2020
Thứ Ba Tuần X – Mùa Thường Niên
Thứ Ba Tuần X – Mùa Thường Niên
Ca nhập lễ
Tv 26,1-2
Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của con
con còn sợ người nào ?
Chúa là thành luỹ bảo vệ đời con,
con khiếp gì ai nữa ?
Chính bọn thù địch, bọn làm khổ con
phải lảo đảo té nhào.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, xin đáp lời con cái nài van mà soi sáng cho biết những gì là chính đáng, và giúp chúng con đủ sức thi hành. Chúng con cầu xin …
Bài đọc 1
1 V 17,7-16
Hũ bột đã không vơi, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Ê-li-a mà phán.
Bài trích sách các Vua quyển thứ nhất.
7 Hồi đó, chỗ ông Ê-li-a ẩn mình, suối cạn khô, vì trong xứ không có mưa. 8 Bấy giờ có lời Đức Chúa phán bảo ông : 9 “Ngươi hãy đứng dậy đi Xa-rép-ta, thuộc Xi-đôn, và ở lại đấy. Này Ta truyền cho một bà goá ở đó nuôi ngươi.” 10 Ông liền đứng dậy đi Xa-rép-ta. Khi đến cổng thành, ông thấy có một bà goá đang lượm củi. Ông gọi bà ấy và nói : “Bà làm ơn đem bình lấy cho tôi chút nước để tôi uống.” 11 Bà ấy liền đi lấy nước. Ông gọi bà và nói : “Bà làm ơn lấy cho tôi miếng bánh nữa !” 12 Bà trả lời : “Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của ông, tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết.” 13 Ông Ê-li-a nói với bà : “Bà đừng sợ, cứ về làm như bà vừa nói. Nhưng trước tiên, bà hãy lấy những thứ đó mà làm cho tôi một chiếc bánh nhỏ, và đem ra cho tôi, rồi sau đó bà sẽ làm cho bà và con bà. 14 Vì Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en phán thế này :
“Hũ bột sẽ không vơi
vò dầu sẽ chẳng cạn
cho đến ngày Đức Chúa
đổ mưa xuống trên mặt đất.”
15 Bà ấy đi và làm như ông Ê-li-a nói ; thế là bà ấy cùng với ông Ê-li-a và con bà có đủ ăn lâu ngày. 16 Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Ê-li-a mà phán.
Đáp ca
Tv 4,2-3.4-5.7-8 (Đ. c.7b)
Đ.Lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.
2Lạy Thiên Chúa là đèn trời soi xét,
khi con kêu, nguyện Chúa đáp lời.
Lúc ngặt nghèo, Chúa đã mở lối thoát cho con,
xin thương xót nghe lời con cầu khẩn.3Phàm nhân hỡi, cho đến bao giờ
lòng vẫn còn chai đá
ưa thích chuyện hư không, chạy theo điều giả dối ?
Đ.Lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.
4Hãy biết rằng : Chúa biệt đãi người hiếu trung với Chúa ;
khi tôi kêu, Chúa đã nghe lời.5Hãy run sợ, và đừng phạm tội nữa,
trên giường nằm, suy nghĩ và lặng thinh.
Đ.Lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.
7Biết bao kẻ nói rằng : “Ai sẽ cho ta thấy hạnh phúc ?”,
lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.8Chúa ban xuống lòng con nhiều hoan lạc
hơn khi thiên hạ được mùa lúa rượu đầy dư.
Đ.Lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con.
Tung hô Tin Mừng
Mt 5,16
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Mt 5,13-16
Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
13 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.
14 “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. 15 Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. 16 Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa chúng con dâng tiến lễ vật này, để tỏ lòng thần phục suy tôn; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và cho chúng con được thêm lòng mến Chúa. Chúng con cầu xin …
Lời Tiền Tụng Chúa Nhật Thường Niên
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì chính Người, khi sinh ra đã đổi mới con người cũ, khi chịu khổ hình, đã tẩy xoá tội lỗi chúng con, khi từ cõi chết sống lại, đã khai lối vào chốn trường sinh, và khi lên cùng Chúa là Cha, Người đã mở cửa Nước Trời.
Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con hát bài ca chúc tụng Chúa và không ngừng tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Ca hiệp lễ
Tv 17,3
Lạy Chúa là núi đá, là thành luỹ bảo vệ,
là Đấng giải thoát con,
lạy Thiên Chúa con thờ,
chính Ngài phù hộ con.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin dùng ơn thiêng của bí tích này để chữa lành và bổ dưỡng chúng con, cho chúng con thoát khỏi mọi khuynh hướng xấu và bước đi vững vàng trên con đường thánh thiện. Chúng con cầu xin. . . . .
2020
Phúc thật
8.6.2020 Thứ Hai
Mt 5, 1-12
PHÚC THẬT
Bất cứ ai sống trên trần gian đều mong ước có hạnh phúc. Đó là điều người ta cũng thường xuyên cầu chúc cho nhau.
Đức Kitô đã đến để chỉ cho người ta biết hạnh phúc đích thực nằm ở đâu, ai là những người thật sự hạnh phúc ở đời này. Không phải những người giàu có, nổi tiếng, oai phong hiển hách, mà là những người nghèo, khiêm tốn, ngay thẳng, biết thương người, xây dựng hòa bình, chịu bách hại,… mới hạnh phúc thật. Chẳng phải là Người muốn phá đổ các tiêu chí quen thuộc của loài người để gây chú ý đâu. Người chỉ muốn khẳng định lại cách sống con người phải theo để trở lại đúng với hình ảnh họ đã đánh mất khi phạm tội, để Thiên Chúa lại trở thành tất cả cho con người.
Ta thấy Chúa Giêsu được thánh Matthêu giới thiệu như một Môsê mới. Chúa lên núi và công bố một sứ điệp làm thỏa mãn nỗi khắc khoải của con người, sứ điệp về ‘Hạnh Phúc Trọn Hảo’. Đó là hạnh phúc trong Chúa: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).
Bài Giảng trên núi cũng diễn tả Tin Mừng về Nước Trời: đề tài Nước Trời là một trong những điểm nhấn mạnh của Bài Giảng. Ngay ở câu đầu của Bài Giảng, ta đã được đặt trong quan hệ với Nước Trời, với Mối Phúc đầu tiên. Bài “Huấn giáo” này (tức Bài Giảng trên núi) là một phần nối dài của kêrygma về Nước Thiên Chúa.
Chúa Giêsu không diễn tả các Mối Phúc theo kiểu tình cờ. Người trình bày nền tảng cụ thể của mỗi Mối Phúc. Như chúng ta đã nói, phần thứ ba của mỗi Mối Phúc nói về hành động của Thiên Chúa. Mối Phúc đầu tiên và Mối Phúc thứ tám có cùng một nền tảng: “vì Nước Trời là của họ”.
Thánh Matthêu nói về Nước Thiên Chúa chỉ trong một vài đoạn; thông thường tác giả dùng thành ngữ “Nước Trời” là kiểu nói của người Do Thái thời đó. “Nước Thiên Chúa” và “Nước Trời” có ý nghĩa như nhau: không có nghĩa là một lãnh thổ hay một nơi chốn, mà là quyền chúa tể của Thiên Chúa được tỏ bày ra trực tiếp rõ ràng.
Vậy “Nước Trời là của họ” có nghĩa là Thiên Chúa với quyền chúa tể là của họ; đây không phải là quyền thống trị của một bạo chúa, mà là hành động quan phòng nhân hậu của một vị Mục tử. Người sẽ chứng tỏ rằng Vương quyền của Người vượt trên mọi thế lực hiện đang thống trị. Những ai sống theo lời Đức Giêsu dạy sẽ thuộc về Người, còn Người, đầy quyền năng và nhân ái, Người sẽ là của họ. Mối Phúc hoàn toàn dựa trên sự hiện diện trong uy quyền và nhân ái của Thiên Chúa. Chính vì thế thành ngữ “Nước Trời” được nói đến ở Mối Phúc đầu và Mối Phúc cuối như một lời mở và kết luận, và có giá trị cho tất cả các Mối Phúc khác
Mối phúc thứ nhất và mối phúc thứ tám đều có cấu trúc “Phúc thay […] vì Nước Trời là của họ”. Cấu trúc này tạo thành bộ khung cho toàn bộ sứ điệp ‘Phúc Thật’ và diễn tả: con người chỉ thực sự hạnh phúc khi có được Nước Trời, nghĩa là được sống trong sự cai trị của Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa hằng hữu đầy quyền năng và nhân ái mới có thể đem lại cho con người hạnh phúc bất diệt. Thiên Chúa ban hạnh phúc dạt dào khôn tả cho ta qua các hoạt động của Người: Thiên Chúa ban Đất Hứa cho con người làm gia nghiệp, an ủi những ai nghèo khó, làm thỏa lòng những ai khát khao nên công chính…
Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn con người đón nhận hồng ân lớn lao này cách thụ động như thể không có lý trí và tự do. Chúa Giêsu dạy cho con người cách sống đúng đắn với thánh ý Thiên Chúa để đón nhận được hạnh phúc. Nến tảng của đời sống này nằm trong mối phúc đầu tiên, “tâm hồn nghèo khó”.
Ở đây, Chúa không có ý nói đến nghèo khó vật chất cho bằng nghèo khó về tinh thần. Đó là những “kẻ bé mọn” (Mt 18,10) biết khiêm nhường nhìn nhận mình hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa và biết phó thác trọn bản thân cho Người. Con người ấy không chỉ hoàn toàn hướng về Thiên Chúa mà còn mở ra với tha nhân trong tình mến: cậy trông vào Thiên Chúa, khát khao nên người công chính, sống hiền lành …
Kết thúc những mối phúc, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Phúc hay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” Điều đó như một dự báo tiên tri đầy khó khăn cho những ai tuân giữ các mối phúc của Ngài.
Nói khác đi, những ai không tin, không thấy được cùng đích, không tin sự thưởng phạt, không tin sự sống đời sau, không thể nào cho đó là phúc được, ngược lại, đó là thảm họa! Chúng ta đang sống trong thực tại trần gian đầy cám dỗ, mỗi ngày qua đi đức tin của chúng ta bị hao mòn dần bởi chủ nghĩa thế tục và sự lên ngôi của quyền lực sự dữ, liệu chúng ta có đủ kiên nhẫn để theo đuổi triết lý “thiện thắng ác, hiền thắng dữ, ánh sáng thắng bóng tối…” không?
Sự nghèo khó, dù là về tinh thần thôi, ngày hôm nay bị người đời rẻ rúng và khinh miệt. Người ta đua nhau làm giàu và tìm đủ mọi cách để phô trương, dù chỉ là khoe mẽ và đua tranh. Nghèo như Chúa Giêsu và gia đình Nazareth ngày hôm nay, giữa thế kỷ 21 này, sẽ bị người đời coi khinh lắm. Điều căn bản ngày hôm nay người ta không chỉ đo sự giàu có để khẳng định đẳng cấp, mà người ta dùng cả tiền bạc để mua tất cả mọi sự. “Còn tiền còn bạc còn ông tôi; có tiền anh nói em nghe, không tiền anh nói em chê anh tồi…” Ngày nay người ta vẫn tôn sự thực dụng ấy đấy thôi.
Chúa Giêsu cũng chẳng văn hoa bóng bẩy, không cầu kỳ, dùng lời lẽ bình dị, ai cũng có thể hiểu. Nghe rất sướng lỗ tai! Cuối cùng, Ngài còn nói thêm: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5, 11-12).
Mỗi cá nhân sẽ cảm nghiệm được những mong manh của phận người và điều còn lại bên chúng ta là: “Tất cả sẽ qua đi, chỉ mình Chúa mới tồn tại muôn đời” (Thánh nữ Têrêxa Avilla). Có Chúa trong cuộc đời, chúng ta sẽ không thiếu thốn điều gì. Giữa những lao công vất vả, giữa những giọt mồ hôi và nước mắt, giữa những quyến rũ trần gian, thì đôi mắt chúng ta vẫn hướng nhìn về Chúa. Chỉ có một sự cần đó là sống cho Chúa để cứu rỗi linh hồn mình.
Khi sống các mối phúc, chúng ta được hứa ban Nước Trời, Đất hứa, ơn an ủi, lòng thương xót, được thấy Thiên Chúa và làm con Thiên Chúa. Nhưng vì các mối phúc không phải là những điều xa vời, cao siêu mà chúng ta phải cố vươn tới, nhưng diễn tả bản chất đích thật của con người, Vì thế, khi sống các mối phúc, chúng ta đã có kinh nghiệm ngay bây giờ niềm vui và hạnh phúc rồi.
2020
Thứ Hai Tuần X – Mùa Thường Niên
Thứ Hai Tuần X – Mùa Thường Niên
Ca nhập lễ
Tv 26,1-2
Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của con
con còn sợ người nào ?
Chúa là thành luỹ bảo vệ đời con,
con khiếp gì ai nữa ?
Chính bọn thù địch, bọn làm khổ con
phải lảo đảo té nhào.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Chúa, Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, xin đáp lời con cái nài van mà soi sáng cho biết những gì là chính đáng, và giúp chúng con đủ sức thi hành. Chúng con cầu xin …
Bài đọc 1
1 V 17,1-6
Ông Ê-li-a đứng trước nhan Đức Chúa, Thiên Chúa Ít-ra-en.
Bài trích sách các Vua quyển thứ nhất.
1 Hồi ấy, ông Ê-li-a, người Tít-be, trong số dân cư ngụ tại Ga-la-át, nói với vua A-kháp rằng : “Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của Ít-ra-en, Đấng tôi phục vụ : trong những năm sắp tới, sẽ chẳng có mưa, có sương, nếu tôi không ra lệnh.”
2 Có lời Đức Chúa phán với ông như sau : 3 “Ngươi hãy bỏ đây đi về phía đông, và ẩn mình trong thung lũng Cơ-rít, phía đông sông Gio-đan. 4 Ngươi sẽ uống nước suối. Ta đã truyền cho quạ nuôi ngươi ở đấy.” 5 Ông ra đi và làm như Đức Chúa truyền : là đến ở thung lũng Cơ-rít, phía đông sông Gio-đan. 6 Buổi sáng, quạ mang bánh và thịt cho ông ; buổi chiều, quạ cũng mang như vậy. Nước ông uống là nước suối.
Đáp ca
Tv 120,1-2.3-4.5-6.7-8 (Đ. x. c.2)
Đ.Ơn phù hộ chúng ta ở nơi danh Chúa,
là Đấng dựng nên cả đất trời.
1Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi,
ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao ?2Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa
là Đấng dựng nên cả đất trời.
Đ.Ơn phù hộ chúng ta ở nơi danh Chúa,
là Đấng dựng nên cả đất trời.
3Xin Đấng gìn giữ bạn
đừng để bạn lỡ chân trật bước,
xin Người chớ ngủ quên.4Đấng gìn giữ Ít-ra-en,
lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành !
Đ.Ơn phù hộ chúng ta ở nơi danh Chúa,
là Đấng dựng nên cả đất trời.
5Chính Chúa là Đấng canh giữ bạn,
chính Chúa là Đấng vẫn chở che,
Người luôn luôn ở gần kề.6Ngày sáu khắc, vầng ô không tác hoạ,
đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi.
Đ.Ơn phù hộ chúng ta ở nơi danh Chúa,
là Đấng dựng nên cả đất trời.
7Chúa giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh,
giữ gìn cho sinh mệnh an toàn.8Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới,
từ giờ đây cho đến mãi muôn đời.
Đ.Ơn phù hộ chúng ta ở nơi danh Chúa,
là Đấng dựng nên cả đất trời.
Tung hô Tin Mừng
Mt 5,12a
Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Ha-lê-lui-a.
Tin Mừng
Mt 5,1-12
Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Khi ấy, thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2 Người lên tiếng dạy họ rằng :
3“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.
4Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
5Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
6Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
7Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
8Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
9Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
10Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.
11Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa.
12Anh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng đã bị người ta bách hại như thế.”
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa chúng con dâng tiến lễ vật này, để tỏ lòng thần phục suy tôn; cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và cho chúng con được thêm lòng mến Chúa. Chúng con cầu xin …
Lời Tiền Tụng Chúa Nhật Thường Niên
Lạy Chúa là Cha chí thánh, là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.
Vì chính Người, khi sinh ra đã đổi mới con người cũ, khi chịu khổ hình, đã tẩy xoá tội lỗi chúng con, khi từ cõi chết sống lại, đã khai lối vào chốn trường sinh, và khi lên cùng Chúa là Cha, Người đã mở cửa Nước Trời.
Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con hát bài ca chúc tụng Chúa và không ngừng tung hô rằng:
Thánh! Thánh! Thánh! …
Ca hiệp lễ
Tv 17,3
Lạy Chúa là núi đá, là thành luỹ bảo vệ,
là Đấng giải thoát con,
lạy Thiên Chúa con thờ,
chính Ngài phù hộ con.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, xin dùng ơn thiêng của bí tích này để chữa lành và bổ dưỡng chúng con, cho chúng con thoát khỏi mọi khuynh hướng xấu và bước đi vững vàng trên con đường thánh thiện. Chúng con cầu xin. . . . .
2020
Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Mầu Nhiệm Tình Yêu
Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Mầu Nhiệm Tình Yêu
Mặc khải cho thế gian về mầu nhiệm phong phú khôn tả của chính mình, Thiên Chúa đã bày tỏ theo cách tiệm tiến, tùy theo từng cấp độ và tùy theo khả năng tiếp thu của người ta.
Chẳng ai có thể buộc Thiên Chúa phải tỏ mình, nhất là với những kẻ người không yêu, và mức độ tỏ mình nhiều hay ít, tùy theo Người yêu thương nhiều hay ít, như khi tỏ mình cho Môsê, “Đức Chúa ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là Đức Chúa. Đức Chúa đi qua trước mặt ông và xướng: “Đức Chúa ! Đức Chúa ! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6)
Do vậy, những lời của Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô thật quan trọng. Vì đó là mặc khải về chiều kích sâu xa nhất về bản tính của Thiên Chúa, đồng thời bày tỏ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong bối cảnh đức tin độc thần của người Do thái. Khi khẳng định “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”, Đức Giêsu hé lộ mầu nhiệm Người là Con Thiên Chúa – và Người Con của Thiên Chúa chính là món quà tình yêu cao cả nhất, vĩ đại nhất và thánh thiện nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng cho thế gian, một thế gian Thiên Chúa rất mực yêu thương.
Tân Ước cho thấy mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong năm biến cố chính, là truyền tin (Lc 1,26-36), Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan (Mt 4,16-17/ Mc 1,911/ Lc 3,21-22), bữa Tiệc Ly (Ga 14,16-17.26), trên thập giá (Ga 19,30) và Chúa thăng thiên (Mt 28,16-20/ Lc 24,49/ Ga 20,19-22)
Và các tông đồ, những thành phần chính yếu của Giáo hội tiên khởi đã ra đi rao giảng tin mừng Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa trong quyền năng Chúa Thánh Thần, “để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Kỷ nguyên Kitô giáo bắt đầu với việc rao giảng tin mừng như thế, và cũng kể từ đó, ơn cứu độ được đổ xuống dồi dào chứa chan trên những người tin.
Vì là những Mầu nhiệm, nên chỉ được đón nhận trong đức tin để hiểu những mặc khải, chứ không thể dùng lý trí thuần tự nhiên với các chiều kích vốn tuân thủ theo thứ logic thuộc về thế giới vật chất hữu hình này.
Đức tin và mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi bắt nguồn trong Kinh thánh và mặc khải của Đức Giêsu được Giáo hội tin nhận và rao giảng; được xác minh và giáo huấn, được định tín trong kinh Tin Kính và đã được tuyên xưng trong mọi thánh lễ, khi ban các bí tích và cầu nguyện qua các thế kỷ.
Giáo hội dạy rằng Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn gốc vũ trụ, vạn vật và con người. Tuy Ba Ngôi hoạt động chung với nhau trong mọi công trình, nhưng việc tạo dựng được qui về Chúa Cha,việc cứu chuộc về Chúa Con và việc thánh hóa về Chúa Thánh Thần.
Thiên Chúa Ba Ngôi là khuôn mẫu đời sống và đời sống Kitô hữu, vốn được tạo thành giống mầu nhiệm hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Suy niệm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, người tín hữu sẽ học được nhiều điều về chính mình, về tinh thần và cách sống hiệp thông, hiệp nhất với nhau trong tình thương, chiếu theo mẫu mực Thiên Chúa Ba Ngôi.
Thiên Chúa duy nhất, ngoài Thiên Chúa ra không có Thiên Chúa nào khác. Đó là khẳng định đức tin của cả Người Do thái lẫn người Kitô hữu. Nhưng Thiên Chúa độc nhất trong đức tin của người Công giáo, nhờ mặc khải của Con Thiên Chúa – Chúa Giêsu Kitô lại tin rằng, có Ba Ngôi. Thiên Chúa Ba Ngôi là cộng đoàn của Các Ngôi Vị, chứ không phải là cá vị đơn độc, Ba Ngôi Vị bằng nhau, sống với nhau và mỗi Ngôi Vị đều cần có Hai Ngôi Vị kia để là Thiên Chúa.
Nếu trong Thiên Chúa Ba Ngôi không có sự đồng nhất, nhưng là duy nhất trong khác biệt. Mỗi Ngôi Vị là duy nhất và cả ba đều chia sẻ chung một bản tính Thiên Chúa trong sự duy nhất hoàn toàn, thì mỗi người cũng là độc đáo duy nhất, nhưng phải cần đến nhau, trong yêu thương để phát triển thành người, để sống cho ra một con người đúng ý của Thiên Chúa.
Mỗi người trong chúng ta đều là cá nhân độc đáo duy nhất, nhưng chúng ta chia sẻ chung một cội nguồn, một bản tính và một vận mệnh chung. Là hữu thể xã hội, chúng ta cần phải tùy thuộc lẫn nhau và nhờ những tương quan với nhau mà chúng ta khám phá ra mình là ai và trở nên con người mà Thiên Chúa quan phòng muốn chúng ta phải trở thành.
Nếu Thiên Chúa Ba Ngôi là cộng đoàn tình yêu, thì Tình Yêu Thánh mà Thiên Chúa đổ vào lòng người tin cũng phải là bản sắc của cộng đoàn Kitô hữu(x.Rm 5,5). Cộng đoàn ấy trước tiên là gia đình, là cái nôi tình yêu, nơi mọi thành viên cần cắm rễ sâu và lớn lên trong tình yêu để trở nên là “hình ảnh” của Thiên Chúa Ba Ngôi.