2020
Vua đời ta
22/11/2020
Chúa Nhật Tuần XXXIV Mùa Thường Niên Năm A
VUA ĐỜI TA
Chúa nhật 34 là Chúa nhật lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, đồng thời cũng là Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ. Giáo hội hướng chúng ta về ngày chung cuộc của con người và toàn thể vũ trụ. Đó chính là ngày Tận thế. Trong ngày đó, mỗi người sẽ phải đối diện với cuộc phán xét chung do chính Vua Giêsu làm Thẩm Phán.
Chúa Giêsu Vua – Thẩm Phán sẽ tái lâm vào ngày tận thế và sẽ ngồi trên ngai vinh hiển mà xét xử muôn dân. Người tách biệt người lành khỏi kẻ dữ như mục tử tách biệt chiên khỏi dê vào mỗi buổi tối khi đưa chúng vào chuồng. Người thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ cách công minh. Ngày nay Vua Giê-su đang hiện thân nơi những kẻ nghèo khổ khốn cùng. Người tự đồng hóa mình với những kẻ đói khát, khách lạ, trần trụi, đau yếu hay ở tù mà chúng ta thường gặp mỗi ngày.
Vào ngày phán xét, Chúa sẽ hỏi mỗi người chúng ta về đời sống đạo (x. Ga 18, 37), về lòng hối cải (x. Mt 12, 41), về việc đón tiếp các đại diện của Chúa (x. Mt 10, 41). Những việc bác ái hy sinh vì Chúa là những hoa trái của đời sống Tin Cậy Mến, là những của lễ đẹp lòng Chúa hơn hết. Do đó, ngay từ bây giờ, chúng ta hãy chỉnh đốn lại cách đối xử của ta đối với tha nhân, nhất là những kẻ đang cần ta giúp đỡ vật chất cũng như tinh thần, mỗi người chúng ta hãy sống thật đúng với lời Chúa dạy, lo làm các việc lành phúc đức và trung thành giữ giới răn Chúa cho đến cùng.
Trong Tin mừng Gioan, Chúa Giêsu nói khá nhiều về ‘sự thật’. Ngài mặc khải tiệm tiến về Vương quốc mà chính Ngài sẽ khai mở. Khi nói chuyện với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp, Chúa Giêsu đã vén mở một nền phụng tự mới trong Vương quốc ấy: “ Thiên Chúa là Thần khí và những kẻ thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong Thần khí và sự thật” (Ga 4, 24). Cũng vậy trong bữa tiệc ly để giã từ các môn sinh, Chúa Giêsu đã nói với Tôma: “ Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6 ).
Chúa Giêsu sẽ ra đi, tiến nhận cái chết và khai lập vương quốc của chân lý. Đồng thời Ngài cũng chính là sự thật, là con đường dẫn đưa chúng ta đi vào vương quốc ấy để chúng ta được sống và sống dồi dào (Ga 10, 10). Đối diện trước Philatô, Chúa đã khẳng quyết căn tính của Ngài, nhưng chắc chắn Philatô không hiểu nổi vì ông ta không ở trong quỹ đạo Nước Trời. “Nước tôi không thuộc thế gian này”(c 36). Tuy nhiên, chính Philatô đã cho treo một tấm bảng đóng trên Thập giá với hàng chữ :‘Giêsu Nazareth, vua Israel’. Có lẽ đây không phải là một sự tình cờ, song Thiên Chúa đã định liệu và sử dụng một ông quan ngoại giáo để công bố cho cả thế giới biết Chúa Giêsu chính là Vua đích thật. Tuy nhiên chúng ta cần suy tư sâu xa hơn để tìm hiểu xem, trong vương quốc sự thật ấy, Chúa đã hành xử vương quyền như thế nào?
Chúa Giêsu quả là một vị Vua rất khác người, chẳng giống ai. Vương miện của Ngài là một vòng gai thấm máu đầy nhục nhã. Cẩm bào Ngài khoác chỉ là một tấm thân trần trụi bị treo thân vào khổ giá như một tên tử tội. Ngai vàng cao sang của Ngài là chỗ chuyên để hành quyết những tên cướp đáng sợ. Ngài đã đi xuống tận đáy bùn đen của xã hội loài người, bị đầy đọa, bị chửi rủa, bị khinh miệt và cuối cùng bị giết chết. Vương quốc Nước Trời mà Ngài nói tới là một Vương quốc đảo lộn mọi bậc thang giá trị mà con người vẫn thường đặt định. Sống trong Vương quốc đó, ‘ ai làm lớn nhất phải trở nên người bé nhất’ . Chính Ngài là một vị Vua cai trị theo một cung cách khác thường, đó là “ Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến ban sự sống cho nhiều người” (Mc 10,45).
Philatô không hiểu là phải, bởi vì ông chưa làm ‘thẻ chứng minh nhân dân’ để trở thành công dân của một vương quốc xem ra có vẻ quái chiêu và nghịch thường đến như vậy. Nói tắt một lời, Vương quốc mà Chúa Giêsu thiết lập chính là Vương quốc của tình yêu. Đó không phải là một quốc gia hùng mạnh về quân sự, về dầu hỏa, về đôla hay về khí tài. Vương quốc của Đức Giêsu là Vương quốc tình yêu. Chỉ sống trong tình yêu chúng ta mới có được thẻ ID, thẻ căn cước để vào Nước Trời, nước của Ngài.
Dù đã được Chúa Cha tôn lên làm “Chúa” mọi loài, nhưng Đức Giê-su không ngại nhận những kẻ nghèo khó yếu đuối chính là anh chị em của mình. Từ đây, không những Người hiện diện trong bí tích Thánh Thể, trong Lời hằng sống, giữa Cộng đòan… mà Người còn hiện thân trong những người đau khổ nghèo khó bệnh tật cần được trợ giúp. Có những lần chúng ta đã gặp Chúa mà không nhận ra Người, thậm chí còn đối xử tàn nhẫn với Người. Sau này chúng ta sẽ bị xét xử về thái độ đối với những kẻ nghèo đói bất hạnh. Tội lớn nhất có lẽ là tội không chu tòan nhiệm vụ sống tình yêu thương.
Vương quốc của Đức Kitô chính là vương quốc của tình yêu. Giáo Hội tôn vinh Đức Kitô là Vua, nhưng Ngài không muốn ngự trên ngai vàng để mọi người bái phục, nhưng Ngài đã đến phục vụ những kẻ hèn và đồng hoá mình với họ. Vua Giêsu của chúng ta không đến với chúng ta bằng dáng vẻ oai phong như các vua trần gian, nhưng Ngài khiêm tốn đến với chúng ta nơi bàn thờ trong hình thức hết sức nhỏ bé để chúng ta gần gũi với Ngài hơn. Sau khi lãnh nhận Ngài, chúng ta có thể nhận ra Ngài rõ rệt hơn nơi anh em, và yêu mến Ngài trong anh em chúng ta hơn.
Mỗi người cho nhau điểm tựa yêu thương, ta hướng tâm hồn lên cao là “đường về Vương Quốc Tình Yêu”duy nhất, không thể là đà trong những con đường dục vọng thấp hèn không có lối thoát ở trần gian.
2020
Dâng mình cho Chúa như Mẹ
21 07 Tr Thứ Bảy tuần 33 Mùa TN.
Lễ Đức Mẹ dâng mình trong Đền Thờ.
Lễ nhớ. Kh 11,4-12; Lc 20,27-40
DÂNG MÌNH CHO CHÚA NHƯ MẸ
Hôm nay Hội thánh mừng ngày kỷ niệm Đức Mẹ dâng mình đó. Lễ này mới được Hội thánh công nhận và phổ biến rộng khắp vào thế kỷ 14. Việc Đức Mẹ dâng mình chắc chắn rất đẹp lòng Chúa, vì ngài đã được Vô nhiễm nguyên tội ngay từ buổi đầu thai, vì Chúa đã định chọn Mẹ cưu mang và sinh Con của Ngài. Và Mẹ đã dâng mình cách trọn vẹn, trọn hảo.
Không phải vô duyên vô cớ mà Hội Thánh tôn vinh sự kiện Đức Trinh Nữ rất thánh dâng mình trong Đền thờ bằng một ngày lễ. Bởi vì chính trong ngày nầy mà Đức Trinh Nữ đã dâng mình cho Thiên Chúa, để hoàn toàn thuộc về Người suốt đời, ngõ hầu không chỉ xa lánh sự đồi trụy của thế gian, Trinh Nữ còn loại bỏ khỏi tâm trí người mọi lo toan với những tư tưởng vô ích của thế gian, và loại khỏi lòng người cảm tình đối với tạo vật, vì lòng người được dựng nên chỉ để yêu Chúa và dâng trọn cho Chúa mà thôi. Vì thế, trong ngày thánh nầy, được Thiên Chúa ban cho không những ân sủng mà còn cả trí hiểu biết, cho nên dù tuổi còn rất trẻ, Trinh Nữ đã khấn sống khiết tịnh suốt đời, theo niềm tin truyền thống dựa trên tường trình của một tác giả đạo đức thời xưa. Theo lời thánh Gioan Damascène, (Trinh Nữ đã khấn như thế) để gìn giữ linh hồn mình trong sự thanh khiết, một khi thân xác người thoát khỏi mọi lạc thú của đời sống nầy.
Theo truyền thống của Giáo Hội, khi còn thanh xuân, Đức Ma-ri-a đã có ý hướng dâng trọn cả cuộc đời mình để phụng sự Thiên Chúa đặc biệt trong bậc sống độc thân và đồng trinh. Nghĩa là Mẹ muốn dâng trọn cả hồn và xác cho Thiên Chúa, để hoàn toàn tự do hầu tuân hành thánh ý Chúa một cách trọn vẹn. Mẹ muốn trở nên dụng cụ ngoan ngùy trong tay Thiên Chúa, để Ngài muốn sử dụng mình thế nào tùy ý Ngài. Như thế Mẹ Ma-ri-a đã chọn Thiên Chúa làm lẽ sống, làm chủ cuộc đời mình, dâng trọn tình yêu và trái tim cho Ngài. Chính trong ý hướng đó, Thiên Chúa chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế.
Trước hết, theo truyền thuyết thì năm lên ba, Mẹ đã theo cha mẹ lên đền thờ, rồi ở lại đó một thời gian. Trong thời gian này, Mẹ đã học hỏi Kinh thánh, tập luyện các nhân đức và khấn giữ mình đồng trinh, một nhân đức rất hiếm người Do thái hiểu và giữ lúc bấy giờ. Mẹ đã dâng hiến trọn vẹn tâm hồn và thể xác cho Thiên Chúa.
Tiếp đến trong hoạt cảnh truyền tin, Mẹ đã dâng hiến cõi lòng của Mẹ, làm thành như một chiếc nôi hồng cho Ngôi Lời giáng thế. Và hôm nay, Mẹ đã dâng hiến người con yêu dấu của Mẹ cho Thiên Chúa theo như lề luật qui định, để rồi sự dâng hiến này đạt tới cao điểm của nó trên đỉnh đồi Canvê, khi Mẹ đứng dưới chân cây thập giá nhìn Chúa chịu sát tế làm của lễ đền tội cho nhân loại.
Mẹ Maria đã được thánh Gioankim và thánh Anna đem dâng cho Thiên Chúa trong đền thánh Giêrusalem, để cuộc đời của Người được thánh hiến. Chính giây phút cha mẹ của Đức Trinh Nữ Maria đem con mình là Maria vào đền thánh Giêrusalem để được Thiên Chúa thánh hiến. Maria đã hoàn toàn thuộc trọn về Chúa. Mẹ đã được Thiên chúa chuẩn bị để lãnh nhận sứ mạng hết sức cao cả là trở thành Mẹ Đức Giêsu Kitô. Giây phút ấy trở thành hồng phúc vì chính Thiên Chúa đã biến cuộc đời của mẹ trở nên tinh ròng, vẹn tuyền khiến cung lòng của mẹ là đền thờ cho Đức Giêsu Kitô ngự trị.
Nơi đền thánh Giêrusalem, mẹ Maria đã thực hành biết bao hy sinh, biết bao cố gắng, biết bao gian khổ với một tâm hồn quảng đại, với con tim nhạy cảm, với con mắt yêu thương. Một quá trình xuyên suốt sống trong đền thánh, mẹ Maria đã thực hành biết bao nhiêu nhân đức, những nhân đức anh hùng trổi vượt nhất đã biến mẹ nên con người hoàn hảo nhất để dọn đường, dọn chức vụ mẹ Thiên Chúa của Đức trinh nữ Maria. Mẹ âm thầm cầu nguyện, kết hiệp với Chúa, làm việc nội trợ, chân tay, rồi cầu nguyện, suy gẫm lời Chúa. Đó là chương trình sống của mẹ trong ngày. Sự hy sinh, từ bỏ, kiên nhẫn đã thanh luyện mẹ và nhờ được thanh luyện mẹ trở nên ngôi đền thiêng liêng, xứng đáng cho con một Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô đến cư ngụ.
Nhìn vào mẫu gương của Mẹ, chúng ta rút ra được một kết luận như sau: Dâng hiến và đau khổ luôn đi liền với nhau. Thực vậy, không một sự dâng hiến nào mà lại không có khổ đau. Và hơn thế nữa, chính những khổ đau này sẽ làm cho việc dâng hiến trở nên cao cả và có giá trị trước mặt Thiên Chúa.
Chính trong đền thờ, Mẹ chuẩn bị sứ mạng làm Mẹ Thiên Chúa. Mười hai năm trời Mẹ suy niệm, cầu nguyện, sống gần gũi thân mật với Chúa. Theo thánh Giêrônimô, chương trình sống một ngày của Mẹ ở trong đền thờ gồm có kinh nguyện, suy gẫm, học hỏi Lời Chúa, hát thánh vịnh. Mẹ làm các việc thiêng liêng đạo đức đó với cả lòng sốt sắng nhiệt thành, nêu gương cho mọi người khác.
Mẹ Maria được dâng hiến trong đền thánh là bước đầu khai mở cuộc đời tận hiến, dẫn tới đức khiết tịnh Kitô giáo. Mẹ Maria đã biến cuộc đời mình, đã biến cái tinh hoa cao quí nhất của cuộc đời mình làm cái phúc. Chính cái phúc là con đường hướng mẹ Maria tới việc vâng phục ý Thiên Chúa. Mẹ chấp nhận tất cả với tâm hồn rộng mở, tâm hồn quảng đại, quả cảm. Mẹ là mẫu gương tuyệt vời để nhiều người noi theo.
Tình yêu của mẹ đã biến đổi cái nhìn của con người. Nhờ tình yêu thanh luyện của mẹ đã có nhiều trinh nữ hiến trọn cuộc đời mình cho Thiên chúa trong cuộc đời tận hiến. Chính tình yêu mẫu tử của mẹ đã xóa nhòa mọi nỗi cay đắng khổ đau, để muôn đời mẹ vẫn là mẫu gương sáng chói, là Đấng bảo trợ nhiệt thành và là Đấng hướng dẫn con người, Đấng soi chiếu mọi người trên con đường tận hiến.
Mẹ luôn lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa, đó chính là điểm đặc sắc nhất của đời sống Mẹ. Theo thánh Augustinô: “Thánh Mẫu Maria đã thực hiện hoàn toàn ý định Chúa Cha, và vì thế, việc ngài được làm môn đệ Đức Kitô thì có giá trị hơn là việc được làm Mẹ Đức Kitô. Do đó, Đức Maria thật diễm phúc vì đã mang Chúa trong lòng trước khi sinh ra Người”.
2020
Can đảm như Cha Ông
15 01/10 X/Đ CHÚA NHẬT 33 MÙA TN.
Cn 31,10-13,19-20,30-31; 1 Tx 5,1-6;
Mt 25,14-30.
Được kính trọng thể CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TẠI VIỆT NAM (Đ)
(Hội đồng Giám mục Việt Nam, khóa họp tháng 04-1991).
Phụng vụ Lời Chúa: chọn trong số lễ chung kính các thánh tử đạo.
(Không nhớ thánh Albertô Cả).
Thánh vịnh tuần 1
CAN ĐẢM NHƯ CHA ÔNG
Giáo hội Việt mừng những cái chết của những người đã từ giã trần gian nầy, mừng những cái chết hào hùng, đã để lại cho biết bao người tấm gương anh hùng trong đời sống, những người này dám dùng cái chết của mình để làm cho mình và nhiều người được sống, họ dám hiên ngang từ bỏ những gì không cần thiết nên giờ đây họ được sống mạnh mẽ cùng với hạnh phúc Thiên Đàng.
Nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy ở mọi nơi và trong mọi lúc, người môn đệ của Chúa vẫn phải chịu chung một số phận với Thầy mình, nghĩa là bị bắt bớ và bị cấm cách, bị ghét bỏ và bị giết chết. Thời nào cũng có những vị tử đạo.
Hôm nay là ngày giỗ tổ, ngày Giáo Hội Việt Nam chúng ta long trọng mừng kính các Thánh Tử Đạo, những vị anh hùng đã bỏ mình vì Chúa, đã đổ máu đào để làm chứng cho đức tin, cũng như để xây dựng Giáo Hội.
Các ngài dám bước di trên con đường thập giá, dám hy sinh mạng sống, các ngài đã để lại cho con cháu, cho chúng ta gương anh hùng, để lại con đường sống, con đường theo Chúa.
Chúng ta là con cháu các ngài, nhưng giờ này cuộc sống của chúng ta có là cuộc sống anh hùng mà các ngài đã nêu gương và để lại cho chúng ta, hay chúng ta vẫn sống bình thản, như không hay biết gì về sự hy sinh của các ngài. Lời Chúa mà các ngài đã thực hiện, chúng ta cũng đã nghe, đã biết, nhưng không thể thi hành được như các ngài.
Chúng ta còn quá nhiều ước mơ chưa thực hiện được, nên đang tìm mọi cách để thực hiện cho được những gì là ước mơ, không cần biết nó có chính đáng hay không. Chúng ta sợ mất đi những gì mình có, nên cố gắng bảo vệ nó. Chúng ta bảo vệ những gì mà một ngày nào đó nó cũng sẽ phản bội và từ bỏ, khi chúng ta bước vào sự chết. Chúng ta đang cố lừa dối mình, không nói đến cái chết, để không chuẩn bị gì hết, cố bám lấy điều mà chúng ta gọi là sự sống và cố gắng một cách vô vọng. Như thế chúng ta đang run sợ trước cái chết vì không biết chuẩn bị, cũng không biết mình đi đâu. Chúng ta cũng đang bị bất ngờ trước cái chết vì đang tìm sự sống cho chính mình, sự sống của trần gian này.
Nếu chúng nhìn thấy được gương anh hùng mà các thánh tử đạo đã thực hiện, nếu chúng ta nhận ra được tình yêu thương mà các ngài đã cảm nhận và đã sống, nếu chúng ta nhận ra được con đường mà các ngài đã đi, để biết noi gương các ngài thì thật là hạnh phúc cho chúng ta. Nếu chúng ta can đảm chu toàn những gì mà mình phải làm trong trách nhiệm với tất cả ý thức, đó là một hình thức tử đạo, không phải một lần, nhưng từng giây từng phút của cuộc đời. Nếu trước những gian khó mà không lùi bước, sẵn sàng thực hiện thánh ý Chúa, để biết yêu thương giúp đỡ người khác khi cần thiết. Đó là chúng ta đang đi trên con đường can đảm mà các ngài đã đi.
Theo bước chân Chúa Giêsu, các thánh tử đạo đã vui lòng chấp nhận thân phận hạt lúa bị ném xuống bùn. Các ngài chấp nhận từ bỏ vinh hoa phú quý người đời hứa hẹn, từ bỏ nhà cửa ruộng vườn, xa lìa cha mẹ vợ con gia đình thân thuộc, chấp nhận xiềng xích, gông cùm, tù ngục, đòn vọt và sẵn sàng hy sinh mạng sống, sẵn sàng đổ máu đào làm chứng cho Đức Ki-tô… Người đời tưởng rằng các ngài bị thua thiệt, bị mất mát, bị diệt vong… nhưng họ có ngờ đâu, các ngài đang khải hoàn chiến thắng và sống mãi trong hạnh phúc vinh quang. Nhờ dòng máu các ngài đổ ra, đời sống Đức tin ngày càng tiến triển, Giáo Hội được lan rộng đến khắp mọi miền đất trên thế giới. Đó là điều Chúa Giêsu đã tiên báo từ xưa: “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”
Các thánh tử đạo Việt Nam đã rất anh dũng bước theo đường lối Chúa Giêsu, theo đạo yêu thương của Chúa Giêsu. Dù ngục tù, gươm đao, dù bị róc xương xẻ thịt cũng vẫn không làm cho các ngài từ bỏ đạo Chúa. Chúng ta là con cháu các ngài, mang dòng máu bất khuất anh dũng của các ngài trong huyết quản mình, thì chúng ta cũng kiên quyết đi theo đạo yêu thương của Chúa như các ngài, để mai ngày đáng được hưởng triều thiên vinh hiển với các ngài trên thiên quốc.
Ngày nay chúng ta không còn những bạo chúa bách đạo bằng gươm đao súng đạn, nhưng đề sống niềm tin đòi hỏi chúng ta phải chiến thắng chính mình. Không ai bắt chúng ta bỏ đạo nhưng vẫn còn đó những người bỏ đạo vì chức vụ trần gian, vì lười biếng ham chơi, vì đam mê truỵ lạc. Không ai ngăn cản chúng ta thực hành đạo nhưng vẫn còn đó những người luôn nuôi dưỡng hận thù, luôn bất mãn với tha nhân nên đã sống thiếu yêu thương trong lời nói và việc làm. Không ai dụ dỗ chúng ta bỏ đạo nhưng nhiều người đã lao vào những con đường tội lỗi, những quan hệ bất chính nên đã không còn xứng đáng mang danh là ky-tô hữu.
Quả thực, ngày nay không cần những cuộc bắt đạo những vẫn có hàng ngàn người bỏ đạo vì những danh lợi thú trần gian. Ngày nay không ai bắt chúng ta bước qua thập giá nhưng vẫn còn đó nhiều người vì danh lợi thú đã tự tháo bỏ thập giá khỏi bàn thờ gia đình, khỏi cuộc sống của mình. Họ đích thực là loại người mà nhân loại kết án “tin đạo chứ không tin người có đạo”, vì lẽ họ không còn sống niềm tin của mình.
2020
Tỉnh thức
08 23 X CHÚA NHẬT 32 MÙA TN
Kn 6,12-16; 1 Tx 4,13-18; Mt 25,1-13
TỈNH VÀ THỨC
Tỉnh thức trước hết là luôn nghĩ rằng cuộc đời này hữu hạn chóng qua. Nhiều người trong xã hội hôm nay sống mà không cần biết đến ngày mai. Họ không nghĩ tới có ngày họ phải nhắm mắt xuôi tay để rời cõi đời này. Chính vì thế, họ đắm chìm trong say sưa, sống vô trách nhiệm với gia đình và những người thân thuộc.
Hơn thế nữa, họ trở nên gánh nặng cho xã hội và là mối kinh hoàng cho những người xung quanh. Xã hội hôm nay ngày càng có nhiều thanh niên trong tình trạng “ngáo đá” hoặc nghiện ma túy.
Đây cũng là nguyên nhân của bạo lực, cướp của giết người. Năm cô khờ dại chắc chắn cũng chuẩn bị nhiều thứ để đi đón chàng rể, nhưng điều cốt lõi như “dầu đèn” thì họ lại không coi trọng và để ý. Có thể họ chỉ chú trọng đến nhan sắc và những gì bề ngoài. Một cái kết không ngờ đã dành cho họ, khiến họ bị xua đuổi ra ngoài. Khi nghĩ đến cuộc đời chóng qua, chúng ta cố gắng nỗ lực để vươn tới sự sống vĩnh cửu.
Tác giả thư gửi tín hữu Thesalônica đã khẳng định với chúng ta về sự sống mới sau sự chết. Chết chỉ là sự biến đổi. Nếu sự chết là mối kinh hoàng đối với người vô tín và đối với những người gian ác, thì lại là dịp để người lành gặp gỡ Thiên Chúa và được Ngài thưởng công. Đây là câu trả lời cho một vấn nạn gai góc về ý nghĩa cuộc đời, về cái chết và sự sống đời sau. Tin vào đời sau và chuẩn bị sẵn sàng để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu. Đó là niềm hy vọng Kitô giáo. Người tỉnh thức là người sống niềm hy vọng ấy, đồng thời chuẩn bị những gì cần thiết, để sau khi kết thúc cuộc đời dương thế, được Chúa đón nhận vào nhà của Người.
Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn hơi kỳ lạ, một tiệc cưới khác với mọi tiệc cưới ở trần gian mà chúng ta đã được tham dự. Thực tế, Chúa nói về tiệc cưới Nước Trời. Chàng rể không đến đám tiệc bình thường, nhưng lại đến một cách bất ngờ, một cách đột xuất vào nửa đêm. Thật kỳ dị, thật lạ lùng ! Tuy nhiên, Tin Mừng thuật lại :” Năm cô trinh nữ khôn ngoan mang đèn, mang dầu dự phòng đi theo. Nên, chàng rể đến, họ đã thắp đèn đón chàng rể và cùng chàng rể vào phòng dự tiệc cưới “.Còn năm cô trinh nữ khờ dại mang đèn, nhưng không mang dầu, nên họ không được vào phòng cưới dự tiệc.
Dụ ngôn này cho chúng ta thấy rõ việc tỉnh thức sẵn sàng là tối ư quan trọng. Việc mười cô trinh nữ trong đó có năm cô khôn và năm cô khờ dại cho chúng ta thấy hình ảnh của cả loài người.Chúa đến trần gian để cứu độ mọi người, cứu rỗi con người và đem lại cho con người hạnh phúc. Dân Do Thái được Thiên Chúa chọn, họ cứ tưởng ơn cứu độ chỉ dành cho họ mà thôi, do đó, họ không cố gắng, họ không sẵn sàng, họ không tỉnh thức.Lịch sử của dân tộc họ là một chuỗi những bất trung, ngỗ nghịch, trong khi đó, Chúa là Đấng luôn trung tín…
Chúa mời gọi mọi người hưởng hạnh phúc Nước Trời, tuy nhiên, muốn được vào Nước Thiên Chúa, con người phải khôn ngoan, sẵn sàng và tỉnh thức như năm cô trinh nữ khôn ngoan. Theo Chúa không có nghĩa là cứ ngồi lì, hay nằm đó mà chờ sung rụng.Nhưng theo Chúa, con người phải vượt thắng, cải thiện đời sống, ăn năn sám hối và đặc biệt bước theo con đường tám mối phúc thật.
Con người phải lắng nghe và thực hành lời Chúa.Nước Trời luôn mở rộng nhưng người Kitô hữu không thể sống tà tà, giữ đạo bằng cách đọc một số kinh nào đó, đi lễ một năm vài lần theo luật nhưng lòng mình lại xa Chúa và xa anh em của mình. Theo Chúa nhưng không biết cảm thông, không biết chia sẻ, không biết giúp đỡ những người nghèo, những người neo đơn, già cả, những người cô thân cô thế, cô nhi quả phụ vv…Muốn đi vào Thiên Quốc, người Kitô hữu phải khôn ngoan tỉnh thức, sẵn sàng và chờ đợi chàng rể.
Muốn đón Chúa chúng ta phải khôn ngoan, tỉnh thức, sẵn sàng và phải có đèn. Đèn ở đây là chính tình yêu, một lòng mến bình thường, không gây mỏi mệt và buồn chán. Đèn muốn hữu dụng phải có dầu. Dầu đốt mãi cũng phải hết. Vậy, chúng ta phải tích trữ dầu càng nhiều càng tốt. Từng giọt dầu nhỏ bé được thêm vào liên tục là những công việc nhỏ bé, tốt lành, thiện hảo trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Đó là những giọt dầu của tình yêu mến, giữ cho ngọn lửa đời sống đạo đức của chúng ta luôn cháy sáng như ngọn lửa hồng đầy sức sống. Với dầu cầu nguyện và việc lành, chúng ta sẽ giữ đèn của chúng ta luôn cháy sáng, và Người sẽ nhận ra chúng ta.
Tỉnh thức như năm trinh nữ khôn ngoan chờ đón chàng rể. Họ mang đèn và mang dầu theo. Bất cứ trong hoàn cảnh nào, họ sằn sàng thắp đèn ra đón chàng rể. Còn các trinh nữ khờ dại, họ đã phung phí tất cả cho cuộc sống hưởng thụ. Họ sống trong bừa bãi theo phù vân giả tạo. Không lo cho ngày mai. Không dự liệu phòng hờ cái gì sẽ xảy ra.
Mang theo dầu, dầu đây chính là các nhân đức tập luyện được. Trong cuộc sống đời thường, ai trong chúng ta cũng phải lo, phải chắt chiu, để dành và dự phóng về tương lai. Rất ít người trong chúng ta nghĩ đến việc chuẩn bị cho ngày sau cùng. Đôi khi chúng ta nghĩ có lẽ chưa xảy ra cho chúng ta. Sự chết còn xa vời.
Thường thì chúng ta rơi vào cảm nghĩ rằng chúng ta còn cảm thấy khoẻ khoắn và còn nhiều dự án chưa xong. Chúng ta không muốn chết và không muốn nghĩ đến cái chết. Dù rằng hằng ngày, nhiều tai nạn và chết chóc xảy đến ngay bên. Chúng ta như cứ bình chân như vại. Hưởng thụ cuộc đời đi kẻo hết.
Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta đừng mải mê hoan lạc lo tìm tích trữ của thế gian mà quên đi sự sống ngày sau. Mỗi ngày chúng ta hãy chu toàn mọi việc được trao ban. Cái gì chúng ta có thể làm được trong ngày hôm nay, hãy cố gắng hoàn tất. Đừng để cơn giận vần còn lẫn quẩn trong người chúng ta. Để rồi khi trên giường ngủ, vắt tay trên trán, trần trọc trong sự bực tức và cay cú khi tìm vào giấc ngủ. Biết đâu đêm nay Chúa sẽ gọi chúng ta về. Chi bằng chúng ta hãy luôn tỉnh thức và sẵn sàng để được ra đi trong bình an.