2020
Giải Mã Mầu Nhiệm
Chúa Nhật 3 PS (A) Giải Mã Mầu Nhiệm
Không dễ để hiểu và chấp nhận sự chết và phục sinh của Đức Giêsu; không dễ để tin và dựa vào những chứng cứ xác thực để chứng minh về sự Hiện diện của Đấng Phục sinh đang sống và trở nên chứng nhân cho Người.
Đức Giêsu, Đấng Kitô đã chết. Không gì có thể đảo ngược lại tình thế, vì chết là hết. Thấy hay không thấy xác Đức Giêsu trong mồ, hoặc đã bị lấy đi, điều đó không còn quan trọng, vì chẳng có chuyện người chết sống lại, mà sống lại để không – làm – gì, cũng thế mà thôi. Không còn gì quan trọng có thể níu họ ở lại, họ lê gót trở về trong nỗi thất vọng, cay đắng trên từng bước chân của mình.
Bám víu lấy những kí ức để sống là phi lý khi những hoài bão đã vỡ tan. Những góc nhìn phiến diện, những lý do chủ quan đưa ra, đã gây nên một cuộc tranh luận gay gắt giữa hai môn đệ trên đường đi Emmau đến nỗi, họ không biết có sự hiện diện của một khách bộ hành cùng đi với họ. Mắt họ còn bị ngăn cản không biết đó là Đức Giêsu.
Điều gì khiến mắt họ bị ngăn cản không nhận ra Đức Giêsu? Vì nhãn giới trần tục của họ bị ám bởi những khát vọng đầy mùi vị thế gian; vì trí lòng họ còn chứa đầy những logic của con người, chưa hiểu được lời các ngôn sứ trong Kinh thánh, chưa biết được kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, chưa được khai sáng bởi đức tin. Vì đức tin là ân ban, không phải thành tựu của khôn ngoan con người; mầu nhiệm là sự nhận lãnh, chứ chẳng bởi do kiểm nghiệm bằng các giác quan.
Họ theo Chúa không phải vì Chúa, mà vì mục đích riêng; họ chỉ nuôi dưỡng những khát khao, chỉ thích nghe theo sự thôi thúc của những vọng tưởng, thế nên, tất cả tan tành trước cái chết của Đức Giêsu, Đấng mà họ coi như một ngôn sứ có quyền năng của Thiên Chúa. Sự thất vọng bao phủ họ như nấm mồ u ám.
Nhưng Đức Giêsu đã đồng hành với họ, nhẫn nại lắng nghe tâm tư tình cảm, để họ trút ra những gì làm mắt họ bị ngăn cản, trí não họ như bùn đất và tâm hồn như bị đóng băng. Rồi Người mới bóc tách những suy nghĩ phàm trần của họ qua việc kiên trì giải thích Kinh thánh, giúp họ lần ra “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt Kinh thánh, là lời các ngôn sứ báo trước về ơn cứu độ của Thiên Chúa, về sự cứu chuộc của Đức Kitô qua cái chết và sự phục sinh của Người.
Mắt họ được sáng, không phải đôi mắt trần, mà là con mắt đức tin, đã khiến lòng họ bừng cháy, không phải là những khát vọng trần tục, mà là niềm hy vọng của cuộc sống mới. Niềm vui khám phá và sự an bình nội tâm mà vị khách lạ đem đến khiến họ háo hức, khẩn khoản nài xin Người ở lại với họ vì trời đã tối, hay nói khác đi, vì ánh sáng đức tin mà vị khách đồng hành đã thắp lên, đã rọi sáng vào tâm hồn tăm tối của họ, khiến họ muốn ở mãi với Người.
Trong bữa ăn tối, Đức Giêsu chủ động cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho họ. Mắt họ được bừng mở và họ nhận ra Người. Cử chỉ ấy chỉ có nơi vị Thầy mới đây đã làm trong phòng Tiệc ly. Không thể nhầm được. Họ biết rằng, người ta không thể nhìn thấy Đức Giêsu Phục Sinh bằng cặp mắt nhân loại, mà chỉ nhận ra Người hiện diện với cặp mắt đức tin được Chúa ban tặng.
Từ đây, với kinh nghiệm quý giá này, họ biết chắc Người luôn ở với họ, với nhân loại trong Kinh thánh, qua việc Bẻ Bánh trong cộng đoàn những người tin, chứ không còn qua hình dạng theo kiểu loài người nữa. Như thế, Bữa Tiệc Ly với tất cả ý nghĩa của nó, trở nên sống động trong tâm khảm của cộng đoàn của Đức Giêsu phục sinh, Đấng đang sống, đang hiện diện và đang cử hành.
Trở lại Giêrusalem, họ gặp các tông đồ để chia sẻ niềm vui, để làm chứng cho Đấng Phục Sinh hiện ra với họ, và chính họ cũng được các tông đồ củng cố chứng tá ấy, khi thuật lại việc Đấng Phục Sinh hiên ra cho ông Simon Phêrô.
Như thế đức tin chính là ơn huệ của sự Phục sinh, và người ta chỉ có thể hiểu Kinh Thánh khởi đi từ cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu, và cũng chỉ có thể hiểu về mầu nhiệm phục sinh nhờ Kinh thánh và cử hành lễ Bẻ Bánh.
2020
Đường về Emmau : Xin đừng vô cảm
ĐƯỜNG VỀ EM MAU : XIN ĐỪNG VÔ CẢM
Người xưa có câu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ” ngụ ý đặt lễ nghĩa lên hàng đầu, đặt giá trị tinh thần lên trên giá trị vật chất. Dù trước mặt có mâm cao cỗ đầy nhưng không chào hỏi, mời mọc thì chẳng ai quan tâm động đũa. Lời chào thể hiện sự tôn trọng, thân thiện nên khi gặp nhau, chào trước rồi mới các việc khác tiếp sau. Lời chào được nói ra phải xuất phát từ trái tim sự chân thành, niềm nở cho ta thấy sự kính trọng dành cho người trên.
Tưởng nghĩ chắc có lẽ không chỉ người Việt Nam nhưng đã là người thì bất cứ dân tộc nào cũng coi trọng lời mời, coi trọng lời chào hơn là bữa ăn. Với tâm tình này, ta được mời gọi nhình lại con đường Emmau.
Có lẽ không cần phải dài lời, ta thấy các môn đệ buộc lòng không còn cách nào khác là phải về quê “đuổi vịt cho vợ” vì người mà mình thần tượng, người mà mình theo đuổi bị treo trên cây thập giá. Cái chết đã làm tiêu tan niềm hy vọng của bất cứ những ai đi theo con người mang tên Giêsu. Điều này cũng chả có gì là khó hiểu và cũng chả có gì để phân tích hay bàn tán cũng như suy nghĩ.
Câu chuyện đường về Emmau phải chăng quá quen thuộc với mỗi người Kitô hữu nhất là sau biến cố Chúa Giêsu chết và phục sinh. Trên con đường về quê đó, tâm trạng của hai môn đệ dường như bế tắt và tuyệt vọng. Đang thất tha thất thểu thì bỗng dưng gặp một vị khách bộ hành. Và, ta thử hỏi nếu như đường ai nấy đi thì sẽ là gì kế tiếp. Chắc có lẽ Chúa Giêsu sẽ đồng hành với người khác trên đoạn đường khác. Ở đây, hành trình Emmau ta lại thấy lóe lên tình cảm giữa người với người và 2 môn đệ. Chính khi 2 môn đệ mời khách bộ hành vào quán trọ cũng là lúc mà họ gặp chính Chúa Giêsu.
Chuyện về Emmau hơn bao giờ hết thấm thía và đúng mọi thời đại và nhất là thời đại ngày hôm nay của nhân loại, của mỗi người Kitô hữu chúng ta.
Cuộc đời hay nói đúng hơn là chuyến hành hương về Giêrusalem của mỗi người chúng ta xem chừng ta không đơn giản. Có những lúc chúng ta đi trong đêm đen của đời sống đức tin, đi trong những đoạn đường chán ngán và vô vọng. Điều hết sức dễ thương đó là Vị Khách Bộ Hành Emmau xưa vẫn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường đời. Thế nhưng đáng tiếc thay lòng ta vẫn cứ chộn rộn lo những cái chuyện gì đó chẳng dính dáng gì đến ơn cứu độ của ta.
Để ý một tí, ta thấy các môn đệ buồn bã và nói với Khách Bộ Hành : “Ủa ! Ông kỳ ghê nha ! Ông không biết chuyện gì về cái ông mang tên Giêsu à ?”. Tâm trạng đó nói lên sự tiếc nuối, sự đau đớn khi mất điểm tựa. Và, chính lúc nói lên tâm tình của mình, vị Khách Bộ Hành mới kể chuyện Kinh Thánh cho 2 ông nghe.
Đời sống đức tin của mỗi Kitô hữu chúng ta đã hơn một lần hay nói đúng hơn là quá nhiều lần chênh vênh. Và, ta thấy càng chênh vênh hơn nữa khi ta không bám víu vào vị Khách Bộ Hành trên đường đi của ta. Cũng không khó hiểu khi đời ta chênh vênh. Thay vì ta mời khách bộ hành mang tên Giêsu vào nhà thì ta mời tiền bạc, địa vị và danh vọng. Những vị khách đó xem chừng chỉ làm cho ta thỏa mãn cái ước muốn tạm bợ để rồng lòng ta vẫn trống vắng và có khi mất niềm tin vào Chúa.
Thực tế nhất là trong cơn đại dịch mà cả thế giới đang gánh chịu, chuyện quan trọng nhất của người Kitô hữu vẫn là niềm tin vào Chúa. Để sống niềm tin, để có niềm tin chắc có lẽ không có cách nào khác là mình mời Chúa vào trong gia đình của mình.
Có những người vui vẻ thốt lên : “Không có Lễ buồn quá ! Không có Lễ chán quá !”.
Xem chừng đó là cảm thức của tự nhiên của một tín hữu quen đi Nhà thờ như một thói quen đạo đức. Thế nhưng, không nên dừng lại ở thói quen đạo đức mà phải đi xa hơn nữa đó là mình hãy bày tỏ niềm tin của mình vào Chúa giữa những lúc thử thách như thế này.
Chúa ở đâu ? Chúa ở trong lúc mình rước Lễ thiêng liêng, khi mình đọc và suy niệm lời Chúa và nhất là khi mình “nuốt” lời Chúa vào trong đời mình.
Có vài giáo phận thông báo có lễ như bình thường thì cũng nhao nhao lên so sánh. Để làm gì ? Mỗi giáo phận thì Đấng Bản Quyền có quyền ra quyết định cho giáo phận của mình. Và rồi ta vẫn thấy có những ràng buộc kèm theo đó tuân theo quy định của nhà chức trách để rồi cứ phải đứng núi này trông núi nọ.
Vấn đề lớn nhất không phải là được đến tham dự Thánh Lễ tập trung hay không mà là ta có mời Chúa đến trong gia đình chúng ta không ? Ta có tin câu nói : “Ở đâu có 2, 3 người tụ họp và cầu nguyện là có Ta ở đó” không ?
Nếu như vậy thì tại sao ta lại không dành quỹ thời gian nào đó chừng 15 phút đồng hồ để cả gia đình ngồi lại với nhau trước Bàn Thờ Chúa trong gia đình để cùng nhau đọc Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa, tìm hiểu Lời Chúa và nhất là để sống Lời Chúa.
Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường cho con đi và Lời Chúa chính là lương thực cho Kitô hữu. Ta không quên chi tiết là Chúa Giêsu đã kể lại cho 2 môn đệ về những gì xảy ra trong Thánh Kinh để đến lúc bẻ bánh thì lòng các ông bừng cháy sao ?
Và như vậy, mỗi gia đình đều có Lời Chúa nhưng ta có mời Chúa vào trong tâm hồn của chúng ta hay không ? Chúng ta dường như vô cảm với Chúa dẫu rằng miệng vẫn càm ràm “không có Thánh lễ tập trung buồn quá !”
Chúa đã, đang và vẫn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống nhưng rồi ta vẫn vô cảm với Chúa đó thôi. Nếu như ta chân tình với Chúa và mời Chúa vào trong tâm hồn qua việc đón nhận Lời Chúa thì lòng ta sẽ bình an và bừng cháy như 2 môn đệ Emmau.
Xin cho mỗi người chúng ta như 2 môn đệ Emmau xưa là biết mời Chúa vào trong gia đình mình, trong tâm hồn mình. Khi và chỉ khi ta có Chúa thật trong gia đình, trong tâm hồn thì ta mới được bình an. Mỗi người chúng ta có cách lựa chọn cũng như cách đáp trả niềm tin vào Chúa giữa lúc khó khăn của đại dịch này.
2020
Chúa Nhật Tuần III – Mùa Phục Sinh
Chúa Nhật Tuần III – Mùa Phục Sinh
Ca nhập lễ
Tv 65,1-2
Cả trái đất, nào tung hô Thiên Chúa,
đàn hát lên, mừng danh thánh rạng ngời,
hãy dâng Người lời ca tụng tôn vinh.
Ha-lê-lui-a.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã làm cho tâm hồn chúng con tươi trẻ lại, và chan chứa niềm vui vì được làm con Chúa. Xin cho chúng con hằng giữ mãi niềm vui Chúa ban, và nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển. Chúng con cầu xin …
Bài đọc 1
Cv 2,14.22b-33
Cái chết không tài nào khống chế được Người mãi.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
14 Trong ngày lễ Ngũ Tuần, ông Phê-rô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với dân chúng rằng : “Thưa anh em miền Giu-đê và tất cả những người đang cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói đây.
22b “Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó. 23 Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. 24 Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi. 25 Quả vậy, vua Đa-vít đã nói về Người rằng : Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng. 26 Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng. 27 Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. 28 Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan.
29 “Thưa anh em, xin được phép mạnh dạn nói với anh em về tổ phụ Đa-vít rằng : người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay. 30 Nhưng vì là ngôn sứ và biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người, 31 nên người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Ki-tô khi nói : Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát. 32 Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại ; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng. 33 Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống : đó là điều anh em đang thấy đang nghe.”
Đáp ca
Tv 15,1-2a và 5.7-8.9-10.11 (Đ. c.11a)
Đ.Lạy Chúa, Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống.
1Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,
vì bên Ngài, con đang ẩn náu.2aCon thưa cùng Chúa : “Ngài là Chúa con thờ.5Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con ;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.
Đ.Lạy Chúa, Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống.
7Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy,
ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.8Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,
được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.
Đ.Lạy Chúa, Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống.
9Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,
thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.10Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.
Đ.Lạy Chúa, Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống.
11Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống :
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi !
Đ.Lạy Chúa, Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống.
Bài đọc 2
1 Pr 1,17-21
Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn là Đức Ki-tô.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phê-rô tông đồ.
17 Anh em thân mến, Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử. Vậy nếu anh em gọi Người là Cha, thì anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này. 18 Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. 19 Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô. 20 Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này. 21 Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa.
Tung hô Tin Mừng
- Lc 24,32
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Lạy Chúa Giê-su, xin mở trí cho chúng con hiểu lời Kinh Thánh. Và khi Chúa phán dạy, xin đốt lòng chúng con cháy lửa nồng nàn. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Lc 24,13-35
Họ đã nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
13 Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ : “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.
18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời : “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” 19 Đức Giê-su hỏi : “Chuyện gì vậy ?” Họ thưa : “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói ; còn chính Người thì họ không thấy.”
25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng : “Các anh chẳng hiểu gì cả ! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ ! 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ? 27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.
28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29 Họ nài ép Người rằng : “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32 Họ mới bảo nhau : “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?”
33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông : “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.” 35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã ban cho Giáo Hội được niềm vui khôn tả; giờ đây xin vui lòng chấp nhận của lễ Giáo Hội đang hoan hỷ dâng lên và ban cho chúng con được hưởng nhờ hiệu quả là hạnh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin …
Lời tiền tụng Phục Sinh
Lạy Chúa chúng con tuyên xưng Chúa mọi lúc, nhất là trong đêm (ngày, mùa) cực thánh này chúng con càng hãnh diện tung hô Chúa khi Ðức Ki-tô đã được hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì chính Người là Chiên thật đã xoá bỏ tội trần gian, Người đã chết để hủy diệt sự chết nơi chúng con, và sống lại để phục hồi sự sống cho chúng con.
Vì thế, với niềm hân hoan chứa chan trong lễ Phục Sinh, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu đều nhảy mừng. Cũng vậy, các Dũng thần và các Quyền thần không ngừng hát bài ca chúc tụng vinh quang Chúa rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Ca hiệp lễ
Lc 24,35
Các môn đệ đã nhận ra Chúa Giê-su,
khi Người bẻ bánh. Ha-lê-lui-a.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin ghé mắt nhân từ nhìn đến chúng con là đoàn dân của Chúa. Nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã cho tâm hồn chúng con được hoàn toàn đổi mới, xin cho cả thân xác yếu hèn của chúng con đây mai sau cũng được sống lại vinh hiển và hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin …
2020
Khiêm nhường và dũng cảm như Thánh Maccô
25.4 Lễ Thánh Marcô
KHIÊM NHƯỜNG VÀ DŨNG CẢM NHƯ THÁNH MÁCCÔ
Chúa Giêsu khi muốn chọn ai, Ngài đã cầu nguyện lâu giờ vì việc tuyển chọn con người là một công việc hết sức quan trọng. Chúa chọn ai là do quyết địnnh hoàn toàn tự do của Ngài. Ơn gọi của một con người nói lên tình thương và sự nhưng không của Chúa Giêsu. Vì yêu con người, Chúa đến trần gian và cũng vì yêu con người, Ngài tuyển chọn, cất nhắc con người với tất cả sự tự do của Ngài. Thánh Máccô là người Do Thái, thuộc dòng họ Lêvi. Sau khi Chúa lên trời, thámh nhân theo thánh Phêrô, vị tông đồ trưởng sang La mã.
Thánh nhân được thánh Phêrô trìu mến và yêu thương, nâng đỡ cách đặc biệt. Thánh Máccô hăng say giảng đạo và nhờ lòng nhiệt thành, hăng say loan báo Tin Mừng cho Chúa Giêsu, nhiều người đã quay trở về với Chúa và Giáo Hội. Số người trở lại càng ngày càng đông, nhưng không có một tài liệu nào để giúp giáo dân học hỏi và tham khảo. Nhiều người ao ước có một bản viết về cuộc đời của Chúa Cứu Thế.
Dựa vào bút pháp của Máccô, chúng ta cố gắng tìm hiểu tính khí của ngài. Tính chất sống động của Phúc âm thứ II biểu lộ rõ chứng tích mục kiến của Phêrô, chứ không phải của Marcô, dầu có thể là Marcô đã chứng kiến việc bắt bớ Chúa Giêsu vì các nhà chú giải đồng hóa ngài với người thanh niên vô danh bỏ chạy mình trần (Mc 14,50-52). Dầu vậy, thánh Máccô không phải là một máy ghi âm diễn lại lời của Phêrô, ngài là tác giả ghi lại ký ức của Phêrô với bút pháp riêng. Ngài là người ít lời (673 câu so với 1068 câu nơi Matthêu) và có giọng văn không chải chuốt.
Với những yêu cầu và khao khát của nhiều người. Thánh Máccô đã viết lại cuộc đời của Chúa Giêsu một cách mạch lạc và rõ ràng theo chương mục dựa theo lời giảng dạy của thánh Phêrô. Thánh Phêrô đã cho phép phổ biến và dùng trong giáo đoàn. Thánh Mác-cô sau đó đã được thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi sai đi truyền giáo ở Ai Cập. Với lòng nhiệt thành, đạo đức, tài hùng biện và lợi khẩu, thánh nhân đã đưa rất nhiều linh hồn về với Chúa. Thánh Máccô là vị sáng lập và là Giám Mục đầu tiên của giáo đoàn Alexandria.
Được Chúa mời gọi, thánh Máccô đã đáp trả lại lời gọi mời yêu thương của Chúa. Với lòng đạo đức, trí thông minh, sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, thánh Mác-cô đã đem muôn vàn người trở về với Chúa. Vì ghen tức, ích kỷ, những lương dân đã quyết tâm hãm hại Người. Họ đã bắt thánh nhân với mục đích lăng mạ, bêu xấu Ngài và lôi kéo Ngài trên đường đá ghồ ghề, lởm chởm cho tới khi Ngài trút hơi thở cuối cùng vào ngày 25 tháng 4 năm 67.
Với những công đức to lớn, với cuốn Tin Mừng thánh Máccô để lại, danh của thánh nhân mãi mãi ngời sáng trong Giáo Hội và triều thiên vinh hiển Thiên Chúa trao cho Ngài muôn đời sẽ rực sáng trên nước trời. Mãi mãi nhân loại và đặc biệt Giáo Hội sẽ tôn vinh thánh nhân vì lòng nhiệt thành, sự thánh thiện và gương sáng thánh nhân để lại cho dân Chúa.
Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo.
Hôm nay, chúng ta đọc những lời này trong Ca Nhập Lễ. Đây là sứ vụ tông đồ Chúa đã ban và thánh Máccô đã ghi lại. Về sau, được ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, thánh nhân đã minh chứng lệnh truyền ấy đã được thực hiện khi ngài chép Tin Mừng: Các tông đồ ra đi và rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố tin mừng bằng những phép lạ kèm theo. Đó là những lời thánh Máccô kết thúc Tin Mừng của ngài.
Thánh Máccô đã trung thành với sứ vụ tông đồ mà ngài đã nghe qua lời giảng của thánh Phêrô : Hãy đi khắp thế gian. Chính thánh Máccô và Tin Mừng của Ngài đã là một thứ men hiệu quả cho thời đại ngài. Chúng ta cũng phải trở nên một thứ men tốt cho thời đại chúng ta. Nếu sau lần nhát đảm, thánh nhân đã không khiêm nhượng và dũng cảm làm lại, có lẽ giờ đây chúng ta không có những kho tàng lời giảng và việc làm của Chúa Giêsu để thường xuyên suy gẫm, và nhiều người, nếu không nhờ ngài, chắc cũng chẳng bao giờ biết được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của nhân loại.
Sứ mạng của thánh Máccô – cũng như của các Tông Đồ, của các nhà truyền giáo, của các tín hữu tốt lành luôn ra sức sống đúng với ơn gọi của mình – chắc chắn không phải là một sứ mạng dễ dàng. Chúng ta biết ngài đã chịu tử đạo. Ắt hẳn thánh nhân đã trải qua kinh nghiệm chịu bách hại, mệt mỏi, và hiểm nguy trong việc theo bước Chúa.
Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa, cũng như các tín hữu thời các Tông Đồ, vì sức mạnh và niềm vui Chúa Kitô đã được truyền lại đến ngày nay cho chúng ta. Mọi thế hệ Kitô hữu, mọi cá nhân đều được mời gọi lãnh nhận sứ điệp Phúc Âm và truyền thụ lại cho người khác. Ơn Chúa không bao giờ thiếu: Cánh tay Chúa không bị thu ngắn. Người tín hữu biết Chúa đã thực hiện các phép lạ từ nhiều thế kỷ trước kia, và hiện nay Người vẫn đang thực hiện. Với ơn Chúa giúp, mỗi người chúng ta cũng sẽ thực hiện những phép lạ nơi tâm hồn thân nhân, bạn bè, và những người quen biết, nếu chúng ta sống trong mối kết hợp với Chúa Kitô qua lời cầu nguyện.
Giáo Hội hôm nay nêu lên mẫu gương thánh Máccô. Thật là một hy vọng và ủi an khi chiêm ngưỡng đời sống vị sử gia thánh thiện này. Mặc dù có những yếu đuối, nhưng chúng ta vẫn có thể như ngài, tin tưởng vào ơn Chúa và sự phù trợ của Mẹ Giáo Hội. Những thất bại và những hành vi nhát đảm của chúng ta, dù lớn hoặc nhỏ, phải làm chúng ta khiêm tốn hơn, liên kết chúng ta mật thiết hơn với Chúa Giêsu, và kín múc từ nơi Chúa nguồn sức mạnh mà chúng ta đang thiếu thốn.
Tin Mừng là của Thánh Máccô, một Tin Mừng có một có một sức mạnh rất cụ thể sống động chống lại sức mạnh của quỉ dữ muốn làm hại Chúa Giêsu. Ngày nay người ta khá coi thường một thứ Tin Mừng có nhiều phép lạ, nó lôi kéo chú ý về những kỳ lạ hơn về sứ điệp thứ tha và giải tháot của Tin Mừng; may thay bản văn vẫn ưu tiên dành cho lời Chúa. Hãy suy nghĩ đến sức mạnh tâm hồn của các vị truyền giáo, đến những ân huệ các Ngài đã mang đến cho một thế giới trong lầm than được nghe loan báo về Đấng Cứu Thế đã toàn thắng, đã đoạt được vinh quang của ngai tòa Thiên Chúa. Như Máccô, khiêm tốn nhưng hăng say, chính Ngài đã tiếp tục theo chân những người nghèo khó nói những lời định mệnh cho đến tận thế để nối đất của chúng ta với trời.
Và ta thấy Thánh Máccô thực hiện mệnh lệnh ra đi loan báo Tin Mừng của Chúa bằng cách đi truyền giáo với Thánh Phaolô. Ngài đi truyền giáo với Banaba. Ngài đi theo và làm phụ tá cho Thánh Phêrô. Ngài làm giám mục phục vụ cộng đoàn Alexadre. Cuối cùng, Ngài đã viết và lưu truyền cho hậu thế cuốn Tin Mừng mang tên Ngài, Tin mừng theo Thánh Máccô.
Mỗi người chúng ta mừng lễ Thánh Máccô hôm nay, hãy noi gương bắt chước Ngài, bằng cách đóng góp phần mình cho việc loan báo Tin mừng. Bởi vì, loan báo Tin mừng là lệnh truyền của Chúa, là bổn phận của Giáo hội và của mỗi người kitô hữu chúng ta.