biết đâu là bến bờ. Muốn đi tới đích người ta phải chọn cho mình một hướng đi đúng và phải tin tưởng đó là đích đến của hành trình.
Thật thế, ta thấy rằng niềm tin như ngọn hải đăng soi cho người lữ khách tiến bước mà không sợ lạc lối. Con người có thể sống thiếu cơm thiếu áo nhưng không thể sống nếu thiếu niềm tin. Cuộc đời con người là một hành trình dài ra đi và trở về. Ra đi là để trở về với cội nguồn, với bản chất nguyên sơ của chính mình. Con người phát xuất từ Thiên Chúa và phải trở về với Thiên Chúa. Trong cuộc đi và về ấy đều phải có niềm tin dẫn dắt, nếu không chúng ta sẽ chẳng đạt được ước nguyện của cuộc đời mình.
Đọc lại Kinh Thánh, chúng ta thấy ông Abraham đã được Chúa gọi ra đi. Trong hành trình ấy, ông đã được Thiên Chúa mở cho nhiều lối, đó là lối về với chính mình và lối gặp gỡ Thiên Chúa. Ra đi ông mới thấy liều lĩnh, mạo hiểm lao mình về phía trước, dám đánh đổi vận mệnh của cả một dân tộc đi theo lời Chúa hứa. Nhờ niềm tin, Abraham ra đi bỏ lại sau lưng tất cả cơ nghiệp ruộng đất để ông được lớn lên, già dặn với gió sương và trưởng thành trong chọn lựa.
Cũng nhờ vào lòng tin tưởng và phó thác, Abraham đã gặp gỡ được chính Thiên Chúa, trái tim ông được đổi mới và thêm can trường trước mọi thử thách, trước viễn cảnh tương lai mờ mịt. Nhờ niềm tin ông đã đi từ chỗ hữu hạn đến nơi vô hạn, đi từ không đến có, từ bấp bênh đến vững bền trong giao ước để rồi không ngần ngại dâng cho Chúa đứa con trai nhỏ duy nhất. Đức tin đã làm cho Abraham can đảm để ra đi, khiêm tốn để phục vụ, an bình để từ bỏ, nhẫn nại để chịu đựng, hy vọng để phó thác và đạt đến hạnh phúc đích thực.
Bên cạnh niềm tin, đức mến ví như một thứ men giúp ngọn lửa nhiệt thành của chúng ta luôn cháy sáng và bền bỉ qua mọi khó khăn thử thách. Chúng ta dễ dàng theo Chúa khi cuộc sống thuận buồm xuôi gió êm chèo mát mái nhưng sẵn sàng từ chối Chúa khi gặp cuồng phong bão tố. Con người chúng ta luôn bị tác động bởi ngoại cảnh và dễ bị lôi cuốn bởi vẻ hào nhoáng của thế gian.
Vì thế chúng ta phải xác tín vững vàng và phải dựa vào ân sủng của Chúa để tiến bước. Chúa vẫn song hành với chúng ta trên mọi nẻo đường nhưng chúng ta không nhận ra. Chúng ta chỉ biết đặt ra những câu hỏi nhưng lại không tìm sự thinh lặng để lắng nghe câu trả lời. Đôi lúc Thiên Chúa không trả lời một cách hiển nhiên nhưng gián tiếp qua những biến cố, qua Giáo hội và các bí tích. Để nhận ra những mặc khải của Thiên Chúa, chúng ta phải có lòng khát khao và khiêm tốn thực sự. Ước gì chúng ta biết mở lòng ra trước những mặc khải của Thiên Chúa.